NIẾT-BÀN (NIBBANA)
Bhikkhu Thanissaro
Chân Giới Nghiêm
Chúng ta đều biết cái gì xảy ra khi một đám cháy tắt. Ngọn lửa tàn và đám cháy cũng tắt luôn. Rồi, khi chúng ta mới học lần đầu rằng cứu cánh của sự tu tập đạo Phật có tên gọi là Nibbana (Nirvana, Niết-bàn), nghĩa đen là sự tắt ngấm của lửa, thì thật khó mà hình dung ra một hình ảnh nào ảm đạm chết chóc hơn cho một cứu cánh tâm linh: hoàn toàn tiêu diệt hết (tận diệt). Hoá ra cách đọc đó là một sai lầm của dịch thuật, không phải về từ ngữ mà về biểu tượng. Lửa tắt biểu trưng cho cái gì với người Ấn Độ trong thời của Đức Phật? Tuyệt đối không phải là sự tiêu diệt.
Theo các bà-la-môn thời cổ, khi lửa tắt, nó đi đến một trạng thái tiềm ẩn. Thay vì chấm dứt sự tồn tại, nó yên ngủ và trong trạng thái đó không bị trói buộc bởi một chất đốt nào nó lan toả suốt trong vũ trụ. Khi Đức Phật dùng hình ảnh lửa tắt để giải thích Nibbana với các bà-la-môn Ấn Độ trong thời của Ngài, Ngài đã bỏ qua câu hỏi lửa tắt rồi có tiếp tục hiện hữu hay không, và thay vào đó đặt trọng tâm vào sự không chỉ trỏ được của một ngọn lửa không cháy [1]: Đó là lời phát biểu của Ngài rằng người đã tận ‘diệt’ thì không thể mô tả (chỉ trỏ) được.
Thế nhưng, khi dạy đệ tử, Đức Phật lại dùng Nibbana như một hình ảnh của tự do. Hiển nhiên, tất cả người Ấn vào thời đó xem lửa cháy là giao động, lệ thuộc và bị bẫy nhốt vì sự bám víu và mắc kẹt vào chất đốt khi lửa cháy. Muốn nhen lửa người ta phải 'tóm bắt' nó. Khi lửa buông chất đốt của nó ra, nó được 'tự do', thoát khỏi trạng thái giao động, lệ thuộc và bị bẫy nhốt tïnh lặng và không bị giới hạn.
Đó là vì sao thi ca Pāli lập đi lập lại hình ảnh lửa tắt như một ẩn dụ cho tự do. Kỳ thật, ẩn dụ này là một phần của biểu tượng lửa với những thuật ngữ khác đính đi kèm. 'Upadana' hay sự bám víu, cũng chỉ cho chất nuôi dưỡng lửa rút từ các nhiên liệu. 'Khandha' không chỉ có nghĩa là uẩn, một trong năm 'nhóm từ hợp' (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) phân định mọi pháp hữu vi, mà còn có nghĩa là thân cây. Lúc lửa tắt là lúc nó ngưng sự bám víu và rút chất nuôi dưỡng từ gỗ, cũng như vậy, tâm được giải phóng tự do khi nó dừng bám víu vào các uẩn.
Vậy, biểu tượng chủ yếu của Nibbana là tự do. Các chú giải tiếng Pāli đã xác minh điểm này qua sự truy dò nguồn gốc ngôn ngữ của từ Nibbana, có nghĩa là 'tháo mở ra' (giải thoát) [2]. Giải thoát loại nào? Văn kiện trình bày hai bình diện. Một là giải thoát trong đời này, tiêu biểu bởi lửa tắt nhưng than vẫn còn nóng. Đó là trường hợp của vị A-la-hán giác ngộ, nhận thức (biết) các hình ảnh, âm thanh, có cảm giác đối với sự dễ chịu hay đau đớn, nhưng tự do đối với đam mê, chán ghét và ảo tưởng. Bình diện thứ hai của giải thoát, tiêu biểu bởi lửa đã hoàn toàn tắt ngấm cho đến nỗi than cũng lạnh. Đó là điều vị A-lahán (Arahant) thể nghiệm sau đời này. Tất cả mọi xâm nhập từ các căn đều nguôi hết và vị ấy hoàn toàn tự do ngay với cả những khổ đau, giới hạn vi tế nhất của hiện hữu trong không gian và thời gian.
Đức Phật nhắc đi nhắc lại rằng bình diện này không thể diễn tả được, ngay cả nói về hiện hữu (Hữu) hay không hiện hữu (Vô), bởi vì ngôn ngữ chỉ đúng với những sự vật hữu hạn (hữu biên). Tất cả những gì Đức Phật nói về bình diện này – bỏ qua một bên các hình ảnh và ẩn dụ – là: người ta có thể nếm được kinh nghiệm ấy ngay trong đời này, và đó là hạnh phúc tối hậu, thật sự đáng để biết đến.
Vậy, nếu bạn có ngắm lửa tàn lần sau, xin đừng xem đó là sự hoại diệt mà hãy xem đó như một bài học về: Tự do có thể được tìm thấy như thế nào qua sự buông bỏ.
(Nguyên tác: ‘Nibbana’ của Bhikkhu Thanissaro, 1996)
Ghi chú của người dịch: [1] Khi một ngọn lửa không cháy thì không thể chỉ trỏ nó được. [2] Unbinding.
Trích từ sách: Tin Vào Trái Tim Tỳ-khưu Thanissaro Chân Giải Nghiêm Dịch (Sách PDF song ngữ)- Tag :
- Bhikkhu Thanissaro