- Chương 01: Nguồn gốc
- Chương 02: Thích Ca Thế Tôn
- Chương 03: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng kinh điển
- Chương 04: Vua A Dục và Đại Thiên
- Chương 05: Sự phân chia bộ phái Phật giáo
- Chương 06: Giáo nghĩa của Đại Chúng Bộ và Hữu bộ
- Chương 07: Nghệ thuật Phật giáo - Vương triều vua A Dục và sau đó
- Chương 08: Thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa
- Chương 09: Phật giáo Đại thừa hệ Long thọ và kinh điển của hệ này về sau
- Chương 10: Phật giáo Đại thừa hệ Vô Trước
- Chương 11: Vương triều Cấp Đa và Phật giáo sau vương triều này
- Chương 12: Từ thời Mật giáo thịnh hành đến Phật giáo cận đại
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Pháp sư Thánh Nghiêm
Thích Tâm Trí
dịch
---o0o---
CHƯƠNG II. NGUỒN GỐC THÍCH CA THẾ TÔN
TIẾT III: CHUYỂN PHÁP LUÂN
- Đức Phật đi đến Vườn Nai.
Sau khi đức Thích Tôn tự thọ dụng pháp duyệt mà Ngài vừa chứng ngộ dưới cội Bồ Đề. Ngài quyết ý giáo hóa chúng sinh, trước tiên Ngài đến Vườn Nai.
- Lộc Dã Uyển (Mrgadàva) tên Vườn Nai hiện nay là Tát Nhĩ Nại Đức (Sarnath) ở ngoài thành Ba La Nại (Vàràmasì): do vì Ngài nhớ năm người bạn trước kia cùng tu hầu hạ Ngài, sau họ bỏ Ngài mà đi. Nay Ngài đến là để báo đáp công đức của họ trước kia. Đây cũng là năm vị Thị giả đầu tiên có danh xưng là Tỳ kheo. Năm người họ là: A Nhã Kiều Trần Như (Àjnàta - Kundinya), Bạt Đề (Bahadrika), Bà Ba (Vàspa) Ma Ha Nam (Mahanàna), A Thuyết Thị (Asvajit). Năm vị Tỳ kheo này cũng là thính chúng đầu tiên đức Phật nhắm đến để thuyết giảng diệu pháp mà Ngài đã thân chứng. Đời sau gọi đây là sơ chuyển pháp luân. Nghe xong thời thuyết pháp tất cả năm vị đều chứng thánh quả A la hán (quả giải thoát của Tiểu thừa).
Pháp luân - Dharma - Sakra: có thể dịch là chuyển vận chánh pháp (theo cách dịch của Hán văn). Tức là lấy Phật pháp sánh với Luân Bảo của vị Chuyển Luân Thánh Vương. Lúc vị Luân Vương xuất thế thì Luân Bảo cũng tự ứng hiện. Luân Bao dẫn đạo Luân Vương chuyển hướng tứ thiên hạ, khiến các tiểu quốc vương không ai là không thành kính cảm phục Chuyển Luân Thánh Vương, Luân Vương không dụng đến đao binh mà thiên hạ thống nhất, bởi Luân Vương thực hành nền chính trị nhân trị, khiến mọi người trong thiên hạ đều an hưởng thái bình. Đấy là truyền thuyết mà cũng là ước mơ của người dân Ấn Độ về sự trị vì của bậc Luân Vương đem thái bình an lạc đến cho mọi người. Đầu tiên, Luân là một thứ binh khí lấy việc phá địch làm chính, để ẩn dụ việc đức Phật dùng chánh pháp mà Ngài chứng được làm “Luân”. Ngài công bố chánh pháp khắp thiên hạ nhằm mang lại lợi lạc cho quần sinh, và phá đổ các tà thuyết, dị luận. Lấy đó dụ cho chánh pháp nên gọi là Pháp Luân.
- Nội dung Pháp Luân.
Nội dung Pháp luân là thành quả do đức Thích Tôn chứng đắc khi Ngài thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Và rộng truyền chánh pháp do Ngài thân chứng, gọi đấy là chuyển Pháp Luân.
Thế nào là chánh pháp (Saddharma)? Căn cứ theo Thánh điển Nguyên thỉ - kinh A Hàm mà nói, thì lần đầu tiên đức Phật thuyết pháp, đó là thuyết về Tứ Thánh đế và Bát Chánh Đạo. Về sau nội dung kinh, luật, luận của Đại, Tiểu thừa đều do từ Tứ Thánh Đế và Bát Chánh Đạo mà khai triển.
Để giới thiệu nội dung Chánh Pháp, trước tiên cần nêu rõ mục đích thuyết Pháp của đức Phật. Mục đích giáo hóa của đức Thích Tôn là nhằm tạo thuận duyên giúp tất cả mọi người để ai cũng có thể đạt đến giải thoát như Ngài. Sự giáo hóa của đức Phật không nhằm làm gia tăng lý luận đối với thế giới, nhân sinh, cũng chẳng phải để giúp giới khoa học và triết học có thêm hứng thú. Điều này xin đọc thêm ở kinh Tiễn Dụ, trong kinh Trường A Hàm. Như vậy, đức Phật không yêu cầu chúng ta nhắm mắt sùng bái Ngài, coi Ngài như một thứ ma túy tín ngưỡng để ủy thác đức tin. Đức Phật là nhà tôn giáo thực tế, là nhà tư tưởng giàu tinh thần phê phán. Ngài tôn trọng luận lý một cách thực tế, và phản đối những “không đàm huyền lý”. Phàm cái gì không hữu ích cho việc tu chứng giải thoát, thì Ngài không chú tâm. Đối tượng được đức Phật khảo sát không là sửa đổi lại vũ trụ, mà bằng nỗ lực lớn nhất, đức Phật thuyết minh những hoạt động mà con người nên tạo thành. Theo đức Phật, nếu khảo sát thế giới mà bỏ qua sự sống cơ bản của con người thì đó không phải là bản hoài của Phật. Xin đọc “Nguyên Thỉ Phật Giáo Tư Tưởng Luận” của Mộc Thôn Thái Hiền, ở thiên thứ I chương 3.
Như vậy, tôn chỉ mà đức Phật giáo hóa thế gian là nguyện vọng muốn cho hữu tình chúng sinh đạt thành giải thoát. Nói cách khác, Phật pháp lấy hữu tình chúng sinh, chủ yếu là lấy con người làm trung tâm. Nếu khảo sát Phật pháp mà trước mắt không nhìn thấy hữu tình chúng sinh, thì đó quả là sự sai lầm. Tứ Thánh Đế và Bát Chánh Đạo mà đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng, đó là con đường giúp con người đạt đến giải thoát.
I. TỨ THÁNH ĐẾ
Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật được gọi là “Tam Chuyển Tứ Đế Pháp Luân”. Nay xin phân thuật như sau:
1. Khổ đế: nhân sinh như khổ hải! Nội dung của khổ, đại loại có ba, đó là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Trong khổ khổ có tám thứ khổ đó là: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bắt đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.
2. Tập đế: nguyên nhân của Khổ là Tập. Do phiền não mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp mà chiêu cảm quả báo khổ.
3. Diệt đế: diệt là khả năng giải thoát khổ quả, là thấu triệt “lý” của Tập đế, là đoạn trừ nghiệp phiền não, tức là khả thể giải thoát mọi chúng khổ.
4. Đạo đế: đạo là phương pháp diệt khổ. Tu trì Bát Chánh Đạo có khả năng diệt trừ tất cả các khổ, chứng đắc quả Niết bàn giải thoát.
II. CHUYỂN TỨ ĐẾ.
1. Thị chuyển: thuyết minh tường tận đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo.
2. Cần chuyển: thuyết minh khổ nên biết, tập nên đoạn, diệt nên chứng, đạo nên tu.
3. Chứng chuyển: thuyết minh khổ ta đã biết, tập ta đã đoạn, diệt ta đã chứng, và đạo ta đã tu.
Trên đây là cương yếu về lần đầu tiên Phật chuyển pháp luân. Giải thích rõ Khổ đế và Tập đế đó là do duyên sinh pháp, từ đó giải rõ pháp Thập nhị nhân duyên.
- Thập Nhị Nhân Duyên.
Thập nhị nhân duyên đích thực là một “sáng tạo luận” được lưu lộ một cách đặc biệt độc đáo từ đại bi trí hải của Đấng giác ngộ. Các tín ngưỡng Thần quyền; không một tôn giáo Thần quyền nào mà không cho rằng vũ trụ này là do Thượng đế sáng tạo. Đức Phật dùng mười hai nhân duyên để thuyết minh về căn nguyên của vũ trụ.
Nay xin giới thiệu và giải thích mười hai nhân duyên:
1. Vô minh: tức không có trí tuệ, do vì các phiền não như tham dục, sân hận, ngu si v.v… che lấp, lại cũng do tâm lý xuẩn động là nguyên do làm cho bị mê hoặc.
2. Hành: tức các nghiệp thiện, ác được gây tạo nên từ kiếp trước - gồm cả hành vi của thân và tâm.
3. Thức: tức do nghiệp lực ở đời quá khứ mà cảm thọ quả báo, nên lại khởi vọng nghiệp ngay từ lúc ban sơ khi vừa nhập thai mẹ, và thành thần thức ở đời hiện tại.
4. Danh sắc: tức thân tâm của thai nhi sau khi đã nhập thai.
5. Lục nhập: tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức. Sáu cơ quan này được trưởng thành trong thai mẹ - còn gọi là lục căn.
6. Xúc: tức sau khi ra khỏi thai mẹ. Khi ấy sáu căn tiếp xúc tương đối với sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
7. Thọ: tức do tiếp xúc ngoại cảnh mà có được tri cảm khổ, vui nơi thân, tâm.
8. Ái: tức hoạt động tâm lý, trong đó có nhàm chán sự khổ, ưa thích sướng vui như tài, sắc, danh, thực, thùy - Ngũ dục lạc.
9. Thủ: tức nhân vào ái dục thịnh vượng nên đối với cảnh có sự tham nhiễm, và khởi niệm lưu giữ.
10. Hữu: tức do đời hiện tại tạo tác nhân hữu lậu dẫn đến cảm thọ quả sinh tử đời sau.
11. Sinh: tức nhân vào các nghiệp chủng được tạo tác ở đời hiện tại dẫn đến cảm thọ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của thân ngũ uẩn đời sau.
12. Lão tử: khi đã có thân ngũ uẩn giả hợp, được sinh ra, tất nhiên thân ấy sẽ suy yếu, già nua và cuối cùng là chết.
Mười hai nhân duyên là chuỗi mắc xích được dùng để thuyết minh sinh mệnh con người mà vốn từ nghìn đời nay luôn lưu chuyển từ tiền sinh đến kim sinh và rồi hậu sinh, tạo thành mối quan hệ giữa nhân và quả. Mối quan hệ này được gọi là “tam thế lưỡng trùng nhân quả”. Nhưng về phương diện hồi hoàn, thì mười hai nhân duyên có thể dùng vòng xoay hoặc - nghiệp - khổ để thuyết minh.
- Hoặc - Nghiệp - Khổ.
Từ vô thỉ đến nay do sự xuẩn động của “vô minh hoặc” mà tạo tác các nghiệp thiện ác ở đời quá khứ, nhân đấy dẫn đến việc cảm thọ quả khổ ở đời hiện tại, và cũng ở đời hiện tại, lại tiếp tục chạy theo cái nhân mê mờ (Hoặc) tạo ra các ác nghiệp, các ác nghiệp này đưa đẩy đến quả khổ sinh tử ở kiếp sau. Đấy chính là phương cách xoay vòng của mười hai nhân duyên.
1. Hoặc: là Vô minh ở đời quá khứ dẫn đến Ái, và Thủ ở đời hiện tại.
2. Nghiệp: ấy là Hành ở đời quá khứ đưa đến Hữu của đời hiện tại.
3. Khổ: ấy là Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ ở đời hiện tại dẫn đến sinh và lão tử ở đời vị lai.
Thuyết minh mười hai Nhân duyên, mục đích là giúp con người hiểu rõ nội dung của Khổ và Tập trong Tứ Thánh Đế. Nhân sinh là bể khổ! Vậy, khổ này là do đâu? Do nhân quả trong ba đời. Khởi đi từ vô minh mà mức đến là quả khổ sinh tử.
Để tiện ghi nhớ, xin lập biểu về mối quan hệ giữa mười hai nhân duyên.
Khi đã biết nguyên nhân của khổ là do tập. Để đoạn tuyệt tận gốc căn nguyên của khổ, là tu theo phương pháp Bát chánh đạo.
- Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo là Đạo đế trong Tứ thánh đế. Nội dung Bát Chánh Đạo như sau:
1. Chánh kiến: ấy là sự hiểu biết, sự kiến giải chính xác. Thế nào là Chính kiến? Hãy dùng Tam pháp ấn để giám định. Tam pháp ấn là gì, sẽ giới thiệu ở phần sau.
2. Chánh tư duy: ấy là dùng Chánh kiến làm cơ sở, để tư tưởng chín chắn về nội dung của Chánh kiến này.
Đây là công phu thực tiễn của ý nghiệp.
3. Chánh ngữ: đặt nền móng trên ý niệm chánh xác, để biểu đạt công phu thực tiễn của nghiệp “khẩu”. Đối với người không nói đảo, nói dối, không dùng ỷ ngữ, đâm thọc, không dùng ác khẩu mạ lỵ làm nhục người khác, nên dùng thiện ngôn để khuyến khích người, dùng ái ngữ để an úy.
4. Chánh nghiệp: là thân nghiệp chánh đáng. Muốn vậy, thân không phạm ác nghiệp sát sinh, trộm cướp, dâm loạn, và không dùng các chất tạo say mê, ngây ngật. Cần phối hợp với ý và ngữ nghiệp, sao cho ba nghiệp: thân, ngữ, ý trở nên thanh tịnh.
5. Chánh mệnh: tức phương pháp mưu sinh phải chân chính. Loại bỏ các nghiệp ác, nên theo những chức nghiệp chánh đáng để hành xử trong các nhu cầu của đời sống. Không dùng sự tài khéo về thuật số giang hồ để thâu tóm tài vật bất nghĩa.
6. Chánh tinh tấn: ấy là đối với đạo nghiệp, tự mình nỗ lực gắng sức, điều ác chưa đoạn, lập tức đoạn ngay, điều thiện chưa tu, thì hãy gắng tu. Điều ác chưa khởi, thì ngăn không cho khởi, điều thiện chưa lớn mạnh hãy cố làm cho tăng trưởng.
7. Chánh niệm: khi tự tâm đã gắng gỏi tinh tấn, thì nên dùng phương pháp bất tịnh quán để nhiếp tâm, chế tâm, khiến tâm trụ “nhất cảnh”, và không khởi tư niệm vật ngã.
8. Chánh định: tu trì theo bảy giai đoạn vừa nêu, ắt sẽ đi vào tứ thiền, bát định. Sau rốt dùng “không huệ lực” để nhập vào định Diệt thọ tưởng. Đấy chính là cảnh giới giải thoát Niết bàn.
Nhân vào Bát chánh đạo mà khai diễn ba mươi bảy phẩm trợ đạo, lại qui nạp và diễn hóa thành sáu Ba La Mật Đa (lục độ), tất cả đều thuộc phạm vi tam vô lậu học Giới - Định - Tuệ.
- Giới Định Tuệ.
Chúng ta căn cứ kinh Tạp A Hàm để hiểu về Bát Chánh đạo, dựa vào kinh Trường A Hàm để hiểu rõ ba mươi bảy phẩm trợ đạo, và nhờ kinh Tăng Nhất A Hàm để biết được Lục độ. Đấy là lịch trình được phát triển theo thứ lớp. Hiện nay tại Trung Quốc bộ kinh Tăng Nhất A Hàm bản Hán văn được dịch từ Đại Chúng Bộ; Đại Chúng Bộ lại truyền xuất thành tư tưởng Đại thừa. Vì thế, nội dung tu đạo giải thoát phải tùy vào thời đại mà lần lượt khai triển. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản trong tu trì không thể tách rời yêu cầu thiết yếu là Giới Định Huệ.
Xin nêu hai biểu đồ làm tư liệu thuyết minh.
Nhờ biểu đồ trên cho thấy Bát chánh đạo bao hàm ba mươi bảy đạo phẩm. Chia ba mươi bảy đạo phẩm ra 7 thành bảy loại để giải thích. Có thể tra cứu Phật Học Đại Từ Điển
Vòng tròn Hoặc - Nghiệp - Khổ là định luật của sinh tử môn. Giới - Định - Tuệ thuộc tam vô lậu học là định luật của giải thoát môn. Sự quan hệ hỗ tương giữa giới định huệ cũng là một vòng quay tròn, hoặc còn gọi là “Loa toàn hình” (hình tròn trôn ốc). Việc tu giới có thanh tịnh, thì tu thiền mới có khả năng chánh định. Nhờ định lực chánh định mới phát sinh huệ lực vô lậu; lại do huệ lực chỉ đạo trì giới. Duy chỉ có Không huệ, hoặc Chánh kiến của vô lậu huệ chỉ đạo, thì việc trì giới mới phù hợp và tu thiền mới không bị lạc vào ma cảnh.
Trước nhất cần xác lập Chánh kiến, để làm điều đó, phải dựa vào Tam pháp ấn do đức Phật chỉ dạy.
- Tam Pháp Ấn
Tam pháp ấn là dùng “tam cú thoại” làm tiêu chuẩn để ấn chứng các pháp, pháp nào phù hợp với Tam pháp ấn, pháp đó hợp với Chánh kiến của Phật Đà. Pháp nào không phù hợp với Tam pháp ấn, đó là tà kiến của ngoại ma và nghiêng ngả. Kinh Tạp A Hàm(14) ghi lại cuộc đối thoại giữa đức Phật với các đệ tử Tỳ kheo: “Đức Phật hỏi các Tỳ kheo: Ngũ uẩn v.v… là vô thường chăng?
Các Tỳ kheo đáp: bạch Thế Tôn, vô thường.
Đức Phật: vô thường là khổ, phải không?
Chư Tỳ kheo: bạch Thế Tôn là khổ.
Đức Phật: nếu vô thường, khổ, và pháp dễ biến đổi. Vậy, pháp ấy là ngã hay ngã sở?
Chư Tỳ kheo: bạch Thế Tôn, không phải là ngã, cũng không phải là ngã sở?
Đức Phật tùy căn cơ (trình độ) của đệ tử mà khai thị. Cứ theo cuộc đối thoại trên mà quán sát năm uẩn (hữu lậu pháp), sẽ thấy các pháp là vô thường, vô ngã, sau đó mới là giải thoát (Niết bàn). Dùng tam cú thoại làm chuẩn, nhờ đó mà sáng rõ, ấy là:
1. Chư hành vô thường; 2. Chư pháp vô ngã; 3. Niết bàn tịch tịnh.
Thế nào là ngũ uẩn? Thế nào là các pháp?
Muốn làm rõ hai vấn nạn vừa nêu, phải dùng Tam pháp ấn để giải thích. Hữu lậu pháp thuộc sinh tử môn, để dễ phân biệt nên dùng danh từ ngũ ẩn để thuyết minh.
- Ngũ uẩn.
Phàm là người, ai cũng nghĩ rằng thế gian là thường trụ vĩnh hằng. Thân tâm này là ta và của ta (ngã, ngã sở), do vậy nên cần bảo vệ. Đã chấp thế gian là thường, chấp thân tâm (ngũ uẩn) là Ta, thì đương nhiên Ta cần truy tầm khoái lạc và danh lợi để làm thỏa mãn cái “Ta”. Đồng thời chạy trốn sự hao tổn hủy hoại của tự nhiên. Trên thực tế, trong từng sát na, mọi vật trên đời này không vật nào là không bị biến dị (đổi khác). Vì tất cả đều là vô thường.
Dù là đại hoan lạc, và danh lợi cực lớn đi nữa, thì thế gian này vẫn không có cái trường cửu và không tan rã. Bởi chẳng có đóa hoa nào mà không có lúc tàn! Không có con người nào mà lại không chết! Vì thế, dù có vui chơi hoan lạc cho thỏa thích, thì kết cục vẫn là rã rời, là khổ. Đã là vô thường, là khổ thì tìm đâu ra cái “Ngã” chân thực, cái ngã vĩnh hằng, để mà sở hữu cả về tinh thần lẫn vật chất? Phật Giáo tạm dùng thuật ngữ ngũ uẩn để phân tích tinh thần và vật chất. Ngũ uẩn gồm:
1. Sắc Uẩn:
Bao gồm sinh lý con người và vật lý ngoại tại: Ấy là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân của con người, và đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Sắc uẩn hàm nhiếp tất cả vật chất như, hình sắc, thái sắc, cực vi, (điện tử và nguyên tử), và hồi - viễn sắc (như tinh cầu ở rất xa).
2. Thọ Uẩn:
Lấy sự lãnh nạp làm công dụng, gần với trạng thái cảm giác.
3. Tưởng Uẩn:
Lấy việc lưu giữ hình tướng làm công dụng, gần với tác dụng của tri giác và tưởng tượng.
4. Hành uẩn:
Có công dụng thiên lưu (dời đổi), và tạo tác. Gồm cả thời gian, không gian, tư tưởng. Trạng thái của Hành là đối với ngoại cảnh sinh khởi tham sân, thiện ác v.v... là công năng của hoạt động tâm lý.
5. Thức Uẩn:
Lấy phân biệt làm công dụng, gần với nghĩa của tri thức; Thức uẩn lấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý làm sở y nên gọi là lục thức thân. Đối với vật, cảnh nó phụ trách việc hiểu rõ, phân biệt và ghi nhớ v.v… lấy đó làm tác dụng. Thức uẩn cũng là tên gọi khác về bản thể của tâm.
Ngũ uẩn là sự phối hợp giữa tâm và vật, cảnh. Sắc uẩn thứ nhất phân tích về vật lý và sinh lý, bốn uẩn còn lại phân tích về tâm lý. Phân tích vật lý, sinh lý và tâm lý, nhằm thuyết minh tường tận tất cả mọi hiện tượng thuộc nhân sinh giới và vũ trụ giới, rằng tất cả chúng không có thứ gì là không vô thường tất cả là vô ngã, là khổ. Nếu năng chứng được đạo lý này, thì ngay lúc quan sát chính xác như vậy thì đó là cảnh giới Niết bàn.
Chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử là do nhân duyên của mười hai nhân duyên tạo thành. Thế giới thân tâm của chúng sinh là do sự giả hợp giữa ngũ uẩn và nhân duyên. Lìa khỏi mười hai nhân duyên sẽ không có sự lưu chuyển sinh tử, ly khai sự giả hợp do ngũ uẩn, sẽ không có thân tâm và thế giới. Sinh tử là vậy, thân tâm là vậy. Không cái nào là không phát sinh từ nhân và duyên. Các pháp hư vọng tạm thời có nhưng chỉ là sự huyễn hiện. Vậy, khám phá thế giới thân tâm bằng cách nào? Ấy là dùng tam Pháp ấn. Muốn đoạn tuyệt thân ngũ uẩn khổ thì làm sao? Hãy tu Bát chánh đạo.