- Phẩm Thứ Nhất Khuyến Phát
- Phẩm Thứ Hai Phát Tâm
- Phẩm Thứ Ba Nguyện Thệ
- Phẩm Thứ Tư Đàn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Năm Thi Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu Sằn Đề Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy Tỳ Lê Gia Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám Thiền Na Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ Mười Một Không Vô Tướng
- Phẩm Thứ Mười Hai Công Đức Trì
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
PHẨM
THỨ TÁM
THIỀN NA BA LA MẬT
Bồ Tát tu tập thiền định như thế nào? Thiền định nếu là vì để tự lợi, lợi tha, cả hai cùng lợi, thiền định như thế thì sẽ có thể trang nghiêm được đạo Bồ Đề.
Bồ Tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến họ lìa xa được khổ não nên tu thiền định. Tu thiền định là khéo nhiếp tâm mình, không để cho bất cứ loạn tưởng nào vọng tác. Đi, đứng, nằm, ngồi trói niệm vào trước mặt. Quán sát (theo hai chiều) nghịch thuận, nào là đầu lâu, đỉnh (đầu), xương sống, cánh tay, khuỷu tay, ngực, sườn, xương hông, xương đùi, ống quyển, mắt cá chân, an ban đếm hơi thở, như thế gọi là sơ tâm tu định của Bồ Tát.
Do
tu thiền định nên không thọ các ác pháp, tâm thường khoan khoái như thế, gọi là
tự lợi. Giáo hoá chúng sinh khiến họ tu chính niệm, như thế gọi là lợi tha. Đem
tam muội thanh tịnh lìa ác, với giác quán, do chính mình tu ra giáo hoá các
chúng sinh, khiến họ được lợi ích như chính mình, như thế gọi là cùng lợi. Do
tu thiền định nên đạt được tám giải thoát, cho đến Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cương
tam muội, như thế gọi là trang nghiêm đạo Bồ Đề.
Thiền định do ba pháp mà sinh. Thế nào là ba?
- một là huệ do văn,
- hai là huệ do tư,
- ba l à huệ do tu.
Từ ba pháp ấy từ từ mà sinh tất cả các tam muội.
Thế nào là văn huệ ? Đúng như các pháp được nghe, tâm thường ưa thích. Lại nghĩ như sau: các pháp vô ngại giải thoát v.v…của chư Phật, phải do đa văn mà đắc thành tựu. Nghĩ như thế rồi, đối với mọi lúc cầu pháp càng thêm tinh cần, ngày đêm thường thích nghe pháp không thấy chán hay đủ, như thế gọi là văn huệ.
Thế nào là tư huệ ? Tư niệm quán sát tướng như thật của tất cả các pháp hữu vi, chính là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, niệm niệm sinh diệt, không lâu là diệt hoại. Song các chúng sinh bị ưu, bi, khổ não, thường ghét trói buộc, chỉ vì lửa tham, khuể, si thiêu đốt, làm tăng trưởng khối khổ não lớn ở đời sau. (Song, thật ra chúng) không có thật tính, y như huyễn hoá. Thấy như thế rồi, nên đối với tất cả pháp hữu vi liền sinh chán lìa, ra sức tinh cần hướng về trí huệ Phật. Tư duy về trí huệ Như Lai không thể suy lường, không thể nói hết, có thế lực lớn không ai có thể hơn được, có thể đến được thành lớn an ổn, vô uý không bị hồi lại, có thể cứu được vô lượng chúng sinh khổ não, chí nguyện tiến cầu Đại Thừa vô thượng, như thế gọi là tư huệ.
Thế nào là tu huệ ? Từ sơ quán về cốt (xương), cho đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, đều gọi là tu huệ: lìa các pháp không thiện thuộc dục giới, có giác có quán là sinh hỉ lạc, nhập vào sơ thiền. Diệt giác và quán, bên trong thanh tịnh, tâm một chỗ, không giác không quán định sinh hỉ lạc, nhập vào nhị thiền. Lìa hỉ nên (thật) hành xả, tâm niệm (khinh) an (thuộc) huệ, thân cảm thọ lạc. Các hiền thánh thường thuyết thường xả, thường niệm thọ lạc nhập vào tam thiền. Do đoạn khổ đoạn lạc, do trước hết diệt ưu hỉ, nên không khổ không lạc hành xả, niệm, tịnh, nhập vào tứ thiền. Do vượt qua tất cả sắc tướng, diệt tất cả các tướng hữu đối, không niệm tất cả các tướng biệt dị, nên biết được hư không vô biên, thời sẽ nhập vào hư không vô sắc định xứ. Vượt qua tất cả hư không tướng, biết được thức là vô biên, thời sẽ nhập vào vô sắc thức định sứ. Vượt qua tất cả thức tướng, biết được không có gì hết (vô sở hữu), thời sẽ nhập vào vô sở hữu, vô sắc định sứ. Vượt qua tất cả vô sở hữu sứ, biết được phi hữu tưởng phi vô tưởng an ổn, thời sẽ nhập vào vô sắc phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. (Tuy thế song) chỉ vì tuỳ thuận các pháp mà hành, song không thích đắm, cầu vô thượng thừa thành tối chính giác. Như thế gọi là tu huệ. Bồ Tát do văn tư tu huệ này, tinh cần nhiếp tâm, sẽ có thể thành tựu thông minh tam muội Thiền Na Ba La Mật.
Lại nữa, Bồ Tát tu định lại có mười pháp hành không cùng (hành) chung với Thanh Văn, Bích Chi Phật. Mười những gì đây?
- Một là tu định không có tôi ngã, do bởi có đủ các thiền định của Như Lai.
- Hai tu định không đam vị, không đắm trước, lìa bỏ nhiễm tâm không cần an lạc cho riêng mình.
- Ba là tu định gồm đủ các nghiệp (thần) thông, do vì biết các tâm hành của chúng sinh.
- Bốn là tu định để biết các tâm do bởi độ thoát tất cả chúng sinh.
- Năm là tu định thật hành đại bi, do vì đoạn phiền não kết của các chúng sinh,
- Sáu là tu định các thiền tam muội, so bởi khéo biết sự nhập xuất vượt quá ba cõi,
- Bảy là tu định thường được tự tại, do vì có đủ tất cả các thiện pháp,
- Tám là tu định tâm mình tịch diệt, do vì vượt hơn các thiền tam muội của nhị thừa,
- Chín là tu định thường nhập trí huệ, do vì vượt quá các pháp thế gian đến bờ kia,
- Mười là tu định có thể hưng khởi chính pháp, do vì tục hưng Tam Bảo khiến không đoạn tuyệt.
Định như thế không cùng có chung với Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Lại nữa, do vì (để) biết tất cả tâm phiền não của chúng sinh, cho nên tu tập các pháp thiền định trợ thành trụ tâm, khiến cho (các) thiền định này trụ tâm bình đẳng, như thế gọi là định. Định (bình) đẳng như thế sẽ (bình) đẳng với KHÔNG, vô tướng, vô nguyện, vô tác. (Nếu) KHÔNG, vô tướng, vô nguyện, vô tác (bình) đẳng, thời chúng sinh (bình) đẳng. (Nếu) chúng sinh (bình) đẳng, thời chư pháp (bình) đẳng. Nhập vào (bình) đẳng như thế gọi là định.
Lại nữa, Bồ Tát tuy tuỳ theo thế (gian) mà hành, không lìa ngoài thế (gian), song (Bồ Tát) luôn luôn xả tám pháp thế gian, diệt tất cả các kết, lìa xa thói ồn náo, thích sống một mình. Bồ Tát tu hành thiền định như thế, tâm an chỉ trụ, lìa các sự việc thế gian.
Lại nữa, Bồ Tát tu định, do (để) có đủ thông, trí, phương tiện, huệ. Thế nào là thông? Thế nào là trí? Hoặc thấy sắc tướng, hoặc nghe âm thanh, hoặc biết tâm người, hoặc nhớ (được) quá khứ, hoặc có thể đến khắp được các thế giới của chư Phật. Như thế gọi là thông. Nếu biết sắc tức pháp tính, hiểu rõ âm thanh, tâm hành, tính tướng tịch diệt ba đời đều bình đẳng; biết chư Phật giới bằng với hư không tướng song không chứng diệt tận. Như thế gọi là trí. Thế nào là phương tiện? Thế nào là huệ? Khi nhập vào thiền định thời sinh đại từ bi không bỏ thệ nguyện, tâm (thệ nguyện) như kim cương, quán xét thế giới của chư Phật để (theo đó) trang nghiêm đạo trường Bồ Đề. Như thế gọi là phương tiện. Tâm mình vĩnh viễn tịch (diệt), không có ngã, không có chúng sinh, tư duy bổn tính của chư pháp không loạn, thấy chư Phật giới đồng với hư không, quán những gì được trang nghiêm đồng với tịch diệt. Như thế gọi là huệ.
Như thế gọi là Bồ Tát tu hành thiền định, do (để có đủ) thông, trí, phương tiện, huệ. Bốn sự sai biệt này đều (hiện) hành, (nên) được gần với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Bồ Tát Ma Ha Tát tu thiền định không còn chút ác tâm, do (như thiền định là) pháp bất động. Như thế thời sẽ gồm đủ Thiền Na Ba La Mật.