- Chương 01: Nguồn gốc
- Chương 02: Thích Ca Thế Tôn
- Chương 03: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng kinh điển
- Chương 04: Vua A Dục và Đại Thiên
- Chương 05: Sự phân chia bộ phái Phật giáo
- Chương 06: Giáo nghĩa của Đại Chúng Bộ và Hữu bộ
- Chương 07: Nghệ thuật Phật giáo - Vương triều vua A Dục và sau đó
- Chương 08: Thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa
- Chương 09: Phật giáo Đại thừa hệ Long thọ và kinh điển của hệ này về sau
- Chương 10: Phật giáo Đại thừa hệ Vô Trước
- Chương 11: Vương triều Cấp Đa và Phật giáo sau vương triều này
- Chương 12: Từ thời Mật giáo thịnh hành đến Phật giáo cận đại
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Pháp sư Thánh Nghiêm - Thích Tâm Trí
dịch
---o0o---
NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO - VƯƠNG TRIỀU VUA A DỤC VÀ SAU ÐÓ
TIẾT II. PHẬT GIÁO VỚI VUA CA NỊ SẮC CA
- Phật Giáo trong thời gian ba trăm năm.
Lịch sử Ấn Ðộ tính từ thời vua A Dục đến thời vua Ca Nị Sắc Ca có hơn ba trăm năm, trong khoảng thời gian này, kết luận dù là tôn giáo hay chính trị, lịch sử Ấn Ðộ cơ hồ như tờ giấy trắng vì chẳng có sự ghi chép nào cả! Về mặt sử học, trong thời cận đại nhờ có sự khai quật mới phát hiện những di vật của thời cổ đại, nhờ vậy mới khảo sát, cùng lợi dụng các thứ tư liệu vừa gián tiếp và lờ mờ để qua đó đối chiếu, so sánh và thẩm tra rồi đi đến kết luận một cách đại lược. Phật Giáo trong thời kỳ này theo Lữ Trường, ông dựa vào bộ Phật Giáo Ấn Ðộ của Ðịch Nguyên Vân để biên soạn bộ Ấn Ðộ Phật Giáo Sử Lược, mà một thiên của chương một, tiết bảy, có hai đoạn nói tới thời gian này đại loại có năm khu vực:
- Phương nam thịnh nhất là Tích Lan.
- Tiếp đó là Ma Lạp Bà (Malava) thuộc Tây nam Ấn Ðộ.
- Thứ nữa là Tín Ðộ ở tây bắc Ấn Ðộ.
- Tương đối thịnh là Ca Thấp Di La và Kiền Ðà La thuộc bắc Ấn Ðộ.
- Ở đông bắc Ấn Ðộ là phạm vi của Kỳ Na giáo rất mạnh.
Như ta biết, sự phục hưng của Bà La Môn giáo đầu tiên là tại trung Ấn Ðộ. Từ sau khi vương triều Án Ðạt La tiêu diệt vương triều Ma Kiệt Ðà, lúc ấy tư tưởng Phật Giáo Ðại Chúng Bộ của phương nam mới đến được trung Ấn Ðộ, và rồi theo chân triều Án Ðạt La mà tiến vào tây Ấn Ðộ, khiến Phật Giáo Hữu Bộ của tây Ấn cũng cảm nhiễm tư tưởng của Ðại Chúng Bộ, cho nên sự xuất hiện của Sư Kinh Lượng Bộ ở tây Ấn không phải là ngẫu nhiên. Nhân vụ tại trung Ấn xảy ra pháp nạn nên có một bộ phận học giả của Thượng Tọa Bộ ở đông nam Ấn phải lánh nạn vào nam Ấn Ðộ, tại đây họ tiếp xúc tư tưởng của Ðại Chúng Bộ mà hình thành Phân Biệt Bộ rất tiến bộ. Lệ như Hóa Ðịa Bộ và Pháp Tạng Bộ lấy thành Ba Tra Li Tử làm trung tâm, Pháp Tạng (tức Ðàm Vô Ðức Bộ) có mang sắc thái Mật giáo, ấy là do tiếp thụ ảnh hưởng của văn hóa Án Ðạt La, do đó cho nên dưới thời vua A Dục có sự bất đồng giữa Pháp Tạng Bộ và Phân Biệt Bộ, cũng thế lúc Pháp Tạng Bộ truyền đến Tích Lan lại bất đồng với Phân Biệt Thượng Tọa Bộ.
