Tâm Như Nhà Họa Sư, Hay Vẽ Những Thế Gian
“Bấy giờ, Bồ tát Giác Lâm thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Ví như nhà họa sư
Phân bố những màu sắc
Hư vọng nắm tướng khác
Đại chủng không sai khác.
Trong đại chủng không sắc
Trong sắc không đại chủng
Cũng không lìa đại chủng
Mà có được màu sắc.
Trong tâm không tranh mà
Trong tranh màu không tâm
Nhưng chẳng lìa khỏi tâm
Mà có được tranh màu.
Tâm ấy hằng chẳng trụ
Vô lượng khó nghĩ bàn
Thị hiện tất cả sắc
Mỗi mỗi chẳng biết nhau.
Ví như nhà họa sư
Chẳng biết được tự tâm
Nhưng do tâm nên vẽ
Tánh các pháp như vậy.
Tâm như nhà họa sư
Hay vẽ các thế gian
Năm uẩn từ tâm sanh
Không pháp nào chẳng tạo.
Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Phải biết Phật cùng tâm
Thể tánh đều vô tận.
Nếu người biết tâm hành
Tạo khắp các thế gian
Người ấy ắt thấy Phật
Rõ chân thật tánh Phật.
Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân cũng chẳng trụ tâm
Mà hay làm Phật sự
Tự tại chưa từng có.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.
(Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Dạ Ma cung kệ tán thứ 20, Pháp sư Thật Xoa Nan Đà Hán dịch)
1/ Chúng ta thấy màu sắc như thế nào?
Chúng ta thấy một sự vật bằng cách thấy màu sắc của nó và nhờ màu sắc ấy mà phân biệt với những sự vật có màu sắc khác. Ngày nay qua nghiên cứu khoa học, chúng ta biết khá rõ về cách thức tạo màu nơi thần kinh não bộ.
Khi ánh sáng trắng, không màu, như ánh sáng mặt trời, chiếu vào một vật, một phần quang phổ bị vật hấp thụ và một phần được phản chiếu lại đến mắt. Phần những sóng ánh sáng không bị hấp thu phản chiếu lại đến mắt chúng ta cho chúng ta thấy màu sắc của vật ấy. Nhưng cái đến với mắt, với các tế bào hình nón, hình que của mắt không phải là màu sắc mà chỉ là những sóng ánh sáng, những hạt quang tử (photon). Cái thấy ra màu sắc là do hệ thần kinh giác quan và hệ thần kinh não bộ diễn dịch các kích thích của các sóng ánh sáng, các photon thành ra màu sắc. Hệ thần kinh của chúng ta giới hạn nên chúng ta chỉ thấy các màu sắc ở một biên độ giới hạn thôi.
Lấy một thí dụ cụ thể là màu vàng không có trong thực tế, nó chỉ là sự pha trộn hai loại sóng màu đỏ và sóng màu xanh lá cây trong hệ thần kinh não bộ. Màu đen thấy được vì vật ấy hấp thụ toàn bộ sóng ánh sáng, không cho chút sóng nào phản chiếu lại. Màu trắng là do không có hấp thu, phản chiếu lại toàn phần.
Hơn thế nữa, ngoài những yếu tố khách quan như nguồn ánh sáng mạnh hay yếu, tiếng ồn, mùa… còn có những yếu tố chủ quan như tuổi tác, tâm trạng, ký ức… làm màu sắc cũng có sự biến đổi.
Hệ thần kinh giác quan, hệ thần kinh não bộ, tâm trạng con người… trong Phật giáo gọi là tâm, hay là tám thức.
Như thế màu sắc là sự hấp thu và phản xạ của các sóng ánh sáng, phần các sóng ánh sáng phản xạ này được năm thức giác quan, ý thức, thức chấp ngã và tạng thức, tám thức ấy tạo thành tâm, diễn dịch, hòa trộn thành các màu. Các trò chơi hấp thu và phản xạ của ánh sáng thành màu sắc thì không thể thấy được, không có xuất hiện nếu không có tâm. Như vậy tâm chính là kẻ tạo ra trò chơi các màu sắc, nên Kinh nói: “Tâm như nhà họa sĩ, phân bố các màu sắc”.
Cụ thể, từ ánh sáng trắng của mặt trời, tâm đã “phân bố”, biến hóa ra đủ thứ màu sắc có thể thấy được đối với con người.
