THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003
Ý CHỈ GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN
Trỏ tay vô tận hư không nát Đưa mắt hằng sa cõi biệt tăm
I. THẾ NÀO LÀ GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN?
Nói ‘Giáo ngoại biệt truyền’ tức truyền riêng ngoài giáo, vậy có một pháp thật ngòai kinh giáo để truyền không? Đây là điểm cần thấu rõ, không thì dễ đưa đến hiểu lầm.
Rồi trở thành hiểu méo mó lệch lạc rất nguy hiểm. Bởi thiền tông vốn đề cao ‘giáo ngọai biệt truyền’ nên có lúc bị hiểu lầm là quái thai của Phật giáo, là sản phẩm của Trung Hoa, do các thiền sư Trung Hoa mới tạo ra sau này. Song nếu hòan tòan như thế thì đó là pháp tạo tác, là cái mới có, thời Phật không có. Thế là nó thuộc về pháp sinh diệt, có gì đặc biệt?
Hơn nữa, nói truyền riêng ngoài kinh giáo, rồi cho rằng có một cái gì đó đặc biệt để truyền riêng thì chính cái thấy đó đã đi quá xa với Thiền tông. Vì đó là thấy ngòai tâm có pháp, và tưởng là có trao có nhận, tức đã bị lừa gạt. Đồng thời, có cái thấy đó là có tâm lấy bỏ. Bỏ kinh lấy thiền, vẫn y nguyên rơi vào trong đối đãi, đâu thể đạt ý Tổ. Đây chính là ý nghĩa sâu xa, người đứng ngòai cửa Tổ không dễ gì lý luận đến được.
Thực ra, nói ‘ngòai giáo’, nói ‘truyền riêng’ nhưng ý đó đã nằm sẵn trong kinh, không phải là cái mới đặt ra. Chẳng qua vì người dùng tâm suy nghĩ khó nhận thấy, kẻ dùng thức tâm phân biệt khó khám phá.
Dẫn Kinh để chứng minh :
Kinh Kim cang : Phần mở đầu: Tôi nghe như vầy: một thuở nọ, Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ Đà thuộc nước xá Vệ, cùng chung với 1250 Đại Tỳ kheo. Bấy giờ đến giờ ăn, Thế Tôn đắp y, ôm bát đi vào thành xá vệ khất thực. Trong thành đó theo thứ lớp khất thực rồi, ngài trở về chỗ mình, thọ thực xong, thu xếp y bát, rửa chân và trải tòa mà ngồi. Lúc đó Truởng lão Tu Bồ Đề ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trích áo vai phải, chấp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật hiếm có, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ tát, khéo phó chúc các vị Bồ tát.
Qua đọan kinh này, chúng ta thấy có gì lạ? Chính ‘ý giáo ngọai’ đã nằm sẵn trong đó mà mấy ai thấy được. Rõ ràng trong đó, Phật chưa nói câu nào, ngài chỉ đi khất thực về thọ trai rồi xếp y bát … chưa từng mở miệng. Vậy Trưởng lão Tu Bồ Đề tán thán ‘thật hiếm có …’ là hiếm ở chỗ nào? Hộ niệm phó chúc cái gì? Trưởng lão đã thấy gì mà tán thán như thế. Đây là chỗ rất sâu kín, nên trưởng lão nói ‘KHÉO’, tức không thể hời hợt mà thấy được.
