KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM
146.ÂM:
"Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát dĩ mãn hằng hà sa đẳng thế giới thất bảo trì dụng bố thí, nhược phục hữu nhơn tri, nhứt thiết pháp "vô ngã" đắc, thành ư nhẫn, thử Bồ Tát thẳng tiền Bồ Tát sở đắc phước đức.
NGHĨA:
"Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát dùng bảy báu đầy cả hàng hà sa số thế giới, đem ra mà bố thí. Bằng lại có người biết cả thảy pháp "vô ngã" mà thành tựu đặng cái pháp nhẫn, thì Bồ Tát này, chỗ đặng phước đức nhiều hơn Bồ Tát kia".
Giải : Lục Tổ giải: Thông đạt cả thảy pháp, không lòng năng sở, ấy gọi là nhẫn địa. Cái người ấy đặng phước đức hơn phước đức bảy báu kia.
Lý Văn Hội giải: Tri nhứt thế pháp Vô ngã là chẳng sanh lòng chấp hai bên, ấy là Vô sanh nhẫn, thì hơn Bồ Tát bố thí bảy báu trước kia.
Vả lại muôn pháp vốn không có tánh, đều bởi tại mình mà phát ra: như mắt đối với sắc gọi là thấy, tai đối với thinh gọi là nghe. Thấy nghe là căn, sắc thinh là trần. Sự thường thấy thường nghe: lúc chưa đối với sắc, thinh, tự tánh chưa hề bớt, còn lúc đối với sắc thinh tự tánh cũng chẳng thêm.
Ấy là Bồ Tát tỏ ngộ chơn tánh, tự do hoạt động, lộng lộng như hư không, chẳng hề thêm cũng chẳng hề bớt.
Phàm phu bị vọng tâm che áng, xô đẩy theo sáu trần mới có sanh diệt, nên trần khởi thì tâm khởi, trần diệt thì tâm diệt; chẳng biết cái tâm khởi diệt ấy là vọng niệm. Bằng thấy sáu trần không sanh ra khởi diệt, tức là Bồ Tát.
Xuyên Thiền sư giải: Tai nghe như điếc, miệng nói như câm.
Tụng:
Người dưới ngựa nương người cỡi ngựa,
Thân sơ cao hạ riêng trang lứa.
Một mai mà: ngựa thác, người đi.
Thân mật ấy thành không chỗ dựa.
Vốn thiệt cựu tương tri,
Mà đổi cái hành vi mọi bữa.
147.ÂM:
Hà dĩ cố? - Tu Bồ Đề! Dĩ chư Bồ Tát bất thọ phước đức cố".
NGHĨA:
Bởi cớ sao? - Này Tu Bồ Đề! Bởi các Bồ Tát ấy chẳng chịu phước đức".
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Dĩ chư Bồ Tát bất thọ phước đức là Bồ Tát tế độ cho chúng sanh chẳng phải là không đặng phước, nhưng Bồ Tát chẳng hưởng sự giàu sang của thế gian, chỉ làm cái phước hư không mà thôi. Cho nên nói: "Không chịu phước đức".
Chứa như hư không, lâu mãi chẳng thôi cho đến thành Phật. Đã thành Phật thì phước đức rộng lớn như Trời đất. Cho nên xưng Phật là Lưỡng túc tôn, nghĩa là đủ hai điều Phước và Trí.
148.ÂM:
Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Vân hà Bồ Tát bất thọ phước đức?".
- " Tu Bồ Đề! Bồ Tát sở tác phước đức; bất ưng tham trước; thị cố thuyết bất thọ phước đức".
NGHĨA:
Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát chẳng chịu phước đức?".
- " Tu Bồ Đề! Bồ Tát làm phước đức, chẳng nên tham chấp; nên mới gọi là chẳng chịu phước đức".
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Bồ Tát sở tác phước đức v.v... là Bồ Tát vốn chẳng vì sự làm phước đức mà độ chúng sanh mà phước đức tự nhiên vẫn có. Ví như người đi giữa ban ngày vốn chẳng vì bóng mặt nhựt mà bóng mặt nhựt tự nhiên theo. Nếu vì sự làm phước đức mà độ chúng sanh, ấy là tham trước sự hưởng thọ phước đức. Bởi không tham trước sự hưởng thọ, cho nên nói chẳng chịu phước đức.
Còn nói : "Cho nên mới" là vì bởi cái cớ không tham; nên nói: chẳng chịu.
Lý Văn Hội giải: Chẳng tham quả báo phước đức của thế gian, ấy là "chẳng chịu".
Lại nói: Bồ Tát làm phước đức chẳng phải vì mình, chỉ vì lợi ích cho cả thảy chúng sanh, ấy là lòng không chỗ trụ, tức không tham trước. Cho nên nói: Chẳng chịu phước đức.
Trí Giả Thiền sư giải:
Tụng:
Bố thí mà mê chấp, Ba sanh chẳng toại tâm.
Dầu dùng nhiều của báu, Thua dứt sáu căn trần.
Diệt hết lòng tham dục, Trừ xong mối ái ân.
Không còn điều trược lậu, Hẳn thật Pháp vương thân.
Xuyên Thiền sư giải: Quần không lưng, khố bít miệng.
Tụng:
Hỏa, phong giả hiệp huyễn thân này,
Thiên hạ nào hay lại có ai!
Tròi trọi chẳng hàm dung một vật.
Hoàng Mai Ngũ Tổ cũng người ngoài.