Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VIII ra đời vào năm 1758 tại Thobgyal, Lhari Gang, thuộc vùng Tsang miền Tây Nam của Tây
Tạng. Cha mẹ ngài là Sonam Dhargye và Phuntsok Wangmo. Họ vốn là người từ vùng Kham và đã tìm về tổ tiên ở Dhrala Tsegyal, một trong những nơi sản sinh ra các anh hùng huyền thoại của thiên anh hùng ca Gesar.
Ngay sau khi mẹ của ngài mang thai, vùng Lhari Gang đã được ban phúc với
những vụ mùa bội thu, những điều kỳ diệu đã xảy ra trong lúc ngài đản sinh, những cầu vồng rực rỡ đã bao quanh căn nhà khi ngài cất tiếng khóc
chào đời. Các đại diện từ Lhasa được gởi đến kiểm chứng ngài như thường
lệ và khẳng định ngài chính là tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VII.
Vào năm 1761, ngài được đức Panchen Lama chính thức tuyên bố ngài chính
là hiện thân của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VII – Kelang Gyaso. Qua năm sau, ngài được viên quan nhiếp chính đưa đến Lhasa và làm lễ đăng quang ở
cung điện Potala. Ngài Panchen Lama đã truyền Ngũ giới, đặt Pháp danh là Jampal Gyatso, sau đó chính thức truyền lễ xuất gia cho ngài năm 1765
và truyền giới Cụ túc năm 1777. Panchen Lama cũng đã dạy dỗ, hướng dẫn và trao truyền giáo pháp Kinh tạng và Mật tông cho Jampal Gyatso trong suốt nhiều năm. Ngài được đào tạo theo truyền thống Gelugpa cũng giống như đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VII. Tuy nhiên, sau này, ngài đã theo truyền thống của các Đạt-lai Lạt-ma trước, là kết hợp giáo lý của phái Gelugpa và Nyingmapa trong quá trình hành pháp của mình.
Sau cái chết của
viên quan nhiếp chính Jampal Delek, đức Đạt-lai Lạt-ma được yêu cầu lên
nắm chính quyền nhưng ngài đã từ chối và tuyên bố rằng ngài chưa hoàn tất việc học hành của mình. Do vậy, ngài Ngawang Tsultrim ở chùa Tsernonling, một người rất nổi tiếng, một học giả lỗi lạc, là thầy giáo của hoàng đế trong suốt 14 năm - đã được đề cử lên làm quan Nhiếp chính để phụ giúp ngài về vấn đề chính trị. Một năm sau, ông được chọn làm Tri
Rinpoche - người đứng đầu Tăng đoàn của phái Gelugpa và đứng vị trí thứ
III trong giới Tăng sĩ Tây Tạng. Ông đã hoàn tất nhiệm kỳ của mình trong vòng 7 năm. Suốt thời kỳ vị thành niên của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VIII, thanh thế của ông càng trở nên nổi tiếng. Richardson suy luận về điều này rằng do đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VIII trưởng thành quá chậm và không có nét gì nổi bật. Ông cũng ghi về Panchen Lama: “Một người có tính cách đặc biệt, thông thái và đầy tài năng” , khác với một viên quan
nhiếp chính dưới sự giám sát của chính quyền Trung Quốc, ngài được tự do hành động mà không có bất cứ sự can thiệp nào. Ngài được hoàng đế kính trọng, thường hay đến tham khảo ý kiến về các vấn đề tâm linh và chính trị. Nhà đại diện của Anh - George Bogle - người đến Tashi Lhunpo để thảo luận về vấn đề thương mại và các mối quan hệ về tiềm năng ngoại giao đã xem đức Panchen Lama như “là một chiến sĩ thật sự bảo vệ cho quyền lợi của Đạt-lai Lạt-ma và nhân dân Tây Tạng”.
Theo lời mời
của hoàng đế Ch’ien Lung, sau khi đã cùng với Hội đồng chính phủ Tây Tạng và viên quan nhiếp chính cân nhắc thận trọng, Panchen Lama thực hiện chuyến viếng thăm Trung Quốc. Ngài ở trong Cung điện Màu Vàng mà trước kia đã xây cất cho đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Ngài rất được kính trọng, có uy thế lớn và được chọn làm thầy giáo của hoàng đế. Ngài có thể ngăn chặn được sự can thiệp của Mãn Châu với những vấn đề quốc sự của Tây Tạng và tăng thêm uy lực của đức Đạt-lai Lạt-ma sau khi đức Panchen Lama, thầy dạy của Ngài viên tịch vào năm 1780.
Sự ra đi
của đức Panchen Lama đã thúc giục Trung Quốc phải trao toàn bộ quyền lực cho đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài đã đồng ý nhận lãnh những trách nhiệm này thể theo sự hối thúc của hoàng đế và lời thỉnh cầu của hội đồng chính phủ và quan nhiếp chính. Ngài lên nắm quyền vào tháng 07-1781. Tuy
nhiên, đức Đạt-lai Lạt-ma đã yêu cầu quan nhiếp chính trợ giúp cho ngài
về mặt này cho đến năm 1786 khi Ngawang Tsultrim trở lại Trung Quốc theo yêu cầu của hoàng đế. Trong thời kỳ này, đức Đạt-lai Lạt-ma đã ra lệnh xây dựng cung điện Nabulingka, nơi trú ngự vào mùa hè cho các đức Đạt-lai Lạt-ma. Cũng trong năm ấy ngài đã nhận ra hiện thân của đức Panchen Lama, truyền giới Ưu-bà-tắc cho ngài và đặt tên là Tenpe Nyingma. Năm 1789, đức Đạt-lai Lạt-ma đã truyền lễ Xuất gia cho đức Panchen Lama thứ IV và truyền giới Cụ túc vào năm 1801, ngài cũng đảm trách việc giảng dạy kinh điển và Mật tông cho vị Panchen Lama trẻ này.
Lúc
đức Panchen Lama thứ III viên tịch, người em trai và cũng là thủ quỹ của ngài đã lấy toàn bộ của cải được xem là di sản của ngài để lại. Ông ta không chia nó cho ai cả, vì vậy đã khiến cho dân chúng và các chùa chiền bất mãn, đặc biệt là đã làm cho người em trai út của ngài - vị Sharmapa Tulku thứ IX - rất bực bội. Ông ta đã về hưu một thời gian trước khi đến Nepal sống với dân tộc Gurkhas - những người mà hiện thời đang cùng ông bày mưu kế đòi quyền chia gia tài với anh trai của mình. Dân tộc Gurkhas là những người Hindu chính thống và là sự khinh bỉ của đa số nhân dân Tây Tạng, trước kia họ đã lật đổ triều đình Newari và củng cố quyền lực của mình ở Nepal. Họ đã tức giận vì những cuộc tranh cãi về vùng biên giới Tây Tạng và sự phàn nàn của Tây Tạng liên quan đến
những chính sách về tiền tệ. Sự than phiền của vị Sharmapa Tulku thứ IX
đã trở thành cái cớ để cho họ xâm chiếm Tây Tạng.
Người Gurkhas xâm lấn Tây Tạng chiếm giữ 3 quận vùng biên giới. Binh lính Trung Quốc được điều động sang để giải quyết tình hình này. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã phản lại những ước vọng của nhân dân Tây Tạng, bao gồm cả hiệp ước mà Tây Tạng đã đồng ý cống nạp hàng năm cho Nepal. Các tài liệu của Tây Tạng đã mô tả về Trung Quốc như một sự chướng ngại, trong khi đó sử liệu Trung Quốc ghi chép lại những điều hoàn toàn trái ngược.
Theo
Petech, viên phó quan nhiếp chính mới Tenpai Gonpo sớm được triệu đến Bắc Kinh, do em trai của đức Đạt-lai Lạt-ma vi phạm nên ông đã lợi dụng chức quyền trong một số việc hành chính. Shakabpa có đề cập rằng hai người em trai của Đạt-lai Lạt-ma, một là thư ký tài chính, một là thủ quỹ và những người khác (nhưng không có viên quan phó nhiếp chính) đã bị
quan nhiếp chính Ngawang Tsultrim - người được điều về từ Bắc kinh - đưa đi lưu đày. Tuy nhiên, sự qua đời của ông vào năm 1791 đã buộc phải
triệu phó quan nhiếp chính - người đang trên đường đến Bắc Kinh - phải quay trở về.
Những người Gurkhas trở lại lấn chiếm Tây Tạng. Lần này họ xâm nhập vùng Shigatse và cướp bóc những kho báu của Tashi Lhunpo. Đức Panchen Lama phải tỵ nạn đến Lhasa. Các đại sứ ở đó đã thúc giục ngài và đức Đạt-lai Lạt-ma nên tránh sang vùng Kham. Dân chúng bắt đầu hoang mang. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trấn an họ bằng cách từ chối việc rời bỏ Lhasa, thêm vào đó, các vị Viện chủ của ba ngôi chùa chính đã cam
kết là sẽ bảo vệ đức Đạt-lai Lạt-ma, cung điện Potala và ngôi chùa Jokang. Nhờ có nạn dịch hoành hành những toán lính của Nepal nên quân đội Tây Tạng đẩy lùi được dân Gurkhas. Một đội quân Trung Quốc được chi viện đến cùng với dân Tây Tạng để đẩy lùi người Nepal, chiếm đóng thủ đô
Nepal. Sharmapa Tulku đã tự tử bằng độc dược, sau hậu quả của chiến tranh, của cải và tài sản của ông đã bị chính phủ Tây Tạng tịch thu. Một
hiệp ước đã ký kết buộc người Gurkhas phải cống nạp cho triều đình và hoàn trả lại toàn bộ số của cải mà họ đã cướp bóc của Tashi Lhunpo.
Hoàng
đế Ch’ien Lung ra lệnh cải cách lại bộ máy chính quyền Tây Tạng cũng như các hoàng đế trước vẫn thường làm. Các đại sứ được ban thêm nhiều thẩm quyền hơn. Đức Đạt-lai Lạt-ma và Panchen Lama phải thông báo với họ
nhiều hơn với hoàng đế. Snellgrove, Richardson và Shakabpa vạch trần rằng Trung Quốc chỉ chống đỡ sự kết thúc trong mối quan hệ giữa giáo sĩ -
người đỡ đầu của họ bằng cách gởi những toán lính viện trợ đến Tây Tạng
mà thôi. Họ cũng nhận thấy rằng cương vị chúa tể của Trung Quốc chỉ tồn
tại trong một thời gian ngắn và những biến đổi vào tháng 03-1792 đã khiến cho nó chỉ còn “tồn tại chủ yếu trên mặt giấy tờ”.
Sự thay đổi dẫn đến việc đóng cửa các đường biên giới đối với tất cả người ngoại
quốc, dường như để đối phó lại, Trung Quốc cũng thực hiện một chính sách tương tự. Shakabpa đưa ra giả thuyết rằng người Tây Tạng đã làm như
thế dưới sức ép từ các ngôi chùa lớn ở Lhasa, những người đang lo ngại về mối đe dọa sự ảnh hưởng ngoại bang đối với những vùng Phật giáo. Tây Tạng đã trở thành một vùng đất khép kín trong suốt thế kỷ XIX.
Vào
năm 1793, sự thay đổi đã gây sự tranh cãi lớn ở Tây Tạng, đó là việc đưa ra một phương pháp chọn sự tái sinh của các bậc Cao Tăng bằng phương
pháp xổ số (điều may rủi). Trung Quốc cảm thấy việc chọn lọc những nhân
vật tôn giáo vĩ đại ở Tây Tạng và Mông Cổ đã trở thành chủ đề cho sự lạm dụng, viện dẫn những tính thường xuyên xảy ra mà các Tulkus đã được chọn từ những gia đình quý tộc. Một chiếc bình bằng vàng dùng để đựng tro hỏa táng được gởi đến từ Trung Quốc, trong đó có đựng tên của các ứng cử viên cho các tái sanh của Lama và một cái thăm bốc trúng cho người thắng cuộc. Tuy nhiên, lần đầu tiên sử dụng cách tuyển chọn ấy lại
trúng ngay đức Đạt-lai Lạt-ma, do vậy phương pháp này đã bị phớt lờ đi.
Đức
Đạt-lai Lạt-ma thứ VIII – Jampal Gyatso – viên tịch vào năm 1804. Theo Mullin thì “ngài đã thể hiện được những phẩm chất tâm linh tuyệt diệu xen lẫn với sự chán ghét đối với mưu đồ chính trị”. Đệ tử của ngài, Tenpa Nyima - đức Panchen Lama thứ IV - đã rất mực kính trọng ngài bởi vì ngài có liên quan đến các bậc đại Đạo sư và để lại bộ máy chính quyền
Tây Tạng cho các viên quan nhiếp chính. Trong thời kỳ lãnh đạo của ngài, do hoàn cảnh chiến tranh giữa Tây Tạng và Nepal nên một lần nữa Tây Tạng đã phải chịu sự thống trị của Trung Quốc. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VIII đã được tưởng nhớ nhiều nhất nhờ vào việc xây dựng cung điện mùa hè Norbulingka cho các vị Đạt-lai Lạt-ma.■
Nguồn: Tập San Pháp Luân 37