Bởi Như Lai là bậc đã chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức lúc nào ngài cũng sống trong ánh sáng chánh giác không gián đoạn, không thiếu vắng. Nếu có gián đọan thiếu vắng thì không thể gọi là Như Lai. Vậy thì ngay nơi chỗ Thế Tôn đi khất thực, thọ trai v.v… hẳn áng sáng Như Lai hay Kim Cang Bát nhã vẫn ngầm hiển lộ trong đó. Nghĩa là trong nhật dụng của Thế Tôn, ánh sáng Như Lai luôn sáng ngời. Chính đây là chỗ Như Lai thầm hộ niệm, thầm phó chúc cho các Bồ tát. Tức Bồ tát phải luôn nhớ trong ánh sáng đó không để cho gián đọan. Phật pháp còn mãi ở thế gian cũng chính từ đó. Sức sống chân thật của Phật đạo, gốc cũng ở chỗ này. Song chỗ này ngôn ngữ làm sao nói hết được, hai tròng mắt này làm sao nhìn thấu đến được. Trưởng lão Tu Bồ Đề thầm nhận được chỗ này nên mới khen là ‘hiếm có’.
Hơn nữa, Phật cũng chưa nói ra lời nào thì nó nằm ở kinh nào? Ở giáo nào? Không phải ý giáo ngoại đã nằm sẵn trong đó hay sao, còn nghi ngờ gì nữa.
Kinh Tạp A Hàm II, bài kinh 404 : Đức Phật khi ở tại nhà Phước Đức, nơi rừng trúc thành Vương Xá, nước Ma kiệt đà, ngài ở đêm tại đây. Rồi thế Tôn bảo các Tỳ kheo :
- Các thầy nên cùng ta đến rừng Thân Thứ.
Thế Tôn và đại chúng đến rừng Thân Thứ, ngồi dưới gốc cây, lúc đó ngài nắm một nắm lá trong tay, đưa lên hỏi các thầy Tỷ kheo:
- Lá cây trong tay nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?
Các thầy Tỳ kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn lá cây trong tay rất ít, lá cây trong rừng nhiều gấp trăm ngàn muôn ức lần tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.
Phật bảo :
- Này các Tỳ kheo! Ta thành đẳng chánh giác, những pháp do ta tự thấy rồi vì người giảng nói chỉ ít như lá trong nắm tay. Vì sao? Vì pháp ấy có ích lợi về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh và minh tuệ chánh giác, thẳng đến niết bàn.
Cũng vậy, chánh pháp ta tự tri khi ta thành Đẳng chánh giác mà ta không nói ra, cũng giống như lá trong rừng cây. Vì sao? Vì pháp ấy không có lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh và minh tuệ chánh giác, thẳng đến niết bàn.
Thế nên các Tỳ kheo đối với Tứ thánh đế chưa được hiện quán thì nên siêng năng phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.
Đây là bài kinh thuộc hệ Nguyên thủy. Đọc kỹ, bài kinh cho ta thấy điều gì? Rõ Ràng Phật đã nói: Kinh điền nói ra chỉ như nắm lá trong tay. Tất cả kinh điển ghi chép lại cũng chỉ là nắm lá trong tay. Còn cả rừng lá kia thì không thể ghi chép. Điều đó Phật nói ‘Phật chưa nói’. Vậy chúng ta hài lòng với nắm lá trong tay đó sao? Dù chúng ta có học hết kinh điển thì cũng chỉ là học nắm lá trong tay. Vậy Phật muốn nói điều gì? Phật muôn nhắc chúng ta phải học suốt qua kinh điển giáo nghĩa, phải thực hiện một cái nhảy nhảy qua khuôn khổ chết đó mới có thể hiểu hết ý ngài. Đây chính là ‘ý truyền riêng ngòai giáo’. Nó đã nằm sẵn trong kinh từ buổi đầu. Chính miệng Phật đã xác nhận điều đó.
Kinh Tương Ưng Bộ, bài kinh ‘Có pháp môn nào’ : Ở đây này các tì kheo! Các Tỳ kheo khi mắt thấy sắc hoặc nội tâm ta có tham sân si, biết rõ nội tâm ta có tham sân si. Hoặc nội tâm không có tham sân si, biết rõ nội tâm ta không có tham sân si … (với các căn còn lại cũng như vậy)
Này các tì kheo! Biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm của vị ấy. Có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp mà được hiểu biết, hay do kham nhẫn mà được hiểu biết, hay do thích thú biện luận mà được hiểu biết?
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
- Có phải các pháp này do thấy chứng với trí tuệ nên được hiểu biết?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
- Này các Tì kheo! Đây chính là pháp môn, do pháp môn này, ngoài lòng tin, ngòai ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngòai kham nhẫn thích thú, biện luận, có thể xác chứng với chánh tri, vị ấy biết rõ sanh tử đã tận, việc làm đã xong… Không còn sanh lại đời nào khác nữa.
Như vậy ở đọan kinh này Phật cũng xác định : Cái biết, biết trong tâm mình có tham sân si hay không tham sân si v.v… cái biết đó không thuộc suy tư biện luận v.v… chỉ có thể xác chứng với chánh tri. Vậy cái biết đó nằm trong bộ kinh nào. Sách vỡ nào ghi chéo được cái biết này? Nhưng nó có hay không? Phật đã xác nhận Có thể xác chứng với chánh tri., tức mở sáng mắt đạo liền thấy rõ, chớ không phải là điều mơ hồ hay chỉ có trên lý thuyết.
Giờ đây, nếu sáng tạo một chút thì nói : Có vọng biết có vọng, không vọng biết không vọng. Hoặc, có niệm biết có niệm, không niệm biết không niệm. Cái biết có niệm không niệm đó là gì? Đâu phải cứ khư khư cố định ở cái tên tham sân si. Chủ yếu là ở cái biết. Nếu chấp cứng nơi cái tên tham sân si thì cũng chết trên nắm lá trong tay, làm sao có thể cảm nhận được đám lá trong rừng?
Đến trong nhà thiền: ý này càng được ứng dụng linh diệu tuyệt vời. Chính từ đó, Thiền tông có một nét đặc thù nổi bật, có sức sống vươn lên, không theo dấu mòn lối cũ, không kẹt trong hình thức khuôn mẫu chết.
Tướng Bùi Hưu trở hình vẽ cao tăng trên vách hỏi Hoàng Bá :
- Hình ở đây còn cao tăng ở đâu?
Hoàng bá gọi : - Bùi Hưu!
Bùi Hưu ứng : - Dạ.
Hòang Bá bảo : Ở đâu?
Ngay lúc đó Bùi Hưu liền nhận ra cao tăng sống. Ban đầu, cứ đuổi theo hình vẽ bên ngòai, nên mong muốn tìm thấy chỗ chỉ. Qua tiếng gọi ‘dạ’, Hoàng Bá đánh thẳng vào cái thực tại đang hiện hữu bằng cách nhấn mạnh ‘Ở đâu?’ Liền đó cao tăng lộ bày sờ sờ. Vậy cái BIẾT ‘dạ’ đó nằm ở bộ kinh nào? Máy móc tiếng bộ bao nhiêu cũng chỉ có thể ghi được tiếng dạ, không thể ghi được cái biết. Đó là ‘truyền riêng ngòai giáo’.
Mã Tổ cùng Hoài Hải dạo núi thấy bầy le le bay trên trời. Mã Tổ lấy tay trỏ bầy le le hỏi:
- Là cái gì ?
- Bầy le le
Đợi bầy le le bay qua, Mã Tổ hỏi tiếp:
- Bay đi đâu?
Hoài Hải thưa:
- Bay qua mất rồi
Mã Tổ thuận tay nhéo mạnh lỗ mũi Hoài Hải. Sư đau quá la lên, Mã Tổ nói:
- Sao không nói bay quá mất đi!