2/ Tâm như nhà họa sư, hay vẽ các thế gian
Các nguyên tử không có màu sắc, không có mùi hương… màu sắc và mùi hương là do các thức giác quan và các thức khác phản ứng với các nguyên tử mà có ra. Thế nên, các màu sắc, mùi hương là do tám thức hay tâm tạo ra.
Người bình thường không biết những màu sắc do đâu tạo ra, tưởng rằng màu sắc là tự chúng hiện hữu, chúng tự có tánh riêng, không biết rằng chúng là không có tự tánh, đó là một mê lầm. Những sự vật thấy khác biệt nhau là do màu sắc của chúng khác biệt nhau. Người bình thường tưởng rằng những màu sắc đó là đặc tính vốn có của sự vật, không biết rằng những màu sắc ấy là do tâm tạo, sự khác biệt giữa các sự vật là do tâm tạo, nên bám chấp vào các tướng khác nhau của các sự vật. Đó là một mê lầm khác, mê lầm ấy được Kinh nói trong câu, “hư vọng nắm giữ các tướng khác nhau”. Trong khi ấy, các đại chủng tạo thành thế giới “không có tướng sai khác”. Thấy có các tướng, các sự vật khác nhau chỉ là cái thấy hư vọng, vọng thấy.
Các đại chủng là đất, nước, lửa, gió tạo thành thế giới bên ngoài. Nhưng trong các đại chủng không có màu sắc, trong màu sắc cũng không có đại chủng. Màu sắc và đại chủng không hợp lại với nhau, màu sắc cũng không lìa đại chủng mà có, bởi vì màu sắc là không thật có, do vọng thấy.
Không hợp, không lìa vì cả hai đều vô tự tánh, do nhiều duyên mà xuất hiện, vô tự tánh là một nghĩa của tánh Không.
Đó là xét mối tương quan giữa màu sắc và đại chủng. Bốn câu tiếp theo xem xét mối tương quan giữa tâm và bức tranh màu ngoại cảnh. Trong tâm tìm xét tận cùng cũng chẳng thấy có cảnh tranh màu nào cả. Tâm là trống không, tâm là tánh Không: “Trong tâm không tranh màu”.
Nhưng xem xét bức tranh màu của ngoại cảnh, chúng ta cũng không tìm thấy dấu vết gì của tâm, “trong tranh màu không tâm”. Tâm không hiện hữu nơi cảnh. Nhưng như trên đã nói, có màu sắc là vì có tâm, màu sắc do tâm tạo. Thế nên, Kinh nói, “nhưng chẳng lìa khỏi tâm, mà có được tranh màu”.
Tâm không ở đâu cả, không ở trong thân cũng không ở nơi cảnh. Tâm không trụ ở một chỗ nào, “tâm ấy hằng chẳng trụ”. Đồng thời tâm ở khắp nơi, vì chúng ta đều biết, đều thấy khắp nơi. Khắp nơi là không bị giới hạn vào một chỗ nào, chúng ta có thể thấy biết vô lượng các sự vật nên tâm cũng phải là vô lượng, “vô lượng khó nghĩ bàn”.
Tâm ấy làm hiện ra tất cả sắc, “thị hiện tất cả sắc”. Nhưng tất cả các sắc ấy, nếu không nhờ tâm, không thông qua tâm, thì chúng chẳng biết nhau, “mỗi mỗi chẳng biết nhau”. Tâm làm xuất hiện tất cả sắc, điều mà kinh dùng chữ “thị hiện”. Thị hiện là tâm biểu lộ mình, thể hiện mình nơi sắc, qua sắc. Đây là điều mà người xưa nói “ứng vật hiện hình”.
Để hiểu tâm Không lại thị hiện tất cả sắc, chúng ta có thể lấy câu “Sắc tức là Không, Không tức là sắc” của Bát Nhã Tâm Kinh để hiểu rõ thêm. “Sắc tức là Không” nghĩa là đưa tất cả sắc về bản tánh của chúng là Không. Nhưng Không không có nghĩa không có gì cả, mà “Không tức là sắc” có nghĩa Không thị hiện, biểu lộ ra tất cả các sắc, nhưng tất cả các sắc vẫn là tánh Không.
Một thí dụ là đại dương. Đại dương thì không có hình tướng gì, vô tướng; và bao la không ở riêng một chỗ nào cả, vô trụ. Nhưng đại dương thị hiện qua các làn sóng, nhờ thấy các làn sóng mà người ta biết đây là đại dương.
