GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
---oOo---
50 NĂM CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Sa môn THÍCH THIỆN HOA soạn
Tập II:
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
NGÀY NAY
hay
là
50 NĂM CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
------------
PHẦN THỨ NHẤT
Nói đến Phật Giáo Việt Nam hay Phật Giáo Trung Hoa Nhật Bản, Tây Tạng, Đại Hàng, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Ai Lao v..v… đều một gốc, nghĩa là bắt nguồn từ Ấn Độ, đồng thờ đức Phật Thích Ca làm Giáo Chủ, đồng học một giáo lý, đồng giữ một giới luật. Nhưng tùy phong tục tập quán của mỗi nước khác nhau và cũng tùy theo hoàn cảnh của mỗi địa phương để hóa độ nên Phật Giáo nhập thế hay nhập phong tục của mỗi nước, sắc thái có phần sai khác.
PHẬT GIÁO VIỆT NAM CÓ HAI TÔNG PHÁI CHÁNH
Riêng về Phật Giáo Việt Nam vì du nhập bởi hai con đường truyền giáo:
- Một con đường bộ, từ phía Bắc xuống, do Ngài Mâu Bác, người Trung Hoa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam (189) gọi là Phật Giáo Bắc Tông.
- Một con đường Thủy, từ phía Nam lên, do Ngài Khương Tăng Hội người Ấn Độ, sang truyền giáo tại Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ III (xem Phật Học Phổ Thông khoá 5 trang 36).
Về sau vào đời nhà Tấn, giữa thế kỷ thứ III (265 - 306) có thêm hai nhà truyền giáo từ Ấn Độ sang Việt Nam là Ngài Ma-Ha-Kỳ-Vực và Ngài Chi-Cương-Luơng đều đi đường thủy từ phía Nam lên, nên gọi là Phật Giáo Nam Tông.
Nhưng vì nước ta bị Trung Hoa đô hộ ngót một nghìn năm, và sau đó cũng còn bị lệ thuộc về văn hoá, chính trị, nên về sau, con đường truyền giáo từ Trung hoa sang Việt Nam là con đường chính.
Lại nữa nước Việt Nam ta có dân thiểu số “người Việt gốc Miên”, họ đã theo Phật Giáo đã lâu đời, bắt nguồn từ Miên quốc. Về sự ăn mặc, sắc thái nếp sống của họ như người Miên. Phái nầy gọi là Théravada cũng gọi Phật Giáo Nam tông hay Phật Giáo Nguyên thủy (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo V.N trang 62 và 64).
PHẬT GIÁO VIỆT NAM CÓ NHIỀU CHI PHÁI
Phật giáo vẫn là một gốc, nhưng khi truyền qua Việt Nam lại mọc lên hai “chồi cái” là Bắc tông Phật Giáo và Nam tông Phật Giáo, rồi từ hai chồi cái này, vì nhiều lý do: hoàn cảnh, địa dư và thời gian lâu đời v.v.. nên nảy sinh ra không biết bao nhiêu là nhánh ngọn. Tuy mỗi chi phái (giáo phái) sắc phái khác nhau, nhưng đều là “Phật Giáo Việt Nam”.
Bởi thế nên “Phật Giáo Việt Nam Ngày nay” có nhiều giáo phái:
1. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
2. Phật Giáo Nguyên Thỉ Việt Nam (người Việt Nam)
3. Phật Giáo Théravada (người Việt gốc Miên)
4. Phật Giáo Lục Hoà Tăng
5. Phật Giáo Cổ Sơn Môn (cũng gọi là Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam)
6. Phật Giáo Khất Sĩ V.N (Du Tăng Khất Sĩ, Khất sĩ Đạo Lâm ở Ba Xuyên)
7. Phật Giáo Hoà Hảo
8. Phật Giáo Tứ Ân
9. Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương
10. Phật Giáo HoaTông (người Việt Nam gốc Hoa)
11. Minh Nguyện Cư sĩ Lâm (người Hoa kiều)
12. Tịnh Độ Cư sĩ
13. Tịnh Độ Tông
14. Hội Linh Sơn Phật Học
15. Hội Lưỡng Sơn Phật học
16. Hội Phật học Nam Việt
17. Thiền Tịnh Đạo Tràng
18. Đạo Hiếu Nghĩa Tứ Ân (ở Phong Dinh)
19. Phật Giáo Long Hoa Huỳnh Đạo (ở Cà Mau)
20. Hòa đồng Tôn Giáo v.v.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Chúng tôi từng tự trình bày các chi phái Phật Giáo. Trước nhất, xin nói đến “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” vì Giáo hội PGVNTN có bề sâu và bề rộng: Về phương diện địa dư thì rộng lớn, quần chúng lại đông nhiều, kết hợp được hai tông phái chánh là Bắc Tông Phật Giáo và Nam Tông Phật Giáo và sự tổ chức lại chặc chẽ có hệ thống và qui cũ.
NGUYÊN NHÂN GIÁO HỘI P.G.V.N THỐNG NHẤT RA ĐỜI
Như trên, chúng ta đã thấy, bên trong nội bộ vì bị phân hoá, quá nhiều nên Phật Giáo Việt Nam trở thành suy yếu, một phần bị ảnh hưởng bên ngoài chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) nên các cơ sở Phật Giáo gần như tan rã.
Vì đau lòng trước cảnh suy đồi của Phật Giáo và nhơn tình hình chiến tranh có phần lắng dịu, nên các nhà lành đạo trong 6 tập đoàn lớn của Phật Giáo cả Nam, Trung, Bắc (3 tập đoàn trong 6 tập đoàn Tăng Già và Cư sĩ) cử 51 đại biểu, đại diện cả Tăng Già và cư sĩ trong toàn quốc về hộ Đại hội tại chùa Từ Đàm Huế, vào ngày 06 đến O9 tháng 5 năm 1951, để bàn về việc thống nhất Phật Giáo (xem quyển 50 chấn hưng Phật Giáo Việt Nam trang 82, 83, 84). Nhưng đây chỉ thống nhất 6 tập đoàn của Phật Giáo Bắc tông, còn Phật Giáo Nam tông thì vẫn còn biệt lập. Và chỉ thống nhất trên hình thức một “Tổng Hội” (Tổng hội Phật Giáo Việt Nam) lỏng lẻo, không chặc chẽ lắm, vì 6 tập đoàn vẫn còn giữ y nguyên hình thái cũ.
Đến khi Chánh phủ Ngô Đình Diệm lên nắm chánh quyền 9 năm (1954-1963) đàn áp dân chúng và chủ trương tiêu diệt Tôn giáo lớn của dân tộc V.N như Cao Đài, Hoà Hảo và rốt sau là Phật Giáo; Ông Diệm ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo vào ngày đại hội Phật Đản 2507 (ngày mồng 8-5-1963, xem quyển tranh đấu Phật Giáo Việt Nam năm 1963).
Đứng trước sự tồn vong của một Tôn giáo cổ truyền của dân tộc, đã từng đóng góp và trung thành với Tổ Quốc Việt Nam gần 2000 năm lịch sử sắp bị tiêu diệt, nên toàn thể Tăng Tín Đồ Phật Giáo, gồm cả Bắc tông và Nam tông đều thống nhất ý chí, đoàn kết chặt chẽ, thành lập “Uỷ Ban Liên Phái Bảo vệ Phật Giáo” để cứu nguy cho Dân tộc và Đạo pháp.
Sau khi chấm dứt chế độ tàn bạo độc tài gia-đình-trị của Nhà Ngô bởi cuộc cách mạng ngày 1.11.63, Phật Giáo thoát khỏi đại nạn, cởi được cái ách kỳ thị Tôn giáo, bởi Đạo dụ số 10([1]) của thực dân Pháp để lại (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam trang 26 và 28), toàn thể Tăng tín đồ các giáo phái Phật Giáo của Nam tông và Bắctông đều họp Đại hội tại chùa Xá Lợi Sài gòn vào ngày 30.12.63 đến 01.01.1964, xoá bỏ các tập đoàn riêng biệt, chung lại thành lập một Giáo hội, gọi là “Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ThốngNhất”.
Kỳ nầy mới xoá bỏ hẳn hình thái riêng biệt của các tập đoàn và thật sự thống nhất cả Phật Giáo Bắc tông và Nam tông (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam trang 126).
THÔNG BẠCH
của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
gởi Toàn thể Phật Giáo đồ trong cả nước
Sau cuộc vận động 5 nguyện vọng của Phật Giáo, tất cả mọi người con Phật ai ai cũng thấy một cách cần thiết là nền Phật Giáo Việt Nam phải được thống nhất, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam phải có Giáo quyền, Phật Giáo đồ khắp cả nước phải thống ý chí lẫn hành động để xây dựng một nền đạo giáo dân tộc thực sự xứng đáng với trách vụ của nó ở hai phương diện: Đạo và Đời.
Để đáp ứng sự thống nhất đó, một Hội nghị Phật Giáo Việt Nam được tổ chức từ ngày 30.12.1963 đến ngày 1.1 1964 tại chùa Xá Lợi qui tụ các đại biểu 11 giáo phái thuộc Nam tông, Bắc tông và gồm các quan sát viên của các Giáo phái khác. Đại hội đã thu được những kết quả mong muốn là Giáo hội PGVNTN ra đời, đặt dưới sự trông coi của hai viện: Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo. Một chương trình hành động nhằm củng cố hệ thống Phật tử Việt Nam với mục tiêu lấy Đạo xây dựng Đời, đem đời vào Đạo đã được hoạch định, Giáo hội PGVNTN bảo trọng lý tưởng hoà bình, phục vụ dân tộc và nhân loại, đúng theo nghĩa từ bi của đức Phật. Giáo hội đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại. Ý thức hệ của Phật giáo nhằm hoạt động hướng đến hạnh phúc của con người trong lý tưởng cộng đồng.
Giáo hội PGVNTN mong mỏi và sẵn sàng tiếp nhận mọi tầng lớp Phật tử thuộc các giáo phái đã cử quan sát viên tham dự đại hội kịp thời gia nhập để xây dựng nền Phật Giáo dân tộc thật xứng đáng với danh nghĩa của nó. Giáo hội PGVNTN, ý thức vai trò của mình qua truyền thống mà lịch sử của dân tộc đã chứng minh một cách rõ ràng. Khi nào xứ sở suy thì Phật Giáo vong, lúc nào Đạo pháp hưng thì xứ sở thịnh. Vì lẽ đó, PGVNTN nhận thức được trách nhiệm của mình đến sự thịnh suy của đất nước, Phật Giáo xác nhận sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại.
Phật Giáo đồ xây dựng mọi hoạt động của mình trên tinh thần từ bi - trí tuệ và với tinh thần đó, Phật tử sẵn sàng đón nhận mọi người trong tình huynh đệ và trong sự tương thân rộng rãi.
Tất cả chúng ta phải sống cho Chính pháp, hy sinh vì Chính pháp, để xây dựng một nền Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thực sự. Đó là trách vụ thiết yếu nhất của chúng ta trong giai đoạn hiện tại và đó cũng là một lối cúng dường duy nhất đối với Tam Bảo.
HIẾN CHƯƠNG PHẬT GIÁO
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất có một “Hiến Chương” để làm qui cũ thăng mặc cho Giáo hội. Hiến Chương này có 10 chương và 36 điều, do một Uỷ Ban Đại diện, cho 11 tập đoàn Phật Giáo soạn thảo và một Đại hội Phật Giáo gồm cả Giáo phái của Phật Giáo Bắc Tông và Phật Giáo Nam tông hợp vào ngày 30.12.1963 đến ngày 1.1.1964 tại chùa Xá Lợi Sài gòn đã biểu quyết.
Lời nói đầu của Bản Hiến Chương đã nói rõ lập trường thuần nhất của Giáo hội như sau:
“Công bố lý tưởng Hoà bình của giáo lý đức Phật, hai tông phái Phật Giáo (Bắc tông và Nam tông) tại Việt Nam thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bảo từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo hội PGVNTN.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên dị cá biệt, mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.
Quan Niệm Thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp; nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của hai tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng, mà còn phải nổ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật Giáo Thống Nhất tại Việt Nam (xem bản Hiến chương và Nội qui ở trang… sau).
GIÁO KỲ PHẬT GIÁO
Phật Giáo Việt Nam vừa là một sáng lập viên của Phật Giáo Thế giới (lần đầu tiên hợp tại Colombo, Thủ đô Tích Lan vào ngày 16.5 đến 07.6.1950) vừa là một chi bộ của Phật Giáo Thế giới tại Việt Nam (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam trang 92 và 94) nên Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất lá cờ năm màu của Phật Giáo Thế giới làm giáo kỳ của mình. Lá cờ Phật Giáo Thế giới lần đầu tiên treo tại Việt Nam vào ngày đại lễ Phật đản, mùng 8 tháng 4 năm Tân Mão (13.5.1951).
Về ý nghĩa, hình thức khuôn khổ và màu sắc lá cờ Phật Giáo như sau và xem trang….
GIÁO THIỀU PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Mặc dù Phật Giáo Việt Nam chưa có quyết định dùng một bài nhạc nào làm Giáo Thiều. Nhưng từ khi Đại hội Phật Giáo toàn quốc hợp tại chùa Từ Đàm Huế vào năm 1951 đến nay, các cơ sở Phật Giáo trong toàn quốc, trong các cuộc đại lễ đều dùng bài nhạc sau đây để trổi lên khi chào Phật kỳ. Về âm điệu cũng như lời nhạc đều được đa số quần chúng Phật Giáo hoan nghinh (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam trang 84 và 55).
LỜI NHẠC
“Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Bắc, Trung, Nam từ nay
Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng
Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương
Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam
Noi tấm gương Ngài Thích Ca giải thoát chúng sanh
Chúng ta dốc lòng nguyện cùng gieo rắc quanh mình
Bao nỗi vui lành tràn lan hầu tan đau đớn
Chấp tay ta cùng dưới đài sen thắm kết đoàn
Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Bắc,Trung, Nam từ nay
Nào cùng nắm tay kết nên một đài sen
Cùng làm sao cho đoá sen ngời, ngàn đời ngát hương
Muôn phương thắm nhuần Phật Giáo Việt Nam”
HUY HIỆU GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Trong Hiến chương của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất về chương thứ nhất, điều thứ hai có chép như sau:
Huy Hiệu của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là PHÁP LUÂN (có 12 căm) theo hình vẽ “Pháp luân là bánh xe pháp. Trong kinh thường chép: “Phật chuyển pháp luân” nghĩa là Phật chuyển bánh xe pháp, tức là Phật thuyết pháp hoá độ chúng sanh. Phật ba lần chuyển xe pháp Tứ đế thành ra 12 luân (3x4=12) hoặc có tiêu biểu cho pháp Thập nhị nhân duyên. Pháp luân 12 căm là tiêu biểu cho pháp Thập nhị nhân duyên hay pháp Tứ đế, 3 lần chuyển (3x4=12).
TRÁI TIM BẤT DIỆT
(một bảo vật của G.H.P.G.V.N.T.N)
Trái tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức là một bảo vật vô giá của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trong khi vô minh hắc ám bao phủ cả trời Nam, dân chúng đồ thán, đạo pháp lâm nguy, Bồ tát Quảng Đức phát đại nguyện, đem thân làm đuốc, soi sáng cả trời Nam, phá tan mây vô minh hắc ám của bạo quyền, để cứu nguy dân tộc và đạo pháp.
Sau buổi cầu siêu tại chùa Phật Bửu ở đường Cao Thắng vào lúc 08 giờ sáng ngày 11.6.1963 (20.4. Quí Mão) Bồ tát Quảng Đức dẫn đầu Tăng Ni diễn hành đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (Sài-gòn). Ngài ung dung ngồi kiết già giữa ngã tư rồi tự châm lửa vào mình. Ngọn lửa đại hùng của Ngài bừng lên sáng rực cả một góc trời. Mặc dù ngồi trong lửa đỏ hừng, nhưng Bồ tát vẫn kiết già bắt ấn tam muội ngồi vững như tượng đồng đen.
Sự hy sinh Bồ tát Quảng Đức đã làm cho Thế giới rúng động và kính nể chí anh dũng quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật Giáo Việt Nam nói riêng.
Trái tim kiên cố Ngài được đưa vào lửa điện đốt lại trên 6 giờ mà không cháy, hiện nay tôn thờ tại chùa Ấn Quang, trụ sở Giáo-hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất.
HỆ THỐNG TỔ CHỨC của G.H.P.G.V.N.T.N
Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất có chia ra TrungUơng đến Hải Ngoại:
Ở Trung Ương có Viện Thăng Thống và Viện Hoá Đạo
Ở đại phương có các miền, tỉnh, thị xã, quận, xã và phường v..v…
Ở hải ngoại có các chi bộ Phật Giáo
A - TRUNG ƯƠNG
I - VIỆN TĂNG THỐNG
Viện tăng thống lãnh đạo về phương diện tinh thần đạo pháp của Giáo hội, chuyên trách về sinh hoạt Giới luật cho Tăng Ni... (xem hiến chương từ điều 08 đến điều 14).
Viện Tăng Thống gồm có:
Đức Tăng Thống
Đức Phó Tăng Thống
Hội Đồng Trưởng Lão
Vị Chánh Thư Ký và một văn phòng
Hội đồng Trưởng lão là những vị có đủ 60 tuổi đời và 20 tuổi Đạo (kiết hạ), giới luật thanh tịnh có thành tích phục vụ đạo pháp.
Đức Tăng Thống là ngôi vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất trực tiếp lãnh đạo Viện Tăng Thống và chủ tọa Hội đồng Giáo hội Trung Ương.
Đức Tăng Thống và Phó Tăng Thống đều do Hội đồng Giáo hội Trung Ương suy tôn trong hàng Trưởng lão của Hội đồng.
