TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC
Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo
A
A Dục (A Dục vương
– Asoka): cũng gọi là Thiên Ái Hỉ Kiến vương (Devanampriya priyadrasi –
có sách viết nhầm chữ “hỉ” [喜] thành chữ “thiện” [善], vì trong chữ Hán,
tự dạng của hai chữ này giống nhau), là vua của nước Ma-kiệt-đà, đời thứ ba của vương triều Khổng-tước (Maurya – khoảng 317-180 tr. TL). Hồi thời Phật tại thế, vua A Xà Thế của nước Ma-kiệt-đà thuộc vương triều Tây-tô-nạp-gia (Saisunaga). Sau vương triều này là vương triều Nan-đà (Nanda), và kế đó là vương triều Khổng-tước. Vua đầu của vương triều Khổng-tước, tức ông nội của vua A Dục, là Chiên Đà La Cấp Đa (Candragupta); vua kế tiếp, tức cha của vua A Dục, là Tân Đầu Sa La (Bindhusara). Mẹ của vua A Dục là con gái của một gia đình Bà-la-môn ở kinh thành Chiêm-ba (Campa) của nước Ương-già (Anga), là nước láng giềng
ở phía Đông của nước Ma-kiệt-đà. Hoàng tử A Dục, tính tình đã rất bạo ác từ thuở nhỏ, cho nên không được vua cha cưng quí; mà các anh em cũng không ưa. Khi lớn lên, gặp lúc nước Đức-xoa-thi-la (Taksasila, một thuộc
địa ở miền Bắc-Ấn của nước Ma-kiệt-đà) phản loạn, vua cha sai ông đem quân đi chinh phạt. Ý của vua là muốn cho ông bị chết trận; nhưng ông lại thắng trận vẻ vang, dẹp yên giặc loạn, uy thế chấn động triều đình. Đây cũng lại là lí do tốt để vua Tân Đầu Sa La đẩy ông đi ra xa triều đình, bèn bổ nhiệm ông làm thái thú cai trị xứ Đức-xoa-thi-la. Sau khi vua Tân Đầu Sa La băng, các hoàng tử tranh giành nhau làm vua, cuối cùng, A Dục đã giết hết các anh em chống đối ông (chỉ những ai thuận theo ông mới được sống sót), tự lên ngôi vua, trở thành vị vua đời thứ ba của vương triều Khổng-tước.
Lúc vua A Dục lên ngôi thì nước Ma-kiệt-đà đã thống nhất các vùng Trung, Tây, Đông và Bắc Ấn-độ, kinh đô
của chính quyền trung ương đặt tại thành Ba-liên-phất (Pataliputra - tức nay là thành phố Patna).
Khi đã lên ngôi, tính tình ông vẫn hung bạo, hiếu chiến, hiếu sát; cho nên người ta đã gọi ông là Chiên Đà A Dục
vương (Candasoka - tức là vua A Dục bạo ác). Ông vẫn nuôi mộng thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Ấn-độ, cho nên, năm thứ 9 sau ngày lên ngôi, ông đã cử đại binh tiến về phương Nam, chinh phục nước Yết-lăng-già (Kalinga), một đại cường quốc của miền Nam-Ấn. Nhà vua đại thắng, và thống nhất toàn thể xứ Ấn-độ, – gồm luôn cả hai nước Pakistan (Tây-Hồi) và Bangladesh (Đông-Hồi) ngày nay – trở thành một vị vua hùng mạnh nhất chưa từng có trước đó trong lịch sử Ấn-độ. Nhưng vì Yết-lăng-già là một đại cường quốc, binh hùng tướng mạnh rất nhiều, làm cho cuộc chinh phạt của vua A Dục rất khó khăn, vất vả; cho nên, sau khi cuộc chiến kết liễu, kiểm điểm lại, số tử vong của cả hai bên, kể cả thường dân vô tội,
không biết bao nhiêu mà kể! Nhà vua bỗng thấy xúc động về những nỗi bi thảm ấy, và ân hận vô cùng! Để sám hối tội lỗi cuồng sát của mình từ bao
năm qua, nhà vua quyết chí tín phụng Phật pháp. Thực ra, từ năm thứ 3 sau khi lên ngôi, nhà vua đã qui y theo Phật giáo, nhưng hồi đó lòng vẫn
còn hờ hững, đức tin chưa được thâm sâu. Giờ đây, nhờ duyên lành gặp được các vị cao tăng như tì kheo Hải (Samudra) và Ni Cù Đà (Nigrodha) giáo hóa, nhà vua tỉnh ngộ và thành khẩn phát nguyện hộ trì Phật pháp. Trong một sắc lệnh ban bố cho toàn dân, nhà vua có nói rõ tâm thành của mình: “Vua Thiên Ái Hỉ Kiến, năm thứ 9 sau ngày lên ngôi, đã chinh phạt nước Yết-lăng-già, bắt sống mười lăm vạn người, giết hại mười vạn người,
và số người chết về tật dịch, đói khát nhiều gấp bội. Nay hồi tưởng lại
những sự giết hại, bắt bớ ở Yết-lăng-già, Thiên Ái rất đau lòng và hối hận. Thiên Ái nguyện nhiệt tâm hộ trì Phật pháp để truyền bá khắp nơi.”
Lòng
tin Phật của nhà vua ngày càng kiên cố. Ông thấy rõ, sự chiến thắng bằng binh đao chỉ đem lại tang tóc và đau khổ; còn chiến thắng bằng Phật
pháp mới đem lại an vui, hạnh phúc cho muôn dân. Bởi vậy, hoàn toàn trái ngược với trước kia, nhà vua giờ đây chán ghét chiến tranh, từ bỏ binh đao, sửa lại cách cai trị, lấy tình thương và hiểu biết thay cho quyền uy trấn áp bạo ngược. Từ năm thứ 12 trở đi, ông đã ban hành nhiều sắc lệnh chấn hưng Phật giáo, đem tinh thần Phật giáo áp dụng vào đời sống chính trị, văn hóa, đạo đức, giáo dục, v.v...; Phật giáo trở thành quốc giáo của đế quốc Ấn-độ thời bấy giờ.
Tất cả những sắc lệnh do nhà vua ban hành đều thấm nhuần tinh thần từ bi, trí tuệ, bình đẳng, tinh tấn, v.v... của Phật pháp, cho nên từ đó ông lại được người ta đổi tên gọi lại là Chánh Pháp A Dục vương (Dharmasoka); và các nhà Phật học đã gọi những sắc lệnh đó là “pháp sắc” (dharma-dipi). Những pháp sắc này
đã được nhà vua cho khắc lên những phiến đá (gọi là “ma nhai pháp sắc”), hoặc những trụ đá (gọi là “thạch trụ pháp sắc”), đem đặt khắp nơi, từ các trung tâm thành thị cho đến các vùng biên địa hẻo lánh; mục đích là đem tín ngưỡng Phật giáo thuần hóa nhân dân. Nội dung của những pháp sắc này cho thấy, chính nhà vua đã ban hành lệnh đặc xá tù nhân đến
26 lần; cùng các lệnh về cấm sát sinh, thực hành bố thí, trồng cây và đào giếng dọc hai bên đường, lập bệnh xá và trồng cây dược thảo để chữa bệnh cho nhân dân, lập dưỡng đường để nuôi người tàn tật, già yếu. Nhà vua cũng ban lệnh rằng, cứ năm năm một lần, quan và dân phải tụ tập để cử hành đại hội “vô già” để hưng long Phật pháp; làm các điều lợi lạc, an hòa, hạnh phúc cho nhân dân; phải cúng dường các sa môn, bà la môn. Nhà vua cũng khuyến khích tôn trọng tự do tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo tôn trọng lẫn nhau, tránh các cuộc tranh chấp về tôn giáo; cấm chỉ các hình thức nghi lễ mang tính chất hư ngụy, dối gạt người, trái với đạo đức; tôn kính cha mẹ, các bậc sư trưởng, các bậc kì lão, hòa mục với
họ hàng, bè bạn; thương yêu người tàn tật, đối xử tử tế với nô lệ, tôi tớ; tôn trọng mạng sống các loài vật; tránh tất cả những việc xa hoa, bạo ác, phóng đãng; mọi người phải khuyến khích nhau làm điều thiện.
Nhà
vua thường cung thỉnh các bậc cao tăng đại đức vào cung để được cúng dường, nghe pháp và hỏi đạo. Ông đã phế bỏ mọi cuộc yến tiệc phù phiếm ở
cung đình, tự mình dứt bỏ thú vui săn bắn – là cái tập quán vui chơi của các vua chúa đời trước; thay vào đó, ông đã đi khắp nơi để chiêm bái
Phật tích, như thành Ca-tì-la-vệ, vườn Lâm-tì-ni, thôn Ưu-lâu-tần-loa, Bồ-đề đạo tràng, vườn Nai, tinh xá Kì-viên, rừng Ta-la song-thọ v.v..., nơi nào cũng xây tháp cúng dường và dựng bia đá ghi dấu. Ông cũng đã cho
xây dựng chùa tháp khắp nơi – sử sách ghi chép có đến 8 vạn 4 ngàn ngôi.
Ngoài ra, Phật giáo Nam-truyền còn ghi lại một Phật sự vô cùng quan trọng của vua A Dục đối với việc bảo tồn chánh pháp, đó là cuộc kết
tập kinh điển kì ba, do tôn giả Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (xem mục “Mục Kiền Liên Đế Tu”) chủ trì, được cử hành tại kinh đô Hoa-thị (tức thành Ba-liên-phất – Pataliputra), vào năm thứ 17 sau ngày nhà vua tức vị. Nội
dung cuộc kết tập này gồm đủ ba tạng Kinh, Luật và Luận, đã hoàn tất sau 9 tháng. Sau đó nhà vua cũng đã ủy thác cho tôn giả Mục Kiền Liên Tử
Đế Tu, phái các vị tì kheo cao đức thạc học, chia ra đi khắp bốn phương
để truyền bá giáo pháp, không những tới những vùng biên địa của lãnh thổ Ấn-độ, mà còn đến các quốc gia xa xôi như A-phú-hãn, Syria, Hi-lạp, Ai-cập, Macedonia v.v... trong vùng Trung-Á và Địa-trung-hải; Nepal, Aparantaka và các nước ở phía Bắc dọc Tuyết-sơn; Miến-điện ở phía Đông; và đảo quốc Tích-lan ở phía Nam. Đặc biệt, vị cao tăng đi Tích-lan là Ma
Thẩn Đà (Mahinda), chính là hoàng tử con của nhà vua, đã có nhiều công lao xây dựng nền móng vững chắc cho Phật giáo Nam-truyền ở Tích-lan.
Khi
tuổi về già, nhà vua chỉ chuyên việc tu trì, giao phó tất cả công việc triều chính cho hoàng tộc và các quan đại thần lo liệu. Nhưng cũng có việc bi thảm xảy ra cho nhà vua ở cuối đời: Theo sách A Dục Vương Truyện, hoàng hậu của vua là bà Đế Sa La Xoa (Tassarakkha), muốn tư thông với hoàng tử Câu Na La (Kunala), bị hoàng tử cự tuyệt, bà bèn cho người móc mắt hoàng tử. Nhà vua biết được, quá tức giận, đã xử phạt bà bằng cách thiêu sống. Nhà vua tại vị 42 năm (268-226 tr. TL). – Theo Phật giáo Nam-truyền thì nhà vua tại vị 37 năm.
A-la-hán (Arhat): là quả vị chứng đắc cao nhất của Thanh-văn thừa, có ba ý nghĩa: 1) Tận diệt giặc phiền não (sát tặc); 2) Đoạn trừ sạch mọi kiến tư hoặc trong ba cõi, đạo cao đức trọng, xứng đáng nhận sự cúng dường của người và trời (ứng cúng); 3) Vĩnh viễn trụ nơi cảnh giới niết bàn, chấm dứt sinh tử (bất sinh). Thật ra, từ “A-la-hán” được dùng một cách rộng rãi cho cả đại và tiểu thừa, cho nên nó còn là một trong mười hiệu của Phật (tức hiệu “Ứng Cúng”), đức Phật có lúc cũng được xưng là bậc Đại A-la-hán; nhưng thông thường người ta chuyên dùng nó để chỉ cho quả vị tối cao của tiểu thừa mà thôi.
