Lục Tổ Huệ Năng:
“Huệ Năng Không Tài Nghề, Chẳng Dứt Trăm Tư Tưởng…”
Nguyễn Thế Đăng
Ở trên là hai câu đầu trong bài kệ Lục Tổ Huệ Năng khai thị nhân bài kệ của thiền sư Ngọa Luân. Câu chuyện được thuật lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ Duyên thứ 7.
“Có vị tăng đọc lại bài kệ của Thiền sư Ngọa Luân rằng:
Ngọa Luân có nghề giỏi
Dứt được trăm tư tưởng
Đối cảnh chẳng khởi tâm
Bồ đề ngày càng lớn.
Sư nghe kệ nói rằng: bài kệ ấy chưa rõ tâm địa. Nếu y theođó mà tu hành thì thêm sự trói buộc. Nhân đó khai thị một bài kệ:
Huệ Năng không tài nghề
Chẳng dứt trăm tư tưởng
Đối cảnh tâm luôn khởi
Bồ đề làm sao lớn?”
Điều nhận xét trước tiên là có những học giả - thiền giả cho rằng Thiền ưa “nói nghịch”, “nói nghịch lý”, như D. T. Suzuki trong Thiền Luận, Luận Sáu: Thiền pháp thực hành.
Bài kệ của Lục Tổ “Bồ đề bổn vô thọ…” có vẻ như “nói ngược, nói nghịch lại” bài kệ của ngài Thần Tú.
Không phải như vậy, vì dù nói cách nào Thiền cũng luôn luôn là “khai thị”, “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Trong đoạn trích ở trên, kinh cũng nói, “Lục Tổ nhân đó khai thị một bài kệ”. Nói nghịch chỉ là một loại hý luận.
Trong bài: này chúng ta tập trung vào câu “Chẳng dứt trăm tư tưởng, đối cảnh tâm luôn khởi”. Đây là vấn đề quan trọng, thậm chí quan trọng nhất của Phật giáo, vì Phật giáo là gì nếu không phải là “tự thanh tịnh ý mình” (tự tịnh kỳ ý), tức là câu thứ ba trong bài kệ Đức Thích Ca nhắc lại lời của chư Phật:
Các ác chớ làm
Các thiện vâng làm
Tự tịnh ý mình
Là lời chư Phật dạy.
Đạo Phật có câu “tâm viên ý mã” (tâm như khỉ vượn, ý như ngựa hoang), và thực hành pháp là phải thuần hóa cái tâm vượn ý ngựa này. Còn nếu để cho ý chạy lung tung thì cũng chính ý này đưa ta vào sanh tử luân hồi. Vậy thì “chẳng dứt trăm tư tưởng” phải hiểu như thế nào, để chính đó là con đường giải thoát, giác ngộ?
Trước hết cần phải hiểu là một vị thánh đã giải thoát có khởi ý tưởng, có khởi niệm không? Vị ấy có ý tưởng giờ nào đi khất thực, giờ nào trở về, giờ nào dùng bữa, giờ nào thuyết pháp, và khi thuyết pháp cần phải phù hợp với đối tượng để nói cái gì và nói thế nào hay không? Chắc chắn là vị ấy vẫn có khởi niệm, có sự chuyển động của tâm thức để sống mỗi ngày nơi đời sống thế gian này.
Có một câu chuyện, một người phỏng vấn ngồi bên cạnh ngài Krishnamurti, khi ngài đang lái xe, người ấy hỏi, “Ngài nói là ngài “vô ngã”, tại sao ngài vẫn lái xe được, vẫn biết tránh xe khác, vẫn biết đạp thắng khi đèn đỏ, vẫn biết nói chuyện khi lái xe?” Có lẽ đây là một ‘công án’ đối với người bình thường, vì chuyện bình thường của một vị thánh giải thoát thì không thể hiểu với người bình thường. Tại sao vô ngã mà vẫn sống ở đời, vẫn có hoạt động của thân, khẩu, ý, mà không phải là một bộ máy được lập trình sẳn, không thay đổi, không biết đáp ứng với hoàn cảnh thay đổi.
