KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG HAI
9.- ÂM :
Thời Trưởng lão Tu Bồ Đề
NGHĨA :
Khi ấy, Trưởng lão Tu Bồ Đề
Giải : Lý Văn Hội giải: Thời : là thuở ông Không Sanh (Tu Bồ Đề) khởi sự hỏi Phật.
Trưởng lão là tuổi cao đức lớn.
Tu Bồ Đề là Giải Không (Rõ lý không).
Vương Nhựt Hưu giải: Trưởng lão là tuổi cao hơn hết trong hàng đại chúng.
Tăng Nhược Nột giải: Tu Bồ Đề: là Không Sanh, Thiện Kiết, Giải Không, Thiện Hiện Tôn giả.
Khi mới sanh ông ra, trong nhà đều trống không (Không Sanh).
Có thầy coi tướng đoán rằng: Tướng trẻ này rất lành, rất tốt (Thiện Kiết).
Sau ông tỏ đặng pháp "Không" (Giải Không).
Ứng với lời thầy tướng đoán khi trước (Thiện Hiện).
Tăng Liễu Tánh giải: Cái tánh Tu Bồ Đề người người đều có. Bằng người nào tỏ thấu cái tánh vắng lặng mới gọi "Giải Không"; trọn đặng tánh không, thiệt là Bồ Đề; mới gọi "Tu Bồ Đề"; cái tánh không ấy sanh ra muôn pháp, mới gọi "Không Sanh"; cái tánh không, tùy cơ duyên mà ứng hiện, lợi người lợi vật, mới gọi "Thiện Hiện"; muôn hạnh trọn lành, mới gọi "Thiện Kiết".
Tùy đức mà ứng hiện, nên mới cưỡng danh năm tên ấy.
10.-ÂM :
Tại đại chúng trung, tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước ([73]) địa, hiệp chưởng cung kỉnh nhi bạch Phật ngôn: "Hy hữu Thế Tôn!".
NGHĨA :
Ở> trong hàng đại chúng, liền đứng dậy đến nơi pháp tòa, trịch y nửa thân bên vai hữu, quì gối hữu sát đất, chắp tay cung kỉnh mà bạch Phật rằng : "Như đức Thế Tôn ít có!".
Giải : Lý Văn Hội giải: Ông Tu Bồ Đề tỏ pháp "Không" bực nhứt, cho nên đến hỏi Phật trước hết.
Hữu tất trước địa: là trước dứt sạch "tam nghiệp" diệt trừ thân tâm, sửa sang nghiêm chỉnh mà xưng tán Phật.
Hiệp chưởng : là Tâm hiệp với đạo, đạo hiệp với tâm.
Hy hữu : là Tánh Phật ta hay bao trùm muôn pháp, không chi sánh bằng.
Tăng Nhược Nột giải: Thiên đản : là tục người Tàu, khi chịu lỗi xin tội thì ở trần, còn bên Tây Vức thi lễ thì trịch áo nửa thân mình - Phong tục hai xứ không đồng nhau.
Hữu kiên : là đệ tử hầu thầy, tỏ cái phép bưng xách hoặc làm công việc cho tiện.
Hữu tất trước địa : là trong kinh Văn Thù vấn Bát Nhã có nói: "Bên hữu là đạo chánh, bên tả là đạo tà. Dùng chánh bỏ tà sẽ cầu hỏi về cái hạnh chánh không tướng".
Vương Nhựt Hưu giải: Bạch: là kính thưa. Hy : là ít. Thế Tôn : là hiệu của Phật.
Trước than thở khen ngợi là ít có, rồi sau mới bạch Phật.
11.-ÂM :
Như Lai thiên hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phú chúc chư Bồ Tát.
NGHĨA :
Như Lai hay đoái tưởng các Bồ Tát, hay giao phó dặn dò các Bồ Tát .
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Như Lai : là hiệu Phật.
Phật sở dĩ gọi là Như Lai, là bởi "Chơn tánh", cũng kêu là "Chơn như". Vậy thì, "Như" tức là "Chơn tánh".
Chơn tánh sở dĩ gọi là "Như" đó, là bởi sự sáng của nó soi khắp cả vô lượng thế giới, không chi che lấp đặng. Còn sự tỏ thì thông cả thảy nhưng việc của vô lượng kiếp, không chi mà ngăn ngại đặng. Lại hay biến hiện, cũng làm cả thảy chúng sanh, không chỗ nào mà chẳng đặng. Vậy mới thiệt là "tự như" (muốn làm sao cũng đặng).
Còn nói "Lai" là Chơn tánh hay tùy chỗ mà hiện lại, cho nên nói: Như Lai.
Tánh Chơn như vốn không tới lui, mà nói là "Lai" là bởi nó ứng hiện tại đó, cho nên nói: "Lai" bằng có người chí thành cầu khẩn, thì có cảm ứng liền. Nếu muốn vì cả thảy chúng sanh, lập pháp dạy bảo, thì hiện sắc thân mà đến nơi ấy.
Phật, sở dĩ gọi là Như Lai đó cũng bởi Như như là bổn thể của Chơn tánh. Còn nói là Lai là ứng dụng của Chơn tánh. Vậy thì, "Như Lai" là gồm đủ cả thể và dụng của Phật mà nói. Tóm lại kinh này thường nói Như Lai là vậy đó.
Tiếng Phạm nói Bồ Tát, vốn là Bồ đề tát đả. Muốn cho gọn câu văn và dễ xưng hô, nên nói tắt là Bồ Tát.
Bồ đề : là Giác, Tát đả : là Hữu tình. Hữu tình tức là chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; bởi có sanh phải có tình. Duy có bực Bồ Tát ở trong bọn hữu tình mà đặng tỏ ngộ mà thôi. Cho nên nói: Giác hữu tình.
Nói đại khái, hễ có tình thì có vọng tưởng. Bực Bồ Tát chưa dứt hết tình tưởng, duy có tu đến bực Phật mới dứt hết tình tưởng đặng. Cho nên Phật, riêng gọi là Giác, mà chẳng gọi là Hữu tình.
Phật nói: "Cả thảy chư Phật đều đặng giải thoát các lòng vọng tưởng, chẳng còn mảy mún chi". Cho nên nói: "Phật".
Phật lại nói: "Mười một bực Bồ Tát đều có hai thứ ngu si". Ngu si đó há không phải là cái tình vọng tưởng hay sao? - Vậy nên, Bồ Tát mới gọi là hữu tình, chớ chẳng đặng riêng gọi là Giác.
Trần Hùng giải: Bồ Tát : là người vâng giữ giáo pháp của Phật. Chư Bồ Tát : là chỉ hết đại chúng mà nói. Đại chúng nghe Như Lai thuyết pháp, rất nên tin tưởng kính vâng.
Thoảng như Phật chẳng mở lòng từ bi che chở, đoái tưởng, khiến cho tin tưởng pháp ấy, ắt bị loài ma dữ thừa dịp mà khuấy rối, và chẳng dạy bảo, khiến cho kính vâng pháp ấy, thì pháp mầu có khi phải dứt mất. Cho nên ông Tu Bồ Đề ở trong hàng đại chúng, trước khi nghe thuyết pháp, không còn lo chi khác hơn là cầu xin Như Lai mở lòng từ bi mà đoái tưởng, dạy bảo.
Lý Văn Hội giải: Như Lai: Như thì chẳng sanh, Lai chẳng diệt; chẳng phải tới, chẳng phải lui, chẳng phải ngồi, chẳng phải nằm, lòng hằng vắng lặng, rỗng rang thanh tịnh.
Thiện hộ niệm: là hay dạy các người, chẳng dấy lòng vọng niệm.
Chư Bồ Tát, chư : là chẳng phải một, Bồ: là soi, Tát: là thấy. Nghĩa là: soi thấy năm uẩn đều không - Năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Bồ Tát : là Đạo tâm. Chúng sanh : là người thường giữ tánh cung kỉnh, cho đến các loài: có vảy, vỏ, cánh, lông, cùng loài dòi, trùng, dế, kiến, đều dấy lòng ái kỉnh, chẳng hề khinh dễ. Nên Phật thường nói các loài bò, bay, máy, cựa, đều có tánh Phật là vậy.
Thiện phú chúc : là mỗi niệm đều tinh tấn, chớ cho nhiễm chấp. Niệm trước vừa nhiễm, niệm sau liền giác ngộ, chớ cho nó tiếp tục nhau.
Xuyên Thiền sư giải: Như Lai chưa thốt một lời nào, cái gì mà Tu Bồ Đề lại thở than khen ngợi?
Có đủ "nhãn lực" hơn trong bọn, nên dùng "nhãn lực" mà xem.
Tụng:
Cách non thấy khói hay rằng lửa,
Khuất vách lò sừng vốn biết trâu.
Ngồi dưới trời trên trời sộ sộ,
Đông Tây hà tất bói khoa cầu.
12.-ÂM :
Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn, phát A nậu đa la tam miệu bồ đề tâm...
NGHĨA :
Bạch đức Thế Tôn! Như có trai lành, gái tín nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Giải : Lý Văn Hội giải: Thiện nam tử là người có lòng "chánh định". Thiện nữ nhơn : là người có lòng "chánh huệ". Nghĩa là nói cả thảy đều có lòng quyết đoán chắc chắn, hằng không lui sụt. Ấy là tỏ ra cái nghĩa "phát tâm".
A: Vô, là không có lòng ô nhiễm.
Nậu đa la: Thượng, là trong ba cõi không ai sánh bằng.
Tam: Chánh, là chánh kiến.
Miệu: Biến, là cả thảy các loài hữu tình, không chỗ nào là chẳng có; Bồ Đề : Tri,là biết cả thảy loài hữu tình đều có tánh Phật.
Vương Nhựt Hưu giải: A là Vô, Nậu Đa la là Thượng, Tam là Chánh, Miệu là Đẳng, Bồ đề là Giác.
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề là: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là "Chơn tánh, mà Chơn tánh tức là Phật".
Phật: Giác. Nói tắt là "Giác", mà nói rõ là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Chơn tánh không có chi trên đặng, nên nói: Vô thượng. Trên từ chư Phật, dưới đến loài bò, bay, máy, cựa, tánh ấy đều bình đẳng như nhau, nên nói: Chánh đẳng - Cái tánh giác ấy, viên mãn sáng soi không chênh, không kém, nên nói: Chánh giác.
Sở dĩ thành Phật là đặng cái tánh ấy. Bởi vậy mới siêu thoát đặng ba cõi, chẳng còn luân hồi nữa.
Tăng Nhược Nột giải: Bồ Tát trước khi tu hành đều có phát lòng rộng lớn như vậy cả.
13.-ÂM :
Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?
NGHĨA :
Nên trụ thế nào? Nên hàng phục cái vọng tâm thế nào?
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Ưng : là nên, Vân: là nói; Vân hà : là nói làm sao (Thế nào). Vân hà ưng trụ : là nên trụ chỗ nào.
Vân hà hàng phục kỳ tâm : là nên hàng phục cái vọng tâm thế nào.
Tăng Nhược Nột giải: Tu Bồ Đề có hỏi hai điều:
1. - Chúng sanh phát lòng Vô thượng, muốn cầu pháp Bát Nhã, thế nào là trụ đặng chỗ đế lý (lý chắc)?
2. - Hàng phục cái vọng tâm, thế nào mà diệt trừ đặng sự hoặc loạn?
Những lời nói trong bộ kinh này, đều chẳng ngoài cái lý "hàng trụ" ấy.
Lý Văn Hội giải: Vân hà hàng phục kỳ tâm: là ông Tu Bồ Đề gọi kẻ phàm phu vọng niệm, phiền não không ngằn. Vậy phải nương pháp chi mà điều đình và hàng phục cho đặng?
Xuyên Thiền Sư giải: Lời hỏi ấy, bởi đâu mà ra?
Tụng:
Ngươi vui ta chẳng vui
Ngươi thẹn ta không thẹn,
Ải Bắc thẩn thơ nhàn;
Ổ xưa rù quến én,
Xuân hoa thu nguyệt ý không ngằn,
Mình biết lấy mình lãnh noản.
14.-ÂM :
Phật ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Tu Bồ Đề như nhữ sở thuyết: Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phú chúc chư Bồ Tát...: Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.
NGHĨA :
Phật khen: Đáng khen cho! Đáng khen cho! Tu Bồ Đề này! Theo lời Ông nói: Như Lai hay đoái tưởng các Bồ Tát, hay giao phó dặn dò các Bồ Tát... Vậy nay ông hãy lóng nghe. Ta đáng vì ông mà nói.
Giải : Lý Văn Hội giải: Như nhữ sở thuyết: là Phật khen ông Tu Bồ Đề hay biết ý Phật, khéo dạy mọi người chẳng dấy vọng niệm lòng hằng tinh tấn, chớ cho nhiễm chấp các pháp tướng.
Đế thính : Đế cũng kêu là liễu (tỏ). Ông phải tỏ thấu "thinh trần", xưa nay chẳng sanh, chớ chấp theo tiếng nói; phải xét cho kỹ rồi sẽ nghe theo.
Vương Nhựt Hưu giải: Đế : là xét, là nói: nghe cho chín chắn.
15.-ÂM :
Thiện nam tử, thiện nữ nhơn, phát A Nậu Đa La Tam miệu tam bồ đề tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm. Dủy nhiên Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn.
NGHĨA :
Như trai lành, gái tín nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên trụ như vậy, nên hàng phục cái vọng tâm như vậy. Vâng, vâng, bạch đức Thế Tôn! Con nguyện hết lòng muốn nghe .
Giải : Lý Văn Hội giải: Ưng như thị trụ: là Như Lai muốn khiến cái lòng chúng sanh, chẳng sanh chẳng diệt, rỗng rang thanh tịnh mới thấy tánh đặng.
Hàng Cư sĩ giải:
Tụng:
Người đời trọng của báu,
Ta quí sát na tịnh.
Của báu rối lòng người,
Tịnh rồi hẳn thấy tánh.
Tiêu Diêu Ông giải: Lòng phàm phu động mà tối tăm, lòng Thánh nhân tịnh mà sáng suốt.
Lại nói: Kẻ phàm phu nào tâm cảnh thanh tịnh, là cõi tịnh của Phật, còn tâm cảnh uế trược, là cõi trược của ma.
Huỳnh Nghiệt Thiền sư giải: Kẻ phàm phu phần nhiều bị cảnh ngại lòng, sự ngại lý, hằng muốn trốn cảnh an lòng, bỏ sự theo lý; đâu biết tại lòng ngại cảnh, lý ngại sự, chớ kỳ thiệt: Lòng không cảnh mới không, lý dứt sự mới dứt. Chẳng nên dụng tâm trái ngược như thế.
Lại nói, kẻ phàm chấp cảnh, người trí chấp lòng. Lòng, cảnh đều không, mới thiệt chơn pháp. Quên cảnh còn dễ, quên lòng rất khó. Người bằng chẳng dám quên lòng, e sa về chỗ "không", hết nơi tìm kiếm; chớ chẳng biết cái không vốn chẳng phải không trong ấy hẳn có một cái chơn pháp giới.
Kẻ phàm phu đều theo cảnh sanh lòng, mới có sự vui chán. Bằng muốn không cảnh thì phải không lòng. Lòng không thì cảnh mới không, cảnh không thì lòng mới dứt. Bằng chẳng không lòng, cứ lo trừ cảnh, cảnh đã chẳng trừ đặng, mà càng lại càng thêm rối rắm là khác.
Muôn pháp chỉ tại nơi tâm, mà tâm chẳng có chi mà đặng. Đã không chi đặng mới thiệt là rốt ráo. Hà tất phải bo bo mà cầu giải thoát?
Như thị hàng phục kỳ tâm : Bằng thấy đặng tự tánh tức là không vọng niệm. Đã không vọng niệm tức là hàng phục cái tâm.
Dủy : là vưng dạ; nhiên: là hiệp ý. Nguyện nhạo dục văn : là lòng vui mừng, muốn nghe pháp.
Trần Hùng giải: Dủy: là dạ, nhiên: là phải vậy.
Nhan Bính giải: Phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm: là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ưng: là nên, trụ : là còn hoài chẳng dứt.
Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: Như có trai lành gái tín nào mộ đạo, phát lòng Bồ Đề, phải làm thế nào mà đặng còn hoài chẳng dứt? Làm thế nào mà hàng phục cái vọng tâm?
Phật bảo: Đáng khen cho! Là đáng khen! - Ấy là lời thở than khen ngợi. Phát lòng Bồ Đề nên trụ như vậy.... nên hàng phục cái tâm như vậy... Như vậy là chỉ cái việc ấy.
Dủy nhiên: là lời "vưng dạ" của ông Tu Bồ Đề, so cùng lời dạy của thầy Tăng chẳng khác ([74]).
Nhạo : là ưa muốn, là ưa muốn nghe nói pháp.
Trí Giả Thiền Sư giải:
Tụng:
Ít có ai như Phật,
Đạo mầu tột Niết Bàn.
Thế nào là phục trụ,
Pháp ấy rất gian nan.
Lý nhị nghi huyền diệu,
Giáo tam thắng ([75]) rộng khoan.
Đáng khen nghe phải lòng,
Lục tặc khó che ngăn.
Xuyên Thiền Sư giải: Thường thường cái việc chi cũng bởi sự dặn dò cặn kẽ mà ra.
Tụng:
Bảy tay, tám chơn.
Mặt quỉ, đầu thần,
Chặt mấy không rã.
Đã hoài không vàng.
Lắm lúc múa men trên thế giới.
Bổn lai chẳng khỏi điện Không vương.