II - VIỆN HOÁ ĐẠO
Viện Hoá Đạo điều hành các ngành hoạt động về phương diện hành chánh và tổ chức của Giáo hội PGVNTN (xem Nội quy ở sau) Viện Hoá Đạo gồm có:
Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo
Hội đồng Viện Hoá Đạo
Các cơ quan trực thuộc và các cấp Giáo hội trong ngoài nước
Thành phần Ban Chỉ Đạo gồm có:
1 Viện Trưởng (Tăng sĩ)
2 Phó Viện Trưởng
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Văn hoá Giáo dục
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Xã hội
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Cư sĩ
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Thanh Niên
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tài chánh
1 Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Viện Hoá Đạo
1 Tổng Thủ bổn Văn phòng Viện Hoá Đạo
Năm vị trong Ban Thường vụ hợp với 7 Tổng vụ thành Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo. Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo do Hội đồng Giáo hội Trung Ương đề cử và Hội đồng khoán đại GHPGVNTN bầu cử. (Xem Hiến chương từ điều 15 đến điều thứ 18).
Viện Trưởng Viện Hoá Đạo thay mặt Giáo hội trước pháp lý và đôn đốc các Tổng vụ.
III - BẢY TỔNG VỤ
1 - TỔNG VỤ TĂNG SỰ
Tổng vụ Tăng sự coi về Tự viện Tăng Ni, lập Tăng tịch, bổ nhiệm Trụ trì, cho phép trùng tu hoặc tân tạo Tự Viện, cho phép mở giới đàn, trông coi về giới luật, nghi lễ và các nghi thức tụng Niệm tu hành của Tăng Ni Tín đồ.
Tổng vụ Tăng sự gồm có 4 vụ:
- Tăng Bộ Bắc Tổng Vụ
- Tăng Bộ Nam Tổng Vụ
- Ni Bộ Bắc Tổng Vụ (y chỉ Tăng Bộ Bắc Tông)
- Ni Bộ Nam Tổng Vụ (y chỉ Tăng Bộ Nam Tông)
(xem trang 39 ở sau)
2 - TỔNG VỤ HOẰNG PHÁP
Tổng vụ Hoằng pháp trông coi về việc truyền bá giáo lý của Đức Phật, như phiên dịch trước tác kinh sách, diễn giảng giáo lý kiểm duyệt kinh sách và lập thư kinh sách v.v..
Tổng vụ Hoằng pháp gồm có 3 vụ: (xem trang 41 và 42)
- Trước tác phiên dịch Vụ
- Truyền bá Vụ (diễn giảng)
- Kiểm duyệt Vụ
(xem Thư mục ở sau)
3 - TỔNG VỤ VĂN HOÁ GIÁO DỤC
Tổng vụ văn hoá Giáo dục trông coi về việc văn hoá của Phật Giáo và Giáo dục các Tăng Ni và Tín đồ: điều hành các Phật học viện từ Tiểu học đến Cao Đẳng và Đại học, lo đào tạo Tăng Ni, điều khiển các trường Bồ đề, lập các Thư viện và tổ chức phát triển Văn Mỹ nghệ.
Tổng vụ Văn hoá Giáo dục gồm có 3 Vụ:
- Phật Học Vụ (Giáo dục Tăng Ni)
- Giáo dục Vụ (tức Thế học Vụ, các trường Bồ đề)
- Văn –Hoá Vụ (Văn mỹ nghệ và Thư viện v.v..)
(xem trang 23 ở sau)
4 - TỔNG VỤ XÃ HỘI
Tổng vụ Xã hội coi về việc Từ thiện Xã hội của Giáo hội; như thành lập hoặc điều khiển các Cô Nhi Viện, Ký Nhi Viện v.v.. nhà dưỡng lão, lập dưỡng đường, mở trạm y tế, cứu trợ các thiên tai, hoả hoạn v..v…
Tổng vụ Xã hội gồm có 2 Vụ:
- Từ thiện xã hội Vụ
- Y tế Vụ
(xem trang 35 sau)
5 - TỔNG VỤ CƯ SĨ
Tổng vụ Cư sĩ coi về việc cư sĩ cả Bắc tông và Nam tông, tổ chức và giáo dục các hàng ngũ Cư sĩ, lập các Hội đoàn Phật tử chuyên nghiệp.
Tổng vụ Cư sĩ gồm có 3 Vụ:
- Thiện Tín Bắc Tông Vụ
- Thiện tín Nam Tông Vụ
- Hội đoàn Phật tử chuyên nghiệp Vụ
(xem trang 43 ở sau)
6 - TỔNG VỤ THANH NIÊN
Tổng vụ Thanh Niên coi về thanh Niên Phật tử, tổ chức và giáo dục hàng ngũ thanh Niên Phật tử.
Tổng vụ Thanh Niên gồm có 6 Vụ:
- Gia đình Phật tử Vụ
- Sinh viên Phật tử Vụ
- Học sinh Phật tử Vụ
- Thanh Niên Phật tử Vụ
- Thanh Niên Phật tử Thiện Chí Vụ
- Hướng đạo Phật tử Vụ
( xem trang 44 ở sau)
7 - TỔNG VỤ TÀI CHÁNH
Tổng vụ Tài chánh coi về động sản và bất động sản của Giáo hội. Giữ gìn quản trị chùa chiền tài sản, đất đai v..v… và làm kinh tài cho Giáo hội.
Tổng vụ tài chánh gồm có 2 Vụ:
- Bất động sản quản trị Vụ
- Động sản quản trị Vụ
(xem trang 45 ở sau)
B - ĐỊA PHƯƠNG
I - TÁM MIỀN
Ở Trung Ương có Viện Tăng thống, Viện Hoá Đạo và 7 Tổng vụ ở địa phương có 8 Miền. 11 Quận Đô Thành, 19 Tỉnh và Thị xã ở Trung phần. 28 Thị Xã ở Nam phần.
Mỗi Miền có một vị chánh Đại diện, đại diện Giáo hội Trung Ương để đôn đốc Phật sự trong các Tỉnh. Không có lập Văn phòng và Ban Đại diện Miền. Mỗi miền đều lấy tên của một vị Tổ có dày công xây đắp cho Đạo pháp để đặt tên Miền. Như ở Trung có 3 Miền: Vạn hạnh, Khuông việt và Liễu quán; ở Nam có 3 miền: Khánh Hoà, Huệ Quang, và Khánh Anh; Ở Thủ đô có một miền Quảng Đức; ở Bắc có miền Vĩnh Nghiêm.
1 - MIỀN VẠN HẠNH
Miền Vạn Hạnh, lấy tên Ngài Vạn Hạnh Thiền sư đặt tên miền. Ngài Vạn Hạnh Thiền sư là một vị Quốc sư ở Triều nhà Lý (1010-1028). Người có công lớn với dân tộc Việt Nam cũng như Phật Giáo Việt Nam ở đời nhà Lý (Lý Công Uẩn xem Phật học Phổ thông khoá 5, trang 43).
Miền Vạn Hạnh ở vùng I, thuộc miền Bắc Trung nguyên Trung phần, gồm có 6 tỉnh và Thị Xã như sau:
- Tỉnh Quảng Trị
- Tỉnh Thừa Thiên (Thị xã Huế)
- Thị xã Đà Nẵng
- Tỉnh Quảng Nam
- Tỉnh Quảng Tín
- Tỉnh Quảng Ngãi
2 - MIỀN LIỄU QUÁN
Miền Liễu Quán, lấy tên Hoà thượng Liễu Quán đặt tên miền. Ngài Liễu Quán ở Tỉnh Phú Yên. Đạo đức Ngài sáng chói trong một thuở ở Miền Trung. Ngài phát minh và đề xướng một phái Thiên Tôn ở Việt Nam, gọi là phái “Thiền Liễu Quán” (xem Phật học Phổ Thông khoá 5, trang 157).
Miền Liễu quán ở Vùng II, thuộc miền Nam Trung nguyên Trung phần gồm có 6 tỉnh và Thị xã sau đây:
- Tỉnh Bình định (TX Q.N)
- Tỉnh Phú Yên
- Tỉnh Khánh Hoà (TX N.T)
- Thị xã Cam Ranh
- Tỉnh Ninh Thuận
- Tỉnh Bình Thuận
3 - MIỀN KHUÔNG VIỆT
Miền Khuông Việt, lấy tên Ngài Khuông Việt đặt tên miền. Ngài Khuông Việt là một vị Quốc sư ở đời nhà Đinh và Lê (968 - 1009), tên là Ngô Châu Lưu. Ngài có công lớn “giúp nước cứư dân”, nên vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong hiệu Ngài là “Khuông Việt Thái Sư” nghĩa là một vị Quốc sư phò giúp nước Việt (xem Phật học phổ thông khoá 5, trang 40 đến 42).
Miền Khuông Việt cũng ở vùng II, thuộc miền Cao Nguyên Trung phần, gồm có 7 Tỉnh và Thị xã như sau:
- Tỉnh Lâm đồng
- Tỉnh Tuyên Đức (Thị xã Đà lạt)
- Tỉnh Quảng Đức
- Tỉnh Darlac (Thị xã Ban Mê Thuột)
- Tỉnh Pleiku
- Tỉnh Kontum
- Tỉnh Phú Bổn
4 - MIỀN KHÁNH HOÀ
Miền Khánh Hoà lấy tên Ngài Khánh Hoà đặt tên miền. Ngài Khánh Hoà ở tỉnh Bến Tre, người đầu tiên đứng lên vận động phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng (xem quyển 50 chấn hưng Phật Giáo Việt Nam 34).
