- Lược dẫn
- Phẩm 1: Mở đầu
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Ví dụ
- Phẩm 4: Tin hiểu
- Phẩm 5: Cây Cỏ
- Phẩm 6: Thọ ký
- Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa
- Phẩm 8: Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký
- Phẩm 9: Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất
- Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Kính giữ Pháp Hoa
- Phẩm 14: Sống yên vui
- Phẩm 15: Từ đất xuất hiện
- Phẩm 16: Sự sống lâu của đức Thế Tôn
- Phẩm 17: Phân tích thành quả
- Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
- Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 20: Bồ tát Thường bất Khinh
- Phẩm 21: Sức thần của đức Thế Tôn
- Phẩm 22: Giao phó trọng trách
- Phẩm 23: Việc cũ của bồ tát Dược Vương
- Phẩm 24: Bồ tát Diệu Âm
- Phẩm 25: Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện
- Phẩm 26: Tổng trì minh chú
- Phẩm 27: Việc Cũ Của Diệu Trang Nghiêm Vương
- Phẩm 28: Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền
- Sao lục 1: Phẩm Phổ Hiền
- Sao lục 2: Toát yếu Pháp Hoa
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch
Cuốn 6
Phẩm 22: Giao phó trọng trách
Vào lúc bấy giờ, từ trên pháp tòa, đức Thế Tôn đứng dậy, và biểu hiện thần lực vĩ đại bằng cách đưa cánh tay phải xoa trên đỉnh đầu vô lượng bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như Lai trải qua cực nhiều thời kỳ vô số, mới tu hành, thu thập và thực hiện được, ngày nay Như Lai đem giao phó cho quí vị; quí vị nên hết lòng truyền bá pháp ấy, làm cho sự ích lợi của pháp ấy tăng lên một cách rộng rãi. Ba lần như vậy, đức Thế Tôn xoa trên đỉnh đầu chư vị bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như Lai trải qua cực nhiều thời kỳ vô số, mới tu hành, thu thập và thực hiện được, ngày nay Như Lai đem giao phó cho quí vị; quí vị hãy tiếp nhận kính giữ bằng cách đọc tụng diễn giảng rộng rãi pháp ấy cho hết thảy chúng sinh đều được nghe biết.
Tại sao Như Lai giao phó như vậy? Vì Như Lai đại từ bi. Như Lai không tiếc lẫn, không e sợ. Như Lai có thể đem cho chúng sinh tuệ giác Phật đà, tuệ giác Như Lai, tuệ giác Tự nhiên. Như Lai là đại thí chủ của chúng sinh. Quí vị cũng phải học tập phong cách ấy của Như Lai mà đừng tiếc lẫn. Trong thì vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào tin được tuệ giác Như Lai thì quí vị nên giảng nói Pháp Hoa cho những người này nghe biết, với chủ ý làm cho những người này đạt được tuệ giác Như Lai. Những ai chưa tin được tuệ giác Như Lai thì quí vị nên đem những giáo pháp sâu xa khác của Như Lai mà trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ. Làm được như vậy là quí vị đã báo đáp ân đức của chư Phật.
Lúc ấy chư vị bồ tát đại sĩ nghe đức Thế Tôn dạy như vậy thì ai cũng rất hoan hỷ. Nỗi hoan hỷ ấy tràn ngập cơ thể, nên chư vị tăng thêm tôn kính, và cúi mình, thấp đầu, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế Tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hành đúng như lời đức Thế Tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn; xin đức Thế Tôn đừng lo nghĩ. Ba lần như vậy, chư vị bồ tát đại sĩ cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế Tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hành đúng như lời đức Thế Tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn; xin đức Thế Tôn đừng lo nghĩ.
Khi ấy đức Thế Tôn thỉnh chư Phật phân thân đã từ mười phương đến đây cùng trở về quốc độ các ngài, bằng cách nói rằng kính chúc chư Phật về chỗ nào cũng sống yên vui, kính xin tháp đức Đa Bảo trở về chỗ cũ.
Khi đức Thế Tôn nói như vậy thì mười phương vô lượng chư Phật phân thân ngồi trên các tòa sư tử dưới các cây ngọc, đức Đa Bảo Phật đà, cùng với vô biên vô số đại chúng bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại bồ tát Thượng Hạnh, bốn chúng thanh văn mà thượng thủ là tôn giả Xá lợi Phất, và tất cả thế gian mà trong đó bao gồm nhân loại và tám bộ, nghe những điều đức Thế Tôn nói ai cũng đại hoan hỷ.