Hoài Hải liền đại ngộ ‘vốn chẳng mất đi đâu’. Cái BIẾT KÊU ĐAU đó nằm ở bộ kinh nào? Chính nơi đó, Hoài Hải nhận được: Tánh chân thật vốn sẵn nơi mình từ thưở nào. Truyền ngoài kinh giáo là đó. Chính đó mới là sức sống chân thật, đó là nguồn sáng vĩnh viễn không bao giờ mất. Ở đây, thiền sư không lý luận dài dòng, không giải thích danh từ loanh quanh mà muốn khơi dậy cái thực tại đang sống sáng ngời, nhưng người người tự bỏ quên. Vì bỏ quên cái này mà đi vào sáu trần, trôi trong sanh tử, lang thang khấp nẻo luân hồi, càng đi càng xa. Giờ đây nhớ lại là xong. Chỗ này moi móc trong chữ nghĩa làm gì có ?
Tổ Lâm Tế từng bảo: «Người học thời nay không nhận được, là bởi bám vào chữ nghĩa làm hiểu biết, ghi chép những lời của mấy lão già vào một cuốn sổ to, bọc kỹ lại năm ba lớp không cho người khác thấy, nói đó là huyền chỉ, giữ như làm của quý. Bọn mù! Các ông nhằm trên khúc xương khô tìm sao ra nước?» Đó là tổ Lâm Tế đánh mạnh vào những đầu óc học đạo quen sống trong khuôn khổ chết, hoặc giam mình trong đống chữ nghĩa cũ mòn mà quên mất ‘người đang phóng quang nhìn đây’. Chính người này đang soi sáng cả đống chữ nghĩa kia mà ít ai nhớ đến. Thấy lại chỗ này mới thấy nguồn sống chân thật. Chúng ta học Phật là phải học cái sống đó. Thiền nhấn mạnh «truyền riêng ngoài kinh giáo », là nhằm đánh thức người trở về với sức sống này. Vì vậy nói truyền riêng mà sự thật không có cái gì khác để truyền, chỉ là nhắc người nhớ lạ sức sống sẵn có nơi chính mình, thôi chạy tìm kiếm bên ngoài. Phật Thích Ca thành đạo khi sao mai mọc, là thành đạo trong chỗ này, không phải ở đâu khác. Tam tạng giáo điển cũng từ trong sức sống này mà tuôn ra. Chúng ta hãy lắng nghe đoạn nhân duyên này sẽ thấy rõ :
Một hôm thiền sư Hành Tư hỏi Hy Thiên :
- Có người nói Lãnh Nam có tin tức.
Hy Thiên thưa :
- Có người chẳng nói Lãnh Nam có tin tức.
Thiền sư Hành Tư hỏi :
- Nếu thế ấy thì Đại Tạng, Tiểu Tạng từ đâu mà ra ?
Hy Thiên thưa :
- Thảy từ trong ấy mà ra.
Thiền sư Hành tư gật đầu.
Lãnh Nam là chỗ Lục Tổ. ‘Có tin tức’ là có việc lớn ấy. Đây là gạn xem Hy Thiện còn kẹt vào hiểu bên ngoài không. Sư đã thấy rõ nên đáp: “Có người chẳng nói Lãnh Nam có tin tức”, là ngầm tự nhận nơi mình, chẳng kẹt nơi người. Thiền sư Hạnh Tư lại gạn thêm: “Vậy thì Tam tạng của Đại thừa, Tam Tạng của Tiểu Thừa từ đâu mà ra?” Không nhận tin tức tức từ bên ngoài thì tam tạng kinh điên từ đâu ra, bỏ hết hay sao? Sư đã nhận rõ đâu còn lầm nữa nên đáp ngay: “Thảy từ trong ấy mà ra”, không thể tìm nơi nào khác. Nếu rời trong ấy mà có là thuộc văn tự chữ nghĩa, thuộc suy lý tưởng tượng không phải thật. Người học Phật nên nhớ rõ điểm này.
Đạt ý quên lời : Với ý nghĩa “giáo ngoại biệt truyền” đó, Thiền nhấn mạnh người học phải “Đạt ý quên lời”, không thể bám chết trên ngôn ngữ. Tại sao? Vì ngôn ngữ luôn có giới hạn và dẫn khởi tâm thức đi vào con đường suy nghĩ đối đãi. Nhất là nó lừa con người vào cuộc sống khái niệm, quay lưng với thực tại hiện tiền. Do đó người tham thiền phải thấu qua ngôn ngữ, nghe nói ở đây, phải thấy ý ở kia. Câu chuyện Viên Ngộ tỏ ngộ nói lên ý nghĩa này rất rõ.
