Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

S

Tuesday, November 20, 201200:00(View: 10437)
S

TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC

Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

S

Sa-di (sramaneraka): dịch ra Hán ngữ là “tức từ”, nghĩa là dứt các điều ác, làm các điều lành; cũng dịch là “cần sách”, nghĩa là siêng năng tu tập theo sự sách lệ của đại chúng. Đó là danh từ dùng chỉ chung cho các vị xuất gia phái nam thọ trì mười giới; phái nữ thì gọi là sa-di-ni (sramanerika).

Sa La Ba (1259-1314): là một vị tăng dịch kinhtriều đại nhà Minh. Tương truyền, ngài là người ở Hà-tây (Trung-quốc), nhưng cũng có thuyết nói ngài là người Tây-vức. Ngài xuất gia với đế sư Bát Tư Ba (xem mục “Phát Tư Ba”) từ lúc nhỏ, tu tập các pháp quán đảnh; về sau lại theo học giáo pháp đại tiểu thừa với Trước Lật Xích thượng sư (?-?). Ngài thông hiểu Tạng văn và nhiều thứ văn tự khác, được đế sư Bát Tư Ba tiến dẫn lên vua Nguyên Thế-tổ, được vua ủy nhiệm phiên dịch các kinh điển hiển, mật trước nay chưa được truyền vào Trung-quốc. Vua ban hiệu cho ngài là Đại Biện Quảng Trí. Thời bấy giờ, đạo phong của tăng lữ xuống thấp tồi tệ, vua Nguyên Thế-tổ rất lo lắng, bèn cử ngài làm Thích giáo đô tổng thống ở các xứ Giang, Triết (Giang-tô và Triết-giang) để chấn chỉnh các tệ hại của tăng lữ vùng Giang-nam. Từ sau khi ngài đến nơi nhậm chức, các chuyện phiền toái đều trừ khử, các tự viện được an định. Quan sát tình hình các tỉnh Phúc-kiến, Quảng-đông, ngài nhận thấy giáo đồ thường bị khổ sở về nỗi quan sự nhũng nhiễu, bèn tâu lên vua bãi chức tổng thống ở các lộ, rồi tự mình rút lui về ẩn cư ở Lũng-sơn, tỉnh Thiểm-tây. Năm 1314, một hôm ngài tĩnh tọa trước Phật mà viên tịch, thế thọ 56 tuổi. Những dịch phẩm của ngài hiện còn gồm có: Dược Sư Lưu Li Quang Vương Thất Phật Bản Nguyện Công Đức Kinh Niệm Tụng Nghi Quĩ, Dược Sư Lưu Li Quang Vương Thất Phật Bản Nguyện Công Đức Kinh Niệm Tụng Nghi Quĩ Cúng Dường Pháp, Hoại Tướng Kim Cương Đà La Ni Kinh, Phật Đỉnh Đại Bạch Tản Đà La Ni Kinh, Văn Thù Bồ Tát Tối Thắng Chân Thật Danh Nghĩa Kinh, Chướng Sở Tri Luận (trước tác của ngài Bát Tư Ba).

Sa-môn (sramana). Từ thời Phật tại thế, danh xưng “sa-môn” đã được dùng để chỉ chung cho tất cả những người xuất gia tu hành, trong đạo Phật hay ở các đạo khác. Đặc biệt, sa môn trong đạo Phật phải là những vị cạo bỏ râu tóc, sống độc thân, xa gia đình, không nhà cửa ruộng vườn, không tài sản riêng tư, đi xin ăn, chuyên cần tu tập mọi pháp lành, không làm các điều ác, dứt sạch phiền não, phát huy trí tuệ, chứng nhập giải thoát niết bàn. Bốn quả vị mà một vị sa-môn có thể chứng đạt là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

Sa Tì Ca La (Kapila): là tên một ông tiên thời cổ Ấn-độ, được coi là vị tổ của phái Số Luận. Ông chuyên tu khổ hạnh, thờ phụng Phạm Thiên mà được thần chú gọi là “Tiên Phạm Thiên”. Đó là một loại tà thuật làm cho người khác bị mê muội, không còn tỉnh táo, tự chủ được. Đây là một trong các chú thuật ác độcđức Thế Tôn từng cấm chư đệ tử thọ trì; vì ai thọ trì các loại chú này, đều sẽ phải đọa vào ba đường dữ. Theo pháp sư Viên Anh, trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, Sa Tì Ca La dịch ra Hán ngữ là “hoàng phát”, hay “kim đầu” (tóc vàng), thuộc phái ngoại đạo tu khổ hạnh. Ông đã truyền thần chú Tiên Phạm Thiên cho bà Ma Đăng Già. Khi con gái của bà (Bát Kiết Đề, hay nàng Ma Đăng Già) vừa trông thấy tôn giả A Nan, tướng hảo trang nghiêm, liền sinh tâm ái nhiễm. Vì năm trăm năm trước trong thời quá khứ, nàng đã cùng với A Nan từng là vợ chồng, cho nên bây giờ, tập khí ái dục chưa mất, nên vừa thấy A Nan, tâm liền mừng vui, muốn được A Nan làm chồng; bèn nhờ mẹ giúp. Ban đầu, bà thấy tôn giả là người xuất gia, đã cắt đứt ái dục, nên bà không chấp thuận; nhưng nàng nài nỉ quá, bà thương con, bất đắc dĩ phải chiều ý nàng. Bà bèn dùng thần chú Tiên Phạm Thiên (do Sa Tì Ca La truyền cho), làm cho tôn giả bị mê hoặc, cứ như ngây dại, không còn tỉnh táo nữa. Đức Phật đã kịp thời bảo Bồ Tát Văn Thù đem thần chú Lăng Nghiêm đến hóa giải chú thuật, cứu tôn giả A Nan thoát khỏi dâm nạn; và nhờ có túc duyên, nàng Ma Đăng Già cũng được theo tôn giả A Nan về gặp Phật, được Phật khai thị, liền chứng quả Bất-hoàn, rồi phát tâm xuất gia.

Sám hối: nguyên có nghĩa là ăn năn tội lỗi và cầu mong tha thứ. Chữ “sám”, nói đủ là “sám-ma”, dịch âm từ chữ Phạn “ksama”, có nghĩa là là thỉnh cầu tha thứ. Chữ “hối” là chữ Hán, có nghĩa là ăn năn, hối hận và tự giải bày tội lỗi của mình đã tạo ra. Hợp hai chữ lại làm thành từ “sám hối”, là một thuật ngữ Phật học, có nghĩa là, tự biết ăn năn tội lỗi mình đã gây ra, và tự bày tỏ (phát lồ) tội lỗi ấy trước Phật, Bồ-tát, Sư trưởng, hay Đại chúng, để cầu xin tha thứ, tự hứa về sau không tái phạm tội. Mục đích của sự sám hối là để cho tội chướng tiêu trừ, thân tâm thanh tịnh. Từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay, bất cứ nơi nào và lúc nào có sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo, thì sám hối vẫn luôn luôn là một pháp tu vô cùng quan trọng của người đệ tử Phật.

San định: một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch ở Trung-quốc thời xưa (xem mục “Dịch Kinh”), giữ việc cắt bỏ những lời rườm rà để ổn định ý nghĩa của câu văn.

Sáu năm khổ hạnh (lục niên khổ hạnh). Theo niên đại của Phật được Phật giáo quốc tế thống nhất công nhận, đức Phật xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi, kể ra là 6 năm tu hành. Trong 6 năm này không phải Phật chỉ thuần tu khổ hạnh, mà kể chung, đó là cả thời gian tu học của Phật trước ngày thành đạo. Trong suốt thời gian 6 năm này, ngoại trừ vài tháng đầu ở vùng rừng núi gần thành Tì-xá-li (Vaisali) của vương quốc Lê-xa (Licchavi), tất cả thời gian còn lại, đức Phật đã tu hành tại vùng rừng núi thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha), trong lưu vực phía Nam của sông Hằng ở miền Trung Ấn-độ, gần ranh giới vương quốc Ca-thi (Kasi – có kinh đô là Ba-la-nại - Baranasi, và vườn Lộc-dã - Mrgadava). Rừng Khổ-hạnh (Tapovana) nằm trong thôn Ưu-lâu-tần-loa (Uruvilva), cạnh núi Tượng-đầu (Gajasirsa), chính là thuộc vùng rừng núi này; và cả con sông Ni-liên cũng chính ở nơi đây. Sở dĩ Phật từ thành Ca-tì-la-vệ đã phải tìm đến tận nơi xa xôi này để học đạo, là vì thời bấy giờ, vùng lưu vực sông Hằng này chính là địa bàn hoạt động rất nhộn nhịp của tôn giáo và các phái triết học Ấn-độ. Các đạo tràng lớn của các đạo sĩ tiếng tăm lừng lẫy như A La Lam (Arada-kalama), Uất Đầu Lam Phất (Udraka-ramaputra), v.v... đều tập trung ở vùng này. Cho nên, thuyết nói rằng “Phật tu khổ hạnh ở Tuyết sơn” e không đúng. Tuyết sơn tức Hi-mã-lạp sơn, là rặng núi cao lớn hùng vĩ nhất thế giới, quanh năm tuyết phủ, ở miền Trung-Á, chạy dài từ Tây sang Đông hơn 2.400 cây số, bắt đầu từ sông Ấn (Indus) ở phía Bắc Pakistan, qua vùng Kashmir của Bắc Ấn-độ, sau đó, một phần nằm vắt sang Tây-tạng, và phần lớn còn lại thì trải dọc theo Nepal, Sikkim và Bhutan. Như vậy, Tuyết sơn nằm ở mãi biên giới phía Bắc của vương quốc Thích-ca, chứ không phải ở vùng Lê-xa, Ma-kiệt-đà và Ca-thi; cho nên, theo chúng tôi, Phật đã không tu khổ hạnhTuyết sơn (được hiểu là Hi-mã-lạp-sơn).

Sắc: theo nghĩa rộng, chỉ cho toàn thể mọi loại vật chất tồn tại trong vũ trụ (có hình trạng, có biến đổi, hoại diệt); theo nghĩa hẹp, chỉ cho đối tượng của nhãn căn (tức tất cả những gì được trông thấy bằng mắt).
1) Theo nghĩa rộng, sắc là một uẩn trong 5 uẩn (tức sắc uẩn), và cũng là 11 pháp trong 100 pháp (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – theo Duy Thức Học). Sắc ở trong thân thể của chúng sinh thì gọi là “nội sắc” (tức 5 căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân); sắc ở ngoài thân thể của chúng sinh thì gọi là “ngoại sắc” (tức 5 cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc); ở trong thân thể của chúng sinh còn có một loại sắc không biểu lộ ra ngoài, đó là các ảnh tượng (bóng dáng của 5 cảnh) chỉ làm đối tượng cho ý thức mà thôi, Duy Thức Học gọi đó là “pháp cảnh”, và luận Câu Xá gọi là “vô biểu sắc”. Sắc ở cõi Dục được gọi là “thô sắc” (vật chất thô trọng); sắc ở cõi Sắc được gọi là “tế sắc” (vật chất vi tế). Sắc do định lực phát sinh thì gọi là “định quả sắc” (kết quả của thiền định); sắc do nghiệp lực tạo nên thì gọi là “nghiệp quả sắc” (kết quả của tạo nghiệp).
2) Theo nghĩa hẹp, sắc chỉ là một cảnh trong 6 cảnh, là đối tượng thấy biết riêng biệt của nhãn căn (tức sắc cảnh), hoàn toàn khác với các cảnh thanh, hương, vị v.v... là đối tượng của các căn khác. Về hình dạng, sắc có các tướng dài, ngắn, cao, thấp, vuông, tròn, thẳng, cong, v.v...; về màu sắc, sắc có các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v...; về động tác, có các hình thái như đi, đứng, nằm, ngồi, co vào, duỗi ra, khom xuống, thẳng lên, lấy, bỏ, v.v...

Sắc ái: luyến ái cõi Sắc.

Sắc dục. Chữ “sắc” ở đây được đặc biệt dùng để chỉ cho dung nhan, hình mạo đẹp đẽ, quyến rũ của nam nữ. “Sắc dục” là một thuật ngữ Phật học, có nghĩa là tâm ham muốn tình ái giữa nam nữ. Bởi vậy, từ “sắc dục” cũng đồng nghĩa với các từ “ái dục”, “tình dục”, “dâm dục”.
Ngoài ra, “sắc dục” cũng là một trong năm dục (ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc; hay tài, sắc, danh, thực, thùy).

Sắc pháp: là tất cả các pháp thuộc về vật chất; là từ ngữ được hiểu theo nghĩa rộng của chữ “SẮC” (xem mục “Sắc”). Theo nghĩa này, “sắc” là chỉ chung cho các thứ vật chất, là những vật có hình trạng, có chiếm một khoảng không gian nhất định, làm chướng ngại cho nhau, và có tính chất thay đổi, tàn hoại. Những pháp mặc dù không có hình tướng, nhưng có thể nhận biết bằng năm giác quan (như âm thanh, mùi hương, v.v...), cũng thuộc về sắc pháp. Cả Hữu Bộtông Pháp Tướng đều phân tích sắc pháp gồm có 11 pháp, là: năm căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), năm cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), và vô biểu sắc.
Trong năm nhóm (ngũ vị) bao gồm vạn pháp, Hữu Bộ đặt Sắc pháp là nhóm đầu tiên, vì quan niệm rằng, sắc pháp là loại pháp ô nhiễm, có thể làm khởi tâm tham dục, ái nhiễm, là đối tượng trọng yếu để đối trị. Trong khi đó, tông Pháp Tướng thì đặt Sắc pháp làm nhóm thứ ba, sau Tâm phápTâm sở hữu pháp, vì quan niệm rằng, sắc pháp không thể sinh khởi độc lập, mà chỉ biến hiện khi tâm và tâm sở phát khởi.

Sinh-bát. Sau khi sinh lên cõi Sắc, chẳng bao lâu thì đoạn trừ số phiền não còn lại mà nhập niết bàn, gọi là “Sinh-bát”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 9 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn thừa.

Sinh kế bất chính. Người tu hành mưu sinh bằng các phương kế sau đây đều bị coi là bất chính: 1) Bày ra các trò trá ngụy như tịch cốc, đắc đạo, thần thông v.v... để được nhiều người tín ngưỡng. 2) Tự khoe học vấn cao và công đức lớn. 3) Xem tướng tốt xấu. 4) Lớn tiếng ra oai, nói năng khoác lác. 5) Nói mình được nhiều người cúng dường để khích động lòng người. Mục đích của năm sự việc trên đây đều vì thủ lợi để nuôi sống mình, cho nên gọi là năm loại sinh kế bất chính.

Sinh khổ. Chữ “sinh” không phải chỉ có nghĩa là sinh ra đời, mà còn có nghĩa là đời sống. Vì vậy, từ “sinh khổ” cũng còn được hiểu là những đau khổcon người phải gánh chịu trong cuộc tranh đấu để sống còn trong suốt cuộc đời. Sự làm lụng vất vả, gian nan, nguy hiểm; những suy nghĩ, lo toan, phiền muộn; những áp bức, tra tấn, hành hạ, lăng nhục, chém giết, tù ngục, v.v...; tất cả những nỗi bi thảm, đau khổ cùng cực đó đều là “sinh khổ”.

Sinh thân - Bồ-tát sinh thân. Nhục thân của Phật thì gọi là “sinh thân”, tức là cái thân do chư Phật tùy hạnh nguyệnứng hiện trong các loài để cứu độ chúng sinh; đối lại với “sinh thân” là “pháp thân”. Các vị Bồ-tát khi đã tiến lên cấp Mười-địa, chứng nhập pháp tính, hóa độ tự tại thì gọi là “Bồ-tát sinh thân”.

Song quan: là một phương pháp hành văn, nói hay viết một câu gồm có hai ý trái ngược nhau, như: không sinh không diệt; không đến không đi; không trái không phải; cũng có cũng không; cũng tốt cũng xấu; v.v..., rất thường thấy trong các kinh luận đại thừa. Trong quyển Từ Điển Hán Việt Hiện Đại do Nguyễn Kim Thản chủ biên, từ “song quan” này được giải nghĩa là “chơi chữ”, không đúng lắm. Chơi chữ là nói một chữ mà hàm hai hoặc nhiều ý nghĩa, ai muốn hiểu sao cũng được. Ví dụ câu nói: “Anh ăn kẹo nhiều quá!”. Trong câu nói này có chữ “kẹo”, có nghĩa là viên kẹo, mà cũng có nghĩa là keo kiệt. Cho nên, thay vì nói thẳng là “Anh keo kiệt quá!”, thì lại nói “xéo” đi: “Anh ăn kẹo nhiều quá!”; đó gọi là “chơi chữ”.
 
Sông Bạt-đề (Ajitavati): là một trong hai con sông nhỏ ở Ấn-độ, nhưng do có thánh tích của Phật mà được nổi tiếng. 1) Sông Ni-liên-thiền (Nairanjana, là một nhánh nhỏ của sông Hằng), nơi đó có núi Già-da, có rừng Khổ-hạnh, có cây Bồ-đề; là nơi đức Thích Tôn tu hànhthành đạo. 2) Sông Bạt-đề (Ajitavati), chảy qua rừng Câu-thi-na, nơi đức Thích Tôn nhập niết bàn.

Sông Hằng (Ganga): là một con sông lớn ở Ấn-độ, cát sông rất nhiều và nhỏ mịn. Mỗi khi đức Phật dùng thuật ngữ “hằng hà sa” (cát sông Hằng) trong lúc nói pháp, đều là để tỉ dụ cho con số nhiều nhất. Sông Hằng phát nguyên từ cao nguyên Tây-tạng, ở độ cao 4.200m, chảy theo hướng Đông-Nam, trải dài 800km, đến xứ Bengal của Đông Ấn-độ thì hợp lưu với sông Brahmaputra, rồi chảy ra biển Ấn-độ, tổng cộng chiều dài khoảng 2.700 km. Vùng đất chạy dài dọc theo hai bên bờ sông, khoảng 1.500 km, có vô số đền miếu, được xem là vùng đất thần thánh của dân Ấn, tín đồ của các đạo giáo thường đến đây lễ bái cầu nguyện. Tục gọi sông này là sông Phúc-đức, và cho rằng tắm ở sông này sẽ được tiêu trừ tội cấu; phong tục giành nhau nhảy xuống sông tắm, vẫn còn giữ đến ngày nay. Vùng thượng lưu sông Hằngtrung tâm văn minh của Ấn-độ thời thái cổ, được gọi là văn minh Phệ Đà. Sau đó, đến thời đại Áo Nghĩa Thư (trước khi đức Phật ra đời) thì trung tâm văn minh Ấn-độ dời xuống vùng trung lưu. Đến thời Phật giáo xuất hiện với đức giáo chủ là Phật Thích Ca Mâu Ni, thì vùng đất trải rộng ở cả hai bên bờ sông Hằng đã trở thành khu vực hoạt động hành đạo trọng yếu của đức Phậtgiáo đoàn.

Sông Ni-liên (Neranjara): tức là sông Ni-liên-thiền, một chi lưu của sông Hằng, là dấu tích nơi đức Phật đã từng tắm rửa trước khi thành đạo. Sông Ni-liên phát nguyên từ vùng Bengal, chảy hướng lên phương Bắc, đến xứ Phật-đà-già-da (Buddha Gaya – thuộc địa phận nước Ma-kiệt-đà) thì nhập chung với sông Mạc-hãn-na (Mohana), rồi tiếp tục chảy đến phía Đông thành phố Patna thì đổ vào sông Hằng.

Sơ lược tiến trình hình thành và phát triển của Mật giáo. Khởi nguyên của Mật giáo Ấn-độ có từ kinh điển Phệ Đà, rồi sau đó dần dần được lưu hành trong dân gian. Trong quá trình phát triển dài lâu, Phật giáo đã đi vào dân gian, tiếp xúc và hòa đồng với những tập tục, tín ngưỡng của dân gian, tất nhiên cũng đã chịu ảnh hưởng của những tín ngưỡng, tập tục đó; có nghĩa là, Phật giáo cũng tiếp nhận những chú thuật bí mật của dân gian, và dùng chúng để bảo hộ và tránh các tai họa cho tín đồ – thường được gọi là “Tạp Mật”. Vì vậy mà các thần chú thủ hộ đã thấy có xuất hiện trong các kinh luật nguyên thỉ của Phật giáo. Dù sao thì đó vẫn chỉ là sự phôi thai của tư tưởng Mật giáo. Đến thế kỉ thứ 7 TL, khi bộ Kinh Đại Nhật (tức Đại Tì Lư Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh) được xuất hiện ở Nam Ấn-độ, Mật giáo mới chính thức được thành lập. Tư tưởng căn bản của kinh này rút từ Kinh Hoa Nghiêm, chủ trương “tức sự nhi chân” – nghĩa là ở ngay nơi sự tướng hiện thựcquán sát thẳng vào chân tướng vũ trụ; tập đại thành các vị tôn thần được nói tới trong các kinh điển “Tạp Mật”, lấy đức Đại Nhật Như Lai làm trung tâmlập thành “Thai-tạng giới mạn-trà-la” (Garbhadhatu-mandala). Vì lấy bộ Kinh Đại Nhật làm căn cứ, phái Mật giáo này được gọi là Chân-ngôn thừa (Mantrayana), hay cũng gọi là Mật giáo Hữu-đạo; và được coi là đại biểu cho phần lí thuyết của Mật giáo.
Sau đó, khoảng cuối thế kỉ thứ 7, lại có bộ Kinh Kim Cương Đỉnh xuất hiện. Nội dung kinh này thuộc hệ thống Du Già Hành phái, lấy tâm thức làm trung tâm, quán tưởng ngay tự thân để thành tựu sự hỗ nhập viên thông giữa hành giả và Bổn Tôn Phật. Vì lấy bộ kinh này làm căn cứ, phái Mật giáo này được gọi là Kim-cương thừa (Vajra-yana); được coi là đại biểu cho phần thực dụng của Mật giáo. Nhưng về sau, vì phái này kết hợp với phái Tính Lực (Saktah) của Ấn-độ giáo, nên đã bị đọa lạc vào vòng tà đạo; và được gọi là Mật giáo Tả-đạo. Cả hai phái Chân-ngôn thừa và Kim-cang thừa đều là Mật giáo thuần túy, nên thường được gọi là “Thuần Mật” (trái lại với “Tạp Mật” nói trên).
Như vậy, trong lịch sử phát triển của tư tưởng Phật giáo đại thừa ở Ấn-độ, Mật giáogiai đoạn phát triển thứ ba, sau Bát NhãDuy Thức. Giai đoạn này bắt đầu hưng thịnh vào thế kỉ thứ 6 TL, và được hệ thống hóa hoàn toàn vào thế kỉ thứ 8. Theo truyền thuyết, Mật giáo là do đức Đại Nhật Như Lai (Mahavairocana) truyền cho ngài Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva, vị thượng thủ trong chúng hội của đức Đại Nhật Như Lai). Khoảng thế kỉ thứ 3 TL, Bồ Tát Long Thọ đã dùng thần lực mở cửa ngôi tháp sắt ở Nam Thiên-trúc, được chính ngài Kim Cang Tát Đỏa trao cho hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cương Đỉnh. Sau đó, ngài Long Thọ lại truyền cho đệ tửLong Trí. 700 năm sau, ngài Long Trí truyền cho ngài Thiện Vô Úy (Subha-karasimba, 637-735); bởi vậy, Mật giáo đã tôn xưng đức Đại Nhật Như Laigiáo chủ, và Bồ Tát Long Thọ là vị tổ khai sơn.
Ở đây có một chi tiết liên quan đến hai ngài Long ThọLong Trí, xin được nói rõ: Theo Phật giáo Tây-tạng, ngài Long Thọ được coi là vị tổ sư của Mật giáo, đã ra đời vào thế kỉ thứ 7 TL; và chính là hậu thân của Bồ Tát Long Thọ ở thế kỉ thứ 2 TL. Vậy là có hai ngài Long Thọ: Long Thọ thế kỉ thứ 7 là vị tái sinh của Long Thọ thế kỉ thứ 2; tuy là hai ngài nhưng vẫn là một. Ngài Long Thọ tái sinh này (600-650) thuộc dòng Bà-la-môn, xuất gia thọ giới tại học viện Na-lan-đà, sau đó đến thành Vương-xá tu 12 năm, chứng đắc thánh quả Đại-thủ-ấn. Tranh tượng vẽ về ngài thường có hình rắn phủ quanh đầu. Đệ tử truyền thừa của ngài Long ThọLong Trí, vốn thuộc dòng Bà-la-môn, nhưng thuở trước thường hay đi ăn trộm. Chuyện kể rằng, một hôm, khi ngài Long Thọ đang ở trong tinh xá thì Long Trí mò đến rình xem, thấy ngài Long Thọ đang ăn cơm với một cái bát bằng vàng, liền nẩy ý ăn cắp cái bát ấy. Ngài Long Thọ quán sát, biết được tâm ý của Long Trí, bèn ném cái bát vàng ấy cho Long Trí. Long Trí lấy làm kinh ngạccảm phục, bèn xin theo tu học. Ngài Long Thọ làm phép quán đỉnh cho Long Trí nhập môn. Sau 12 năm tinh cần tu học, ngài chứng ngộ thánh quả. – Xét ra thì thuyết này rất hợp lí; theo đó chúng ta có thể quả quyết rằng, ngài Long Thọ ở thế kỉ thứ 2 là một vị đại luận sư đã đóng góp công sức lớn lao trong việc kết tập, xiển dương, phát triển và làm phong phú kinh luận Phật giáo đại thừa; đặc biệt là đã phát hiện bộ Kinh Hoa Nghiêm vĩ đại. Trong khi đó, ngài Long Thọ ở thế kỉ thứ 7 là người đã phát hiện bộ Kinh Đại Nhật và lấy đó làm giáo điển căn bản để chính thức thành lập Mật giáo, và được tôn là vị tổ sư của Mật giáo. Và ngài Long Trí cũng là một nhân vật ra đời ở thế kỉ thứ 7, làm đệ tử của ngài Long Thọ (thế kỉ thứ 7), chứ không phải là nhân vật từng sống lâu đến hơn 700 tuổi như truyền thuyết đã nói.
Mật giáo (Thuần Mật) từ khi được hình thành, liền phát triển mạnh mẽ trên toàn khắp xứ Ấn, nhất là vùng Đông-Ấn. Các vị vua thuộc vương triều Ba-la (Pala, 750-1150) đều bảo hộ Phật giáo, và đặc biệt sùng phụng Mật giáo. Một ngôi chùa lớn, chùa Siêu-giới (Vikramasila), đã được xây cất vào thế kỉ thứ 8 để làm đạo tràng trung tâm cho Mật giáo. Cũng trong thế kỉ thứ 8 này, Mật giáo đã được ba ngài Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí (Vajrabodhi, 671-741) và Bất Không Kim Cang (Amoghavajra, 705-774) đem truyền sang Trung-quốc, sau đó thì chính thức thành lập Mật tông tại Trung-quốc; còn hai ngài Tịch Hộ (Santaraksita) và Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) thì đem truyền sang Tây-tạng, trở thành tư tưởng chủ yếu của Lạt-ma giáo Tây-tạng. Đầu thế kỉ thứ 9, Hoằng Pháp đại sư (Kobo Daishi, người Nhật) từ Nhật-bản sang Trung-hoa tham học Phật pháp. Khi trở về nước đã truyền bá tư tưởng Mật giáo, và thành lập Chân Ngôn tông ở Nhật-bản.
Thật ra, ở Trung-quốc, trước khi Mật tông được chính thức thành lập từ Thuần Mật (thế kỉ thứ 8, đời Đường), thì những kinh điển thuộc Tạp Mật đã được truyền dịch từ thời đại Tam-quốc. Dịch giả được nhắc đến đầu tiên trong loại kinh điển này là Chi Khiêm ở nước Ngô (dưới thời vua Ngô Tôn Quyền, thế kỉ thứ 3 TL), với các kinh trứ danh như Bát Cát Tường Thần Chú, Vô Lượng Môn Vi Mật Trì, Hoa Tích Đà La Ni Thần Chú, Trì Cú Thần Chú, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Chú, Thất Phật Thần Chú v.v... Các vị đại sư như Cát Hữu (đời Đông-Tấn, đầu thế kỉ thứ 4) với các dịch phẩm Đại Quán Đỉnh Kinh, Khổng Tước Vương Kinh; Trúc Đàm Vô Lan (đời Đông-Tấn, cuối thế kỉ thứ 4) với các dịch phẩm Đà Lân Bát Chú Kinh, Ma Ni La Đản Thần Chú Kinh; Nghĩa Tịnh (đời Đường, đầu thế kỉ thứ 8) với các dịch phẩm Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Tâm Đà La Ni Kinh, Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát Chú Tạng Trung Nhất Tự Chú Vương Kinh, Xưng Tán Như Lai Công Đức Thần Chú Kinh v.v...; đều là những dịch giả đã truyền bá kinh điển thuộc loại Tạp Mật, trước khi Thiện Vô ÚyKim Cang Trí đến Trung-quốc truyền bá các kinh điển Thuần Mật.
Ở Việt-nam, kinh điển Mật giáo được chính thức xuất hiện vào cuối thế kỉ thứ 6 TL. (Lúc này, Mật giáo chưa được chính thức thành lập ở Ấn-độ, chưa được truyền sang Tây-tạng, và Mật tông cũng chưa được thành lập ở Trung-quốc.) Theo sách Thiền Uyển Tập Anh (tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử Phật giáo Việt-nam), vào năm 580, thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci, ?-594, người Nam Ấn-độ, sang Trung-quốc năm 574, đắc pháp với tổ Tăng Xán) đã từ Trung-quốc sang Việt-nam, đến làng Cổ-châu, huyện Thượng-phúc, trú tại chùa Pháp-vân, dịch Kinh Tổng Trì, giáo hóa đồ chúng, lập nên Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi; đến năm 594 thì ngài viên tịch. Kinh Tổng Trì, nói cho đủ là Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, là loại kinh thuộc về Mật giáo. “Tổng trì” là dịch ý từ tiếng Phạn “đà-la-ni” (dharani). Với việc dịch Kinh Tổng Trì và việc thành lập Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi ở Việt-nam, cho thấy, khi còn ở Ấn-độ, tổ Tì Ni Đa Lưu Chi đã kế thừa tư tưởng Mật giáo; và khi sang Đông-độ vẫn mang theo bên mình ít nhất là một cuốn kinh Mật giáo bằng Phạn ngữ, để sẽ truyền bá Mật giáo khi có cơ duyên thuận tiện. Và cơ duyên đó chính là đạo tràng Pháp-vân ở Việt-nam.
Trước khi dịch kinh Tổng Trì tại Việt-nam, ngài cũng đã dịch kinh Tượng Đầu Tinh Xá tại chùa Chế-chỉ ở Quảng-châu, Trung-quốc. Kinh này chứa đựng tư tưởng Thiền học và mang sắc thái của hệ văn học Bát Nhã. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy rằng, Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi đã bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, chuyên tu tập Thiền pháp, nhưng cũng hành trì Mật giáo một cách có hiệu quả. Từ đó, nhiều vị thiền sư trong Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, không những đạt ngộ trong phương diện Thiền học, mà còn giỏi cả về công phu hành trì Mật giáo, nổi tiếng nhất như các thiền sư Pháp Thuận (?-991), Vạn Hạnh (?-1018), Sùng Phạm (?-1087), Từ Đạo Hạnh (?-1112), Trì Bát (?-1117), Minh Không (?-1141) v.v... Năm 1963, tại Bắc-Việt, người ta có đào được ở làng Trường-yên (thuộc cố đô Hoa-lư của Việt-nam, thời nhà Đinh) một trụ đá tám mặt, do Đinh Liễn dựng lập vào năm 973; mỗi mặt đều có khắc những câu kệ và chú đà-la-ni bằng chữ Hán. Sau đó, người ta lại phát hiện thêm một “kinh tàng” được tạo lập năm 995 đời vua Lê Đại Hành, trong đó có những câu kệ chứa đựng thần chú. Mặc dù vậy, Mật giáo chưa bao giờ trở thành một tông phái chính thức ở Việt-nam.

Sơ tổ và nhị tổ Thiền tông. Do sự tích đức Phật “truyền tâm ấn” cho tôn giả Đại Ca Diếp trong pháp hội Linh-sơn, Thiền tông bèn tôn ngài Đại Ca Diếp là vị tổ sư đầu tiên (sơ tổ) của Thiền tông. Trước khi viên tịch, ngài Đại Ca Diếp đã truyền pháp tạng cho ngài A Nan thừa kế; do đó, ngài A Nan đã được tôn là vị tổ thứ nhì (nhị tổ) của Thiền tông; lần lượt đến ngài Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28. Tất cả 28 vị tổ Thiền tông đều ở Ấn-độ, nên Thiền tông gọi là “Tây-thiên nhị thập bát tổ”. Khi ngài Bồ Đề Đạt Ma (vị tổ thứ 28 ở Ấn-độ) sang Trung-quốc (năm 520) thì trở thành vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung-quốc – được gọi là “Đông-độ sơ tổ”.

Sớ. Chữ “sớ” ở đây tức là “nghĩa sớ”, là tên gọi chung cho các công trình và sách vở liên quan đến việc chú giải Kinh Luật Luận. Bởi vì Ba Tạng thánh điển nghĩa lí sâu xa, nếu không giải thích thì người học rất khó hiểu rõ, cho nên cần phải chú thích, giải nghĩa để giúp cho người học dễ dàng thông suốt; như các tác phẩm Pháp Hoa Nghĩa Sớ, Tứ Phần Luật Sớ, A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận Sớ v.v... Đôi khi lời “sớ” của người trước chưa được rõ ràng lắm, người sau lại giải thích thêm cho tinh tường hơn, thì sự chú giải cho những lời sớ như vậy, được gọi là “sao”; như các tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, Tứ Phần Tì Kheo Ni Sao, Câu Xá Luận Tụng Sớ Sao, v.v...

Sở biến: là thuật ngữ Duy Thức Học, chỉ cho vạn pháp. Theo tông Duy Thức, vạn pháp là do thức biến hiện, cho nên vạn pháp được gọi là “sở biến”. Vạn pháp là do thức biến hiện, nhưng đồng thời chúng cũng là đối tượng nhận thức của thức (tức tâmtâm sở), cho nên cũng được gọi là “sở duyên”. Vậy, “sở duyên” và “sở biến” đều là thuật ngữ Duy Thức Học dùng chỉ cho VẠN PHÁP, nhưng tùy trường hợp thích hợp mà gọi tên này hay tên kia.

Sở duyên - Sở thủ. Đây là chỉ cho cảnh. Khi thức duyên cảnh, thì cảnh được gọi là đối tượng “sở duyên” của thức. Thức duyên cảnh tức là thức nhận biết và bám lấy, nắm lấy, hay giữ lấy đối tượng, gọi là “thủ”; và trong trường hợp này, cảnh được gọi là đối tượng “sở thủ” của thức.

Sở Thạch (1296-1370): tức thiền sư Phạm Kì, họ Châu, tự Sở Thạch, quê huyện Ninh-ba, tỉnh Triết-giang, Trung-quốc. Tương truyền, thân mẫu của ngài, họ Trương, nằm mộng thấy mặt trời rớt xuống bụng mình, liền thụ thai và sinh ra ngài. Lại tương truyền, một hôm nọ lúc còn bé, thân mẫu mang ngài trong cái địu, có vị thần tăng đi ngang, rờ đầu ngài nói rằng: Đứa bé này sẽ là mặt trời của Phật pháp đây. Nhân đó mà còn có tiểu tự là Đàm Diệu. Từ tuổi ấu thơ, ngài đã biết danh hiệu đức Phật A Di Đà, mỗi buổi sáng sớm đều niệm mười biến, không bao giờ xao lãng. Lên 9 tuổi, ngài xuất gia; 16 tuổi thọ đại giớitu học ở chùa Chiêu-khánh, Hàng-châu. Một hôm, nhân đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm mà có chút ít tỉnh ngộ. Sau đó, ngài đến Kính-sơn tham yết thiền sư Nguyên Tẩu Hạnh Đoan (1254-1341), nhưng nhân duyên chưa hợp. Gặp lúc vua Nguyên Anh-tông (1321-1323) xuống chiếu tuyển người vào kinh chép Đại Tạng Kinh, ngài ứng tuyển. Một buổi chiều nọ, nhân nghe tiếng trống nổi lên ở tháp canh trên thành phía Tây, ngài bỗng nhiên đạt ngộ; liền trở về Kính-sơn, trình bài kệ kiến giải lên thiền sư Nguyên Tẩu, được ấn chứng, và trở thành đệ tử kế thừa của thiền sư – lúc đó ngài được 29 tuổi (1325). Sau đó, ngài lần lượt trú trì tại các chùa Phúc-trăn (Hải-diêm), Vĩnh-tộ (Thiên-ninh), Báo-quốc (Hàng-châu), Bản-giác (Gia-hưng). Năm 1347, vua Nguyên Thuận đế ban hiệu cho ngài là Phật Nhật Phổ Chiếu Tuệ Biện thiền sư. Năm 1357 ngài đổi về trú trì chùa Báo-ân. Hai năm sau, ngài về lại chùa Vĩnh-tộ, cất một ngôi nhà nhỏ ở mé Tây chùa, ẩn cư chuyên tu Tịnh Độ; tự hiệu là Tây Trai lão nhân. Năm đầu niên hiệu Hồng-võ (1368) đời vua Minh Thái-tổ (1368-1398), ngài vâng chiếu, ba lần thuyết pháp cho vua nghe. Năm 1370, nhân vua hỏi về việc quỉ thần, ngài đến chùa Thiên-giới, tham khảo kinh luận, viết thành sách, dự tính vào triều trình lên vua, thình lình cảm bịnh nhẹ, rồi viên tịch, thế thọ 75 tuổi. Trước tác của ngài có: Sở Thạch Phạm Kì Ngữ Lục, Tây Trai Tịnh Độ Thi, Thượng Sinh Kệ, Bắc Du Phụng Sơn Tây Trai, Thiên Thai Tam Thánh, v.v...

Sơn chủ: tức người chủ của một ngọn núi; đó là tiếng tôn xưng vị trụ trì của một ngôi chùa. Phần nhiều các tự viện xưa được xây cất trong chốn núi non, và lấy tên núi mà đặt tên, cho nên vị trụ trì được xưng là “sơn chủ”.

Súc-sinh: là tiếng dịch ý từ Phạn ngữ “tiryanc”. Súc-sinh (hay Bàng-sinh) là một trong sáu nẻo luân hồi, chỉ cho tất cả các loài động vật như thú rừng, gia súc, chim muông, rắn rít, cá tôm, côn trùng v.v... Từ “súc sinh” nguyên được dùng để chỉ cho các loài vật được người ta nuôi trong nhà, chủ yếu là gia súc (trâu, bò, ngựa, chó, dê v.v...) và gia cầm (chim, gà, ngỗng, v.v...). Vì vậy, các nhà tân dịch đã dùng từ “bàng sinh” để dịch Phạn ngữ “tiryanc”, chỉ tổng quát cho tất cả các loài động vật. “Bàng sinh” nghĩa là các sinh vật đi mình ngang (khác với loài người là đi mình thẳng đứng). Tuy nhiên, vì thói quen lâu đời, từ “súc sinh” vẫn được dùng nhiều, và thịnh hành cho tới ngày nay. Một cách tổng quát, súc sinh có thể chia làm ba loại: loại bay trên không; loại đi, bò trên hay dưới mặt đất; và loại bơi lội trong nước. Hoặc bốn loại: loại sinh ra từ bào thai (thai sinh); loại sinh ra từ trứng (noãn sinh); loại sinh ra từ nơi ẩm thấp (thấp sinh); loại sinh ra từ sự biến hóa từ hình thức này sang hình thức khác (hóa sinh). Hoặc chia chi tiết hơn: loại nhiều chân; loại bốn chân; loại hai chân; loại không có chân; loại có lông; loại có sừng; loại có vảy; loại da trơn; loại có mai; loại có vỏ; loại bò sát; v.v... Có loại sinh hoạt ban ngày; có loại sinh hoạt ban đêm; có loại sinh hoạt cả ban ngày lẫn ban đêm. Đặc tính của các loài súc sinh là không có trí sáng suốt và hay giết hại, ăn thịt lẫn nhau; các loài yếu kém luôn luôn bị các loài mạnh bạo, hung dữ ăn thịt. Các loài gia súc thì thường bị con người đánh đập, hành hạăn thịt. Các loài thú rừng, tôm cá v.v... còn bị con người giết hại để ăn thịt, hoặc lấy lông, da, sừng v.v... để làm các thứ vật dụng. Đó là những nỗi thống khổ cùng cực của thế giới Súc-sinh.

Sử: nghĩa là sai khiến, là một tên khác của phiền não. Phiền não là những động lực thúc đẩy chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, phải trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử, cho nên được gọi là “sử”. Phiền não có rất nhiều thứ, nhưng có mười thứ được coi là gốc rễ, gọi là “mười sử” (thập sử, hay thập căn bản phiền não), gồm có: 1. Tham: thấy gì vừa ý thì ham muốn, cố chiếm đoạt. 2. Sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận, căm ghét. 3. Si: lòng dạ tối tăm, không sáng suốt, không nhận chân được sự thật. 4. Mạn: kiêu mạn, tự cao, khinh người. 5. Nghi: nghi ngờ, dụ dự. 6. Thân kiến: cái thấy sai lầm về “ngã”, cho rằng thân này là thật có, thân này là ta, những cái kia thuộc về ta. 7. Biên kiến: cái thấy cực đoan, hoặc cho rằng con người sau khi chết là mất hẳn, hoặc cho rằng con người sau khi chết sẽ về sống đời đời ở một nơi nào đó, như thiên đường hay hỏa ngục. 8. Tà kiến: cái thấy xuyên tạc, không đúng sự thật, không thấy được lí duyên sinh, luật nhân quả, cùng các tính chất vô thường, vô ngã v.v... của vạn vật, mà cho rằng có một vị thượng đế sáng tạo ra vạn vật, mọi họa phước đều do thượng đế ban phát, mọi sự việc đều do thượng đế an bài, v.v... 9. Kiến thủ kiến: khư khư ôm giữ những kiến thức sai lạc mà cứ cho là đúng, đã không cải thiện mà còn cố rao giảng rộng rãi, đôi khi còn tìm cách dụ hoặc hay ép buộc người khác phải nghe theo mình. 10. Giới cấm thủ kiến: cố chấp vào các giới cấm sai lầm, vô lí, hoặc giữ giới một cách mù quáng, không sáng suốt, không uyển chuyển, gây đau khổ cho mình và cho người. Năm loại phiền não bên trên (từ số 1 đến số 5), vì tính chất của chúng quá nặng nề, tinh vi, chồng chất từ nhiều đời trước, thân mạng vừa hình thành là đã có chúng kèm theo, rất khó đoạn trừ, cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “năm độn sử” (ngũ độn sử). Năm loại phiền não bên dưới (từ số 6 đến số 10), vì tính chất của chúng nhẹ nhàng hơn, mới mắc phải trong đời hiện tại do nghe theo tà sư, tà giáo, dễ đoạn trừ hơn, cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “năm lợi sử” (ngũ lợi sử).

