KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG MƯỜI LĂM
89.-ÂM:
Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, sơ nhựt phận dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; trung nhựt phận, phục dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; hậu nhựt phận, diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí, như thị vô lượng bá thiên vạn ức kiếp, dĩ thân bố thí...
Nhược phục hữu nhơn văn thử kinh điển, tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ. Hà huống thơ tả thọ trì, đọc tụng, vị nhơn giải thuyết?
NGHĨA:
Này Tu Bồ Đề! Nếu có trai lành, gái tín nào, buổi mai dùng thân mạng bằng số cát sông Hằng mà bố thí, buổi trưa lại dùng thân mạng bằng số cát sông Hằng mà bố thí, buổi chiều cũng dùng thân mạng bằng số cát sông Hằng mà bố thí, dùng thân mạng mà bố thí vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp như vậy...
Bằng lại có người nghe kinh điển này, lòng tin chẳng trái, thì phước đức ấy hơn phước đức bố thí kia. Huống chi là biên tả, thọ trì, đọc tụng và vì người mà giải thuyết?
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Sơ nhựt phận là sớm mai, trung nhựt phận là trưa, hậu nhựt phận là chiều, là bên xứ Tây Thổ nói như vậy. Bởi Phật giáng sanh xứ ấy, nên nói theo thổ âm xứ ấy.
Bằng có người một phen dấy lòng tin thiệt kinh này, thì đặng phước nhiều hơn người mà mỗi ngày ba thời dùng cả hằng hà thân mạng mà bố thí cả trăm ngàn muôn ức kiếp vô lượng vô số đó. Vì bởi bố thí thì đặng cái phước báu vô lượng, là phước của thế gian, thì phải hưởng phước của thế gian. Nhiễm lấy các sự phiền não, cũng bởi nguyên nhân ấy mà ra; lại cũng bị cái nhân ấy mà gây ra nghiệp dữ nữa.
Còn người nghe kinh điển này, lòng tin chẳng trái, thì từ ấy đã gieo căn lành. Căn lành đã gieo, thì càng ngày càng tăng trưởng, càng lâu càng thạnh mậu, là phước xuất thế gian, thì phước bố thí kia làm sao mà sánh kịp!
Vậy nên mới hơn cái phước bố thí vô lượng vô số đặng.
Vả lại mỗi ngày có ba thời, đâu có đặng cả hằng hà thân mạng mà bố thí, ấy là lời ví dụ, ví dụ cho nhiêu cho tột bực đặng không có chi sánh kịp đó thôi.
Trần Hùng giải: Phật e người đời chấp trước cái thuyết nhẫn nhục của Phật, mà luống dùng thân mạng đặng bố thí, thì tự tánh mình với tánh người khác, không mảy nào lợi ích cả. Cho nên đã có nói rồi trong phần thứ 13, mà đây lại nói nữa, là đặng cứu chữa sự lỗi ấy.
Triệu Pháp sư giải: Từ sớm mai đến giờ Thìn là buổi mai, từ giờ Thìn đến giờ Vị (Mùi) là buổi trưa, từ giờ Vị (Mùi) đến giờ Tuất là buổi chiều. Mỗi ngày trong ba thời ấy, mà đem thân mạng đến trăm ngàn muôn ức kiếp mà bố thí, cũng chẳng bằng thọ trì kinh này, đặng mà rõ tự tánh là thâm hiểu cái lý thiệt tướng, nhơn pháp đều không. Tức là hạng người đại giác ngộ.
Phó Đại Sĩ giải:
Tụng:
Chúng sanh với thọ giả, Ngũ uẩn cưỡng hư danh.
Sừng thỏ nguyên không thiệt, Lông rùa há có hình,
Xả thân ví vọng thức, Thí mạng bởi mê tình.
Luận rõ phước cùng tri, Chỉ bằng đọc tụng kinh.
Lý Văn Hội giải: Tín tâm bất nghịch : là tin thuận theo lý, nên nói chẳng nghịch.
Kinh Pháp Hoa có nói: "Chiêm ngưỡng tôn nhan mắt không xao lãng", là lòng thường tinh tấn không ngừng nghỉ.
Thọ trì, đọc tụng: sự hiểu, sự làm, ứng với nhau là thọ, dõng mãnh tinh tấn là trì. Vị nhơn giải thuyết: là người đã tỏ ngộ rõ đặng tự tánh, phương tiện vì người giải rõ kinh này, khiến cho tỏ ngộ thiệt tướng thành đạo Vô thượng. Người bố thí không trụ tướng ấy, thì công đức có bờ bực, hơn các công đức của người dùng thân mạng cả ngàn muôn ức kiếp kia đến ngàn muôn ức bội.
Xuyên Thiền sư giải: Phước báu Thiên, Nhơn mà chẳng không, Phật pháp chưa chiêm bao đã thấy.
Tụng:
Sớm trưa bố thí phát tâm đồng,
Công đức vô biên tính chẳng cùng.
Chi bằng tín tâm đừng có chấp.
Một tay đánh phá cõi hư không.
90.-ÂM:
Tu Bồ Đề! Dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất khả tư nghì. Bất khả xưng lượng vô biên công đức.
NGHĨA:
Tu Bồ Đề! Nói tóm lại, thì kinh này có cái công đức vô biên, không thể bàn nghĩ đặng, không thể cân lường đặng.
Giải : Triệu Pháp sư giải: Tỏ đặng pháp môn này thì công đức đã quá cái tâm cảnh, nên không thể lấy tâm trí mà suy nghĩ đặng, quá cái ngôn cảnh nên không thể lấy ngôn thuyết mà bàn tính đặng.
Vương Nhựt Hưu giải: Bất khả nghì : là không thể dùng tâm trí, ngôn thuyết mà suy nghĩ bàn tính đặng.
Bất khả xứng lượng : là đã nói không thể bàn tính thì chữ xứng này không phải nghĩa xứng ngôn thuyết, ấy là nghĩa xứng cân lượng.
Thuở xưa chữ xưng (không dấu) và chữ xứng (dấu sắc), hai chữ thông dụng đặng, nên nói: Bất khả xứng : là không lấy cân mà cân đặng. Bất khả lượng: là không dùng lường mà lường đặng.
Nhan Bính giải: Mỗi ngày dùng cả hằng hà thân mạng mà bố thí, (nghĩa là nhiều). Bố thí như thế cho đến vô lượng, vô số kiếp, mà không bằng người tin theo kinh điển này, nhứt tâm chẳng trái, (chẳng trái là làm theo). Phước đức ấy còn hơn phước hữu vi kia thay, huống chi là phát tâm biên tả thọ trì, đọc tụng, rồi giảng giải lại cho người hiểu rõ!
Dĩ yếu ngôn chi v.v... là chư Phật than thở không bằng cái phước đức rất lớn không bờ bực ấy.
Lý Văn Hội giải: Vô biên công đức : là người trì kinh này tỏ ngộ nhơn pháp đều không, rõ thấu cái lý thiệt tướng, thì công đức lớn lao cũng như lòng của Phật không có bờ bực, không cân lường đặng vậy.
91.-ÂM:
Như Lai vị phát Đại thừa giả thuyết, vị phát Tối thượng thừa giả thuyết.
NGHĨA:
Như Lai vì phát khởi cho bực Đại thừa mà nói, vì phát khởi cho bực Tối thượng thừa mà nói.
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Thừa ([122]): là xe - Đại thừa là xe của Bồ Tát.
Bực A La Hán mới hết sanh tử, chưa độ chúng sanh đặng, ấy là Tiểu thừa, cũng như xe nhỏ chở đặng có một mình mình mà thôi.
Bực Duyên Giác, nửa vì người nửa vì mình, ấy là Trung thừa, cũng như cái xe bực trung vậy.
Bực Bồ Tát là Đại thừa, cũng như xe lớn chở hết cả thảy chúng sanh đặng.
Kinh này là muốn phổ độ cả thảy chúng sanh, cho nên vì phát khởi bực Bồ Tát Đại thừa mà nói.
Phát: là phát khởi - Phát Đại thừa : là phát khởi đặng tế độ chúng sanh - Tối thượng thừa: là Phật thừa; Phật lại độ luôn cả các vị Bồ Tát, thì còn trên bực Đại thừa nữa cho nên nói: "Tối thượng thừa".
Là bởi không còn bực thừa nào mà trên bực thừa này nữa nên nói là Tối thượng.
Kinh này lại cũng để phát khởi cho Phật thừa mà nói, là Phật hóa độ Bồ Tát cũng dùng thuyết lý trong kinh này.
Lý Văn Hội giải: Vị phát Đại thừa giả thuyết: là trí huệ sáng suốt rõ đặng tu tánh, sắc không đều bỏ, chẳng chấp hai bên: hai bên đã không đâu còn trung đạo! Chẳng nhiễm các cảnh ấy là sự hành đạo của bực Đại thừa Bồ tát vậy.
Lại nói: Vị phát Đại thừa giả thuyết: là có nhơ uế đâu mà gớm, có thanh tịnh đâu mà cầu, có chi bỏ mà bỏ, cũng chẳng nói không bỏ; có chi trụ mà trụ, cũng chẳng nói không trụ; tâm lượng quảng đại rỗng rang như cõi hư không, không có bờ bực. Ấy là cái địa vị của chư Phật Tối thượng thừa.
Huỳnh Nghiệt Thiền sư giải: Khi Như Lai hiện thế, muốn thuyết cái chơn pháp nhứt thừa, lại e chúng sanh dấy lòng khi báng, mà phải chìm đắm trong vòng khổ hải; còn như không thuyết, lại e đọa vào kiên tham chẳng vì chúng sanh mà phổ độ cho cái diệu đạo? Cho nên mới lập ra pháp môn phương tiện: thuyết ba bực thừa. Thừa có đại tiểu, chỗ đặng có thấp cao, đều không có phép chi nhứt định. Cho nên nói: Duy có cái đạo nhứt thừa, nếu có cái thứ hai thì chẳng thiệt.
Xuyên Thiền sư giải: Như chặt một cuồn tơ, một đao đều đứt cả.
Tụng:
Hóa thành đánh phá cho tan nát,
Huyền diệu trại co giò nhảy thoát,
Tùy thích ngao du Bắc chí Nam,
Chẳng tầm mích Thế Âm Bồ Tát
Thuyết Tối thượng, Thuyết Đại thắng (thừa).
Đánh một tay rướm máu, Đập một gậy nổi lằn.
92.-ÂM:
Nhược hữu nhơn năng thọ trì, đọc tụng, quảng vị nhơn thuyết, Như Lai tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xưng, vô hữu biên, bất khả tư nghì công đức. Như thị nhơn đẳng, tức vi hả đảm Như Lai A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
NGHĨA:
Bằng có người hay thọ trì, đọc tụng (kinh này) và diễn thuyết rộng khắp ra cho người khác, thì Như Lai đều biết cho người ấy, đều thấy cho người ấy, thành tựu đặng cái công đức vô lượng, vô số, vô biên, không bàn nghĩ đặng. Những hạng người như thế, mới gánh vác nổi cái đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.
Giải: Tạ Linh Vận giải: Ngàn năm chẳng sa sụp, cũng bởi người hoằng hóa mối đạo, gánh vác vận hành là cái nghĩa hả đãm.
Lý Văn Hội giải: Quảng vị nhơn thuyết v.v... là bực thượng căn thượng khí rõ thấu kinh này, tỏ ngộ lý Phật; trì kinh Đại thừa này, rồi giảng giải lại cho người khác, khiến cho các học giả đều thấy cái lý không tướng của tự tánh, thấy cái bổn nguyện của tự tâm là Phật, thì nên biết công đức của người ấy không có bờ bực, không cân lường đặng.
Ông Mã Tổ có nói: "Bọn ngươi nên biết tự tâm là Phật, tâm ấy tức là tâm của Phật".
Lại nói: "Ngoài tâm không Phật khác, ngoài Phật không tâm khác".
Ông Phật Quốc Bạch Thiền sư có lời tụng:
Tâm tâm là Phật, Phật là tâm.
Phật Phật tâm, tâm tức Phật tâm.
Tâm Phật ngộ rồi không một vật,
Chỉ me đở khác Phật và tâm.
Kinh Hoa Nghiêm có nói: "Bằng không tin tự tâm là Phật, hẳn không phải lẽ".
Ông Viên Ngộ Thiền sư có nói: "Tức tâm tức Phật, đã từng chỉ dẫn đành rành, không Phật không tâm lắm lúc khuyên răn tỏ rõ, sao còn chẳng liền theo lời dạy mà bấy giờ tỏ ngộ, mới thấy đặng người xưa lòng son khắn khắn; nếu còn chút dần dà thì phải ngẩn ngơ mà chớ!".
Kinh Tâm Phật có tụng:
Phật là tâm, tâm là Phật,
Tâm Phật nguyên lai không một vật.
Bằng biết chẳng chi Phật với tâm.
Mới rằng Phật Pháp thân chơn thật.
Phật, Phật, Phật nào mô dạng.
Một đóa viên quang trùm các tượng.
Nguyên thể vẫn là không thể chi,
Tướng mà không tướng mới rằng tướng.
Chẳng sắc chẳng không, chẳng phải không.
Chẳng xao chẳng lặng chẳng Tây Đông.
Không đồng không khác không không, có,
Khó bỏ khó dùng khó ngắm trông.
Trong ngoài rỗng rang diệu viên giác,
Một Phật độ nơi trong hột cát.
Hột cát hàm tàng cả đại thiên
Thân tâm mỗi mỗi đều không khác.
Các ngươi phải biết không tâm pháp.
Chẳng sạch chẳng nhơ chẳng tạo nghiệp.
Lành dữ muôn ngàn không có, không,
Mới rằng tín ngưỡng Phật Ca Diếp.
Huỳnh Nghiệt Thiền sư giải: Ngươi phải trừ bỏ tình phàm cảnh Thánh, thì ngoài cái tâm không có Phật chi khác.
Tổ sư phương Tây lại, chỉ rành toàn thể của người là Phật, sao ông chưa biết, còn chấp phàm chấp Thánh, cầu Phật ở ngoài; tự tâm mê hoặc, nên mới đối với ông mà nói "tức tâm là Phật", nếu một niệm sanh tình ắt phải luân hồi trong lục đạo!
Từ đời vô thỉ đến nay cũng chẳng đổi cái tâm chi khác, mà cũng không có pháp chi khác, cho nên nói: "Chánh đẳng Chánh giác".
Tức vi hả đảm v.v... là nghe kinh nghĩa cứ theo giáo pháp mà tu hành, rồi diễn thuyết lại cho nhiều người hiểu cái pháp không tướng, khiến cho người học đạo tỏ ngộ tâm địa, đặng làm theo cái hạnh không tướng, không chấp trước, khai phát ra cái trí huệ sáng suốt trong tâm, bỏ các trần lao vọng niệm, đều thành đạo. Vô thượng bồ đề, cho nên nói: "Nên biết người ấy gánh vác nổi cả tự tánh Như Lai Vô thượng Chánh giác ở trong thân mình".
Phó Đại Sĩ giải:
Tụng:
Tỏ tánh mê cho cho chóng,
Chứng thành Phật chẳng lâu.
Bởi nhờ trí tự tại,
Phương tiện dạy người tu.
Xuyên Thiền sư giải: Xé banh non Thai hóa([123]), duy có Cự Linh Thần.
Tụng:
Trơ trơ như cụm núi Tất cả cũng trần ai,
Đởm lược, xanh tròng mắt, Oai danh sấm chạc tai,
Chăn dân yên cảnh giới, Trong nước đúng anh tài
Lòng đan một mảnh - mênh mông biển,
Sóng tịnh trời êm mặc vãng lai.
93.-ÂM:
Hà dĩ cố? - Tu Bồ Đề! Nhược nhạo tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức ư thử kinh bất năng thính thọ đọc tụng, vị nhơn giải thuyết.
NGHĨA:
Bởi cớ sao? - Này Tu Bồ Đề! Bằng ưa theo tiểu pháp, thì còn chấp trước về ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến ([124]) thì đối với kinh này không hiểu thấu, không thọ trì, không đọc tụng và cũng không vì người mà giải thuyết đặng.
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Nhạo: là ưa. Tiểu pháp : là pháp ngoại đạo. Pháp ngoại đạo là trước tướng về ngã, nhơn, sanh, thọ; nên mới nói lời ấy. Như thế thì không hạp với lý trong kinh này, cho nên không thọ trì, đọc tụng và giảng giải lại cho người khác đặng.
Trần Hùng giải: Tiểu pháp : là pháp Tiểu thừa.
Kinh Pháp Hoa có nói: "Căn khí thấp hèn thì ưa tiểu pháp" là hễ chí ý hẹp hòi thì không phát lòng Đại thừa đặng. Người như vậy phải đọa vào tà kiến, hẳn không biết đặng cái thuyết pháp Đại thừa, Tối thượng thừa đều ở trong kinh này - Nghe và đọc tụng còn không đặng thay, huống chi là giảng giải lại cho người khác.
Trước ngã nhơn kiến là đọa vào tà kiến.
Kinh Viên Giác có nói: "Cầu cái pháp Đại thừa thì chẳng đọa vào tà kiến " là vậy đó.
Lý Văn Hội giải: Nhược nhạo Tiểu pháp là độ lượng của kẻ phàm phu ngu độn không có "tin nghe" đặng, hầu có học lên đạo pháp Vô thượng Bồ đề, chỉ tu phước huệ, làm theo cái pháp nhân quả luân hồi trong lục đạo. Dầu cho có rán học thì cũng chấp trước theo sự kiến văn mà giảng giải, lại cho người khác, đến khi bị người có nhãn lực khám phá thì tay chưn run lập cập, đại bại nhứt trường!
Ông Bảo Ninh Dõng Thiền sư có tụng:
Màu sắc khuôn hình xem chẳng lạ.
Người ai dám tưởng rằng đồ mạ.
Vào lò đốt thử thấp hay cao.
Rốt cuộc tự nhiên lòi bạc giả.
Huỳnh Nghiệt Thiền sư giải: Người xưa tâm chí sáng suốt, vừa nghe đặng một lời thì liền tuyệt học ([125]), cho nên gọi là một vị nhàn đạo nhơn tuyệt học vô vi.
Còn người đời nay, chỉ muốn nhiều nghe rộng hiểu, muốn học cho cao mà cho là tu hành, nào ngờ sự nhiều nghe rộng hiểu, lại trở nên ủng tắc, vì bởi mấy món ấy đều là vị thuốc độc trong nẻo sanh diệt, chớ có ích chi cho chơn tánh đâu! Cả thảy những điều tri giải trước kia đều phải bỏ dứt cho cái tâm trở nên không không. Ấy là không Như Lai Tạng. Như Lai Tạng là không mảy mún chi mà có. Ấy là vị Pháp vương phá chấp xuất hiện trên thế gian.
Phật Tổ nói: "Khi ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có một chút pháp chi mà đặng", lời nói ấy nghĩa là không. Bằng các ông trừ dứt kiến tri, bỏ hết tâm cảnh, không còn chấp trước, ấy là người vô sự.
Giáo pháp tam thừa tức là một phương thuốc ứng cơ, tùy nghi mà thuyết, gặp bực nào thuyết theo bực ấy, mỗi mỗi không đồng nhau, nếu đặng tỏ ngộ thì chẳng bị sự hoặc loạn.
Thứ nhứt là không nên dùng tâm trí, mà chấp cuộc theo văn chương. Bởi sao vậy? Là bởi "không có pháp chi định chắc mà Như Lai thuyết cả". Trong cái "tông pháp của Ta không luận cái việc ấy, chỉ phải dứt lo, dứt niệm thì thôi, chớ chẳng dùng sự tư tưởng biện liệu".
Lại nói: Người học pháp Bát Nhã, chẳng thấy có một pháp chi mà đặng, không trông mong làm ba bực thừa, duy có một cái tánh chơn thiệt không đặng chứng đắc ([126]) đó thôi.
Còn nói rằng: "Ta đã chứng, đã đắc là hạng người ngã mạn cống cao (tặng mình khi người trên) hội Pháp Hoa, phủi áo mà đi đều là bọn ấy".
Cho nên Phật nói: "Ta đối với pháp A nậu Bồ đề thiệt không có phép chi mà đặng, chỉ thầm hiểu mà thôi"; kẻ học đạo phải xét lấy. Phải theo chánh pháp mà tu hành, bỏ thế bốn tướng ngã, nhơn, sanh, thọ thì chẳng bị cả thảy các cảnh nó hoặc loạn việc tu hành.
Kinh Chánh Pháp Nhãn Tạng có nói: "Bằng muốn tu hành, phải theo chánh pháp, tâm thể dứt niệm, sánh đồng hư không, chẳng lạc Thánh phàm, thân tâm bình đẳng"; tu hành như thế mới là chánh pháp cho.
Xuyên Thiền sư giải: Kẻ nhơn thấy biết là nhơn, người trí xem tường là trí.
Tụng:
Không học văn, không học vũ,
Lao lao lục lục thường giong ruỗi.
Bơ thờ chẳng hiểu báu nhà mình,
Cam chịu dại khờ đói cú rũ!
Trách ai cho đặng.
94.-ÂM:
Tu Bồ Đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thử kinh, nhứt thiết thế gian: Thiên, Nhơn, A tu la sở ưng cúng dường.Đương tri thử xứ, tức vi thị tháp, giai ưng cung kính, tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi tán kỳ xứ.
NGHĨA:
Tu Bồ Đề! Nơi nào, chốn nào, bằng có kinh này, thì cả thảy thế gian: Thiên, Nhơn, A tu la đều nên cúng dường. Phải biết chỗ ấy, tức là Bửu tháp, đều nên cung kỉnh làm lễ chung quanh cùng là dùng các món hương hoa mà rải khắp nơi ấy.
Giải : Trần Hùng giải: Tại tại xứ xứ : là không phải một chỗ nào có chơn kinh này, cũng ví như có châu báu ma ni, hào quang, chiếu ánh cả thảy Thiên, Nhơn, A tu la đều phải cúng dường, cũng như chỗ bửu tháp tàng thân Xá lợi của Như Lai, thì ai lại không cung kỉnh lễ bái và dùng các hoa hương mà rải chung quanh?
Các hoa hương cũng như kinh Pháp Hoa nói hoa hương: Tu Ngạt Na, Xa Đề Mạt Lỵ, Chiêm Bặc, Xích Liên, Thanh Liên và Bạch Liên vậy.
Nhan Bính giải: Đại thừa : là bực đại căn khí, một khi phát động thì Chuyển pháp luân, chẳng ưa Tiểu pháp.
Tối thượng thừa: là chẳng ở địa vị Phật, chẳng trọng mình là có linh tánh, cao siêu khỏi Thập địa (mười nhân địa của Phật) tỏ ngộ cái đại pháp. Ấy là người ở trên chót cây trụ một trăm thước, lại bước lên trên một bước nữa.
Ông Trường Sa có tụng:
Đầu cây trăm thước đứng trân trân,
Tuy ngộ nhưng chưa đúng lý chân.
Trên chót bước lên trên một bước,
Mười phương thế giới hiện toàn thân.
Có ông Tăng hỏi ông Nam Tuyền: Quả như ở trên đầu cây trăm thước, làm thế nào mà bước lên trên nữa?
Đáp : Núi Lãng Châu sông Lễ Châu.
Hỏi : Xin Sư dạy lại.
Đáp : Trong bốn biển năm hồ nơi nào có chánh giáo của nước nhà, thì hai hạng người ấy ([127]), tức là người gánh vác tự tánh Như Lai Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nhược nhạo Tiểu pháp: Tiểu pháp là pháp hữu vi của thế gian, tuy trước bốn tướng; mà đã trước bốn tướng thì chẳng đặng nghe, thọ trì giảng giải kinh này.
Ở tại chỗ nào mà có kinh này cũng như có chùa Phật thì các đạo Thiên, Nhơn, A tu la đều cung kỉnh lễ bái, thường đem hoa hương mà rải chỗ trì kinh và cúng dường người ấy.
Ấy là một người đủ lý ngộ tâm, thì các cõi thảy đều cúng dường ([128]).
Phó Đại Sĩ giải:
Tụng:
Phát tâm vì tự tánh, Công đức mới tu hành.
Không trông làm đại Phật, Có ý độ quần sanh.
Từ bi bi lộng lộng, Trí huệ huệ rành rành.
Tự lợi gồm tha lợi. Tam thừa há rấp ranh.
Lý Văn Hội giải: Tại tại xứ xứ v.v... là cả thảy chúng sanh sáu căn vận động, mỗi thứ thi vi thường ở trong Pháp tánh Tam muội, nên tỏ lý ấy thì tức là ở chỗ đó có kinh này.
Nhứt thiết thế gian : là có cái lòng hữu vi.
Thiên, Nhơn, A tu la: Thiên : là có lòng lười biếng, nhơn : là có lòng lành dữ, A tu la : là có lòng hờn giận; cũng bởi còn lòng ấy nên chẳng đặng giải thoát.
Sở ưng cúng dường là nếu không cái lòng Thiên, Nhơn, A tu la mới là cúng dường (vô chấp). Tức vi thị pháp : là cái tánh giải thoát vọi vọi rõ ràng, cho nên nói là pháp - Dĩ chư hoa hương v.v... là phải ở trong cái tánh giải thoát, mở bừng sự tri kiến, vun bồi muôn hạnh thì tánh pháp giới tự nhiên hiển hiện.
Xuyên Thiền sư giải: Củ cải ở châu Trấn, bánh bột Sư Vân Môn.
Tụng:
Cũng đồng chơi dạo, cũng đồng hương,
Đi đứng cùng nhau, bửa chữa thường.
Khát uống, đói ăn đều đối diện,
Cầu chi nhọc trí phải tư lương.