Chúng ta phải hiểu “chẳng dứt trăm tư tưởng, đối cảnh tâm luôn khởi” như thế nào. Phần đầu chúng ta sẽ tìm hiểu theo lời giảng dạy của Lục Tổ trong Pháp Bảo Đàn Kinh, và phần thứ hai theo những thành tựu giả của truyền thống Ấn Tạng.
1/ Theo Lục Tổ
Tánh Không không phải là không có gì cả, một “cái không vô ký”:
“Thiện tri thức! Chớ nghe ta nói Không bèn bám chấp không. Thứ nhất chớ bám chấp không, nếu tâm trống không mà ngồi yên lặng, tức là bám chấp vào cái không vô ký.
Thiện tri thức! Hư không thế giới bao hàm vạn vật sắc tướng, mặt trời mặt trăng, tinh tú, núi sông, đất đai, suối khe, cây cỏ, rừng rú, người thiện, người ác, sự thiện sự ác, thiên đường địa ngục, biển lớn, các núi Tu di, tất cả đều ở trong cái Không. Tánh Không của người đời cũng lại như vậy”.
(Phẩm Trí huệ, thứ hai)
Đây là điều Bát nhã Tâm kinh nói: “Sắc tức là Không, Không tức là sắc”, chứ chẳng phải trong Không không có sắc, không có gì cả.
“Tánh Không của người đời cũng lại như vậy”: bản tánh hay tự tánh của con người là tánh Không. Khi nói đến pháp môn chỉ thẳng tự tánh ngài xác định tự tánh tánh Không là Vô niệm, Vô tướng, Vô trụ:
“Thiện tri thức! Pháp môn xưa nay của ta trước hết lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụlàm gốc”.
(Phẩm Định Huệ, thứ tư)
Như vậy, tự tánh con người, bản tánh của tâm, là tánh Không, vô niệm, vô tướng, vô trụ.
Vô niệm không nên hiểu đơn sơ là không có niệm, không có ý nghĩ. Trái lại vô niệm mang một ý nghĩa tích cực sinh động phi thường, vì vô niệm chính là trí huệ bát nhã:
“Thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu, trong ngoài sáng suốt, biết bản tâm mình. Nếu rõ bản tâm tức là vốn giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát nhã tam muội. Bát nhã tam muội tức là vô niệm.
Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy biết tất cả pháp mà tâm chẳng nhiễm dính, đó là vô niệm. Dùng thì khắp tất cả chỗ, mà cũng chẳng dính bám chỗ nào. Chỉ là bản tâm thanh tịnh, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở trong sáu trần không nhiễm, không tạp, đến đi tự do, dùng suốt thông không trệ, tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm.
Nếu trăm vật chẳng nghĩ đến, khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, gọi là biên kiến.
Thiện tri thức! Ngộ pháp vô niệm thì muôn pháp suốt thông. Ngộ pháp vô niệm thì thấy cảnh giớichư Phật. Ngộ pháp vô niệm thì đến địa vị Phật”.
(Phẩm Trí huệ, thứ hai)
Vô niệm không phải là “trăm vật chẳng nghĩ đến, khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, gọi là biên kiến”. Vô niệm là bản tánh Không của tâm, là nền tảng Không của tâm, trên đó có sự hoạt động của thức nơi các căn, các trần, tức là hoạt động của niệm: “Chỉ là bản tâm thanh tịnh, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở trong sáu trần không nhiễm tạp, đến đi tự do, dùng suốt thông không trệ, tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm”.
Vô niệm không phải là không có pháp, không có các hiện tượng, mà là “muôn pháp suốt thông”
Thức hoạt động, có khởi niệm nhưng vẫn suốt thông, không chướng ngại bởi ngã và pháp. Sự hoạt động, sanh khởi trên nền tảng tánh Không vô sanh của tâm, nên động mà không động, khởi mà không khởi, sanh mà không sanh. Niệm là niệm của bản tâm, của tự tánh, mà bản tâm tự tánh là vô niệm, vô tướng, vô trụ, nghĩa là vốn giải thoát, nên niệm cũng giải thoát.
