Thích Nhất Hạnh
Đạo Tràng Mai Thôn 2011
Kinh Buông Bỏ Khổ Lạc Và Nhiễm Tịnh
(Ma Kiệt Phạm Chí Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ tư, Đại Tạng Tân Tu 198
(tương đương với Suddhatthaka Sutta, Sutta-Nipàta 788-795)
Bối Cảnh
Kinh này là kinh Ma Kiệt Phạm Chí. Khung cảnh dựng lên: Có một vị phạm chí tên là
Ma Kiệt (Màgadha) qua đời trong khi giảng dạy. Đệ tử làm tang lễ cho vị
ấy, rước thi hài vị phạm chí qua các ngả đường thành phố Xá Vệ. Người ta tin rằng ai thấy được hình hài vị phạm chí ấy thì được giải thoát, dù
là chỉ thấy được hình hài ấy sau khi ông ta chết. Các thầy khất sĩ của Bụt về báo cáo lại chuyện này và Bụt đã dạy kinh Ma Kiệt Phạm Chí.
1. “Tôi
đã được chuyển hóa và trị liệu.” Có kẻ tin rằng hễ thấy được (bốn) sự thật thì mình tự nhiên được tịnh hóa. Những kẻ tin rằng cái kiến thức mình có chính là cái chuyển hóa và trị liệu, những kẻ ấy chưa thực sự chứng nhập được khổ đế và tập đế.
2. Có kẻ mới gặp được một bậc hảo nhân mà nghĩ là mình đã được tịnh hóa, đã có tuệ giác, đã hành trì xong, đã lìa xa được khổ nạn, đã trừ bỏ được xấu ác, đã thấy được con đường thanh tịnh, những người như thế cần phải đoạn trừ cái sở kiến của mình thì mới có thể thực sự đi vào được sự tịnh hóa chân chính.
3. Giải
thoát không phải là do mình tiếp nhận được một cái gì từ người khác, hoặc từ những cái mình thấy, mình nghe hoặc những giới cấm và nghi lễ mà
mình tiếp thọ. Vị sa môn chân chính không bị kẹt vào ý niệm tội và phước, vị ấy đã đoạn trừ được tất cả mọi ý niệm và không bao giờ tự khen
mình.
4. Buông bỏ cái đã qua, không tưởng nhớ đến cái sắp
tới. Bước đi trong hiện tại, vượt qua bốn dòng lũ lụt: dục hải, hữu hải, kiến hải và vô minh hải. Vị sa môn cứ một đường thẳng mà đi tới, không bị kẹt vào ý niệm khổ. Bởi vì biết rằng còn có sở niệm thì tâm mình còn bị ràng buộc!
5. Vị ấy luôn đề cao cảnh giác, nắm
vững giới luật mà đi, và trong khi đi, nếu ý niệm về khổ kia phát sinh thì nên lập tức buông bỏ và từ từ đi vào công phu hành trì. Hành trì ở đây có nghĩa là thực sự quán chiếu và thẩm sát, và không có nhu yếu thuyết giảng bằng những lời kiểu cách.
6. Vị ấy đối với tất cả các pháp, không còn có nghi ngờ gì nữa. Với những gì thấy và nghe, vị ấy thường làm phát khởi chánh niệm để nhận diện. Vị ấy là kẻ đã
thực sự nghe và thấy được (bốn) sự thật, là kẻ có nền tảng và năng lượng của sự hành trì, là kẻ không còn tạo tác nghiệp thế gian và không còn bị kéo theo sáu đối tượng của giác quan nữa.
7. Không thắc mắc về những tiện nghi cho riêng mình, không thắc mắc về việc
nguời ta có tôn kính mình hay không, cũng không cần thắc mắc là mình đã
có sự tịnh hóa hoàn toàn hay chưa, người đạt đạo cắt đứt được mọi ý niệm về ân và về oán, không còn vướng mắc vào một chủ thuyết nào và cũng
không còn theo đuổi một dự án nào nữa trong thế gian.
8. Một
người như thế là một bậc chân tu, không còn nắm giữ gì cho mình nữa cả.
Những gì người ấy thấy và nghe, người ấy đều không bị vướng mắc. Người ấy không còn thấy có gì là ô nhiễm hoặc không ô nhiễm, không còn thấy có
gì là tịnh hay bất tịnh.
Đại Ý
Kinh này cũng chỉ có tám bài kệ. Bụt dạy ta phải buông bỏ không những mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ mà phải buông bỏ luôn các ý niệm về khổ vui, tội phúc, ân oán và nhiễm tịnh. Kinh này nối tiếp được kinh thứ ba trước đây
một cách rất liên tục và nhất trí.