Sự chướng. “Sự chướng” nghĩa là chướng ngại về mặt “sự”, chỉ cho những thứ chướng ngại làm cho chúng sinh phải lăn lộn mãi trong sinh tử luân hồi. Đó là những phiền não tham, sân, si, v.v... làm cho chúng sinh mải tham đắm, chạy theo mặt hiện tượng của vạn pháp mà gây ra biết bao lỗi lầm, nghiệp báo nối tiếp kiếp này sang kiếp nọ, không thể nào giải thoát để sống an lạc trong cảnh niết bàn tịch tịnh. Sự chướng tức là “phiền não chướng”, cũng tức là “tư hoặc” (hay tu hoặc), chỉ cho tham, sân, si, và mạn, 4 trong 6 loại phiền não căn bản.

Sự và lí. “Sự” hay “sự tướng”, là tất cả pháp hữu vi do nhân duyên sinh, tức là mọi hiện tượng muôn vàn sai khác trong khắp vũ trụ. “Lí” hay “lí thể”, “lí tánh”, là bản thể của mọi hiện tượng được gọi là “sự” ở trên. Lí có hai đức tính vô cùng quan trọng: tùy duyênbất biến; có nghĩa, tùy theo nhân duyênbiến hóa ra vạn pháp sai khác, nhưng thể tánh thì thường trú bất biến. Lí vượt khỏi cái tri thức tương đối của phàm phu, cho nên không thể dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn đạt, không thể nhận biết bằng ý thức phân biệt sai lầm. Người phàm phu chỉ biết mê đắm vào hiện tượng, cho nên chỉ thấy có sự, và vướng mắc vào sự, do đó mà gây tội lỗi; còn bậc thánh có trí tuệ, thấy rõ suốt chân lí của vạn pháp, không mê đắm hiện tượng, không vướng mắc sự tướng, cho nên không gây tội lỗi. Trong Phật giáo, Sự và Lí luôn luôn là hai mặt đối đãi nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Hiện tượng (sự) là sự biểu hiện của bản thể (lí). Bản thể (lí) là thường trú bất biến, là tịch tịnh, là như như bất động, nhưng vạn pháp (sự) được phát hiện từ đó; hay nói cách khác, bản thể (lí) chính là căn cứ phát sinh của mọi hiện tượng (sự). Bởi vậy, sự và lí không bao giờ tách rời (bất li) nhau; không có sự thì không có lí, và ngược lại. Cũng có thể nói, như luận Đại Thừa Khởi Tín: sự tức là lí, lí tức là sự (tương tức); hay như tông Hoa Nghiêm: sự và lí hàm chứa nhau một cách không ngăn ngại (tương dung). Từ cái nhìn này, những người mới bắt đầu con đường tu học Phật pháp, thường được các bậc đạo sư hướng dẫn, trước hết là tu tập bằng sự tướng, tức là thực hành các hình thức lễ sám, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền v.v...; rồi dần dần học tập nghĩa lí các kinh luật, từ dễ đến khó, mở dần trí tuệ, cho đến khi tự mình thấy rõ chân lí. Đó gọi là “mượn cảnh tu tâm”, mà cũng tức là “nhân sự hiển lí”. Đến khi trí tuệ đã sáng tỏ, thì tâm ý không còn vướng mắc vào sự tướng nữa, mà sự tướng trở nên được thể hiện một cách tự nhiên từ lí tánh, tâm phân biệt giữa sự và lí không còn nữa; đó gọi là “phúc tuệ song tu”. Nếu chỉ mê vào sự tụng kinh, niệm Phật mà không chịu học tập kinh luận để mở mang trí tuệ, đó gọi là “ham sự bỏ lí” (tức chỉ ham tu phúc mà không tu tuệ). Nếu chỉ mê học tập nghiên cứu kinh luận mà không chịu lễ sám, tụng kinh, niệm Phật, đó gọi là “ham lí bỏ sự” (tức chỉ ham tu tuệ mà không tu phúc). Cả hai trường hợp này đều làm cho hành giả không đạt được kết quả viên mãn trong sự tu học Phật pháp.

Sức chung: nghĩa là chuẩn bị tốt đẹp cho giờ phút lâm chung, tức là niệm Phật hộ niệm để trợ giúp cho người hấp hối có chánh niệm rõ ràng, chờ Phật tiếp dẫn vãng sinh. Đoàn niệm Phật sức chung ở Đài-loan, ở Việt-nam gọi là ban hộ niệm.

 
Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 136)
Hễ nói đến Giáo pháp của đức Phật, chúng takhông thể không nói đến pháp Duyên khởi hay nguyên lý Duyên khởi (Pratìtyasamutpàsa).
(View: 245)
Trong giáo lý của Đức Phật về duyên khởi(Paticca-samuppāda), vòng luân hồi của sinh tử, gọi là samsara, được mô tả như một quá trình
(View: 281)
Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo;
(View: 228)
Ở đời có người quan niệm rằng, mình sống làm người, sau khi chết mình cũng sẽ tái sinh làm người ở một cõi nào đó, thậm chí có người còn nghĩ mình về sống dưới suối vàng.
(View: 329)
Từ vô ngã bùng nổ thành ngã, và rồi từ ngã bùng nổ giác ngộ trở về lại vô ngã. Cái “big bang Phật Giáo” này xảy ra trong từng sátna.
(View: 420)
Trong nhận thức của quốc vương Koravya, cũng như nhận thức của nhiều người, một người từ bỏ cuộc sống...
(View: 346)
Trong bài này sẽ nói về năm pháp: danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như, từ Kinh Nhập Lăng Già (Đại chánh tân tu Đại tạng kinh,
(View: 461)
Hổm nay chúng ta đã tìm hiểu bài Đại kinh Rừng Sừng Bò, sáu vị thánh nhân trình bày hình ảnh lý tưởng của vị tỳ kheo trí tuệ và đức hạnh,
(View: 433)
Các học giả tranh luận liệu những lời dạy của Đức Phật được lưu giữ trong kinh điển Pāli có thể được coi là triết học hay không,
(View: 698)
Ở đời không ai mong cầu giải thoát khi đang ở trong lầu son hạnh phúc. Người ta chỉ muốn được giải thoát khi bị nhốt trong hoàn cảnh bi đát nào đó.
(View: 506)
Chúng sinh tuy bình đẳng nhưng căn tính bất đồng. Bình đẳng trên chân lý không phải là mọi người ngang hàng bằng nhau.
(View: 551)
Đạo Phật là đạo giác ngộ, có nguồn gốc từ Ấn Độ, do Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama) hình thành và sáng lập.
(View: 494)
Hồi đó, khi Đức Phật cùng với Tăng đoàn du hóa tại nước Xá-vệ thì có rất nhiều người trẻ đã phát tâm đi tu. Tôn giả A-nan được giao trách nhiệm...
(View: 646)
Trí Tuệ Bát Nhã, thần thông quảng đại, nhận thức được thực tướng của vạn Pháp. Trí Tuệ (wisdom) bao gồm cả kiến thức bác học, kiến giác, chứng nghiệm, tâm lý, tâm linh...
(View: 577)
Tôi xin dùng lý luận khoa học cùng triết lý nhân văn để giải thích những điều tâm linh của Phật Giáo.
(View: 936)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúcsuy tưởng.
(View: 597)
Hôm nay chúng ta bắt đầu nghiên cứu chương thứ hai, bàn về những sự thực hành kham khổ, tức là các phương pháp đầu đà.
(View: 598)
Như Lai được định nghĩa trực tiếp ba lần trong Kinh Kim Cương bát nhã ba la mật. Ba lần ấy được nói đến theo thứ tự như sau:
(View: 682)
Kinh Lăng-già tên gọi đầy đủ là Thể Nhập Chánh PhápLăng-già, cuối chương १० सगाथकम्। (10-sagāthakam), biên tập bởi Nanjō Bunyū 南條文雄 (laṅkāvatāra sūtra, kyoto, 1923)
(View: 824)
Bước đầu tiên để bước vào con đường Phật giáoquy y Tam Bảo, và viên ngọc đầu tiên trong ba viên ngọc mà chúng ta tiếp cận để quy yĐức Phật, Đấng Giác Ngộ.
(View: 756)
Đạo Phật là đạo của bi trí dũng. Đạo của trí tuệ, của chánh biến tri, và chánh tri kiến chứ không phải không thấy mà tin tưởng mù quáng.
(View: 635)
Phân biệt phước đức và công đứccần thiết cho việc học và hành đạo Phật.
(View: 649)
Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời.
(View: 673)
Cuộc đời và công việc của Bồ tát được nói trong phần cuối đoạn Đồng tử Thiện Tài gặp đức Di Lặc.
(View: 775)
Trong khi các tín ngưỡng về nghiệp và tái sinhphổ biến vào thời của Đức Phật,
(View: 922)
Đây là ba phạm trù nghĩa lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Đạo sư một cách chính xác mà không
(View: 910)
Đi vào Pháp giới Hoa nghiêmđi vào bằng bồ đề tâm thanh tịnh và được cụ thể hóa bằng nguyện và hạnh.
(View: 661)
Nhị đế là từ được qui kết từ các Thánh đế (āryasatayā) qua nhân quả Khổ-Tập gọi là Tục đế
(View: 771)
Quí vị không giữ giới luật có thể không làm hại người khác, nhưng thương tổn tự tánh cuả chính mình.
(View: 857)
Lầu các của Đức Di Lặc tượng trưng cho toàn bộ pháp giới của Phật Tỳ Lô Giá Na; lầu các ấy có tên là Tỳ Lô Giá Na Đại Trang Nghiêm.
(View: 1018)
Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,)
(View: 839)
Tín ngưỡng Dược Sư với đại diệnthế giới Lưu ly nằm ở phương Đông mà nó tương tự với các cõi Tịnh độ khác, đều dùng việc
(View: 932)
Hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi khi nghĩ về giáo lý vô thường liên quan đến cuộc đời tôi.
(View: 1130)
Lôgic học là một ngành học có mục đích xác định các quy tắc vận hành của tư duy để tìm kiếm sự thực.
(View: 1000)
Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội, con người luôn khát khao tìm cầu hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu về vật chấttinh thần.
(View: 1012)
Tuệ là trí tuệ tức cái biết, thức là nhận thức cũng là cái biết. Cả hai đều là cái biết nhưng có đặc điểm khác nhau.
(View: 1143)
Khái niệm Niết-bàn vốn thành hình cách đây hơn 2500 năm. Các học giả và các triết gia khác nhau
(View: 1326)
Ở trên là hai câu đầu trong bài kệ Lục Tổ Huệ Năng khai thị nhân bài kệ của thiền sư Ngọa Luân. Câu chuyện được thuật lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ Duyên thứ 7.
(View: 1475)
Chữ “Tăng đoàn” là một thuật ngữ tiếng Phạn, có nghĩa là “cộng đồng” và được sử dụng chủ yếu để chỉ những tín đồ đã xuất gia của Đức Phật,
(View: 1475)
Tóm tắt: Phật giáotôn giáo được biết đến như một hệ thống triết học mang đậm chất tư duy, trí tuệ cùng giá trị đạo đức cao.
(View: 1345)
Mỗi người hiểu về nghiệp theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào nhận thức và trải nghiệm bản thân, nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của cách hiểu trong dân gian về khái niệm của từ này.
(View: 1224)
Từ ngàn xưa cho đến thời điểm xã hội phát triển mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay, mặc dù nền văn minh có bước tiến bộ vượt bậc
(View: 1209)
iáo lý Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa mở ra kho tàng pháp bảo Phật giáo, vì có thể giải quyết những vấn đề của khổ đau, cả sự sanh ra hay chết đi của con người.
(View: 1198)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 14. Kinh văn số 550 gồm 12 quyển. Chữ Hán từ trang 865 đến trang 894, gồm tất cả 29 trang.
(View: 1345)
Những nhu cầu của con người sinh học thì giản dị, khi đói chỉ mong được ăn, khi khát mong được uống, khi mệt mong được nằm,
(View: 1315)
Khi thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, những khổ thọ chết người đều đã trải qua,
(View: 1531)
Trong quá trình thuyết giáo của đức Phật, những lời dạy của Ngài không được lưu giữ dưới dạng văn bản chữ viết
(View: 1199)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(View: 1105)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp với căn cơ của mình
(View: 1228)
Trọng tâm của triết học Phật giáohọc thuyết nổi tiếng về tính không - rằng tất cả chúng sinhhiện tượng đều trống rỗng về bản chất hay bản chất cố hữu.
(View: 1411)
Vô phân biệt được nói đến nhiều lần trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật.
(View: 1232)
Theo lý Duyên Khởi của đạo Phật, tất cả vạn hữu vũ trụ được hình thành do yếu tố hòa hiệp của nhơn duyên và sẽ đi đến phân ly do duyên tan rã.
(View: 1251)
Cuộc chiến đấu mới–Sau khi Đức Phật nhập diệt, hình bóng của ngài vẫn hiện ra trong hàng thế kỷ trong một hang động–một hình bóng rất lớn
(View: 1377)
Như Nietzsche khuyên răn chúng ta hãy lại bắt đầu học làm mới bằng cách để ý đến những việc ‘tầm thường’ và sự vận hành của ‘thân’ để xác định
(View: 1355)
Tôi nghĩ là làm một việc có lý khi bác bỏ tuyên bố của Nietzsche rằng đạo Phật là một dạng của ‘thuyết hư vô thụ động,’ rằng đạo Phật truyền dạy
(View: 1361)
Đặt vấn đề có phải đạo Phật là một dạng của ‘Chủ thuyết hư vô thụ động’ có nghĩa là đặt vấn đề liệu summum bonum[1] của đạo Phật,
(View: 1407)
Dù có nhiều tác phẩm đa dạng về Phật học thích dụng ở Châu Âu thời kỳ trước Nietzsche,
(View: 1452)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(View: 1430)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant