- Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát
- Phẩm Thứ Hai: Phát Tâm
- Phẩm Thứ Ba: Nguyện Thệ
- Phẩm Thứ Tư: Đàn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Năm: Thi Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu: Sằn Đề Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy: Tỳ Lê Gia Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám: Thiền Na Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín: Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười: Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ Mười Một: Không Vô Tướng
- Phẩm Thứ Mười Hai: Công Đức Trì
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
PHẨM
THỨ MƯỜI
NHƯ THẬT PHÁP MÔN
Thiện nam tử, thiện nữ nhân, người tu tập sáu Ba La Mật cầu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề phải lìa xa bảy pháp. Những gì là bảy?
- Một là lìa xa ác tri thức. Ác tri thức là những ai dạy người ta xả lìa niềm tin cao thượng, ý muốn cao thượng, tinh tiến cao thượng (mà chỉ) tu tập các tạp hành.
- Hai là lìa khỏi nữ sắc, các ham mê ưa thích dục, giỡn cợt thói người đời, làm việc cho họ.
- Ba là lìa khỏi ác giác, (có nghĩa là) tự quán hình dung (của mình) rồi tham tiếc yêu mến coi nặng, nhiễm đắm giữ gìn cho là có thể giữ được lâu dài.
- Bốn là lìa khỏi sân, giận, dữ, mạn, ganh ghét, đố kỵ, phát khởi tranh tụng, hoại loạn tâm thiện.
- Năm là lìa khỏi phóng dật, kiêu mạn, giải đãi, tự thị các thiện nhỏ (của mình mà) khinh miệt người khác.
- Sáu là lìa bỏ các sách luận ngoại đạo cùng các ngôn từ chải chuốt của văn vẻ thế tục, không phải điều Phật nói, không hề ca ngợi mà tụng đọc.
- Bảy là không được gần gũi tà kiến, ác kiến.
Bảy pháp như thế cần phải lìa xa. Như Lai nói rằng: không còn thấy có pháp nào sâu chướng đạo Phật cho bằng bảy pháp này. Cho nên Bồ Tát cần phải lìa xa.
Nếu muốn mau được vô thượng Bồ Đề, phải tu bảy pháp. Những gì là bảy?
- Một là Bồ Tát cần phải gần gũi thiện tri thức. thiện tri thức chính là chư Phật cùng chư Bồ Tát. Nếu là bậc Thanh Văn mà có thể làm cho Bồ Tát trụ vào tạng pháp thâm sâu (tức) các Ba La Mật, thì (vị đó) cũng là thiện tri thức của Bồ Tát vậy.
- Hai là Bồ Tát cần phải gần gũi người xuất gia, cũng phải gần gũi các pháp a lan nhã, lìa khỏi nữ sắc cùng các ưa muốn, không cùng với người đời mà làm việc chung.
- Ba là Bồ Tát cần phải tự quán thân hình (của mình chỉ) như đất phân, chỉ đầy đặc xú uế, (rồi nào phải chịu) gió, lạnh, nóng, không đáng gì tham đắm, có ngày sẽ chết, cần phải nghĩ kỹ mà chán bỏ (để) tinh cần tu đạo.
- Bốn là Bồ Tát cần phải thường hành hoà nhẫn, cung kính, nhu thuận, cũng khuyến hoá người khác khiến họ trụ vào nhẫn.
- Năm là Bồ Tát cần phải tu tập tinh tiến, thường sinh tàm quý, kính phụng sư trưởng, lân mẫn kẻ bần cùng ở dưới, thấy người bị tai khổ đem thân mình ra chịu thế cho.
- Sáu là Bồ Tát cần phải tu tập phương đẳng Đại Thừa các tạng Bồ Tát, những pháp mà Phật ca ngợi phải thọ trì đọc tụng.
- Bảy là Bồ Tát cần phải gần gũi, tu tập đệ nhất nghĩa đế, chính là thật tướng (mà vốn là) nhất tướng, (đó là) vô tướng.
Nếu
các Bồ Tát muốn mau được vô thượng Bồ Đề, thì phải gần gũi với bảy pháp như
trên.
Lại nữa, nếu người nào phát Bồ Đề Tâm, (mà) do vì có đắc được nên (cho dù)
trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập từ bi hỉ xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục,
tinh tiến, thiền định, trí huệ, phải biết người ấy không ra khỏi sinh tử được,
(cũng) không hướng đến Bồ Đề được. Tại sao vậy? Tâm có đắc được và cái kiến đắc
được (như) ấm giới nhập kiến, ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ mệnh
kiến, từ bi hỉ xả thí giới nhẫn tiến định trí các kiến. Tóm yếu mà nói: Phật
pháp tăng kiến và Niết Bàn kiến. Các kiến có đắc được như thế tức là (các) tâm
chấp trước. Mà chấp trước thì được gọi là tà kiến. Vì sao lại là vậy? Những kẻ
tà kiến luân chuyển trong ba cõi vĩnh viễn lìa xa xuất yếu, kẻ chấp trước ở đây
cũng y như vậy, vĩnh viễn lìa xa xuất yếu, rồi ra không thể nào đắc được A Nậu
Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Nếu ai phát Bồ Đề tâm, cần phải quán sát tướng KHÔNG của tâm này. Những gì là tâm? Thế nào là KHÔNG tướng? Tâm (còn) gọi là ý thức, chính là thức ấm, ý nhập, ý giới. KHÔNG tướng của tâm là tâm không có tướng của tâm, cũng không có tác giả. Tại sao vậy? Tướng của tâm này là KHÔNG (nên) không có tác giả, không có người sai làm. Nếu không có tác giả thì sẽ không có tác tướng. Nếu Bồ Tát hiểu rõ các pháp ấy, thì sẽ không chấp trước đối với tất cả pháp. Do không chấp trước đối với các thiện ác (pháp) hiểu rõ là không có quả báo, đối với từ (tâm) mình tu tập hiểu rõ là không có ngã, đối với bi (tâm) mình tu tập hiểu rõ là không có chúng sinh, đối với hỉ (tâm) mình tu tập hiểu rõ là không có mệnh, đối với xả (tâm) mình tu tập hiểu rõ là không có người. Tuy hành bố thí mà không thấy có vật để thí, tuy hành trì giới mà không thấy có tịnh tâm, tuy hành nhẫn nhục mà không thấy có chúng sinh, tuy hành tinh tiến mà không có tâm lìa dục, tuy hành thiền định mà không có tâm trừ ác, tuy hành trí huệ mà tâm không hành gì hết, đối với tất cả các duyên đều là trí huệ, song không bám vào trí huệ, không đắc được trí huệ, không thấy có trí huệ. Hành giả tu hành trí huệ như thế, song không tu gì hết, mà cũng không phải là không tu. Vì giáo hoá chúng sinh nên (thị) hiện (thật) hành lục độ, mà bên trong (vẫn hoàn toàn) thanh tịnh.
Hành giả khéo tu tâm mình như thế (chỉ) trong một niệm thôi thời các thiện căn được gieo trồng cùng quả báo phúc đức sẽ vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ kiếp cũng không cùng tận được, tự nhiên được gần gũi với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.