Có người mới gặp được một bậc
minh sư hay nghe được giáo lý mầu nhiệm của vị ấy thì đã có cảm giác là
cuộc đời mình đã thay đổi, mình đã được trị liệu và chuyển hóa. Sự thực
là mình chỉ mới đi tới giai đoạn thấy đạo (kiến đạo). Mình phải đi qua các giai đoạn tu đạo và chứng đạo nữa thì mình mới thực sự có chuyển hóa
và trị liệu. Nếu không mình chỉ bám lấy cái ý tưởng là mình đã có thầy,
đã có con đường, và cho như vậy là đủ.
Có những người sau khi nghe về diệu đế thứ nhất là khổ thì bị vướng vào đấy và nghĩ rằng khổ là
chân lý tuyệt đối, mình phải tự nhắc đi nhắc lại “đời là khổ”. Thái độ giáo điều ấy khiến cho họ không đi tới được. Diệu đế thứ ba là diệt, nghĩa là sự vắng mặt của khổ đau, đồng thời cũng có nghĩa là sự có mặt của hạnh phúc, người ấy không thấy được như thế. Theo đúng tinh thần của
kinh, không những ta phải buông bỏ ý niệm về khổ mà cũng phải buông bỏ ý
niệm về hết khổ. Cái hết khổ không còn ám ảnh ta được thì cái khổ cũng không thể nào ám ảnh ta.
Giải thoát là cái tự do mình đạt được khi có khả năng buông bỏ. Không phải là cái mình tiếp nhận từ bên ngoài hay từ một vị đạo sư. Cái thấy cái hiểu của mình về giáo lý, cả những giới cấm và nghi lễ mình đang hành trì cũng không phải là giải thoát. Và
vì vậy các ý niệm tội phúc, nhiễm tịnh, ân oán mình cũng buông bỏ được.
Đây đã là sự hình thành của giáo lý Bát Nhã: không nhơ không sạch, không thêm không bớt, không khổ không lạc, không tội không phước.
Bài kệ 1
Ngã kiến tịnh vô hữu bệnh 我 見 淨 無 有 病
Tín kiến đế cập tự tịnh 信 見 諦 及 自 淨
Hữu tri thị tất khả độ 有 知 是 悉 可 度
khổ đoạn tập chứng tiền phục 苦 斷 習 證 前 服
Bài kệ 2
Kiến hảo nhân dĩ vi tịnh 見 好 人 以 為 淨
Hữu tuệ hành cập ly khổ 有 慧 行 及 離 苦
Hiệt trừ hung kiến tịnh kính 黠 除 凶 見 淨 徑
Đoạn sở kiến chứng chí tịnh 斷 所 見 證 至 淨
Bài kệ 3
Tùng dị đạo vô đắc thoát 從 異 道 無 得 脫
Kiến văn trì giới hạnh độ 見 聞 持 戒 行 度
Thân bất ô tội diệc phước 身 不 污 罪 亦 福
Tất dĩ đoạn bất tự dự 悉 已 斷 不 自 譽
Bài kệ 4
Tất khí thượng mạc niệm hậu 悉 棄 上 莫 念 後
Hữu thị hành độ tứ hải 有 是 行 度 四 海
Trực hành khứ mạc niệm khổ 直 行 去 莫 念 苦
Hữu sở niệm ý tiện phược 有 所 念 意 便 縛
Bài kệ 5
Thường giác ý thủ giới hạnh 常 覺 意 守 戒 行
Tại thượng hành tưởng bỉ khổ 在 上 行 想 彼 苦
Niệm bổn niệm sảo nhập hành 念 本 念 稍 入 行
Bất kiểu ngôn thẩm hữu hiệt 不 矯 言 審 有 黠
Bài kệ 6
Nhất thiết pháp vô hữu nghi 一 切 法 無 有 疑
Chí kiến văn diệc sở niệm 至 見 聞 亦 所 念
Đế kiến văn hành lực căn 諦 見 聞 行 力 根
Thùy tác thế thị lục suy 誰 作 世 是 六 衰
Bài kệ 7
Bất niệm thân bất niệm tôn 不 念 身 不 念 尊
Diệc bất nguyện hành chí tịnh 亦 不 願 行 至 淨
Ân oán đoạn vô sở trước 恩 怨 斷 無 所 著
Đoạn thế nguyện vô sở trước 斷 世 願 無 所 著
Bài kệ 8
Vô sở hữu vi phạm chí 無 所 有 為 梵 志
Kiến văn pháp tiện trực thủ 見 聞 法 便 直 取
Dâm bất dâm trước ô dâm 婬 不 婬 著 污 婬
Dĩ vô thị đương trước tịnh 已 無 是 當 著 淨