Hơn nữa, đối với người thấy tánh, thấy bản tánh của tâm, thấy thật tướng của niệm, thì niệm chẳng phải là sai lầm, chẳng phải là tội lỗi gì, vì niệm chính là sự khởi dụng của Chân Như.
“Thiện tri thức! Vô là không có sự gì? Niệm là niệm cái gì? Vô là không có hai tướng, không có tâm trần lao. Niệm là niệm bản tánh Chân Như. Chân Như là thể của niệm, niệm là dụng của Chân Như.
Tự tánh Chân Như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi có thể niệm được. Chân Như có tánh do đó mới có niệm khởi. Nếu Chân Như không có thì mắt tai sắc thanh liền tiêu hoại ngay.
Thiện tri thức! Tự tánh Chân Như khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe hay biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh vẫn hằng tự tại.
Thế nên kinh nói: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp mà trong đệ nhất nghĩa chẳng động”.”
(Phẩm Định Huệ, thứ tư)
Khi đã nhận biết tự tánh Chân Như và an trụ vững vàng trong đó, người ta sẽ biết cái dụng của tự tánh Chân Như, tức là “tự tánh Chân Như khởi niệm”. Khi ấy khởi niệm chính là Chân Như khởi niệm. Sóng có khởi, nhưng sóng ấy vẫn là nước của đại dương. Khi ấy người ta thấy thức không còn là thức mà là trí; thức phân biệt chính là trí vô phân biệt.
Điều này được xác quyết trong câu chuyện đối đáp giữa sư Huyền Giác và Lục Tổ:
“Huyền Giác cùng Huyền Sách đến tham vấn, đi nhiễu Tổ ba vòng, rồi chống tích trượng mà đứng.
Sư nói: Phàm là sa môn thì phải đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, đại đức từ phương nào đến đây mà sanh ngã mạn lớn vậy?
Huyền Giác bạch: Sanh tử là việc lớn, vô thường thì nhanh chóng.
Sư nói: Sao chẳng thể hội vô sanh, rõ không nhanh chóng?
Huyền Giác bạch: Thể hội tức vô sanh, thấu rõ vốn không nhanh chóng.
Sư nói: Như vậy, như vậy.
Huyền Giác bèn đủ oai nghi lễ lạy, rồi một lát xin cáo từ.
Sư nói: Trở về nhanh chóng vậy?
Bạch: Vốn tự chẳng động, có gì là nhanh chóng?
Sư nói: Ai biết chẳng động?
Bạch: Nhân giả tự sanh phân biệt.
Sư nói: Ông rất đắc cái ý vô sanh.
Bạch: Vô sanh há có ý sao?
Sư nói: Không có ý thì cái gì đang phân biệt?
Bạch: Phân biệt cũng chẳng phải ý.
Sư nói: Hay thay! Hãy ở lại đây ít ra một đêm.
Lúc bấy giờ gọi là Một Đêm Giác. Về sau có làm Chứng Đạo Ca, thịnh hành trong đời. Được sắc phong là Vô Tướng đại sư, đương thời xưng là Chân Giác”
“Phân biệt cũng chẳng phải ý”, tức là thức phân biệt chính là trí vô phân biệt. Nói theo Tông Duy Thức, thì đây là sự “chuyển thức thành trí” rốt ráo. Thật tướng của thức chính là trí, niệm khởi của thức chính là Chân Như.
2/ Theo truyền thống Ấn Độ - Tây Tạng
Ở đây chỉ trích dẫn một số câu để nói lên sự tương đồng mà không giải thích.
- Đại thành tựu giả Ấn Độ Tilopa, vị khai sáng tông phái thực hành Kagyu, nói:
“Không phải các hình tướng bên ngoài trói buộc con, mà chính sự bám luyến bên trong vào hình tướng trói buộc con”.
- Bài nguyện Đại Ấn của Karmapa thứ ba Rangjung Dorje (1284-1339) nói:
Mọi hiện tượng là trò phô diễn như huyễn của tâm
Tâm vốn không có tâm - trống không mọi thực thể
Không mà không diệt, biểu lộ như bất cứ sự gì
Chứng ngộ rốt ráo điều này, nguyện cắt đứt gốc rễ của nó.
Không chứng ngộ cái này, lưu chuyển mãi biển sanh tử luân hồi.
Chứng ngộ nó, Phật quả không ở đâu khác
Nó hoàn toàn không có “như thế này” hay “như thế kia”
Nguyện thấy điểm cốt yếu này của nền tảng tất cả, bản tánh của mọi sự.
Thấy biết là tâm, trống không cũng là tâm.
Thấu rõ là tâm, mê lầm cũng là tâm
Sanh khởi là tâm, diệt mất cũng là tâm
Nguyện cắt đứt mọi nghi ngờ về tâm…
Patrul Rinpoche, vị thầy Tây Tạng phái Nyingma viết trong Giáo lý Đặc biệt của đức Vua Thông tháivà Vinh Quang để giảng Ba Lời Tuyên Bố của Garab Dorje (Những Chữ Vàng, nxb Thiện Tri Thức, 2002):
III
Vào lúc đó, bất cứ tham hay sân, bất cứ vui hay buồn,
Bất cứ tư tưởng lan man nào thình lình khởi lên,
Trong trạng thái nhận biết chúng, người ta không theo chúng.
Từ đó người ta nắm giữ sự nhận biết Pháp thân về mặt giải thoát,
Bấy giờ giống như vẽ hình trên mặt nước,
Không có sự cách hở giữa tự - sanh khởi (của những tư tưởng) và tự - giải thoát của chúng.
Bất cứ cái gì khởi lên trong tâm đều thành thực phẩm cho tánh Giác rỗng không trần trụi;
Khi nào những chuyển động của tư tưởng xảy ra, chúng tiêu biểu năng lực sáng tạo của vua Pháp thân;
Không để lại dấu vết, những tư tưởng này là tự - tịnh hóa.
A-la-la!
Không sanh, không căn cứ, và hợp nhất, một bài ca kim cương của Milarepa, (trích Những Bài ca của tông phái thực hành, nxb Thiện Tri Thức, 2018)
Thật tánh của những xuất hiện là chúng không bao giờ sanh
Nếu sanh có vẻ xảy ra thì đó chỉ là bám nắm, không gì hơn
Bánh xe quay của hiện hữu không có một căn cứ hay gốc rễ
Nếu có một căn cứ hay gốc rễ, đó chỉ là một ý tưởng.
Thật tánh của tâm là hợp nhất, không thể chia tách
Nếu bạn chia tách những phương diện của nó,
bạn bị mắc vào cái thấy nào đó
Dấu hiệu của những lama chân thật là họ nắm giữ một dòng phái
Những người nhồi nhét kiến thức chỉ là những kẻ câm.
Thực tại nền tảng của tâm thì giống như bầu trời sáng tỏ và rộng mở
Nhưng những đám mây đen tư tưởng che phủ tất cả
Thế nên hãy để lời khuyên cốt lõi của lama
Là ngọn gió thổi tan chúng.
Dù những tư tưởng mê lầm, chính chúng là tịnh quang chiếu soi sáng rỡ
Những kinh nghiệm rực rỡ như mặt trời mặt trăng
Không phương hướng, sáng tỏ chiếu sáng, không thời gian
Bạn không thể tìm thấy nó, nên bạn không thể nói nó là gì.
Rất nhiều loại xác quyết chiếu sáng như sao trên trời
Bất cứ gì sanh khởi là lạc vĩ đại nhất
Bản tánh của nó là đơn giản, sự trải rộng của Pháp thân
Sáu xuất hiện duyên sanh là trống không tự nhiên.
Dòng tự nhiên này là không cố gắng,
không có một phiền não nào được nhìn thấy
Trong trạng thái nền tảng này, hãy hoàn toàn thư giãn
Trí huệ không chỗ trụ thường trực hiện diện
Ba thân không thể chia tách - phép lạ vĩ đại nhất!
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng