KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.5. BẤT GIÁO HỐI TỘI GIỚI
(giới không dạy
sám hối tội lỗi)
Kinh văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược
Phật tử kiến nhất thiết chúng sanh phạm bát giới...” cho đến câu “...bất giáo
hối quá giả, phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu Phật tử thấy
người phạm Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới, phá giới hay phạm giới thất nghịch,
bát nạn v.v... tất cả tội phạm giới, phải khuyên bảo người ấy sám hối. Nếu cùng
ở chung, đồng sống chung, đồng chung bố-tát, đồng thuyết giới mà không cử tội
người ấy, không nhắc người ấy sám hối, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Trong mười
giới trọng ở phần trước, có giới “rao nói tội lỗi của tứ chúng”. Là một vị Bồ
Tát, không được tùy ý đi rao nói tội lỗi của tứ chúng. Việc không cho phép Bồ
Tát rao nói tội lỗi của tứ chúng là một việc rất đúng. Nhưng bên cạnh đó, cho
phép người tu học Phật pháp cử tội đồng đạo. Điều này cần phải biết. Vì nếu như
không cử tội người tu hành, để người ấy có thể theo đúng pháp, đúng luật sám
hối, thì Bồ Tát ấy phạm khinh cấu tội.
Vì các hành giả
khi phạm lỗi đôi lúc không tự mình biết được. Người đời thường nói: “Người
trong cuộc thì mê”. Vì Bồ Tát ở bên cạnh mình, nếu thấy rõ ràng, phải vì người
ấy chỉ lỗi của họ ra cho họ biết, từ đó, họ mới có thể theo đúng pháp sám hối
cho được thanh tịnh.
Nếu không vạch
rõ tội lỗi của chúng sanh và không bảo họ sám hối thì chẳng khác nào để mặc cho
chúng sanh ở mãi trong hố sâu tội lỗi, không thể tự cứu mình ra khỏi
được.
Là một vị Phật
tử, điều tối khẩn yếu là không nên gần gũi với tội lỗi. Nghĩa là thường không
tạo tội lỗi thì thân tâm mới được thanh tịnh và thường an trụ trong giới pháp
của Phật.
Bồ Tát vì chúng
sanh chỉ rõ tội lỗi, chẳng những không phải là điều tội lỗi, mà chính là làm
cho chánh pháp được cửu trụ. Đối với những người bị cử tội, không phải Bồ Tát
có ý đả kích mà thật là có tâm từ bi, ái hộ họ.
Vì nếu
không cử tội và không bảo họ sám hối thì tương lai họ phải lãnh thọ quả báo vô
cùng khổ đau. Vì thế, muốn thân tâm người ấy được thanh tịnh, tương lai người
ấy được xán lạn, nên Bồ Tát phải cử tội và khuyên bảo người ấy sám hối.
Về việc hộ
trì Phật pháp, vấn đề chánh pháp của Như Lai có được cửu trụ trong thế gian
không, không phải ở nơi chánh pháp, mà chính là do người phụng trì chánh pháp
có đúng luật hay không. Vì trên đời này, người hiểu rõ được chân nghĩa Phật
pháp rất hiếm, mà đa số chỉ căn cứ vào hành vi của các đệ tử Phật mà đánh giá
Phật pháp.
Nếu người Phật
tử hành đúng chánh pháp và thanh tịnh, sẽ làm gương cho chúng sanh bắt chước
theo để phụng hành Phật pháp. Nhưng ngược lại, nếu Phật tử chỉ làm những điều
tội lỗi thì mọi người sẽ xa lìa Phật pháp.
Vì thế, thân tâm
của toàn thể Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia đều được thanh tịnh là một điều vô
cùng trọng yếu đối với bản thân mình cũng như đối với sự hóa độ chúng sanh của
Phật pháp. Do đó, một điểm thật nhỏ cũng không được xem thường.
Tuy nhiên, vì
chưa đạt đến địa vị thánh nhân nên không một ai tránh khỏi tội lỗi. Vấn đề cần
yếu là tự mình biết lỗi hay không, hoặc khi biết có lỗi, có chịu hết lòng cải
hối hay không và có thật tâm tiếp thọ sự cử tội của người hay không. Nếu chấp
nhận và thành tâm tiếp thọ sự cử tội của người, thì chính mình vẫn là một con
người hoàn hảo, và vẫn ở trong Phật pháp tiến tu.
Vì thế, việc cử
tội và khuyên bảo người sám hối là vấn đề hết sức cần thiết của những bậc sư
trưởng đối với đệ tử của mình. Cổ thư Trung Hoa nói: “Giáo bất nghiêm, sư chi
nọa”, nên làm thầy đối với đệ tử phải hết sức nghiêm khắc, tuyệt đối không nên
để cho đệ tử buông lung, và cũng không nên vị tình, dung túng, hoặc bỏ
qua.
Trong Phật pháp,
trường hợp có những người cần sám hối, nhất quyết bắt họ phải sám hối. Tại sao
phải nhất quyết như vậy?
Nơi đây xin
trích dẫn một câu chuyện trong kinh như sau:
Vào thời Phật Ca
Diếp xuất thế, có một vị tỳ kheo ở vào cương vị một tăng sư (Hòa Thượng, Yết
Ma, Giáo Thọ...) độ rất nhiều đệ tử. Nhưng đối với đệ tử ít khi lưu tâm răn
dạy.
Trong số các đệ
tử ấy, có một vị vì không hiểu rõ sự trì phạm của giới luật, nên không theo
đúng pháp mà nghiêm trì cấm giới. Do đó, vị này sau khi mạng chung bị đọa vào
trong loài Rồng.
Người đời không
biết nên cho Rồng là loài rất quý, nhưng thực ra, Rồng cũng là một loài súc
sanh. Cũng như nhân loại, có người rất sung sướng tự tại, có người lại bị tội
khổ. Người đệ tử thọ thân Rồng kia cứ bảy ngày thọ tội một lần. Toàn thân bị
lửa dữ thiêu đốt đến nỗi da thịt, thân hình cháy hết, chỉ còn xương, tưởng có
thể phải chết hẳn. Nhưng do nhân duyên và nghiệp lực, trải qua chốc lát sau,
sống trở lại để tiếp tục thọ khổ.
Trải qua một
thời gian thật lâu, Rồng không thể chịu nổi sự thống khổ, liền suy nghĩ tại sao
mình phải bị sự khổ như thế này? Vì loài Rồng có báo đắc Ngũ Thông.
Ngũ Thông có hai
thứ:
1. Báo đắc ngũ
thông: như loài Rồng hay quỷ thần v.v... là khi vừa mang ngũ báo thân liền có
ngũ thông.
2. Tu đắc ngũ
thông: loại thần thông này do tu hành mà chứng đắc.
Rồng liền dùng
Túc Mạng Thông quán sát biết được trong thời quá khứ, mình là một người tu học
Phật pháp, nhưng vì thầy không răn dạy kỹ lưỡng nên tạo tội nghiệp rất nhiều.
Do tội nghiệp này chiêu cảm phải thọ thống khổ ngày nay. Khi quán biết như thế,
Rồng vô cùng tức giận vị thầy thời quá khứ của mình, vì cho rằng sự thống khổ
ngày nay của mình là do thầy mình gây nên, bèm tìm cách trả thù thầy cũ.
Trải qua không
lâu, một hôm có một đoàn thương nhân năm trăm người, vào bể cả tìm châu báu,
trong đó vị thầy của Rồng ở kiếp tiền thân xưa kia. Rồng liền từ đáy biển nổi
lên, khiến chiếc thuyền nhiều lúc tưởng chừng sắp bị đắm.
Tất cả thương
nhân trên thuyền vô cùng sợ hãi, trong đó có một người bạo dạn, can đảm đứng ra
hỏi Rồng rằng: “Chúng tôi đây cùng nhà ngươi hoàn toàn không có thù oán, tại
sao ngươi lại nổi sóng gió, giữ thuyền lại không cho đi?
Rồng đáp rằng: -
Tôi cùng các ông không thù oán chi thật, nhưng trong thuyền có một vị tỳ kheo,
vị này chính là thầy của tôi thời quá khứ. Khi tôi ở dưới pháp tòa của người tu
học Phật pháp, vì người không chịu lưu tâm răn dạy, dẫn dắt cho tôi chu đáo,
nên tôi không rõ giới luật mới tạo nhiều tội lỗi tày trời. Do đó, sau khi xả
thân, phải cảm thọ thân rồng hiện tại, bị khổ thiêu đốt. Nghĩ đến, tôi càng tức
giận nên quyết đến đây bắt thầy tôi để hỏi lý do chi không chịu đúng pháp dạy
bảo cho tôi. Giờ đây, tôi chỉ yêu cầu các ông thả vị tỳ kheo ấy xuống biển, tôi
sẽ để cho thuyền các ông an nhiên mà đi, tánh mạng các ông sẽ được an
toàn.
Vị tỳ kheo nghe
những lời nói của Rồng, biết các thương nhân trong thuyền sẽ không dung tha cho
mình, nên tự động nhảy vào biển cả, kết thúc sinh mạng của mình.
Qua câu chuyện
trên, chúng ta thấy muốn độ đồ chúng phải đúng pháp răn dạy một cách nghiêm
minh. Nếu không, chẳng những gây nguy hại cho đệ tử, mà tự mình cũng hoàn toàn
bất lợi.
Đức Phật đối với
đại chúng lại dạy thêm rằng: “Nếu là một vị Phật tử thọ Bồ Tát giới, khi thấy
tất cả chúng sanh bất luận là tại gia, xuất gia, bất luận là tu học Đại Thừa
hay Tiểu Thừa, cho đến tất cả những chúng sanh thọ trì giới pháp của Phật, nếu
họ trái phạm bát giới, ngũ giới, thập giới, hủy cấm thất nghịch, bát nạn... tất
cả tội phạm giới, đều phải khuyên bảo sám hối”.
Bát giới tức là
Bát Quan Trai Giới, Bát Chi Trai Pháp... như trong Thành Thật Luận và Trí Độ
Luận thuyết minh như sau:
1. Không sát
sanh.
2. Không trộm
cắp.
3. Không dâm
dục.
4. Không vọng
ngữ.
5. Không uống
rượu.
6. Không xoa dầu
thơm trên thân và đeo tràng hoa.
7. Tự mình không
được ca múa, cũng không được nghe, xem người ca múa.
8. Không được
ngồi hay nằm trên giường nệm cao rộng.
9. Quá giờ Ngọ
không được ăn.
Trong chín
pháp này, tám pháp trước là thuộc về Giới, pháp thứ chín gồm cả Trai và Giới.
Hợp tám giới trước và trai giới thứ chín ở phía sau, gọi chung là Bát Trai
Giới.
Tại sao gọi là
Quan?
Chữ Quan nghĩa
là đóng bít, là ngăn cấm. Nghĩa là tám thứ kể trên có công năng ngăn cấm các
tội lỗi: sát sanh, trộm cắp v.v... không cho phát sanh và đóng bít cửa ngõ đọa
vào tam đồ ác đạo, nên gọi là Bát Quan Trai Giới.
Giới pháp này cả
hai chúng nam, nữ tại gia bẩm thọ trong một ngày, một đêm, để học tập theo sinh
hoạt chủ yếu của chúng xuất gia.
1. Ngũ Giới:
không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Năm giới này là giới của hai chúng tại gia bẩm thọ suốt đời để học tập đức
hạnh, nhân cách cần phải có của một người cho được toàn thiện, toàn mỹ.
2. Thập Giới:
Bát Quan Trai Giới thêm giới thứ 10. Giới này không cho cầm nắm sanh tượng, kim
ngân. Đây là giới pháp của sa di, sa di ni bẩm thọ, có chỗ nói 10 giới là chỉ
mười giới trọng trong kinh này, cũng không phải không đúng.
3. Hủy cấm (bổn
Việt văn dịch là phạm giới): danh từ này có hai lối giải thích:
- Hủy cấm chỉ
chung các giới đã nói ở trên, nếu phạm bất cứ giới nào trong số các giới này
đều gọi là “hủy cấm”. Vì các giới này do chính Đức Phật đã vì các Phật tử mà
cấm chế.
- Hủy cấm là
chuyên chỉ 250 giới của tỳ kheo và 348 giới của tỳ kheo ni. Vì giới tỳ kheo là
giới cấm của đức Như Lai chế lập, nếu người phát tâm thọ giới này mà không giữ
gìn trọn vẹn, hoặc trì giới mà không tụng giới là trái với thánh ngôn của chư
Phật. Không thực hiện những điều cấm chế của Đức Phật nên gọi là “hủy
cấm”.
4. Thất
nghịch:
- Giết
cha.
- Giết mẹ.
- Giết Hòa
Thượng,
- Giết A-xà-lê.
- Phá Yết-ma
chuyển pháp luân tăng.
- Ác tâm làm
thân Phật xuất huyết.
- Giết A-la-hán.
Bảy tội nghịch
này so với tội ngũ nghịch trong các kinh thường giống nhau, chỉ thêm hai thứ là
giết Hòa Thượng và A Xà Lê.
Phật là bậc đại
oai đức, không người nào thể giết hại được. Cho nên khi Phật còn tại thế, chúng
sanh nào muốn mưu hại Phật thì mức tối đa chỉ có thể làm cho thân Phật chảy
chút máu, chứ tuyệt đối không thể nào làm thương hại sinh mạng của Phật
được.
Khi Phật đã nhập
diệt, chúng sanh có thể tạo tội nghịch này được hay không?
Có thể được!
Chẳng hạn bán hình tượng Phật, hoặc bán kinh luật Phật, cũng có thể nói đây là
hình thức làm thân Phật xuất huyết.
A La Hán là bậc
Ứng Cúng trong thế gian, nghĩa là ưng thọ sự cúng dường của người thế gian, để
làm phước điền cho chúng sanh.
Nếu không có A
La Hán ở thế gian, chúng sanh có tạo tội nghịch này được không?
Được! Đó chính
là giết tỳ kheo tăng, A La Hán là thánh nhân của quả vị tỳ kheo tăng. Tỳ kheo
là người tu nhân hạnh A La Hán. Thế nên giết tỳ kheo là đồng với tội giết A La
Hán.
5. Bát
nạn:
- Địa
ngục.
- Ngạ quỷ.
- Súc
sanh.
- Sanh trước
Phật hoặc sau Phật.
- Các căn không
đủ.
- Thế trí biện
thông.
- Miệt Lệ
Xa.
- Sanh lên
Trường Thọ Thiên.
Trường Thọ Thiên
là cõi trời Vô Tưởng ở Sắc Giới và chư thiên cõi Vô Sắc. Cũng có chỗ nói là chư
thiên cõi Dục thường bị sự dục lạc làm cho tâm trí tán loạn, không thể tu học
Phật pháp, cũng bao gồm trong đây:
Vì chư thiên ở
cõi Vô Sắc Giới và chư thiên Dục Giới chỉ là thuộc về loài dị sanh nên mới sanh
lên các cõi trời ấy. Dị Sanh là danh từ khác của Phàm Phu. Chúng sanh nào bị
sanh vào trong bát nạn xứ ấy thì không rảnh rỗi để tu học Phật pháp. Vô là
không, Hạ là nhàn hạ, rỗi rảnh. Tức là không rảnh rỗi để tu học Phật
pháp.
Trong bộ Huyền
Ký Âm Nghĩa, quyển hai mươi mốt nói: “Bát Vô Hạ là chỉ những chúng sanh bị sanh
vào trong tám nạn xứ, không rảnh rỗi để tu tập thiện nghiệp và đạo pháp giải
thoát xuất thế của Như Lai”.
Nhưng trong tám
nạn xứ ấy, sự không rảnh rỗi tu học Phật pháp chia làm hai loại:
- Quá sung sướng
nên không thể tu học Phật pháp, như cõi trời Vô Tưởng và các cõi trời khác cùng
với nhân loại ở Bắc Câu Lưu Châu.
- Quá đau khổ
không thể rảnh rỗi để tu học Phật pháp, như tội nhân trong địa ngục luôn bị
hình phạt, làm ngạ quỷ bị lửa đói khát thiêu đốt, trải qua trăm ngàn năm không
có thức ăn uống, hoặc súc sanh luôn bị sự sợ hãi ăn nuốt lẫn nhau, không thể
rảnh rỗi để tu học Phật pháp.
* Miệt Lệ Xa:
chỗ biên địa, văn hóa lạc hậu và những nơi không có hàng tứ chúng của Phật giáo
đi đến. Trong kinh thường chỉ cho Bắc Câu Lưu Châu.
* Thế trí biện
thông: chỉ hạng người tri kiến không chính đáng, tư tưởng lầm loạn, phủ nhận
luật nhân quả, đối với ngôi Tam Bảo không có tín tâm.
* Các căn không
đủ: những khiếm khuyết của các bộ phận trên thân thể, những người như vậy không
có đủ điều kiện để đúng như pháp mà tu học Phật pháp như:
- Bộ phận sinh
lý khuyết hãm.
- Đôi mắt không
thấy rõ.
- Tai
điếc.
- Tâm tánh si
cuồng.
- Các chi tiết
trên thân không vẹn toàn (như mắt lé, môi sứt...)
* Sanh trước
Phật hoặc sau Phật: như trong đời hiện tại của nhân loại, không có đấng Đại
Giác xuất thế để độ sanh. Vì thế, muốn tu học Phật pháp không biết từ đâu để tu
học.
6. Tam ác đạo:
Ba nạn xứ, chúng sanh ở trong đây lại càng không có cơ hội để tu học Phật
pháp.
Tóm lại:
Tám thứ nạn xứ
trên đây thực sự không phải là nó có đại nạn gì, nhưng nếu chúng sanh bị sa vào
trong những cảnh ấy thì không có thời gian rảnh rỗi để tu hạnh xuất thế giải
thoát của Phật pháp; cho nên gọi rằng “nạn xứ”.
Do đó, dưới nhãn
quan của Phật pháp, chúng sanh có nạn hay không nạn, không phải căn cứ ở địa vị
của chúng sanh ấy, mà căn cứ vào điều kiện có nhân duyên tu học Phật pháp hay
không.
Hiện tại chúng
ta có thể tu học theo Phật pháp, có thể hướng lên con đường giải thoát là một
việc hiếm có và khó được. Tám nạn xứ trên, không phải chỉ quả báo sở đắc của nó
(quả báo đã lãnh thọ như chúng sanh ở trong tam ác đạo...) mà là chỉ về nghiệp
nhân năng tạo.
Vì quả báo đã
thành thì không thể dạy sám hối, còn nghiệp nhân năng tạo thuộc về phạm vi tạo
nhân, chưa thành quả nên có thể sám hối trừ tội. Như trường hợp có những chúng
sanh hiện tại tạo những nghiệp nhân trong bát nạn, tương lai chắc chắn sẽ chiêu
cảm quả báo bát nạn.
Vì muốn
cho những chúng sanh này khỏi thọ quả báo trong bát nạn, hiện đời có thể đúng
như pháp để sám hối. Tạo những nghiệp nhân gì mà chiêu cảm quả báo trong bát
nạn?
- Tạo nghiệp sát
sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ v.v... mắc khổ báo trong tam ác đạo.
- Tu theo
định Vô Tưởng của ngoại đạo sẽ chiêu cảm quả báo sanh lên cõi trời Phi Phi
Tưởng Xứ, hưởng thọ tám vạn đại kiếp.
- Không tin vào
ngôi Tam Bảo, chỉ một mặt tu tập phước nghiệp thế gian, sẽ chiêu cảm quả báo
sanh vào Bắc Câu Lưu Châu, sanh tâm tà kiến, không ưa nghe chánh pháp, mắc quả
báo đui, điếc.
- Không tin Tam
Bảo, hủy báng chúng tăng, mắc quả báo câm ngọng, không tin pháp giải thoát xuất
thế, chỉ say đắm pháp thế gian sẽ mắc quả báo Thế Trí Biện Thông. Do nghiệp
chướng sâu nặng, phước duyên kém cỏi, chiêu cảm quả báo sanh trước Phật hay sau
Phật.
Các thứ giới
hạnh cùng tội nghiệp thất nghịch, bát nạn như đã nói ở trên, không luận là tội
khinh, tội trọng, tánh tội hay giá tội, khi thấy chúng sanh có chỗ trái phạm,
Bồ Tát phải liền khuyên răn, dạy bảo, đừng để chúng sanh tạo nghiệp nhân thất
nghịch, bát nạn, những việc phạm giới mà tương lai phải bị khổ quả hoàn toàn
bất lợi.
Lại cần phải
khuyên bảo chúng sanh ấy đối trước Tam Bảo chí thành khẩn thiết phát lộ sám
hối, phát nguyện từ đó trở đi không còn phạm giới, tạo những nghiệp nhân thất
nghịch, bát nạn...
Vì thế kinh dạy:
“Tất cả tội phạm giới phải khuyên bảo sám hối”.
Kinh Bồ Tát
Thiện Giới nói: “Bồ Tát khi vào trong chúng Tăng, nếu thấy có người cười giỡn
phi pháp mà không chịu quở trách thì đắc tội”.
Chúng ta thử suy
nghĩ: với những việc hết sức vi tế như cười giỡn phi pháp, bổn phận Bồ Tát còn
phải dạy bảo sám hối, huống chi việc lớn như phạm giới và tạo tội nghiệp ngũ
nghịch, thập ác đã nói trên mà không dạy bảo sám hối?
Trong bộ Minh
Tường Ký có kể một câu chuyện như sau:
Có vị Tăng xuất
gia, pháp danh là Huệ Đạt, bị bạo tử, thác xuống địa phủ, thấy đức Quan Thế Âm
Bồ Tát dạy rằng: “Dù là hàng sa môn xuất gia hay tại gia, nếu tự biết mình có
lỗi, hay nhớ những tội nghiệp thời quá khứ. Nếu ở trong đại chúng phát lồ tất
cả tội lỗi ấy, tinh tấn, kiền thành sám hối thì những tội ấy có thể trừ
diệt”.
Theo lời dạy của
Bồ Tát, chúng ta thấy công hiệu của việc sám hối rất là rộng lớn, không gì sánh
bằng. Vì thế, Bồ Tát hóa độ chúng sanh, đối với tất cả quỷ thần trong cõi U
Minh giới, cũng như tất cả nhân loại, bất cứ lúc nào và nơi đâu, đều nên dạy họ
sám hối, để cho mỗi chúng sanh đều thành một Phật tử thanh tịnh trong Phật
pháp.
Bồ Tát dạy những
người phạm tội sám hối chính là biểu lộ tâm Từ Bi chứ không phải phát xuất từ
tâm sân hận, hoặc mong cầu danh lợi. Nhưng nếu là một vị Bồ Tát, đáng lẽ phải
dạy người sám hối mà không dạy, ấy là mất tâm Từ Bi tự lợi, lợi tha. Thấy chúng
sanh phạm tội mà không cử tội, là trái với lời Phật dạy và trái với quy định
của giới luật Phật Đà.
Tỳ kheo thanh
tịnh không được ở chung với tỳ kheo phạm giới. Nếu bạn vẫn yên lặng và ở chung
là làm tăng gia thêm một tội.
Tỳ kheo thanh
tịnh không nên cùng với tỳ kheo phạm giới đồng lãnh thọ lợi dưỡng của đàn việt
cúng dường. Hiện tại, bạn vẫn yên lặng cùng người ấy tiếp thọ lợi dưỡng, đồng
lợi dưỡng với chúng tăng, là tăng thêm một tội.
Tỳ kheo thanh
tịnh không nên cùng với tỳ kheo phạm giới cùng bố tát, đồng chúng tụng giới.
Hiện tại, bạn vẫn đồng ở chung trong một đại giới, làm lễ bố tát thuyết giới
thì làm sao hợp với luật nghi Đức Phật đã chế định?
Tỳ kheo thanh
tịnh không được ở chung với tỳ kheo phạm giới, nếu bạn vẫn yên lặng ở chung tức
là tăng thêm một tội.
Lúc làm lễ bố
tát tụng giới, nếu biết người thật sự có tội, phải cử tội người ấy, bảo người
ấy ở trong đại chúng sám hối để được kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng
tu.
Trái lại, nếu
không cử tội, không khuyên bảo người ấy sám hối, cứ yên lặng ở chung, đồng
chúng tăng luống thọ lợi dưỡng, thì Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Vì do bạn che
giấu tội lỗi của người mà tâm mình bị nhiễm ô không thanh tịnh. Kinh Ngũ Giới
Oai Nghi dạy rất rõ về vấn đề này: “Bồ Tát là người thượng thủ trong đại chúng,
khi thấy các quyến thuộc của mình có việc không đúng, phải tùy theo tội mà quở
trách, trị phạt hay tẫn xuất”.
Vì Bồ Tát là vị
lãnh đạo của chúng sanh, với những kẻ không đúng pháp, nếu không lưu ý quở
trách, cử tội, thì không khác gì dẫn dắt chúng sanh vào trong hố sâu tội ác,
lỗi này rất lớn!
Cho nên kinh Ưu
Bà Tắc Giới nói: “Thà thọ ác luật nghi, một ngày đoạn vô lượng sanh mạng chúng
sanh, quyết không nên dung dưỡng những đệ tử ác không thể điều phục”.
Tại sao
vậy?
Vì tai hại của
ác luật nghi ảnh hưởng đến bản thân một người, nhưng tội không răn dạy đệ tử ác
để họ có thể phỉ báng vô lượng pháp thượng diệu của Như Lai, phá hòa hợp tăng,
làm cho nhiều người tạo nghiệp Ngũ Vô Gián, vô lượng chúng sanh tạo ác nghiệp,
nên tội này nặng hơn tội Ác Luật Nghi. Kinh Bồ Tát Thiện Giới lại nói một cách
nghiêm trọng hơn: “Chiên đà la cùng với những kẻ đồ tể dù tạo ác nghiệp, nhưng
không thể phá hoại chánh pháp của Như Lai, nên không nhất quyết phải bị đọa
trong tam ác đạo. Nhưng làm thầy mà không răn dạy, quở trách đệ tử tệ ác, tức
là phá hoại Phật pháp, quyết phải đọa địa ngục”.
Kinh Niết Bàn
cũng nói: “Nếu tỳ kheo hiền thiện khi thấy người phá hoại Phật pháp mà bỏ qua,
không cử tội, không quở trách, không trị phạt, không tẫn xuất, người này là kẻ
oán tặc trong Phật pháp. Nếu quở trách, trị phạt, tẫn xuất, ấy tức là đệ tử của
Ta vậy”.
Theo các kinh đã
dẫn bên trên, chúng ta thấy bổn phận của một sư trưởng, nhất là trong Đại Thừa,
đối với quần chúng thuộc phần giáo hóa của mình, nếu thấy họ tạo tội, phải bảo
họ đúng như pháp, như luật, sám hối. Tuyệt đối không được thuận theo nhân tình,
để người tha hồ buông lung không nhắc nhở, để cho mình phải mang lấy tội lỗi
không thể dung thứ.
Phật tử bao gồm
thất chúng, địa vị bất đồng, nên việc cử tội, khuyên bảo sám hối cũng có sự
khác biệt rất lớn như trường hợp:
- Tỳ kheo tăng
có thể cử tội của thất chúng Phật tử.
- Tỳ kheo ni chỉ
được phép cử tội sáu chúng.
- Riêng đối với
tỳ kheo tăng, tỳ kheo ni không được phép cử tội. Nếu cử thì bị tội. Nhưng nếu
có sự quan hệ bà con hay quen biết thì có thể khuyên can mà không bị tội.
- Thức Xoa Ma Na
có thể cử tội năm chúng.
- Sa Di được
phép cử tội bốn chúng.
- Sa Di Ni chỉ
được phép cử tội ba chúng.
Còn hai chúng
tại gia chỉ được phép cử tội lẫn nhau, không được cử tội năm chúng xuất gia.
Tuy nhiên, nếu có quan hệ bà con quen biết, có thể khuyên gián riêng thì không
có tội.
Trong kinh Thiện
Sanh dạy: “Nếu Ưu Bà Tắc thấy bốn chúng khác hủy phạm giới pháp đã thọ, sanh
tâm kiêu mạn, nói mình hơn người, người không thể bằng mình, thì sẽ mắc tội
thất ý” (là tội do tâm ý phát sanh niệm kiêu mạn). Vì tâm kiêu mạn không phải
là tâm niệm cử tội mà là tâm niệm khinh người, cho nên không đúng pháp.
Chân thật vì
người cử tội, trong Luật Tứ Phần có dạy như sau:
1. Phải vào lúc
thích hợp, nghĩa là cử tội phải tùy thời, lúc không nên cử tội thì không được
cử tội (trường hợp người khác phạm tội bị trọng bệnh v.v... nếu cử tội vào lúc
ấy thì không thích hợp, không phải lúc).
2. Phải
thật sự có tội, nghĩa là khi cử tội người thì người ấy phải thật sự có lỗi,
không nên đem những tội không thật có mà tăng gia cho người.
3. Phải vì
lợi ích của người mà cử tội, nghĩa là khi cử tội người, phải thật sự muốn cho
người được lợi ích, không phải có tâm gây tổn giảm sự lợi ích của người.
4. Thái độ
của người cử tội, nghĩa là khi cử tội người phải thật sự muốn cho người được
lợi ích, không phải có tâm gây hấn, tổn giảm sự lợi ích của người.
5. Hoàn toàn
phát xuất từ tâm Từ Bi, vì thương xót người, không phải do tâm sân hận, làm
người khó chịu.
Khi cử tội, phải
khuyên bảo người sám hối, phải thực hành những điều trên thì mới hợp với tinh
thần của Phật pháp và có công đức rất lớn. Nếu do động lực không chính đáng mà
cử tội người thì không được gọi là đúng pháp. Đồng thời phải chú ý, lúc cử tội
người không nên ở trước mặt đại chúng, mà phải ở trước vị đại đức tăng, nói rõ
tội phạm của người, cầu thỉnh vị đại đức ấy bằng lòng cho người tội sám
hối.
Chúng sanh có
tội phải khuyên dạy sám hối là lẽ đương nhiên. Nhưng trường hợp nào, không
khuyên dạy người sám hối mà không phạm tội?
Điều này trong
luật Ma Ha Tăng Kỳ có dạy: “Nếu kẻ ấy là người hung bạo, hoặc nương thế lực của
quốc vương, của quan đại thần, hay của kẻ hung dữ, hoặc giả do việc cử tội này
mà gây lên sự tổn hại sanh mạng của người đang tu phạm hạnh. Gặp trường hợp
trên, bạn cần suy nghĩ như vầy: ‘Kẻ ấy tạo tội như thế thì chắc chắn phải mắc
quả báo, nhưng nếu ta cử tội, thì người ấy chẳng những không chịu tiếp thọ, mà
bản thân ta có thể tự rước lấy việc phiền phức không cần thiết. Giờ đây ta phải
cần giữ thân tâm cho thanh tịnh là tốt hơn. Chẳng hạn như người đang bị lửa
cháy đầu, lo tự cứu còn không kịp, có đâu lo cứu cho người khác’... Suy nghĩ
như thế nên không cử tội người thì không phạm tội khinh cấu”.
Trong giới Bất
Hành Oai Chiết (không dùng uy quyền để chiết phục người có tội) ở trong Du Già
Bồ Tát Giới Bổn có dạy năm điều sau đây:
1. Nếu biết rõ
người ấy là người hung ác, không thể cử tội, trị phạt. Hoặc biết tánh tình
người ấy ngang bướng, không thể nói chuyện với họ. Hoặc biết tánh tình người ấy
tuy có chút tâm hổ thẹn, nhưng thường phát ra lời thô ác, dù có cử tội cũng
không chịu nghe theo. Hoặc biết tánh tình người ấy ưa sân hận, nếu y theo giới
luật quở trách, trị phạt, chẳng những người ấy không tiếp thọ, trái lại còn
sanh tâm giận ghét. Do những nhân duyên nói trên, nên không cử tội, không quở
trách, không trị phạt, không tẫn xuất thì không phạm tội.
2. Nếu lúc ấy là
lúc không nên cử tội, quở trách, trị phạt, tẫn xuất mà phải đợi thời gian khác
sẽ thực hành cử tội. Trường hợp này không phạm tội.
3. Cử tội, quở
trách, trị phạt v.v... là cốt ý hy vọng người ấy sẽ trở thành người tốt, để
mong đại chúng được hòa vui thanh tịnh. Nếu ngược lại, vì sự quở trách này,
chẳng những không cải hóa được người mà còn phát sinh chuyện gây gổ, tranh chấp
kịch liệt. Do đó, sự không quở trách, trị phạt... sẽ không vi phạm giới.
4. Nên
biết vì sự quở trách, trị phạt... này sẽ làm cho chúng Tăng sanh ra việc tranh
luận ồn ào, tạp loạn, tập thể bị xáo trộn không thể cùng nhau an tu. Thậm chí
do đó mà sanh ra việc phá tăng. Trong trường hợp đó, không quở trách, trị phạt
thì không phạm tội.
5. Nếu
biết người ấy tính tình vốn chất trực, nhất thời lỡ lầm phạm giới luật, tự biết
sự lỗi lầm của mình mà sanh tâm rất hổ thẹn, thành tâm phát lồ sám hối, nguyện
từ đó về sau không tái phạm. Do đó, thâm tâm trở lại thanh tịnh như trước. Vì
thế, không cử tội, quở trách v.v... thì không phạm.
Ở đây nói
quở trách, trị phạt, tẫn xuất... tùy theo mức độ khinh, trọng của các tội đã
phạm mà phán định:
- Tội khinh thì
nên quở trách, tội vừa chừng thì nên trị phạt.
- Tội trọng thì
phải tẫn xuất, không được lầm lẫn giữa các mức độ phán định.
Đức Phật sở dĩ
đặc biệt chế định giới này để khỏi phát sinh hiện tượng nương theo việc làm ác
để phát triển thêm tội lỗi. Là Phật tử, cả xuất gia lẫn tại gia đều không nên
nương việc làm ác để tăng trưởng tội lỗi. Cho nên cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều
phải vâng giữ giới điều này, không được trái phạm.
Ở đây có một vấn
đề cần nói rõ:
Hai chúng xuất
gia có tăng sự và lợi dưỡng (tỳ kheo), thấy người phạm tội mà không khuyên bảo
sám hối, cố nhiên là phạm tội khinh cấu. Còn năm chúng kia, vốn không có việc
tăng sự, lợi dưỡng, vì sao phải vâng giữ giới điều này?
Nên biết trong
giới điều không luận có tăng sự lợi dưỡng hay không. Cốt yếu là thấy người khác
có tội mà không khuyên bảo sám hối thì phạm tội khinh cấu. Nhưng tội này chỉ là
giá tội mà thôi.
Nếu tự
mình có lỗi mà không cải hối cũng là chỗ kiêm chế của giới này, lại còn mắc
thêm tánh tội. Như thế chúng ta thấy rằng tự mình có tội cũng cần phải tha
thiết cải hối.
Kết thành tội
nghiệp của giới Bất Giáo Hối Tội này phải đủ bốn duyên:
1. Có tội: người
bị cử tội kia quả thật có tội.
2. Tưởng có tội:
người dạy bảo sám hối xác nhận đích thực người kia có tội.
3. Không có tâm
dạy sám hối tội: Duyên này gồm hai loại:
- Do có tâm sân
hận, không cử tội người, không dạy bảo sám hối. đối với người có tội, cứ mặc kệ
họ, không cần dạy bảo sám hối cho tâm được thanh tịnh. Đây là tội thuộc về tội
nhiễm ô phạm, tương ứng với phiền não.
- Do tính biếng
nhác, giải đãi, không chịu cử tội, khuyên bảo người sám hối. Đây là tội khinh,
không phải nhiễm ô phạm, vì không tương ứng với phiền não.
4. Yên lặng ở
chung: Thấy người có tội mà không cử tội, không dạy sám hối, vẫn ở chung là một
tội. Đồng thọ dụng lợi dưỡng là một tội nữa. Đồng làm Phật sự như bố tát, tụng
giới v.v... là thêm một tội nữa. Cứ như thế, tùy theo mỗi việc mà kết
tội.
Ở đây có điều
cần phải biết là thấy người có tội phải dạy bảo sám hối chính là bổn phận cần
thiết của kẻ làm thầy. Còn người được dạy bảo sám hối có tiếp thọ sự dạy bảo
hay không là thuộc về việc của người phạm tội. người làm thầy chỉ cần thể hiện
đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của mình mà thôi.