VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU
Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Chương I
(CITTA - SAṄGAHA - VIBHĀGO)
NHỮNG LOẠI TÂM VƯƠNG KHÁC NHAU
Câu kệ mở đầu:
1. Sammāsambuddhamatulaṁ Abhivādiya bhāsissaṁ |
§1. Tôi xin thành kính đảnh lễ đấng Toàn Giác Vô Song, Giáo Pháp Tối Thượng và Giáo Hội Chúng Tăng Cao Quý, và xin nói về những gì được chứa đựng trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). |
Chú Giải:
1. Abhidhammattha-Saṅgaha, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, là tựa của quyển sách nầy. Theo đúng nghĩa của từng chữ, Abhidhamma là "Giáo Lý Cao Siêu". Attha ở đây là "sự vật". Saṅgaha là một toát yếu, một quyển sách khái lược bao gồm những nét đại cương. Tiếp đầu ngữ "abhi" được dùng trong nghĩa ưu thắng, vĩ đại, tuyệt diệu, tối thượng, lỗi lạc v.v...
2. Dhamma, Pháp, là một danh từ có nhiều ý nghĩa, do căn "dhar", nắm giữ, nâng đỡ. Ở đây danh từ dhamma, pháp, có nghĩa là giáo lý hay lời dạy, giáo huấn. Theo sách Atthasālinī, "abhi" có nghĩa "atireka", cao hơn, vĩ đại hơn, vượt lên trên -- hoặc "visiṭṭha", lỗi lạc, thù thắng, đặc biệt, tối thượng.
Abhidhamma có nghĩa là Giáo Lý Cao Siêu, vì pháp nầy giúp thành tựu Giải Thoát, hay bởi vì pháp nầy vượt lên trên, cao hơn giáo lý chứa đựng trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Luật (Vinaya Piṭaka).
Trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) Ðức Phật dùng những danh từ tục đế, chế định, như người, thú, chúng sanh v.v... Trong Tạng Diệu Pháp trái lại, mỗi sự vật đều được phân tách tỉ mỉ, và Ngài dùng những danh từ trừu tượng. Vì để làm tỏ rạng phương pháp luận giải nầy nên gọi là Abhidhamma, Giáo Pháp Cao Siêu, hay Vi Diệu Pháp.
Như vậy, trước tiên, vì thế ưu thắng của giáo lý hay vì pháp nầy dẫn đến giải thoát, và vì phương pháp phân tách luận giải tuyệt hảo, pháp nầy được gọi là Abhidhamma, Vi Diệu Pháp hay Thắng Pháp [1].
3. Abhidhamma Piṭaka, Tạng Diệu Pháp, thường gọi là Tạng Luận, gồm bảy bộ là: Dhammasaṅganī, Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggalapaññatti, Kathāvatthu, Yamaka và Paṭṭhāna [2].
A. Dhammasaṅganī, "Phân Loại các Pháp", bộ Pháp Tụ. [3]
Bộ nầy chia làm bốn chương là:
a. Tâm Vương (Citta), b. Sắc (Rūpa), c. Tóm Lược (Nikkhepa), d. Biện Minh (Atthuddhāra).
Bộ sách nầy giải thích 22 Tika Mātikās (đoạn kệ ba câu đi liền nhau) và 100 Duka Mātikās (đoạn kệ hai câu đi liền nhau) bao gồm phần tinh túy của Tạng Diệu Pháp. Phần lớn của bộ nầy giải thích ba câu đầu tiên -- Thiện Pháp (Kusalā Dhamma), Bất Thiện Pháp (Akusalā Dhamma) và Bất Ðịnh Pháp (Abyākatā Dhammā) [4].
Kể về lượng, bộ nầy hơn mười bhānavāras (bài), tức là hơn 104,000 chữ [5].
B. Vibhaṅga, "Những Tiết Mục", bộ Phân Tích.
Bộ nầy chia làm mười tám (18) mục.
Ba mục đầu, quan trọng hơn tất cả, đề cập đến Khandha (Uẩn), Āyatana (Xứ) và Dhātu (Giới, hay các Nguyên Tố cấu thành vật chất, sắc). Các mục khác đề cập đến Sacca (Ðế, chân lý), Indriya (Căn, những khả năng kiểm soát), Paccayākāra (Duyên Khởi), Satipaṭṭhāna (nền tảng của Niệm", hay Niệm Xứ), Sammappadhāna (cố gắng tột bậc, Chánh Cần), Iddhipāda (phương tiện thành tựu, hay Thần Túc), Bojjhañga (những yếu tố của trí tuệ, hay Giác Chi), Jhāna (Thiền), Appamaññā (Vô Lượng), Magga (Ðạo), Sikkhāpada (Giới Luật), Paṭisambhidā (Tri Kiến Phân Giải), Ñāṇa (Trí Tuệ), Khuddakavatthu (Ðề Mục Phụ Thuộc) và Dhammahadaya (Tinh Chất Chánh Yếu của Chân Lý).
Phần lớn những tiết mục nầy gồm ba phần: giải thích theo Kinh (Suttanta), giải thích theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và giáo lý đại cương (Pañhapucchaka).
Bộ nầy gồm ba mươi lăm bhānavāras (280,000 chữ).
C. Dhātukathā, "Luận Giải về các Ðại Nguyên Tố", bộ Chất Ngữ, hay Giới Thuyết.
Sách nầy luận: các pháp nầy có nằm hay không nằm trong, liên hợp hay tách rời ra không liên hợp, với các Uẩn (Khandha), các Xứ (Āyatana) và các Giới, hay Ðại Nguyên Tố cấu thành sắc (Dhātu).
Bộ nầy gồm mười bốn chương, nhiều hơn sáu bhānavāras (48,000 chữ).
D. Puggalapaññatti, "Chỉ Danh Những Cá Tánh", bộ Nhân Chế Ðịnh, hay Nhân Thi Thiết.
Về phương pháp trình bày, sách nầy giống như bộ Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara Nikāya) của Tạng Kinh. Thay vì đề cập đến các Pháp khác nhau, sách nầy đề cập đến những loại có cá tánh khác nhau. Có mười chương. Chương đầu đề cập đến những cá tánh đơn độc. Chương nhì các nhóm có hai cá tánh. Chương ba, các nhóm có ba cá tánh v.v...
Kể về lượng, sách nầy hơn năm bhānavāras (40,000 chữ)
E. Kathāvatthu, "Những Ðiểm Tranh Luận", bộ Ngữ Tông, hay Biện Giải.
Tác giả của bộ sách nầy được nói là Ðại Ðức Moggalliputta Tissa Thera, được nổi tiếng thời Vua Dhammāsoka (A Dục). Chính Ngài chủ tọa cuộc Kết Tập Tam Tạng lần thứ ba tại Pāṭaliputta (Patna) vào thế kỷ thứ III trước Dương Lịch. Tại hội nghị nầy bộ sách của Ngài Moggalliputta được xếp vào Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka).
Bản Chú Giải của tập Atthasālinī ghi nhận rằng bộ nầy gồm một ngàn (1,000) bài Kinh (Suttas): năm trăm (500) là chánh thống, còn năm trăm không hợp với quy tắc chánh truyền. Về lượng, bộ nầy lối cỡ bộ Dīgha Nikāya, Trường A Hàm.
Sách đề cập đến 216 điểm tranh luận, và chia làm 23 chương.
F. Yamaka, "Sách Gồm Những Câu Ðược Sắp Xếp Từng Cặp", bộ Song Ðối, hay Song Luận.
Gọi như vậy vì theo phương pháp luận giải của sách nầy, suốt từ đầu đến cuối, luôn luôn có hai câu đi đôi. Một câu hỏi và một câu đối lại, (mệnh đề hoán vị). Thí dụ cặp đầu của chương đầu đề cập đến "Căn", hay cội rễ, nguồn gốc, lập luận như sau: "Có phải tất cả các thiện pháp đều là thiện căn không? Và có phải tất cả các thiện căn đều là thiện pháp không?"
Bộ nầy chia làm mười chương là: Mūla (Căn, hay cội rễ), Khandha (Uẩn), Āyatana (Xứ, hay thành phần có liên hệ đến giác quan, lục căn), Dhātu (Giới, hay nguyên tố cấu thành vật chất, sắc), Sacca (Ðế, hay chân lý), Saṅkhāra (vật cấu tạo, hay pháp Hữu Vi), Anusaya (Tiềm Thùy, tâm tánh tiềm ẩn ngủ ngầm trong luồng nghiệp của chúng sanh), Citta (Tâm Vương), Dhamma (Pháp), và Indriya (khả năng kiểm soát, cũng gọi là Căn hay Quyền).
Sách gồm 120 bhānavāras (960,000 chữ)
G. Paṭṭhāna, "Sách Luận về Tương Quan Duyên Hệ", bộ Ðại Xứ, hay Nhân Duyên Thuyết.
Ðây là quyển sách quan trọng nhất mà cũng to lớn nhất của Tạng Diệu Pháp. Người nhẫn nại đọc sách nầy chỉ có thể khâm phục trí năng cao thâm và tuệ minh sát sâu sắc của Ðức Phật. Chắc chắn rằng muốn làm nên được một bản khái luận vừa thâm sâu vừa rộng rãi như vậy tức nhiên phải là bậc trí thức kỳ tài xuất chúng.
Danh từ Paṭṭhāna gồm tiếp đầu ngữ "pa", có nghĩa là khác nhau, và "ṭhāna", mối tương quan, hay duyên (paccaya). Gọi như vậy vì pháp nầy đề cập đến 24 phương thức tương quan duyên hệ [6], những đoạn ba câu (tika), và những đoạn hai câu (duka), đã nói đến trong bộ Dhammasaṅganī. Ðây là phần tinh hoa của Tạng Diệu Pháp.
Ta có thể đoán được tầm quan trọng của bản khái luận nầy -- cũng được gọi là "Mahā Pakaraṇa", quyển sách lớn, hay Ðại Tạng -- xuyên qua những lời chú giải của tập Atthasālinī như sau: "Và trong khi Ngài suy niệm về những tiết mục của bộ Dhammasaṅganī thân Ngài không có tỏa hào quang. Cùng thế ấy, khi Ngài suy niệm về năm bộ kia (thân Ngài không tỏa hào quang). Nhưng đến quyển Ðại Tạng, Mahā Pakaraṇa, khi Ngài bắt đầu suy niệm đến 24 liên hệ tương quan phổ thông của duyên [7], sự trình bày v.v... đức tánh Toàn Tri của Ngài chắc chắn đã tìm được cơ hội trong đó [8]. (Vì lẽ ấy hào quang phát tủa ra từ thân Ngài).
Ghi chú:
[1] Xem The Expositor, Phần I, trang 3.
[2] Dhammasaṅgani - Vibhangañ ca - Kathāvatthu ca - Puggalaṁ
Dhātu - Yamaka - Paṭṭhānaṁ - Abhidhammo' ti vuccati.[3] Xem quyển Buddhist Psychology (bản dịch bộ Dhammasaṅgani), của tác giả Bà Rhys Davids và quyển Guide Through The Abhidhamma Piṭaka của Ð.Ð. Nyanatiloka.
[4] Xem chú thích số 17 của chương nầy.
[5] Bhānavāra = 250 câu; 1 câu = 4 hàng; 1 hàng = 8 chữ. Như vậy, 1 bhānavāra gồm 8,000 chữ.
[6] Sẽ được giải thích trong một chương sau.
[7] Lúc ấy Nhứt Thiết Chủng Trí của Ðức Phật được phát huy tột độ.
[8] Muốn có đầy đủ chi tiết về bảy bộ sách của Tạng Diệu Pháp, xem Guide Through The Abhidhamma Piṭaka của Ðại Ðức Nyanatiloka và bài Giới Thiệu của tập Expositor, phần i, từ trang 5 đến trang 21. Cũng xem Buddhist Psychology trang 135-193, Relations, Encyclopaedia of Religion and Ethics và Lời Nói Ðầu của vị chủ biên bản Tikapaṭṭhāna Text.
-ooOoo-
ABHIDHAMMATTHĀ
Ðề Tài
2. Tattha vutt' ābhidhammatthā Cittaṁ cetasikaṁ rūpaṁ |
§2. Trong ý nghĩa cùng tột, đề tài của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) ghi nhận trong tập nầy, được phân làm bốn tất cả: 1) Tâm vương, 2) Tâm sở, 3) Sắc, 4) Niết Bàn. |
Chú Giải:
4. Thực tại:
Có hai thực tại. Thực tại bề ngoài, hay tục đế, và thực tại cùng tột, chân đế, hay đệ nhất nghĩa đế. Thực tại bề ngoài là chân lý chế định, quy ước, thực tại thông thường của thế gian (sammuti sacca). Thực tại cùng tột là chân lý tuyệt đối, trừu tượng (paramattha sacca).
Thí dụ, mặt phẳng của cái bàn mà ta nhìn thấy là thực tại bề ngoài, tục đế. Nhưng hiểu một cách rốt ráo, khi thấu đến ý nghĩa cùng tột của nó, cái mặt bàn mà ta thấy bề ngoài bằng phẳng ấy gồm những năng lực và những đặc tánh, hay nói cách khác gồm những rung động.
Trong sự giao dịch thông thường hằng ngày, nhà khoa học dùng danh từ "nước", nhưng trong phòng thí nghiệm, nhà khoa học gọi là H2O. Cùng thế ấy, trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) Ðức Phật dùng danh từ thông thường như người, đàn ông, đàn bà, chúng sanh v.v... nhưng trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) Ngài dùng một lối diễn đạt khác. Ở đây Ngài áp dụng phương pháp phân giải và dùng những danh từ trừu tượng như Khandha (Uẩn, thành phần cấu tạo chúng sanh), Dhātu (Giới, những nguyên tố, thành phần cấu tạo "sắc", phần vật chất của chúng sanh), Āyatana (Xứ, thành phần có liên quan đến giác quan: lục căn, lục trần) v.v...
Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) danh từ para- mattha có nhiều nghĩa. Ðó là một danh từ kép gồm hai phần: parama và attha. "Parama" được giải thích là cái gì không thể biến chất, không thể biến đổi hay trở thành một cái gì khác (aviparīta), là trừu tượng (nibbaṭṭita); "Attha" là vật. Vậy, paramattha là vật không thể biến chất, hay trừu tượng. Thực tại trừu tượng được xem là gần ý nghĩa với danh từ paramattha nhất. Mặc dầu ở đây dùng danh từ "không biến đổi" nhưng phải hiểu rằng không phải tất cả paramatthas đều vĩnh viễn hay thường còn.
Thí dụ như một cái lọ bằng đồng. Ðó không phải là paramattha vì bản chất của cái lọ đổi thay từng khoảnh khắc và chính nó cũng có thể được nhồi nắn lại để trở thành một cái gì khác hơn cái lọ -- cái bồn chẳng hạn. Cả hai vật ấy, cái lọ và cái bồn, đều có thể được phân tách và rút gọn đến mức cùng tột thành những năng lực và những đặc tánh vật chất căn bản mà Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) gọi là Rūpa Paramattha.
Những thực tại nầy cũng vô thường, phải biến đổi. Tuy nhiên, những đặc tánh cá biệt của vật chất (sắc) ấy đồng nhất thể trong hai vật, cái lọ và cái bồn. Nó vẫn giữ trọn vẹn thực chất của nó mặc dầu ta có thể pha trộn cách nào. Do đó Bản Chú Giải định nghĩa parama là không biến chất hay thực tại nguyên vẹn.
Danh từ 'attha' phù hợp một cách chính xác với Anh ngữ có nhiều ý nghĩa "thing" (vật). Ở đây không thể dịch "attha" là "có nghĩa".
Có bốn paramatthas, hay thực tại trừu tượng như thế. Bốn thực tại nầy bao gồm tất cả những gì tại thế và siêu thế.
Cái được gọi chúng sanh là tại thế. Niết Bàn là siêu thế. Chúng sanh được cấu thành do hai phần: phần tâm linh (nāma, danh) và phần vật chất (rūpa, sắc). Hiểu theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Rūpa hay Sắc bao hàm cả hai ý nghĩa: đơn vị căn bản của vật chất và cũng là những biến đổi vật lý. Vi Diệu Pháp liệt kê 28 loại vật chất, sẽ được đề cập đến trong một chương sau. Nāma bao gồm cả hai, tâm vương và tâm sở. Chương 2 của sách nầy sẽ đề cập đến các tâm sở ấy (cetasika). Có tất cả 52 tâm sở. Vedanā, Thọ, là một. Saññā, Tưởng, là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là Saṅkhāra, Hành. Cái chứa đựng những đặc tính tinh thần ấy là Viññāṇa, Thức, hay tâm vương, đề tài của chương nầy.
Theo sự phân tách kể trên, cái được gọi là chúng sanh gồm năm nhóm, hay năm Uẩn (Pañcakkhandhas, Ngũ Uẩn): Rūpa (Sắc), Vedanā (Thọ), Saññā (Tưởng), Saṅkhāra (Hành), Viññāṇa (Thức).
Tâm Vương, Tâm Sở (ngoại trừ 8 loại tâm vương siêu thế và những tâm sở phụ thuộc dính liền theo các tâm nầy) và Sắc, là Tại Thế (Lokiya). Niết Bàn (Nibbāna) là Siêu Thế (Lokuttara). Chỉ có Niết Bàn là thực tại tuyệt đối. Ðó là mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo. Tâm Vương, Tâm Sở và Sắc được gọi là thực tại vì đó là những vật có hiện hữu (Vijjamāna dhammā). Ngoài ra, ba pháp ấy không thể phân chia ra thêm được nữa, không thể biến chất nữa, và là những vật trừu tượng. Ba pháp ấy liên quan đến cái gì ở trong và ở quanh ta.
Paramattha, chân đế, hay thực tại đầu tiên là Citta (Tâm Vương). Danh từ "citta" xuất nguyên từ căn "citi", có nghĩa suy nghĩ. Theo Bản Chú Giải "citta", tâm vương hay thức, là cái gì hay biết (cinteti = vijānāti), cái gì nhận thức trần cảnh, hay biết sự hiện hữu của một đối tượng. Không phải cái gì suy nghĩ đến một đối tượng như danh từ nầy hàm ý. Về phương diện Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Cittā, Tâm Vương hay Tâm, có thể được định nghĩa là sự hay biết một đối tượng. Chỉ có sự hay biết suông, không có cái gì chủ động như một linh hồn.
Citta, Ceta, Cittupāda, Nāma, Mana, Viññāṇa là những danh từ được xem là đồng nghĩa trong Abhidhamma. Do đó, đứng về phương diện Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, không có sự khác biệt giữa tâm và thức [1].
Khi phân tách cái được gọi là chúng sanh làm hai phần, vật chất và tinh thần, thì phần tinh thần hay tâm, được gọi là Danh (Nāma).
Khi phân cái được gọi là chúng sanh làm năm uẩn (Pañcakkhandha) thì phần ấy được gọi là Thức (Viññāṇa). Còn danh từ Citta thì luôn luôn được dùng khi đề cập đến những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp lẻ loi, theo nghĩa thông thường của tâm, cả hai danh từ Citta và Mana thường được dùng.
Ba thực tại kia sẽ được đề cập đến trong một phần sau.
Ghi chú:
[1] Trong bài giới thiệu tập Compendium, trang 2, Ông Aung viết:
"Theo sự định nghĩa của nhà Văn Phạm thì danh từ "Citta" (tâm) là ārammaṇaṁ cinteti'ti cittaṁ (tư tưởng = nghĩ đến một đối tượng). ở đây, chữ cinteti được dùng theo nghĩa bao quát nhất của nó là vijjānāti (biết). Do đó tâm thường được định nghĩa là "cái gì hay biết một đối tượng" ... Do sự định nghĩa nầy ta có định nghĩa của chữ "viññāṇa", thức. Vậy, "Thức" có thể được định nghĩa là mối liên quan giữa ārammaṇika (chủ thể) và ārammaṇa (khách thể)."
Xem Compendium trang 234. Không có lý do nào để phân biệt hai danh từ citta và viññāṇa như vậy.