- Tựa
- Nghĩa Chữ Thành Duy Thức
- Luận Thành Duy Thức
- 01 Lược Nêu Tướng Duy Thức
- 02. Phá Chấp Ngã
- 03. Hai Thứ Ngã Chấp
- 04. Gỉai Thích Vấn Nạn
- 05. Phá Chấp Pháp
- 06. Phá Các Thừa Giáo Chấp Pháp
- 07. Thức Biến Hiện Thứ Nhất
- 08. Gỉai Rõ Tướng Nhất Thiết Chủng
- 09. Chứng Minh Có Thức Thứ Tám
- 10. Thức Biến Hiện Thứ Hai
- 11. Thức Biến Hiện Thứ Ba
- 12. Dựa 15 Xứ Lập 10 Nhân
- 13. 4 Duyên Nhiếp 10 Và 2 Nhân
- 14. Năm Quả
- 15. Chánh Luận Về Duyên Sanh Phân Biệt
- 16. Gỉai Thích Vấn Nạn
- 17. Ba Tự Tánh
- 18. Ba Vô Tánh
- 19. Năm Hạnh Vị Tu Chứng
- 20. Tư Lương Vị
- 21. Gia Hạnh Vị
- 22. Thông Đạt Vị
- 23. Tu Tập Vị
- 24. Cứu Cánh Vị
- Chú Thích
- Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức
THÀNH DUY THỨC LUẬN
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch : Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Mùa An cư P.L. 2539 – 1995
I. LƯỢC NÊU TƯỚNG DUY THỨC (*)
Hỏi: Nếu chỉ có Thức thì tại sao người thế gian và trong Thánh giáo đều nói có ngã và pháp?
Tụng đáp:
Do giả nói ngã pháp,
Có tướng ngã pháp chuyển,
Chúng nương thức biến hiện,
Thức Năng biến có ba,
Là Dị thục, Tư lương,
Và thức Liệu biệt cảnh.
Luận rằng: Thế gian và Thánh giáo nói có ngã và pháp, chỉ là do giả nói, chứ chẳng phải có thật tánh. Ngã nghĩa là chủ tể, pháp nghĩa là qủy trì. hai thứ ấy đều có các tướng chuyển biến hiện ra. Ngã có các tướng như là hữu tình, mạng giả v.v... Dự lưu, Nhất lai v.v... Pháp có các tướng như là Thật, Đức, Nghiệp v.v.. Uẩn, Xứ, Giới v.v... Chuyển nghĩa là tùy theo duyên thì thiết ra các tướng khác nhau.
Hỏi: - Các tướng như thế nếu do giả thuyết, thì nương vào đâu được thành giả thuyết?
Đáp: - Các tướng ngã pháp như thế đều nương vào sự chuyển biến của thức mà giả thi thiết.
- Thức nghĩa là liễu biết, nhận thức. Trong đây nói thức cũng bao gồm cả Tâm sở, vì nó tương ưng nhau vậy.
- Biến nghĩa là thức thể chuyển biến ra hai phần tương tợ là Tướng phần và Kiến phần. Vì Tướng và Kiến đều nương Tự chứng phần của thức mà khởi lên, rồi nương hai phần Kiến, Tướng này mà thi thiết ngã và pháp. Ngã và pháp kia lìa hai phần Kiến, Tướng này thì không có chỗ nương (tức phân biệt giả).
Hoặc lại do nội thức chuyển biến thành tợ ngoại cảnh, vì do năng lực phân biệt huân tập về ngã pháp, nên khi các thức sanh khởi liền biến thành ra tướng tợ ngã, tướng tợ pháp. Tướng ngã pháp đó tuy ở nội thức, nhưng do phân biệt mà hiện ra tương tợ như là cảnh ở bên ngoài (nhân duyên giả). Các loại hữu tình từ vô thỉ đến nay, duyên theo tướng tợ ngã tợ pháp đó, chấp cho là thật ngã, thật pháp. Như người chiêm bao, do sức chiêm bao mà trên tâm họ hiện ra các tướng tợ như là cảnh ở bên ngoài, rồi duyên theo đó họ chấp cho là thật có ngoại cảnh.
Cái thật ngã, thật pháp của kẻ ngu phu chấp trước này đều không có thật có, nó chỉ tùy theo vọng tình mà bịa đặt ra, cho nên nói nó là giả (phân biệt biến, phân biệt giả). Nội thức biến ra tợ ngã tợ pháp, tuy có mà không phải thật có tánh ngã pháp, nhưng tợ như là có ngã pháp hiện ra, nên nói là giả (nhân duyên biến, nhân duyên giả).
Ngoại cảnh theo vọng tình mà bịa đặt chứ chẳng phải có như thức, còn nội thức chắc chắn nương nhân duyên sanh, nên chẳng phải không như cảnh. Nhờ đó bèn ngăn được hai thứ chấp là chấp tăng và chấp giảm (ngã pháp không mà chấp cho là thật có, đó là chấp tăng. Nội thức có mà lại chấp cho là không, đó là chấp giảm).
Cảnh nương nội thức mà giả lập, cho nên nó chỉ có trên mặt thế tục (Tục đế), còn thức là chỗ nương của giả cảnh, nên nó cũng có trên mặt thắng nghĩa (lý rốt ráo). (3)
(*) Các tiểu mục, các số thứ tự và các chữ "hỏi – đáp" là do người dịch thêm vào.