Cái Thấy Của Bậc Vào Dòng
Thích Nguyên Hùng
Thích Nguyên Hùng
Vào dòng tức Nhập lưu hay Dự lưu, là từ dòng đời bước vào dòng Thánh, từ địa vị phàm phu bước lên địa vị Thánh hiền, vĩnh viễn không còn rơi vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đây là Thánh quả đầu tiên trong bốn Thánh quả mà người học Phật đạt được và chỉ duy nhất giáo pháp của Phật mới có khả năng đưa tới thành tựu Thánh quả này mà thôi.
Đức Phật khẳng định: “Trong giáo pháp nào nếu không có tám Thánh đạo thời ở đó không có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trong giáo pháp nào có tám Thánh đạo thời ở đó có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nay trong giáo pháp này có tám Thánh đạo nên có quả vị Sa-môn thứ nhất, quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong các chúng ngoại đạo không có.”1
Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư chính là Tứ thánh quả Dự lưu (Tu-đà-hoàn), Nhất lai (Tư-đà-hàm), Bất lai (A-na-hàm) và Vô sinh (A-la-hán). Bài viết này sẽ dưới thiệu về cái thấy của bậc thánh Dự lưu.
Định danh
Dự lưu (Srotāpanna, Tu-đà-hoàn), còn gọi là Nhập lưu, Nghịch lưu, là quả vị đầu tiên trong bốn Thánh quả và là giai vị đầu tiên trong 18 giai vị hữu học. Dự lưu là dự vào dòng Thánh vô lậu. Vì đi ngược dòng đời, vốn cuồn cuộn cuốn trôi và nhấn chìm chúng sinh trong trầm luân sinh tử như dòng thác dữ cuốn trôi và nhấn chìm cành củi mục, nên còn gọi là Nghịch lưu. Là quả vị đầu tiên trong dòng Thánh nên còn gọi là Sơ quả. Người hướng tới quả này, trong giai đoạn dứt trừ kiến hoặc của 15 tâm Kiến đạo, gọi là Nghịch lưu hướng, cũng gọi Dự lưu hướng, tức là nhân vị của quả Dự lưu. Theo Huyền ứng âm nghĩa, quyển 23: “Tất cả Thánh đạo gọi là Lưu (dòng chảy), vì hay nối nhau xuôi tới Niết-bàn”.
Những điều kiện nhập dòng
Một thời, Đức Thế Tôn cùng đại chúng ngự đến thôn Na-đà. Bấy giờ, tại thôn Na-đà có nhiều cư sĩ mạng chung, Tôn giả A-nan không biết họ sinh về đâu, bèn đến xin Phật chỉ dạy. Đức Phật dù quở trách A-nan, rằng “phàm có sinh thì có chết, đó là lẽ thường của cuộc đời, có gì là quái lạ”, vẫn cho biết những người đã đoạn năm hạ phần kết mệnh chung sinh thiên, họ nhập Niết-bàn ở đó chứ không trở lại cõi này nữa; những người do đoạn trừ ba kết sử, dâm, nộ, si mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm, sẽ trở lại cõi này một lần để dứt hết gốc khổ; những người do đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào ác thú, chắc chắn Thánh đạo, chỉ trở lại cõi này bảy lần để dứt hết gốc khổ. Rồi Đức Phật dạy, “Này A-nan, nay Ta sẽ nói cho ngươi về Pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sinh, dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ, và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe”2.
Bốn niềm tin không lay chuyển
Pháp kính là gương pháp, tức là nhìn vào pháp mà một người Phật tử áp dụng, thực hành, tu tập trong cuộc sống hàng ngày thì sẽ thấy được hướng đi của cuộc đời mình, sẽ biết thú hướng tái sinh, sẽ biết mình sẽ đi về đâu, thác sinh vào cảnh giới nào. Nếu nhìn vào cuộc sống của người Phật tử, hay người Phật tử tự nhìn vào cuộc sống của chính mình, thấy có bốn niềm tin bất hoại, không lay chuyển, trọn đời trung kiên với đạo pháp, cho dù mặt trời, mặt trăng có rơi rụng thì bốn niềm tin đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới không lay động… thì biết chắc chắn người đó đã dự vào dòng Thánh. Kinh ghi: “Này A-nan! Pháp kính là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín, hoan hỷ tin Phật là Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mười đức hiệu đầy đủ. Hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí. Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hoặc có người đang hướng tới Tu-đà-hoàn và được quả Tu-đà-hoàn, có người đang hướng tới Tư-đà-hàm và được quả Tư-đà-hàm, có người đang hướng tới A-na-hàm và được quả A-na-hàm, có người đang hướng tới A-la-hán và được quả A-la-hán. Ấy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời. Tin giới của Hiền thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam-muội định vậy. A-nan, đó là Pháp kính, khiến Thánh đệ tử biết chỗ thọ sinh, dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời hoàn tất tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói cho người khác sự việc ấy”3.
Như vậy, đối với hàng Phật tử tại gia chỉ cần thành tựu Tứ bất hoại tín là đã có thể vào dòng, đã có thể bước ra khỏi dòng đời ô trược, khổ đau, đắm chìm... để dự vào dòng Thánh, qua lại trời người và tiếp tục tu tập tối đa bảy lần là chấm dứt sinh tử, cho nên quả vị này còn gọi là Thất lai.
Tứ dự lưu chi
Tuy nhiên, cho dù người Phật tử đã quy y Tam bảo và phát nguyện thọ trì năm giới, nhưng không phải ai cũng thành tựu được bốn niềm tin không lay chuyển. Cho nên, để hướng đến Dự lưu quả, người Phật tử cần phải thực tập Tứ dự lưu chi. Đó là bốn yếu tố Thân cận thiện sĩ, Thính văn Chánh pháp, Như lý tác ý và Pháp tùy pháp hành. Nói cách khác, nếu không gần gũi thầy lành, bạn tốt để nghe và học Chánh pháp rồi tư duy, nghiền ngẫm chân lý để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày thì niềm tin khó được nuôi dưỡng. Kinh Tăng chi cho biết “Này các Tỷ-kheo, tín lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Dự lưu chi phần”4. Do vậy, gần gũi với những người có nhân cách, phẩm chất, trí tuệ cao thượng (thân cận thiện sĩ) để được nghe và được học, để hiểu biết những giá trị cao thượng mà người cư sĩ tại gia dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội cũng không thể tìm thấy trong những thú vui ngũ dục (thính văn Chánh pháp), để rồi từ đó suy ngẫm một cách sâu sắc, chân chánh (như lý tác ý) và thể nghiệm trong đời sống hàng ngày (pháp tùy pháp hành) là điều cần và đủ cho niềm tin bất hoại, ở trong thánh đạo gặt hái được nhiều thiện lợi, có thể (tái sinh) đến chỗ mình muốn, có thể giải thoát, có thể chứng đắc và cũng có thể tự tác chứng5.
Đoạn ba kiết sử
Nói một cách đơn giản, một người Phật tử sau khi quy y Tam bảo và thọ trì năm giới mà có thể giữ trọn niềm tin trọn vẹn, thanh tịnh, thỉnh thoảng đi chùa thân cận Tăng Ni, hộ trì Tam bảo, tụng kinh, sám hối, nghe pháp, tham dự khóa tu… để nuôi dưỡng niềm tin, tăng thượng tín, đến cuối cuộc đời thì coi như đã thành tựu Tứ dự lưu chi và Tứ bất hoại tín. Người đó đã đủ điều kiện Dự lưu. Nhờ thực tập đời sống như vậy mà họ cũng đoạn được ba kiết sử là thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Kinh ghi: “Những ai tin tưởng Phật không có thối chuyển, tin tưởng Pháp không có thối chuyển, tin tưởng Tăng không có thối chuyển, đầy đủ giới hạnh khiến bậc Thánh hoan hỷ, tất cả những vị được hóa sanh được Chánh pháp hướng dẫn, những vị này đều diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn đọa vào ác thú, chắc chắn đạt đến chánh giác”6.
Thân kiến còn gọi là ngã kiến (atma-dṛṣṭi), là nhận thức sai lầm về bản thân mình, là chấp ngã. Con người do năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức giả hợp mà thành, nhưng con người lại chấp có thật ngã như một chủ tể thường hằng, là thân kiến. Có ba loại ngã chấp: thô phù ngã chấp, ý sở thành ngã chấp, vô sắc ngã chấp. Có sắc, do bốn đại hình thành, do đoàn thực nuôi dưỡng là thô phù ngã chấp. Có sắc, do ý sở thành, đầy đủ chi tiết lớn nhỏ, các căn đầy đủ, là ý sở thành ngã chấp. Không có sắc, do tưởng sở thành là vô sắc ngã chấp. Đức Phật thuyết pháp là để diệt trừ những ngã chấp ấy. Nếu người nào thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại7.
Nghi là nghi ngờ, do dự, không quyết định. Đối với chân lý mà Phật đã chứng ngộ, thuyết giảng vẫn còn tâm nghi ngờ, do dự, cho nên không nỗ lực tu tập, hành trì, làm chướng ngăn thiện nghiệp, đó là tâm nghi. Ngay khi người Phật tử chánh tín Tam bảo thì tâm nghi ngờ này đã được diệt trừ.
Giới cấm thủ nói đủ là giới cấm thủ kiến, tức là những nhận thức, hiểu biết sai lầm về những giới cấm, cho rằng nhờ giữ giới ấy mà được thanh tịnh, được sinh thiên, được giải thoát tội lỗi, như cẩu giới (giới sống như con chó), ngưu giới (giới sống như con trâu)… Ở đây chủ yếu nói đến những giới cấm của ngoại đạo.
Ba kiết sử trên đây sẽ được đoạn trừ nhờ thực hành Tứ bất hoại tín, nhưng cũng có thể đoạn trừ nó bằng tri kiến, tức bằng nhận thức, thấy biết như thật về Tứ diệu đế. Kinh ghi “Người nào như lý tác ý: ‘Đây là khổ’, như lý tác ý: ‘Đây là khổ tập’, như lý tác ý: ‘Đây là khổ diệt’, như lý tác ý: ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ”8.
Cái thấy của bậc vào dòng
Do tri kiến mà đoạn trừ các lậu hoặc, và tri kiến đó chính là tri kiến về Bốn sự thật, cho nên quả vị Dự lưu còn được biết đến là giai vị Kiến đạo.
Kiến đạo, darśana-mārga hoặc dṛṣṭi-mārga, nói đơn giản là thấy đạo. Thấy đạo là thấy chân lý, tức thấy Bốn sự thật, thấy Tứ diệu đế. Một khi thấy được chân lý, quán sát Bốn sự thật thì phiền não sẽ rơi rụng, gọi là Kiến sở đoạn (darśana-prahātavya), tức là những phiền não này sẽ được đoạn trừ khi hành giả thấy chân lý (kiến đế). Đây là giai đoạn đầu tiên hành giả thấy Thánh đạo vô lậu mà nhập vào dòng Thánh, cho nên cũng gọi là Kiến đế đạo, tức là quả vị Dự lưu hướng, cũng gọi là Sơ địa Bồ-tát. Để đạt đến giai vị này hành giả phải trải qua bảy giai đoạn tu tập (thất phương tiện), đến giai đoạn Thế đệ nhất pháp không gián đoạn mới bắt đầu nhập vào Thánh vị Kiến đạo, từ đó dùng chân trí vô lậu để đoạn 88 sử kiến hoặc để chứng đắc Thánh quả. Như vậy, Kiến đạo, cụ thể là thấy được những gì để rồi từ đó thoát khỏi thân phàm, chứng Thánh vị?
Bảy phương tiện nhập dòng
Trước hết là thấy bản chất hư huyễn và bất tịnh của chính bản thân mình, cái thấy đưa tới sự dừng lại mọi tham muốn dục vọng thấp hèn (quán bất tịnh)9, khơi dậy tâm yêu thương (quán từ bi)10, bởi thấy mối liên hệ của cuộc cộng sinh sinh tồn (quán duyên khởi)11, tuyệt đối không tồn tại một cái ngã riêng biệt, tự sinh, tự tồn (quán giới phân biệt)12, để rồi ngồi lặng yên mà thở, cho thân tâm lắng đọng, bất bạo động (quán sổ tức)13. Kinh điển gọi những cái thấy này là ngũ đình tâm quán. Từ những cái thấy cơ bản này, hành giả tiếp tục quán chiếu để thấy thân bất tịnh, các thọ là khổ, tâm vô thường, các pháp vô ngã14 để đối trị những cái thấy điên đảo thường, lạc, ngã, tịnh và trực ngộ hết thảy các pháp hữu vi là vô thường, khổ, không, vô ngã!15
Ba phương pháp tu tập trên đây gọi là tam hiền, tức ba giai vị tu hành các thiện căn để ức chế phiền não, khiến cho tâm được điều hòa. Tiếp theo tam hiền là tứ thiện căn, tức bốn giai vị noãn, đảnh, nhẫn và thế đệ nhất pháp.16
Noãn là hơi ấm, đó là giai đoạn hành giả tiếp xúc được hơi ấm của trí tuệ vô lậu. Nghĩa là trí tuệ vô lậu chưa thực sự phát sinh nhưng đã tỏa ra hơi ấm có khả năng tiêu trừ phiền não. Thí dụ như khi lấy hai viên đá đánh vào nhau để lấy lửa, trong lúc lửa chưa phát sinh thì chỗ hai viên đá đánh vào nhau đã nóng trước, hơi nóng đó gọi là noãn. Cũng vậy, khi hành giả quán chiếu thân bất tịnh, dù trí tuệ vô lậu ly dục chưa phát sinh nhưng cũng đủ để làm cho tâm tham dục nguội lạnh. Các phiền não khác cũng thế, sẽ bị muội lược đi, yếu đi và rồi sẽ bị đốt sạch.
Nhẫn là nhận biết Bốn sự thật có ý nghĩa vô cùng thù thắng. Từ địa vị này trở đi hành giả thẳng tiến đến Niết-bàn, không còn thối lui nữa.
Thế đệ nhất pháp (lankikàgra-dharma) là giai vị tột cùng của trí hữu lậu, là pháp thù thắng nhất trong tất cả pháp thế gian. Hành giả đến đây đã có thể nương vào định vô gián mà phát trí như thật thượng phẩm, quán thấy mọi pháp đều duyên sinh vô ngã, những gì cả đời người tìm kiếm, nắm bắt… đều trở thành hư vô để vào thẳng địa vị Kiến đạo. Giai vị này từ Nhẫn vị mà tiến lên, qua giai vị này thì chỉ trong sát-na kế tiếp là tiến vào Kiến đạo, cho nên được gọi là pháp bậc nhất trong các pháp hữu lậu thế gian. Luận Câu-xá, quyển 23, ghi: “Pháp này là pháp hữu lậu nên gọi là thế gian, là pháp tối thắng nên gọi là Đệ nhất. Pháp hữu lậu này thù thắng nhất trong pháp thế gian, cho nên gọi là Thế đệ nhất pháp”17.
Trên đây là bảy phương tiện vào dòng, bao gồm tam hiền và tứ thiện căn. Nếu người Phật tử chỉ có niềm tin bất hoại với Tam bảo và Thánh giới thì dự vào dòng Thánh nhưng trí vô lậu khó phát sinh. Nhưng nếu người Phật tử thực tập tăng thượng tín bằng Tứ dự lưu chi, như lý tác ý hiện quán Tứ diệu đế thì trí vô lậu sẽ phát sinh. Đây mới thực sự là trụ ở địa vị Kiến đạo.
Hai loại trí vô lậu
Theo luận Câu-xá, khi đến giai vị Kiến đạo thì có hai loại trí vô lậu phát sinh, đó là pháp trí và loại trí. Pháp trí (dharma-jñāna) chính là trí vô lậu phát sinh trong quá trình quán sát Bốn sự thật ở Dục giới. Nói cách khác, trí vô lậu duyên theo lý của Tứ đế ở cõi Dục mà đoạn trừ phiền não ở cõi này, gọi là Pháp trí. Loại trí (anvaya-jñāna) là trí tuệ vô lậu quán sát Tứ đế ở cõi Sắc giới và Vô sắc giới, tức là nơi Khổ đế quán Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã; nơi Tập đế quán Tập, Nhân, Sanh, Duyên; nơi Diệt đế quán Diệt, Tĩnh, Diệu, Ly; nơi Đạo đế quán Đạo, Như, Hành, Xuất, tổng cộng gồm 16 hành tướng.
Pháp trí và Loại trí lại phân thành hai loại là Nhẫn và Trí. Nhẫn là trí tuệ tín nhẫn lý Tứ đế, có tác dụng đoạn hoặc. Trí là trí tuệ có khả năng chứng lý Tứ đế, có tác dụng chứng lý.
Nhẫn vị còn gọi là Vô gián đạo. Trí vị còn gọi là Giải thoát đạo. Vô gián đạo có nghĩa là trong từng sát-na hiện tại có khả năng đoạn trừ phiền não. Giải thoát đạo là giai vị chứng đắc chân lý sau khi đã đoạn trừ phiền não.
Do vì mỗi đế đều có Pháp trí và Loại trí, nên tổng cộng Tứ đế gồm có 16 tâm hay 16 hành tướng quán sát Tứ đế. Trong đó, Khổ pháp trí nhẫn và Khổ pháp trí đều nhờ quán sát Khổ đế ở Dục giới mà thành tựu. Tức là, ở giai vị Nhẫn đoạn trừ được 10 kiến hoặc mà thành tựu trí chứng chân lý Khổ đế. Còn Khổ loại trí nhẫn và Khổ loại trí là quán sát Khổ đế ở Sắc giới và Vô sắc giới, cùng đoạn trừ 18 loại kiến hoặc mà chứng đắc lý Khổ đế ở thượng giới (tức Sắc và Vô sắc giới). Tập pháp trí nhẫn và Tập pháp trí là quán Tập đế ở Dục giới, đoạn trừ 7 loại kiến hoặc, chứng lý Tập đế ở cõi này. Tập loại trí nhẫn và Tập loại trí là quán Tập đế ở Sắc giới và Vô sắc giới, đoạn 22 loại kiến hoặc, đồng chứng lý Tập đế ở hai cõi này. Diệt pháp trí nhẫn và Diệt pháp trí, Diệt loại trí nhẫn và Diệt loại trí cùng với Đạo pháp trí nhẫn và Đạo pháp trí, Đạo loại trí nhẫn và Đạo loại trí đều cùng quán Diệt đế và Đạo đế ở Dục giới và hai cõi thượng giới.
Trí vô lậu là trí dứt trừ phiền não trong 3 cõi Dục, Sắc và Vô sắc nhờ hiện quán Tứ đế. Hiện quán là phương pháp nhận thức trực tiếp, nhìn thẳng bản chất của các pháp thông qua thiền định, chứ không qua các khái niệm ngôn ngữ, văn tự, khiến cho chân lý trực tiếp hiện bày ở trước mặt, gọi là Thánh đế hiện quán. Theo luận Câu-xá, quyển 23, phẩm Hiền thánh, hành tướng của 16 tâm hiện quán Tứ đế như sau:
1. Khổ pháp trí nhẫn (duḥkhe dharma-jñāna-kṣāntiḥ): Hiện quán khổ đế ở cõi Dục, dứt trừ kiến hoặc mê lầm nơi những sự thật nỗi khổ, niềm đau. Cụ thể, nơi Khổ đế, chúng sinh cõi Dục có 10 sử kiến hoặc là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, thủ kiến, giới cấm thủ kiến, tà kiến. Nhẫn tức là tin. Trí là tin vào lý mà không nghi ngờ; trí này là nhân để đạt được Khổ pháp trí, cho nên gọi là Khổ pháp trí nhẫn.
2. Khổ pháp trí (duḥkhe dharma-jñānam): Hiện quán Khổ đế ở cõi Dục, ấn chứng lý Khổ đế. Nói cách khác, đây là trí vô lậu do quán xét Khổ đế ở cõi Dục, đoạn được 10 sử kiến hoặc nêu trên mà chứng được.
3. Tập pháp trí nhẫn (samudaye-dharma-jñānam-kṣāntiḥ): Hiện quán Tập đế ở cõi Dục, đoạn trừ kiến hoặc mê lầm nơi các nguyên nhân dẫn tới khổ đau, đó là 7 sử kiến hoặc tham, sân, si, mạn, nghi, thủ kiến, tà kiến.
4. Tập pháp trí (samudaye-dharma-jñānam): Hiện quán Tập đế ở cõi Dục, ấn chứng lý Tập đế đã đoạn hết 7 sử kiến hoặc nêu trên.
5. Diệt pháp trí nhẫn (nirodhe dharma-jñāna-kṣānti): Hiện quán Diệt đế ở cõi Dục, đoạn trừ kiến hoặc mê lầm nơi Diệt đế, đó là 7 sử kiến hoặc tham, sân, si, mạn, nghi, thủ kiến, tà kiến.
6. Diệt pháp trí (nirodhe dharma-jñānaṃ): Hiện quán Diệt đế ở cõi Dục, ấn chứng lý Diệt đế đã đoạn trừ hết 7 sử kiến hoặc nêu trên.
7. Đạo pháp trí nhẫn (mārga dharma-jñāna-kṣānti): Hiện quán Đạo đế ở cõi Dục, đoạn trừ kiến hoặc mê lầm nơi Đạo đế, đó là 8 sử kiến hoặc tham, sân, si, mạn, nghi, thủ kiến, tà kiến, giới cấm thủ kiến.
8. Đạo pháp trí (mārga dharma-jñāna): Hiện quán Đạo đế ở cõi Dục, ấn chứng lý Đạo đế đã đoạn hết 8 sử kiến hoặc nêu trên.
9. Khổ loại trí nhẫn (duḥkhe’nvaya-jñāna-kṣāntiḥ): Hiện quán Khổ đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, đoạn trừ kiến hoặc đối với Khổ đế, đó là 9 sử kiến hoặc tham, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, thủ kiến, giới cấm thủ kiến, tà kiến.
10. Khổ loại trí (duḥkhe’nvaya-jñānam): Hiện quán Khổ đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, ấn chứng lý Khổ đế đã đoạn hết 9 sử kiến hoặc nêu trên.
11. Tập loại trí nhẫn (samudaye ‘nvaya-jñānakṣāntiḥ): Hiện quán Tập đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, đoạn trừ kiến hoặc đối với Tập đế, đó là 6 sử kiến hoặc tham, si, mạn, nghi, thủ kiến, tà kiến.
12. Tập loại trí (samudaye ‘nvaya-jñānaṃ): Hiện quán Tập đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, ấn chứng lý Tập đế đã đoạn trừ hết 9 sử kiến hoặc nêu trên.
13. Diệt loại trí nhẫn (nirodhe ‘nvaya-jñāna-kṣānti): Hiện quán Diệt đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, đoạn trừ kiến hoặc đối với Diệt đế, đó là 6 sử kiến hoặc tham, si, mạn, nghi, thủ kiến, tà kiến.
14. Diệt loại trí (nirodhe ‘nvaya-jñāna): Hiện quán Diệt đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, ấn chứng lý Diệt đế đã đoạn hết 6 sử kiến hoặc nêu trên.
15. Đạo loại trí nhẫn (mārga-anvaya-jñāna- kṣānti): Hiện quán Đạo đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, đoạn trừ kiến hoặc đối với Đạo đế, đó là 7 sử kiến hoặc tham, si, mạn, nghi, thủ kiến, tà kiến, giới cấm thủ kiến.
16. Đạo loại trí (mārga-anvaya-jñāna): Hiện quán Đạo đế ở 2 cõi Sắc, Vô sắc, ấn chứng lý Đạo đế đã đoạn hết 7 sử kiến hoặc nêu trên.
Như vậy, cái thấy của bậc vào dòng là thấy rõ Bốn sự thật đủ làm rơi rụng 88 kiến hoặc khiến chúng sinh không thấy được chân lý mà từ đó trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Kiến hoặc (darsana-mārga-prahātavyānuśaya) là những nhận thức, những hiểu biết sai lầm về chân lý. Các phiền não này sinh khởi ở nơi tâm do sự dẫn dắt của tà sư, tà giáo18, gọi là phân biệt khởi; hoặc thuộc về mê lý, chấp lý Tứ đế, không chịu nhận chân sự thật19… Khác với Tu hoặc, là những phiền não tiềm phục trong tâm chúng sinh, theo chúng sinh từ đời này qua đời khác, gọi là câu sinh khởi. Tu hoặc chỉ được đoạn trừ khi hành giả vào địa vị Tu đạo.
Tạm kết
Nói tóm lại, có rất nhiều cách để một chúng sinh phàm phu rũ bỏ thân phận hèn mòn, suốt đời đi làm thuê, ở mướn như gã Cùng Tử, để bước lên ngôi vị cao sang, dự vào dòng Thánh, vĩnh viễn thoát ly ba đường ác, không còn bị đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác. Cách dễ nhất là thành tựu Tứ bất hoại tín, thâm tín Tam bảo và giữ tròn năm giới. Nếu được, và tất nhiên là sẽ được, vì không khó gì khi gần gũi thầy lành bạn tốt để được nghe, được học Chánh pháp; để tư duy nghiền ngẫm cuộc đời theo cách như lý tác ý trong cuộc sống thường tình, tức là tăng thượng tín bằng Tứ dự lưu chi. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đang tiếp xúc, đang đối diện với sự thật. Hãy như lý tác ý! Để thấy khổ, nguyên nhân của khổ; hạnh phúc và phương pháp đạt được hạnh phúc. Đó là tri kiến như thật về Tứ diệu đế, ba kiết sử sẽ được đoạn trừ. Đó cũng là cách Dự lưu. Cách khó hơn, tu tập tam hiền, tứ thiện căn, thấy nhiêu khê như trình bày trên, vẫn không ngoài thấy biết như thật về Bốn sự thật. Đó là cách làm cho trí vô lậu phát sinh, thẳng tiến đến Niết-bàn.
“Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích”20. Đạo lộ Dự lưu cũng thế, đã mở bày nhiều phương tiện. Hãy tùy theo khả năng của mình mà chuẩn bị hành trang dự vào dòng Thánh. Hành trang đó đôi khi chỉ cần mỗi buổi sáng thức dậy nghiêm thân, kính cẩn đối trước Tam bảo mà khấn nguyện rằng: “Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tam bảo chấp nhận cho con làm cư sĩ, thọ trì năm giới, từ nay cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng".
Thích Nguyên Hùng
Thư Viện Hoa Sen
___________________________
(1) Trường A-hàm, kinh Du hành. Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch.
(2) Kinh dẫn thượng.
(3) Kinh dẫn thượng.
(4) Tăng chi bộ, chương Năm pháp, phẩm Sức mạnh, (V) (15) Cần phải thấy, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
(5) Tăng chi bộ, chương Chín pháp, phẩm Chỗ cư trú của hữu tình, (VII) (27) Sợ hãi hận thù. Xem thêm: Pháp uẩn túc luận, ĐTK/ĐCTT, T.26, N°.1537.
(6) Trường bộ 18, kinh Xa-ni-sa, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
(7) Trường bộ 9, kinh Potthapàda, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
(8) Trung bộ 2, kinh Tất cả các lậu hoặc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
(9) Quán bất tịnh (aśubhā-smṛti) với mục đích đoạn trừ tâm tham dục, thường quán 9 giai đoạn phân hủy của tử thi, gọi là cửu tưởng quán.
(10) Quán từ bi (maitrī-smṛti), mục đích đối trị sân hận, thường nghĩ tưởng đến hạnh nguyện ban vui, bớt khổ cho chúng sinh.
(11) Quán duyên khởi (idaṃpratyayatā-pratītyasamu-tpāda-smṛti), quán chiếu 12 nhân duyên để đối trị ngu si.
(12) Quán giới phân biệt (dhātu-prabheda-smṛti), quán 18 giới, tất cả các pháp không ngoài 6 giới đất, nước, gió, lửa, không và thức hòa hợp mà thành, nhằm đối trị tâm chấp ngã.
(13) Quán sổ tức (ānāpāna-smṛti), quán hơi thở ra vào để đối trị tâm tán loạn.
(14) Gọi là Biệt tướng niệm trụ (vyasta-lakṣaṇa-smṛtyupasthāna), tức tu Tứ niệm xứ.
(15) Gọi là Tổng tướng niệm trụ.
(16) Đại thừa nghĩa chương, quyển 7. ĐTK/ĐCTT, T.44, p.789b.
(17) ĐTK/ĐCTT, T. 25, N°. 1558, p. 0119b10. (18) Theo quan điểm của các nhà Duy thức thông.
(19) Theo quan điểm của các nhà Câu-xá tông.
(20) Trung bộ 3, Kinh Thừa tự pháp, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
- Tag :
- Thích Nguyên Hùng
Send comment