Trong giai đoạn này, vùng đất căn cơ của Bà La Môn giáo sơ kỳ là tại tây Ấn và bắc Ấn; bởi tại trung Ấn thế lực Phật Giáo đang thịnh hành, vì là thời trị vì của vua A Dục. Nên Phật Giáo phản đối sự chiếm lĩnh của Bà La Môn giáo, do vậy, Bà La Môn giáo hướng về nam Ấn, và hình thành tín ngưỡng của dân tộc Án Ðạt La. Rồi cũng do sự hỗn hợp giữa Bà La Môn giáo với văn hóa Án Ðạt La mà sản sinh ra tân Bà La Môn giáo - đó là phái Thấp Bà. Lại nữa, cũng do vương triều Án Ðạt La đến trung Ấn. Nhờ vậy. Phật Giáo tại trung Ấn lại hưng thịnh hẳn lên.
- Riêng tại Tích Lan, sách này sẽ dành một thiên để giới thiệu.
Phương diện hiểu biết về Án Ðạt La rất giới hạn, duy chỉ có một hệ của Hữu Bộ ở phương bắc còn lưu lại điển tích, do đó sẽ giới thiệu vấn đề này.
- Vua Ca Nị Sắc Ca và những việc làm của ông.
Tên tuổi vua Ca Nị Sắc Ca được thấy trong các ghi chép của Phật Giáo, và được truyền đến Tây Tạng và Mông Cổ. Năm 1909, bác sĩ Tư Ban Nội (Dr. Spooner) khai quật được một hòm xá lợi Phật tại tây bắc Ấn Ðộ, trên nắp hòm có khắc tên vua Ca Nị Sắc Ca, điều đó chứng thực rằng ông là người có thực trong lịch sử Ấn Ðộ cổ đại; mặt ngoài hòm xá lợi có khắc tự dạng “Nạp Thọ Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”, như vậy cho thấy ông là người hộ pháp của Phật Giáo Hữu Bộ.
Căn cứ nét hoa văn trên tiền đúc dưới thời trị vì của vua Ca Nị Sắc Ca mà khảo sát, thì vua lúc về già mới tín phụng Phật pháp. Tiền tệ được phát hành vào thời kỳ đầu dưới thời ông, về hình sắc mà nói thì rất đẹp. Chữ Hy Lạp được khắc chạm lên tiền đồng, và khắc cả tượng thần Nhật Nguyệt nữa. Lần phát hành tiếp theo ông lại dùng Ba Tư ngữ thuộc cổ văn Hy Lạp để khắc lên tiền đúc, đồng thời cũng khắc tượng thần được các dân tộc như Hy Lạp, Ba Tư và Ấn Ðộ tôn thờ lên tiền đúc, nhưng chưa thấy khắc tượng đức Thích Ca.
Phật Giáo tại Ca Thấp Di La và tại Kiền Ðà La phải đợi đến cuối thời vua A Dục mới được xiển dương hoằng hóa, và do hoàn cảnh đặc thù mà Phật Giáo tại đây dần dà trở thành một hệ riêng, mang nặng tính tuyển thuật phong phú về luận điển, và coi trọng thiền dịnh, do đó cho nên sau này các luận sư, thiền sư cũng như mười chín học giả đều xuất từ hệ này. Khi đã có nhiều luận sư, thì điều không thể tránh là giữa họ xảy ra tranh luận với nhau; vì vậy, vua Ca Nị Sắc Ca đối với Phật Giáo là một vị vua có công đức cực lớn, đó là việc ông xúc tiến cuộc kết tập lần thứ tư thành công. Có ba truyền thuyết nói về lần kết tập thứ tư:
1. trong Ðại Ðường Tây Vực Ký quyển ba(4), Huyền Trang chép:
Nhân việc vua lấy đạo hỏi người, mỗi người giải đáp khác nhau, vua bèn đem việc ấy hỏi Hiếp Tôn giả. Tôn giả đáp: "Sau khi Như Lai diệt độ, qua nhiều năm tháng, chúng đệ tử Phật chấp theo Bộ phái mình, khiến lời dạy của Phật được giải thích theo sự “kiến văn” khác nhau của mỗi Bộ, kết quả dẫn đến mâu thuẫn nhau”. Nghe xong, nhà vua vô cùng xót xa, đau đớn, ông liền phát tâm và truyền lệnh triệu tập chư vị thánh triết đến dự cuộc kết tập. Ðại chúng trong đại hội kết tập đồng lòng thỉnh Bồ Tát Thế Hữu làm thượng chủ. Cuộc kết tập lần lượt tiến hành các việc như: tạo luận, giải thích kinh, luật mỗi thứ có đến mười vạn bài tụng. Cộng cả thảy có ba mươi vạn bài tụng với chín trăm sáu mươi vạn lời (9.600.000) chú thích đầy đủ tam tạng.
2. Truyện Bà Tẩu Bàn Ðậu(5) Pháp sư chép:
Sau Phật nhập diệt năm trăm năm, có ngài La hán Ca Chiên Diên Tử xuất gia với Bồ tát Bà Ða, ngài cùng năm trăm vị La Hán và năm trăm vị Bồ Tát cùng nhau tuyển tập bộ A Tỳ Ðạt Ma cho Bộ phái Tát Bà Ða.
3. Vấn đề này được truyền tại Tây Tạng:
Tại nước Ca Thấp Di La có vua Ca Nị Sắc Ca cúng dường tịnh xá Nhĩ Lâm, dùng nơi này để triệu tập năm trăm vị La Hán, năm trăm vị Bồ Tát, và năm trăm học giả tại gia, thỉnh cầu họ kết tập lời Phật. Từ đó về sau những thuyết của mười tám Bộ được chứng nhận đúng là lời Phật dạy. Lại cho ghi chép luật thành văn tự, những kinh, luận nào trước đây chưa được viết thành văn, thì nay cũng được viết đầy đủ.
Trong ba thuyết vừa nêu, thì Ðại Ðường Tây Vực Ký chỉ lấy ngài Thế hữu xưng là Bồ Tát. Trong khi Thế Thân truyện lại ghi có năm trăm vị Bồ Tát và Tây Tạng thì gia thêm năm trăm vị học giả tại gia. Như vậy, có thể hình dung lần kết tập này thông hàm tất cả những điều Phật dạy. Thực ra, lần kết tập thứ tư này là của Nhất Thiết Hữu Bộ, vì trong ba thuyết trên chỉ có thuyết của Ðại Ðường Tây Vực Ký là đủ độ khả tín. Thành quả của lần kết tập này là sự xuất hiện của luận Ðại Tỳ Bà Sa với hai trăm quyển, và bộ luận này hiện vẫn còn trong tạng luận, trong đó còn lưu giữ tự dạng thời vua Ca Nị Sắc Ca. Nếu xét về nội dung, bộ luận Ðại Tỳ Bà Sa đã qua nhiều tăng bổ của hậu nhân.
- Ngài Mã Minh với vua Ca Nị Sắc Ca.
Theo những gì được truyền tại Trung Quốc cũng như tại Tây Tạng, thì giữa vua Ca Nị Sắc Ca và ngài Mã Minh (Asvaghosa) đều có liên quan với nhau. Truyền rằng, khi vua Ca Nị Sắc Ca tấn công nước Ma Kiệt Ða, dân nước này địch không nổi bèn lấy bình bát của đức Phật ra cung hiến và nhờ Bồ Tát ngài Mã Minh đứng ra cầu hòa. Lại nữa, theo Ðại Trang Nghiêm Luận, thì ngài Mã Minh là người viết bài “Qui Kính Tự” trong đó có câu “Phú Na Hiếp Tỳ kheo, ngã đẳng giai kính thuận” (Ngài Hiếp Tôn Giả Tỳ kheo Phú Na, chúng con xin cung kính qui thuận). Qua đó cho thấy dưới thời trị vì của vua Ca Nị Sắc Ca, ngài Mã Minh là đệ tử của Hiếp Tôn Giả, truyền thuyết cũng nói đến vua và ngài Mã Minh đều thờ Hiếp Tôn Giả làm thầy. Theo “Thế Thân Truyện(6) thì “Mã Minh viết một mạch trong mười hai năm xong bộ luận Tỳ Bà Sa, với một trăm vạn bài kệ”. Theo truyền thuyết này thì Mã Minh là người trước tác luận Ðại Tỳ Bà Sa. Sự thực thì Mã Minh là một đại văn hào của thời đại ông mà thôi, và ông là người nhuận sắc Luận Ðại Tỳ Bà Sa, chứ ông không phải là sư của Bà Sa. Vì trong “Ðại Trang Nghiêm Kinh Luận - Qui Kính Tự”, ông tỏ rõ một mực qui kính các ngài: Phú Na, Hiếp Tỳ kheo, Di Lặc (Hóa Ðịa Bộ), Tát Bà Thất Bà (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), Ngưu Vương Chánh Ðạo Giã (tức Kê Dẫn Bộ) v.v...
Bất luận thế nào, trong quá trình kiến quốc vua Ca Nị Sắc Ca là người mở thông Bộ giữa hai nước Ấn Ðộ và Trung Quốc. Khi về già ông là vị vua tích cực hộ trì Phật Giáo. Cũng nhờ đó mà Phật Giáo có đủ thời gian truyền đến các dân tộc trong vùng. Buổi đầu Phật Giáo đến được Trung Quốc là do đường bộ từ Tây Vực mà đến. Vì vậy, khi nói đến công đức vua Ca Nị Sắc Ca, ta có thể sánh công đức của ông ngang với vua A Dục.
- Pháp nạn tại Ấn Ðộ.
“Vật cực tắc phản” tựa hồ như đấy chính là qui luật thép của thế gian pháp! Theo Sử thư Ràjatanginì của Ca Thấp Di La thì hai vị vua của vương triều Quí Sương trước thời vua Ca Nị Sắc Ca, đều là những vị vua hộ pháp và có kiến trúc tăng viện, Chi Ðề (tháp thờ xá lợi) rất nhiều, khi vua Ca Nị Sắc Ca lên ngôi thì Phật Giáo tại Ca Thấp Di La lại càng hưng thịnh hơn, và có phần áp đảo tín ngưỡng Thấp Bà của Bà La Môn giáo, bấy giờ tại Ca Thấp Di La, Phật Giáo bị tộc người Thổ Bang Long (Nagà) phản đối bằng cách sát hại Phật Giáo đồ một cách bừa bãi. Vua Ca Nị Sắc Ca cũng từng gặp phải sự bất ổn này nên đành tránh né.
Bấy giờ có Bà La Môn là Cam Ðà La Ðề Bà (Condradeva) nổi lên trấn áp Phật Giáo. Ðến vua Chiên Ðà La (Gonada) đời thứ ba mới chận đứng được sự đàn áp Phật Giáo. Ðại Ðường Tây Vực Ký quyển ba(7) cũng chép:
Sau khi vua Ca Nị Sắc Ca qua đời, giống người Ngật Lợi Ða lại tự xưng vương, họ bài xích và xô đuổi tăng đồ, hủy hoại Phật pháp, về sau nhờ có Tứ Ma Ðát La thuộc tộc Thích Ca của nước Ðồ Hóa La giết chết vua Ngật Lợi Ða, Phật Giáo nhơn đó được phục hưng.
Nhờ cả hai sách vừa dẫn đều được ghi giống nhau, do đó có thể đủ để tin là sau khi vua Ca Nị Sắc Ca qua đời chắc chắn là có việc thổ vương theo Bà La Môn giáo, nổi lên hủy diệt Phật Giáo.
- Ảnh hưởng sau Pháp nạn.
Theo pháp sư Ấn Thuận, sau pháp nạn tại trung Ấn, Phật Giáo tại Trung Ấn đi đến ba kết quả.
1. Vội vàng chạy theo ngoại diên, đánh mất sự thuần chơn:
Cảm nhận từ giáo nạn đưa đến lãnh vực nhận biết về tôn giáo thế giới, mà trước tiên không còn tôn trọng chính tôn giáo mình, không chịu củng cố cái gốc của mình, và không chịu làm sạch nguồn mạch của tôn giáo mình. Ngược lại ngày càng vọng ngoại, cho đấy là tùy phương ứng hóa. Tuy những suy nghĩ như thế bị Ðức Thích Tôn bác bỏ, cũng không nên tiếc rẽ việc tùy phương ứng hóa, cho đó là phương tiện, dù vẫn biết phải thích ứng với hoàn cảnh để vượt qua giáo nạn, và khỏi bị diệt vong, còn cho đó là sức mạnh mà đánh mất chơn thuần của Phật pháp thì không nên.
2. Tin về Phật pháp bị tiêu diệt được loan đi, tạo nên tâm lý chán nản:
Chánh pháp trụ thế cả nghìn năm, và được truyền bởi kinh, luật từ xưa trước, lấy đó mà hình dung sự trường tồn Thánh giáo tại thế gian, chứ chẳng nên nhìn thấy việc người bị sát hại mà cho rằng chánh pháp cũng nhân đó mà bị diệt theo. Chính vì thế mà đức Phật chế định giới luật có công năng nhiếp tăng (giữ cho tăng sĩ thanh tịnh). Nhưng cũng từ giáo nạn, cổ nhân hứng khỏi niềm bi cảm mà than “Thiên niên pháp diệt”. Pháp diệt do lòng bi cảm không đồng với pháp diệt do chính đức Phật dự đoán. Bởi khi khởi niệm bi cảm như thế, thì phong cách hùng biện của Phật Giáo liền bị tiêu tan, sự suy vong không có gì nguy hơn là "tâm tử” (chết từ trong lòng), quả đúng là điều không thể nói hết.
3, Nhờ Phật tử tự lực đứng vững và cầu sự hộ pháp của vua quan từ bên ngoài:
Trước giờ người Phật tử tự coi mình rất cao đó là không cần cậy sự trợ giúp từ sức mạnh chính trị, cũng không bị câu thúc bởi sức mạnh chính trị. Nhưng sau pháp nạn, người Phật tử cảm thấy tự lực không thôi không đủ để duy trì việc hộ pháp. Mà cho rằng Phật pháp cũng cần sự ngoại hộ của các vua, quan. Nhưng tăng đoàn thanh tịnh, và Phật pháp được lưu bố là do tự lực, nhưng cũng cần có ngoại lực trợ duyên. Thánh điển chép là có thiên long hộ trì, đó là muốn nhấn mạnh: hãy tự lực đi rồi sẽ cảm đến ngoại lực. Như vậy là cần sự trợ giúp chứ không bỏ qua sự trợ giúp. Sau giáo nạn, tư tưởng hướng vào ngoại lực trợ giúp ngày càng đậm thêm, làm lộ ra sự cầu cạnh không mấy thanh cao.