- Lời giới thiệu - Lời người dịch
- Chương 1: Dẫn nhập
- Chương 2: Phương pháp luận trong tư tưởng Phật giáo
- Chương 3: Gia đình
- Chương 4: Hội nhập xã hội
- Chương 5: Phân tầng xã hội
- Chương 6: Phụ nữ và xã hội
- Chương 7: Học thuyết chính trị trong truyền thống Phật giáo
- Chương 8: Nền kinh tế Phật giáo
- Chương 9: Phật giáo và giáo dục
- Chương 10: Tội phạm và kiểm soát hành vi xã hội
- Chương 11: Phật giáo đối với các vấn đề bạo lực, khủng bố
- Chương 12: Phật giáo với các vấn đề xã hội như: Rượu và các chất làm say
- Chương 13: Quan điểm về sức khỏe của Phật giáo
- Thư mục tham khảo
Buddhist Sociology
Nandasena Ratnapala - Thích Huệ Pháp dịch
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2011
Kiểm soát xã hội phát sinh vì bốn lý do chính sau:
1. Sợ vì phải đối diện với sự ân hận.
2. Sợ bị người khác chỉ trích, trách mắng.
3. Sợ bị trừng phạt.
4. Sợ những hậu quả không mong muốn xảy ra trong cuộc sống(1).
Ngoài bốn lý do trên, có hai quy tắc đạo đức khác cũng góp phần vào việc kiểm soát hành vi xã hội là tàm và quý (hổ thẹn và sợ hãi). Trong chuyện Tiền thân Devadhamma(2) nói rằng hai quy tắc đạo đức này được gọi là pháp của các bậc Thánh nhân. Bất kỳ cá nhân nào trong xã hội nếu không nhận thức được hai quy tắc thiết yếu này thì cuộc sống của họ tràn đầy nỗi phiền muộn và lo âu. Trong chuyện này kể rằng, quỷ thần sẽ ăn thịt kẻ nào bước xuống hồ nước mà họ bảo vệ nếu kẻ ấy bị phát hiện không nhận thức được hai quy tắc trên.
Hành động bất thiện sẽ ngăn cản sự phát triển của chính mình cũng như người khác. Bằng sự tự chứng nội tại, ta có thể biết rằng: Tôi thực hiện những hành động sai trái này như thế nào, tình cờ thực hiện hay một người khác làm ảnh hưởng đến tôi? Sự phân tích này cho phép ta đánh giá và biết được sự ảnh hưởng của hành động đó đến sự phát triển của chính mình và người khác như thế nào.
Ta nên chú ý đến những hành động bất thiện mà nhân loại đã gây ra khiến cho loài người lâm vào cảnh khốn cùng, đau buồn và chết chóc. Sau khi biết được những hậu quả như thế, sẽ khiến ta chống lại những hành động sai lầm này một khi nó phát khởi. Bất kỳ một hành động nào ngăn chặn sự tự do, hạnh phúc, sự phát triển về trí thức, âm mưu phá hoại hòa bình cần phải cẩn trọng đề phòng.
Nền tảng đạo đức dành cho việc kiểm soát xã hội xuất phát từ hai điểm sau:
1. Lương tâm
2. Sự phê bình
Sợ vì phải đối diện với ân hận xuất phát từ chính lương tâm của mình; và sợ bị phê bình, trách mắng từ người khác được xem như hai trụ cột của nền tảng đạo đức này.
Cuối cùng, sợ bị trừng phạt đã ngăn cản việc vi phạm pháp luật. Sợ nghiệp báo - theo luật nhân quả - cũng là một nhân tố quan trọng trong việc kiểm soát xã hội. Tất cả những hành động có ý thức đều gắn liền với một nghiệp báo tương ứng. Vì thế, quả do nghiệp phát sinh luôn như hình với bóng, không bao giờ sai lạc: “…Nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo”(3).
Cơ chế kiểm soát xã hội được thiết lập thông qua việc xã hội hóa. Gia đình, bà con họ hàng, cộng đồng làng xã, trung tâm tôn giáo là những cơ chế góp phần tạo ra việc kiểm soát xã hội. Mối quan hệ qua lại giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò, chủ và tớ, chồng và vợ, giới tu sĩ và cư sĩ là một trong số những mối quan hệ góp phần nhiều trong việc duy trì việc kiểm soát xã hội.
Trong khi các cơ chế để duy trì xã hội nêu trên đã được người thế tục quan tâm và thiết lập, được ghi lại trong một số bài giảng đặc biệt của đức Phật hay nằm rải rác trong một số kinh khác nhau, thì một cơ chế như thế để duy trì sự ổn định của Tăng đoàn thời kỳ đầu đã được bàn tới, nhưng đức Phật từ chối ban hành giới luật cho đến khi nào thấy cần thiết.
Thời gian trôi qua, phạm hạnh của Tăng chúng không thể duy trì bằng cơ chế truyền thống, nên giới luật đã được ban hành, trong đó ghi lại những hình thức xử trị cho các loại vi phạm cũng như định rõ các tiến trình hợp pháp để thực thi những lỗi vi phạm như thế. Bộ luật cổ nhất thuộc về trường phái Theravāda bằng tiếng Pāli, trong khi văn bản luật của trường phái Mahāyana được viết bằng tiếng Sanskrit và được dịch sang tiếng Trung Quốc và Tây Tạng.
Một dịp nọ, có một vị tỷ kheo hỏi đức Phật rằng: Tại sao giáo pháp của một vài vị Thế Tôn tồn tại dài lâu, còn giáo pháp của chư Phật khác lại không tồn tại như thế. Đức Phật trả lời rằng: Giáo pháp tồn tại lâu dài vì chư Phật đó có ban hành giới luật và được thi hành(4).
Lý do để ban hành giới luật được ghi lại trong các bộ luật Phật giáo. Những lý do này đều chung mong muốn đem lại sự tốt đẹp cho Tăng chúng cũng như để ngăn chặn các tà thuyết.
