THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003
MỘT CÁI BIẾT SUỐT CẢ XƯA NAY
III. TẠI SAO NHÀ THIỀN NHẤN MẠNH CHỖ CHẲNG BIẾT?Qua những điểm trình bày trên đây cho thấy rõ, từ kinh đến thiền đều không chối bỏ cái Biết hiện hữu, nhưng tại sao trong nhà Thiền có lúc lại không cho biết ? Hoặc chê trách Hiểu Biết ?
-
MẮT PHẬT CŨNG CHẲNG THẤY
Chẳng
hạn nhà thiền bảo rằng: “Chỗ đó mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy”. Mắt Phật còn nhìn chẳng thấy, chúng ta làm sao thấy biết?
Như ngài Đơn Hà đến Quốc sư Huệ Trung, gặp thị giả Đam Nguyên liền hỏi:
- Quốc sư có ở nhà chăng?
Thị giả đáp:
- Ở thì có ở mà chẳng thấy khách.
Đơn Hà bảo:
- Rất là sâu xa thay!
Thị giả nói:
- Mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy.
Hỏi: “Quốc sư có ở nhà chăng?” Đáp: “Ở thì có ở mà chẳng thấy khách.” là sao? Đây là một câu hỏi mà hai ý. Tức Quốc sư đang ngủ, ngủ thì đâu tiếp khách, tiếp duyên. Nhưng chính chỗ không đối duyên, không tiếp khách, đó là gì ? Đó là chủ trong chủ, chỗ đó đâu có dấu vết gì thấy được ? Nên Đơn Hà bảo: “Rất sâu xa thay!”, tức thật khó thấy. Song ông
thấy sao mà khen? Thị giả này đâu dễ dàng để cho ông dòm thấy được, vì
đó không phải là chỗ bị thấy, có thấy được tức có khách rồi. Do đó thị
giả nói: “Mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy”, nói gì sâu cạn! Tuy nhiên trong đây vẫn còn ló đuôi. Đã bảo mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy, sao ông biết mà nói là: “Ở thì có ở mà chẳng thấy khách”? Và sao ông biết mà
trả lời: “Chỗ đó mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy”? Người học thiền phải thấu qua chỗ này, chớ không thể dừng ở trên lời “chẳng thấy” kia.
-
NGÀN THÁNH CHẲNG BIẾT
Hoặc có lúc trong nhà thiền bảo rằng: “Chỗ đó ngàn Thánh cũng chẳng biết?”
Như Dược Sơn một hôm ngồi trên tảng đá, Hòa thượng Thạch Đầu trông thấy hỏi:
- Ông ở đây làm gì?
Sư thưa:
- Tất cả chẳng làm.
Thạch Đầu hỏi:
- Tại sao ngồi yên?
Sư đáp:
- Nếu ngồi yên tức làm.
Thạch Đầu hỏi:
- Ông nói chẳng làm, là chẳng làm cái gì?
Dược Sơn đáp:
- Ngàn Thánh cũng chẳng biết.
Hòa thượng Thạch Đầu hỏi: “Làm gì?” là muốn gạn xem Dược Sơn có niệm gì
chăng? Trong lòng Sư còn có vấn đề gì không? Nếu chúng ta đáp làm cái này, làm cái nọ là nguy rồi! Dược Sơn quả thực trong lòng rỗng rang vô sự nên đáp: “Tất cả chẳng làm”, tức không một niệm gì khác chen vào trong ấy. Tuy nhiên Thạch Đầu chưa chịu còn gạn lại: “Tại sao ngồi yên?” Đã vô sự thì ngồi yên để làm gì? Đó là ngồi rỗng suông vô ích chăng? Ở đây Dược Sơn có chỗ sống chân thật nên đáp rõ ràng: “Ngồi yên tức làm”. Chính chỗ ngồi yên dứt hết mọi duyên đó, là chỗ sống chân thật, không phải ngồi suông. Tuy vậy cũng chưa xong, Thạch Đầu còn gạn tiếp: “Chẳng làm cái gì?” Chỗ này dễ chết như chơi. Ông nói ngồi yên chẳng làm là chỗ sống chân thật của ông, nhưng trong đó đâu là chỗ chẳng làm?
