(THE WHEEL OF LIFE)
Thích Nữ Giới Hương
VÒNG KHỔ
5/ BÀNG SANH
Súc sanh là một trong những loài chúng sanh trú trong vũ trụ bao la này. Có nhiều loại súc sanh như:
A. Loài có xương sống:
1. Bốn chân: Bò, trâu, sư tử, gấu, voi, hươu, nai, bò tót mọc sừng, lừa, lạc đà, khỉ, vượn, ròng rọc, đười ươi, cọp, beo, báo, sói, thỏ, mang (con đỏ), nhím, chồn, cáo, ngựa, heo, dê, mèo, chó, chuột, tắc kè, thằn lằn, kỳ nhông, thạch sùng, rắn mối, kỳ đà, hoang, rái nước, heo rừng, tê giác, trâu nước, nhái, cóc, ếch, chằng hiu…
2. Hai chân: Gà, vịt, ngỗng, ngan, chim…
3. Không chân: Rắn, trăn, trùng, giun, lăng quăn, dòi, sâu, lải…
B. Loài không xương sống: Cuốn chiếu, bọ chét, rết, nhện, sâu, bọ nẹt, kiến, gián, mối, sùng, bò cạp, chấy, rận, ve sầu, tằm, giun, nhộng, ong, tò vò, phù du, mọt, rệp…
C. Loài không xương sống có cánh: Bướm, chuồn chuồn, đom đóm, bù xoè, châu chấu, cào cào, muỗm, bọ ngựa, ong, mối, nắc nẽ, dế, ve sầu, muỗi, ruồi, rầy, thiêu thân, cánh cam, bọ hung…
D. Loài dưới nước: Cá, sứa, mực, cua, sò, tôm…
Giới Bồ tát dạy chúng ta mỗi khi gặp một loài thú nào cũng nên quy y và chúc nguyện cho chúng.
Nguyện
tình thương của chúng ta lan toả đến các loài bàng sanh đang
có mặt trên khắp hành tinh này.
Nguyện
chúng
sớm bỏ thân thú thành người gặp Tam Bảo[19] tu hành.
Chúng ta đọc tên từng loài, quán tưởng những hình tướng khốn khổ của chúng với một tấm lòng tận thân tâm thương xót chúng, ban rải tình thương đến chúng, kết thắng duyên Tam Bảo để sau này chúng gặp được nhân duyên tam bảo mà tỉnh ra. Một con chim xinh xắn, chúng ta vuốt ve yêu mến và đâu biết rằng sau chúm lông xanh, vàng, đỏ, tía đó là chất chứa vô vàn đau đớn, khốn khổ chập chùng.
Trong vòng sanh tử vô tận biết bao nhiêu lần chúng ta đã mang những lớp da thú này. Phải né, phải tránh, không nên gieo những chủng tử gà, rắn, heo để đừng tái sanh vào cõi bàng sanh.
Đức Phật dạy cái khổ ngu si là đáng sợ hơn cả. Ngu si là mê muội, không biết tránh ác làm lành để đến nỗi tự đọa đày, đọa vào thân thú, địa ngục và ngạ quỷ.
Tranh minh họa hình con giun đang bị cắc kè cắn. Con rắn thì nuốt cắc kè. Con kên kên nuốt mồi rắn ngon. Anh thợ săn đang ngắm bắn kên kên. Bức tranh của thế giới ỷ mạnh hiếp yếu. Loài lớn ăn loài nhỏ. Sự sống ăn nuốt sát hại lẫn nhau vì bản năng duy trì mạng sống của mình. Cảnh thú sống trong sợ hãi, hoảng hốt và hãi hùng vì đồng loại thú và cả loài người luôn tìm cách giết lấy mạng chúng.
Trên cạn, ngựa kéo xe đói khát, chở nặng, đi xa, roi vọt. Dưới nước, cá lớn nuốt cá bé. Trâu cày bừa sớm chiều nắng mưa quần quật làm việc. Tối về chuồng là nơi chủ tích trữ phân và nước tiểu của nó để bón ruộng. Suốt đêm trâu chịu các thứ muỗi mòng tấn công mà nào có tay để xua đuổi. Sáng ra tiếp tục cày bừa dưới nắng mưa cực nhọc. Lỡ đau ốm không làm việc được thì chủ vội vàng đem giết thịt bán để gỡ vốn. Một đời như vậy liệu tinh thần có đi lên không? Một đời như vậy liệu chúng ta giảng pháp, thú có hiểu không? Thế nên bàng sanh là một ổ phiền não, một ổ khổ và một ổ đọa lạc.
Một khi đã đọa mang lớp da thú thì trăm kiếp ngàn đời khó ngóc đầu ra. Muôn loài vạn vật, sống đọa đầy, chết đắng cay. Một con bọ chét chạy trong người, ta không chịu được thế mà chó mèo gà vịt ngày đêm hàng trăm bọ mạt rúc rỉa mà cứ phải chịu trọn đời, không một lúc nào ân xá. Cho nên, chúng đọa lạc và chịu đầy đau khổ thương tâm lắm.
Thông thường tội nào nặng lắm mới đọa làm thú. Dưới ánh mắt của con người thì loài thú không có nhiều giá trị và xem như thuộc ‘đẳng cấp’ thấp so với loài người.
Thường thì con người dùng thú vật có nhiều lý do như để làm thức ăn khoái khẩu cho người, thực hiện các thí nghiệm khoa học hay phục vụ con người… Mặc dù thời gian gần đây ở các nước tiên tiến có luật bảo vệ thú vật hoặc có luật bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng nói chung, thú vật vẫn thuộc ‘đẳng cấp’ thấp kém so với loài người.
Vì sao đọa mang thân thú? Ai tạo những nghiệp bỉ ổi, thấp hèn, mất giá trị, mất nhân phẩm sẽ bị đọa làm thú và ở thân thú này chúng bị coi thường và khinh rẻ.
Những nghiệp nào là hèn hạ và mất nhân phẩm? đó là tà dâm, loạn luân, phá vỡ luân thường đạo lý loài người, dục vọng không biết kềm chế, không có lý trí hướng dẫn, rõ ràng tương đương với dục vọng của loài thú. Hạnh nghiệp giống với loài thú đưa tác giả đi đến kiếp thú về sau. Hoặc lòng ích kỷ tột độ biến thành hành vi tranh giành xâu xé đồng loại không thương tiếc cũng rất giống với loài thú; dùng thủ đoạn để bức hại kẻ khác, sống cho bản năng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình thì sẽ đọa làm thú là điều không tránh khỏi.
Kinh dạy: Nhất thiết duy tâm tạo. Mang lông đội sừng hay thành Phật làm tổ cũng chỉ do tâm ta. Loài vật cũng bẩm ngũ hành[20] , cũng ngậm tứ tượng[21] cũng biết đau ngứa, no đói, cũng yêu ghét sợ hãi, nơm nớp sợ chết, lo lắng tham sống, tránh khổ cầu an như ta. Vậy mà chúng ta nỡ nào ăn thịt nó, giết nó chỉ để ngon miệng trong chốc lát nơi tấc lưỡi, nuốt xuống cuống họng là hết. Đặt mồi lập mưu, khiến sa lưới mắc bẫy, thật là độc ác, tàn nhẫn. Lại nói ‘thiếu tiền của ta, làm thú trả ta’ hoặc ‘ta hưởng lộc trời’ hoặc ‘vật dưỡng nhân’ ‘chết là hết, tha hồ ăn, không sợ gì’. Cứ thế mà luân chuyển oán thù, cùng nhau đi mãi trên đường đau khổ.
Nhà nho nói: Thấy con thú đương sống, chẳng nở thấy nó chết. Nghe tiếng nó sợ hãi kêu la, chẳng nỡ ăn thịt. Cho nên đã là quân tử đâu có sát sanh. Nhà nho còn nói thế, huống chi chúng ta là Phật tử, con nhà họ Thích.
Bởi
vì tất cả đều có Phật tánh, nên tất cả loài noãn, thai,
thấp, hoá đều là chư Phật vị lai. Bởi vì cùng nhau ở
trong vòng luân hồi nên tất cả các loài bay, chạy, bơi, lội
đều đã từng là cha mẹ quyến thuộc lẫn nhau với ta. Phải
có lòng tin bất động với điều này thì chúng ta sẽ có
sự chuyển đổi ở cách nhìn và cách sống.
Thấy
mũi
tên con vượn hồn bay. Thấy giương cung con nai rơi mật.
Nỗi chua cay nát óc bể đầu, niềm đau khổ suốt lưng qua
bụng. Dùng tim gan nó để ngon miệng mình trong khoảnh khắc.
Mai đây chịu rừng núi kiếm dao, cả trăm ngàn kiếp trong
địa ngục. Còn dư báo lên làm thân heo gà để chịu mổ
đâm quay nướng, mang yên ngậm sắt ngựa lừa, tôi tớ phận
chó, cày bừa thân trâu…
Chúng ta cứ lấy thống khổ làm trò vui chơi. Giết hại sinh linh thết khách bày tiệc mời người ăn. Con gà, con heo, con trâu bị cắt cổ giãy giụa kêu la, lại đem thêm nước sôi dội xối; trong khi trên thềm nhóm họp bạn bè, dưới thềm âm nhạc vui vầy đờn ca, bàn chuyện thị phi thiên hạ. Đình thần đền miếu đều là những đàn tràng gây oán. Thui ngan, nướng vịt, mổ heo, thịt dê khác gì quỷ la-sát, dạ-xoa…
Phải 500 con tằm mất mạng mới thành một chiếc khăn. Mấy chục con thỏ chết mới có chiếc áo ấm. Người có tâm hãy suy nghĩ, nỡ nào an lòng mặc dùng. Chúng ta cứ ăn thịt mà không biết nỗi đau của một con vật bị giết hay bị đưa lên lò sát. Xin được kể một câu chuyện minh hoạ rằng:
Có một anh thanh niên nọ có thói quen săn thú. Một hôm rượt đuổi theo dấu máu của con nai bị trúng tên, cuối cùng anh thấy nai nằm thở thoi thóp dưới chân một nhà ẩn sĩ đang toạ thiền trên tảng đá. Nhà ẩn sĩ khuyên anh nên bỏ thú vui này vì hãy thương nổi đau đớn của nai khi trúng tên như nỗi đau của mình. Anh đứng im lặng.
Nhà ẩn sĩ liền dùng ngón tay của ngài ấn vào mình con nai đã chết, còn tay kia nắm lấy tay của chàng thợ săn, truyền nỗi thống khổ của con nai lúc chết cho chàng. Vừa đụng vào thì anh biến sắc, anh như cảm nhận được nổi đau khổ về thể xác và tâm linh của con nai lúc chết. Anh như thể nghiệm được toàn bộ quá trình cái chết của con nai, toàn thân toát mồ hôi lạnh, nhịp tim dần dần ngưng lại. Anh đau đớn và hiểu được săn bắn là một hành động ngu xuẩn, từ đó anh không dám săn bắn nữa.
Nhân có nhân quyền, còn thú? Khi văn minh nhân loại tiến bộ, khi tư duy con người phát triển cao hơn, khi thế giới tâm linh con người phát huy tuyệt đối đến mức cao nhất, ta và chúng sanh bình đẳng, lý trí dần dần vượt khỏi sự kềm tỏa của bản ngã, sẽ thấy tha và tự giống nhau và ngay cả thú cũng bình đẳng, thì lúc đó hy vọng thú cũng được tôn trọng, thương yêu và đối xử như con người.
Có chuyện kể một bà già Tây Tạng sau khi trải qua bão tuyết mấy ngày trời liên tục, nhà đã hết lương khô, bà chống gậy lần xuống núi để mua thực phẩm. Dọc sườn núi, các nông trại, vườn rau, đồng lúa đều một màu trắng lạnh tang tóc không có sức sống. Quá đói và mệt, bà ngồi xuống tảng băng để nghỉ chân và lôi trong giỏ khúc bánh mì khô cuối cùng ra để gặm. Chợt ngó lên, bà thấy một con chó đói đang lết thết bò đến gần bà. Nó lạnh run lập cập, lông của nó không đủ cho nó ấm. Bao tử của nó xẹp lép ôm lấy xương sườn vì quá đói, ai đâu cho nó ăn? Bà vội cởi bớt một tấm vải choàng cũ trùm nó lại và khúc bánh mì, bà bẻ hai, chia đều để trước mặt nó một phần, bà một phần. Rồi cả bà và nó cùng nhau mỉm cười ăn ngon lành.
Câu chuyện chỉ đơn giản như vậy. Nhưng để lại ý nghĩa thật sâu sắc. Bà già cũng đã thấy được mình và chó bình đẳng như nhau, nên dù đang đói, khúc bánh mì cũng sẵn sàng chia đôi, manh áo sẵn sàng bớt một cái. Nếu như tâm lý bình thường của mình, có thể chúng ta cho vị trí của chó là thấp kém, nên nếu có thương, cho nó ăn thì ta chỉ bẻ khúc đuôi và bẻ một ít thôi vì để dành còn ngày mai mình ăn nữa chứ… Vì thế lòng từ chúng ta có giới hạn.
Luật Sa-di kể chuyện rằng có một tam tạng pháp sư lên chánh điện, thấy một lão tăng tụng kinh, liền nói đùa: “Sư tụng kinh giọng ồ ề như chó sủa”. Vì lời khinh mạn bông đùa ấy, vị sư phải chịu 500 đời làm thân chó. Đời cuối cùng, con chó ăn vụng thịt, bị chủ chặt cả bốn chân, vứt xuống hố.
Ngài Xá Lợi Phất đi qua cho chó ăn cơm, thuyết pháp và chúc nguyện. Con chó chết, đầu thai làm con một trưởng giả tên Quân Đề. Quân Đề mới lên bảy tuổi đang chơi ngoài cửa, thấy Xá lợi phất khất thực đi qua liền xin cha cho xuất gia. Sau khi xuất gia, dưới sự hướng dẫn của tôn giả Xá lợi phất, Quân Đề đã chứng A la hán.
Thế đó, một lời nói bông đùa mà nguy hại phải 500 đời làm chó. Nếu không phải là tam tạng pháp sư có công phu tu hành thì làm sao gặp được thánh tăng để chấm dứt con đường đọa lạc.
Kinh Địa tạng dạy: Chúng sanh trong cõi diêm phù, cất chân dấy niệm đã phạm tội. Gặp việc thiện thì dễ thoái tâm. Gặp ác duyên lại càng thêm mạnh. Nếu không gặp thiện tri thức sẽ khổ mãi không cùng.
Tóm lại, từ chỗ bản lai thanh tịnh, một niệm bất giác sinh sở năng mà có y báo, chánh báo, có sinh vật xuất hiện, rồi sau đó động vật chính thức ra đời có tâm thức phức tạp, có tạo nghiệp nhân để thọ quả báo.
Ai đã làm thành động vật có tâm thức để cho động vật đó phải lăn lóc đấu tranh vì sự sống một cách cực khổ? Chính những tâm thức của chúng ta tạo ra.
Trong sự đấu tranh sinh tồn đó, các động vật khi thì giúp đỡ lẫn nhau (thiện), khi thì xâu xé lẫn nhau (ác) để tạo thành vô số nghiệp thiện ác lẫn lộn thúc đẩy chúng trôi lăn trong luân hồi mai sau.