A-lại-da duyên khởi. Thức a-lại-da là cái kho chứa khổng lồ, chứa chủng tử của vạn pháp trong vũ trụ, là chỗ y cứ căn bản của mọi loài. Theo giáo lí Duy Thức của tông Pháp Tướng, tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do chủng tử được chứa giữ trong thức a-lại-da này mà hiện hành, đó gọi là “chủng tử sinh hiện hành”; trong khi chủng tử vừa phát sinh ra hiện hành, thì cùng lúc đó, pháp hiện hành này cũng huân tập chủng tử mới vào trong thức a-lại-da, đó gọi là “hiện hành huân chủng tử”. Như vậy, 3 pháp: chủng tử vốn có, hiện hành và chủng tử mới được huân tập, cứ sinh ra nhau, làm nhân quả cho nhau, mà có mối quan hệ “chủng tử sinh hiện hành, hiện hành huân chủng tử...”, nối tiếp mãi không bao giờ bị đứt đoạn, đó gọi là “a-lại-da duyên khởi”.
A-lan-nhã
(aranya): có nghĩa là nơi núi rừng hoang giã, nơi vắng vẻ yên tịnh, là tiếng gọi chung những nơi thích hợp cho chư vị tì kheo cư trú, như chùa,
viện, tinh xá, tòng lâm v.v...
A Nan hay A Nan Đà (Ananda): là một trong mười vị đệ tử lớn (thập đại đệ tử) của Phật. Tôn giả là em ruột của đại đức Đề Bà Đạt Đa (Devadatta); cả hai đều là con của thân vương Bạch Phạn (Suklodana – em ruột vua Tịnh Phạn); và như thế, họ đều là em con chú con bác của đức Phật. Tôn giả theo Phật xuất gia vào năm thứ ba sau ngày Phật thành đạo; lúc đó tôn giả 18 tuổi. (Niên đại này là
theo sách Đường Xưa Mây Trắng của hòa thượng Nhất Hạnh. Truyền thuyết cũ nói rằng, tôn giả A Nan đã sinh ra trong đêm đức Phật thành đạo, và xuất gia năm 25 tuổi. Nếu vậy, phải sau 25 năm đức Phật thành đạo thì tôn giả mới xuất gia; điều này không phù hợp với kinh điển. Mặt khác, tôn giả cùng với các vị vương tử khác đã theo Phật xuất gia vào năm thứ ba sau ngày Phật thành đạo, đó là sự kiện được ghi trong kinh điển; vậy,
nếu nói rằng tôn giả ra đời trong đêm đức Phật thành đạo thì hóa ra, khi xuất gia, tôn giả mới có 3 tuổi, đó là chuyện hoàn toàn vô lí. Chứng
tỏ, truyền thuyết cũ đã sai lầm, khó tin tưởng.) Năm đức Phật 55 tuổi, tôn giả được tăng đoàn đề cử làm thị giả thường xuyên để hầu hạ đức Phật. Trong tăng đoàn, tôn giả là người đẹp trai và thông minh nhất, học
một biết mười, nghe đâu nhớ đó, và nhớ kĩ, nhớ lâu. Phật đi đâu, nói pháp gì, tôn giả đều có mặt. Bởi vậy trong tăng đoàn, tôn giả là người đã “nghe được nhiều nhất”, và được mọi người cùng tôn xưng là bậc “đa văn đệ nhất”. Với nhiệm vụ thị giả, tôn giả đã hầu hạ, săn sóc đức Phật tận tâm tận lực, từ việc lớn đến việc nhỏ đều chu toàn trọn vẹn, không sơ suất, không lỗi lầm. Đối với mọi người thì tôn giả hết sức khiêm cung, lịch sự, hòa nhã, thân ái. Cũng nhờ nhiệt tình của tôn giả mà đức Thế Tôn đã cho phép nữ giới xuất gia, và giáo đoàn Tì-kheo-ni đã được thành lập. Bởi vậy, ni chúng đã tôn thờ tôn giả là vị cao tổ của họ. Tuy
thông minh, nghe nhiều, và đức độ như vậy, nhưng tôn giả lại là người chứng ngộ chậm nhất đối với chư huynh đệ cùng thời trong tăng đoàn. Mãi đến ba tháng sau ngày Phật nhập diệt, ngay buổi tối trước ngày khai mạc đại hội kết tập kinh điển lần đầu, nhờ sự “đánh thức” của tôn giả Đại Ca
Diếp (Maha-kasyapa), tôn giả mới chứng quả A-la-hán! Với sự kiện này, tôn giả đã được chấp thuận cho tham dự đại hội kết tập (gồm 500 vị A-la-hán), và đã được toàn thể thánh chúng cung thỉnh lên pháp tòa để đọc tụng lại toàn bộ những lời dạy của đức Phật trong suốt 45 năm qua, làm thành tạng Kinh trong Ba Tạng giáo điển Phật giáo. Khi tuổi thọ xấp xỉ 80, tôn giả đã được tôn giả Đại Ca Diếp (trên 100 tuổi) truyền tâm pháp và ủy thác trọng trách lãnh đạo giáo đoàn. Đến năm 120 tuổi, tôn giả lại truyền tâm pháp và giao phó trách nhiệm lãnh đạo giáo đoàn cho đệ tử là tôn giả Thương Na Hòa Tu (Sanavasin); rồi nhập niết bàn.
A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề (anuttara-samyaksambodhi), người Hoa dịch nghĩa là “vô thượng chánh đẳng chánh giác” (quả giác ngộ cùng tột không gì hơn), đó là quả vị Phật.
A-tăng-kì (asamkhya): nói tắt là “tăng-kì”, là số đếm của người Ấn, dịch ra Hán ngữ là vô số, hay vô ương số, có nghĩa là con số rất nhiều, rất lớn, không thể đếm xuể. Nếu lấy một vạn vạn tính làm một ức, một vạn ức tính làm một triệu, thì một a- tăng-kì bằng một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu.
A-tì-đạt-ma: là dịch âm từ tiếng Phạn “abhi-dharma”, tiếng Trung-quốc dịch ý là vô tỉ pháp (pháp không thể so sánh), thắng pháp (pháp hơn hết), đại pháp (pháp lớn nhất), đối pháp (làm rõ nghĩa giáo pháp), hay LUẬN (tức là tạng Luận, một trong Ba Tạng). “Luận” là đem những yếu nghĩa ẩn chứa trong kinh điển ra mà giải thích, giảng giải, phân biệt, chỉnh lí, hệ thống hóa, làm cho ý nghĩa sâu xa của kinh giáo được bày tỏ rõ ràng. Tạng Luận được thành lập khoảng vài trăm năm trước và sau kỉ nguyên Tây lịch. Đầu tiên nó chỉ đơn giản là qui nạp một số danh từ Phật học, rồi dần dần trở thành một hình thức giải thích. Sau đó, các bộ phái có chủ lực hùng hậu đều tạo nên các bộ luận thuyết để xiển dương giáo nghĩa của bộ phái mình, làm thành một nền triết học Phật giáo vô cùng phong phú.
A-tu-la. A-tu-la, hay A-tô-la, hoặc A-tu-luân, là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “Asura”; dịch ra Hán ngữ là “phi thiên”, “bất tửu”, “bất đoan chánh”, v.v... A-tu-la nguyên là một trong các loại quỉ thần của Ấn-độ thời tối cổ, hay chiến đấu, cho nên thường được coi là một loại ác thần. Trong Phật giáo, A-tu-la là một trong sáu loài hữu tình thuộc trong ba cõi. Thế giới của loài A-tu-la được gọi là “A-tu-la đạo” hay “A-tu-la thú”, là một trong sáu nẻo luân hồi. Phước báo của loài A-tu-la thù thắng hơn loài Người, nhưng không bằng loài Trời. Tùy theo nghiệp lực dẫn dắt mà A-tu-la thọ sinh bằng bốn cách: 1. Nếu loài Quỉ mà có tâm hộ pháp, sẽ có chút ít thần thông, nương vào đó mà đi vào không trung. Đó là loại A-tu-la từ trứng mà sinh ra (gọi là “noãn sinh”), thuộc về Quỉ đạo. 2. Nếu loài Trời mà thất đức bị đọa, thì sẽ sinh vào những nơi gần mặt trời mặt trăng. Đó là loại A-tu-la sinh ra từ bào thai (gọi là “thai sinh”), thuộc về Nhân đạo. 3. Loại A-tu-la kém cỏi nhất thường ở nơi các hố nước, buổi sáng ở trên hư không, tối về ngủ dưới nước. Đó là loại A-tu-la sinh ra từ nơi ẩm thấp (gọi là “thấp sinh”), thuộc về Súc-sinh đạo. 4. Có loại A-tu-la gìn giữ thế giới, thế lực rất lớn, không sợ sệt ai, thường tranh quyền với các trời Phạm Vương, Đế Thích, hay Tứ Vương. Loại A-tu-la này nhân biến hóa mà có (gọi là “hóa sinh”), thuộc về Thiên đạo. Ba nghiệp nhân chính để thọ sinh vào loài A-tu-la là sân hận, kiêu mạn và nghi hoặc.
A Tư Đà (Asita): là người nước A-bàn-đề (Avanti), thuộc miền Tây Ấn-độ, là một trong mười sáu nước lớn ở Ấn-độ thời Phật tại thế. Ông là một đạo sĩ Bà-la-môn, vừa có học lực uyên bác, vừa chứng đắc 5 phép thần thông. Ông lại là cậu ruột của tôn giả Ca Chiên Diên (Katyayana), một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật. Khi nghe tin thái tử Tất Đạt Đa vừa đản sinh tại thành Ca-tì-la-vệ, ông tức khắc đến nơi xin yết kiến và xem tướng cho thái tử. Ông tiên đoán một cách quả quyết rằng, sau này thái tử lớn lên, nếu ở tại gia thì sẽ trở thành vị Chuyển luân thánh vương, thống trị cả bốn phương thiên hạ; nhưng chắc chắn là Ngài sẽ xuất gia tu hành, thành bậc Chánh Giác, chuyển pháp luân vô thượng vi diệu, cứu độ muôn loài chúng sinh. Ông tự biết mình đã quá già, không còn sống bao lâu để mong được Ngài cứu độ, nên khóc lóc thảm thiết, rồi cáo biệt ra về với lòng đau buồn tủi hận cùng cực. Trước khi từ trần, ông dặn dò người cháu Ca Chiên Diên, phải chờ đợi cho đến khi thái tử Tất Đạt Đa thành bậc Đại Giác thì xin theo Ngài xuất gia học đạo. Về sau, ngài Ca Chiên Diên đã trở thành một trong số 10 vị đệ tử lớn của đức Phật.
A-xà-lê
(acarya): dịch ý là bậc thầy mô phạm, thầy chánh hạnh, thầy giáo thọ, tự mình làm khuôn mẫu cho đệ tử, và dạy dỗ, hướng dẫn đệ tử trở thành những người có hành vi đoan chính. Như vậy, từ thích hợp nhất để dịch chữ a-xà-lê là “đạo sư”.
Vào thời cổ Ấn-độ, từ a-xà-lê vốn được dùng trong Bà-la-môn giáo, để chỉ cho vị thầy chuyên dạy đệ tử những nghi thức, qui tắc liên quan đến việc cúng tế theo truyền thống Phệ-đà. Sau đó, danh từ này cũng được Phật giáo sử dụng, và đã rất phổ biến ngay từ thời Phật còn tại thế.
Theo Luật tạng, a-xà-lê gồm có 5 loại:
1) Xuất gia a-xà-lê: Một người Phật tử được chính thức chấp nhận cho xuất gia, trước hết là phải thọ 10 giới sa-di. Vị thầy trao truyền 10 giới trong lễ thọ giới đó, được gọi là Xuất gia A-xà-lê, hay Thọ giới A-xà-lê.
2) Thọ giới a-xà-lê: Khi đủ các điều kiện qui định, vị sa di
được phép thọ cụ túc giới để trở thành một vị tì kheo. Vị thầy trao truyền giới cụ túc trong lễ thọ giới đó, được gọi là Thọ giới A-xà-lê, hay Yết-ma A-xà-lê.
3) Giáo thọ a-xà-lê: Trong lễ thọ giới cụ túc, vị
thầy trao truyền các phép oai nghi cho giới tử, được gọi là Giáo thọ A-xà-lê, hay Oai nghi A-xà-lê.
4) Thọ kinh a-xà-lê: Vị thầy dạy cho cách thức đọc tụng cũng như nghĩa lí của kinh điển, gọi là Thọ kinh A-xà-lê.
5)
Y chỉ a-xà-lê: Vị cao tăng thường ở chung với chúng tì kheo để thường xuyên chỉ bảo, nhắc nhở cho tăng chúng trong mọi hành vi cử chỉ, những lúc đi đứng ngồi nằm v.v..., gọi là Y chỉ A-xà-lê. Lại nữa, vị cao tăng được một vị tì kheo xin nương theo để tu học, dù chỉ một ngày đêm, cũng được gọi là Y chỉ A-xà-lê.
Ngoài 5 loại a-xà-lê như trên, có chỗ còn thêm một loại nữa, đó là vị thầy xuống tóc cho người Phật tử trong lễ xuất gia, được gọi là Thế phát A-xà-lê; thành ra có 6 loại a-xà-lê.
Trong
Mật giáo, từ a-xà-lê được dùng để chỉ cho vị pháp sư đã thông đạt về mạn-đà-la cùng tất cả Chư Tôn, chân ngôn, thủ ấn, truyền pháp quán đảnh,
v.v... thuộc về Mật giáo. A-xà-lê chính là vị đạo sư đầy đủ khả năng và
đạo hạnh để truyền thọ cho người tín đồ Mật giáo những phương pháp tu tập thích hợp và hữu hiệu thực sự để tiến đến giải thoát, không phải bằng sách vở mà bằng sự hướng dẫn riêng biệt, trực tiếp. Không có sự truyền thọ của vị a-xà-lê thì không thể trở thành tín đồ Mật giáo; bởi vậy, vị a-xà-lê luôn luôn được tín đồ phục tùng tuyệt đối, coi như Phật,
vì chỉ có vị đó mới có thể diễn dịch được những bí yếu, những huyền nghĩa đích thực của giáo lí. Trong ý nghĩa đó, những vị a-xà-lê trong Mật giáo có lúc cũng được người ta xưng là thượng sư, hoặc kim cương thượng sư, hoặc đại a-xà-lê.
Theo Kinh Đại Nhật, một vị a-xà-lê Mật giáo phải gồm đủ 13 đức tính: 1) phát tâm bồ đề; 2) đầy đủ trí tuệ và từ
bi; 3) thống hợp được mọi người; 4) tu tập có hiệu quả về trí tuệ bát nhã; 5) thông đạt cả ba thừa; 6) hiểu rõ ý nghĩa chân thật của chân ngôn; 7) biết rõ tâm tính của mọi người; 8) tin tưởng vững chắc vào chư Phật và Bồ-tát; 9) được truyền thọ phép quán đảnh và thông hiểu đồ hình mạn-đà-la; 10) điều phục tính tình cho thật nhu thuận, diệt bỏ ngã chấp;
11) đối với chân ngôn, hành thiện, tự mình có quyết định (tức là có khả
năng và quyền lực tuyệt đối trong mọi Phật sự thuộc Mật giáo); 12) nghiên cứu và thực tập Du Già; 13) luôn luôn an trú trong tâm bồ đề mạnh
mẽ.
Người tín đồ được phụng sự một vị a-xà-lê như vậy thì sẽ có được
phúc báo rất lớn; cho nên vị a-xà-lê đó cũng được gọi là “a-xà-lê điền”
(ruộng phước a-xà-lê – một trong 8 loại phước điền).
A Xà Thế (Ajatasatru): là thái tử con vua Tần Bà Ta La (Bimbisara) và hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi), trị vì vương quốc Ma-kiệt-đà (miền Trung Ấn-độ) thời Phật tại thế. Khi hoàng hậu Vi Đề Hi mang thai ông, có một hôm bà cảm thấy rất thèm nuốt vài giọt máu trong ngón tay của nhà vua. Nhà vua bèn lấy dao cứa một đường trên ngón tay cho bà nút máu. Các nhà chiêm tinh trong triều thấy vậy bèn nói rằng, người con này về sau sẽ là kẻ thù của cha. Vì vậy mà đặt tên là A Xà Thế (dịch ra Hán ngữ là “Vị Sinh Oán”, nghĩa là kẻ thù từ khi chưa sinh). Khi đã trưởng thành, ông được lập làm thái tử. Ông kết thân và hết lòng ủng hộ đại đức Đề Bà Đạt Đa. Lúc bấy giờ đại đức Đề Bà Đạt Đa đang âm mưu hại Phật để giành quyền lãnh đạo giáo đoàn; còn ông thì âm mưu giết cha để sớm lên ngôi vua. Bởi vậy, đại đức Đề Bà Đạt Đa đã bày mưu kế cho ông giết cha; đáp lại, ông cũng giúp phương tiện cho Đề Bà Đạt Đa để vừa chia rẽ tăng đoàn, vừa hãm hại tính mạng của Phật. Âm mưu giết vua cha của ông bị bại lộ, nhưng nhà vua vẫn thương con, đã không xử phạt, lại nhường ngôi cho, vì biết ông đang rất muốn làm vua. Vậy mà, sau khi lên ngôi, ông liền bắt vua Tần Bà Ta La giam vào ngục, bỏ đói cho đến chết. Do quả báo đó, sau khi lên ngôi, ông bị bệnh nặng, cả Đề Bà Đạt Đa và bao nhiêu đạo sĩ Bà-la-môn đều không giúp gì cho ông được. Sau cùng, với sự tận tình giúp đỡ của y sĩ Kì Bà (Jivaka, người em cùng cha khác mẹ của ông), ông đã quay về nương tựa Phật. Ông được hóa độ, dần dần khỏi bệnh. Ông hết lòng sám hối tội lỗi. Từ đó ông xa lánh hẳn Đề Bà Đạt Đa, thành tâm tín phụng và tu tập theo Phật, trở thành một vị hộ pháp đắc lực không khác gì vua cha thuở trước. Ông lên ngôi được 8 năm thì đức Phật nhập diệt. Ông cũng được chia xá lợi của đức Phật, đem về xây tháp phụng thờ. Khi tôn giả Đại Ca Diếp tổ chức cuộc kết tập kinh điển lần đầu tiên tại hang Thất-diệp ở ngoại ô thành Vương-xá, ông đã xây dựng hang Thất-diệp thành ngôi tinh xá trang nghiêm để làm đạo tràng kết tập, và phát tâm bảo trợ hoàn toàn cho Phật sự này. Sau khi Phật nhập diệt 3 năm, ông đánh chiếm nước Bạt-kì (Vajji, thủ đô là thành Tì-xá-li), sáp nhập vào nước Ma-kiệt-đà, rồi thiên đô từ thành Vương-xá đến thành Ba-liên-phất (Pataliputra). Ông ở ngôi được 32 năm thì bị con là hoàng tử Udayabhadda giết chết để soán ngôi.
Ác. Thông thường, chữ “ÁC” có nghĩa là tính tình hiểm độc, hung dữ, tàn bạo. Trong Phật học, nó là một thuật ngữ có ý nghĩa rất rộng, tạm dịch là xấu, tương đương với từ “bất thiện”. Mọi pháp (tâm và sắc) trong thế gian đều thuộc một trong ba tính chất: thiện, ác hay vô kí (không thiện cũng không ác). “Ác” là chỉ cho tất cả những ý nghĩ, lời nói và hành động tương ưng với phiền não (tham, sân, si, v.v...), trái ngược với phép tắc, lí lẽ; phá hoại nhân luân, trật tự, gây đau khổ, hại mình hại người, làm trở ngại cho con đường đi đến giác ngộ giải thoát. Một cách tổng quát, những gì gọi là “ác”, đều không ra ngoài mười hành động (nghiệp) sau đây: giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thêu dệt bịa đặt, nói lời độc ác, tham lam, sân hận, và tà kiến. Diệt trừ hết mười điều ác này, gọi là “phá ác”.
Ác đạo: cũng gọi là “tam ác đạo”, hay “tam đồ”, tức là ba cảnh giới Súc-sinh, Ngạ-quỉ và Địa-ngục.
Ác kiến. Ác, ý nói là bất thiện, không chính xác; kiến tức là kiến giải ở trong tâm, không phải là cái thấy của con mắt. Ác kiến tức là kiến giải sai lầm, gồm có 5 thứ, cũng gọi là 5 lợi sử, tức là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến.
Ác
thú. Chữ “thú” (趣) ở đây có nghĩa là nơi đi đến, chỗ của chúng sinh đến
cư trú. Chúng sinh gây nhân xấu ác thì sẽ nhận chịu những quả báo xấu ác. Cái môi trường sống mà chúng sinh này sẽ tới thọ sinh, gọi là “ác thú” (cũng tức là “ác đạo”). Ba cảnh giới Súc-sinh, Ngạ-quỉ và Địa-ngục được gọi là “tam ác thú” (hay “tam ác đạo”).
Ái 1: là chi thứ tám trong “mười hai nhân duyên”, là tâm tham luyến, bám chặt mọi sự vật.
Chữ “ái” ở đây không phải chỉ có nghĩa yêu (ái), mà còn bao gồm cả nghĩa ghét (tắng). Kinh Tăng Chi Bộ nói: “Yêu có thể sinh ra yêu, cũng có thể sinh ra ghét; ghét có thể sinh ra yêu, cũng có thể sinh ra ghét.”
Cho nên yêu và ghét chỉ là hai mặt của cùng một thực thể, giống như hai
mặt của một bàn tay. Đối với mọi sự vật, cái gì hợp với sở thích thì tham cầu, cái gì không hợp sở thích thì ghét bỏ, muốn tống khứ cho kẻ khác; đó là do tâm luyến ái đối với sự sống mà sinh ra, thuộc trong ý nghĩa của chi ái trong mười hai nhân duyên.
Ái 2. Thông thường, “ái” tức là “ái nhiễm”, chỉ cho tâm nhiễm trước đối với trần cảnh, thuộc loại phiền não tham. Tâm nhiễm trước đối với tình ái sắc dục, của cải tiền tài, danh vọng địa vị, v.v... đều là tâm ái nhiễm xấu xa, là động cơ thúc đẩy thân miệng ý tạo nghiệp ác; người tu học phải cố gắng diệt trừ để giải thoát sinh tử.
Ái 3. Chữ “ái”, ngoài ý nghĩa xấu, cũng có ý nghĩa tốt. Người hành đạo dùng lời nói hòa nhã, dịu dàng để giáo hóa người khác, đó là “ái ngữ”, một trong bốn cách thu phục (tứ nhiếp pháp) của Bồ-tát hạnh. Kẻ hậu học yêu kính bậc sư trưởng với tâm chân thành, hoàn toàn không vì tư lợi, không nhiễm ô, đó là tâm “ái kính”, do từ đức tin mà phát sinh. Bậc sư trưởng luôn luôn quan tâm dạy dỗ, sách tấn, chuyển hóa kẻ hậu học, khiến cho đạt được các thành quả tốt đẹp trên đường tu hành, đó là tâm “ái hộ”, lấy đức từ bi làm căn bản.
Ái dục cõi trời. Sáu cõi trời thuộc Dục giới vẫn còn dâm dục, nên vẫn có hai tướng nam và nữ. Theo kinh điển ghi chép, các cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi hành dâm giống như loài người; trời Dạ-ma hành dâm bằng cách cầm tay nhau; trời Đâu-suất thì nghĩ tưởng đến nhau; trời Hóa-lạc thì nhìn chăm chú vào nhau; trời Tha-hóa-tự-tại thì nói với nhau.
An nhẫn: tức là tâm an trụ, không bị loạn động, nhờ đó mà chịu đựng được, không bị lung lạc bởi tất cả những não hại do vui buồn, vinh nhục, được mất v.v... từ nội tâm cũng như ngoại cảnh gây ra. Như vậy, tâm an nhẫn cũng tức là tâm nhẫn nhục trong sáu pháp qua bờ (lục độ).
An Thế Cao (Arsakes, ?-?): là vị cao tăng người nước An-tức (Parthia, tức nước Iran ngày nay). Ngài tên là Thanh, tự là Thế Cao, nguyên là thái tử con vua nước An-tức, cho nên đã lấy chữ “An” làm họ, và tên thông thường của ngài được gọi là An Thế Cao. Thuở nhỏ ngài từng được khen ngợi là người con chí hiếu, bản chất thông minh, tâm tính hiền lành, học rộng biết nhiều. Sau khi phụ vương qua đời, đáng lẽ ngài lên ngôi kế vị làm vua An-tức, nhưng đã từ bỏ vương vị, nhường ngôi lại cho chú, rồi xuất gia tu học Phật. Ngài học thông kinh luận, lại giỏi về thiền học. Sau đó ngài vân du xuyên qua các nước vùng Tây-vức; và năm 148 (năm thứ nhì đời vua Hán Hoàn đế – cũng có thuyết nói là năm 146 đời vua Hán Chất đế) ngài đến kinh đô Lạc-dương. Ngài ở tại đây trong hơn 20 năm, chuyên việc phiên dịch kinh điển Phạn văn ra Hán văn. Các dịch phẩm của ngài gồm có: Tứ Đế Kinh, Thập Nhị Nhân Duyên Kinh, Bát Chánh Đạo Kinh, Chuyển Pháp Luân Kinh, Tu Hành Đạo Địa Kinh, A Tì Đàm Vương Pháp v.v..., và cũng có các kinh về thiền học như An Ban Thủ Ý Kinh, Ấm Trì Nhập Kinh, Thiền Hành Pháp Tưởng v.v..., tất cả khoảng 34 bộ, gồm 40 quyển, đều là kinh luận tiểu thừa, chủ yếu là để truyền bá tư tưởng của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Hơn nữa, với các dịch phẩm về thiền học như vừa nêu trên, ngài được coi là người đầu tiên đem pháp môn thiền quán (dù là thiền của tiểu thừa) vào Trung-quốc. Sau thời gian dịch kinh tại Lạc-dương hơn 20 năm, người ta không biết gì thêm về hành trạng của ngài. Có thuyết nói, vào cuối thời Đông-Hán, gặp lúc loạn lạc, ngài đã rời Lạc-dương, xuống phương Nam lánh nạn, và đã viên tịch tại Cối-kê (huyện Thiệu-hưng, tỉnh Triết-giang). Theo sử Trung-quốc, cuối thời Đông-Hán là thời kì vô cùng nhiễu nhương, giặc giã khắp nơi trên đất Hán, chỉ có vùng đất phía Nam là yên ổn. Vì vậy, rất đông các nhà trí thức của cả Nho, Phật, Lão đã rời Lạc-dương, di cư xuống miền Nam để lánh nạn. Ngài An Thế Cao cũng nằm trong trường hợp này. Theo bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập ghi chép, vào cuối đời vua Hán Linh đế (168-189), đất Hán đầy nhiễu loạn, ngài An Thế Cao đã phải di cư xuống miền Giang-nam để lánh nạn. Thuyền ngài cập bến ở Quảng-châu, rồi từ đây ngài lại theo hướng Đông-Bắc để đi Cối-kê (nay là Thiệu-hưng thị, tỉnh Triết-giang). Khi ngài vừa đến thị trấn Cối-kê thì gặp ngay một đám đánh lộn, và ngài đã bị người ta đánh nhầm, chết ngay tại chỗ.
An Tuệ (Sthiramati, 475-555). Ngài người nước La-la ở Nam Ấn-độ, là một vị học giả lớn của Phật giáo đại thừa, đệ tử của ngài Đức Tuệ, và là thầy của ngài Chân Đế. Ngài tinh thông Duy Thức Học và Nhân Minh Luận, giỏi nghị luận, trở thành một trong 10 vị đại luận sư Duy Thức. Ngài cùng thời với ngài Hộ Pháp, nhưng quan điểm của hai vị có nhiều chỗ bất đồng; như về phương diện tác dụng của tâm thức chẳng hạn, ngài chỉ thừa nhận tự chứng phần là thật có (gọi là “nhà một phần”), trong khi đó, ngài Hộ Pháp thì thừa nhận cả bốn phần: kiến phần, tướng phần, tự chứng phần, và chứng tự chứng phần (gọi là “nhà bốn phần”). Ngài rất tôn sùng và kế thừa học thuyết của Bồ Tát Thế Thân, đã soạn Duy Thức Tam Thập Tụng Thích Luận. Nguyên bản Phạn văn của tác phẩm này gần đây đã được phát hiện tại Nepal, và đã được dịch ra Pháp và Nhật văn. Ngoài ra, trước tác của ngài còn có: Đại Thừa A Tì Đạt Ma Tạp Tập Luận, Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận, Đại Thừa Trung Quán Thích Luận, Câu Xá Thật Nghĩa Sớ.
Anh lạc. Xâu các hạt ngọc lại làm vật trang sức để đeo trên người, gọi là “anh lạc”.
Anh nhi hạnh. “Anh nhi” (trẻ con) ví dụ cho người, trời và hàng tiểu thừa. Bồ-tát dùng tâm từ bi, thị hiện làm người, trời và hàng tiểu thừa để chỉ thực hành những việc thiện nhỏ, đó là “anh nhi hạnh”.
Ăn phi thời (phi thời thực): nguyên có nghĩa là ăn quá giờ ngọ, nhưng theo nếp sinh hoạt trong các tự viện ngày nay, “ăn phi thời” có nghĩa là ăn ngoài các giờ giấc đã được qui định chung cho tăng chúng.
Âm đức. Khi một người tạo công đức thì người khác không thể thấy, không thể biết, cho nên gọi là “âm đức”, hay “âm công”.
Ấm. Tiếng Phạn “skandha”, cựu dịch là “ấm”, hay “chúng”; tân dịch là “uẩn”. Như vậy, chữ “ấm” vừa mang ý nghĩa “chứa nhóm” của chữ “uẩn”, vừa có nghĩa là “che lấp”; ý nói rằng, năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành và thức tích tụ lại, làm che lấp chân tánh. Nói rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức làm che lấp chân tánh, đó chỉ là cách nói chủ quan. Các bậc giác ngộ (Phật, Đại Bồ-tát, A-la-hán, chư Tổ, v.v...) cũng mang thân “ngũ uẩn”, nhưng các Ngài có bị che lấp chân tánh đâu! Có lẽ vì vậy mà các nhà tân dịch đã không muốn dùng chữ “ấm”, mà đã dịch chữ “skandha” là “uẩn” –là một sự diễn tả có tính cách khách quan hơn.
Ẩm Quang Bộ (Kasyapiya). Trong thần thoại Ấn-độ thời cổ đại, có một vị tiên nhân, thân có ánh sáng vàng, có khả năng hút hết những loại ánh sáng khác, cho nên được gọi là “Ẩm Quang tiên nhân”. Từ đó, “Ẩm Quang” (Kasyapa – Ca-diếp-ba) trở thành một họ, truyền nối mãi về sau. Vào khoảng cuối thế kỉ thứ 3 PL, trong tăng đoàn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có ngài Ẩm Quang (thuộc dòng dõi vị tiên nhân xưa), chứng quả A-la-hán, đem lời Phật nói chia thành hai bộ phận: một bộ phận để đả phá tà thuyết ngoại đạo, và một bộ phận để diệt trừ vô minh phiền não cho chúng sinh; vì vậy mà ngài đã chủ trương thuyết “phá tà hiển chánh”, và tách ra khỏi Hữu Bộ, lập riêng một bộ phái, tức Ẩm Quang Bộ.
Ấn. Chữ “ấn” nghĩa là con dấu, chứng thực, tiêu chuẩn, kí hiệu; ở đây xin nói chữ “ấn” được đặc biệt dùng trong Mật giáo: “ẤN”, nói đủ là khế ấn, mật ấn, ấn tướng, hay thủ ấn, là các cách thế, hình dạng làm thành do hai bàn tay và mười ngón tay, nhằm biểu hiện công đức nội chứng cùng bổn thệ (xu hướng và khả năng hóa hiện độ sinh) của Chư Tôn trong hải hội mạn-đà-la Mật giáo. Hai bàn tay và 10 ngón tay tạo ra các hình dạng này, thuật ngữ Mật giáo gọi là “kết ấn”. Theo Mật giáo, người đang tu hành, dù chưa thành Phật, nhưng cùng với bản thệ của Chư Tôn vẫn tương đồng, đều vì thành tựu cái nghĩa lí “tam mật tương ưng”. Tam mật tương ưng tức là tâm ý quán tưởng mạn-đà-la, miệng tụng thần chú và tay bắt ấn, tạo thành một thể đồng nhất để thể nhập tam mật của Phật. Vậy “tam mật” tức ý mật, khẩu mật và thân mật; trong đó, tay bắt ấn thuộc về thân mật. Trong Mật giáo, theo nghĩa rộng, chữ “ấn” còn chỉ cho bốn loại mạn-đà-la: - Đại mạn-đà-la: hình tượng các đức Phật và Bồ-tát, biểu tượng cho tự thân của Phật và mối quan hệ giữa tự thân Phật với toàn thể vũ trụ; - Tam-muội-da mạn-đà-la: vòng tròn hội chúng với những pháp khí trong tay tùy theo bản nguyện của mỗi vị; - Pháp mạn-đà-la: pháp môn do Phật hay Bồ-tát thuyết; - Yết-ma mạn-đà-la: các hình ảnh biểu hiện các động tác, các hành trạng độ sinh của Phật và Bồ-tát.
Ấn Quang (1862-1940). Đại sư Ấn Quang là vị tổ thứ 13 của tông Tịnh Độ, Trung-quốc. Ngài họ Triệu, húy Thánh Lượng, tự Ấn Quang, biệt hiệu là Thường Tàm Quí Tăng, quê ở thôn Triệu-trần, huyện Hợp-dương, tỉnh Thiểm-tây. Thuở nhỏ học Nho, thích đọc các sách của Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Trình Tử, Chu Tử, rồi theo gương những vị này mà thường bài xích Phật giáo. Về sau ngài bị đau mắt sắp bị mù, bèn tỉnh ngộ, biết lỗi cũ, ăn năn sám hối. Một thời gian thì bịnh lành, mắt sáng lại, từ đó chuyên đọc Phật điển. Năm 21 tuổi, ngài xin xuất gia với hòa thượng Đạo Thuần ở chùa Liên-hoa-động, núi Chung-nam (huyện Tây-an, tỉnh Thiểm-tây). Không bao lâu, ngài được cử làm tri khách ở chùa Liên-hoa, tỉnh Hồ-bắc. Một hôm, nhân đọc được tác phẩm Long Thư Tịnh Độ Văn, ngài đã đặt hết lòng tin vào pháp môn Tịnh Độ, rồi chuyên tâm niệm Phật. Năm 22 tuổi, ngài thọ giới cụ túc tại chùa Song-khê (huyện Hưng-an, tỉnh Thiểm-tây), rồi trở về núi Chung-nam, trú tại ngọn Thái-ất, chuyên tâm đọc kinh niệm Phật. Năm 26 tuổi, ngài đến chùa Tư-phúc (đạo tràng Tịnh Độ) ở vùng phụ cận thành phố Bắc-kinh, chuyên tâm niệm Phật, tự lấy hiệu là “Kế Lô Hành Giả”. Năm 33 tuổi, ngài trú tại chùa Pháp-vũ ở núi Phổ-đà (Triết-giang), suốt hơn 20 năm, chỉ chuyên niệm Phật và đọc Tam Tạng, ít khi xuống núi, không màng danh vị, lìa mọi sắc tướng. Năm ngài 52 tuổi (buổi đầu Dân-quốc), một vị cư sĩ họ Cao, hành hương đến chùa Pháp-vũ, lúc về có mang theo mấy bài văn của ngài, bèn đem đăng trên tập san Phật Học Tùng Báo ở Thượng-hải. Độc giả bốn phương lấy làm kinh ngạc, bèn đua nhau lên núi tìm cho ra tung tích của ngài. Rồi năm ngài 58 tuổi, có vị cư sĩ họ Từ, tìm được hơn hai chục bài văn của ngài, bèn đem in thành sách Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, tái bản và tăng đính nhiều lần, phổ biến rộng rãi trong lẫn ngoài nước, danh tiếng của ngài vang xa bốn phương. Ở Phổ-đà hơn 30 năm, vì nhân duyên hoằng pháp, ngài rời Phổ-đà, đến Thượng-hải, trú tại chùa Thái-bình; hai năm sau (70 tuổi), ngài lại dời về chùa Báo-quốc ở Tô-châu. Tại đây ngài thiết lập cơ sở hoằng hóa, bao nhiêu tiền bạc thí chủ cúng dường, ngài đều đem in kinh sách để phổ biến trong quần chúng. Năm 77 tuổi, ngài về trú ở chùa Linh-nham (Tô-châu), an cư niệm Phật 3 năm; đến năm 79 tuổi (năm Dân-quốc 29), ngài viên tịch. Tác phẩm của ngài có Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, Ấn Quang Đại Sư Toàn Tập, v.v...
Ẩn mật tàng tướng: cũng gọi là “mã âm tàng tướng”. Nam căn gọi là “âm”. Nam căn của Phật giống như dương vật của loài ngựa, ẩn kín trong bụng, không lộ ra ngoài; đó là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật.