NGUYÊN NGUYÊN
Dịch giải
KIM CANG
DIỆU CẢM
THAY LỜI KẾT
Bạch Thế Tôn,
Mở đầu, để thay lời giới thiệu bài kinh Kim Cang tôn quý, con có ghi ra một trích đoạn trong Đàn Kinh, trong đó có câu :
Đương tri thử kinh công đức vô lượng vô biên...
( Đàn Kinh, Phẩm Bát-nhã )
Công đức đó cụ thể như thế nào ?
Chính Tổ Huệ Năng đã nói rõ : do một lần tình cờ nghe người ta tụng kinh nầy mà được khai ngộ !
Huệ Năng nhất văn kinh ngữ tâm tự khai ngộ.
(Huệ Năng vừa nghe lời kinh mà tâm liền bừng sáng.)
( Đàn Kinh, Phẩm Tự tự )
Sự bừng sáng đó càng tỏ rõ, khi tại tu viện Hoàng Mai, Tổ được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói kinh cho nghe và đã đại ngộ khi nghe đến câu :
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.
( Nên sinh tâm ở chỗ không thể bám víu được.)
Đại ngộ như vậy, bừng sáng như vậy, Tổ đã thấy gì ?
Tổ đã thấy cái chân lý cơ bản là :
Nhất thiết vạn pháp bất ly Tự Tánh..
( Vạn pháp nhất nhất đều không rời Tự Tánh.)
Cái tâm bừng sáng trong trạng thái diệu cảm. Thật xúc động , Tổ bạch cùng Ngũ Tổ , nói lên cái thấy của mình :
Nào ngờ Tự Tánh vốn tự nhiên thanh tịnh ;
Nào ngờ Tự Tánh vốn không sinh diệt ;
Nào ngờ Tự Tánh vốn tự nhiên đầy đủ ;
Nào ngờ Tự Tánh không hề dao động ;
Nào ngờ Tự Tánh có khả năng sinh ra vạn pháp.
( Đàn Kinh, Phẩm Tự tự )
Tổ được khai ngộ mà «thấy Tánh » như vậy. Mà khai ngộ cho Tổ là do công đức của câu kinh :
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm !
Bạch Thế Tôn,
Con nay hiểu rằng qua câu kinh đó Thế Tôn đã dạy về tâm pháp “ không chấp ».
Con nay cũng biết ra rằng kẻ vẫn thường thường bám chấp đó là một dạng của tâm. Có người gọi đó là cái “tâm phân biệt”.
“Tâm phân biệt” là gì? Đó là thứ tâm mà « thế đế », hay « tục đế » từ đó mà sinh ra.
. “Tâm phân biệt” có tính năng cơ bản là phân biệt hai bên, từ đó mà hình thành những cặp đối lập như là tốt/xấu, đúng/sai, thiện/ác, cao/thấp, sang/hèn, giàu/nghèo,…
Nó chấp sự phân biệt đó, để rồi “thủ xả”_ tức là bám lấy cái được xem là tốt, xua đuổi cái được xem là xấu.
. “Tâm phân biệt” cũng tạo ra những công cụ cho sự vận động của nó. Đó là những “khái niệm”. Rồi liên kết những khái niệm với nhau thì gọi là “tư tưởng”.
Những “khái niệm”, cho dù có phần phản ánh sự vật, nhưng chúng đồng thời cũng giống như những lăng kính làm biến dạng “sự vật-như-chúng-là”. Và “tư tưởng” thì cũng thế.
Bạch Thế Tôn,
Trong dân gian vốn có thành ngữ: “Mua trâu vẽ bóng”. Ấy là căn cứ vào hình vẽ của con trâu mà mua nó. Không trực tiếp xem con trâu đó bằng xương bằng thịt. Tức là không tự mình đến bên con trâu để thấy con trâu như- nó-là! Tiếp cận mọi vật /việc qua khái niệm là một kiểu “mua trâu vẽ bóng” vậy!
Trong đoạn 31, Thế Tôn đã đã cảnh giác về cái bệnh chung của loài người có nguồn gốc từ vô thủy đó. Gọi đó là “sinh pháp tướng”:
… Ư nhất thiết pháp ưng như thị tri,như thị kiến,như thị tín giải,bất sinh pháp tướng.
(… Đối với mọi vật / việc, nên bằng cách đó mà biết, mà thấy, mà tin, chớ sinh pháp tướng.)
( Kim Cang, Đoạn 31 )
“Chớ sinh pháp tướng” có nghĩa là không để cho những khái niệm che lấp sự vật như-chúng-là vậy.
Những khái niệm đó làm cho sự vật bị biến hình vì những “ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến”. Tức là những thiên kiến vậy!
Với sự vật như-chúng-là thì “nhục nhãn” không thấy được; cái nó thấy thì là thấy qua lăng kính biến dạng của những khái niệm .
. “ Tâm phân biệt” cũng tạo ra thứ khuôn khổ cho sự vận động của nó. Ấy là “thời gian”, gồm quá khứ, hiện tại, vị lai.
Có thể thấy rất rõ: quá khứ là cái đã qua rồi; vị lai là cái chưa thực sự xảy ra. Cả hai đều là hư vọng.
Hiện tại trong thế giới tâm thì cũng là hư vọng. bởi vì đó là thứ hiện tại đầy ắp hoài niệm về quá khứ và là thứ hiện tại chồm về phía trước, với biết bao là dự phóng về tương lai!
Nói tóm lại thì “thời gian” là hư vọng, bởi vì đó là sản phẩm của cái “tâm phân biệt”!
Bạch Thế Tôn,
Thật may mắn làm sao, ngoài cái tâm phân biệt kia chúng con còn có “tâm thiền định”. Đó là cái tâm từ đó chúng con có thứ mà Bồ Tát Long Thọ gọi là “chân đế”, tức là có thứ tri kiến về “sự vật như-chúng-là.” Tâm nầy vốn ẩn vi, mà chúng con đã nhờ những bậc giác ngộ chỉ ra.
Con nay biết rằng “tâm thiền định” không vận động trong khuôn khổ thời gian. Nếu tạm nói rằng nó vận động trong hiện tại thì đó là thứ hiện tại mỏng tanh! Mỏng như một sát-na. Đó là thứ hiện tại không có thời gian tính! Xin được gọi đó là cái “hiện tiền”.Vậy là “tâm thiền định” thức động trong “hiện tiền”.
Với “tâm thiền định” thì không có thời gian, do đó mà không có sinh cùng diệt. Cũng là “vô sở trụ”, tức là không có chỗ để bám víu.
“Tâm thiền định” cũng không vận dụng các khái niệm. Vạn pháp thị hiện như-chúng-là, tức là thông với Tự Tánh. Như Lục Tổ Huệ Năng đã thấy:
Nhất thiết vạn pháp bất ly Tự Tánh.
Một cách cụ thể thì với “tâm thiền định” Thiền giả cũng nghe. Như nghe tiếng chim kêu. Tuy vậy tiếng chim nầy không giống với tiếng chim vẫn thường nghe. Tiếng chim nầy là một thị hiện trong sát-na hiện tiền.
Và Thiền giả cũng thấy. Như thấy trăng lên. Nhưng đây cũng không phải là trăng vẫn thường thấy. Trăng đây là sự thị hiện trong sát-na hiện tiền của Tự Tánh huyền nhiệm. Như một Thiền giả nọ đã thấy và đã viết nên một câu đẹp như gió mát, đẹp như trăng thanh:
Hốt phùng thiên đễ nguyệt.
( Chợt thấy trăng lên ở chân trời.)
Ấy là thấy Tánh đó chăng? Hoặc là thấy Tánh tướng không-hai đó chăng?
Nguyện cầu quý hành giả có duyên may được nghe tiếng chim kêu như vậy, hoặc thấy trăng lên như vậy!
Hoặc là thấy trúc xanh theo cùng cách như vậy, hoặc là thấy hoa vàng theo cùng cách như vậy!