Sư tham thiền với hòa thượng Pháp Diễn thời gian lâu mà không tỏ ngộ. Một hôm sư hầu thầy rồi có việc đi ra ngoài, lúc đó quan đề hình đến thăm ngài Pháp Diễn. Hai bên luận đạo, Pháp Diễn hỏi:
- Đề Hình lúc trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm chăng?
Trong đó có 2 câu:
Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự,
Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thinh
Dịch:
Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc
Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng
Vừa lúc sư trở về hầu thầy. Chợt nghe chuyện liền hỏi:
- Nghe hòa thượng nhắc lại thơ Tiêu Diễm, Đề Hình có lãnh hội chăng?
Pháp Diễn bảo:
- Ông ấy chỉ nhận được tiếng.
Sư thưa:
- “Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng”, vậy ông đã nhận tiếng, vì sao lại chẳng phải?
Pháp Diễn bảo:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? – Cây bách trước sân ấy!
Viên Ngộ chợt tỉnh ngộ.
Ai thấy Viên Ngộ đã ngộ gì? Giờ tóm lại câu truyện trên :
Cô tiểu thư có tình ý với anh chàng ở gần nhà. Vào một chiều tối, anh chàng lân la tới bên nhà cô tiểu thư, ý muốn dò tìm phòng cô ở chỗ nào mà không biết. Cô tiểu thư ở trên gác nhìn xuống thấy, không biết làm sao cho anh chàng biết phòng mình ở phía này. Chợt cô nghĩ ra một kế, cô gọi đứa hầu gái tên Tiểu Ngọc:
- Tiểu Ngọc! Tiểu Ngọc! Hãy mang bình trà lại phòng này cho cô!
Tức thì anh chàng ở dưới kia nghe thấy liền biết ngay phòng cô ở.
Như vậy, cô gọi Tiểu Ngọc nhưng thật ra không có việc gì, mà cốt là muốn cho anh chàng ở dưới kia nhận ra được tiếng của mình thôi. Nên nói: “Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc. Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng”. Thiền sư dẫn ra để ngầm chỉ nhà thiền cũng như vậy, nói ở đây mà ý ở kia, người nhận phải khéo nhận được cái ý vượt ngoài lời nói đó.
Hỏi: - Thế nào là ý tổ sư từ Ấn độ sang?
Đáp: - Cây bách trước sân.
Tuy nhiên như bám vào cây bách để hiểu là lầm qua mất.
Có một vị tăng hỏi thiền sư Hành Tư ở Thanh Nguyên :
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư đáp :
- Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?
Hỏi “ Đại ý Phật pháp” thì không trả lời thế nào, lại đi hỏi ngược lại hỏi “giá gạo ở Lô Lăng bao nhiêu thì giống như lạc đề. Người ngoài cuộc nghe đến đây không làm sao hiểu nổi. Bởi thiền không phải nói để hiểu mà nhằm đánh thức cho người sống dậy trong chỗ không hiểu. Nếu cứ theo lời sanh hiểu, lo suy tìm giá gạo là chết trong chỗ mắc rẻ, bị ngôn ngữ lừa một cách đáng thương. Người khéo, là người ngay đó dừng niệm phân biệt hai bên, bặt chỗ nghĩ ngợi đây kia, liền tự rõ đại ý Phật pháp đang hiện tiền sáng rỡ.
Vua Trần Nhân Tộng đã thầm hiểu ý này nên đã nói trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo: “Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư? Chẳng cho mặc cả”. Nghĩa là ngay đó nhận thì nhận liền, không nhận thì qua mất, không thể trả giá tới lui. Vì vậy, hỏi giá gạo mà ý không ở giá gạo. Người có con mắt thiền tự nhận ra ngay không qua giải thích.
Có vị tăng hỏi hòa thượng Tào Cơ
- Vật gì là quý nhất trên đời?
Sư đáp:
- Cái đầu con mèo chết.
Tăng hỏi:
- Đầu con mèo chết vì sao lại quý?
Sư Đáp:
- Vì không ai trả giá.
Nếu cứ theo thường tình, chỉ lo suy nghĩ xem cái đầu con mèo chết vì sao lại quý, thì suy nghĩa muôn kiếp cũng không ra. Đâu ngờ ý sư không phải ở cái đầu con mèo chết, mà ở chỗ “ không ai trả giá”. Có trả giá tức có mắc rẻ, là rơi vào ý niệm đối đãi sanh diệt, đó là sự tầm thường của thế gian. Trái lại, chính chỗ “ không ai trả giá”, tức bặt ý niệm đối đãi, tình thức phân biệt không thể biết tới, đó mới là chỗ quý nhất trên đời, là chỗ sáng của thiền. Bởi vậy, nói ở đây mà phải thấy ý ở kia, người học thiền phải bén nhạy thấy suốt qua lời nói.
Có một vị tăng hỏi thiền sư Hiểu Thông ở Động Sơn:
- Nghe nói bậc đại thánh ở Thất Châu gần đây xuất hiện ở Dương Châu. Đã là bậc đại thánh ở Thất Châu, vì sao lại xuất hiện ở Dương Châu
Sư đáp:
- Quân tứ mến của lấy đó làm đạo.
Am chủ Liên hoa Phong nghe được, thắp nhan bảo:
- Con cháu Vân Môn vẫn còn.
Tại sao chỉ nghe một câu nói như vậy mà am chủ Liên Hoa Phong cảm biết được chỗ thấy siêu xuất của ngài, nên ngầm khen ngợi như thế. Trong đây nếu cứ theo chữ “của” mà hiểu hay suy nghĩ thì càng nghĩ lại càng rối. Bậc quân tử sao lại quý của cải mà nói lấy của làm đạo? Không ngờ điều quan trọng là, cốt thấy “người quân tử” là xong. Đã thấy người quân tử thì dùng cái gì cũng là người quân tử. Cũng vậy, cốt thấy bậc đại thánh thì xuất hiện ở đâu cũng được, cũng là đại thánh, có gì quan trọng? Cứ lo thắc mắc chỗ nơi mà quên mất bậc “đại thánh” mới là chính yếu. Học thiền phải nhận thấy ý ngoài lời là vậy.
Có vị tăng hỏi ngài Vân Môn:
- Thế nào là Phật?
Vân Môn đáp:
- Que cứt khô.
Có người bàn: Thiền sư nói sao thô tục quá! Nhưng xét lại xem, là Thiền sư nói thô tục hay chính ý mình nghĩ thô tục? Đây gọi là đem phàm tình mà đo ý thánh, ý thánh cũng thành phàm. Đâu biết rằng, ngài Vân Môn ngay lúc đó, hỏi xong là đáp liền, nào có nghĩ là thô là tế. Chính câu đáp rất sáng tỏ: Hỏi Phật là thanh tịnh. Đáp que cứt khô là nhơ nhớp, tức khiến người ngay đó bặt niệm nhơ sạch thì chính là Phật chứ gì? Còn nghe que cứt khô hiểu là que cứt khô, trong đầu liền nghĩ dơ sạch, tức bị ngôn ngữ chuyển, rơi vào tình phàm, thành ra ngay trước mặt mà lầm qua.
Qua đó, cho thấy thiền là phải thể nghiệm ngay chính mình, không thể lý luận, bàn bạc trên ngôn từ, phân tích trên chữ nghĩa. Do đó thiền luôn luôn có một sức sống sáng tạo, không thể bắt chước theo lối mòn.