Nếu còn thấy một chỗ chẳng làm, tức bị người thấy rồi, Dược Sơn đã thực sự sống trong ấy, không để hở cho người ngoài dòm lén nên đáp chắc
nịch: “Ngàn Thánh cũng chẳng biết”. Song đã bảo ngàn Thánh cũng chẳng biết, sao ông lại biết mà trả lời ? Cũng ló đuôi nữa rồi! Người mắt sáng phải thấy thấu qua lời chẳng biết đó, không thể một bề nghe nói chẳng biết, hiểu là chẳng biết, thì vẫn còn ở ngoài cửa.
Một dịp khác ngài Đạo Ngộ hỏi Hòa thượng Thạch Đầu:
- Ý chỉ Tào Khê người nào được?
Thạch Đầu đáp:
- Người lãnh hội Phật pháp được.
Đạo Ngộ hỏi:
- Thầy được chăng?
Thạch Đầu đáp:
- Ta chẳng hội Phật pháp.
Lạ chưa ? Tại sao ở người lãnh hội thì được, còn Sư lại chẳng lãnh hội ? Bởi, với người chưa lãnh hội nên cần lãnh hội, còn Sư đã lãnh hội rồi, lại lãnh hội thêm cái Phật pháp gì nữa? Còn thấy có cái Phật pháp để lãnh hội, tức y nguyên chưa lãnh hội. Tuy nhiên Sư bảo chưa lãnh hội, song cái gì biết chẳng hội? Thế là Sư cũng hết giấu giếm được!
Hoặc như vua Lương hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:
- Đối trẩm là ai?
Tổ đáp:
- Chẳng biết.
Nói chẳng biết vậy ai đáp đó? Chính đây là chỗ thầm kín, nếu người đừng
ngoài cửa mà phê bình, chỉ trích thế nào chăng nữa vẫn không dính dáng. Đây là muốn đưa người thẳng vào chứng nghiệm. Cho nên, nói chẳng biết mà không phải là không biết gì, là phá bỏ cái biết thành như gỗ đá. Vì thể biết thì ai phá được? Đem cái gì phá? Chính Tổ Huệ Khả đã xác nhận với Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma:
- Con từ đây dứt hết các duyên.
Tổ Đạt Ma bảo:
- Chớ rơi vào đoạn diệt!
Sư thưa:
- Chẳng rơi.
Tổ Đạt Ma bảo:
- Con làm thế nào?
Sư thưa:
- Rõ ràng thường biết nói không thể đến.
Tổ Đại Ma bảo:
- Chính đây là chỗ truyền của chư Phật, chớ nên nghi ngờ!
Quả thực, tuy dứt hết các duyên không chỗ bám, nhưng trong ấy không phải ngu ngơ không biết gì, trái lại vẫn sáng ngời: “RÕ RÀNG THƯỜNG BIẾT, chỉ là NÓI KHÔNG THỂ ĐẾN ”. Bởi vì chỗ đó ngôn ngữ không thể nói tới, thức tình suy nghĩ cũng không thể thể suy tới, nghĩ tới. Đơn giản: vì nó không phải là cái Bị Biết !
Đây chính là chỗ đồng tử Thiện Tài lên ngọn Diệu Phong tìm Tỳ kheo Đức Vân suốt bảy ngày mà không thấy. Qua bảy ngày liền thấy Tỳ kheo Đức Vân ở bên Biệt Phong, tức ngọn núi khác. Song Tỳ kheo Đức Vân từ lâu vẫn chưa từng xuống núi. Đó là điểm thực khó hiểu! Tại sao đã lên Diệu Phong mà không thấy Đức Vân? Đức Vân chưa từng xuống núi bao giờ, sao lại thấy ở Biệt Phong? Chỗ này đem thức tình suy nghĩ để hiểu được chăng? Bởi Diệu Phong là chỉ chỗ chân thật cứu cánh không hai. Trên đó vốn không có hai kẻ cùng lúc. Có Đức Vân thì không có Thiện Tài. Có Thiện Tài thì không có Đức Vân. Nếu ở trên đó Thiện Tài gặp Đức Vân thì thành có hai người, có chủ có khách đối đãi, tức bị người ngoài trong thấy rồi, đâu còn gọi là Diệu Phong? Nhận thấu chỗ này, chính là chỗ sống vĩnh viễn, còn bao nhiêu thứ ở thế gian đều có lúc phải bỏ lại, không phải là chỗ nương tựa lâu nay. Người học Phật phải mở con mắt này. Chưa mở con mắt này, dù lý luận cao siêu cách mất, vẫn còn xa với đạo.