Chương 3
TỔNG KẾT
Đa số người
Hoa Kỳ nói riêng và người Tây Phương nói chung nhìn ăn
chay như là một chính sách dinh dưỡng để bảo vệ sức
khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Điều này có thể đúng
vì sức khoẻ tốt là một điều mà ai cũng mong muốn, tuy
nhiên cũng có một số khác cho rằng việc ăn chay không
hẳn chỉ đem lại sức khỏe tốt cho cá nhân mà còn ảnh
hưởng tốt đến sức khỏe trái đất, làm giảm độ ấm
nóng quả địa cầu, giảm hạn hán và bão lụt, và một
số khác nữa cho rằng không thể cầm lòng được khi thấy
con tôm, con cá dẫy đành đạch trên chảo dầu nóng hay
trên lò nướng, họ nhìn thấy trên những bữa yến tiệc
là những cái chết đau đớn vô tội của hàng trăm hay
hàng ngàn con vật.
Với
Phật
Giáo, mặc dù có những dị biệt giữa hai truyền thống
Nguyên Thủy và Đại Thừa do bởi tư tưởng lập tông,
nhưng tựu chung quan điểm căn bản về vấn đề ăn chay
không khác biệt.
Đạo
Phật tin rằng tất cả mọi sự vật xẩy ra trên thế gian
nầy đều bị chi phối bởi luật nhân quả. Mục đích tối
hậu của người Phật tử là tránh làm điều ác, siêng
làm điều lành để chuyển thói quen tạo nhân xấu thành
thói quen tạo nhân tốt, rồi từ nhân tốt đó, sẽ có
duyên lành hỗ trợ để tu hành ra khỏi được vòng luân
hồi, trở về bản thể Chân Tâm. Cho nên, đã là Phật
tử, thì dứt khoát không thể chấp nhận việc tối ác
là hành hạ, đánh đập và giết hại các sinh vật khác.
Cái nhân nợ nần sinh mạng của nhau ấy chắc chắn sẽ
phải trả quả báo. Và vì vậy người Phật tử không những
không dám sát hại chúng sinh mà còn phải tôn trọng và
bảo vệ chúng sinh. Hủy hoại đời sống các loài hữu tình
chúng sinh khác để nuôi mạng sống của mình là trái với
lòng từ bi mà mỗi người đồng có, trái với đạo lý
con người và luật thiên nhiên vũ trụ.
Ngoài
ra Phật Giáo nhìn tất cả chúng sinh hữu tình đều là bà
con quyến thuộc, đều có những mối liên hệ với nhau
trong qúa khứ dưới nhiều dạng thể khác nhau nên không
thể giết và ăn lẫn nhau được.
Tất
cả những lý do khác, như sức khỏe hay bảo vệ môi sinh
đối với Phật giáo đều là những lý do phụ thuộc, là
những phó sản của việc không giết hại chúng sinh.
Đạo
Phật không phải là một tôn giáo có đức tin mù quáng.
Đức Phật đã dạy chúng ta rằng đừng nên tin tưởng
một điều gì vì văn phong, vì tập quán lưu truyền, vì là
bút tích của thánh nhơn, của thầy dạy mà chỉ tin vào
kinh nghiệm học hỏi nơi chính mình và nhận là đúng, có
lợi cho mình và có lợi cho chúng sinh.