Giới luật Phật giáo có nền tảng dựa trên các tập tục truyền thống, phong tục tập quán và thậm chí chấp nhận những điều luật hiện hành trong xã hội. Giới luật không được tạo ra bởi một nhà làm luật tối cao. Đức Phật không xét xử hay ra lệnh để ban hành. Một điều luật được phổ biến khi có một tình huống thực tế phát sinh. Nói cách khác, những giới và luật này phát sinh từ kinh nghiệm lịch sử và xã hội. Một điều luật được ban hành, sau đó cũng được thay đổi hay bổ sung thêm để thích hợp với những vấn đề mới và những hoàn cảnh mới.
Giáo lý Phật giáo phân biệt giữa Luật (Vinaya) và Pháp (Dham- ma). Trong một nhà nước Phật giáo, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân cũng như các quốc gia khác được dựa trên nền tảng của giáo lý Phật giáo. Một số trường phái trên thế giới đã công nhận điều này và nói rằng: Sự đóng góp quan trọng nhất của kinh điển Phật giáo giai đoạn đầu là bảo tồn những tư tưởng chính trị cổ bao gồm việc ứng dụng nguyên tắc công bằng đối với các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước”(5).
Mỗi điều luật trong bộ luật Phật giáo được sắp xếp theo trình tự sau:
1. Câu chuyện duyên khởi dẫn tới hình thành điều luật.
2. Các điều xử trị nếu điều luật đó bị vi phạm.
3. Chú giải cổ của mỗi điều luật, sau đó giải thích từng chữ một.
4. “Thêm những câu chuyện nói về những điểm vi tế của điều luật như làm thế nào để biết sự vi phạm không quá nghiêm trọng đến mức phải nhận mức xử trị cao nhất theo quy định, hoặc trường hợp nào là đủ lý do cần bổ sung hay uyển chuyển, hoặc tình huống nào là không thể giảm nhẹ mức xử trị…”(6).
Giới luật cũng có thể được sắp xếp theo trình tự mức độ vi phạm: Thứ nhất là thiên Ba-la-di (Pārājikā) - những vi phạm nghiêm trọng nhất – thì bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, chẳng còn làm tỷ kheo được nữa. Có bốn tội trong thiên này là: Dâm, sát sanh, trộm cắp và nói dối.
Thứ hai là thiên Tăng-tàn (Sanghādisesa) có thể chữa trị được. Người phạm tội này bị cách ly khỏi Tăng chúng trong một thời gian gọi là thử thách. Sau thời gian đó, Tăng chúng thấy có tiến bộ sẽ nhóm họp để xóa tội. Phải đủ túc số mười ba vị tăng trở lên để làm pháp sám hối.
Còn sáu thiên sau gồm: Bất-định (Aniyatā), Ni-tát-kỳ-ba- dật-đề (Nissaggiyā Pācittiya), Ba-dật-đề (Pācittiya), Đề-xá-ni (Pātidesaniyā), Thức-xoa-ca-la-ni (Sekhiya) và Diệt-tránh (Ad-hikarnana Samatha) khi tỷ kheo vi phạm những tội trong sáu thiên này thì làm pháp sám hối giữa Tăng chúng, hoặc sám hối trước một, hai hoặc ba vị Tăng liền được hết tội.
Các vi phạm:
- Trọng tội không thể chữa trị |
4 tội Ba-la-di |
- Tội nghiêm trọng |
13 tội Tăng-tàn |
- Tội có thể chữa trị gồm các tội trong sáu thiên sau: |
1. Bất-định 2. Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề 3. Ba-dật-đề 4. Đề-xá-ni 5. Thức-xoa-ca-la-ni 6. Diệt-tránh |
Theo hệ thống pháp lý hiện đại, ta có thể dễ dàng phân loại các vi phạm trên theo hình thức sau: (1) Tội giết người; (2) tội cướp đoạt tài sản; (3) tội vi phạm trật tự xã hội và đạo đức (liên quan tới vi phạm như rượu, mại dâm v.v..); (4) tội chống lại nhà nước (tội này có liên quan tới những cá nhân như Devadatta, Ajāsatta… những người nổi loạn chống lại Tăng chúng và nhà nước).
Theo giới luật Phật giáo, đặc biệt trước khi một điều luật được ban hành, thì bất kỳ vi phạm nào trước đó được xem là vô tội. Nghĩa là cá nhân đầu tiên vi phạm dẫn tới điều luật được ban hành thì được miễn tội.
Phật giáo xem xét nguồn gốc của một hành vi phạm tội từ quan điểm chiết trung, nghĩa là không có một tội ác nào xảy ra mà chỉ có một nguyên nhân duy nhất. Sự kết hợp nhiều yếu tố như các quy luật về vật chất, về tinh thần, luật nhân quả… tạo ra một hành động xấu. Bản chất phức tạp của một hành vi tội ác phải được hiểu rõ trước khi đem giới luật ra để thực thi.
Phật giáo nhận thức rằng sự phát triển của thế giới không liên quan tới quy luật tiến hóa. Trong sự tiến triển này, nhân loại một khi đã phát khởi lòng tham thì bắt đầu chiếm hữu vật chất. Trong giai đoạn sơ khai, nhân loại tham đắm các thứ vật chất thông thường. Rồi thì sau đó, lòng tham ngày càng tăng trưởng, họ đã phát khởi tư tưởng sau: “Tại sao ta phải mệt mỏi ra ngoài tìm kiếm thức ăn cho hai buổi sáng và tối? Nếu ta dự trữ thực phẩm đủ dùng cho hai buổi sáng và tối thì sao? Nghĩ như thế, người ấy đã hái lượm đủ thực phẩm và còn tích trữ cho những ngày kế tiếp trong một lần tìm kiếm”(7).
Chính bởi lòng tham đã phát sinh việc tư hữu, vì thế, bắt đầu nảy sinh việc trộm cắp. Kẻ trộm cắp sau đó bị bắt và cảnh cáo. Cũng như trộm cắp, nói dối, tà dâm, giết người và những thứ tội phạm khác phát sinh trong loài người. Người dân sau đó cùng nhau bầu lên một người đứng đầu, trả công cho người đó một phần lúa thóc mà họ cùng đóng góp và yêu cầu anh ta khiển trách và trừng phạt kẻ phạm tội. Đây là căn nguyên về mối quan hệ vương quyền có trong giáo lý Phật giáo cũng như việc giải thích về nguồn gốc phát sinh tội phạm và luật pháp đã được ban hành và thực thi như thế nào.
Nhà lãnh đạo được người dân mong đợi ban hành luật lệ hay quy tắc ứng xử để kiểm soát xã hội. Các quy tắc ứng xử bao gồm: “Chớ có sát sanh, chớ có lấy của không cho, chớ có tà hạnh trong các dục, chớ nói láo, chớ có uống rượu, và hãy thọ hưởng theo những gì đã có để thọ hưởng”(8). Khi những quy tắc này bị vi phạm, đất nước trở nên nghèo đói, mùa màng thất bát, người dân nổi loạn và va chạm giữa họ xảy ra, sau đó lại tham gia vào những hoạt động tội ác vì họ không đủ phương tiện để sinh sống.
Nếu đức vua coi thường luật pháp, không tôn trọng luật pháp sẽ dẫn tới mất công bằng trong việc phân chia các nguồn vật chất và tinh thần cho dân chúng. Hậu quả là “Nghèo đói lan rộng, bạo lực, giết người, nói dối, vu khống, tà dâm…tăng lên”(9).
Theo luật học Phật giáo, có bốn căn cứ đáng tin cho việc ban hành giới luật: (1) Giới luật được ban hành trực tiếp từ chính đức Phật; (2) được ban hành bởi một nhóm tu sĩ trong một tu viện; (3) được ban hành bởi một hội đồng Tăng chúng; (4) được ban hành bởi một tỷ kheo thông thạo giới luật. Các điều luật trong bộ luật tạng Vinaya được xem là nguồn chính yếu để xem xét và nghiên cứu; mặc dù chúng ta có thể đoán rằng một vài điều luật không quan trọng đã được ban hành bởi bất kỳ ba nguồn còn lại.
Dù bất cứ nguồn nào, chúng đều được kiểm tra liệu rằng có mâu thuẫn với giáo lý và những giới luật mà đức Phật đã ban hành hay không. Bất kỳ điều luật nào trái với tinh thần của Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) phải bị loại bỏ.
Trước khi chúng ta mô tả tiến trình xử trị được ghi trong luật tạng, thật thú vị khi biết rằng giới luật Phật giáo đang được các học giả nỗ lực nghiên cứu. Một số học giả đưa ra lời phản biện hỏi rằng: “Giới luật Phật giáo có thể được xem là Luật theo đúng ngữ nghĩa này được không?” Câu trả lời không khó để đáp ứng. Chúng ta đã từng biết rằng, mặc dù Tăng đoàn Phật giáo phát triển không theo hình thức khổ hạnh rất thịnh hành trong thời kỳ đó, Tăng đoàn vẫn có được những phẩm hạnh riêng biệt. Không cần bàn cãi nhiều, chúng ta cũng thấy được Tăng đoàn của đức Phật là một đoàn thể tôn giáo đầu tiên thể hiện quan điểm về cuộc sống cũng như mục đích sống khác với quan điểm của nhà nước(10).
Khi có một trường hợp phạm giới xảy ra, việc xử trị luôn có sự hiện diện của bị can(11). Vì thế, một phiên tòa nên gồm có bốn việc sau: (1) Việc đối chất của bị can trước đầy đủ thành viên hội đồng có thẩm quyền; (2) sự phán quyết mà hội đồng xét xử đưa ra phải luôn đồng thuận, không có bất kỳ một thành viên nào phản đối; (3) đối chiếu vi phạm đó theo câu chữ và tinh thần của bộ luật; (4) xem xét sự khiếu nại của bị can.
Khi một vị tỷ kheo trong hội đồng đưa ra lời chỉ thị, điều đó có ý nghĩa là một sự nỗ lực nhắc nhở bị cáo về hành vi phạm giới của mình cũng như khuyến khích bị cáo một sự tự nguyện thú tội. Trước khi đưa ra lời phán quyết, bị cáo phải có cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình.
Trong luật tạng, thủ tục trên được minh họa trong ví dụ sau: “… Và như thế, này các vị tỷ kheo, đầu tiên nên khiển trách các vị tỷ kheo là đệ tử của Panduka và Lohitaka (bị cáo). Sau khi khiển trách, hãy làm cho họ nhớ tội mà họ vi phạm. Sau đó đưa ra lời buộc tội, sau khi đưa ra lời buộc tội, một vị tăng có thẩm quyền, có kinh nghiệm tuyên cáo trong Tăng chúng: “Thưa đại Tăng, xin quý Ngài lắng nghe… Nếu phải thời của Tăng, Tăng có thể tiến hành khiển trách các vị tỷ kheo đệ tử của Panduka và Lohitaka. Đây là lời đề nghị… một hình thức khiển trách… được tiến hành bởi Tăng chúng. Nếu chúng Tăng hoan hỷ…vì thế mà im lặng… Do đó, tôi biết Tăng đã chấp thuận…”.
“Này các tỷ kheo, có ba hình thức khiển trách không có giá trị về mặt pháp lý, không có hiệu quả về mặt giới luật và khó để nương vào đó mà kết tội. Thế nào là ba: Nếu lời buộc tội được tiến hành mà không có sự đối chất của bị cáo; lời buộc tội tiến hành không có sự chất vấn; và lời buộc tội tiến hành mà không có sự công nhận của bị cáo… Thêm nữa, có ba hình thức khiển trách không có giá trị pháp lý… khó nương vào để kết tội đó là:
Việc xét xử được tiến hành mà không có lời khiển trách đối với bị can; việc xét xử mà không làm cho bị can nhớ hành vi phạm tội của mình; và xét xử mà không đưa ra hình thức xử trị nào(12).
Trong một phiên tòa, vị thẩm phán phải là người có nhiều phẩm chất đặc biệt, là người có những phẩm chất như sau: Đạo đức tốt, có khả năng thấy được sự nguy hiểm tiềm tàng trong những tội nhẹ nhất, có kiến thức sâu rộng, là người công bằng, có kinh nghiệm và am hiểu các vấn đề về luật pháp.
Tương tự hệ thống pháp luật hiện đại, giới luật Phật giáo cũng nhấn mạnh việc xem xét tâm lý khi bị cáo thực hiện một hành vi phạm pháp. Lời biện hộ cho tình trạng mất trí hay mất khả năng tự chủ về tinh thần khi bị cáo thực hiện hành vi tội ác được phép trình bày. Bồi thẩm đoàn được quy định trong luật tạng cũng khá giống với bồi thẩm đoàn của hệ thống pháp luật hiện đại là những người cùng trang lứa hay địa vị với bị cáo. Có một trường hợp được ghi lại rằng, đức Phật đã chỉ định một nhóm người trong đó có một phụ nữ đóng vai trò then chốt làm bồi thẩm đoàn để đưa ra các đánh giá của một việc làm sai trái.
Bên nguyên do một vị tỷ kheo thông tuệ, hiểu biết giới luật đứng ra đảm trách vụ kiện. Trong hệ thống giới luật Phật giáo, cuộc tranh luận về pháp lý được chia làm hai loại: Các tranh luận trong phạm vi giới luật và các tranh luận nằm ngoài giới luật. Loại thứ hai ít nhiều mang tính nghi thức hơn, còn loại thứ nhất có tính pháp lý và được phân thành bốn phạm trù sau: “Những vấn đề pháp lý phát sinh do tranh cãi; phát sinh do phê bình; phát sinh do phạm tội; và phát sinh do bổn phận”.
Có bảy phương pháp để giải quyết các cuộc tranh luận về pháp lý cũng như khi bốn phạm trù nêu trên khởi lên:
1. Tuyên án trước mặt bị cáo, nghĩa là bị cáo đang hiện diện trước hội đồng xét xử (số lượng tỷ kheo trong hội đồng xét xử được quy định trong luật, và áp dụng các điều luật để tuyên án).
2. Đưa ra lời tuyên án vô tội cũng phải bằng một quá trình phán xét tuy có phần đơn giản hơn.
3. Trong trường hợp các lỗi vi phạm không quan trọng, nhỏ, thứ yếu, bị cáo nhận tội và sám hối thì vấn đề đã được giải quyết.
4. Phán quyết về tình trạng mất trí đã xảy ra trong lúc phạm tội, giả dụ rằng, trong khi thực hiện tội ác, anh ta đã mất kiểm soát về tinh thần hay mất khả năng tự chủ tạm thời. Nếu bị cáo chứng minh được (bằng lời nói và hành động) mình thật sự mất kiểm soát tinh thần trong khi gây án thì phán quyết về tình trạng mất trí được đưa ra. Nghĩa là bị cáo vô tội. Toàn bộ hành vi của bị cáo như lối sống, cách ăn ở, tư cách đạo đức sẽ được suy xét để kiểm tra.
5. Công nhận một phán quyết mang tính đồng thuận của phiên tòa. Một phán quyết có sự nhất trí của toàn thể hội đồng tham gia xét xử luôn được tán thành và ủng hộ trong hệ thống pháp lý của Phật giáo. Nếu không đạt được sự nhất trí - trường hợp này rất ít khi xảy ra trong Tăng chúng - thì có thể dùng đến quyết định bởi số đông.
6. Tuyên bố xử trị theo điều luật chống ngoan cố. Điều này được thực hiện khi bị cáo trong khi đang xét xử tỏ thái độ đáng trách, tệ hại đối với hội đồng phiên tòa.
7. Khi sự tranh luận của hội đồng xét xử dẫn tới tranh chấp và xung đột thì thực hiện phương pháp sau: “Đè cỏ” để dàn xếp sự việc êm đẹp.
Hai phương pháp sau dùng để đối phó với những tình huống xảy ra trong khi phiên tòa xét xử, còn năm phương pháp đầu dùng để thực thi nhiệm vụ xét xử hành vi phạm tội đã có trước khi tòa nhóm họp.
Chúng ta có thể hiểu được hoàn cảnh của hành vi phạm tội nếu nhìn vào những điều kiện tạo nên một tội ác và các phương tiện để gây án. Trong trường hợp tội sát sanh, có năm điều kiện để định tội:
1. Biết rõ sự có mặt của người hoặc vật.
2. Biết rõ chúng đang sống.
3. Có ý định và quyết tâm giết.
4. Giết bằng các loại phương tiện nào đó.
5. Kết quả là cái chết xảy ra.
Các phương tiện gây cái chết có thể là:
1. Bằng tay.
2. Ra lệnh cho người khác giết.
3. Bằng súng, ném đá, gậy gộc v.v...
4. Đào hố, hầm hay giăng bẫy v.v...
5. Dùng thần thông.
6. Dùng ma thuật hay tà chú v.v...
Các hình thức trừng phạt có thể được phân loại đại khái như sau:
1. Hình phạt sử dụng cho những tội trạng trước khi phiên tòa bắt đầu (hình phạt này đã được quy định sẵn khi phạm một điều gì đó).
2. Hình phạt sử dụng cho những vấn đề phát sinh trong thời gian phiên tòa xét xử.
Có năm bộ luật thông dụng nhất trong luật tạng là: Luật hướng dẫn cách phê bình, quở phạt; luật hướng dẫn về cách trục xuất; luật về hướng đạo; luật hướng dẫn cách hòa giải; và luật hướng dẫn cách thực hiện án treo. Ngoài ra còn có những điều luật hướng dẫn ít thông dụng như: Luật về thông tin cũng là một hình thức luật trừng trị rất hiếm khi sử dụng, chỉ được thực hiện để chống lại Devadatta, người rắp tâm phá hoại Tăng đoàn. Luật hướng dẫn cách quở phạt sự ngoan cố của bị can(13), và luật “Đè cỏ”(14) để giải quyết sự tranh cãi xảy ra trong hội đồng xét xử.
Thật thú vị khi ta biết được rằng có những điều luật dự phòng phòng khi có những sự cố phát sinh trong thực tế, luật về hòa giải là một ví dụ. Mục đích của luật này là hòa giải những vấn đề phát sinh giữa người thế tục và Tăng chúng. Luật này hướng dẫn vị tỷ kheo vi phạm xin lỗi với người cư sĩ mà mình gây tổn hại. Để thuận tiện cho việc xét xử, hội đồng xét xử sẽ đề cử một nhân chứng để đi cùng với vị tỷ kheo vi phạm. Vị tỷ kheo nhân chứng này một mặt yểm trợ tinh thần cho bị can đến xin lỗi người bị hại, mặt khác nhân chứng sau khi trở về sẽ trình báo sự vụ cho hội đồng xét xử. Điều này có ý nghĩa hết sức đặc biệt nếu vì một lý do nào đó, người bị hại từ chối lời xin lỗi. Nếu điều này xảy ra, hội đồng xét xử sẽ yêu cầu vị tỷ kheo vi phạm đứng một khoảng cách nào đó mà bên hại có thể nghe, lập lại lời xin lỗi ba lần. Vị nhân chứng do tòa chỉ định đã nghe rõ lời xin lỗi này, trở lại báo cáo với hội đồng rằng mệnh lệnh đã được thực thi đầy đủ.
“Tòa án” hay hội đồng tỷ kheo đảm trách việc xét xử đã được quy định trong luật tạng như sau:
1. Hội đồng bốn vị
2. Hội đồng năm vị
3. Hội đồng mười vị
4. Hội đồng hai mươi vị
5. Hội đồng trên hai mươi vị
Những phẩm chất đặc biệt của vị ‘thẩm phán’ hoặc quan tòa cũng được đưa ra. Ranh giới pháp lý của mỗi ‘phiên toà’ được quy định hết sức rõ ràng.
Trong trường hợp vi phạm, động cơ hay ý định phải được tìm hiểu trước khi quy tội bị cáo. Điều này được thực hiện bằng cách thẩm tra tiền án tiền sự của bị cáo trong quá khứ cũng như trong thời gian gần đây. Nếu chứng minh được rằng không cố ý phạm pháp, bị cáo được cho là vô tâm. Cả hai loại bằng chứng trực tiếp và gián tiếp phải được phân tích hết sức cẩn thận. Mỗi cơ hội được đưa ra để bị cáo biện minh phải được làm rõ những nghi vấn của bên nguyên và người làm chứng. Việc xét xử của tòa phải nhất nhất dựa theo những gì luật pháp quy định. Vì thế, bất kỳ sự trệt hướng nào đều bị xem là bất hợp pháp.
Khi tòa đưa ra lời phán quyết, bị cáo có quyền kháng án nếu cảm thấy không hài lòng, và yêu cầu phúc thẩm ở tòa án cấp cao hơn. Trong thời đức Phật, các cuộc kháng án như thế được đưa lên tòa án tối cao, tức là trình lên đức Phật. Tòa án phán quyết bị cáo có tội thì phải chứng minh được lời buộc tội của mình đối với phạm nhân. Ví dụ, đối với trường hợp phải tuyên bố bị cáo vô tội, thì tòa không được ra phán quyết theo điều luật về tình trạng mất trí tạm thời. Phán quyết này cũng đồng nghĩa với việc bị cáo vô tội nhưng việc ra phán quyết như thế là lạm dụng. Hay không nên thi hành điều luật về chống người ngoan cố đối với người được chứng minh thuộc sự chi phối của điều luật mất trí tạm thời.
Bị xem là ‘bất hợp pháp’ nếu tranh cãi xung quanh các vấn đề hợp pháp tại tòa. Nếu một người sau khi đã đồng ý các phán quyết tại tòa, sau đó lại phê phán, chê bai các phán quyết đó, thì hành động như thế cũng được xem là phạm pháp. Phán quyết của tòa chính là quyết định của tập thể.
Nếu ‘phiên tòa’ không thể đạt được sự đồng thuận hoàn toàn trong phán quyết của mình thì các phương pháp khác được sử dụng. Một trong những phương pháp như thế là chỉ định một ủy ban các chuyên gia để xem xét vấn đề đó. Có thể sử dụng đến phương pháp cuối cùng là trưng cầu ý dân. Ý kiến của đại đa số dân chúng được xem như một quyết nghị tối thượng. Cuộc trưng cầu ý dân chỉ nên thực hiện một khi các phương pháp khác đã thất bại. Mọi biện pháp có thể thực hiện để đảm bảo rằng sự phán quyết theo đa số phù hợp với Pháp và Luật được ghi trong kinh điển. Do đó, giá trị của một quyết định theo số đông được xem là công bằng và hợp pháp vì đồng nhất với Pháp và Luật.
Bất cứ hành động có ý thức nào được thực hiện sẽ mang lại kết quả hạnh phúc hay đau khổ cả trong đời này và đời sau. Vì thế, những hành vi tội ác sẽ phải hứng chịu ác nghiệp trong ba môi trường sau: (1) Xã hội; (2) luật pháp; (3) luật nhân quả. Xã hội sẽ lên án anh ta, nhà nước sẽ trừng phạt anh ta, và cuối cùng, anh ta sẽ nhận ác quả (quả báo) trong đời này và đời sau. “Nếu một người vì lợi ích của chính mình mà đi cướp bóc, trấn lột kẻ khác, thời kiếp sau, kẻ đó sẽ sanh vào gia đình nghèo cùng khốn khổ, trở thành kẻ ăn xin khố rách áo ôm, bẩn thỉu dơ dấy. Vì miếng ăn hằng ngày, gã phải chịu lời rủa mắng, xỉ nhục của chính kẻ thù tiền kiếp của mình”(15). “Nếu phá hủy cuộc sống của người khác, thì kiếp sau, sẽ chết bất đắc kỳ tử trong khi đang hưởng cuộc sống giàu sang, phú quý”(16).
Kết quả ác nghiệp đối với hành vi trộm cướp được mô tả trong kinh điển như sau: “Đói kém, thiếu thốn trong nhiều đời nhiều kiếp hoặc nếu có tạo chút công đức, lại sẽ tái sanh làm người. Kiếp này gã cũng nghèo, không thể làm giàu, hoặc nếu kiếm được kha khá tiền của, gã cũng không thể giữ được. Nếu tích trữ của cải thì lại bị nạn mất của như bị vua tịch thu, kẻ cướp, lũ lụt, cháy nhà. Gã không thể hưởng cuộc sống giàu sang phú quý, lại còn bị người khác xem thường và khinh thị”(17).
Theo luật nhân quả của Phật giáo, kết quả do nghiệp không thể chuyển giao cho thế hệ con cháu. Không có việc trừng phạt cả gia đình, hay một nhóm người khi chỉ có một cá nhân vi phạm pháp luật. Nhưng nếu một nhóm người cùng vi phạm pháp luật, thì họ sẽ phải cùng nhau chịu tội, đó chính là cộng nghiệp, vì cùng chung hành động(18). Bản chất vận hành của luật nhân quả không phân biệt loài hữu tình nào.
Theo giáo lý Phật giáo, luật pháp nên dựa trên một nền tảng đạo đức được mọi người công nhận. Không ai có thể trốn tránh trách nhiệm luân lý một khi đã hành động. Thậm chí, ngay cả khi nhà nước hay chính quyền ban hành luật, yêu cầu phải tuân theo, theo tư tưởng Phật giáo, chúng ta vẫn phải chấp hành trong chừng mực những điều luật đó không mâu thuẫn với tinh thần đạo đức. Luật nhân quả không bị chi phối bởi bất cứ thế lực bên ngoài nào, bởi bất cứ thượng đế hay lực lượng siêu nhiên nào.
Theo quan điểm của Phật giáo, sự trừng phạt một tội lỗi nào đó chỉ đơn giản là làm cho người vi phạm nhận thức được hành vi sai trái và vô ích mà mình gây ra. Không có cái gọi là ‘công lý báo thù’ cho một hành động bất thiện, mà chỉ nên xem sự trừng phạt chủ yếu là để cải tạo, sửa đổi thói xấu của tội nhân, và thứ đến là để ngăn chặn những tội ác về sau.
Thật thú vị khi so sánh khoa học hình phạt của Hindu giáo với quan điểm xử trị của Phật giáo. Giáo sư Jayatilleke trích dẫn quan điểm này từ quyển Mahābharata của Hindu giáo để minh chứng: “Vũ lực hay sợ bị trừng phạt bảo vệ họ; khi ngủ, chính sự sợ hãi đánh thức họ dậy. Kẻ trí tuân thủ luật pháp chính vì nỗi sợ hãi này”(19). Còn Phật giáo thì: “Mặc dù sự trừng phạt có trong luật pháp nhưng bản thân của sự trừng phạt đó không phải là sự dọa dẫm, đem lại nỗi sợ hãi khiến người khác phải tuân theo, mà nó được dựa trên kết quả đồng ý hay thỏa thuận trong sự hiểu biết, sự thân thiện và lợi ích qua lại”(20) giáo sư Jayatilleke nói.
Giới luật Phật giáo không khuyến khích hình phạt tử hình hay tra tấn. Trong trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng thì lệnh trục xuất mới được ban hành. “Ngoại trừ bốn tội cực ác (Ba-la-di), các tội khác điều có thể chữa trị được hay sám hối để xóa tội. Vị tỷ kheo nào phạm các tội có thể chữa trị đó, sẽ phải chịu án phạt theo khung hình phạt mà luật quy định, sau đó sám hối trước Tăng chúng để xóa tội”(21).
Ta có thể hình dung rằng, những tội cực ác như là hiếp dâm, giết người, cướp của (đặc biệt là cướp của công) và nói dối (lừa đảo công chúng) thì sự trừng phạt có thể là lưu đày hay bỏ tù. Còn những tội ít nghiêm trọng hơn thì được hưởng án treo. Trong chuyện Tiền thân kể rằng: “Trong thời kỳ dân chủ lập hiến, không có án phạt nào quá nghiêm khắc, mà chỉ đơn thuần là phạt roi, cảnh cáo và một vài hình thức trừng phạt nhẹ khác. Quả thật, không có những cảnh tra tấn, chặt tay chân, ném đá, lưu đày - hình phạt chỉ có trong những triều đại độc ác”(22).
Tóm lại, án treo là trọng tâm của thuyết xử trị của Phật giáo(23). Án treo đã xuất hiện trong giới luật trong một thời gian dài trước khi hệ thống pháp lý về tội phạm hiện nay công nhận.
Trong luật tạng có quy định về hai loại án treo cho những vi phạm nào đó. Loại án treo giới hạn thời gian được gọi là Mānatta, và Parivāsa án treo không giới hạn thời gian. Hội chúng tỷ kheo xét xử sẽ chọn một trong hai hình thức trên, cũng như cung cấp cơ chế giúp tỷ kheo phạm giới tự sửa đổi. Vị tỷ kheo đang trong tình trạng thi hành án treo được đặt dưới quyền giám hộ bởi một vị tỷ kheo khác do tòa đề cử, giống như nhân viên quản giáo trong luật án treo hiện nay, giám sát tội nhân cho đến khi người phạm tội được phục hồi nhân cách.
Trong khi đang bị án treo, người có tội phải tuân theo quy định về nhân cách hết sức khắt khe. Mục đích của việc này nhằm giúp tội nhân tự mình thích nghi với xã hội, một khi hòa nhập lại với xã hội. Người đang thụ án treo sẽ không đủ tư cách pháp nhân, hay mất quyền công dân(24). Điều đó sẽ làm gợi nhớ hành vi phạm pháp của anh ta.
“Luật tạng quy định, người thụ án treo hoàn toàn không bị cách ly khỏi môi trường sinh hoạt của mình. Thậm chí, đã từng có trường hợp những tỷ kheo bị án trục xuất tạm thời đã có thể tới một tu viện khác, lặng lẽ tu sửa mình. Họ có thể sống ở đó với một vị giám hộ hay một vị thầy, người sẽ giáo dục họ, và hướng dẫn họ trở về đường ngay nẻo chánh. Luật về án treo của Phật giáo đã cung cấp hai yếu tố cần thiết để tội nhân có thể phục hồi nhân cách của mình dưới sự hướng dẫn của vị giám hộ là: Không bị cách ly và có thể tới một nơi khác để tự sám hối. Điều đó rất có ý nghĩa đối với phạm nhân”(25).
Luận giải Trường bộ kinh nguyên bảng Pāli có miêu tả hiến pháp xứ Vajjian, thuộc nước cộng hòa Licchvis, từ đó cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về hệ thống pháp lý của Phật giáo đã có ảnh hưởng vượt ra ngoài ranh giới cộng đồng Tăng đoàn.
“Hiến pháp Vajjia có ghi rằng: Khi một tên cướp bị giải lên trước hội đồng bô lão, thì họ sẽ chuyển bị cáo sang Bộ tư pháp. Bộ sẽ thụ lý và điều tra. Nếu vô can sẽ được phóng thích ngay lập tức. Nhưng nếu họ nghi ngờ sẽ chuyển anh ta xuống sở tư pháp địa phương mà không chuyển giao bất kỳ văn bản nào cho cấp dưới. Các quan chức tư pháp địa phương sẽ lần lượt điều tra và nếu kết luận vô tội thì sẽ phóng thích. Nếu vẫn còn bị nghi ngờ, anh ta sẽ bị đưa ra tòa xét xử… Bị cáo đối trước bồi thẩm đoàn gồm tám vị… rồi đối chất trước điều tra viên. Tòa xử trắng án sẽ được phóng thích, nếu chưa giải tỏa hết hoài nghi thì quan tòa sẽ viện dẫn các quy định trong Tiền Lệ Thư (sách ghi lại các quyết định hay sự kiện được xem là mẫu mực cho các quyết định hay sự kiện sau này - người dịch chú thích). Chánh án sẽ so sánh tội của bị cáo với những gì mà sách đã ghi lại trước đây để phán quyết. Theo cách đó, dân chúng đã tuân thủ hiến pháp, thỏa mãn với hiến pháp, vì công lý được thực thi phù hợp với truyền thống cổ đại. Dân chúng cảm thấy rằng, nếu phạm pháp, thì chính họ là người có tội chứ không phải bị tòa gán ghép hay xử oan. Và kết quả là, họ đã nghiêm túc thực hiện sự trừng phạt của pháp luật với một ý thức trách nhiệm”(26).
Chuyện Tiền thân Ummagga có đề cập về “Các phiên tòa” ở những vùng nông thôn. Ban hội thẩm (nhóm người ngồi tại tòa án để nghe các sự việc của một vụ án, rồi quyết định xem bị cáo có tội hay vô tội - người dịch chú thích) sau khi nghe quan tòa xét xử, họ đưa ra các phán quyết. Tại phiên tòa có nhiều thành phần đối lập cùng tham dự, điều đó không để kích thích sự tranh cãi dẫn đến bế tắc mà để tìm ra điểm chung, sự thật của vụ án và các giải pháp khả thi công bằng cho người trong cuộc.
Một điều thú vị khiến chúng ta bất ngờ về nơi mà phiên tòa diễn ra được đề cập trong chuyện Tiền thân Ummagga. Đó là một vị trí rất thuận lợi về mọi mặt được xây dựng dùng để tổ chức các phiên xét xử. Những tiện nghi vật chất như nhà nghỉ, nơi giải trí, nhà ăn thoáng mát, thậm chí còn có cả một bệnh viện phụ sản nhỏ dành cho những người phụ nữ mang thai, sử dụng khi khẩn cấp. Những cơ sở vật chất tiện nghi xung quanh tòa án cùng với các thủ tục xét xử trung thực, thông thoáng đã đem lại sự hài lòng cho dân chúng. Các phương pháp xét xử thời đó có thể nói ngang bằng với tòa án hiện nay về mặt ‘công bằng và phân minh’. Điều đáng nói ở đây chính là sự tôn trọng luật pháp và sự tận tụy phục vụ dân chúng của ngành tư pháp.
Một vụ kiện tụng sẽ được diễn tiến như sau: Một gã đánh xe bò xuống hồ nước tắm, tên trộm lấy chiếc xe bò của gã định tẩu thoát. Gã xe bò la toáng lên thì tên cướp cũng la lên rằng: “Đây là xe của tao, mày dám nói là của mày hả? Thế là họ kiện nhau ra tòa. Quan tòa đầu tiên hỏi cả hai người liệu rằng có chấp nhận phán quyết của tòa không? Chúng ta nên biết rằng, việc tòa hỏi có ‘tự nguyện chấp nhận phán quyết của tòa’ là một phần xét xử trong hệ thống pháp lý của Phật giáo. Khi cả hai đồng ý, phiên tòa mới bắt đầu. Quan tòa hỏi cả hai cho bò ăn cái gì gần đây nhất, thì gã trộm ngu ngốc trả lời rằng đã cho bò ăn hạt vừng và đậu thiều, còn gã đánh xe bò thật thà trả lời vì nhà nghèo, không có tiền để mua thức ăn ngon cho bò, chỉ cho bò ăn cỏ. Sau đó, quan tòa làm thực nghiệm trước sự chứng kiến của cả hai bên, cho bò ăn thứ thuốc khiến nó ói ra. Không có cái gì gọi là hạt vừng hay đậu thiều trong thức ăn mà bò ói ra, chỉ có cỏ và cỏ. Và thế là đã chứng minh được ai là chủ nhân của con bò và chiếc xe. Sau đó, tên cướp nhận tội và bị cảnh cáo. Quan tòa còn giải thích và răn dạy cho anh ta hậu quả của tội trộm cướp nếu tái phạm.
Chúng ta để ý cách mà quan tòa tìm chứng cứ để xác định ai là nạn nhân. Cách tìm chứng cứ lão luyện của quan tòa: Hỏi bữa ăn, rồi cho bò ói ra… rất có tính thuyết phục. Hay trong một câu chuyện khác, hai người tranh chấp một xâu chuỗi hạt, ai cũng nhận là của mình. Quan tòa đã bỏ chuỗi hạt vào tô nước và nhờ chuyên viên ngửi mùi giám định. Sau đó đã xác định được ai là chủ nhân của chuỗi hạt. Mọi chứng cứ đều được xem xét cẩn thận trước khi phán quyết. Tòa cố gắng tìm ra sự thật và giúp cho hai bên hòa giải, biện pháp trừng phạt chỉ là thứ yếu sử dụng khi thật cần thiết.
Trong kinh điển Đại thừa(27) quan điểm đối với tội phạm của Phật giáo được minh chứng như sau: “Hãy trừng phạt họ nhưng phải xuất phát từ lòng từ bi và ước muốn giáo dục họ trở thành con người tốt, không nên để tâm hận thù và tham muốn lợi lộc vật chất”.
Triều đại của vị vua phật tử Asoka - Ấn Độ - là một ví dụ về việc áp dụng học thuyết pháp lý của Phật giáo vào đời sống. Chính sách về tội phạm của đức vua Asoka là thuyết phục và hạn chế tối đa việc sử dụng bạo lực. Trừng phạt chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết. Nhà vua tôn trọng tự do ngôn luận. Khoan dung và sự hiểu biết là nền tảng pháp lý của triều đại Asoka, một nền pháp lý dựa trên sự “Tự chủ và tâm hồn trong sáng” (được ghi trên thạch trụ thứ bảy của vua Asoka). Đức vua khuyên rằng, dân chúng nên sống hòa thuận và thân thiện với nhau, tương kính lẫn nhau và trau dồi tư cách đạo đức sống trong xã hội. Lúc nào cũng vậy, luật pháp phải dựa trên nền tảng đạo đức, lấy đạo đức làm chuẩn mực. Vì thế, chỉ dụ trên thạch trụ thứ hai của vua Asoka tuyên rằng: “Trau dồi phẩm hạnh là việc làm đáng khen thưởng; nhưng phẩm hạnh gồm những gì? Nó bao gồm: Ít tạo tội, làm nhiều việc tốt, từ bi, đạo đức, chân thật và trong sáng”.
Đức vua chỉ ra tầm quan trọng của vai trò đạo đức trong xã hội và nói rằng con người rất dễ sa vào con đường tội lỗi, đặc biệt là những người có vị trí cao trong xã hội. Đức vua ra chỉ thị ngăn cấm và xem là phạm luật nếu thực hiện các việc sau trong một số ngày nhất định nào đó: Sát hại động vật; đóng dấu bằng sắt nung; cắt xẻo súc vật; và đánh bắt cá. Vì rằng, Ngài muốn vạn vật không bị ngược đãi, hành hạ trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. “Nhìn bên ngoài, chúng ta thấy đức vua Aso- ka không hủy bỏ hoàn toàn bộ luật hình nghiêm khắc của Tiên vương, nhưng Ngài đã thay đổi một vài khía cạnh”(28). Nhiệm vụ của đức Vua là khuyến khích đạo đức phát triển. Dùng giáo dục để thực hiện điều này, tạo cơ hội cho người dân phát triển về mọi mặt trong đời sống. “Luật pháp chỉ được thiết lập để giúp con người phát triển nhân cách và năng lực tối ưu”. Nền tảng pháp luật của triều đại Asoka chính là tình thương yêu và sự cảm thông chứ không phải là nỗi sợ hãi bị trừng phạt của pháp luật, và đó cũng chính là những lời dạy của đức Phật.
1. A II, 121-166
2. J. 6
3. DhP.1 theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.
4. H.Oldenburg ed. Vinaya III, p9
5.
Ghoshal, UN., A History of Indian Political Ideas, Oxford, 1959, 39 or Jayatilleke K.N., Dharma, man and law, Singapore 1992, 43
6. BF, I, XI
7. SBB. IV, 86
8. SBB IV, 63
9. D.III,70-75
10. Bhagavat,
1939, IV-V
11. VIN II, 73
12. VIN II, 73
13. VIN II, 85
14.
VIN II, 86-88
15. Thag V.79
16. Thag V.75
17. Thag V.78
18.
V.P. Varma, Philosophy East and West 963, 25-48
19. Dhirasekera, Jothiya, Buddhist Monastic Discipline, Colombo, 1981, 109
20. Jayatilleke K.N., Dharma, man and law, Singapore,1992, 60
21. Dhirasekera – 1981, 109
22. J.Tr.IV, 192
23. Ratnapala, Nandsena, “Probation, the Heart of Buddhist Disciplinary Law”, Vidyodaya, July, 1987, 19-27
24. Dhirasekera, Jothiya, Buddhist Monastic Discipline, Colombo, 1981, 111-113
25. Ratnapala, Nandsena, “Probation, the Heart of Buddhist Disciplinary Law”, Vidyodaya, July, 1987, 21
26. Jayatilleke, 1992, 82
27. Ratnāvali, quoted by Jayatilleke, 1992, 70 -71
28. Rawlingson, 1913, 29