QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN HẠ
9. Nghe theo người khác bài bác Phật, thêm ý kiến mình để bài bác Phật
Ông Thái Nguyên thưa hỏi rằng: “Trừ ông Hối Am ra còn có những người khác bài bác Phật, việc ấy thế nào?”Thiền sư Không Cốc đáp: “Tự mình không có chủ kiến, chẳng biết được đạo Phật sâu cạn thế nào, chỉ dựa vào thuyết của Hối Am, nghe theo đó mà bài bác, như vậy khác nào kẻ bước đi theo dấu chân người khác. Lại cũng ví như con sứa dùng con tôm làm mắt, khi có con tôm thì di chuyển được, còn không có con tôm thì phải hoang mang, ngơ ngáo. Lại ví như con ngao dùng con cua làm chân, nhờ có con cua mới đi được, còn không có con cua liền trở nên hoang mang, ngơ ngáo. Người đời sau dựa theo Hối Am mà bài bác đạo Phật, khác nào như hai con vật kia chỉ dựa theo vật khác mà thôi!”
Lại hỏi: “Cũng có người không do nơi thuyết của Hối Am mà tự có ý muốn bài bác đạo Phật thì thế nào?”
Thiền sư Không Cốc đáp: “Ví như người đời chỉ biết được những sự vật thường thấy mà thôi, chẳng biết được những vật khó thấy. Bỗng nhiên gặp được hạt châu minh nguyệt hoặc viên ngọc bích dạ quang, ánh sáng rực rỡ, chói lòa, không biết là vật quí, nghi là đồ quái lạ, bèn cầm lấy gươm bén, dùng hết sức mà chống giữ. Họ đâu biết rằng vật ấy có thể làm cho người nghèo khổ trở nên giàu có, kẻ hèn hạ hóa thành sang cả, thật không biết được giá trị như thế của vật ấy.
“Lại ví như kẻ mù không thấy được ánh sáng mặt trời, mặt trăng, lại muốn cho khắp thiên hạ ai ai cũng đều mù cả, để cùng nói rằng mặt trời và mặt trăng không có ánh sáng!
“Than ôi! Hạng người ngu ấy chẳng khác chi con giun đất, chỉ biết cái vui ăn bùn trong khoảng một thước đất mà thôi, đâu biết tới sự vui thích của con rồng xanh mặc tình xuống tận biển sâu hay bay lên trời cao! Họ ví như con chim sâu nhỏ bé chỉ biết cái vui được chuyền qua lại trong khoảng một tấc vuông nơi rào tre, nào biết tới sự thích thú của chim bằng to lớn cất cánh bay cao đến chín muôn dặm, gió lộng dưới chân!
“Nhưng những việc ấy cũng chẳng lấy gì làm lạ, chỉ là do nơi tâm lượng hẹp hòi, không thể giáo hóa được mà thôi.”
Send comment