“Ví như nhà họa sư, chẳng biết được tự tâm, nhưng do tâm nên vẽ, tánh các pháp như vậy”. Một nhà họa sư chẳng biết được tự tâm, chẳng biết được bản tánh của tâm và những hoạt động, vận hành của tâm (“tâm hành”), từ rất vi tế đến thô, nhưng vẽ được là do tâm, từ tâm và bởi tâm, “nhưng do tâm nên vẽ”. Chính vì không biết do tâm tạo, duy tâm tạo mà tự cho rằng mình vẽ ra, đây là chấp ngã, sự tham gia chi phối của thức thứ bảy. Rồi lại cho bức tranh màu do tâm vẽ ấy là có thật, mỗi sự vật trong bức tranh ấy đều có tự tánh, đó là chấp pháp. Chính hai cái chấp ngã và chấp pháp này đã làm pháp giới nhiễm ô, biến thành sanh tử khổ đau. Không có sự nhiễm ô của chấp ngã và chấp pháp thì pháp giới là tánh Không thanh tịnh, vô tự tánh nên như huyễn, như mộng.
“Tánh các pháp như vậy”: các pháp được tâm vẽ ra mà tâm thì “hằng chẳng trụ, vô lượng khó nghĩ bàn” nên các pháp thì không có “ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng” nên vô tự tánh, như huyễn, như mộng nên vốn là tự do, giải thoát. Tâm là tánh Không nên các pháp vốn là sự vẽ ra, sự thị hiện của tâm tánh Không nên các pháp cũng là tánh Không, vô tự tánh, các pháp chính là giải thoát.
“Tâm như nhà họa sư, hay vẽ các thế gian, năm uẩn từ tâm sanh, không pháp nào chẳng tạo”: Khi tâm bị nhiễm ô bởi chấp ngã và chấp pháp, thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức (năm yếu tố này là tâm) bị nhiễm ô mà biến thành sanh tử. Khi tâm thoát khỏi nhiễm ô chấp ngã chấp pháp, trở lại bản tánh vốn thanh tịnh của tâm, thì tâm ấy và những hoạt động biến hóa, vẽ vời của nó trở thành Niết bàn. Như vậy cũng một tâm ấy mà biến thành sanh tử hay biến thành Niết bàn, cũng một tâm này mà chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn. Đây là điều câu kệ sau nói, “Tất cả duy tâm tạo”.
3/ Bản tánh của Tâm, Phật và chúng sanh
“Như tâm, Phật cũng vậy; như Phật, chúng sanh đồng, phải biết Phật cùng tâm, thể tánh đều vô tận”.
Cũng câu kệ trên, bản dịch Kinh Hoa Nghiêm 60 quyển do Phật Đà Bạt Đà La là:
“Như tâm, Phật cũng vậy; như Phật, chúng sanh đồng; tâm, Phật, và chúng sanh, cả ba không sai khác”.
Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba đồng Một Tâm, một Phật tâm, một Pháp thân, một Như Lai tạng, một pháp giới tánh, một Chân Như…
Thế nhưng cũng ở trên và ở trong cùng Một Tâm ấy, chúng sanh vì vô minh, không biết, đã tạo ra sự chia cắt, phân biệt tạo thành một ‘cái tôi và cái của tôi’ giả lập, từ đó phát sanh đủ thứ phiền não, các độc tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ… Sự chấp ngã và chấp pháp cùng với đủ thứ phiền não phát sanh từ đó đã chia cắt pháp giới thành từng mảnh vụn, tạo ra cái mà đạo Phật gọi là sanh tử luân hồi khổ đau. Sanh tử là do tâm bị nhiễm ô của chúng sanh vẽ ra, rồi nhuộm thêm những màu phiền não.
Đó là điều ở trên nói, “hư vọng bám nắm các tướng khác nhau”. Thế nên để giải tan cái sanh tử hư vọng này, phải nhận biết hoạt động của họa sư tâm như nhà huyễn thuật này và nhận biết bản tánh của tâm để khỏi mê mờ bởi những thị hiện vẽ vời, vô tự tánh của nó. Bản tánh của nhà họa sư tâm là tánh Không, cho nên sanh tử mà nhà họa sư ấy vẽ ra là tánh Không, vô tự tánh, vô tướng, vô trụ, như huyễn như mộng.
Bản tánh của tâm ấy vốn thanh tịnh, một vị đồng nhất, “tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai khác”. Bản dịch kia nói, “tâm, Phật và chúng sanh, thể tánh đều vô tận”. Chữ “vô tận” là để chỉ tánh Không, mà ở trên nói là “chẳng trụ”, “vô lượng”. Tâm, Phật, chúng sanh đều đồng một bản tánh là tánh Không, đồng một quang minh, đồng một năng lực. Vô tận nghĩa là tánh Không, quang minh và năng lực biến hóa của tâm Phật là vô tận.
“Nếu người biết tâm hành, tạo khắp các thế gian, người ấy ắt thấy Phật, rõ chân thật tánh Phật”. Biết rõ tâm hành, hoạt động biến hóa, vẽ nên mọi cõi thế gian của tâm, không lầm lẫn cho đó là cái tôi và của tôi cùng những phiền não của nó là thật, người ta biết được tất cả những hoạt động biến hóa của tâm luôn luôn xảy ra trên cùng một nền tảng, cùng một bản tánh “tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác”. Tất cả mọi tâm hành, mọi biến hóa của tâm đều xảy ra trên nền tảng tánh Không, ánh sáng và năng lực, là ba mặt của bản tánh vốn thanh tịnh của tâm. Nói trực tiếp hơn, thì tất cả mọi biến hóa đều là sự “thị hiện” của bản tánh của tâm, của tánh Không, ánh sáng bổn nguyên của tâm và năng lực sẳn có của tâm.
Thấy được tất cả các thế gian là tâm hành, là sự biến hóa thanh tịnh của tánh Không, ánh sáng bổn nguyên và năng lực thanh tịnh, đó là thấy những cõi Tịnh độ, thấy sự biến hóa của Pháp thân Phật thành vô số Hóa thân Phật. Đó gọi là thấy Phật, thấy chân thật tánh Phật, tức là thấy Pháp thân tánh Không, Báo thân ánh sáng và Hóa thân năng lực biến hóa, cả ba không lìa nhau. Đó là ba thân của Phật pháp giới, mà Kinh Hoa Nghiêm gọi là Phật Tỳ Lô Giá Na, dịch là Phật Đại Nhật, Phật Phổ Quang Minh, Phật Quang Minh Biến Chiếu.
“Tâm chẳng trụ nơi thân, thân cũng chẳng trụ tâm, mà hay làm Phật sự, tự tại chưa từng có”. “Tâm ấy hằng chẳng trụ, vô lượng khó nghĩ bàn”, tâm ấy là Vô trụ, Vô tướng (vô lượng) và Vô niệm (khó nghĩ bàn). Cái Vô trụ, Vô tướng và Vô niệm thì không trụ nơi thân và cả tâm chúng sanh, nhưng tánh Không vô trụ, vô tướng và vô niệm ấy thường làm Phật sự, vì tánh Không luôn luôn đi cùng ánh sáng và năng lực.
Tánh Không, ánh sáng và năng lực không chỗ nào không có, “tâm hành” ở khắp tất cả, thậm chí nói theo Kinh Hoa Nghiêm, hoạt động trong từng hạt bụi. Hoạt động ở khắp tất cả, hoạt động của một cái toàn thể không có gì ngoài nó cũng có nghĩa là làm tất cả mà không làm gì cả. Điều đó Kinh đã nói là “thường hay làm Phật sự” mà lại “tự tại chưa từng có”.
“Nếu người muốn rõ biết, tất cả Phật ba đời, phải quán pháp giới tánh, tất cả duy tâm tạo”. Pháp giới tánh là bản tánh của pháp giới, cũng là bản tánh của “tâm, Phật, và chúng sanh, cả ba không sai khác (hay “thể tánh đều vô tận”). Pháp giới tánh là nền tảng từ đó hóa hiện, thị hiện ra pháp giới, tức vũ trụ. Pháp giới tánh là Pháp thân của tất cả chư Phật ba đời, từ đó có Báo thân và Hóa thân của chư Phật với các cõi Tịnh độ.
Thế nên muốn biết tất cả Phật ba đời, Pháp thân, Báo thân và vô số Hóa thân Phật thì phải quán thấy “chân thật tánh Phật”, tức là pháp giới tánh, bao gồm ba thân của chư Phật. Pháp giới tánh ấy cũng là bản tánh của tâm, Phật và chúng sanh.
“Tất cả duy tâm tạo”, chữ tâm ở đây là tâm của Phật, chúng sanh và pháp giới. Thấy tất cả duy Tâm tạo là thấy tất cả Ba thân, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân của Phật Tỳ Lô Giá Na. Nói cách khác, Ba thân Phật Tỳ Lô Giá Na thị hiện thành tất cả pháp giới.Nguyễn Thế Đăng
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng