THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003
BẢO NHẬM
II. Ý CHỈ TÙY DUYÊN
Sùng Tín ngay khi được Hòa thượng Long Đàm khai thị tâm yếu, Sư liền tỏ ngộ, sau đó bèn hỏi thêm:
- Làm sao gìn giữ?
Long Đàm bảo:
- Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm, chẳng có Thánh giải khác.
Con đường bảo nhậm rất đơn giản như thế. Đã sáng được việc lớn ấy rồi, thì cứ ngay đó mà sống, không mong cầu thêm gì khác nữa. Vẫn sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày, tùy duyên mà đối tiếp, ăn cũng ăn, mặc cũng mặc, làm việc cũng làm việc như mọi người, song không trụ vào một cái gì để mất mình trong đó. Điểm quan trọng là trong đây không tạo thêm nghiệp mới,
mà nghiệp cũ phải tiêu mòn vì không có duyên để tiếp nối, lâu ngày thuần thục mới thành tự tại. Trái lại rồi tùy duyên tha hồ tạo nghiệp mới, nghiệp cũ lại tiếp tục tăng trưởng, đó là sai lạc đường tà, đó không phải là tùy duyên chân chánh. Tùy duyên như thế là mặc tình buông
thả theo duyên, theo cảnh, chính đó là bị duyên cuốn, là tùy duyên tiêu sự nghiệp quý báu, rất nguy hiểm! Tùy duyên đúng lý cần phải thấu rõ:
+ THỨ NHẤT THẤU RÕ TÁNH KHÔNG
Muốn thấu lý tùy duyên, phải rõ suốt Tánh Không trong Bát Nhã. Nghĩa là, phải mở con mắt Bát Nhã, thấy rõ tất cả pháp trên đời không có gì thật cố định. Từ bản thân mình cho đến sự vật bên ngoài đều là tánh không, do duyên khởi tạm có. Thân thì đất nước gió lửa hợp thành, tế hơn thì từng tế bào từng tế bào chung họp lại. Tâm thì từng niệm từng niệm thiện ác, có không, buồn vui, giận ghét v.v… chung hợp. Cảnh thì từng nguyên tử từng nguyện tử kết lại thành. Trong đó có cái gì là thật thể cố định? Chính vì TÁNH KHÔNG mới có thể tùy duyên mà hiện khởi tất cả. Như gương, vì nó vốn không một cái gì nên nó có thể hiện đủ tất cả mọi thứ, nếu thật có một hạt bụi thì ngay hạt bụi đó nó không thể hiện cái khác. Cũng vậy, hư không vì nó không một cái gì nên nó có thể hiện đủ mọi vật. TÂM, không một cái gì nên nó có thể nghĩ đủ hết tất cả.
Năm ấm, vì tánh không nên có thể tùy duyên mà hiện lớn, hiện nhỏ, hiện mập, hiện ốm, hiện đen, hiện trắng, hiện trẻ, hiện già, hiện nam, hiện nữ… Nếu nó cố định là nam thì đời đời là nam không thể hiện nữ. Cố định là nhỏ thì suốt đời là đứa bé, không thể hiện thành người lớn. Cố định là người thì hiện người mãi, không thể hiện trời, hiện A tu la v.v… Vậy Bồ tát Quan Thế Âm làm sao có ba mươi hai ứng thân, khi hiện nam, khi hiện nữ ?
Đã rõ không một cái gì cố định thì bám chặt một chỗ làm gì để chịu khổ? Như vậy, tùy duyên là do rõ được TÁNH KHÔNG của các pháp, nên tùy duyên luôn luôn có ánh sáng Bát nhã đi theo, do đó không mê lầm. Trái lại, nhắm mắt mà tùy duyên là đi xuống hố, vào chỗ u minh tối tăm hiểm nghèo.
Xưa ngài Tăng Triệu bị tội sắp hành hình, Sư thản nhiên nói bài kệ:
Ngũ ấm nguyên phi hữu
Tứ đại bổn lai không
Tương đầu lâm bạch nhẫn
Nhất tự trảm xuân phong.
Nghĩa:
Năm ấm vốn chẳng có
Bốn đại xưa nay không
Đem đầu đến dao bén
Giống hệt chém gió xuân.
Đó mới là thực sự biết tùy duyên. Với Sư, dù bị tử hình, vẫn không thấy buồn khổ, không sợ hãi, vì biết rõ năm ấm vốn không, bốn đại vô ngã, trong đó không thật có một cái gì để chết, một cái gì bị chém, nên chém đó như chém gió xuân vậy thôi. Thấy được như vậy là tùy duyên hết khổ. Nghĩa là, còn duyên thì làm Phật sự tiếp, hết duyên thì ra đi, không cố ghì lại để chịu khổ, không oán trách để tạo thêm nghiệp mới. Đây là thực sự BIẾT TÙY DUYÊN.
+ NHẬN RA BẢN TÁNH
Người
nhận ra bản tánh chính mình luôn luôn hiện hữu, đây là của báu sẵn có nơi mỗi người, nên tùy duyên để sống trở về trong đó, đối mọi cảnh không lấy không bỏ, chỉ thuận với tánh mà sống không để mất nó, chính là khéo bảo nhậm.
Bài kệ tóm tắt bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông đã nói:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Muốn
sống trong lòng đời mà được vui với đạo thì phải khéo biết tùy duyên. Duyên đến thì làm, duyên qua liền thôi, không bám víu, không ghì níu, cũng không chối bỏ, không xua đuổi, khiến sạch hết dấu vết cái TA
xen vào trong đó. Đói thì ăn, mệt thì ngủ giống như người đời nhưng không phải người đời, đòi hỏi ăn thế này thế nọ, nằm trằn trọc tính toán đủ điều mà chỉ một lòng rỗng rang vô sự. Sở dĩ được như vậy là vì nhận biết rõ trong nhà có sẵn của báu vô giá, không gì ở thế gian sánh kịp, đâu còn phải dong ruổi tìm kiếm theo bên ngoài nữa. Chính ngay đây, đối trước ngoại cảnh, mọi duyên mà vô tâm, không khởi niệm trụ vào cảnh, đó là thiền rồi. Tức là đối trước cảnh mà không mất mình,
vẫn luôn luôn giữ của báu trong nhà. Đấy là tùy duyên mà thường sáng tỏ, không mê mờ, lúc nào cũng có ánh sáng chân thật đi theo, không đặt thành một cái TA trong đó: Nên ăn hay chẳng nên ăn, nên ngủ hay chưa?
Thiền sư Nghĩa Hoài ở Thiên Y có bài kệ:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủ vô lưu ảnh chi tâm.
Nghĩa:
Nhạn bay qua trên trời
Bóng chìm dưới nước lạnh
Nhạn không ý để dấu lại
Nước không có tâm giữ bóng kia.
Tức
là đi qua tất cả cảnh mà không để lại dấu vết gì, không lưu giữ trong tâm một bóng dáng. Đó mới thật là tùy duyên tự tại. Gọi là vào nước không quậy sóng, vào rừng không động lá. Chỗ này có thể bắt chước được sao?
Có vị tăng hỏi ngài Triệu Châu:
- Thế nào là cầu đá Triệu Châu?
Sư đáp:
- Độ lừa độ ngựa.
Đây hỏi cầu đá, nhưng ngầm ý muốn chỉ chỗ sống kia. Triệu Châu đáp rất bình thường: “Độ lừa độ ngựa.” Nghĩa là nó sẵn sàng đưa lừa, đưa ngựa đi qua, lừa ngựa đi qua trên đó, nó không khởi niệm thuận cho hay chối bỏ, ngăn cản; không cố chấp đưa người sang quý, đưa hàng Bồ tát Thánh hiền còn thú vật thì bỏ lại. Nếu thấy như thế thì chưa thật thấy cầu đá Triệu Châu trong đây rồi. Chỉ có điều là, nó độ lừa, độ ngựa bình đẳng nhưng không đồng hóa mình với lừa, với ngựa, khiến mất mình trong chỗ lừa ngựa đó, là nguy! Thế là tùy duyên mà không đòi hỏi theo một cái TA, không sanh niệm lấy bỏ để tạo thành nghiệp mới, tự tánh luôn sáng ngời trong mọi duyên. Bảo nhậm như thế mới thật sự là MỘT PHEN SÁNG HẰNG SÁNG MÃI !
+ CỐT HIỂU RÕ THẾ GIAN TƯƠNG ĐỐI
Để
biết tùy duyên, cốt phải hiểu rõ lẽ thật của hế gian là luôn luôn tương đối, tất cả đều nằm trong đối đãi mà thành, không có một cái gì cố định hoàn toàn, thì cố bám chặt một chỗ để làm gì? Dù bám cũng không thể được! Hãy xem thiện thì đối với ác, phải đối với quấy, vui đối với buồn, Thánh đối với phàm, cha đối với con, nam đối với nữ, ta đối với người
v.v… không có một cái gì đứng riêng lẻ mà thành. Vậy mà chúng ta cứ đòi hỏi một chiều, đòi hỏi cái toàn mỹ, làm sao có? Không thể có mà đòi
hỏi, khi không được liền khổ! Nhưng tâm lý con người, ai ai cũng muốn toàn mỹ, đó là mê. Bởi chính mình còn chưa toàn mỹ mà muốn mọi người toàn mỹ làm sao được? Ngay nội tâm mình cũng thường tự mâu thuẫn với chính mình. Có khi ngoài mặt thì vui vẻ, mà trong lòng đang buồn bả đau
khổ. Mới đó muốn xả hết để tu hành, kế lại đổi ý tiếc thế gian! Vừa muốn đi nghe pháp, kế đổi ý muốn đi chơi v.v… Ngay mình với mình còn trái ngược như vậy, mà đòi hỏi bên ngoài phải toàn mỹ, phải toàn như ý là điều không thể có. Không thể có mà cứ đòi hỏi là khổ thôi! Là không biết tùy duyên!
Kìa! Phật cũng có người chê! Kẻ uống rượu say sưa, kẻ trộm cắp vẫn có người khen! Ai khen? Tức đồng bọn với nhau đó! Kinh Pháp Cú có câu:
Xưa, vị lai và nay
Đâu có sự kiện này
Người hoàn toàn bị chê
Người trọn vẹn được khen.
Lẽ thật từ xưa tới nay, trên thế gian này không có ai là người hoàn toàn được khen, dù là bậc Thánh; nhưng cũng không có người hoàn toàn bị
chê, dù là kẻ xấu. Do đó, người hiểu đạo thì bình tĩnh trước lời khen chê của thế gian.
Đó là nói về khen chê, về "được mất" cũng vậy, có được thì có mất, nếu người biết tùy duyên khéo chuyển thì vẫn an vui, trái lai thì buồn khổ. Như chuyện bà Tỳ Xá Khư, một nữ thí chủ quan trọng trong thời đức Phật. Một hôm bà khoác cái áo choàng rất quý giá để đi chùa. Khi đi đến cổng tịnh xá, bà cởi áo choàng ra đưa cho người hầu gái cầm giữ. Lúc ra về, cô hầu gái vô ý, bỏ quên lại. Về đến nhà sực nhớ, bà bảo đứa hầu gái quay trở lại tìm, nhưng dặn rằng nếu đã có vị Tỳ kheo nào đã đụng đến chiếc áo đó thì thôi, không nên lấy về. Cô hầu gái đến tịnh xá hỏi thăm thì biết Đại đức A Nan Đà đã cất giữ cái áo choàng, nên trở về báo lại cho bà. Bà Tỳ Xá Khư liền đến gặp Phật và tỏ ý muốn làm một việc thiện với số tiền bán chiếc áo choàng quý giá ấy. Đức Phật khuyên bà nên xây dựng một ngôi tịnh xá cho chư tăng có nơi trú ngụ. Vì không có ai đủ tiền mua chiếc áo đắt giá ấy, cuối cùng bà bỏ tiền ra mua lại và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tịnh xá khang trang dâng lên chư tăng. Sau khi làm lễ dâng ngôi tịnh xá xong, bà gọi cô hầu gái đến và bảo: “Nếu không có con vô ý bỏ quên chiếc áo choàng thì hẳn ta không có cơ hội để tạo nên phước báo này. Vậy thì ta xin chia phần phước này với con.”
Đây là chuyển MẤT thành ĐƯỢC. Nếu như người khác, cứ bám chấp vào cái ta đã mất hẳn sanh tâm tức giận, chửi mắng, đánh đập người hầu gái, thế là tự mình vừa bị lửa sân đốt khổ, lại vừa tạo thêm nghiệp dữ cho đời sau chịu khổ tiếp. Vừa gây khổ cho mình, vừa làm khổ cho người. Con ngay đây biết chuyển trở lại như bà Tỳ Xá Khư, thì chẳng những bà đựơc niềm vui cúng dường, người hầu gái cũng vui, chư tăng cũng vui và ngày nay chúng ta nghe nhắc lại cũng vui theo!
Vì vậy, người biết rõ thế gian đều tương đối, không có cái gì hoàn toàn, thì không một bề cố chấp theo ý mình, không bám chặt vào cái TA cố định để chịu khổ, mà khéo biết tùy duyên sống an lành giữa dòng đời tương đối.
+ PHẢI BIẾT LINH ĐỘNG KHÔNG CỐ CHẤP
Đã hiểu rõ lẽ thật như trên, cần có một cuộc sống cởi mở linh động và sáng gnời, tùy duyên không khư khư ôm lấy một chiều. Như chuyện ông Lưu Ngưng Chi đi giày, có người đến nhận là giày của họ, ông liền cởi giày đưa cho người ấy ngay. Sau đó, người ấy tìm được giày mình, vội đem giày trả lại cho ông, ông nhất định không nhận. Thẩm Lân Sĩ cũng đi giày, có người đến nhận là giày của họ, ông cũng cởi đưa cho họ. Sau, người ấy tìm thấy giày của mình, liền đem giày đến trả lại cho ông, ông nói: “Không phải giày của bác à!” Ông cười và nhận lại.
Tô Thức nói:- Việc này tuy nhỏ mọn, song ở đời ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi. (Cổ Học Tinh Hoa)
Giày mình đang mang, người đến nhận là của họ, liền cởi ra đưa cho họ, thực là một việc ít có khó làm! Song, người đã biết lầm. Đem trả lại thì cũng phải thông cảm nhận lại cho người, khiến người giải tỏa lỗi lầm. Nếu cứ khư khư giữ lấy cái phải của mình, e rằng chưa trọn tốt!
Đó là câu chuyện của nhà Nho. Đến trong nhà Thiền, chúng ta thấy tinh thần tùy duyên của thiền rất cao tuyệt. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, lúc tiếng tăm Sư đã lên cao, người người đều ca tụng Sư sống rất torng sạch. Bỗng một hôm ở gia đình bán thực phẩm gần đó có một cô con gái xinh đẹp, bất chợt họ phát hiện cô có thai. Cha mẹ cô nổi giận trách mắng cô và gạn hỏi ai là tác giả bào thai đó. Cô nói tên: Bạch Ẩn. Cha mẹ cô liền đến chùa tìm Sư tặng cho đủ những lời không tốt của thế gian. Sư chỉ nói: “THẾ À!”
Khi đứa bé được sanh ra, nó được mang đến chùa giao cho Sư. Từ đó, danh dự của Sư bị xuống dốc hẳn, Sư vẫn thản nhiên. Sau cô gái không chịu nỗi sự ray rứt nơi cõi lòng, thú thật với cha mẹ rằng:- Cha đứa bé không phải là ngài Bạch Ẩn mà là chàng thanh niên bán cá ngoài chợ. Cha mẹ cô bật ngửa, lo sợ, vội vàng đến sám hối với Sư và xin nhận lại đứa bé. Sư cũng chỉ tốt lên:“THẾ À!”
Chúng ta thấy tinh thần tùy duyên của Thiền sư Bạch Ẩn thật là tuyệt diệu! Được tiếng tăm không hãnh diện, mất tiếng tăm không chút buồn khổ, xem sự đựơc mất như trò chơi. Người nói oan, người biết lầm, vẫn thản nhiên như không cò chuyện gì, không chút bận lòng. Khi nhận đứa bé không buồn giận, không oán hờn. Khi trả đứa bé, không trách mắng, không nặng lời, chỉ một câu: “THẾ À!” trước sau trong lòng vẫn bằng phẳng không chút gợn sóng. Chỗ này dễ bắt chứơc được sao? Nếu không phải người thực sự có sức sống chân thật sâu dày bên trong, không thể nào làm được.
Còn đây, Thiền sư Chơn gặp thời vua Võ Tông hủy diệt Phật giáo, bắt tăng trẻ phải hoàn tục, Sư cũng hoàn tục. Lúc đó, Sư có bài kệ dạy chúng:
Nhẫn tiên lâm hạ tọa thiền thì
Tằng bị Ca Vương cát tài chi
Huống ngã thánh triều vô thử sự
Chỉ linh hưu đạo diệc hà bi?
Nghĩa:
Nhẫn tiên thiền toạ ở rừng sâu
Từng bị Lợi Vương chặt cắt đau
Huống nay Thánh chúa không việc ấy
Chỉ bắt thôi tu đáng buồn đâu?
Đây là Sư hằng có sức sống chân thật nơi nội tâm, nên tùy hoàn cảnh mà thuận sống, không có gì trái nghịch, không có gì ngăn chướng. Sư đã thực sự có sức sống thiền.
+ TÙY DUYÊN LÀ PHÁ NGÃ KIẾN
Với tinh thần tùy duyên là phá cái kiến chấp ngã, tức luôn luôn thấy có TA thật, vật thật, cái thấy có ta là trên hết, hằng có một cái TA ngự trị nơi mình. Do đó, cứ chấp chặt một là một, hai là hai, không thể thay đổi. Ta nghĩ thế nào thì bảo vệ tối đa cái nghĩ ấy, vì nó là TA mà! Sợ mất cái TA! Đấu tranh, chết chóc, đau thương, không dừng, cũng vì đó! Song hãy xét kỹ: Cái gì là cái nghĩ của ta? Đem chỉ ra xem! Kinh Kim Cang Phật dạy: “Nói ngã kiến tức chẳng phải ngã kiến, đó gọi là ngã kiến.” Phật xác định định rõ, nói là ngã kiến tức là cái kiến chấp ngã, mà thực không cố định có cái kiến chấp ngã. Chấp ngã chỉ là một KHÁI NIỆM về TA vậy thôi. Tìm đâu ra cái kiến chấp để chỉ? Mở sáng con mắt Bát nhã, nhận rõ cái thấy sai lầm đó, liền hết lầm, không chỗ để chấp.
Hãy
xem một viên kim cương, ta thấy là quý, đứa bé thấy là món đồ chơi, tùy tâm tưởng sai biệt mà thấy thành quý, thành tiện, có gì cố định đâu
mà khăng khăng bám chặt không chịu buông, để chịu khổ!
Trong Tuyệt Quán Luận có đoạn nói lên ý nghĩa tùy duyên này.
Hỏi : - Con thấy có người học đạo, phần nhiều chẳng chuyên ròng giữ giới, chẳng chăm lo gìn giữ oai nghi, chẳng giáo hóa chúng sanh, cứ mặc tình thoải mái là ý gì?
Đáp:- Là muốn quên tất cả tâm phân biệt, muốn dứt tất cả kiến chấp có, tuy tợ mặc tình thoải mái mà bên trong thực hành không gián đoạn.
Tức là, ở đây vì phá niệm SẠCH NHƠ, thấy ta đây tu hành thanh tịnh, nếu bị người chê liền buồn giận, đó là chưa thật thanh tịnh, cho nên Thiền sư mới có những hành động khó hiểu như trên. Bởi tướng thanh tịnh cũng không cho chấp, không cho để lại dấu vết ở trong tâm thể kia. Tuy nhiên, chỗ này dễ bị hiểu lầm bắt chước. Người chưa thật có công phu, nghe nói sống thoải mái để phá kêín chấp “CÓ” trên hình thức, rồi cũng bắt chước sống buông lung, ngang bướng, làm như vẻ tự tại, mà thực trong lòng chưa phải. Đó là bệnh!
Trong đây cần chú ý! "Tuy bên ngaòi như vậy nhưng BÊN TRONG THỰC HÀNH KHÔNG GIÁN ĐOẠN". Nghĩa là, bên trong luôn luôn sáng ngời không mê, không để một chút lọt hở khiến niệm khác xen vào. Nhất là không để cái TA xen vào liền thành bệnh hoạn.
Nên nhớ, thuận tánh mà sống tùy duyên để quên mọi kiến chấp phân biệt, không sanh tâm tạo tác thêm nghiệp mới, đó là bảo nhậm. Trái lại, làm như tự tại để tỏ ra TA đây không chấp, bèn thành CHẤP CÁI KH6ONG CHẤP, vẫn là bệnh nặng khó chữa. Vì bệnh mà không biết, tưởng mình là lành nên đâu chịu uống thuốc!
Song hãy nhớ kỹ! Làm để phá tâm phân biệt, tức là chưa sạch hết phân biệt mới phá! Nếu đã sạch thì còn phá cái gì? Vì vậy, khi nói: “Tôi làm để phá tâm phân biệt” thì biết ngay trong lòng đang còn có tâm phân biệt chưa thật sạch, chưa thật phải tự tại, chớ vội lầm mà sanh tâm kiêu mạn! Cũng như nói: “Tôi phá chấp cái này, phá chấp cái kia…” tức là “tôi còn chấp” mới phá! Chỗ này rất tế nhị, chớ lầm!
+ TÙY DUYÊN KHÔNG LẬP DỊ
Một điểm quan trọng nữa cần thấu rõ là, vì tùy duyên nên không làm khác người, không lập đị để tỏ ra mình là bậc đạt đạo khiến người cung kính, chính đó là tướng khác của tướng ngã. Ở đây, cần làm tất cả, cũng ăn, cũng mặc, cũng ngủ, cũng sống như mọi người, song luôn luôn không rời tự tánh, không để vắng mặt ánh sáng tự tâm thì tùy duyên mà không biến đổi, không làm tiêu sự nghiệp.
Hòa thượng Quán Khê khi đến chỗ Mạt Sơn, Sư hỏi bà ni Liễu Nhiên:
- Thế nào là chủ Mạt Sơn?
Liễu Nhiên đáp:
- Chẳng phải tướng nam nữ.
Sư bảo:
- Sao chẳng biến đi?
Liễu Nhiên đáp:
- Chẳng phải thần, chẳng phải quỷ, biến cái gì?
Sư kính phục, ở lại mạt Sơn làm tri viên ba năm.
Hỏi chủ Mạt Sơn, đáp chẳng phải tướng nam nữ. Vì cái ấy
đâu thuộc tướng trạng gì, song bảo biến đi là lầm. Bởi nó vốn sẵn như vậy, không phải do biến mất tướng nam nữ mà thành. Biến tướng nam, tướng nữ cho mất đi, cũng là ở trên tướng mà bàn, vẫn thuộc lấy bỏ, đâu
thể thấy được người chủ kia! Trong khi đó, người chủ kia
vẫn ở ngay tướng nam nữ này, mà không phải tướng nam nữ, vẫn đi đứng tới lui mà không tướng tới lui, hiện trong mọi hành động mà không rời tự
tánh, đó mới là chân thiền. Vì vậy, trong đây vừa có một chút tình chấp là không biết tùy duyên.
Có vị ngoại đạo đến hỏi Phật:
- Hôm qua ngài thuyết pháp gì?
Phật đáp:
- Hôm qua ta thuyết pháp định.
Ngoại đạo hỏi:
- Hôm nay ngài thuyết pháp gì?
Phật đáp:
- Hôm nay ta thuyết pháp bất định.
Ngoại đạo hỏi:
- Hôm qua giảng pháp định, vì sao hôm nay giảng pháp bất định.
Phật nói:
- Hôm qua định, hôm nay bất định!
Phật đáp quá hay !
Ai thấy chăng? Ngoại đạo chấp theo ngôn từ, nghe nói định hiểu là định, nghe nói bất định hiểu là bất định nên thắc mắc sao Phật nói lạ. Không ngờ Phật phá cái chấp cố định của ông, không cho ôgn chấp chặt một
chỗ thành pháp chết. Tại sao hôm qua nói pháp định, hôm nay nói pháp bất định? Bởi vì, nếu một bề là pháp định thì đâu có ngày hôm nay. Có hôm qua, có hôm nay thì rõ ràng là bất định rồi. Nên Phật nhấn mạnh: “Hôm qua định, hôm nay bất định.” Như vậy, nếu cứ một bề chấp chặt hôm qua là hôm qua, hôm nay là hôm nay, đó là mê, là sống với quá khứ chết,
thiếu sức sống sáng tạo. Cũng vậy, nghe nói định pháp, chấp định pháp,
tức là mê, là kẹt trên ngôn ngữ khái niệm.
+ TÙY DUYÊN LÀ SÁNG TẠO
Bởi khéo tùy duyên, không bám chặt vào một cái TA cố định nào đó, do đó mới có sức sống sáng tạo vi diệu, không đóng khung vào một chỗ chết.
Thiền sư Pháp Diễn từng có một bài pháp thiền nói về ăn trộm. Sư bảo: “Ta trong đây, thiền giống cái gì? Như có người giỏi nghề ăn trộm, anh có một đứa con, một hôm đứa con gnhĩ rằng: ‘Sau thời của cha ta, ta làm sao để nuôi sống gia đình? Ta cần phải học theo sự nghiệp của người mới được.’ Đứa con bèn đem ý nghĩ đó thưa với người cha. Người cha bảo: ‘Tốt lắm.’ Đêm nọ, anh dẫn người con đến một ngôi nhà đồ sộ, khoét vách vào trong nhà. Gặp cái rương to anh mở nắp rương ra, bảo đứa con vào trong đó lấy đồ. Đứa con vừa chui vào trong rương thì bất ngờ anh đóng ập nắp rương lại, rồi khóa luôn. Xong, anh ra ngoài sân đập cửa ầm lên đánh thức người trong nhà. Người nhà tỉnh dậy, vội thắp đuốc báo động thì biết rõ có ăn trộm nhưng tìm khắp nơi không thấy, cho rằng đã đi khỏi rồi. Đứa con trong gương tự nghĩ hận cha mình, không biết làm sao hành động như thế. Nó chợt nghĩ ra một kế, bèn cào vào thành rương giả tiếng chuột gặm. Người nhà nghe tiếng, gọi đứa ở thắp đèn xem xét lại cái rương. Rương vừa được mở ra, đứa con ấy tung mình phóng ra, thổi tắt đèn, xô ngã chị ta, chạy ra ngoài. Người nhà đuổi theo đến giữa đường, đứa con ấy thấy bên đường có cái giếng, bèn ôm một tảng đá to gần đó ném vào trong giếng. Mọi người vội bao quanh miệng giếng để tìm tên trộm. Đứa con chạy thẳng về nhà gặp người cha vừa định trách, người cha vội bảo: ‘Khoan khoan, con hãy nói vì sao ma chạy được về đây? Đứa con thuật lại xong, anh ta liền cười bảo: ‘Như vậy thì ngươi đã thành nghề rồi!’”
Thiền sư nói thiền như vậy đó. Cho thấy ăn trộm là pháp xấu của thế gian nhưng qua tay Thiền sư cũng thành pháp thiền khai thị cho người. Nếu một bề cho là pháp xấu, là cái bị chê trách, nghe nói liền tỏ ý chê bai, khinh khi, tức bị khái niệm cũ kỹ lấp bít trong đầu, làm cho mất ánh sáng chân thật.
Bảo nhậm đến đây là đã thành một sức sống thật sự tuyệt diệu, khó nghĩ bàn!
Tóm lại, tùy duyên là gì? Tức là KHÔNG CHỖ BÁM. Đã rõ tất cả pháp có ra, từ pháp thế gian đến pháp xuất thế gian đều là nhân duêyn đối đãi thành, không có một pháp thật thì tại sao lại bám chấp vào một chỗ để chịu khổ? Để đóng khung mình một cách đáng thương!
Người biết tùy duyên chân chánh, tức là quên tướng ngã, luôn luôn tự tánh hiện hữu sáng ngời không gián đoạn, không chết trong một khuôn khổ nào, do đó không thể bắt chước. Vì đã tùy duyên tức không cố định, vậy làm sao bắt chước? Bắt chước là thành có cái khuôn rồi!
Điểm cần chú ý là: Tùy duyên mà còn có tướng ngã xen vào, tức là bệnh, không phải thực.
Phải nhớ rõ: Tùy duyên là tiêu nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới. Trái lại, tùy duyên mà tạo thêm nghiệp mới, nghiệp cũ lại đậm hơn là nguy! Đó là con đường đi xuống, gọi là bị duyên chuyển, chìm mãi trong sanh tử, là phiêu linh lãng tử lang thang trong các nẻo luân hồi.
Có câu chuyện để cảnh tỉnh: Xưa có một Thiền sư ăn uống hỗn tạp, không chọn lựa chay mặn, nhiều đệ tử thấy vậy bắt chước theo. Một hôm Sư bày một bữa cúng ngay chỗ thiêu xác chết, rồi lấy thịt thiêu còn sót lại đem gộp chung vào thức ăn mà ăn. Đệ tử đều ói mửa, chạy mất, Sư bèn bảo: “Ta nhiều đời thanh tịnh mới không chọn lựa. Các ông có thể cùng ta ăn món này mới nên duy trì việc ăn uống.” Từ đó, cả chúng sợ hãi, lo vâng giữ giới luật, nghiêm chỉnh tu hành.
Để thấy, người bắt chứơc mà torng tâm còn dấy niệm phân biệt nặng nề, còn đủ tình yêu ghét chưa quên, còn thích ăn ngon mặc đẹp, còn chán dở ghét xấu, mà bảo tùy duyên không ngại, đó là tự dối mình, dối người thôi, nhưng không thể dối người mắt sáng, không thể dối được nhân quả. Với Thiền sư, tâm phân biệt đã sạch, có sức sống chân thật sâu dày bên trong mới tùy duyên tự tại để cảnh tỉnh người.
Như vậy, với một ý nghĩa tùy duyên này, nếu người thấy đạt chỗ cùng tột để sống, tức đã cởi mở tình chấp rất nhiều, là thành tựu công phu bảo nhậm vững vàng, không phải dễ dàng như cái hiểu thông thường, không phải tùy duyên là gặp gì làm nấy để mất mình trong duyên. Hoặc tùy duyên để tỏ ra ta đây tự tại, ta đây không vướng mắc, chính ngay đó đã vướng mắc rồi! Vướng mắc cái gì? Vướng mắc ngay lý tùy duyên. Đó là bệnh cần phải tránh.
Để tóm tắt lại ý nghĩa này: TÙY DUYÊN LÀ LUÔN LUÔN SÁNG NGỜI, TỰ TẠI KHÔNG CHỖ NÀO ĐỂ BÁM,KHÔNG CÓ XEN TƯỚNG NGÃ VÀO. Đó là TÙY DUYÊN, tức VÔ TRỤ: Một công phu thiết thực của người đạt đạo.