TẬP SỐNG VỚI TÂM XẢ
Thích Thông Phương
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:
Người ngu si thiếu trí, Tự ngã thành kẻ thù, Làm các nghiệp không thiện, Phải chịu quả đắng cay.
Người ngu si thiếu trí tuệ biến tự ngã của mình thành kẻ thù, lại tưởng kẻ thù của mình ở bên ngoài nhưng chính mình là kẻ thù của mình đó.
Biến tự ngã mình làm kẻ thù của mình là sao? Là tự mình làm nghiệp không thiện để rồi chịu quả khổ, quả dắng cay.
Tự mình đem đau khổ lại cho mình chứ không phải người ngoài đem đau khổ lại cho mình. Nghĩa là tạo nghiệp xấu, gây đau khổ cho người thì quả đau khổ đó sẽ trả lại cho mình. Như vậy không lo tự trách mình lo trách ai.
Quí Phật tử xét kỹ xem ai đã đem quả báo xấu ác đến cho mình? Chính mình tự tạo thôi. Mình tạo cái nhân xấu trước rồi quả xấu đó mới đến với mình. Như vậy mới nói chính mình làm khổ mình mà lại không hay. Đã hiểu như vậy rồi thì phải khéo sống để tránh nhân quả xấu. Tránh đau khổ cho mình cũng là thấy được oan trái rất là đáng sợ.
Nên người khéo tu thì không kết oan trái thêm với người mà phải cởi mở. Phải tập sống có tâm từ, bớt gây hờn, gây hận, cũng không đem oán hận đến cho người. Đây Phật dạy rất rõ, chính mình tự biến mình thành kẻ thù của mình chứ không ai khác.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng có dạy cách giải tỏa những oán hờn: “Đây là cách để biết được cái kẻ thù đích thực đang nằm trong lòng chúng ta, đâu phải ở bên ngoài. Đừng lo tìm bên ngoài mà phải soi lại để thấy rõ nó nằm ngay trong lòng mình đó. Đó chính là tính ích kỷ, lòng quyến luyến và sự tức giận của chúng ta”.
Nó chính là kẻ thù trong lòng mình, gây đau khổ cho mình, vậy mà chỉ lo nhìn bên ngoài. Ngài bảo chúng ta nên biết: “khả năng kẻ thù gây ra cho chúng ta rất là hạn hẹp. Nếu người nào đó thách thức kích động chúng ta thì chúng ta nên kiềm chế lại không tức giận, tập lâu rồi thuần thục sẽ không còn tức giận, dù người đó có làm gì thì cũng không thể gây hại cho chúng ta.
Trái lại, khi họ gây những cảm giác vô cùng tức giận, hay chính lòng ham muốn của ta xuất hiện thì chúng tạo nên sự rối loạn trong tâm hồn chúng ta. Tâm khởi lên sự tức giận nào đó thì ta sẽ cảm thấy bất an trong tâm mình. Ngay lúc đó chúng phá hoại sự an lạc trong tâm, cũng như tạo nên sự buồn phiền hủy diệt công đức tu hành của chúng ta”.
Rõ ràng kẻ thù ở ngay trong lòng mình chứ không ở đâu xa. Nghĩa là khi tức giận không kiềm chế được làm hành động đáp trả lại thì chính khi đó ta đã tự hủy diệt công đức tu hành của mình. Như tu một tháng mà khi nóng giận chưởi người ta chừng một tiếng đồng hồ thì sao? Thì công phu một tháng sẽ tiêu hết phải không?
Rõ ràng nếu làm như vậy thì đúng là mình hại mình. Mình hại mình trước chứ đâu có ai hại mình. Và mỗi khi mình tức giận ai đó thì mình cứ tưởng người ta khổ chứ sự thật thì mình khổ trước. Khi mình tức giận thì trong tâm bứt rứt, sôi sục tự đốt mình, là mình khổ trước người ta rồi.
Thấy được điều đó thì chúng ta phải giải tỏa chứ không kết thêm, phải biết kiềm chế. Cho nên, mỗi người phải tu tập cái tâm, thấy rõ oán hận là khổ không chút nào vui hết.
Cho nên, đừng nghĩ rằng mình giận ai đó là giận cả đời, nhiều khi chúng ta hiểu lầm nói giận ai đó là giận cả đời không quên, tưởng đâu như vậy là hay, nhưng đâu phải vậy.
Nếu mà giận cả đời là khổ cả đời luôn. Lâu lâu gặp người đó thì sao? Mình khổ trước thôi.
Quí vị nghĩ, sống trên đời này mà giận cả đời chừng 20 người thì sao? Thì mình ít khi cười được lắm! Lâu lâu ngồi nhớ lại chuyện giận hờn thì làm sao cười được? Rồi lâu lâu nghĩ đến anh kia thật là đáng tức, chị kia thật đáng hận... Vậy là cả ngày sẽ không có nụ cười.
Nên Phật dạy “Oán tắng hội khổ”. Người không ưa mà cứ gặp hoài thì khổ. Chúng ta phải tu tập tâm xả để cởi mở bớt thì đó là cái hạnh đưa đến an vui. Còn kết hờn kết oán thì chỉ làm khổ, khổ mình mà khổ cho người nữa. Quý phật tử nghĩ lại xem, mình sống trên đời này được bao lâu? Năm bảy chục năm là dài.
