- Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát
- Phẩm Thứ Hai: Phát Tâm
- Phẩm Thứ Ba: Nguyện Thệ
- Phẩm Thứ Tư: Đàn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Năm: Thi Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu: Sằn Đề Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy: Tỳ Lê Gia Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám: Thiền Na Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín: Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười: Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ Mười Một: Không Vô Tướng
- Phẩm Thứ Mười Hai: Công Đức Trì
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
PHẨM
THỨ CHÍN
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Bồ Tát tu hành trí huệ như thế nào? Trí huệ nếu vì để tự lợi, lợi tha, cả hai cùng lợi, trí huệ như thế sẽ có thể trang nghiêm được đạo Bồ Đề.
Bồ Tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến họ lìa xa khổ não nên tu trí huệ. Tu trí huệ là phải học trọn tất cả các sự việc ở thế gian, xả tham sân si, kiến lập tâm từ, lân mẫn hữu ích cho tất cả chúng sinh, thường nghĩ tưởng (niệm) cứu vớt, vì họ làm người dẫn đạo, có thể phân biệt nói rõ về chính đạo, tà đạo, cùng thiện báo, ác báo. Như thế gọi là sơ tâm trí huệ của Bồ Tát.
Do tu trí huệ nên lìa xa vô minh, trừ (diệt) phiền não chướng và trí huệ chướng, như thế gọi là tự lợi. Giáo hoá chúng sinh khiến họ được điều phục, như thế gọi là lợi tha. Đem vô thượng Bồ Đề do chính mình tu ra giáo hoá các chúng sinh khiến họ được ích lợi y như chính mình, như thế gọi là cùng lợi. Do tu trí huệ mà đạt được sơ địa cho đến Tát Bà Nhã Trí, như thế gọi là trang nghiêm đạo Bồ Đề.
Bồ Tát tu hành trí huệ có hai mươi tâm có thể từ từ mà kiến lập. Những gì là hai mươi?
- Tâm sẽ phát thiện, muốn gần gũi bạn tốt (thiện hữu);
- Tâm không phóng dật, lìa bỏ kiêu mạn,
- Tâm tuỳ thuận lời răn dạy, ưa thích nghe pháp,
- Tâm nghe pháp không chán và khéo tư duy (về pháp),
- Tâm thật hành bốn phạm hạnh và tu chính trí,
- Tâm quán hạnh bất tịnh sinh chán lìa (yếm ly),
- Mười sáu thánh tâm, quán bốn chân đế,
- Tâm quán mười hai nhân duyên tu minh huệ,
- Tâm nghe các ba la mật, nhớ tưởng và muốn tu tập,
- Tâm quán vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt.
- Tâm quán KHÔNG, vô tướng, vô nguyện, vô tác,
- Tâm quán ấm, giới, nhập có nhiều lỗi hại,
- Tâm hàng phục phiền não, (coi đó) không phải là bạn lữ,
- Tâm bảo hộ các thiện pháp, tự làm bạn lữ (với thiện pháp)
- Tâm chế ngự các ác pháp, khiến chúng đoạn trừ,
- Tâm tu tập chính pháp, khiến cho tăng trưởng rộng lớn,
- Tâm tuy tu nhị thừa mà thường lìa bỏ,
- Tâm nghe tạng Bồ Tát ưa thích phụng hành,
- Tâm tự lợi, lợi tha, tuỳ thuận tăng tiến các thiện nghiệp,
- Tâm trì hạnh chân thật cầu tất cả các Phật pháp.
Lại nữa Bồ Tát tu hành trí huệ lại có mười pháp tâm thiện tư duy, không cùng có chung với Thanh Văn và Bích Chi Phật. Những gì là mười?
- Tư duy phân biệt định huệ căn bổn,
- Tư duy không bỏ hai biến đoạn và thường,
- Tư duy nhân duyên sinh khởi chư pháp,
- Tư duy không có chúng sinh, ngã, nhân, thọ mệnh,
- Tư duy không có các pháp theo ba thời khứ, lai, trụ,
- Tư duy không hề có pháp hành song không đoạn nhân quả,
- tư duy pháp KHÔNG song gieo trồng thiện pháp, không biết mệt mỏi.
- Tư duy vô tướng song (việc) độ chúng sinh không bỏ phế,
- Tư duy vô nguyện song không hề lìa bỏ (tâm) cầu Bồ Đề,
- Tư duy vô tác song (thị) hiện thọ (nhậc các) thân không bỏ.
Lại nữa, Bồ Tát có mười hai pháp môn khéo nhập. Những gì là mười hai?
- khéo nhập các tam muội KHÔNG này nọ, song không hề giữ lấy để chứng.
- khéo nhập các thiền tam muội, song không tuỳ theo thiền na mà sinh (vào đó),
- khéo nhập các thông, trí, song không chứng (lấy) pháp vô lậu,
- khéo nhập pháp nội quán, song không chứng quyết định,
- khéo nhập quán tất cả chúng sinh đều không tịch, song không xả bỏ đại từ,
- khéo nhập quán tất cả chúng sinh đều vô ngã, song không xả bỏ đại bi,
- khéo nhập sinh các ác thú, song chẳng phải do vì nghiệp nên sinh,
- khéo nhập lìa dục, song không chứng pháp lìa dục,
- khéo nhập xả bỏ các thứ dục lạc, song không xả bỏ pháp lạc,
- khéo nhập xả bỏ tất cả các giác hí luận, song không xả bỏ các quán phương tiện,
- khéo nhập tư lương hữu vi pháp nhiều lỗi hại, song không xả bỏ hữu vi,
- khéo nhập pháp vô vi thanh tịnh lìa xa, song không trụ vô vi.
Bồ Tát có thể tu được tất cả các pháp môn khéo nhập (này), tức sẽ có thể khéo hiểu ba thời KHÔNG không có gì hết (vô sở hữu). Nếu quán như thế, do lực trí huệ quán ba đời KHÔNG, nếu đối với vô lượng công đức mà chư Phật trong ba đời gieo trồng, trọn đều đem hồi hướng về vô thượng Bồ Đề, như thế gọi là Bồ Tát khéo quán phương tiện ba đời.
Lại nữa, tuy thấy các pháp (diệt) tận ở quá khứ không (đi) đến vị lai, song thường tu thiện tinh tiến không giải đãi. Quán pháp vị lai tuy không sinh ra, (song) không xả bỏ tinh tiến, nguyện hướng Bồ Đề. Quán pháp hiện tại tuy niệm niệm diệt, (song) tâm mình không quên phát tiến đến Bồ Đề. Như thế gọi là Bồ Tát quán phương tiện ba đời: quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không trụ. Tuy quán tâm, tâm số pháp sinh diệt tán hoại như thế, song thường không xả bỏ việc tu tập thiện căn trợ cho pháp Bồ Đề. Như thế gọi là Bồ Tát quán phương tiện ba đời.
Lại nữa, Bồ Tát quán tất cả thiện bất thiện, ngã vô ngã, thật bất thật, KHÔNG bất KHÔNG, thế đế chân đế, chính định tà định, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, hắc pháp bạch pháp, sinh tử Niết Bàn, như tính của pháp giới (chỉ) một tướng (thôi là) vô tướng. Trong (vô tướng) ấy không có pháp nào để có thể gọi là vô tướng, cũng không có pháp nào để lấy đó cho là vô tướng. Như thế ắt gọi là nhất thiết pháp ấn, bất khả hoại ấn. Ở trong ấn đó cũng không có tướng của ấn. Như thế gọi là chân thật trí huệ phương tiện Bát Nhã Ba La Mật.
Bồ Tát Ma Ha Tát phát tâm Bồ Đề phải học như thế, phải hành như thế. Hành như thế là sẽ gần với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Bồ Tát Ma Ha Tát hành trí huệ (mà) tâm không có hành gì hết, do bởi pháp tính thanh tịnh, như thế ắt là đầy đủ hết Bát Nhã Ba La Mật.