Của Một Chúng Sanh Theo Kinh Đại Duyên
Tóm tắt: Giáo lý Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa mở ra kho tàng pháp bảo Phật giáo, vì có thể giải quyết những vấn đề của khổ đau, cả sự sanh ra hay chết đi của con người. Phật giáo ra đời thiết lập nền tảng giáo lý Duyên khởi mà Đức Phật đã chứng ngộ. Học thuyết Duyên khởi thể hiện giá trị ở lập luận chặt chẽ về tất cả sự hiện hữu của con người, khổ đau và sự chấm dứt của con người sau khi chết đi. Kinh Đại Duyên chính là một trong số các kinh quan trọng thuộc Kinh Trường Bộ đề cập đến giáo lý Duyên khởi, hay nói cách khác chính là bài kinh giải quyết về sự có mặt của một chúng sanh trên cuộc đời, có mặt của khổ và cách chấm dứt sau khi chết.
DẪN NHẬP
Nghiên cứu về Kinh Đại Duyên trong Trường Bộ kinh, là cơ hội để người viết tiếp cận gần hơn với ý nghĩa sâu sắc của thế giới quan và nhân sinh quan của Phật giáo. Hơn hết, tư tưởng trong Trường Bộ Kinh nói chung hay Kinh Đại Duyên nói riêng còn giúp người nghiên cứu vận dụng chính giáo lý đó vào cuộc sống, nhìn thấy được ba tướng Khổ – Vô thường – Vô ngãcủa các pháp, vận hành đời sống con người. Ngoài ra, trên phương diện kết quả nghiên cứu, đây còn là tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy giáo lý căn bản nhất của Đạo Phật, bác bỏ những lập luậnsai lầm của các ngoại đạo, các tôn giáo chủ trương nhất thần hay đa thần, phá vỡ những sự lầm tưởng về hiện tượng và con người.
DUYÊN KHỞI PHẬT THUYẾT KINH
Xuất xứ Phật thuyết kinh
Trường Bộ Kinh (Dīgha-Nikāya) là bộ kinh quan trọng nằm trong 5 bộ Nikāya, thuộc văn hệ Pali, được Việt dịch bởi HT. Thích Minh Châu. Nội dung bộ kinh bao hàm nhiều bài kinh dài nên gọi là Trường bộ, có tất cả 34 bài kinh, trình bày các vấn đề quan trọng của cuộc sống, xã hội cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến con người và thế giới. Bộ kinh này được xem là quan trọng bậc nhất liênquan đến giáo lý cốt tủy của Phật giáo: bài Kinh Đại Niệm Xứ, Kinh Đại Duyên, Kinh Phạm Võng, Kinh Sa Môn Quả. Đôi khi nội dung các bài kinh là cuộc đối thoại của Đức Phật với các triết gia, các luận sư lúc bấy giờ.
Nguyên nhân Phật thuyết kinh
Trước khi thuyết pháp, Đức Phật dùng định lực quán sát căn cơ của đối tượng hoặc thính chúng để thuyết nhiều bài pháp khác nhau. Đó chính là minh chứng tinh thần tùy bệnh mà cho thuốc, tùy căn cơ mà giảng giáo nghĩa, là điểm đặc sắc trong Đạo Phật. Và giáo pháp của Như Lai là khế cơ, khế thời, là tùy vào đối tượng mà thuyết, không mang tính giáo điều rập khuôn.
Cũng vậy, trong bài Kinh Đại Duyên, đối tượng được Đức Phật chọn để nói pháp không ai khác là ngài A Nan – vị thị giả của chính Ngài. Phỏng theo sớ giải, nhân duyên Phật thuyết bài Kinh Đại Duyên rằng: Sau khi thọ thực, ngài A Nan cảm thấy bổn phận thị giả của mình đã hoàn tất, liền chọn cách nhập quả định để nghỉ trưa và quán chiếu về danh sắc của bản thân. Trong suốt thời gian nghỉ trưa, chỉ có tâm sơ quả xuất hiện. Và tôn giả A Nan đã an trú trong thánh quả, không quan tâm đến các pháp hữu vi xung quanh. Sau khi trụ nơi sơ quả, ngài suy tư về giáo lý Duyên khởi và nhận ra đã thông suốt rõ ràng. Vì vậy, sau khi rời khỏi định, ngài liền bạch với Đức Thế Tôn: “Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, giáo pháp duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ ràng” [1]. Ngay khi nghe như vậy, Đức Phật đã quở trách A Nan rằng: “Bởi không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh rối loạn như một ổ kén, như ống chỉ, như đống cỏ Munja hay lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể thoát khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử” [2]. Vậy tại sao Đức Phật lại quở trách như thế?
Ở đây, A Nan trình bày chỗ thấy của mình về giáo lý Duyên khởi không phải không có cơ sở. Cũng theo sớ giải, ngoài Đức Phật, tôn giả A Nan có đầy đủ bốn yếu tố để thấu hiểu giáo lý Duyên khởimột cách rốt ráo giống như hai vị thượng thủ của tăng đoàn là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Về căn bản, giáo lý Duyên khởi đều được các bậc thánh thấy biết giống nhau để có thể chấm dứtphiền não và chứng ngộ Niết Bàn. Tuy nhiên, tùy vào sự sâu dày của Ba-la-mật mà mỗi người có độ hiểu sâu rộng khác nhau. Do đó, sự quở trách của Đức Phật và chấn chỉnh ý niệm của A Nanchính là nhân duyên để Phật thuyết Kinh Đại Duyên.
Ý nghĩa và xuất xứ Kinh Đại Duyên
Kinh Đại Duyên, tiếng Pali là Mahanidana Sutta. Chữ “Duyên” Nidana đồng nghĩa vớitừ Paccaya được dịch nghĩa là duyên sự, là quá trình thúc đẩy mọi sự đi tới, hay xảy ra nên gọi là duyên. Y cứ trên định nghĩa về “Duyên” thì ý nghĩa bài Kinh Đại Duyên chính là sự thúc đẩy, sự đưa đến hiện hữu của một chúng sanh qua chín pháp được đề cập ở nội dung.
Hệ thống kinh tạng nguyên thủy luôn đề cập đến xuất xứ của bài kinh. Đó tuy là điều đơn giảnnhưng mang ý nghĩa sâu sắc, biểu hiện tinh thần uyển chuyển tùy duyên của Đạo Phật. Bởi ngoài ý nghĩa “xứ thành tựu” trong lục chủng thành tựu, xuất xứ bài kinh nói lên giá trị phù hợp cho nhiều đối tượng, căn cơ, trình độ, đặc điểm của thính chúng. Trên tinh thần đó, Kuru được đánh giá là một xứ sở tiêu biểu, chứng minh lý do vì sao Đức Phật chọn người dân nơi đây để thuyết những bài kinh có tầm quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn trong quá trình tu tập như: Kinh Đại niệm xứ, Kinh Tứ Đế.
Có thể nói, Kinh Đại Duyên trình bày về sự tu tập và chứng ngộ giáo lý Duyên khởi, giải thích quá trình vận hành và sanh khởi của vạn pháp, được Đức Phật dạy cho A Nan khi trú tại xứ Kuru. Bài kinh này tạo nên hệ thống giáo lý trọng tâm, làm nền tảng cho triết học Phật giáo. Theo như sớ giải, người dân xứ Kuru có những đặc điểm nổi bật và có thiện căn với Phật pháp. Tương truyền, người xứ Kuru hầu hết sống trong chánh niệm, là những người có nhiều trí tuệ, thông minh khi học hỏigiáo lý. Hàng ngày, những trao đổi giữa người với nhau thường về các vấn đề đạo đức, tu tập và con đường tịnh tiến đưa đến giải thoát. Phương diện triết học, lịch sử ghi nhận Kuru còn là nơi sản sinh ra nhiều hiền triết, nhiều luận sư tài ba lúc bấy giờ. Với tất cả những thiện nghiệp đó, nơi đây hoàn toàn phù hợp để Đức Phật giảng những bài kinh quan trọng như Đại Duyên, trình bày về chín chi pháp đưa đến sự vận hành và chấm dứt đời sống của một chúng sanh.
Tóm tắt nội dung kinh
Đức Phật không chủ trương bàn về nguồn gốc sâu xa của sự hiện hữu, không lập luận về lý thuyếtsuông ở giáo lý Duyên khởi. Nói cách khác, Đức Phật không tán thành việc truy nguyên nguồn gốc vũ trụ và con người. Tuy nhiên, bài kinh này lại đề cập hết sức chi tiết về nguyên nhân đưa đến sự có mặt của một chúng sanh, quá trình tái sinh sau khi chết đi.
Vậy Duyên khởi là vấn đề gì, đối tượng là ai? Ở đây, Duyên khởi trên vạn pháp, trên hữu tình. Duyên khởi đưa đến hiện hữu của chúng sanh, của khổ đau. Đối với đối tượng là bậc sơ quả như tôn giả A Nan, Đức Phật đã tinh tế và dụng ý khi lược bỏ một số chi phần trong mười hai chi phầncăn bản. Chín chi phần Đức Thế Tôn trình bày trong bài kinh được ví như một vòng tròn, giải thíchchi tiết sự xuất hiện một chúng sanh và cách đoạn tận mọi sự hiện hữu trên cuộc đời. Việc trình bày đó lý giải hai lớp nhân quả đưa đến khổ đau trong ba thời kỳ quá khứ, hiện tại và vị lai. Đồng thời, bài kinh còn đề cập đến các vấn đề của ngã, sự chấp ngã, tà kiến về các ngã. Cuối cùng, Phật dạy cho A Nan về bảy trú xứ của thức và tám cảnh cửa giải thoát. Nhìn có vẻ rời rạc nhưng tất cả các vấn đề trong kinh có sự xâu chuỗi, liên quan đến cốt lõi làm sao giải quyết những khổ đau trong thực tại chúng sanh. Trên phương diện đời sống, bài kinh chính là tư tưởng triết học về nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu của chúng sanh, hình thành vạn pháp và cách chấm dứt quá trình hiện hữu ấy, chấm dứt tiến trình luân hồi sanh tử trong tam giới.
VẬN HÀNH CÁC PHÁP ĐƯA ĐẾN SỰ CÓ MẶT VÀ CHẤM DỨT ĐỜI SỐNG CỦA MỘT CHÚNG SANH
Phân tích khái niệm
Vô minh trong tiếng Pali là Avijjā. Xét về từ nguyên, “Vô” nghĩa có ý nghĩa là không, minh là sáng, là thông suốt. Như vậy vô minh chính là không sáng suốt, không thông suốt một vấn đề nào đó. Về ngữ nghĩa, vô minh nói đủ là vô minh trong Tứ đế, là không biết mọi sự hiện hữu là khổ. Căn bảnsự có mặt nào trên thế gian này đều nằm trong ba khổ. Tất cả chúng sanh nếu không biết như vậy gọi là bất tri trong khổ đế, tức vô minh trong khổ đế. Khổ đế bao hàm ba phương diện chi tiết. Khổ khổ là những thứ làm cho thân tâm khó chịu. Hoại khổ là sự vắng mặt của những gì làm cho thân tâm khó chịu. Hành khổ chính là sự lệ thuộc các điều kiện và có rồi phải bị mất đi.
Vô minh trong Tập đế chính là không biết tất cả những đam mê ấy đều là đam mê trong Khổ đế. Như vậy, chính vì không hiểu mọi hiện hữu là khổ, nên con người đam mê trong Khổ đế. Sự vô minh trong Diệt đế là không hiểu được khổ có thể chấm dứt bằng cách không tiếp tục đắm chìm vào Tập đế.
Trong Kinh Chánh Tri Kiến, Tôn giả Sariputta nói về vô minh như sau: “Chư hiền, thế nào là vô minh, thế nào là tập khởi của vô minh, thế nào là đoạn diệt của vô minh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh? Sự không tuệ tri về khổ, không tuệ tri về khổ tập, không tuệ tri về khổ diệt, không tuệ tri về con đường đưa đến khổ diệt, Chư Hiền, như vậy gọi là vô minh. Từ tập khởicủa lậu hoặc, có tập khởi của vô minh; từ đoạn diệt của lậu hoặc, có đoạn diệt của vô minh; và Thánh Đạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh, tức là: Chánh Tri kiến… Chánh Định”[3]. Như vậy, do vô minh trong Tứ đế, không biết rằng mọi hiện hữu là khổ, mà chúng sanh tạo nghiệp thiện ác, mà theo giáo lý duyên khởi gọi là Vô minh duyên cho Hành.
Hành theo tiếng Pali là Sankhàra là hành động có tác ý, gồm những thiện và bất thiện tạo thành nghiệp và dẫn đến tái sanh. Thấp nhất chính là sự hợp thành giữa tư (cố ý) với mười hai loại tâm bất thiện. Thứ hai gồm Tư (Cetana) với tám loại tâm đại thiện và năm tâm thiện để sanh về thiền sắc giới. Sau khi nhàm chán cõi sắc giới tu tập bốn loại tâm để sanh về cõi Vô sắc giới. Và như vậy, 3 hành ở đây là: Phi phúc hành, Phúc hành và Bất động hành. Nói khái quát rằng 3 hành này chính là tư tâm sở trong lúc tạo nghiệp thiện ác. Do 3 hành trên mà có ba mươi hai tâm quả, chính là quả của các nghiệp thiện ác. Trong ba mươi hai tâm quả đó có 13 quả bình sinh và 19 tâm quả tái sinh. 19 tâm quả tái sinh đó chính là tâm đầu thai vào các cõi. Còn đối với 13 tâm quả bình sinh sẽ xuất hiện sau lúc đầu thai và tiếp tục sinh diệt cho đến khi mạng chúng. Đó gọi là Hành duyên Thức. Hay nói đơn giản là tùy thuộc nơi Hành mà Thức sanh khởi.
Thức (viññāṇa) tùy thuộc vào hành động thiện hoặc ác ở quá khứ mà đưa đến tái sanh. Tức là bằng năng lực của nghiệp dẫn đến thức tái sanh hay kiết sanh thức phát sanh trong kiếp hiện tại. Từ mười chín tâm đầu thai phàm phu tái sanh vào cảnh giới nào có đủ năm uẩn, hoặc ở cõi vô tưởng chỉ có Sắc uẩn, hoặc chỉ có bốn Danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức), hoặc cõi dục giới có đủ năm sắc.
Danh Sắc (Nāma – Rūpa) ở đây được hiểu là Tâm và Sắc pháp đầu đời của chúng sanh ở trong các cõi của tam giới. Đây gọi là Thức duyên Danh Sắc.
Tùy thuộc vào cảnh giới tái sanh lúc đầu đời có đủ Danh Sắc hay không, nghĩa là chúng sanh có đủ sáu căn hay không. Ví dụ, chúng sanh dục giới có đủ sáu căn, chúng sanh sắc giới có nhãn, nhĩ và ý căn, chúng sanh ở vô tưởng chỉ có sắc pháp. Chúng sanh vô tưởng là người đã chứng được ngũ thiền nhưng nhàm chán tâm thức nên nguyện sanh về cõi không tâm. Như vậy, chính Danh Sắc đầu đời là nền móng để mỗi chúng sanh có đủ lục căn hay không.
Chính sáu căn, sáu trần và sáu thức đưa đến lục nhập. Ở đây gọi là Lục nhập (Saḷāyatana), chi phần này được ví như sự vận hành của guồng máy, hoạt động tự nhiên, khi có sáu căn thì lập tứcxuất hiện sáu trần làm đối tượng, và sự kết hợp giữa sáu căn và sáu trần ấy đưa đến hiện diện của sáu thức. Ví dụ đối tượng của mắt là sắc trần và nhãn thức xuất hiện động thời. Tương tự, các phần còn lại trong lục căn đều có đối tượng vận hành riêng.
Xúc (Phassa) sanh khởi bởi Lục nhập, theo ngữ nguyên thông thường thì đó được hiểu là sự tiếp xúc, là xúc chạm nhưng trong giáo lý Duyên khởi. Xúc là mối quan hệ tương quan với Lục nhập, là sự xúc chạm của Danh pháp mà không phải sắc pháp, là sự gặp nhau giữa căn, cảnh và thức. Nói đầy đủ chính là sáu căn cùng với sáu trần sanh ra sáu xúc. Là sự gặp mặt của các giác quan với các đối tượng và cái biết về sáu giác quan đó. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy: “Vì có mắt (Nhãn xứ) và cảnh Sắc nên Nhãn Thức phát sanh. Vì có tai (Nhĩ xứ) và cảnh Thinh (âm thanh) nên Nhĩ Thức Phát sanh.Vì có mũi (Tỷ xứ) và cảnh Khí (Hương) nên tỷ thức phát sanh. Vì có lưỡi (Thiệt Xứ) và cảnh Vị nên thiệt thức phát sanh. Vì có thân (Thân xứ) và cảnh xúc nên Thân thứcphát sanh. Vì có Ý xứ và cảnh pháp nên Ý thức phát sanh. Điểm hội tụ của ba yếu tố ấy là Xúc” [4]. Ví dụ khi mắt ta nhìn một đối tượng, nhưng không tác ý nhìn thấy, chúng ta cũng không nhìn thấy được vật đó dù nó ngay trước mặt. Chỗ này chính là điểm khác nhau giữa các bậc thánh và chúng sanh. Chúng sanh khi nhìn, ngửi, nếm,… liền có sự phân biệt giữa yêu ghét, đúng sai, đẹp xấu, liền vọng tưởng, chấp trước. Còn đối với bậc thánh, mặc dù cũng có đủ sáu căn, trần, cảnh, xúc nhưng không phân biệt, đó chỉ là đất – nước – lửa – gió, là vô thường – khổ – vô ngã.
Từ Xúc mà cảm thọ phát sanh. Thọ (vedanā) mang ý nghĩa là cảm thọ, là cảm giác trải nghiệm của mỗi căn với cảnh, thức tiếp xúc và phát sanh sáu xứ. Đây là sự nhận biết khi trải nghiệm xúc chạm. Sự nhận biết này khác hoàn toàn với thức khi căn cảnh tiếp xúc với nhau. Bởi nhận biết ở đây là quả của việc ưa thích hay không ưa thích. Về căn bản, Thọ có ba: Thọ hỷ, Thọ ưu, Phi khổ phi lạc thọ, tương đương với ý nghĩa cảm giác vui vẻ hạnh phúc, cảm giác buồn khổ, phiền não và cảm giác không hạnh phúc cũng không buồn khổ. Điều đáng lưu ý, hỷ thọ hay cảm giác hạnh phúc, vui vẻ này hoàn toàn khác với cảnh giới giải thoát của Niết Bàn. Bởi hạnh phúc ở đây là một tâm sở đối lập với tâm phiền não. Chính khi còn đối đãi phân biệt, đó không thể gọi là Niết Bàn. Cụ thể khi mũi (tỷ căn) gặp gỡ với hương thơm, khi mũi và mùi hương gặp nhau sanh ra cái biết về mùi hương gọi là tỷ thức. Ba yếu tố này hợp lại gọi là xúc, khi vừa tiếp xúc, cảm thọ ưa thích nơi hương thơm ấy là Hỷ thọ.
Ái (Taṇhā) được các bậc luận giải cho là chi phần rất quan trọng trong vô minh. Do đâu mà Ái có mặt? Chính nơi Thọ mà Ái phát sanh, là sự sanh khởi tâm ưa thích, mong muốn và khao khát. Ái gồm Dục Ái, Hữu Ái và Phi Hữu Ái. Ba loại Ái này liên quan đến chủ trương về dục trong Ngũ trần, Thường kiến và Đoạn kiến. Ái là chi phần quyết định đến sự hiện hữu của chúng sanh hay quả vịcủa một bậc thánh. Bởi đều là căn – cảnh – thức phát sanh, xúc hiện hữu, thọ phát sanh, nhưng một người có tu tập thì chánh niệm tính giác, sáu thọ duyên cho tín tấn niệm định tuệ. Nhưng phàm phu thì sáu thọ duyên cho sáu Ái. Như vậy, Ái là quả do Vô minh ở quá khứ mà phát sanh và sẽ là nhân cho tương lai. Ái chính là chi phần hiện tại đưa đến sự hiện hữu của một chúng sanh ở kiếp tiếp theo. Đó chính là sự đầu tư vào cái khổ, làm Tập đế sanh Khổ đế ở tương lai. Khao khát, yêu thích, mong muốn ở mức độ căn bản gọi là Ái, nhưng nếu ở mức độ sâu dày gọi là Thủ.
Thủ là sự phát triển của Ái đến mức độ sâu hơn. Thủ (Upādāna) gồm Dục thủ là sự chấp chặt trong cảnh ưa thích; Kiến Thủ là sự cố chấp trong quan điểm về mọi mặt như tư tưởng, tâm linh; Giới Cấm Thủ là sự nắm chặt trong phương thức hành trì, trái với Bát Chánh Đạo, không đưa đến hướng đến Diệt Đế, không đưa đến Niết Bàn; Ngã chấp Thủ là chấp vào ý niệm Tôi và của Tôi. Tùy thuộc nơi Thủ mà Hữu phát sanh.
Hữu (Bhava) gồm Nghiệp Hữu và Sanh Hữu. Với đặc tính tương quan sanh khởi của giáo lý Duyên khởi, nên sau Vô minh thì các nghiệp được gọi là ba Hành với 19 tâm đầu thai gọi là Thức, nhưng sau bốn Thủ thì các nghiệp ấy gọi là Nghiệp Hữu, 19 tâm ấy gọi là Sinh Hữu. Từ Nghiệp Hữu mới xuất hiện Sinh Hữu và từ Sinh Hữu mới có sự ra đời vào các cõi của chúng sanh bằng các hình thức noãn, thai, thấp, hóa sinh. Do các nghiệp thiện ác mà có tâm đầu thai với các hình thức chào đời của vạn loại hữu tình.
Chính sự có mặt ở đời chính là nguyên nhân sanh khởi Sinh (Jāti), đưa đến già chết (Jarāmaraṇa), đói khổ,… nhiều vấn đề khác trong đời sống con người. Vòng tròn của Duyên khởi tiếp tục chuỗi vận hành luẩn quẩn. Nghĩa là người Vô Minh trong Tứ đế, không nhận những nỗi khổ, nguyên nhânvà sự vắng mặt của khổ, con đường đưa đến chấm dứt khổ nên tiếp tục tạo nghiệp thiện ác, cứ mãi ở trong sự vận hành khép kín của vòng Duyên khởi, không có điểm bắt đầu hay kết thúc, cái này tiếp nối cái kia theo trật tự nhân quả.
Những yếu tố căn bản đưa đến sự hiện hữu của chúng sanh
Ý nghĩa lược bỏ ba chi pháp trong Kinh Đại Duyên
Xét theo tiến trình căn bản của giáo lý Duyên khởi đầy đủ mười hai chi pháp. Tuy nhiên, trong Kinh Đại Duyên, đối tượng được giảng dạy là tôn giả A Nan nên chỉ trình bày chín chi pháp và ba chi pháp không được đề cập đến là: Vô Minh, Hành, Lục Nhập. Trước tiên, xét theo giáo lý Duyên khởivới đầy đủ mười hai chi thông thường, Vô minh và Hành đứng đầu, vậy tại sao hai chi phần Vô minh và Hành không được đề cập? Vì đó là chi pháp thuộc về nhân quá khứ đưa đến sự hiện hữuở hiện tại. Và điều tất yếu nhân ở quá khứ là điều không thể thay đổi, nên Đức Phật muốn hướng đến giải quyết hiện tại, chấm dứt khổ đau để hiện tại không tiếp tục làm nhân cho quả ở tương lai. Mặc dù nói Đức Phật chú trọng đến hiện tại, không có nghĩa chi phần Vô minh và Hành ít quan trọng hơn. Mà dụng ý ở đây muốn nhấn mạnh chỉ cần chấm dứt một chi phần thì các chi phần khác tự động chấm dứt trong cả quá khứ, hiện tại hay vị lai. Cụ thể, chấm dứt Thủ thì Ái không có mặt, Ái không có mặt thì Thọ cũng không có và cứ thế, các chi phần còn lại cũng không có mặt.
Thêm một chi phần không được nhắc đến trong Kinh Đại Duyên chính là Lục nhập. Theo tiến trình sanh khởi và đoạn diệt của mười hai chi pháp, Lục Nhập (hay Lục Xứ), tùy thuộc nơi Danh Sắc mà phát sanh. Theo các định nghĩa thông thường, Danh (Nàma) và Sắc (Rùpa) là hai thành phần riêng nhưng sanh khởi từ Thức. Phần Danh nói tổng quát là Thọ, Tưởng, Hành đồng hiện khởi với Thức. Thức có mặt thì Danh có mặt, bốn pháp này là bốn pháp bất khả phân ly còn được gọi là Tứ Danh Uẩn. Ở cõi Vô sắc thì Thức duyên Danh, cõi Vô tưởng thì Thức duyên Sắc, cõi Sắc giới và Dục giớithì Thức duyên đủ cả Danh và Sắc.
Danh Sắc duyên cho sáu nhập là cách nói chung cho tất cả chúng sanh trong Tam giới. Trong cõi Vô sắc chỉ có Danh duyên cho một Xứ, đó là Ý xứ. Còn ở cõi Vô tưởng thì không có Sáu xứ nên không kể ở đây. Cõi Phạm Thiên sắc giới hữu tưởng thì chỉ có ba xứ là Nhãn xứ, Nhĩ xứ và Ý xứ. Chúng sanh cõi Dục giới có đủ sáu xứ nhưng đôi khi bị khiếm khuyết một hay hai xứ như: nhãn hoặc nhĩ,… Riêng các chúng sanh cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Atula có đủ cả Sáu Xứ không thể thiếu.
Như vậy, đã có Danh sắc, chắc chắn có Lục nhập nhưng tùy thuộc ở cảnh giới tái sanh mà có đủ Lục nhập hay không. Trong Tam giới, cõi nào đầy đủ Ngũ uẩn mới có đủ Lục Nhập. Vì các cõi Sắc giới hay Vô sắc, họ không cần đủ Danh hoặc Sắc, hoặc họ nhàm chán Sắc uẩn, hoặc nhàm chánDanh nên sanh vào cõi không đủ năm uẩn. Điều này khác hoàn toàn với chúng sanh tạo ác nghiệpnên thiếu. Vì vậy, có Danh Sắc tức có Lục nhập, tùy vào cảnh giới trong tam giới mà Lục Nhập biểu hiện ra. Nên trong bài kinh này, Lục Nhập không đề cập đến.
Tiến trình vận hành của chín chi pháp
Giáo lý Duyên khởi được Đức Phật nhắc lại nhiều lần trong các bài kinh khác nhau, và thuyết giảngcho nhiều đối tượng khác nhau. Điều đó chứng minh giáo lý Phật giáo không rập khuôn, không giáođiều, tùy theo thời, theo nhân duyên mà thuyết. Trên tinh thần ấy, việc lược bỏ ba chi pháp là điều hoàn toàn phù hợp với căn cơ, địa vị sơ quả của A Nan. Hơn hết, chín chi pháp ấy trên thực tế chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, bởi Đức Phật có thể trình bày bằng mười hai Duyên, chín Duyên, hay thậm chí chỉ ba Duyên mà có thể bao quát hết thảy học thuyết Duyên khởi.
Trong Kinh Đại Duyên, chín chi pháp được đề cập đó chính là: 1. Thức, 2. Danh sắc, 3. Xúc, 4. Thọ, 5. Ái, 6. Thủ, 7. Hữu, 8. Sanh, 9. Lão tử. Chúng ta có thể hiểu trên khái niệm sự hiện hữu của một chúng sanh rằng chính Thức tái sanh đưa đến Danh Sắc trong hiện tại. Và nhân nơi Danh Sắc ấy mà Xúc, Thọ phát sanh. Vì có Thọ nên Tham Ái và Chấp Thủ đưa đến Hữu. Vì có Hữu nên dẫn đến Sanh, đưa đến già chết. Thanh Tịnh Đạo Luận đã đưa ra ví dụ chi tiết về 12 chi pháp: “Vô minh như người mù, vì không thấy được đặc tính chung và riêng của các pháp. Hành do duyên vô minh ví như sự vấp của anh mù. Thức do hành ví như sự té ngã. Danh sắc do thức, ví như ung nhọt phát sinh. Sáu xứ do danh sắc như máu mủ tụ lại. Xúc do duyên sáu xứ như đánh vào chỗ máu tụ. Thọ như cơn đau do bị đánh . Ái ví như khao khát một liều thuốc. Thủ ví như vớ nhằm thứ thuốc không hợp. Hữu ví như đắp vào vết thương thứ thuốc không hợp ấy. Sinh ví như vết thương thành trầm trọng do xức thuốc bậy. Già chết ví như ung nhọt vỡ ra, sau khi biến đổi” [5]. Qua ví dụ trên, tùy vào đối tượng, chúng ta có thể kể tóm tắt câu chuyện ngang sự việc người mù bị ngã mà không cần nói đoạn vì người mù không thấy đường hoặc khi dĩ nhiên cũng có thể bỏ qua những vết ung nhọt tụ máu dĩ nhiên xảy ra.
Cách chấm dứt sự hiện hữu
Mối liên hệ giữa thức và danh – sắc
Đức Phật dạy mọi sự hiện hữu là khổ, mọi sự hiện hữu trên cuộc sống dù muốn hay không cũng đều nằm trong tam tướng: “Khổ – Vô thường – Vô ngã”. Vì vậy, mối liên hệ giữa Thức – Danh – Sắc chính là mối liên hệ đưa đến sự hiện hữu trong hiện tại. Nói cách khác, chính Thức làm cho một đời sống bắt đầu, khiến một chúng sanh có mặt trên cuộc đời này. Danh Sắc sẽ không có mặt nếu Thức không có. Thức đưa đến Danh Sắc là Thức quá khứ. Chính thức trong quá khứ đưa đến sự có mặt của Danh Sắc (thân tâm) trong hiện tại. Danh Sắc hiện tại tiếp tục tạo ra Thức ở kiếp sống này. Cứ như vậy, với mối liên hệ tương quan, Thức và Danh Sắc tạo nên một vòng khép kín, dẫn đến mọi hiện hữu của khổ đau trong cuộc sống này. Theo chiều ngược lại, nếu Thức được tu tập đoạn trừ thì Danh Sắc không phát triển, lớn dần thành một thai nhi. Khi Danh Sắc không có thì Thức cũng không có. Nếu Thức không có để kết hợp với tinh cha, trứng mẹ thì chỉ có Sắc mà không có phôi thai.
Chấm dứt trong đời sống hiện tại
Bởi vì quán xét thấy được rằng việc trôi nổi trong luân hồi, sự tương tục khép kín của sanh từ đời này qua kiếp khác chính là một vòng luẩn quẩn của khổ đau nên chư vị thánh đệ tử nỗ lực tu tập để chứng đạt được quả vị A la hán. Nói cách khác, người có tu tập, có trí tuệ sẽ thấy hiện hữu trong cuộc đời này chính là khổ. Và vì vậy, muốn chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử chính là chấm dứtngay đời sống hiện tại. Một trong các chi pháp được chấm dứt thì tự động các chi pháp kia cũng không còn. Tuy nhiên, ba chi pháp là quả của quá khứ, nhưng làm nhân cho tương lai, cần chấm dứt để không đưa đến tiếp tục tái sanh. Đó chính là Ái – Thủ – Hữu.
Từ Thọ mà Ái phát sanh, tham đắm phát sanh. Chính Ái là nguồn cội của mọi hiện hữu, mọi khổ đau. Vì vậy Kinh Pháp Cú nói về Ái như sau: “Do Ái phát sanh sầu muộn/ Do Ái phát sanh lo sợ/ Người đã trọn vẹn thoát khỏi ái không còn sầu muộn, càng ít lo sợ” [6]. Ái được xem là chi pháp hiện tại, là nhân sanh ra quả ở tương lai, là điều kiện thúc đẩy chúng sanh trôi lăn trong vòng luân hồi. Chấm dứt Ái chính là chấm dứt ngay trong hiện tại, vì Ái là duyên tham đắm sanh ra tìm cầu phát sanh. Vì sự tìm cầu nên nhận thấy có lợi lạc sanh ra. Do duyên ham thích lợi lạc nên quyết định lấy lợi lạc đó. Đưa đến tham dục, vì đam mê (tham ái), đưa đến chấp thủ. Như vậy, chấp thủcó mặt là do tham ái hay cốt lõi của thủ chính là tham ái. Từ đó sanh ra tâm hà tiện, cất giữ. Thủ hộphát sanh khiến cho một số bất thiện pháp như chấp trượng. Dựa vào trượng vào kiếm mà tranh đấu hơn thua và ác có mặt. Do duyên thủ hộ mà phát sanh các ác bất thiện pháp. Như vậy, nhân duyên tập khởi tức đưa đến sự có mặt của ác, bất thiện pháp. Qua một chuỗi trùng điệp, diễn tiếnkéo theo một loạt các chi phần khác và khiến sanh khởi bất thiện pháp.
Tóm lại, muốn chứng đạt cứu cánh, mục tiêu duy nhất đặt ra chính là đoạn tận Ái. Bởi Ái diệt thì Thủ không có, Thủ không có không đưa đến nghiệp Hữu… cứ như thế mà không có sanh tử, sầu bikhổ ưu nào. Điều này Đức Phật đề cập trong Kinh Đại Duyên: “Này Ananda, nếu thủ hộ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có thủ hộ cho tất cả, nếu thủ hộ diệt thời một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ, tức là thủ hộ” [7]. Như vậy, chấm dứt trong hiện tại chính là chấm dứt Ái, Thủ và Hữu. Mà đặc biệt Thủ hay chấp giữ chính là căn rễ sâu dày mang đến mọi vấn đề khổ đau.
ỨNG DỤNG TU TẬP KINH ĐẠI DUYÊN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Chấm dứt khổ đau ở mỗi cá nhân
Con người luôn mang khuynh hướng khổ đau, chịu tác động và quanh quẩn trong vòng khổ đau. Vậy khổ đau từ đâu có mặt? Khổ đau chỉ có mặt khi con người cho rằng có một thực ngã tồn tại, có cái tôi và cái của tôi. Hoặc lấy Danh làm ngã, hoặc lấy Sắc làm ngã, hoặc cả Danh và Sắc họ đều cho là cái tạo nên sự khác biệt giữa ta và người. Chính những phân biệt đó, đưa họ đến khổ đau. Và dù có mong cầu thoát ra ngoài những khổ đau đó nhưng họ lại không biết phương đoạn trừ, cứ trốn khổ tìm vui, đầu tư vào tập đế. Chính khi đầu tư vào tập đế chính là còn hiện hữu ở tam giới và không thể thực sự xa rời khổ.
Giáo lý Duyên khởi dù thể hiện dưới hình thức nào cũng không nằm ngoài mục đích giải thích về tiến trình sanh khởi của sanh tử. Mối liên hệ tương quan giữa các chi phần hướng đến mục đíchtrình bày vòng tròn bất tận không khởi điểm của luân hồi, giúp con người chấm dứt khổ đau trong kiếp sống hiện tại. Điều này trong Thanh Tịnh Đạo Luận có đề cập về tầm quan trọng của pháp Tương quan Duyên khởi rằng: “Không thể tìm ra một tạo hóa, một Brahma, hay một vị nào khác, làm chủ vòng luân chuyển của đời sống. Chỉ có những hiện tượng Tùy Thuộc Sanh Khởi” [8].
Mặc dù Vô minh là chi phần không được Đức Phật nhắc đến trong bài Kinh Đại Duyên, nhưng chi phần này vô cùng quan trọng trong sự hiện hữu của chúng sanh và là nguyên nhân đưa đến khổ đau trong đời sống hiện tại. Vô minh là sự không hiểu rõ Tứ đế, không nhận chân được sự hiện hữu trên cuộc đời này đều không ngoài khổ. Nhưng không vì đó mà giáo lý Duyên khởi nói riêng và Đạo Phật trở nên bi quan yếm thế. Ở phần Tập đế (tức nguyên nhân hay sự đầu tư để khổ có mặt), Đức Phật đã giải quyết rõ. Vì sao chúng được gọi là sự đầu tư, hay chính là sự đam mê trong các khổ? Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý Phật giáo thể hiện rất rõ điều này, đối với các pháp thế gian đều không ngoài ba tướng ấy. Thấy được giáo lý đó thì nỗ lực tu tập. Đạo đế hay Bát thánh đạo chính là con đường duy nhất dẫn đến Niết Bàn, vượt thoát sanh tử. Ra khỏi tam giới cũng chính là vượt thoát hoàn toàn khổ đau, nên mỗi hành giả, mỗi cá nhân phải tự giải quyết khổ đau của mình mà không dựa vào bất cứ ai.
Giáo lý Duyên khởi trong Kinh Đại Duyên đóng góp vào đời sống xã hội
Kinh Đại Duyên nói riêng, hay giáo lý Duyên khởi nói chung đã đưa đến cái nhìn đúng đắn về quá trình hình thành và kết thúc đời sống của con người. Có thể nói, giáo lý Duyên khởi chính là nhân sinh quan của Phật giáo. Tuy nhiên, với chủ trương của Đức Phật không phân tích vấn đề xa rời thực tế mà chính giáo lý Ngài chứng ngộ được có thể giải quyết những vấn đề khổ đau trong hiện tại. Tuy nói mọi sự hiện hữu không nằm ngoài khổ, mọi sự có mặt của chúng sanh tất yếu đưa đến khổ, nhưng không vì thế mà giáo lý Đạo Phật trở nên tiêu cực, bi quan. Ngay giáo lý Duyên khởi, khi được tu tập có thể ứng dụng trong đời sống hàng ngày, giải quyết những khổ đau của nhân sinh, góp phần mang lại bình an xã hội.
Như trên đã đề cập về nguyên nhân đưa đến ác, bất thiện pháp phát sinh, chúng chỉ có mặt khi các chi phần Thọ, Ái, Thủ, Hữu phát sinh. Cụ thể hơn, đối trước cảnh, con người có sanh tâm phân biệtyêu hay ghét, tốt xấu. Nếu yêu thích thì muốn nắm lấy, bằng mọi giá phải có được. Ngay chỗ này, chúng ta có thể nhìn rộng hơn trong quan hệ xã hội, mọi cuộc chiến, tất cả các hình thức bạo động, những cuộc chiến tranh dưới hình thức khác nhau, đưa đến bất ổn xã hội đều không nằm ngoài những chi pháp Ái, Thủ. Một người có tu tập, có chánh kiến, quán xét về hiện tượng cuộc sống và ngay trên sự hiện hữu con người đều từ các chi pháp này mà xuất hiện. Thấy được như thế, tu tập thiền định để quán sát thì xung đột không còn, tâm hà tiện cũng không hiện hữu, những tranh đấuthương vong cũng được chấm dứt. Đây là tính thiết thực và giải quyết những tranh đấu giữa người với người, giữa các bộ tộc, giữa các quốc gia với nhau, góp phần mang lại bình an xã hội.
KẾT LUẬN
Thông qua Kinh Đại Duyên, với sự phân tích trong chín chi phần dẫn đến hiện hữu của con người, người có tu tập sẽ nhận ra rằng mọi thứ trên đời muốn tồn tại phải lệ thuộc vào trùng trùng nhân duyên và điều kiện. Nói cách khác, mọi thứ từ hòn đất, cây cỏ, từ con người cho đến cùng khắp hiện tượng đều tùy thuộc vào duyên mà sanh, rồi tùy duyên mà diệt. Khi thấy được như vậy, tự khắc mỗi người nhàm chán, sợ hãi sanh tử luân hồi. Vì truy nguyên đến tận cùng mọi hiện hữu chỉ là sự lặp đi lặp lại, sự tới lui, sự trùng phục, sự tái hiện, trôi lăn mệt nhoà và tẻ nhạt vô vị từ đời này sang đời khác. Chín chi pháp trong bài Kinh Đại Duyên hay mười hai chi trong giáo lý Duyên khởiđược Đức Phật nói không nhằm thuyết minh về con người, về sự hình thành con người, mà bằng cách chia chẻ cụ thể đó, Đức Phật giúp tất cả thấy rõ vòng luẩn quẩn, khép kín của luân hồi, nhàm chán khổ đau và nỗ lực tu tập để đạt được thánh quả.
Chú thích:
* Thích Chúc Danh, Học viên lớp Cao học Phật giáo khóa VI tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Duyên, Nxb. Tôn giáo, tr. 263
[2] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Sđd, Nxb. Tôn giáo,tr. 263
[3] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ tập I, Kinh Chánh Tri Kiến, Nxb. Tôn giáo, tr.83.
[4] Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ Kinh, phần 2, Nxb. Tôn giáo,tr.70.
[5] HT. Thích Phước Sơn (2010), Thanh tịnh đạo luận toản yếu, Nxb. Phương Đông tr. 215.
[6] Narada Mahathera, Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.203.
[7] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Sđd, tr.266.
[8] Narada Mahathera, Phạm Kim Khánh dịch (2019), Sđd, tr.274.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu dịch dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Chánh Tri Kiến, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội.
3. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. HT. Thích Phước Sơn (2010), Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu, Nxb. Phương Đông, TP HCM.
5. Narada Mahathera, Phạm Kim Khánh dịch (2019), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng hợp TP HCM
(Trích: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 415)
- Tag :
- Thích Chúc Danh