Miền Khánh Hoà ở vùng III, thuộc miền Đông Nam Phần, gồm có 11 tỉnh và thị xã như sau:
- Tỉnh Tây Ninh
- Tỉnh Hậu Nghĩa
- Tỉnh Bình Dương
- Tỉnh Bình Long
- Tỉnh Phước Long
- Tỉnh Biên Hoà
- Tỉnh Long Khánh
- Tỉnh Bình Tuy
- Tỉnh Phước Tuy
- Tỉnh Gia Định
- Tỉnh xã Vũng Tàu
5 - MIỀN HUỆ QUANG
Miền Huệ Quang, lấy tên Ngài Huệ Quang đặt tên miền. Ngài Huệ Quang là người đóng góp rất nhiều trong phong trào chấn hưng Phật Giáo ở miền Nam. Ngài là vị Pháp chủ Giáo hội Tăng Già Nam Việt Niên khoá thứ II vào năm 1953, và Phó Hội Chủ Tổng hội Phật Giáo Việt Nam vào năm 1956 (xem quyển 50 chấn hưng Phật Giáo, từ trang 40 đến 43).
Miền Huệ Quang ở Vùng IV, thuộc miền Tây Nam phần về sông Tiền Giang (sông Mê Kông), gồm có 10 Tỉnh và Thị Xã như sau:
- Tỉnh Long An
- Tỉnh Định Tường (Thị Xã Mỹ Tho)
- Tỉnh Gò Công
- Tỉnh Kiến Hoà (Thị xã Bến Tre)
- Tỉnh Vĩnh Bình
- Tỉnh Vĩnh Long
- Tỉnh Sa Đéc
- Tỉnh Kiến Phong
- Tỉnh Kiến Tường
- Tỉnh Côn Sơn
6 - MIỀN KHÁNH ANH
Miền Khánh Anh lấy tên Ngài Khánh Anh đặt tên miền. Ngài Khánh Anh là người đóng góp rất nhiều trong phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Miền Nam, Ngài là vị Thượng thủ Giáo hội Tăng Già toàn quốc Niên khoá thứ II năm 1959, và Pháp chủ Giáo Hội Tăng già Nam Việt, năm 1957 (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, từ trang 40 đến 43).
Miền Khánh Anh cũng ở vùng IV, thuộc miền Tây Nam phần về sông Hậu Giang (sông Bá Sắc), gồm có 8 Tỉnh và Thị Xã như sau:
- Tỉnh Châu đốc
- Tỉnh An Giang
- Tỉnh Phong Dinh (TX. Cần Thơ)
- Tỉnh Ba Xuyên
- Tỉnh Bạc Liêu
- Tỉnh Kiên Giang
- Tỉnh Chương Thiện
- Tỉnh An Xuyên
7 - MIỀN QUẢNG ĐỨC
Miền Quảng Đức lấy tên Hoà Thượng Quảng Đức đặt tên miền. Hòa thượng Quảng Đức là người đầu tiên tự thiêu vào ngày 11.6.1963 tại ngã tư Phan Đình Phùng Lê Văn Duyệt (Sài gòn), để cứu nguy dân tộc và đạo pháp.
Miền Quảng Đức gồm có 11 quận Đô Thành.
8 - MIỀN VĨNH NGHIÊM
Miền Vĩnh Nghiêm, lấy tên Ngài Vĩnh Nghiêm đặt tên miền, Ngài Vĩnh Nghiêm là một vị Cao tăng ở miền Bắc tài đức kiêm toàn, có uy tín nhứt ở miền Bắc. Ngài là pháp chủ đầu tiên của Hội Phật Giáo Bắc Việt.
Phật Giáo Việt Nam đã thống nhất toàn quốc từ năm 1951, dưới danh hiệu là “Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam” (xem quyển 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, trang 82). Nhưng vì chiến tranh chia đôi đất nước, nên địa dư Việt Nam, Phật Giáo cũng bị chia cách Bắc Nam không liên lạc được.
Sau pháp nạn năm 1963, toàn thể Tăng tín đồ gồm cả hai tông phái lớn (Bắc tông và nam tông) ở miền Nam nước Việt, hợp Đại hội tại chùa Xá Lợi (trụ sở của Uỷ Ban Liên phái Bảo vệ Phật Giáo) vào hai ngày 30.12.1963 và 01.1.1964 để thật sự thống nhất.
Đại hội đồng ý: Để tưởng Niệm những Bậc hữu công với Phật Giáo miền Bắc, nên lập thêm miền thứ 8 gọi là “Miền Vĩnh Nghiêm” vì thế nên miền Vĩnh Nghiêm không có địa dư ở miền Nam. Đây là quyết định của Ban dự thảo Hiến chương và cũng là quyết định chung của Đại hội đầu tiên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1963, tại chùa Xá Lợi.
Hiện nay chùa Vĩnh Nghiêm ở đường Cầu công Lý - Sài gòn, được đặt là “Miền Vĩnh Nghiêm” và có một Ban Đại diện.
Theo Hiến Chương và điều thứ 27, khi đại hội toàn quốc, mỗi Miền chỉ có một Đại diện, duy có miền Vĩnh Nghiêm được cử 10 vị đại diện.
II - TỈNH, THỊ XÃ VÀ QUẬN
Tại địa phương mỗi thị xã (biệt lập hành chánh) và 11quận tại Đô Thành đều có một Ban Đại diện giáo hội trực thuộc sự điều khiển của Viện Hoá Đạo (xem Hiến Chương điều thứ 20).
Các Quận thuộc các Tỉnh chỉ một vị đại diện để đôn đốc và kiểm tra Phật sự tại quận, do Viện Hóa Đạo bổ nhiệm. Nếu Tỉnh Giáo hội nào xét cần lập Ban đại diện quận thì trình Viện Hóa Đạo ra quyết định thành lập; nhưng Ban đại diện này trực thuộc với Ban đại diện Tỉnh đó (xem Hiến chương điều thứ 21).
Ban đại diện Tỉnh, Thị xã và Quận, gồm có:
1 Chánh Đại diện
1 Phó Đại diện
1 Đặc uỷ Tăng sự và nghi lễ
1 Đặc uỷ Hoằng pháp
1 Đặc uỷ Văn hoá giáo dục
1 Đặc uỷ xã hội
1 Đặc uỷ Tài chánh
1 Đặc uỷ Cư sĩ
1 Đặc uỷ Thanh Niên
1 Chánh thư ký
1 Phó thư ký
1 Chánh Thủ quỹ
1 Phó Thủ Quỹ
1 Ban Cố vấn
1 Ban Kiểm soát
III - XÃ VÀ PHƯỜNG
Giáo hội lấy xã (ở các tỉnh) và Phường (ở Thủ Đô) làm đơn vị. Tất cả các chùa Tăng Ni và cư sĩ thuộc Bắc tông Phật Giáo và Nam tông Phật Giáo Ban đại diện giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tại các xã hay Phường. Trụ sở đặt tại một ngôi chùa hay một nơi nào thuận tiện (xem hiến chương điều thứ 22)
BAN ĐẠI DIỆN XÃ HAY PHƯỜNG GỒM CÓ
1 Chánh Đại diện
1 Phó Đại diện
1Thư ký
1 Phó thư ký
1 Thủ quỷ
1 Phó Thủ Quỹ
4 Cố vấn kiểm soát
C - HẢI NGOẠI
CHI BỘ PHẬT GIÁO HẢI NGOẠI
Ở Hải ngoại, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã đặt được 11 Chi bộ Phật Giáo, đều trực thuộc với Viện Hoá Đạo.
1. Phân Bộ Giáo hội PGVNTN ở Pháp
2. Chi Bộ Giáo PGVNTN ở Đức
3. nt ở Nhật
4. nt ở Ấn Độ
5. nt ở Anh
6. nt ở Mỹ
7. nt ở Thái Lan
8. nt ở Ai lào
9. nt ở Cao Miên
10. nt ở Thụy sĩ
11. nt ở Gia Nã Đại
Mỗi Phân Bộ và Chi bộ Phật Giáo đều có một Ban Chấp hành và điều lệ. Thành phần Ban chấp hành Trung Ương Phân Bộ Hải ngoại Giáo hội PGVNTN như sau (xem điều lệ và quyết định ở sau):
Trưởng Ban Danh dự
- 1 Trưởng Ban Chấp hành Phân bộ
- 1 Phó Trưởng Ban phụ trách Á Châu
- 1 Phó Trưởng ban phụ trách Nghi Lễ
- 1 Phó Trưởng phụ tổ chức
- 1 Tổng Thư Ký
- 1 Thủ quỹ
- 1 Uỷ viên Liên kết trí thức
- 1 Uỷ viên Thanh Niên và Báo chí
- 1Uỷ viên liên lạc sinh viên tốt nghiệp
- 1 Uỷ viên tổ chức học tập giáo lý và nghi lễ
- 1 Uỷ viên phụ trách Hoa kỳ
- 1 Uỷ viên phụ trách Gia Nã Đại
(Hết phần thứ nhất)