HT Thích Thanh Từ
Tập 6
KHÉO CHỌN CON ÐƯỜNG TỐT
Giảng tại Chân Không tháng 01 - 2001
Hôm nay tôi sẽ nói một đề tài rất gần gũi, là "Chúng ta nên gây dựng đào tạo cái lâu dài bền bỉ, không nên bảo vệ gìn giữ cái tạm bợ hư dối".
Người đời chỉ lo gây dựng gìn giữ những thứ tạm bợ, mà cái chân thật của mình lại không lo. Như lo làm sao có tiền, có nhà cửa, xe cộ v.v. Cả ngày chỉ lo tiền của, sự nghiệp, các thứ phương tiện vật chất thỏa mãn cho nhu cầu hưởng thụ của bản thân. Khá nữa thì lo danh vọng, địa vị v.v. mà những thứ đó có ở đời với mình không? Tiền bạc, của cải, danh vọng đến mấy rồi một lúc nào, nó cũng từ giã mình đi mất. Cả đời cứ lo như thế thử hỏi có phí công không? Lo cho cái không giữ được, mà cứ lo hoài, còn một cái trung thành với mình đáo để lại bỏ lơ. Ðó là vấn đề chúng ta cần phải nghiệm xét lại cho kỹ.
Thế thì cái thiết yếu đó là gì? Là nghiệp. Nghiệp là cái thiết yếu, trung thành với chúng ta nhất mà mình không nhớ. Nghiệp theo sát bên ta không bao giờ rời, từ đời này sang đời khác, liên tục không mất. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là thói quen do ta tạo nên. Ví dụ có người học làm thợ hồ, thợ mộc, thầy thuốc v.v. khi học thành nghề rồi gọi là nghiệp. Cho nên hai người cùng làm một nghề gọi là bạn đồng nghiệp. Do đó nghề nghiệp gắn chặt với chúng ta suốt cả cuộc đời, nếu ăn sâu nó sẽ theo ta đến các đời sau.
Nói nghiệp không phải chỉ làm nghề này, nghề nọ thôi, mà còn có nghiệp lành, nghiệp dữ nữa. Người tạo được nhiều tiền của trong nghiệp dữ thì nghiệp ấy dẫn họ đi đến chỗ khổ. Nếu tạo trong nghiệp lành thì được đi theo đường lành. Nghiệp theo sát chúng ta từ lúc sống cho tới khi chết, từ đời này tới đời khác, không dừng ngang một chỗ nào, nếu ta chưa dứt sạch nghiệp.
Như người thầy thuốc hay thợ hồ thợ mộc gầy dựng được nhà cửa khang trang ấm cúng. Ban đêm bỗng có hỏa hoạn, nhà cửa cháy sạch, mọi người trong nhà hoảng hốt chạy ra, không lấy được gì hết. Tất cả của cải bao năm làm ra đều bị thiêu hủy, nhưng nghề thầy thuốc hay nghề thợ hồ thợ mộc vẫn còn. Như vậy của cải có thể mất hết nhưng nghề nghiệp không mất, mình chạy đi đâu nó theo đó. Rõ ràng nghề nghiệp theo ta, không bao giờ mất.
Tạo nghiệp lành, nghiệp dữ cũng vậy. Ðã mang nghiệp trong người, dù có hoạn nạn bất thường nó cũng không mất. Lửa cháy, nước trôi hoặc trộm cướp binh biến có thể thiêu hủy hết tài sản vật chất, nhưng cái nghề của mình không có gì phá được. Lúc nào còn sống với nghề thì còn gầy dựng được sự nghiệp. Chẳng những nghiệp không mất khi ta đang sống, mà nó còn dẫn mình đi thọ báo sau khi chết nữa, nên nói nó rất trung thành.
Thế nhưng ít khi ta nhớ mình đang tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ, miễn sao có tiền thôi, lành dữ gì cũng cứ làm. Ðó là người không biết tu. Người biết tu dù làm việc đó nhiều tiền, nhưng ác thì nhất định không làm. Nghiệp lành dù ít tiền hơn nhưng lại làm. Làm đủ sống thôi, miễn khi nhắm mắt nghiệp lành đó dẫn đi tới chỗ lành là ta không khổ. Chớ được nhiều tiền của, mà khi nhắm mắt rơi vào đường khổ thì có sướng ích gì?
Chúng ta sợ nghèo hay là sợ nghiệp dữ? Người sợ nghiệp dữ là người biết tu. Người chỉ biết tiền của mà không biết nghiệp lành, nghiệp dữ là chưa biết tu. Vì vậy khi làm gì, chúng ta phải xét việc làm ấy lành hay dữ. Nếu lành thì cố gắng làm, còn dữ thì phải tránh. Tu là biết chọn cho mình một con đường tốt để đi. Không biết chọn đường tốt thì mai kia mình phải chịu khổ thôi. Nghiệp xuất phát từ lời nói, hành động và ý nghĩ của chúng ta. Một lời nói, một ý nghĩ, một hành động ác là tạo nghiệp ác. Một lời nói, một ý nghĩ, một hành động lành là tạo nghiệp lành. Như vậy thân miệng ý là ba chỗ tạo nghiệp. Khi ta ghét ai, họ thấy mặt ta họ cũng ghét ngay. Chính ý niệm xấu lộ ra ngoài gương mặt, người ta thấy là không ưa nhau rồi. Lời nói, hành động xấu ác của mình cũng thế, chiêu cảm đến người khiến họ không thương ta được. Từ ý niệm, lời nói, hành động xấu trong hiện đời khiến người ta đã không thương mình, huống nữa là khi nhắm mắt, tất cả những hiện tướng ấy lộ rõ ra nét mặt mình, thật là xấu xí. Nghiệp sẽ dẫn ta đi thọ sanh vào các đường dữ, lúc đó hối hận sao cho kịp.
Khi biết rõ tạo nghiệp ác phải chịu khổ, tạo nghiệp lành sẽ được vui thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta luôn kiểm điểm lại mình. Nếu lỡ làm điều xấu ráng sám hối chừa cải. Nếu làm việc tốt cố gắng nỗ lực làm thêm, đó là người khôn ngoan biết lo cho ngày mai. Chớ cứ ham tiền nhiều, không biết lành dữ lo tích lũy mãi, không ngờ đó là tích lũy cái khổ. Ngày nay tạo nghiệp ác, hiện tại đã bị mọi người ghét, khi nhắm mắt nghiệp ác dẫn tới chỗ khổ đau hơn nữa. Như vậy đời này khổ, đời sau khổ, không lúc nào được an vui.
Chúng ta phải làm sao dù nghèo nhưng ai cũng thương hết. Thân làm việc lành, miệng nói lành, ý nghĩ điều lành, hiện đời mọi người quí mến, sau khi chết còn sung sướng bằng mấy lần nữa. Trong hai con đường, tạo nghiệp ác để khổ, tạo nghiệp lành để vui, tùy chúng ta muốn chọn lựa con đường nào cũng được, không ai bắt buộc mình cả. Người khôn ngoan tự biết phải chọn đường nào rồi, đâu cần cân nhắc gì nữa.
Thế nên người khôn ngoan trong đạo là biết tu tạo các nghiệp lành, chớ không phải khôn ngoan là lanh mồm lẹ miệng hiếp đáp lường gạt kẻ khác. Hiểu như vậy chúng ta mới chuẩn bị con đường ngày mai của mình được an vui, sung sướng hơn. Phật cũng không thể ban nghiệp lành cho chúng ta được. Nếu ta nghĩ, nói, làm tốt thì hưởng quả tốt; nếu ta nghĩ, nói, làm xấu thì chịu quả xấu. Phật không thưởng cũng không phạt ai cả, chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về ba nghiệp của mình. Rõ ràng ta có quyền chọn con đường của mình, không thể đổ thừa tại Phật trời gì cả.
Bệnh của người thời nay là hay đổ thừa. Mình làm xấu bị người ta khinh ghét liền kêu trời kêu đất, tại sao thiên hạ tệ bạc với tôi quá. Ðâu có tại làm sao, tại mình hết. Biết như vậy chúng ta phải tự xoay lại mình, thấy những gì xấu dở bỏ ngay, những gì tốt đẹp cố gắng làm. Ðó là chúng ta biết tu, biết thương mình, biết lo xa.
Thuở xưa đức Phật nói ví dụ về ông trưởng giả giàu có với bốn bà vợ. Bà vợ thứ nhất thương ông trung thành, nhưng ông lại lơ là không thèm biết tới. Bà vợ thứ hai ông để tâm săn sóc hơi khá một chút. Bà vợ thứ ba ông rất cưng chiều, lúc nào cũng săn sóc kêu gọi luôn. Bà vợ thứ tư ông ở đâu thì bà ở đó, không rời xa nửa bước.
Hôm đó ông đau nặng sắp chết, liền kêu bốn bà lại hỏi:
- Bây giờ tôi sắp chết, có bà nào chịu theo tôi không?
Bà vợ thứ tư sợ quá liền lên tiếng trước:
- Khi ông khoẻ mạnh, ông ở đâu tôi ở đó, nên ông chết tôi xin đưa ra tới cửa.
Bà vợ thứ ba lên tiếng kế:
- Bình thường ông kêu gọi tôi luôn, chăm sóc nhắc nhở mãi, nên ông chết tôi xin đưa tới cổng.
Bà thứ hai nói:
- Bình thường ông cũng có nghĩ nhớ tới tôi, bây giờ ông chết tôi xin đưa tới mộ.
Ðến bà vợ thứ nhất thì:
- Bình thường ông không ngó ngàng tới tôi, nhưng bây giờ ông chết tôi xin nguyện theo ông.
Quí vị thấy ông trưởng giả bội bạc không? Người trung thành với mình lại lơ là, còn người không trung thành lại chiều chuộng yêu quí. Ðức Phật kết luận hợp pháp bốn bà vợ ấy như thế này: Bà vợ thứ tư dụ cho tiền bạc. Chúng ta đi đâu có nó trong túi, nhưng khi chết nó chỉ nằm trong nhà thôi, vì vậy đưa tới cửa là hết bổn phận của nó. Cái bội bạc nhất ta lại thân thiết quí trọng nhất. Bà vợ thứ ba dụ cho tài sản, chúng ta luôn nhớ đến nó và lúc nào cũng giữ gìn sợ mất. Nhưng khi chết tài sản đồ đạc không thể ra khỏi vòng rào, nên nó chỉ tiễn mình tới cổng. Bà vợ thứ hai dụ cho chức tước, danh vọng, bình thường ta cũng có để tâm chăm sóc đến nó. Khi chết quan tài đưa tới mộ sắp hạ huyệt, người ta đọc bài điếu văn kể chức tước địa vị một chút là xong, nên nói nó đưa tới mộ. Bà thứ nhất dụ cho nghiệp. Nghiệp theo ta như bóng với hình, mình sống nó sống với mình, mình chết nó đi theo mình. Vậy mà bình thường ta lơ là không ngó ngàng tới nó. Cả ngày chẳng nhớ mình tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ, chỉ nhớ tiền thôi. Như vậy có phải chúng ta bội bạc với cái trung thành với mình nhất không?
Chúng ta thường lơ là với cái trung thành nhất và thân thiết với cái giả dối tạm bợ nhất, nên phải chịu khổ. Nhớ câu chuyện này, mình tự biết mỗi ngày phải để ý tới nghiệp đã tạo để tránh ác làm lành. Ðó mới thật sự là thương mình, lo cho mình.
Ðể kết thúc buổi nói chuyện hôm nay tôi mong tất cả chúng ta sẽ làm ông trưởng giả khôn ngoan biết thương người trung thành, đừng thương người bội bạc để đời này an vui, đời sau cũng được an vui.