THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003
TU THIỀN CÓ CHỨNG ĐẮC HAY KHÔNG?
III. CĂN BẢN ĐÁNH THỨC TRỞ LẠI CÁI ĐANG HIỆN HỮU MÀ BỎ QUÊN
Nói “được”, nói “không có được” cũng là lời nói hai đầu, điểm cốt yếu trong đây là đánh thức cái chân thật đang hiện hữu nơi mình mà người tự bỏ quên. Nhận ra chỗ này liền ró nói “được”, nói “không có được” cũng thừa.
Kinh Lăng Nghiêm có dẫn chuyện Diễn Nhã Đạt Đa quên đầu. Một hôm Diễn Nhã Đạt Đa soi gương, thấy đầu mình trong đó đáng yêu biết mấy, chợt úp gương lại, không thấy bóng đầu mình đâu nữa, bèn phát cuồng chạy kêu: “Tôi mất đầu! Tôi mất đầu!” Câu chuyện chắc chắn có nhiều người nghe quá quen thuộc, có thể không muốn nghe lại. Song người thật sự có cảm nhận được ý nghĩa sâu xa trong ấy không mới là điều quan trọng! Đầu ở trong gương, úp gương lại không thấy, la mật đầu, phải nói sao đây? Đó là người gì? Chúng ta hiện tại có giống như thế chăng? Khi tâm nghĩ ngợi lăng xăng nói có tôi. Nghĩ ngợi lăng xăng lặng yên, liền bảo “mất tôi” rồi suy tìm! Thật quá lầm to! Có khác nào Diễn Nhã Đạt Đa ôm đầu chạy la mất đầu? Vậy ngay khi Diễn Nhã Đạt Đa chạy la mất đầu đó, làm sao cho y tỉnh lại? Chỉ cần “cú” mạnh vào đầu y bảo: “Đây là gì?” liền tự biết đầu vẫn còn nguyên có mất đi đâu! Như vậy, chính khi y chạy la mất đầu đó, cái đầu có mất chăng? Khi bị cú đầu tỉnh lại, có được chăng? Rõ ràng được mất chỉ là lời thừa.
Thanh Nhuệ, một hôm đến thưa với Hòa thượng Tào Sơn:
- Thanh Nhuệ nghèo thiếu xin thầy cứu giúp!
Tào Sơn bảo:
- Xà Lê Nhuệ! Hãy đến gần đây!
Thanh Nhuệ đến gần, Sư bảo:
- Ba chén rượu nhà họ Bạch ở Thanh Nguyên đã uống xong, còn nói chưa dính môi.
Thanh Nhuệ bảo nghèo thiếu, nhưng gọi đến gần, BIẾT đi đến gần thì có thiếu cái gì, lại than nghèo? Vì vậy Tào Sơn bảo: “Đã uống xong ba chén rượu, còn nói chưa dính môi” thật mâu thuẫn! Việc ấy quá rõ ràng như vậy, tại sao lại chối bỏ chẳng nhận? Nhận ra thì tự đầy đủ khỏi nói được mất.
Nếu người còn chưa rõ thì hãy nghe Hy Thiên đến gặp Thiền Sư Hành Tư ở núi Thanh Nguyên. Hành Tư hỏi:
- Ông từ phương nào đến ?
Hy Thiên thưa:
- Dạ, con từ Tào Khê đến?
Hành Tư hỏi:
- Đem được cái gì đến?
Hy Thiên thưa:
- Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.
Hành Tư bảo:
- Mặc tình dùng đi, đến Tào Khê làm gì?
Hy Thiên thưa:
- Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất.
Quả thật, việc ấy vốn sẵn có, không đợi đến Tào Khê đợi chư Tổ chỉ bày mới có. Tuy nhiên nếu không đến Tào Khê, không nhờ chư Tổ chỉ bày, các thiện tri thức khơi dậy cho thì cũng không biết. Điều quan trọng là nếu trong đây thấy thật được, thật mất đều mê.
Như vậy, việc này không thể một bề nói cố định là có được, cũng không thể một bề nói cố định là không được, cốt yếu là người "NHẬN RÕ việc này" là xong, khỏi kẹt có không hai đầu.