VỀ NGUỒN
1/ Nguồn
Con người được sinh ra đời, sống trong cuộc đời nhưng càng lớn lên càng cảm thấy mình như vẫn thiếu thốn cái gì, như vẫn là một người thất lạc. Rồi người ta bù đắp sự thiếu thốn ấy bằng danh vọng, tiền tài, quyền lực, bằng tình yêu và thậm chí bằng cả những điều xã hội không cho phép như các tệ nạn nhậu nhẹt, ma túy…
Sự thiếu thốn, thất lạc ấy được diễn tả nhiều trong văn chương và triết học: sự nhớ về quê hương hữu thể (Nolstalgie de L’Être). Quê hương Hữu thể ấy văn chương và tôn giáo thường gọi là nguồn. Như Bùi Giáng đặt tên cho tập thơ đầu tiên của mình là Mưa Nguồn, và cả cuộc đời ông là một hành trình trở về quê hương, trở về nguồn.
Tâm tình một nẻo Quê Chung
Đường về Cố Quận muôn trùng ta đi.
Đây là hai câu thơ của Huy Cận, nhưng Bùi Giáng đã viết nhiều lần trong thơ, khiến nhiều người tưởng là của ông, vì thấy cuộc đời ông cũng như thế thật.
Quê hương, gốc nguồn là một điều ám ảnh Bùi Giáng cả đời, và đó là nỗi ám ảnh đã làm nên sự nghiệp thơ ca của ông:
Hỏi quê rằng biển xanh dâu
Hỏi tên rằng mộng ban đầu đã xa.
Chữ “nhớ” được nhắc rất nhiều lần trong thơ ông:
…Ngõ về em có nhớ không
Bóng vang đầu nước hình lồng cuối sân
….
Mùa mây trên tháng năm còn
Ngày vui thứ nhất trái tròn sơ nguyên
Dâu Tần ngả nhánh nghiêng nghiêng
Ôi người cố quận nhìn em phương nào.
(Đi tìm)
Trong bài thơ viết về Đà Lạt, một nơi chốn hiện còn trong cuộc sống mỗi người, ông lại nhớ về một non nước đã mất mát, đã chia biệt không còn ai biết nơi đâu. Bài thơ kết thúc bằng bốn câu:
Non nước ấy chìm đâu em có biết
Dựng bên trời để nhớ để quên đi
Màu nước chảy để dư vang chia biệt
Vọng miên man trường hận thở than gì.
Với Hàn Mặc Tử, sự thất lạc, mất mát, sự bị bỏ rơi ấy còn khốc liệt hơn:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
(Những giọt lệ).
Martin Heidegger, một trong vài triết gia quan trọng nhất thế kỷ 20, mà chủ đề của ông là sự bỏ quên hữu thể hay bản tánh (l’oubli de l’Etre, Seinsvergessenheit). Chính vì sự bỏ quên hữu thể này mà con người đang ở trong một thời đại nguy hiểm. Hữu thể hay bản tánh còn được ông nói đến bằng những từ Nguồn gốc (Ursprung), Quê hương (Heimat), cái Thiêng liêng…
Quê hương đích thực, cội nguồn là nơi chốn mà triết học và thơ ca, tiểu thuyết luôn luôn tìm kiếm, bởi vì con người sinh ra đời trong một sự mất cội nguồn.
Nhan đề một cuốn sách của Albert Camus là L'exil et le Royaume được dịch là Lưu đày về Quê nhà (Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch, Giao Điểm 1965). Trong Kinh Thánh và Kinh Pháp Hoa đều có câu chuyện chàng thanh niên khốn khổ quên mất đường về quê hương và khó nhọc tìm về.
2/ Nguồn như là đích đến của con đường Phật giáo
Số phận con người là lưu lạc và nó chỉ chấm dứt được sự lưu lạc khổ đau khi về đến quê hương:
Khách lâu ngày ly hương
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu
hoan đón chào mừng.
(Pháp Cú, Phẩm Hỷ Ái, 219, HT Thích Minh Châu dịch)
Quê hương, nhà, nguồn được nói nhiều trong kinh điển, ở đây chỉ nói về chữ Nguồn.
Những Kinh Đại Bát Nhã nói “Bát nhã, trí huệ tánh Không, sanh ra chư Phật, là mẹ của chư Phật”. Như thế nghĩa là tánh Không là mẹ, là nguồn sanh ra chư Phật.
Chư Phật chứng ngộ hoàn toàn tánh Không, thị hiện ra đời từ tánh Không, thuyết pháp và làm việc trong tánh Không, và nhập diệt là lại nhập vào tánh Không. Chúng sanh cũng thế, sanh ra đời với nghiệp tốt và nghiệp xấu của mình từ tánh Không, hiện hữu trong tánh Không, và chết đi với nghiệp tốt nghiệp xấu của mình trong tánh Không. Tất cả vũ trụ chúng sanh dầu nghiệp tốt và nghiệp xấu đều không thể ra ngoài tánh Không, không thể ra khỏi Nguồn tánh Không, dù có biết hay không biết. Trong Kinh Đại Bát Nhã còn nói tánh Không đồng nghĩa với tánh Như.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Hơn nữa, “Chúng sanh tức là Phật tánh; Phật tánh tức là chúng sanh” (phẩm Bồ Tát Ca Diếp). Phật tánh “đều có” nơi tất cả chúng sanh nghĩa là Phật tánh là nguồn của tất cả chúng sanh. Và Phật tánh “tức là” tất cả chúng sanh nghĩa là Nguồn Phật tánh ấy vẫn thường hằng có mặt nơi chúng sanh, không vì nghiệp của chúng sanh mà hư hoại. Chúng sanh tức là nguồn Phật tánh nghĩa là chúng sanh vốn là Phật, như Kinh Viên Giác nói, “Chúng sanh bổn lai thành Phật”.
Một Tantra căn bản của Đại Toàn Thiện có nhan đề là Supreme Source, Kunjed Gyalpo, do Chogyal Namkhai Norbu và Adriano Clemente dịch và giảng, nxb Thiện Tri Thức 2018. Dịch ra tiếng Việt là Nguồn Tối Thượng Kunjed Gyalpo, Tantra Căn bản của Dzogchen Semde.
Nguồn chung ấy, theo Kinh Hoa Nghiêm là:
Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Tâm, Phật, và chúng sanh
Cả ba không sai khác
(Dạ Ma cung kệ tán, thứ 20).
Nói cách khác, tâm, Phật và chúng sanh, cả ba đồng nguồn.
3/ Về đến nguồn
Tất cả những con đường, những phương pháp, những pháp môn Phật giáo đều đưa chúng ta về đến nguồn ấy. Ở đây trích một ít kinh thông tin cho biết về đến nguồn sẽ như thế nào để người thực hành có thêm đam mê, động lực mà đi tới cùng.
- Theo Kinh Đại Bát Nhã, nguồn ấy là “không có chỗ trụ” (vô sở trụ). Và vì nguồn không ở riêng một nơi nào cả nên nguồn ấy ở khắp tất cả chỗ, trong mọi không gian, trong mọi thời gian.
Về đến quê nhà thì thấy khắp cả đều là quê nhà, nghĩa là đều là tánh Không, tánh Như. Thế nên Kinh Viên Giác nói:
“Vì tất cả vốn là Giác vậy” (Chương Bồ tát Phổ Nhãn).
Kinh Kim Cương nói:
“Như Lai tức là nghĩa Như của tất cả các pháp… Thế nên Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là Phật pháp”.
Thiền sư Thường Chiếu (?- 1203) có hai bài kệ:
Ở đời làm thân người
Tâm là Như Lai tạng
Chiếu sáng khắp muôn phương
Tìm đó lại trống không.
Và:
Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Ngoài vô số cõi nước
Nơi đâu chẳng phải nhà.
Người chứng ngộ được nguồn tâm, “Tâm là Như Lai tạng” thì ở đâu cũng là quê hương, là nhà, là cội nguồn, “Nơi đâu chẳng phải nhà”.
- Khi về đến nguồn thì cảnh giới sanh tử bất tịnh của chúng sanh được chuyển hóa thành cảnh giới thanh tịnh Như Lai. Đó là vì tâm vô minh phân biệt bất tịnh của chúng sanh đã trở về nguồn tâm vốn thanh tịnh của Như Lai.
“Đại Bồ tát dùng trí huệ vô ngại biết tất cả cảnh giới thế gian là cảnh giới Như Lai. Biết tất cả cảnh giới ba đời, tất cả cảnh giới các cõi, tất cả cảnh giới của pháp, tất cả cảnh giới chúng sanh, cảnh giới chân như không khác biệt, cảnh giới pháp giới không chướng ngại, cảnh giới không có cảnh giới, đều là cảnh giới Như Lai”.
(Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai Xuất Hiện thứ 37).
Khi về đến nguồn thì tất cả mọi cảnh giới của chúng sanh, núi sông, đất đai, cây, đá… đều là cảnh giới của nguồn tánh Không – tánh Như thanh tịnh vậy.
- Các Kinh Đại thừa thường nói, “sanh tử tức là Niết bàn”. Ở đây trích một câu trong Kinh Viên Giác, phẩm Phổ Nhãn, để hiểu ở nguồn thì sanh tử và chúng sanh sẽ được thấy như thế nào.
“Mới biết chúng sanh xưa nay thành Phật, sanh tử Niết bàn giống như giấc mộng đêm qua”.
“Sanh tử Niết bàn giống như giấc mộng đêm qua”: Sanh tử và Niết bàn đồng là tánh Không, đồng một nguồn tánh Không – tánh Như. “Mới biết chúng sanh xưa nay thành Phật”: chúng sanh và chư Phật đều đồng nguồn, đều xuất hiện từ đồng một nguồn tánh Không - tánh Như.
Đồng nguồn, đó là đại từ đại bi.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng