Âu Dã Tử là một kiếm sư đại tài thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông ta đúc ra những thanh gươm rất tốt, chém sắt như chém bùn. Vua nước Việt là Doãn Thường bèn triệu tới nhờ đúc gươm. Âu Dã Tử vâng lệnh cho đốt lò nung vàng và sắt theo lượng đã tính toán, nhưng đã bao ngày đêm ròng rã mà luyện mãi không thành. Cuối cùng ông ta cùng vợ nhảy vào lò luyện thì sắt mới chảy ra và học trò ông ta luyện thành 5 thanh gươm quý đem dâng lên vua Việt. Năm thanh gươm được đặt tên là: Tử Điển, Trảm Lư, Cự Khuyết, Bàng Dĩnh, Trủy Thủ.
Sau vua nước Việt đem 3 thanh gươm Trảm Lư, Bàng Dĩnh và Trủy Thủ dâng cho vua nước Ngô là Chư Phàn. Vua Ngô ban thanh Trủy Thủ cho con là công Tử Quang. Khi sắp mất thì Chư Phàn vâng theo di ý tiên vương không truyền ngôi cho con mà truyền cho các em Dư Sái, Di Muội lần lượt nối ngôi. Di Muội mất, đáng lẽ ngôi vua về em út là công tử Quý Trát, nhưng Quý Trát không chịu làm vua. Ngôi vua đáng lẽ phải trở về tay con Chư Phàn là công tử Quang, nhưng con Di Muội là Vương Liêu cậy thế lực tự lên làm vua. Công tử Quang bất mãn bèn âm mưu với Ngũ Tử Tư chống Vương Liêu. Ngũ Tử Tư tiến cử Chuyên Chư là tay dũng sĩ có tiếng hiếu thảo với mẹ.
Công tử Quang đem vàng lụa, gạo thịt chu cấp cho Chuyên Chư nuôi mẹ. Chuyên Chư cảm nghĩa nhận hy sinh hành thích Vương Liêu. Vì Vương Liêu mê ăn uống món ngon vật lạ, Chuyên Chư phải qua Thái Hồ học nghề nướng cá. Khi thành nghề, Chuyên Chư trở về. Công tử Quang mời Vương Liêu qua nhà đãi tiệc. Vương Liêu mặc 3 lần áo giáp sắt, mang theo 100 giáp sĩ qua nhà công tử Quang. Tất cả mọi người vào nhà đều bị khám xét kỹ lưỡng. Công tử Quang giao thanh gươm Trủy Thủ cho Chuyên Chư, thanh gươm này rất sắc bén mà lưỡi rất ngắn. Chuyên Chư bèn giấu thanh gươm trong ruột con cá mang vào dâng Vương Liêu. Giáp sĩ khám người Chuyên Chư không thấy vũ khí nên cho vào.
Mang mâm cá tới gần Vương Liêu, Chuyên Chư rút thanh Trủy Thủ ra đâm vào bụng Vương Liêu, thủng qua 3 lần áo giáp sắt, giết chết hắn. Giáp sĩ xông tới bằm nát Chuyên Chư. Công tử Quang phục sẵn quân đánh tan quân Vương Liêu và kéo vào triều xưng làm vua, tức là Hạp Lư. Hạp Lư sai quân đuổi đánh các con của Vương Liêu, sai Yêu Ly làm khổ nhục kế lén đâm chết Khánh Kỵ dứt hậu họa.
Thanh gươm Trủy Thủ giấu trong bụng cá nên được gọi là Ngư Trường.
Hạp Lư sau này sai Can Tương đúc gươm báu. Can Tương là sư đệ cùng thầy với Âu Dã Tử. Can Tương lập lò nấu sắt hoài không chảy, vợ là nàng Mạc Gia nhớ lại câu truyện của vợ chồng Âu Dã Tử bèn ăn chay tắm gội sạch sẽ rồi nhảy vào lò. Can Tương luyện được 2 thanh gươm, đặt tên thanh trống là Can Tương, thanh mái là Mạc Gia, chém sắt đá đều đứt ngọt. Can Tương dâng thanh Mạc Gia cho Hạp Lư, còn mình giữ thanh Can Tương. Ít lâu sau, Hạp Lư nghe nói Can Tương còn giữ 1 thanh gươm báu bèn truyền lệnh phải đem dâng vua. Quân sĩ tới nhà bắt, Can Tương rút thanh Can Tương ra, thanh gươm hóa thành con rồng chở Can Tương bay đi mất.
Nguyễn Công Trứ đã dùng chữ Can Tương để chỉ thanh gươm như trong câu thơ:
"Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương"
Qua các cuộc chiến tranh liên miên các thanh gươm báu đều thất lạc. Thanh Trảm Lư lọt vào tay vua Tần, được cẩn thêm viên ngọc và đổi tên là Thái A. Khác với Ngư Trường, thanh Thái A kiếm rất dài, vua Tần luôn đeo bên mình. Khi Thái tử Đan nước Yên sai Kinh Kha đi sứ để hành thích Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha rút đoản kiếm giấu trong tấm bản đồ ra đâm vua Tần. Tần Thủy Hoàng tránh được bỏ chạy, Kinh Kha cầm gươm rượt theo. TTH rút gươm nhưng vì thanh Thái A dài quá bị vướng vào bao gươm, TTH trong lúc lúng túng không rút ra được. Các quan trong triều thì không ai được phép mang vũ khí nên chỉ đưa mắt ngó. Nội thị là Triệu Cao bèn nhắc vua Tần cắt bỏ bao gươm, nên TTH rút được gươm chém Kinh Kha. KK đưa gươm đỡ bị Thái A kiếm chém đứt lưỡi gươm sả luôn xuống đùi. Lúc đó giáp sĩ bên ngoài ào vào bắt KK giết. Triệu Cao có công cứu giá được gia phong chức tước, sau lên tới chức Tả Thừa Tướng.
Thanh gươm Thái A sau này được truyền qua các đời vua, đổi tên là Long Tuyền và được coi như là biểu hiệu uy quyền của nhà vua. Tuy nhiên người đời sau vẫn dùng chữ Long Tuyền để chỉ thanh gươm báu. Chẳng hạn như trong bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung sau đây:
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma
Phan Kế Bính dịch:
Việc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gột sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày
Gửi ý kiến của bạn