Chư Phật lại dạy đời người chỉ sống trong hơi thở, mà đã sống trong hơi thở thì hờn giận làm cái gì? Ai mà luôn nhớ mạng sống của mình trong hơi thở thì còn hờn giận làm gì! Bởi ai cũng nghĩ mình sống năm bảy chục năm nên mới hờn cho đã giận. Còn nghĩ mạng sống của mình chỉ trong hơi thở thì còn thời gian đâu mà giận. Giận nhiều hay ít rồi cũng chết, vậy giận làm gì? Nếu luôn nhớ nghĩ như vậy thì cởi mở, sanh thêm lòng bi mẫn với nhau, thôi gây đau khổ thêm cho nhau.
Đây không phải nói trên lý thuyết, mạng sống con người trong hơi thở là lẽ thật. Vì chúng ta nhìn theo con mắt chúng sanh nên thấy nó lâu dài, nếu xét kỹ thì mạng sống đúng là chỉ trong hơi thở. Chúng ta đang sống tạm trong hơi thở, nếu hít vô thở ra mà không hít vô nữa thì sao? Thì chết liền. Rõ ràng là sống trong hơi thở chứ gì.
Nếu hơi thở ra mà không hít vào là chết. Như thế mới thấy cuộc sống con người rất mỏng manh, có gì đâu để kết oán, kết hờn với nhau. Hơn nữa, thế gian này đã quá nhiều đau khổ rồi còn đem đau khổ đến cho nhau chi nữa. Nên giờ đây phải tập sống với tâm xả, xả bớt và xả dứt “cái tôi” này, đó là cái căn bản. Tham sân si đều từ “cái tôi” đó, xả là phải xả cái gốc chứ còn xả cái này cái kia mà không xả “cái tôi” cũng là chưa xả hết đâu!
Bởi vì tham là tham cho ai? Còn sân là tại sao sân? Là tại đụng tới tôi. Nếu không có tôi thì ai sân? Còn si thì tại sao si? Tại mê cái tôi này, tưởng đâu nó là mình thì đó là si. Mình có phải cái thân này không, phải cái tâm này không? Quí vị kiểm kỹ xem thân này là cái gì? Do đất, nước, gió, lửa hợp thành. Mà đất là cái gì? Là thứ vô tri đâu có biết gì! Nước có hiểu biết gì? Gió có hiểu biết gì? Lửa có hiểu biết gì? Thế mà cho mình là mấy thứ vô tri như vậy nên si là ở chỗ đó.
Nếu nói theo hình tướng thì do da, gân, thịt, xương, máu huyết tụ lại thành thôi chứ có gì đâu! Đúng ra nói đây là bộ xương, ngoài có da bọc lại, trong đó có một số máu gân vậy thôi! Vậy xương thịt nó có biết gì không? Rồi gân máu nó có biết gì không? Và thần kinh nó có biết gì không? Thường thì người ta nói thần kinh biết nhưng người chết dây thần kinh vẫn còn mà nó đâu có biết, có cái gì đó gá vào thôi. Rồi chấp mình cũng là mấy cái thứ đó, rõ ràng là si.
Bây giờ khoa học tiến bộ càng thấy rõ hơn, cái túi máu mà lúc chưa truyền vô người mình thì nó là của ai? Nhưng khi truyền vô người mình rồi thì sao? Nói nó là của tôi. Rõ ràng si là ở chỗ đó.
Hiện nay, quả thận người ta cũng thay được. Và khi lấy trái thận của người khác ghép vô thân mình còn trái thận của mình khi cắt bỏ ra thì đó là của ai? Cũng như con mắt bị hư bỏ ra ngoài rồi thì của ai? Hoặc cái chân bị tai nạn cưa bỏ ra ngoài rồi thì cái chân đó của ai?
Cho nên, gốc si là cái tôi mà xả cái tôi rồi thì mấy cái kia cũng theo mà xả hết. Dù cho chúng ta có xả cái này, xả cái nọ, xả cái kia mà không xả cái tôi thì “cái si” vẫn còn. Nên quý vị thấy những người có tâm tốt bỏ ra cái này cái nọ cái kia để cứu trợ thì đó là tâm xả nhưng chỉ lo xả cái này mà không xả cái tâm si thì sao? Thì nhiều khi bố thí cũng bị phiền não.
Bố thí cho mà bị người giành giựt thì cũng phiền não. Có khi bố thí cho người cái này mà khi ra ngoài người không cần đem bỏ đi hoặc cho lại người khác thì sao? Buồn!
Vật chất mình đã đem cho người rồi mà cứ nghĩ của mình. Đúng ra, mình đã cho người ta rồi thì là của người ta, tùy người sử dụng. Nếu đã cho rồi mà vẫn còn nhớ cái đó là của mình nên buồn nên trách. Cho nên, người khéo xả cái tôi này trước thì xả bên ngoài mới yên. Nếu chỉ lo xả ở ngoài mà không xả cái tôi thì vẫn còn sanh chuyện. Đó là cái gốc. Và cũng chính vì cái tôi đó mà thành ngăn cách với tất cả.
Trích "OÁN HẬN NÊN GIẢI KHÔNG NÊN KẾT" - TT. Thích Thông Phương
- Từ khóa :
- Thích Thông Phương