KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.17. Ỷ THẾ KHẤT CẦU GIỚI
(giới cậy thế
lực đi cầu pháp)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử tự vị ẩm thực, tiền tài...” cho đến câu: “phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử tự mình vì việc ăn uống, tiền của, lợi dưỡng, danh dự mà thân cận quốc vương, hoàng tử, cùng các quan, nương quyền cậy thế, bức người để lấy tiền của, lại bảo người khác cũng cầu lợi như vậy. Tất cả sự cầu lợi ấy gọi là ác cầu, đa cầu, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Khi có người
đến bạn cầu xin chánh pháp một cách hợp lý, nhưng bạn lại nói một cách điên
đảo, không đúng pháp, thành tội hủy báng. Đó là thuộc phạm vi giới vừa giảng ở
trước. Còn giới này là vì mong cầu lợi dưỡng cho mình, nương theo người có
quyền thế mà ác cầu, đa cầu không đúng pháp.
Là một Phật tử
đã thọ Bồ Tát giới, đáng lý ra mình phải đem tất cả những vật sở hữu của mình,
thậm chí hy sinh cả sinh mạng của mình để cứu giúp kẻ khác, không hề lẫn tiếc
mảy may. Nhờ vậy, kẻ đó không cảm thấy lo sợ, thiếu thốn về sự sinh sống. Như
vậy mới đúng theo tinh thần cần phải có của một vị Bồ Tát.
Nếu hiện tại,
chẳng những không thực hành như thế, lại còn nương vào những kẻ có địa vị, thế
lực, dùng thủ đoạn, bạo lực mà cưỡng đoạt tài vật của người, thì không xứng
đáng chút nào đối với tư cách vị Bồ Tát. Sự thật mà nói, những người thế gian
thông thường nếu có đôi chút khí khái, cương thường, còn không bao giờ dùng
những tài vật phi nghĩa, huống chi Bồ Tát lấy việc lợi tha làm cơ bổn.
Bồ Tát lấy sự từ
bi tế độ chúng sanh làm bản hoài, cho nên Đức Phật từ bi thấy rõ việc nương
quyền cậy thế này hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Bồ Tát, nên Ngài
đặc biệt chế lập giới điều này. Dù giới này không phải là giới trộm cắp, nhưng
có thể nói mức độ ngang với tội trộm cắp. Vì thế, đối với giới này phải hết sức
thận trọng lưu tâm.
Bồ Tát nhiếp hóa
chúng sanh, dù đôi khi không tránh khỏi sự bắt buộc phải dùng các phương pháp
chiết phục, nhưng mục đích là vì cảm hóa người, hoàn toàn không có ý định khủng
bố, dọa nạt người. Hiện thời nếu nương thế lực của người có địa vị, dùng các
thủ đoạn cực lực khủng bố và hách dịch với mọi người. Dù rằng người phải miễn
cưỡng khuất phục dưới thế lực của bạn, nhưng họ không bao giờ tiếp thọ sự giáo
hóa của bạn.
Nho thư Trung
Quốc có câu: “Dĩ lực phục nhân dã, phi tâm phục chi dã” (dùng thế lực bắt người
phục tùng, nhưng tâm họ sẽ không thực sự phục tùng) là ý này vậy.
Khi đã như thế,
vị Bồ Tát chẳng những không thể hóa độ chúng sanh mà trái lại làm cho tất cả
chúng sanh phải lánh xa. Bao nhiêu chúng sanh đáng độ đều mất hết thì đâu còn
xứng đáng được gọi là Bồ Tát?
Lại nữa, nương
nhờ cường lực để cầu xin tài vật của người, chẳng những làm não hại người rất
lớn, mà chính mình cũng bị nhọc công sức vô cùng. Tại sao vậy?
Vì tiền của, vật
dụng không phải chìa tay ra là được liền, mà phải vận dụng những thủ đoạn khác
nhau, tận dụng nhiều phương chước mới mong thu được chút ít. Vì tiền của mà
phải trường kỳ làm như thế thì bảo sao không mệt nhọc! Thế nên, đối với việc
làm này, chẳng những không lợi ích cho người mà còn tổn hại cho chính mình. Cho
nên, một vị Bồ Tát phải đặc biệt lưu tâm vấn đề này.
Nương cậy thế
lực của người để khất cầu tài vật cho nhiều, nhưng khi tiền của đã tích tụ
nhiều rồi, thì thử hỏi được lợi ích gì? Và có chắc rằng thọ dụng được nó hay
không?
Trong kinh Ngũ
Bách Vấn có kể một câu chuyện như sau:
Vào thời quá khứ
có một vị tỳ kheo thường đến nhà các Phật tử khất cầu tiền của, và tích lũy
được một số tiền lớn. Vì vị tỳ kheo ấy không tu hành, lại cũng không chịu vun
bồi phước nghiệp. Nghĩa là không dùng tiền của ấy để bố thí cho người. Sau khi
mạng chung, do nghiệp lực chiêu cảm, phải thọ ác báo làm một trái núi lạc đà
bằng thịt.
Núi ấy dài rộng
đến vài mươi dặm. Gặp năm mất mùa đói khát, nhân dân trong nước không có thức
ăn, nên ngày ngày họ xúm nhau đến núi Lạc Đà cắt thịt mang về ăn. Nếu thịt bị
cắt hết, liền sanh ra thịt khác như cũ. Vì thế dân trong nước ấy cắt ăn mãi
không hết. Về sau người ở nước khác thấy như vậy cũng đến núi ấy cắt thịt ăn,
thì bỗng nhiên quả núi bằng thịt cất tiếng la phản đối.
Dân chúng sợ hãi
hỏi: - Vì sao lâu nay chúng tôi thấy dân chúng ở nước này đến cắt thịt ăn không
hề chi. Còn chúng tôi làm như thế sao lại kêu la phản đối?
Núi thịt đáp
rằng: - Thời quá khứ, tôi vốn là người xuất gia tu hành, vì tham lam tiền của,
khất cầu của người quá nhiều mà không chịu đem ra bố thí. Vì tôi thiếu nợ của
nhân dân trong quốc gia này, nay vì trả nợ mà cảm thọ quả báo làm núi thịt này.
Đối với quý vị, tôi hoàn toàn không thiếu nợ, nên không được đến đây cắt thịt
của tôi.
Do nhân duyên
nói trên, Đức Phật dạy quý tỳ kheo rằng: “Tham lam là một họa hại rất lớn,
người Phật tử tu học Phật pháp cần phải xa lìa”.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu một vị Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, trước khi làm bất cứ sự
việc gì đều phải suy xét kỹ là vì mình, vì đại chúng, hay vì Phật pháp?” Nếu
như vì việc ăn uống, tiền của, lợi dưỡng, danh dự chính bản thân mình mà thân
cận quốc vương, hoàng tử cùng các quan thì không thể được.
Kinh văn nói “vì
mình” dù có rất nhiều thứ, nhưng thật ra không ngoài danh dự và lợi dưỡng. Cầu
danh, cầu lợi cho chính mình, đó gọi là “vì mình”.
Trong kinh văn
nói “quốc vương, hoàng tử v.v...” là chỉ những nhân vật có địa vị và thế lực.
Đức Phật dạy tỳ kheo xuất gia không được thân cận với quốc vương, hoàng tử
v.v... là chỉ những vị nói trên. Tuy nhiên không phải hoàn toàn cấm tuyệt,
chẳng hạn những trường hợp hoàn toàn không vì tâm vụ lợi mà chỉ vì chúng sanh,
hay đạo pháp mà quên mình.
Như Nam Dương
Trung là vị quốc sư, trải qua ba triều vua nhà Đường là Túc Tông, Đại Tông và
Đức Tông đều được cả ba vị vua này sùng phụng hết mức. Việc đó có gì là không
được?
Lại như trường
hợp của quốc sư Trừng Quán Thanh Lương, là người ở Hội Kê, sanh vào niên hiệu
Khai Nguyên dưới triều vua Huyền Tông nhà Đường. Trải qua chín triều đại, Ngài
làm thầy cho bảy vị quốc vương và viên tịch vào niên hiệu Khai Thành triều vua
Văn Tông nhà Đường.
