Thích Nhất Hạnh
Đạo Tràng Mai Thôn 2011
Kinh Buông Bỏ Nắm Bắt
(Pháp Quán Phạm Chí Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, Kinh thứ 12, Đại Tạng Tân Tu 198
(tương đương với Mahàviyùha Sutta,Sutta-Nipàta 895-914)
Bối cảnh
Đây là kinh Pháp Quán Phạm Chí. Khung cảnh dựng lên cho kinh cũng giống như khung cảnh của kinh thứ mười một: Trong pháp hội lớn tại thành Ca Tỳ La Vệ có 500 vị khất sĩ tham dự, có cả sự có mặt của các thiên thần, địa thần mười phương, và bốn vị thiên vương, vị Phạm Chí Pháp Quán có mặt đang nghi ngờ về đạo lý duyên khởi, cho nên nhân đó Bụt nói kinh này.
1. Khi đã bị kẹt vào cái thấy của mình rồi thì người ta ưa tuyên bố: “đây mới thật là chân lý.” Cái xảy ra sau đó hoặc là bị mọi người chống đối, hoặc được mọi người khen ngợi.
2. Ít ai biết hổ thẹn về cái thấy còn thiếu sót của mình. Ít
ai thấy rằng tranh cãi thường đưa tới một trong hai hậu quả ấy (một là hơn, một là thua). Vậy ta nên nhổ tận gốc cái ý muốn tranh cãi để thực tập mà đạt cho tới cái bình an, nơi đó không còn (nhu yếu) tranh cãi nữa.
3. Tất cả các pháp đều có thể tính bình đẳng, giống như mặt đất. Chưa nếm trải được điều đó thì phải tìm cách thực chứng cho được. Nếu không thấy được cái nền tảng bình đẳng ấy thì làm sao có thể sống chung an lạc với nhau? Và làm sao để những gì mình thấy, nghe và nói không đem lại tranh chấp?
4. Ham được người ta khen ngợi là nguyên nhân khiến cho kẻ khác không ưa thích mình. Kẹt vào những gì mình thấy và nghe, vướng vào nhận thức và lề thói tranh chấp lưỡng nguyên, những kẻ này ai có thể giúp cho họ sáng mắt ra được? Ái dục chưa được đoạn trừ, những kẻ ấy sẽ phải còn tiếp tục trong vòng luân hồi sinh tử.
5. Nghĩ rằng sử dụng những cấm giới và nghi lễ mà mình đang
hành trì sẽ đem lại cho mình sự thanh tịnh, nghĩ rằng mình đã khám phá và nắm được chân lý, người kia chưa thực sự đạt tới tịnh hóa, người ấy chỉ có chủ tâm gặt hái tiếng ngợi khen của thế gian
6. Không có tuệ giác mà đi tìm sự hành trì, đó là nguyên nhân đưa tới bao lầm lỡ, cũng như đi tìm sự thanh tịnh nơi sự học hỏi các chủ thuyết thì tự mình đánh mất giáo nghĩa chân thật và tiếp tục đi vào cái khổ của sinh tử.
7. Không nỗ lực trong công phu hành trì thật sự, khi mà cái hiểu và cái làm chỉ còn nằm trong phạm vi tư duy, thì người ta không thể chấm dứt được sinh tử luân hồi. Tuệ giác đối với người ấy chỉ là những lý thuyết.
8. Buông bỏ tất cả những lễ nghi và cấm giới, buông bỏ tất cả mọi ý niệm về tội và phúc, thanh tịnh và ô nhiễm, lúc đó vị hành giả mới không còn bị vướng vào những lo lắng u sầu về vấn đề thanh tịnh và nhiễm ô.
9. Nói rằng tu theo phép này là tốt nhất, và ai không tu tập theo
phép này đều là những người đang lầm đường, những người đã đi lạc quá xa, nói như thế thì sẽ gây tranh chấp biến loạn. Ai cũng chỉ nhân danh chân lý để đi tìm kiếm chút lợi danh trong cuộc đời.
10. Cho giáo lý của mình là toàn hảo, và các giáo lý khác đều còn thô lậu và có nhiều khiếm khuyết, không có giáo lý nào so được với giáo lý của mình, đó là lý do sinh ra tranh chấp và thù oán. Ai cũng có khuynh hướng muốn nói rằng cái thấy và cái hành trì của mình là cách thức duy nhất giữ cho
mình không bị sa đọa vào ô nhiễm.
11. Ai cũng cho chủ thuyết của mình là hay nhất, không có giáo pháp nào có lợi lạc bằng, không có nguồn tuệ giác nào khác có thể đem tới sự tịnh hóa như nguồn tuệ giác của mình. Chính vì thế mà người ta bị kẹt cứng vào cái chủ thuyết của chính mình không thoát ra được.
12. Mỗi người tự tôn sùng cái chủ thuyết của mình, cho đó là điểm cao nhất của sự học hỏi, đã từng được chính bậc đạo sư đích thân diễn giải. Sự thật là chủ thuyết kia chỉ là một lý thuyết suông, không phải là một pháp môn thực tập. Trong khi đó, sự tịnh hóa chỉ có thể xảy ra khi người
ta hết lòng hành trì.
13. Kẻ này nói sự thật là cái này, kẻ kia nói sự thật là cái
kia, và cái thấy nào cũng có thể là đúng, cũng có thể là sai. Nhưng một
khi đã bị kẹt vào cái thấy của mình rồi thì người ta dễ gây thù oán với
kẻ khác. Lý do là khi mình đã cố chấp cho cái thấy của mình là cao nhất
thì mình luôn luôn nói giọng tự cao tự đại.
14. Chấp nhận và vướng vào một chủ thuyết, cho rằng nhờ đó mà mình đã được giải thoát, tâm ý tuy có tin tưởng vào điều này nhưng trên thực tế chẳng có cái giải thoát thực sự nào xảy ra cả. Lý do là tại mình chỉ biết nói cho hay, và cái chủ thuyết kia chưa bao giờ đem lại sự giải thoát cho mình cả.
15. Hãy quán sát người đời đang kẹt vào tâm (ý niệm) và vật,
đang lấy trí năng của họ để tìm hiểu về hai cái ấy. Dù ta có tìm hiểu được bao nhiêu về hai cái ấy thì cũng không phải nhờ thế mà ta được thanh tịnh và chuyển hóa.
16. Có được một pháp môn thực tập có công năng đưa tới tuệ giác thì mình không còn bị hệ lụy (vào bất cứ một chủ thuyết nào). Cái thấy và cái biết (của mình), mình cũng không bị vướng mắc vào đó. Không đi tìm cái khuyết điểm của người, chỉ lo hành trì cho đúng pháp, người hành
giả vượt qua mọi tranh cãi, không chấp nhận tham dự vào bất cứ một cuộc
tranh cãi nào.
17. Thực tập quán chiếu cho đến nơi đến chốn, không đi theo một học thuyết nào, không chấp chặt một ý thức hệ nào, như
đóng chặt tất cả các cánh cửa để phòng ngự mọi tham đắm, người hành giả
chỉ thực tập quán chiếu mà không đi tìm những lý thuyết hấp dẫn kỳ lạ.
18. Bậc Mâu Ni đã buông bỏ được tất cả những gì mà người đời thường hay nắm bắt, không còn lận đận với sở thủ và sở sinh (đối tượng nắm bắt và đối tượng trở thành). Vị ấy không chọn lựa một quan điểm hay đi theo một phe phái nào trong những cuộc tranh chấp và cảm thấy thanh thản tự tại giữa đám quần chúng phàm tục đang buồn khổ và oán ghét nhau.
19. Đã buông bỏ những ham muốn ngày xưa, và không đang xây dựng một ham muốn mới nào, vị ấy không còn cầu mong gì nữa, và do đó sẽ không còn
vướng bận gì nữa. Vị ấy đã thoát ra khỏi mọi tín ngưỡng sai lạc, đã dũng mãnh bước qua, đã vượt thoát thời gian, đi vào kiếp ngoại.
20. Vị ấy không còn nghi nan gì nữa đối với tất cả các chủ thuyết, không còn bị kẹt vào bất cứ một cái gì đã nghe, đã thấy và đã nghĩ. Sau khi buông bỏ được gánh nặng, vị Mâu Ni đã thực sự giải thoát, không còn mong mỏi một cái gì nữa cả, hoặc cho quá khứ hoặc cho tương lai.
Đại Ý
Kinh này nối tiếp đề tài kinh thứ mười một và cũng nói về những tai hại do sự nắm bắt chân lý gây ra. Nhưng kinh cũng đưa ta đi xa hơn.
Người xuất sĩ phải quyết tâm diệt trừ ái dục, đừng để vướng vào nhận thức lưỡng nguyên và tranh chấp lưỡng nguyên. Đừng để thì giờ đi tìm và gặt hái tiếng khen ngợi của thế gian. Đó là tinh yếu của các bài thi kệ thứ tư và thứ năm của kinh. Muốn vượt thoát cái thấy nhị nguyên, phải quán chiếu về tính bình đẳng của vạn pháp để thấy được ta trong người, người trong ta, cái này trong cái kia, cái kia trong cái này. Chứng nghiệm được thể tính bình đẳng của vạn pháp sẽ không còn nhu yếu tự hào và tranh cãi. Đừng vướng vào bất cứ một chủ thuyết nào, một tư kiến nào, vì tất cả đều là lý thuyết suông, không phải là pháp môn thực tập. Không có công năng giúp ta chuyển hóa và trị liệu. Đó là thông điệp của bài thi kệ thứ mười hai.
Vị mâu ni là người buông bỏ được mọi nắm bắt bởi vì vị ấy thấy được chân lý không phải là một đối tượng có thể nắm bắt. Vị mâu ni cũng không mong cầu trở thành, bởi vì thấy được rằng không có đối tượng trở thành. Cũng như sóng đã là nước, sóng không cần đi tìm để nắm bắt nước, để trở thành nước. Vị mâu ni buông bỏ mọi trông cầu, dù là trông cầu vượt thoát sinh tử. Bởi vì vị ấy đã thoát ra khỏi mọi tín ngưỡng sai lạc, trong đó có ý niệm kiếp này và kiếp sau. Bởi vì vị ấy đã thoát ra được ý niệm thời gian, đi vào kiếp ngoại. Đây là chất liệu của giáo lý buông bỏ bốn ý niệm ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả của kinh Kim Cương và giáo lý thọ mạng vô lượng của kinh Pháp Hoa sau này.
Vị mâu ni là người đã buông bỏ được mọi gánh nặng, nhất là gánh nặng trông cầu.
Bài kệ 1
Như nhân duyên kiến hữu ngôn 如 因 緣 見 有 言
Như dĩ thủ tất thuyết thiện 如 已 取 悉 說 善
Nhất thiết bỉ ngã diệc khinh 一 切 彼 我 亦 輕
Diệc hoặc trí tại thiện duyên 亦 或 致 在 善 緣
Bài kệ 2
Thiểu tự tri hữu tàm tu 少 自 知 有 慚 羞
Tranh biến bổn thuyết lưỡng quả 諍 變 本 說 兩 果
Kiến như thị xả biến bổn 見 如 是 捨 變 本
Nguyện quán an vô biến xứ 願 觀 安 無 變 處
Bài kệ 3
Nhất thiết bình diệc như địa 一 切 平 亦 如 地
Thị vị thường đương kiến đẳng 是 未 嘗 當 見 等
Bổn bất đẳng tùng hà đồng 本 不 等 從 何 同
Kiến văn thuyết mạc tác biến 見 聞 說 莫 作 變
Bài kệ 4
Ỷ trước thị chúng khả ác 猗 著 是 眾 可 惡
Khả kiến văn diệc sở niệm 可 見 聞 亦 所 念
Vũ xuất tịnh thùy vi minh 雨 出 淨 誰 為 明
Ái vị trừ thân phục thân 愛 未 除 身 復 身
Bài kệ 5
Dĩ giới nhiếp sở phạm tịnh 以 戒 攝 所 犯 淨
Hành đế tường dĩ cụ trú 行 諦 祥 已 具 住
Ư thị ninh kinh chí tịnh 於 是 寧 經 至 淨
Khả khủng thế tại thiện thuyết 可 恐 世 在 善 說
Bài kệ 6
Dĩ ly đế cánh cầu hành 已 離 諦 更 求 行
Tất tùng tội nhân duyên thọ 悉 從 罪 因 緣 受
Diệc như thuyết lực cầu tịnh 亦 如 說 力 求 淨
Tự nghĩa thất sanh tử khổ 自 義 失 生 死 苦
Bài kệ 7
Hành lực cầu diệc bất thuyết 行 力 求 亦 不 說
Nhãn như hành diệc tư duy 眼 如 行 亦 思 惟
Tử sanh vô tận tùng thị 死 生 無 盡 從 是
Như thị tuệ diệc như thuyết 如 是 慧 亦 如 說
Bài kệ 8
Giới bỉ hành nhất thiết xả 戒 彼 行 一 切 捨
Tội diệc phước xả viễn khứ 罪 亦 福 捨 遠 去
Tịnh diệc cấu bất niệm giác 淨 亦 垢 不 念 覺
Vô triêm ô tịnh ai thọ 無 沾 污 淨 哀 受
Bài kệ 9
Tu thị pháp độ bỉ nhất 修 是 法 度 彼 一
Thuyết vô hành vi viễn khi 說 無 行 為 遠 欺
Thọ như thị tiện tăng biến 受 如 是 便 增 變
Các nhân đế thế tà lợi 各 因 諦 世 邪 利
Bài kệ 10
Tự sở Pháp tiện xưng cụ 自 所 法 便 稱 具
Kiến bỉ Pháp cật vi lậu 見 彼 法 詰 為 漏
Vô đẳng hành chuyển tướng oán 無 等 行 轉 相 怨
Tự kiến hành bất tùy ô 自 見 行 不 隨 污
Bài kệ 11
Phàm sở thuyết hiệt đại khủng 凡 所 說 黠 代 恐
Vô ư pháp hữu sở ích 無 於 法 有 所 益
Vô tuệ chúng dị thuyết tịnh 無 慧 眾 異 說 淨
Sở hệ trước trú các kiên 所 繫 著 住 各 堅
Bài kệ 12
Các tôn Pháp như văn chỉ 各 尊 法 如 聞 止
Diễn như giải tự sư thuyết 演 如 解 自 師 說
Vô Pháp hành đãn hữu ngôn 無 法 行 但 有 言
Bỉ sở tịnh nhân nhất tâm 彼 所 淨 因 一 心
Bài kệ 13
Ngôn như thị bỉ diệc thuyết 言 如 是 彼 亦 說
Nhất sở kiến tùng tịnh đọa 一 所 見 從 淨 墮
Tiện tự kiến oán sở tác 便 自 見 怨 所 作
Tọa thắng tuệ tự đại thuyết 坐 勝 慧 自 大 說
Bài kệ 14
Sở nhiếp trước cầu tiện thoát 所 攝 著 求 便 脫
Niệm sở tín vô sở trú 念 所 信 無 所 住
Bổn sở nhân tại hảo thuyết 本 所 因 在 好 說
Tịnh hạnh tại bỉ vị trừ 淨 行 在 彼 未 除
Bài kệ 15
Quán thế nhân kiến danh sắc 觀 世 人 見 名 色
Dĩ kỳ trí như thọ tri 以 其 智 如 受 知
Dục kiến đa thiểu ngã hữu 欲 見 多 少 我 有
Bất tùng thị thiện tịnh hữu 不 從 是 善 淨 有
Bài kệ 16
Hữu tuệ hành lụy vô hữu 有 慧 行 累 無 有
Tri diệc kiến chánh dĩ thủ 知 亦 見 正 以 取
Kiến vô quá thị pháp hành 見 無 過 是 法 行
Độ thị loạn bất cánh thọ 度 是 亂 不 更 受
Bài kệ 17
Tuệ ý đáo vô sở chí 慧 意 到 無 所 至
Bất kiến kiên thức sở giác 不 見 堅 識 所 覺
Như quan bế chế sở trước 如 關 閉 制 所 著
Đãn hành quán vô thủ dị 但 行 觀 無 取 異
Bài kệ 18
Tôn đoạn thế sở thọ thủ 尊 斷 世 所 受 取
Thủ dữ sanh bất ưng kiên 取 與 生 不 應 堅
Tĩnh diệc loạn tại quán xả 靜 亦 亂 在 觀 捨
Tại thị ác ai phàm nhân 在 是 惡 哀 凡 人
Bài kệ 19
Khí cố thành tân bất tạo 棄 故 成 新 不 造
Vô sở dục hà sở trước 無 所 欲 何 所 著
Thoát tà tín dũng mãnh độ 脫 邪 信 勇 猛 度
Tất dĩ thoát thế phi thế 悉 已 脫 世 非 世
Bài kệ 20
Nhất thiết pháp vô sở nghi 一 切 法 無 所 疑
Tất kiến văn diệc hà niệm 悉 見 聞 亦 何 念
Xả trọng đảm tôn chánh thoát 捨 重 擔 尊 正 脫
Bất nguyện quá thường lai kiến 不 願 過 常 來 見