Trường hợp của
ngài cũng không có gì là không được hợp đạo. Vấn đề là ở chỗ bạn vì mong cầu
danh lợi cho cá nhân mình hay vì hộ trì Phật pháp mà thân cận người có thế lực,
địa vị. Nếu vì hộ trì Phật pháp, muốn cho Phật pháp được lưu truyền, phổ biến
đến mọi người trong xã hội, mà bạn thân cận với quốc vương, hoàng tử, bá quan
thì sự kiện đó không thành vấn đề. Vì chẳng những không gây ảnh hưởng tai hại
nào mà còn đem sự lợi ích cho Phật pháp và nhân sanh rất lớn.
Tại sao vậy? Vì
dân chúng phần lớn đều bắt chước người bề trên, chủ yếu là quý vị quốc vương,
thái tử , đại thần v.v... Nếu các vị là người phụng hành Phật pháp thì quần
chúng ở dưới cũng tự nguyện cùng nhau tín phụng Phật pháp. Nhưng muốn cho quốc
vương, đại thần tín phụng Phật pháp, cần phải có những bậc đại đức cao tăng
thường tiếp xúc, thân cận với quý vị ấy để giảng nói chân lý Phật pháp và đem
chính bản thân mình cảm hóa các vị ấy. Thân cận với quốc vương, đại thần như
thế thì có lỗi gì đâu?
Giả sử không
thực hành như vậy, mà chỉ mong cầu danh lợi cho riêng mình, thì chẳng những
không lợi ích gì cho Phật pháp, mà càng không ích lợi gì cho quần chúng. Trường
hợp này Đức Phật hoàn toàn không chấp nhận.
Bản thân mình vì
mong cầu danh lợi mà thân cận quốc vương, đại thần v.v... cốt để nương cậy
quyền thế, sách nhiễu, đánh đập, bức bách, kéo lôi, lấy ngang tiền của người
khác. Nương cậy những người có địa vị thế lực để ra oai với những người không
địa vị thế lực, khiến cho họ phải miễn cưỡng đem tiền của nộp theo yêu sách của
mình, để tránh khỏi những sự rối ren không cần thiết.
Trong xã hội
hiện nay trường hợp này xảy ra rất nhiều. Những kẻ muốn cướp ngang tiền của
người khác, thường nương thế lực của quan chức địa phương, để có thể tước đoạt
tiền của người khác một cách dễ dàng. Thông thường, tâm lý người đời sở dĩ lo
lót tiền bạc cho những người có địa vị, chức tước, tựu trung nhằm vào hai
nguyên nhân chính:
1. E ngại rằng
nếu hiện tại không đút lót ít nhiều vàng bạc cho các người có thế lực, có thể
sau này sẽ bị họ đàn áp, bức bách, hay bị những phiền phức khác. Chi bằng hiện
tại đem chút ít tiền của biếu tặng, để được yên thân.
2. Dự phòng khi
có chuyện gì xảy ra, cần phải có sự giúp đỡ của những người có thế lực, nên
không ngần ngại xuất trước một số tiền mang đến biếu tặng. Những kẻ trục lợi
nắm bắt tâm lý này của thế nhân nên bất cứ lúc nào có việc cần quyên trợ, họ
đều có sẵn danh sách nêu rõ danh tánh những nhân vật có địa vị và thế
lực.
Người đời khi
phải làm như vậy còn cho là việc bất đắc dĩ, còn vị Bồ Tát lấy việc lợi sanh
làm bổn hoài, mà cũng hành động như vậy thì dứt khoát đây là việc làm hoàn toàn
không phù hợp với Phật pháp. Bạn thân cận với người có địa vị, thế lực để mưu
tính thu được tiền của theo ý muốn thì không có gì đáng nói, nhưng nếu người ta
không bằng lòng đút lót cho bạn, bạn liền sanh ra các thủ đoạn: hoặc dùng gậy,
cây đánh đập làm cho người phải bị đau đớn cùng tột; hoặc uy hiếp người khiến
người sợ sệt, hoặc dùng dây trói cột, lôi kéo, thị uy, bức bách, khiến người
phải mang tiền của ra dâng cho bạn. Hành động đoạt tài vật của người không hợp
tình lý như vậy, kinh văn gọi là “lấy ngang tiền của người”, tức là lấy của
người một cách phi nghĩa.
Tóm lại:
Dùng những thủ
đoạn không chính đáng, mưu tính đoạt lấy tiền của người khác là điều mà Phật tử
không nên làm, huống chi là vị Bồ Tát lấy việc lợi tha làm chủ yếu?
Tất cả sự cầu
lợi bất hợp tùnh lý như vậy đều gọi là ác cầu, đa cầu.
Thế nào ác cầu?
Là sống theo lối tà mạng.
Thế nào là đa
cầu? Là trong tâm không biết nhàm đủ.
Trong Du Già Bồ
Tát Giới Bổn nói: “Nếu chư Bồ Tát an trụ tịnh giới luật nghi của Bồ Tát, mà có
tâm ham muốn mãnh liệt, đối với danh dự, tài lợi hoặc sự cung kính đều tham
cầu, không biết nhàm chán và biết đủ, sanh tâm nhiễm trước không thể xả ly. Vì
không biết tri túc, quá nhiều ham muốn, ưa thích các thứ tài vật, gọi là tội ô
nhiễm trái phạm”.
Nói theo quan
điểm Phật pháp: người nhiều mong cầu, nhiều ham muốn thì có rất nhiều khổ não,
không có gì đáng vui. Cho nên trong kinh Di Giáo dạy: “Người nhiều ham muốn,
mong được nhiều tài lợi thì khổ não cũng nhiều”.
Trái lại: “Nếu
có người biết tri túc thiểu dục, tâm vẫn thản nhiên, không lo gì”.
Chẳng những
nương người có thế lực để khất cầu tài vật cho mình dứt khoát không được, mà
luôn cả việc vì chúng sanh khất cầu tài vật một cách phi pháp cũng nhất quyết
không được. Nhưng phải biết ở đây không phải nói là không vì chúng sanh khất
cầu tài vật trong mọi trường hợp, mà ý muốn nói là phải khất cầu cho đúng pháp,
và phải xem người mình đến khất cầu tiền tài có đủ khả năng cho hay không? Nếu
người ấy có đủ khả năng, thì bạn nên theo đúng pháp cầu xin, rồi đem bố thí cho
những chúng sanh không đầy đủ phương tiện cần dùng... Như thế thì không có gì
trái luật.
Hoặc khi thấy
chúng sanh bị đói khát, khổ sở, lòng từ bi của bạn bị xúc động, bạn muốn đi cầu
xin tài vật của người để cứu giúp những chúng sanh bị đói khát, giúp họ thoát
khỏi sự đau khổ này. Đấy là một đại thiện sự.
Nhưng khi đến
khất cầu, bạn phải dùng nhiều phương tiện thuyết pháp để thuyết phục thí chủ,
khiến họ bố thí với tâm hoan hỷ rộng rãi. Như thế mới đúng là lòng chân thật vì
chúng sanh đói khát mà đi khất cầu.
Nếu không thực
hành đúng như vậy, trái lại dùng thủ đoạn, oai quyền hách dịch, bắt buộc người
phải đem tiền của ra cứu giúp, điều đó nhất định không thể được.
Chẳng những
chính mình không được làm như vậy, mà ngay đến bảo người khác khất cầu tài lợi
như vậy cũng không được. Theo kinh văn, có hai trường hợp về sự bảo người khác
cầu tài lợi:
1. Bảo người
khác thay thế mình nương cậy những người có địa vị, thế lực đi khất cầu tài
lợi. Chẳng hạn nói với người đó rằng: “Bạn hãy vì tôi đến người ấy khất cầu tài
vật. Nếu người ấy ưng thuận thì thôi, bằng ngược lại, bạn cứ nói là quốc vương,
đại thần... sai bạn đến khất cầu tài vật, nếu họ không sẵn lòng cấp cho thì
chắc chắn quốc vương, đại thần... sẽ có chỗ bất mãn. Như thế sẽ gây nhiều bất
lợi cho họ”
2. Bảo người
nương cậy những người có địa vị, thế lực đi khất cầu tài vật cho họ. Như nói
với người ấy rằng: “Bạn đang cần tài vật chi, cứ đến người ấy mà khất cầu. Tôi
chắc người ấy sẽ sẵn lòng cấp cho bạn, vì người ấy rất sợ những kẻ có địa vị,
thế lực. Bạn chỉ cần nêu danh kẻ thế lực ấy ra, tức thời người ấy sẽ đưa ngay
cho bạn”.
Nếu người bị xúi
biểu làm như vậy thật, thì đương nhiên bạn không thể tránh khỏi tội lỗi. Nếu
không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận mà nương cậy với những người có địa vị,
thế lực, bức bách khất cầu tài vật của người. Đó là những hành vi không bao giờ
được có nơi vị Đại Sĩ, cho nên kinh văn kết thúc: “Phật tử này phạm khinh cấu
tội”.
Đáng lẽ Bồ Tát
phải nhất tâm quán sát rằng tất cả chúng sanh đồng như anh, chị, em, lục thân,
quyến thuộc của mình, cần phải tìm mọi phương cách giúp cho chúng sanh được đầy
đủ cơm ăn, áo mặc, sự sinh sống được yên vui, không lo sợ cảnh thiếu thốn.
Nhưng ngược lại, nếu Bồ Tát nương cậy những người có thế lực, thị oai bức bách
cướp đoạt tài vật của chúng sanh về cho mình. Như thế thử hỏi tâm từ bi của
người Phật tử ở chỗ nào?
Thật sự Bồ Tát
nên nhứt tâm quán sát tất cả chúng sanh như cha mẹ của mình, như sư trưởng của
mình. Đối với các ngài, phải đem hết khả năng của mình để cung kính, cúng dường
và thành tâm hầu hạ, phụng thờ. Nhưng trái lại, nếu nương cậy người có địa vị,
thế lực để tước đoạt lấy tài vật của các ngài, mang về để riêng mình thọ dụng,
khiến quý vị bần cùng khốn khổ, thậm chí, khởi tâm oán hận cùng tột. Như vậy,
thử hỏi tâm hiếu thuận của người Phật tử ở chỗ nào? Nhất là vị Bồ Tát xuất gia,
sự sinh sống hằng ngày phải tùy duyên thọ dụng, phải tuân thủ đúng theo pháp,
theo luật, thực hiện lối sống theo chánh mạng, đạm bạc và tri túc, chuyên lo tu
hành, không nên nương cậy vào quyền thế của các quốc vương, đại thần khuyến
hóa, quyên trợ.
Hoặc dù không
nương cậy oai lực của người khác, nhưng lại bức bách người để lấy tài vật, hoặc
dù không có tâm bức bách người lấy tài vật, nhưng nương cậy oai lực của người
mà được tài vật, hoặc dù mình không được tài vật, nhưng vì đã có tâm mong cầu
tài vật như thế, nên không hợp pháp và đều là những hành vi mà Bồ Tát không nên
có.
Giới này Đại
Thừa, Tiểu Thừa đều cấm, thất chúng Phật tử đồng tuân giữ, không dành một biệt
lệ khai mở cho bất cứ trường hợp nào. Nhưng theo Du Già Bồ Tát Giới Bổn thì
giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa có điểm khác nhau:
Hành giả Thanh
Văn vì chí hướng chỉ lấy sự tự lợi, hạnh cầu giải thoát làm mục đích, nên dù
không phải hoàn toàn không lợi tha, nhưng đó chỉ là tùy duyên, tùy phần đối với
việc lợi tha mà thôi, chứ không phát tâm lợi tha cứu độ tất cả chúng sanh. Vì
vậy, quý ngài đối với việc lợi tha không hoạt động tích cực, chỉ an trụ hạnh vô
sự thanh tịnh và không hy vọng một điều gì.
Bồ Tát trái lại,
lấy hạnh lợi tha làm chủ đích, không được an trụ nơi hạnh vô sự thanh tịnh,
phải tích cực với việc độ sanh, thấy chúng sanh thiếu thốn bất cứ thứ gì, nếu
mình sẵn có phải liền đem ra trợ giúp cho chúng sanh. Nếu không sẵn có thì phải
khuyến hóa những người tài nguyên dồi dào, đem ra bố thí trợ giúp cho chúng
sanh. Làm được như thế mới thành tựu công đức vĩ đại và cũng làm tròn bổn phận
của một vị Bồ Tát.