Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

4. CHÁNH NGHIỆP

Friday, November 5, 201000:00(View: 11464)
4. CHÁNH NGHIỆP


BÁT CHÁNH ĐẠO
Con Đường Đến Hạnh Phúc

Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh

BƯỚC 4
CHÁNH NGHIỆP

 
Có người cần một bảng liệt kê các giới luật để đảm bảo rằng mình hành động một cách đạo đức, chân thật. Người khác thì cần giới luật để cảm thấy chắc chắn rằng họ đã đạt được mục đích tâm linh, ở cõi trời hay được giác ngộ. Đức Phật cũng đã chỉ bày cho ta những cách hành xử để tránh khỏi đau khổ, nhưng hành động đạo đức chân chính không chỉ nằm trong các bảng điều lệ giới luật nào. Đúng hơn, đó là các quy luật liên quan đến hành động của ta, để cho ta biết chúng gây ra đau khổ cho bản thântha nhân như thế nào -sự lựa chọn hành động đạo đức của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến tất cả như thế nào.

NĂM GIỚI

Giới luật Phật giáo bắt đầu với năm quy luật mà ta cần tuân giữ cẩn thận nếu muốn đạt được sự tiến bộ tâm linh. Đó là:

- Không sát sanh
- Không trộm cướp
- Không nói dối
- Không tà dâm
- Không dùng rượu hay các chất say khác

Các đệ tử của Đức Phật phải phát lời nguyện để giữ các giới luật này, gọi là năm giới. Tuy nhiên, các quy luật đạo đức này không phải do Đức Phật chế đặt ra; mà chúng là những đạo đức cơ bản, có mặt ở khắp mọi nơi và không có giới hạn thời gian.

Bốn trong số năm giới luật này đã được đề cập đến trong Bát Chánh Đạo. Chánh ngữ bao gồm việc không nói dốiChánh nghiệp được xem như là không giết hại, trộm cắp, và tà dâm. Giới cuối cùng trong năm giới: không sử dụng các chất gây nghiện, cũng nằm trong chánh nghiệp. Vì một người say sưa không thể kiềm giữ không phạm vào tà ngữ hay hành động sai trái.

Ở giai đoạn đầu của việc phát triển đạo đức, chúng ta cần đến những giới luật này, cũng như một đứa trẻ cần được cha mẹ nhắc nhở với những lời răn dạy như là “Đừng sờ vào lửa nóng.” Khi lớn lên, đứa trẻ nhận ra rằng lời cha mẹ dạy là để tránh cho mình khỏi bị nguy hiểm. Tương tự, khi chúng ta đã hoàn thiện sự hiểu biết về hành động đạo đức, chánh nghiệp sẽ trở thành tự động. Chúng ta không thể nào muốn phạm vào năm giới luật, mà ta cũng không cần phải dựa vào chúng mới đi đúng đường. 

ĐẠO ĐỨC TRONG HÀNH ĐỘNG

 Theo truyền thống chúng ta nói rằng Chánh Nghiệp bao gồm việc không giết hại, không trộm cắp, và không tà dâm. Mặc dầu chúng ta dùng các thuật ngữ tương tự trong ngũ giới và trong định nghĩa về Chánh Nghiệp trong Bát Chánh Đạo, nhưng ý nghĩa của chúng hơi khác nhau. Trong ngũ giới, ý nghĩa của các giới này rất đơn giảnrõ ràng: chỉ là đừng làm ba việc này. Giết hại, trộm cắptà dâm là ba hành động tồi tệ nhất mà ta có thể phạm phải, và nếu phạm các giới này, ta sẽ không thể có được sự bình an. Vì thế, chúng ta lập thệ nguyện mạnh mẽ, vững vàng và tuân giữ chúng một cách triệt để.

Tuy nhiên, khi Đức Phật nói đến Chánh Nghiệp trong Bát Chánh Đạo, trong ý nghĩa của việc tránh giết hại, trộm cắp, và tà dâm, Ngài đã đưa ra những thí dụ đơn giản nhất mà người ta có thể vi phạm các giới này. Vì thế sự kiềm chế này phải được hiểu không chỉ một cách hạn hẹp, trong ý nghĩagiữ giới, mà còn là những phương hướng mở rộng cho các hành động đạo đức cao hơn. Thí dụ, trong một bài thuyết pháp Đức Phật đã khuyến khích mọi người phải hành động đầy lòng từ bi đối với tất cả mọi chúng sanh, bằng những lời dạy sau:

Ai cũng sợ gươm đao,
Ai cũng sợ sự chết.

Suy ta ra lòng người,

Chớ giết, chớ bảo giết. (2)

(Dh 129)


Đức Phật giải thích rằng bất cứ hành động nào gây tổn hại cho người khác –như là đập phá nhà cửa, gây hỏa hoạn, hăm doạ bằng vũ khí– là sai, ngay nếu như không có ai thiệt mạng. Có lần tôi được nghe về một thanh niên không thích những người bạn học cùng chỗ trọ của mình. Để trả thù, anh ta khủng bố họ bằng cách bí mật phá hoại đồ dùng cá nhân của họ như là vứt quần áo họ vào cầu tiêu hay phá hỏng máy vi tính của họ! Sự tị hiềm nhỏ mọn và những kiểu đùa dai làm tổn thương người cũng là những hành động thiếu đạo đức.

Ngoài ra còn có các hành động đạo đức ở mức độ vi tế hơn. Thí dụ giới không sát sanh sẽ đạt đến ý nghĩa cao đẹp nhất khi ta phát triển được một thái độ hoàn toàn vô hại và lòng luôn mong ước mọi điều tốt lành cho những chúng sinh khác.

Chúng ta thực hành Chánh Nghiệp không chỉ vì ta muốn tránh phạm các giới hay vì ta sợ ai đó sẽ trừng phạt nếu ta phạm lỗi. Ta tránh những hành động tàn nhẫn, ác độc vì ta thấy được hậu quả của những hành động như thế -chúng sẽ mang sự bất hạnh khôn lường đến cho ta và cho mọi người quanh ta, ở hiện tại cũng như tương lai. Chúng ta thực hành Chánh Nghiệp vì muốn cuộc sống của mình có ích và hòa hợp, không phải để phá hoại hay chống đối, và vì ta muốn tâm được thanh tịnh, an lạc, không bị phiền nãohối hận, ăn năn.

Khi nói đến việc tuân giữ các giới luật, tâm có rất nhiều trò. Có người tự nhủ rằng giới luật không dành cho người trẻ tuổi. Họ nói, “Hiện tại tôi có quyền được hưởng thụ và làm bất cứ điều gì tôi muốn. Khi lớn tuổi hơn tôi sẽ tu sửa lại.” Tiếc thay, biết giữ gìn quy luật đạo đức lúc cuối đời thì cũng giống như trúng số khi bạn sắp từ giã cõi đời. Nếu chờ đợi quá lâu, ta sẽ không thể hưởng thụ được lợi íchmột đời sống đạo đức có thể mang đến –không bị nghiện ngập, có những mối liên hệ lành mạnh, một lương tâm trong sáng, và một tâm bình lặng. Tốt nhất là được hưởng những thành quả tốt đẹp của một đời sống đạo đức khi bạn còn trẻ, có sức khỏe và mạnh mẽ. Lúc tuổi già, ta không còn cần các giới luật đạo đức để kiềm chế ta khỏi hành động sai trái!

Một ngụy biện khác mà chúng ta thường sử dụng là tự nhủ, “Các quy luật đạo đức này có ích lợi gì cho tôi? Cuộc đời tôi như thế này cũng tốt đẹp rồi.” Nếu đó là thái độ của bạn, thì tốt nhất là bạn cần phải xét lại tư duy đó một cách kỹ lưỡng. Nếu cuộc đời bạn tốt đẹp, thì tại sao bạn phải nói dối, ăn cắp, rượu chè, hay giết hại? Việc phạm giới nhanh chóng trở thành một thói quen khó bỏ. Hơn thế nữa, những hành động này không thể tránh khỏi đưa đến những hậu quả tiêu cực. Không có chuyện chạy trốn khỏi luật nhân quả. Phạm vào các nguyên tắc đạo đức, thì bạn có thể bị mất mát tài sản, suy kiệt sức khoẻ, giảm thiểu lòng thương yêu của người thân, và nhiều thứ khác nữa mà bạn hằng coi trọng. Hơn thế nữa, bạn sẽ phải đối mặt với lo âu, mặc cảm tội lỗi và ngay cả việc đau khổ hơn. Hãy nhớ rằng chúng ta gìn giữ các nguyên tắc đạo đức là để cho mình được hạnh phúc, không phải đau khổ.

Ngay cả những hành động thiếu đạo đức có vẻ nhỏ mọn, tầm thường cũng có thể gây ảnh hưởng tai hại. Tôi được nghe có một người đã phải mất quyền đấu thầu trong một công ty cổ phần hàng triệu đồng -chỉ vì đã giết một con bọ. Anh ta là một nhà kinh doanh rất tài giỏi, am tường. Anh đã có hẹn để gặp đối tác có thể hùn vốn để thảo luận về việc đó. Khi họ đang chuyện trò, một con bọ rớt xuống đậu trên miệng ly nước giải khát của nhà kinh doanh. Anh ta dùng chiếc muỗng đang quậy để nhấn con bọ xuống đáy ly. Khi con bọ bò trở lên miệng ly, anh ta lại đẩy nó trở xuống. Trong khi đang thảo luận công việc đáng hàng triệu đô la mà anh ta vẫn đùa giỡn với con bọ, cứ đẩy nó xuống cho đến khi nó kiệt sức chết dưới đáy ly. 

Người đối tác của anh sau này cho tôi biết rằng, khi nhìn thấy những việc như vậy, anh ta tự nghĩ, “Người này quá ác độc. Có thể anh ta sẽ làm bất cứ điều ác độc gì để được có tiền. Tôi không muốn hợp tác kinh doanh với người như thế.” Vì thế người đó rút lui khỏi cổ phần.

Bạn có thể tự hỏi tại sao các điều luật trong Chánh Nghiệp được diễn tả bằng những từ ngữ tiêu cực –không giết, không trộm cắp, vân vânLý do rất đơn giản. Chúng ta không thể tìm thấy niềm vui của các hành động thiện cho đến khi ta buông bỏ được cái sai trái. Chúng ta có khuynh hướng hành động với một tâm đầy tham ái, dẫn đến đủ loại khổ đau. Trước tiên chúng ta phải biết cưỡng lại khuynh hướng bản năng này. Sau đó ta mới có thể thấy được là ta sẽ cảm thấy dễ chịu, bình tĩnh, tự tại, và hạnh phúc biết bao khi ta hành động một cách có đạo đức. Không thể nấu một bữa ăn ngon trong một cái nồi đầy bụi, hay tạo dựng được một khu vườn đẹp trên mảnh đất đầy cỏ dại. Kiềm chế không hành động bất thiện, tức là chúng ta đã tạo ra môi trường thích hợp cho thiện pháp được nở hoa. Thí dụ, tránh không giết hại hay sân hận tạo ra môi trường thích hợp cho tình thương yêu và lòng bi mẫn được phát khởi khi giao tiếp với người. Tương tự, tránh không trộm cắp –không lấy của không cho, dầu đó là của cải vật chất hay công sức, tư tưởng, sáng kiến của người khác- sẽ khiến điều ngược lại được phát sinh –đó là tâm xả.

Hành động đạo đức tách sự chú tâm của ta khỏi những lợi ích cá nhân, vị kỷ để hướng đến những ích lợi cho người và cho ta. Khi đắm chìm trong dục vọng của bản thân, chúng ta bị lòng tham, sân, si, và những tâm lý ích kỷ khác chế ngự. Do đó, ta sẽ không thể tự kiềm chế hay có đủ tuệ giác để hành động đúng đắn. Nhưng khi chúng ta kiềm chế được các pháp bất thiện, thì những màn sương u ám trong tâm ta sẽ tan đi một ít và ta bắt đầu nhận thấy rằng chính tình thương yêu, lòng bi mẫnđộ lượng thật sự mới mang đến cho ta hạnh phúc. Tâm sáng suốt này giúp chúng ta hành động đạo đức và tiến bước trên con đường theo dấu chân Phật.

Không Giết Hại

Khuynh hướng muốn làm tổn hại, gây đau đớn cho chúng sanh khác thường xuất phát từ lòng sân hận hay sợ hãi. Khi chúng ta cố ý giết một sinh vật, dầu là nhỏ nhoi như là sâu bọ, là ta đã làm giảm thiểu lòng tôn trọng đối với tất cả mọi sự sống –trong đó có bản thân chúng ta. Chánh niệm giúp ta nhận biết được các hành động sai trái của bản thân và chịu trách nhiệm về chúng. Khi quán sát các trạng thái tâm của mình, chúng ta nhận thấy rằng sân hậnsợ hãi dẫn ta luân chuyển trong vòng xoay của bạo lực và sự nhẫn tâm, khiến ta có những hành động hại người và hủy diệt tâm thanh tịnh của bản thân ta. Tránh không giết hại giúp tâm ta được bình angiải thoát khỏi sân hận. Tuệ giác này giúp chúng ta biết kiềm chế, không hành động sai trái và sẵn lòng đón nhận những hành động xuất phát từ lòng bi mẫn và tâm độ lượng.

Một đệ tử của tôi bảo rằng cô thuờng cảm thấy sợ và phản ứng mạnh mẽ đối với một số sinh vật nhỏ giống như là chuột, chí, hay đỉa. Vì những cảm giác này, cô sẵn sàng giết chúng. Khi sự tu tập chánh niệm giúp cô trở nên hiền hòa hơn, cô nguyện không giết những sinh vật này nữa. Kết quả là các cảm giác sợ hãi, xa lánh chúng cũng giảm thiểu trong lòng cô. Gần đây, cô còn thu hết can đảm để cầm một con gián trong tay, mang thả ra ngoài cửa chứ không giết nó. 

Khi chúng ta kiềm chế không giết hại, lòng tôn trọng cuộc sống được tăng trưởng và ta bắt đầu hành động đầy lòng bi mẫn đối với tất cả mọi chúng sanh. Cũng người đệ tử này kể với tôi về việc đi thăm một người bạn đang sống ở một trung tâm thiền nào đó. Khi đến, cô nhận thấy trước cửa nhà các nhân viên trong trung tâm, có treo các bẫy sâu bọ. Có cả chục con ong vàng đã bị rơi vào bẫy bởi mùi thơm ngọt ngào của dĩa nước táo. Một khi đã chui vào cái lỗ nhỏ của bẫy, chúng không thể ra. Cuối cùng, khi đã mệt mỏi vì phải bay trong một không gian nhỏ bé, chúng rơi xuống đáy dĩa nước táo, rồi chết đuối trong đó. Cô hỏi bạn mình về cái bẫy. Anh ta đồng ý rằng một công cụ như thế thật không nên có ở một trung tâm thiền, nhưng anh nói rằng mọi người đã đặt những cái bẫy này ở đây lâu rồi và anh không thể làm gì được hơn.

Mặc dầu cô gái cố gắng không để ý đến tiếng những con ong kêu trong bẫy, cô không thể nào tách hình ảnh chúng đang đau khổ ra khỏi tâm trí. Cô cảm thấy mình phải làm điều gì đó để giúp một vài con có cơ hội trốn thoát. Cô lấy con dao, khoét một lỗ nhỏ ở phía trên bẫy, và cắm dao ở đó. Một vài con ong vàng đã bò lên theo cán dao và bay thoát ra ngoài. Sau đó cô khoét cái lỗ bự hơn, và thêm một số con nữa cũng chạy thoát. Cuối cùng, cô nhận ra rằng cô không thể nào chịu đựng được cho dù chỉ một con phải chết trong bẫy. Mặc dầu lo lắng về hành động của mình, nhưng cuối cùng cô đã đem cả mấy cái bẫy đến một khu vườn bên cạnh, tháo chúng ra, giải thoát tất cả những con còn sống. Khi làm như vậy, cô thầm nhủ, “Nguyện cho tôi được giải thoát khỏi các tâm và hành động bất thiện giống như những con vật này được giải thoát khỏi các bẫy rập.”

Cô gái nói rằng từ đó trở đi, cô không còn sợ các con ong nữa. Mùa xuân năm rồi, một tổ ong vàng đã xuất hiện dưới cổng vào của Hội Bhavana. Nhiều người đi qua cửa đó bị chúng chích, và khu vực đó bị rào lại. Tuy nhiên, cô đệ tử vẫn tiếp tục đi qua lối đó, mà không làm hại sinh vật nào. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu còn bị con ong vàng nào chích nữa,” cô nói. “Nhưng nếu có đi nữa, tôi vẫn lo chúng đã bị sợ hãi hay có thể đã bị thương khi đốt tôi.”

Như bạn đã thấy từ kinh nghiệm của người đệ tử này, kiềm chế không giết hại tạo ra một môi trường thích hợp để các hành động bi mẫn có thể tăng trưởng trong cuộc sống. Đó là điều thật tuyệt vời và là một phương cách hữu hiệu giúp ta tiến bộ trên con đường tu tập. Nhưng chúng ta cũng không nên quá cứng rắn trong việc ủng hộ cho sự không giết hại! Chánh niệm đòi hỏi ta phải tự quyết định về hành động đạo đức của mình, không phải để khăng khăng buộc tất cả mọi người khác đều phải theo gương của ta.

Thí dụ vấn đề ăn mặn. Dầu bản thân tôi không ăn mặn, tôi không bắt mọi người phải ăn chay. Vì nhìn một cách toàn diện hơn, tôi thấy ngay chính những người ăn chay cũng góp tay một cách gián tiếp vào việc giết hại. Thí dụ ở một làng có khoảng một ngàn người ăn chay, và ở làng kế bên, có những người nông dân trồng rau cải, trái cây, và lúa mạch để nuôi một ngàn dân làng kia. Khi họ đào xới đất hay giữ cho côn trùng không phá hoại mùa màng, thì họ cũng phải giết nhiều sinh vật nhỏ bé. Rồi nhiều sinh vật và côn trùng khác nữa lại bị giết bởi các loại máy móc trong mùa thu hoạch. Những người ăn chay ở làng kế bên cảm thấy rất thoải mái. Mặc dầu nhiều sinh vật đã bị giết hại, họ không bị lương tâm cắn rứt, vì họ không cố ý muốn giết hại. Bạn có thể thấy từ thí dụ này rằng việc ăn rau củ và việc giết hại côn trùng trong quá trình trồng trọt rau củ là hai vấn đề khác nhau. Tương tự, lý luận đó cũng có thể áp dụng cho việc ăn mặn. Vì ăn thịt và giết hại chúng sanh để có thịt là hai điều hoàn toàn khác nhau. Ngay chính Đức Phật đôi khi cũng ăn thịt khi được cúng dường. Những người chỉ ăn thịt cũng không có ý muốn giết hại.

mục đích giữ giới không giết hại, Đức Phật đã định nghĩa việc giết hại rất rõ ràng rằng đó là hành động cố ý muốn cướp đoạt mạng sống. Trong các giới luật dành cho tăng ni, Đức Phật nói rõ ràng hơn về những điều kiện cần có trong một hành động giết hại:

-Phải có một sinh vật.
-Ta biết rằng có sinh vật đó.
-Ta có ý muốn giết hại.
-Ta dự tính phương cách giết hại.
-Ta thực hiện hành vi giết hại với phương cách đã dự tính.

Người ăn mặn không phạm vào bất cứ trường hợp nào kể trên. Họ biết những gì họ ăn là thịt và thịt đó là của thú vật. Tuy nhiên họ không có ý muốn giết thú vật đó, mà họ cũng không tham gia vào việc giết thú vật.

Nếu không có sẵn thịt, ta không nên đi tìm kiếm, săn bắn hay giết mỗ cầm thú để ăn mà nên ăn cái gì khác. Nhưng ta cũng không nên đặt nặng vấn đề tránh tất cả mọi thứ góp phần vào việc giết hại một cách gián tiếp. Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều thứ có thể góp phần một cách gián tiếp vào việc giết hại. Thí dụ, khi lái xe hay đi qua vườn cỏ, ta cũng có thể giết hại côn trùng. Một số loại thuốc ta dùng để trị bệnh đã được thí nghiệm trên thú vật -bằng cách giết chúng, hủy hoại chúng, hay làm cho chúng bệnh. Sử dụng các loại thuốc này không phải là hành động giết hại. Đức Phật đã dạy rõ ràng rằng chính là ý muốn, là chủ tâm làm điều gì đó mới là đáng kể.

Còn nói về sự phát triển tâm linh, thì không có gì khác biệt giữa một người ăn chayăn mặn. Khi một người ăn chay nỗi lòng tham, lòng nghi, họ cũng hành động giống như người ăn thịt vậy. Nếu bạn muốn trở thành một người ăn trường chay, thì bằng mọi cách hãy thực hiện đi. Những bữa ăn chay lạt rất tốt cho sức khoẻ. Cá nhân tôi là người ăn chaylòng bi mẫn đối với thú vật. Tuy nhiên, đừng cảm thấy bó buộc phải tránh ăn thịt mới có thể đạt được hạnh phúc tuyệt vời nhất.

Nhiều vị cư sĩ hỏi tôi phải làm thế nào đối với những côn trùng trong nhà hay ngoài vườn của họ. Họ muốn làm người Phật tử tốt, không giết hại, nhưng bông của họ sẽ bị tàn úa hay nhà họ trở nên dơ bẩn vì họ không dám đụng đến các côn trùng. Tôi bảo họ rằng việc giết sâu bọ côn trùng, dầu là vì mục đích tốt, cũng vẫn là giết hại. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi sự giết hại đều có cùng một nghiệp quả. Thông thường việc giết một côn trùng không cản trở sự tiến bộ tâm linh của ta giống như khi ta giết một con vật, như là con chó. Tương tự, giết một con chó sẽ không khiến tâm bất an như giết một con người. Không có hành động giết hại nào đem đến nhiều tai họa cho bản thân hơn là giết cha mẹ mình hay giết một bậc giác ngộ. Loại giết hại này sẽ cản trở kẻ sát nhân không thể đạt được giác ngộ trong kiếp này và sẽ đưa đến một sự tái sinh tồi tệ nhất. So với sự giết hại này, giết côn trùng không phải là một vấn đề lớn lao. Nên hiểu rằng có nhiều loại nghiệp quả, chúng ta tự chọn lựa hành động và chấp nhận hậu quả của chúng.

Không Lấy Của Người

Trộm cắp là một biểu hiện của lòng tham hay ganh tỵ. Lấy của không thuộc về mình là một thói quen xấu khó bỏ. Nhiều người không có chút kiềm chế nào trong lãnh vực này đến nỗi ngay khi họ đi dự khóa tu thiền để cố gắng đạt được chút hạnh phúcthanh tịnh, họ vẫn duy trì thói quen ăn cắp. Ở Hội Bhavana, chúng tôi biết có nhiều trường hợp người ta lấy cắp tọa cụ. Tôi không biết có ai đã đạt được giác ngộ khi thực hành thiền trên một chiếc tọa cụ được ăn cắp! Thư viện của chúng tôi cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Vì Hội Bhavana nằm trong một khu rừng, không có đường đến các tiệm sách lớn dễ dàng, nên chúng tôi lưu giữ các bộ sưu tập kinh điển của Hội. Qua thời gian, một số sách đã biến mất. Thật là buồn cười khi người ta đến trung tâm này để thiền và học hỏi về những điều Phật dạy, vậy mà họ không thể thấy rằng lấy những thứ không phải của mình không thể nào giúp tâm họ đạt được an bình

Thực tập Chánh nghiệp trong việc không lấy cắp có nghĩa là nỗ lực để sống chân thật và tỏ lòng tôn trọng tài sản của người khác. Điều đó có nghĩa là nhắc cho cô thu ngân biết rằng cô đã quên tính tiền một món đồ mà bạn đã mua hay cô đã thối lại cho bạn quá nhiều tiền. Điều đó có nghĩa là bằng mọi cách phải trả lại cho người những gì không phải của bạn, mà không mong đợi sự khen thưởng nào cho hành động của mình.

Dĩ nhiên, đôi khi sự chân thật cũng đưa đến những phần thưởng vật chất. Tôi nhớ về một câu chuyện được đưa lên báo về hai đứa bé nhặt được một túi tiền trong nhà vệ sinh của tiệm Sears. Chúng mang túi về nhà và khám phá ra trong đó có hơn ba mươi sáu ngàn đô! Với sự hỗ trợ của cha mẹ chúng, những đứa trẻ này quyết định đem tiền giao lại cho cảnh sát.

Người ta khám phá ra là số tiền đó thuộc về một khách hàng trên đường đến ngân hàng đã ghé qua Sears, và bỏ quên túi tiền trong nhà vệ sinh. Hẳn là vị khách đó đã đau khổ xiết bao khi bị mất tiền và sung sướng dường nào khi có người trả lại tiền. Lòng tin vào chân lý và vào bản tánh thiện của con người hẳn phải phát khởi trong lòng anh. Anh đã bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tặng cho hai đứa trẻ một phần thưởng xứng đáng, và cộng đồng cũng khen ngợi chúng có lòng chân thật.

Xâm chiếm tài sản hay tiền bạc của người là ăn cắp, điều đó ai cũng biết. Nhưng ta thường chứng kiến những hiện tượng ăn cắp vi tế hơn. Thí dụ việc tự coi ý kiến của người là của mình cũng là ăn cắp. Cũng như lấy những vật nhỏ mọn ở sở làm, như là viết, giấy, hay đĩa vi tính, và đem về nhà để dùng cho cá nhân mình. Chúng ta thường ngụy biện cho những hành động như thế bằng cách tự nhủ, “Tôi cũng có thể nghĩ ra điều đó,” hay “Công ty phải trang bị cho tôi những thứ này. Họ đã trả lương ít quá.” Gian dối trong việc khai thuế, viết ngân phiếu không tiền bảo chứng, hối lộ, hay tham gia vào các công việc kinh doanh nhằm mục đích lừa dối cũng là ăn cắp. Ngay như lấy đồ trong siêu thị ăn khi bạn đói cũng bị coi là ăn cắp. Hãy nhớ, không bao giờ nên phục vụ cho thân bằng chi phí của tâm.

Mục đích của chúng ta trong việc tuân giữ các giới luật đạo đức trong Chánh nghiệp là để cuộc sống của ta được hạnh phúc. Nếu ta phạm giới, đau khổ chắc chắn sẽ theo sau, trong kiếp sống này hay trong tương lai. Muốn được hạnh phúc, tâm phải bình anlương tâm trong sạch. Đừng nghĩ rằng bạn kiềm chế không ăn cắp là để làm vừa lòng thế giới. Bạn làm thế là vì sự tự tại của bản thân, ngay ở hiện tại và trong tương lai.

Khi đã vượt lên mức độ thô thiển của việc đấu tranh chống lại bất cứ hình thức nào của việc lấy của không cho, chúng ta mới có thể xem xét lại sự quan tâm của ta đối với nhu cầu của người khác và trở nên bớt chấp vào vật chất hơn. Dùng giới luật không trộm cắp như là một người chỉ đường, chúng ta sẽ trở nên bớt ganh tỵ với những sở hữu hay các sự may mắn của người khác. Thay vào đó chúng ta khám phá ra được niềm vui của sự thông cảm và tâm hoan hỷ cho hạnh phúc của người khác. 

Không Tà Dâm

Giới luật này của Đức Phật thường được diễn giải như là sự kiềm chế không “phạm vào hành động tình dục sai trái”, nhưng thực ra giới này được áp dụng cho nhiều hành động hơn là chỉ trong phạm vi tình dục. Đức Phật thực sự muốn khuyên chúng ta phải kiềm chế không “sử dụng các giác quan bừa bãi” -tất cả các giác quan. Tà dâm là một hình thức sai phạm đặc biệt tai hại của sự lạm dụng đó. 

giới luật này, người ta thường nghĩ rằng khi nói đến “lạm dụng các giác quan,” Đức Phật chỉ muốn nói đến việc kiềm chế các hành động sai trái trong tình dục. Các hành động này bao gồm hiếp dâm, buộc người khác phải quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý của họ. Ngoài ra, giới này cũng ám chỉ việc lạm dụng tình dục với trẻ em, thú vật, vợ/chồng hay người tình của kẻ khác hoặc người không thể tự bảo vệ. Nếu một người bạn tình, dầu không cưới nhau, nhưng đã chung sống mà phản bội người kia, thì cũng bị coi là hành động tà dâm. Quan hệ tình dục với người đã trưởng thành, thích hợp và có sự đồng ý thì không bị coi là sai phạm.

Ngoài những điều đã nêu ra, người ta thường gặp nhiều vấn đềlòng ham muốn dục vọng. Oái oăm là dục vọng không bao giờ có thể hoàn toàn được thỏa mãn. Dầu phải trải qua bao rủi may, bao phiền não, khổ đau khi cố gắng thỏa mãn dục vọng của mình, nhưng ước vọng muốn thỏa mãn ái dục không bao giờ mất. Một số người hướng đến thiền vì sự khổ đau dằn vặt do các ham muốn tình dục của họ mang đến. Tiếc thay là thường ngay trong lúc họ nỗ lực để đạt được thiền địnhtâm bình an, lòng ham muốn nhục dục vẫn quấy phá họ.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là bắt đầu bằng việc kiềm chế các hoạt động tình dục của bạn. Nếu bạn không thể kiềm chế chút nào, thì con đường đến hạnh phúc sẽ mãi mãi xa vời. Một số thiền sinh tinh tấn đã có thể tiến những bước dài trong việc từ bỏ các tánh xấu như là rượu chè hay nói dối, vậy mà họ không nhận ra được tại sao họ phải kiềm chế các hoạt động tình dục của họ. Họ nói, “Tôi không thấy gì là sai khi chỉ muốn vui vẻ một chút.” Theo sự phân loại từ trước tới nay về những điều không nên phạm trong phạm vi hoạt động tình dục thì hình như vẫn còn thiếu sót. Nhiều người biện luận rằng giới luật không nói gì đến việc liên hệ với nhiều người tình miễn là họ độc thân, phù hợp; giới luật cũng không chống đối lại việc tìm kiếm những khóai lạc tầm thường. Nhưng những khóai lạc tầm thường làm hạ nhân phẩm của bạn, làm hèn mọn con người bạn. Sự quan hệ tình dục bừa bãi mang lại tai hại cho bạn và cho cả người khác.

Vậy thì mục đích của loại vui vẻ này là gì? Để mang đến cho bạn khóai lạc? Để thỏa mãn ham muốn của bạn? Tuy nhiên, chúng ta đã nói từ trước tới giờ rằng dục vọng –lòng ham muốn– chính là gốc rễ của khổ đau. Diệu đế thứ hai của Đức Phật dạy rằng tất cả mọi khổ đau đều xuất phát từ lòng tham ái. Hoạt động tình dục bừa bãi là một trong những cách dễ nhất để tâm ta rơi vào trong vòng xoáy của tham và sân. Dục lạc thì chóng qua, nhưng cái giá phải trả -sự nhục nhã, ê chề, lo lắng, ghen tuông, ăn năn, sợ hãi, cô đơn, và mong muốn được dục lạc nhiều hơn– thì không thể kể xiết đến nỗi ta phải đuổi theo nó không ngừng nghĩ.

Vấn đềdục vọng không thể được thỏa mãn bằng phương tiện vật chất. Làm như thế cũng giống như gãi vào chỗ ngứa bằng những ngón tay tẩm thuốc ngứa. Mặc dầu khi gãi có thể mang đến cho ta một cảm giác giải thoát ngắn ngủi, nhưng hành động đó lại làm chất độc lan rộng thêm, khiến cho sự ngứa ngái càng trở nên tệ hại hơn. Cách chữa trị cho căn bệnh đó đòi hỏi bạn phải biết kiềm chế, không làm những gì chỉ để tăng thêm phiền não cho bạn sau này.

Đức Phật đã dùng một ảnh dụ mạnh mẽ để diễn tả những sai phạm mà người ta thường mắc phải trong vấn đề tình dục. Vào thời Đức Phật, những người bệnh phong thường ngồi quanh đống lửa, đốt vết thương của họ. Bệnh phong khiến họ bị ngứa ngái không thể chịu nổi. Bằng cách dí ngọn lửa vào vết thương đem đến cho họ cảm giác giải thoát tạm thời. Nhưng ngọn lửa không làm họ hoàn toàn hết ngứa hay chữa lành bệnh họ. Thay vào đó là họ tự làm phỏng mình. Một khi cảm giác dễ chịu tạm thời qua đi, vết thương sẽ sưng lên và bưng mủ vì phỏng. Những kẻ khốn khổ này cuối cùng phải chịu nhiều khổ sở và ngứa ngái hơn trước đó nữa. Vì thế, những người bệnh phong này lại ra đống lửa và đốt mình nữa. 

Đức Phật bảo rằng chúng ta cũng như thế khi tìm cách thỏa mãn dục vọng của mình. Khi ta tìm đến đống lửa của thú vui thể xác, ta có thể tìm được cảm giác giải thoát tạm thời khỏi những đau khổthất vọng của dục vọng. Nhưng đắm chìm trong đó không chữa lành được ta, trái lại ta chỉ làm phỏng mình. Như thế thì lòng ham muốn, sự ngứa ngái còn tăng lên đến mức độ nào nữa?

Đức Phật giảng tiếp, nếu có một vị y sư đến, mang theo thuốc chữa cho người bị bệnh phong. Người bệnh xức thuốc và hoàn toàn được chữa khỏi. Giờ thì anh ta nghĩ gì về đống lửa? Không có quyền lực gì trên trái đất này có thể khiến anh muốn tự đốt mình nữa. Những người bạn cũ có thể gọi anh đến bên đống lửa. Nhưng anh nhớ lại những gì đã xảy ra -sự điên cuồng của lòng ham muốnsự giải thoát ngắn ngủi của ngọn lửa. Không có gì có thể khiến anh quay trở lại đó. Anh cảm thấy lòng đầy trắc ẩn đối với những người bạn cũ và đối với những đau khổ của bản thân anh trước đó. (M 75)

Đức Phật thường nói về mình như là một bậc y sư và về giáo lý của Ngài, Pháp, như là thuốc chữa. 

 Đối với tất cả các thuốc trên thế gian,
 Đa dạng và đa loại, 
 Nhưng không có thứ nào giống thuốc của Pháp.
 Do đó, này hỡi các tỳ kheo, hãy uống thuốc này.

 Đã uống thuốc Pháp này,
 Ta sẽ không còn già, và chết.
 Đã tu tập và đã thấy được chân lý,
 Ta sẽ dập tắt, giải thoát khỏi ái dục.
(Miln 335 [5] [Hòa Thượng S. Dhammika)

Nghe như thế, có thể bạn tự hỏi “Vậy thì tôi phải chọn giữa người tình và con đường đạo sao?” Ý nghĩ sai lầm này đã khiến nhiều người lo ngại. Hoạt động tình dục giữa hai người trưởng thành, có trách nhiệm thì không cản trở gì đến việc tu hành của họ. Thật ra, mối liên hệ hỗ trợ này có thể là một tài sản quý báu để tiến bước theo tám bước đến hạnh phúc (Bát Chánh Đạo) của Đức Phật.

Giới không phạm tà dâm có thể được giữ bằng những phương cách vi tế hơn, vượt xa sự kiềm chế giới luật một cách máy móc. Ở mức độ cao nhất, chúng ta coi tất cả mọi phụ nữ như là chị, em gái của mình và tất cả mọi người nam như là em, anh trai, những người lớn tuổi như cha mẹ mình, và những người nhỏ tuổi như con cái mình. Được thế thì lòng ham muốn sẽ biến mất. Vì đơn giản là ta không còn nhìn người khác phái như một đối tượng của ham muốn tình dục. Tất cả những thái độ trước kia đều biến mất, ngay cả những ham muốn vi tế cũng tan vào trong lòng bi mẫn bao la và sự quan tâm cho an toàn của người khác.

Hơn thế nữa, để hoàn thiện Chánh nghiệp trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật khuyên chúng ta không nên lạm dụng bất cứ giác quan nào của mình. Bên cạnh việc phạm giới tà dâm, thì điều đó còn có nghĩa gì? Đó là khi ta thỏa mãn lòng ham muốn bằng cách kích thích bất cứ giác quan nào đó đến độ nó rã rời, đó là lạm dụng các giác quan.

Lãnh vực nào chúng ta còn bỏ qua, chưa xét đến trong các hành động của mình, những hoạt động nào mà qua đó ta thúc đẩy thân và tâm mình vượt quá mức hợp lýmục đích khóai lạc hay trốn tránh, lãng quên? Hãy tự hỏi mình: “Tôi có cho phép mình xem truyền hình hằng giờ liền không? Hay bỏ thì giờ làm những công việc giấy tờ không cần thiết mãi đến tận khuya? Ăn nhiều hơn những gì cần thiết để duy trì cuộc sống? Có đến các tụ điểm mà âm nhạc quá ồn ào đến nỗi dường như tai ta muốn vỡ tung ra? Có tìm cách thỏa mãn dục lạc đến độ thân thể mệt mỏi, rã rời, không còn sức để lao động ngày hôm sau? Có sử dụng internet để đem lại lợi ích cho cuộc sống và cộng đồng hay tôi chỉ lo giải trí cho đến lúc mắt mờ đi và tâm đông cứng lại?”

Các hoạt động này không thích hợp cho thân, không thích hợp cho con đường tâm linh. Nhưng buông bỏ chúng thì ta sẽ cảm thấy thế nào? Thì thay vào đó, lòng tự trọng sẽ được tăng trưởng. Ngã chấp xuất phát từ các hoạt động này có thể được phá bỏ, nhường chỗ cho một trái tim rộng lượng, hướng về tâm linh, không còn là nô lệ cho tiếng gọi của dục vọng.

Không Sử Dụng Chất Gây Nghiện


Giới luật cuối cùng trong năm giới dạy ta phải tránh dùng rượu, ma tuý, hay những chất gây nghiện khác và giới luật này cũng được hàm chứa trong Chánh Nghiệp. Khi đưa ra giới luật này, Đức Phật dùng các thuật ngữđiều kiện. Ngài không khuyên các cư sĩ phải tránh tất cả mọi chất làm say, mà chỉ nói những thứ có thể khiến ta “cuồng dại, vô tâm và bất cần.” Nói cách khác, việc sử dụng chừng mực các loại thuốc giảm đau có chất gây nghiện (narcotic) được bác sĩ cho toa không vi phạm giới luật này. Việc thỉnh thỏang dùng ít rượu nhẹ, cũng không thành vấn đềTóm lại chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình.

Dầu được phép uống ít rượu, ta cũng không nên làm. Vì ly này thường dẫn đến ly kia. Có người chỉ sau một ly, cũng bị say, và không thể kiềm chế được mình. Do đó, lúc tốt nhất để thực hành việc tự kiềm chế là trước ly rượu đầu tiên, không phải sau đó. Người thì qua thời gian mới trở nên nghiện ngập, mỗi lần uống tửu lượng của họ lại tăng thêm một ít, nên họ không biết rằng việc uống rượu thường xuyên đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Hơn thế nữa, việc trữ rượu trong nhà cũng dễ khiến người ta mượn rượu để giải sầu hay giảm căng thẳngChúng ta có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần đến rượu, nên tốt hơn hết là đừng tạo cơ hội để rượu có thể hủy hoại cuộc đời ta.
Với thời gian tôi đã được nghe nhiều câu chuyện thương tâm do rượu mang đến cho con người như thế nào. Thí dụ một thiền sinh ở Hội Bhavana kể rằng, nhiều năm trước cô không thích thú gì việc uống rượu và chỉ uống một ít khi bị mời ép. Ở các bữa tiệc có rượu, cô không bao giờ uống hết một chai bia. Cô chỉ cầm chai bia suốt buổi tối để hòa đồng với những người uống rượu. Sau khi ra trường, cô dọn đến một cộng đồng khác. Những người bạn mới ở nơi này thường xuyên uống rượu và cô nhiễm thói quen thỉnh thỏang uống rượu cho vui, một thói quen thành hình một cách chậm chạp. Cô kể rằng một đêm kia, khi có chuyện phiền muộn, cô đã uống một loại rượu mạnh hết ly này đến ly khác. Khi bạn bè tỏ vẻ lo ngại, ngăn cản thì cô nguyền rủa họ, bảo họ hãy lo chuyện của họ. Bỗng nhiên, một cảm giác rất lạ xuyên qua cơ thể. Sau này cô mới biết đó là một sự biến đổi hóa chất. Từ lúc đó trở đi, cô trở thành nghiện rượu. Suốt hai năm, mỗi ngày cô đều uống rượu và mỗi tuần say xỉn ít nhất vài lần. Cá tính của cô thay đổi theo hướng tiêu cực, khiến cô rất đau khổCuối cùng, cô tìm đến các trung tâm cai nghiện rượu để nhờ giúp đỡ và giờ cô đã bỏ được rượu nhiều năm rồi. 

Có nhiều lý do khiến người ta tìm đến các chất gây nghiện. Các bạn trẻ thì muốn làm người lớn hơn hay tỏ vẻ trí thức; người nhút nhát, hoặc thiếu bình tĩnh, muốn thư giãn hay được người chung quanh chấp nhận hơn; những kẻ có vấn đề thì muốn tìm quên lãng. Tất cả mọi động lực đều phát khởi từ khổ -từ việc muốn thoát khỏi thực tại của những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.

Tuy nhiên, khi quán tưởng về vấn đề này, ta thấy rằng việc chạy trốn không bao giờ có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì hay làm giảm bớt bất cứ khổ đau nào. Nghiện rượu hay nghiện các chất ma túy chỉ khiến cho ta càng thêm đau khổ. Nó khiến ta đánh mất lòng tự trọng, căn bản đạo đức của mình, sống thiếu kiềm chế. Ta có thể dễ dàng nói dối, phạm vào tà dâm, trộm cắp hay những điều tệ hơn thế nữa. Ta còn có thể hủy hoại sức khoẻ, tài sản, hôn nhân, gia đình, công việc, kinh doanh của mình. Ta có thể đánh mất sự kính nể của người khác và lòng tự trong của mình. Cuối cùng ta sẽ bị bỏ rơi, ngập ngụa trong khổ đau để tự hỏi tại sao những việc ghê gớm này có thể xảy đến cho ta. Tóm lại, thuốc chữa tốt nhất cho việc nghiện ngập là trước hết hãy đừng sử dụng các chất gây nghiện!

Để có thể thực hành Bát Chánh Đạo tốt hơn, chúng ta có thể xét rộng hơn ý nghĩa của giới luật thứ năm này ở mức độ cao hơn trong việc kiềm chế không sử dụng các chất gây nghiện. Chúng ta tự sử dụng thuốc trong những trường hợp nào khác và tại sao? Sử dụng khía cạnh này của Chánh Nghiệp như là một hướng dẫn tổng quát, hãy chất vấn động lực của bạn, tự hỏi có phải bạn đang cố gắng để không phải chánh niệm. Bạn trốn tránh vấn đề của mình như thế nào? Bằng cách đọc báo? Hay tham gia vào các cuộc nói chuyện phù phiếm? Chánh niệm có thể giúp ta xác định được những thứ ta bày ra để tránh phải luôn đối mặt với thực tại.

Những Giới Luật Cao Hơn Dành Cho Cư Sĩ

Hằng ngày chúng ta cần tuân giữ năm giớiTuy nhiên nếu muốn tiến nhanh hơn trên đường tu, ta có thể tự nguyện tuân theo một số điều luật trong một thời gian nào đó. Các giới luật này bao gồm năm giới căn bản và một vài giới khắt khe hơn. Một số thiền sinh nguyện tuân giữ các giới này vào những dịp đặc biệt, như là khi họ dự một khóa tu thiền hay khi họ đến sống ở các trung tâm thiền, các tu viện

 Có tám giới luật:

- Không giết hại
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không dùng các chất gây nghiện
- Không ăn sau ngọ
- Không nhảy múa, hát ca, nghe nhạc hay xem hát, và không dùng nữ trang, mỹ phẩm hay hương thơm
- Không dùng giường nệm hay chỗ ngồi cao và rộng –(những thứ xa xỉ)

Thỉnh thỏang tuân giữ tám giới này có thể giúp cho sự hành thiền của ta được tốt hơn. Khi lương tâm trong sáng, ta không có lý do gì để ăn năn hối hận, thì tâm định của ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Vào thời xa xưa, người dân ở các quốc gia theo Phật giáo tuân giữ tám giới luật cả ngày, một tháng bốn lần. Những ngày ấy, họ đến chùa hay thiền viện ở trọn cả ngày, hành thiền, đọc tụng kinh sách, nghe thuyết pháptham vấn giáo lý. Đôi khi họ hành hương từ chùa hay thánh địa này đến nơi khác. Bất cứ ở đâu khi tụ họp lại, họ đều hành thiền, nghe pháp do các vị cư sĩ hay tu sĩ thông thái thuyết giảng. Hôm sau, họ lại trở về với những hoạt động thường nhật.

Ngày nay rất ít người thực hành nghi lễ tôn giáo (Bát quan trai) này. Phần đông chúng ta khi không phải kiếm sống hay chăm sóc con cái, thì làm công việc nhà, coi truyền hình, dự tiệc tùng, xem hát, đi ăn hay đến các quán bar. Khi đã chán tất cả các hoạt động này thì ta đi du lịch. Thông thường là chúng ta phải làm việc rất cực nhọc để có tiền đi du lịch, nhưng nó lại bao gồm một cuộc chạy đuổi khác theo các hoạt động hầu mang đến khóai lạc. Khi trở về nhà, đôi khi ta cảm thấy cần một kỳ nghỉ khác để lấy lại sức từ kỳ nghỉ trước! Rồi ta lại phải tiếp tục làm việc vì nếu không có tiền thì sẽ không có kỳ nghỉ nào nữa, mà nếu không làm việc cật lực thì cũng không có tiền. Có lẽ bạn cũng đã nhận ra cái vòng lẩn quẩn của khổ đau này.

Tuy nhiên, việc tu Bát quan trai để tuân giữ tám giới luật này giúp ta có một chọn lựa khác. Việc tu Bát quan trai trong một ngày, một cuối tuần, hay lâu hơn có thể mang đến cho chúng ta một sự nghỉ ngơi thật sự khỏi những công việc thường nhật và khiến ta được tươi mát hơn, đầu óc trong sáng hơn, không mệt mỏi, cáu kỉnh. Ta không cần phải đến chùa mới trì được tám giới luật này, mà có thể thực hành ngay tại nhà. Khi nhà có trẻ nít, cơ hội để có được những giờ phút yên tĩnh và tự do có thể rất hiếm. Vì thế mà để có thể sử dụng những thời gian quý báu này vào việc giúp ta vun trồng được nội tĩnh, là điều rất quan trọng. Ích lợi ngay trước mắt của việc tu tập này là cảm giác bình an, tự tại, thư giãn, cải thiện sức khoẻ, cũng như giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn về cái chết. Sự kỷ luật không thường xuyên này có thể xoa dịu, mang lại thoải mái cho cả thân và tâm.

Thí dụ, những người thường ăn ba hay bốn bữa một ngày có thể thấy rằng việc nhịn ăn một ngày một tuần là một việc làm tốt. Rồi họ có thể bắt đầu một ngày chỉ ăn hai bữa và nhịn sau đó. Hai bữa ăn này phải là một bữa điểm tâm thật đầy đủ và một bữa ăn trưa nhẹ. Họ nên bỏ qua bữa tối. Vì nếu không có nhiều hoạt động sau một bữa ăn nặng vào buổi tối, tiến trình tiêu hóa rất chậm, và đồ ăn sẽ ở trong bao tử cho đến sáng hôm sau. Khi ta không ăn gì buổi tối, ta sẽ cảm thấy khá đói sáng hôm sau. Vậy thì ta có thể ăn một bữa điểm tâm thật đầy đủ. Có thể hầu hết các ngày, do nhu cầu của gia đình và công việc không cho phép ta ăn bữa điểm tâm đầy đủ và ăn nhẹ (hay không ăn gì) vào buổi tối. Vì thế nếu chúng ta có một ngày đặc biệt để tu theo Bát quan trai, thì nó sẽ giúp ta có cơ hội để thử phương cách ăn uống này.

Thời gian mà ta tiết kiệm được vào buổi tối khi ta không phải chuẩn bị bữa ăn, ăn uống, rồi dọn dẹp từ một bữa ăn nặng nề có thể dùng để làm nhiều việc ích lợi khác, như là hành thiền hay đọc kinh sách Phật. Dầu việc thực hành này lúc đầu không phải dễ, nhưng nó là một thói quen tuyệt vời cần được huân tập. Hãy nhớ rằng, không có gì dễ lúc ban đầu. Sau khi đã quen không ăn nhiều, bạn có thể cố gắng không ăn trọn một ngày. Đừng ăn bất cứ thực phẩm gì, nhưng uống thật nhiều nước và nước trái cây. Hãy dành ngày đó cho riêng mình, đọc sách và hành thiền. Một ngày như thế là một kỳ nghỉ ngắn tuyệt vời cho thân và tâm.

Thọ Bát quan trai một cách chính thức giúp ta giữ tâm chánh niệm. Khi ta bắt đầu làm điều gì phạm một trong các giới luật đó, tâm ta sẽ nói, “Chờ một chút, hãy nhớ …!” và ta sẽ nhớ lại, “Ồ, tôi không được …” Giới luật cũng giống như ngọn roi mà người đánh xe dùng để nhẹ nhàng nhắc nhở con ngựa chạy đúng hướng, hay là tiếng kèn xe để nhắc nhở bác tài không sai lệch đường.

Người cư sĩ cũng có thể nguyện thọ suốt đời một số các giới luật gọi là bát giới. Các giới này bao gồm năm giới căn bản cộng với ba giới phụ thêm về Chánh Ngữ: không nói lời ác độc, không nói lời cộc cằn, và không nói xấu. Năm 1998, khi làm lễ kỷ niệm mười năm ngày thành lập Hội Bhavana, các thành viên trong Hội được mời tham dự trong buổi lễ thọ nhận bát giới suốt đời. Việc này do một trong những thành viên ban chấp hành đề nghị, vì chính bà cũng muốn thọ bát giới. Những người tham gia được yêu cầu dự một khóa tu hai ngày trước buổi lễ để chú tâm vào ý nghĩa của việc thọ nguyện. Lời mời này được đón nhận rất nhiệt tình. Ba mươi sáu người đã tham dự khóa tu, nguyện suốt đời nương tựa Phật và thọ nhận tám giới luật suốt đời. Từ đó hằng năm chúng tôi đều thực hiện nghi lễ này.

Chuẩn bị tinh thần để thọ nguyện bát giới đối với một số thiền sinh không phải dễ. Một số tỏ vẻ lo sợ, số khác lại cảm thấy khó tuân giữ. Đúng là thật khó khi ta phải phát lời thệ nguyện! Buổi lễ thọ giới chính ra rất đơn giản. Người thọ giới đọc lại thọ nguyện trong kinh, chung cả nhóm. Rồi mỗi người nhận một pháp danh mới theo ngôn ngữ cổ truyền Pali. Nghi lễ đơn giản này để lại ấn tượng tốt đẹp trong đời của người thọ giới, ảnh hưởng nhiều đến cách họ nói năng. Sau khi thọ nguyện, khi tuôn ra những lời cộc cằn, cay độc, họ sẽ ngay lập tức nhận ra lỗi lầm của mình. Giới luật như một lời nhắc nhở của lương tâm, khiến họ dừng lại. Cứ thế, dần dần họ sẽ không còn sử dụng tà ngữ nữa. Sự chuyển hóa đơn giản này giúp họ có thể thấy giới luật vận hành như thế nào để tạo ra hạnh phúc.

Nhiều người sau khi thọ bát giới đã viết thư cảm ơn tôi. Họ nói rằng đó là một bước ngoặt trong đời họ. Nhưng tại sao họ phải cám ơn tôi? Tôi đâu có yêu cầu họ phát lời thọ nguyện. Chính họ tự nguyện. Họ phát lời thọ nguyện không phải cho tôi, cho người thân của họ, hay cho ai khác, mà cũng không phải vì luật pháp đòi hỏi hay vì ích lợi toàn cầu. Họ tự nguyện thọ trì các giới luật này cho bản thân, cho cuộc sống riêng của họ, cho hạnh phúchiện tại và trong tương lai của họ.

Bạn không nên sợ phải phát nguyện thực hành theo Chánh Nghiệp hay tu Bát quan trai, hay thọ trì bát giới suốt đờiTrái lại, bạn phải vui mừng rằng mình đã quyết định hành động để sống tốt đẹp hơn. Những người nghiện rượu, ma túy, cờ bạc, hay có một số những hành vi bất thiện khác rất khó quyết định dừng lại. Họ trì hoãn và luôn có nhiều lý do để thoái thác. Nhưng một khi đã quyết định chuyển đổi và tuân giữ giới luật được một thời gian, họ nhận thấy tâm trí họ trở nên trong sáng hơn, ăn ngủ tốt hơn, dành dụm được tiền bạc, và những mối liên hệ với gia đình, với xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Vì thế, họ đầy lòng mang ơn và tự hào về bản thân, vì đã chọn đi đúng hướng.

Tương tự, chúng ta có thể cũng đã gặp khó khăn khi phát nguyện từ bỏ các bất thiện pháp. Nhưng một khi ta đã thọ nguyện và kiên trì tu tập, thực hành, ta sẽ được hạnh phúc, tự tại, và hoan hỷ rằng mình đã có một quyết định mang đến sự chuyển hóa tốt đẹp cho cuộc đời mình.

CHÁNH NIỆM VỀ CHÁNH NGHIỆP

Đức Phật dạy rằng, “Tất cả mọi lời nói, hành động, và ý nghĩ thiện đều xuất phát từ tâm chánh niệm.” Nói cách khác, Chánh Nghiệp phát xuất một cách tự nhiên từ tâm chánh niệm.

Hãy quán sát kỹ hơn tại sao là như thế. Mọi hành động có chủ tâm của thân, khẩu và ý, đều có tác động mạnh mẽ đối với chúng ta. Khi gây thương tổn cho ai hay hành động sai trái, ta thường trải qua những bức xúc vật lý (nơi thân), đưa đến trạng thái tâm bối rối, đau khổ. Chánh niệm giúp chúng ta thấy được những ảnh hưởng tai hại này một cách rõ ràng. Ta thấy rằng một hành động bất thiện dẫn đến cảm giác ăn năn, cảm giác này lại dẫn đến lo âu, phiền muộn khiến tâm không được thanh thản. Khi tâm bứt rứt, chúng ta không còn khả năng định tĩnh. Hành động càng tiêu cực, thì tâm càng bấn loạn, lo âu. Vòng ác nghiệp đã thành hình, qua đó các hành vi bất thiện này lại ảnh hưởng, sai khiến ta phạm thêm các tội lỗi khác nữa. 

Ngược lại cũng thế. Với tâm chánh niệm, chúng ta thấy rằng khi ta hành động với tình thương yêu, tâm ta trở nên nhẹ nhàng, an tĩnh. Tâm thanh tịnh sẽ giúp ta thêm hoan hỷ và giúp ta chú tâm định tĩnh sâu lắng hơn. Biết được điều này, ta sẽ cảm thấy hăng hái theo đuổi các thiện pháp. Thân và tâm ta trở nên mạnh khỏe, trong sáng hơn. Kết quả tích cực này giúp ta tiến bước trên con đường đạo.

Tôi còn muốn nói rộng hơn, là chánh niệm trong việc trì giới -dầu đó là năm, tám hay nhiều giới hơn nữa– cũng đều khiến ta thêm vẻ trang nghiêm, đẹp đẽ! Khi ta nói hay hành động với tâm chánh niệm về các giới luật, ta sẽ cảm thấy tự tại, bình an. Và khi tâm không vướng bận, vẻ mặt bạn sẽ sáng láng, vui tươi. Khi nghĩ về những việc thiện đã làm, ta sẽ cảm thấy rất hoan hỷ. Tâm an lạc này tỏa sáng trong mắt và trên vẻ mặt của bạn. Người ta sẽ cảm thấy dễ gần gũi với những người như thế.

Khi ta chánh niệm về Chánh Nghiệp, tâm không vướng bận cũng giúp ta chú tâm vào mỗi giây phút qua đi, nhưng không phải trong tâm trạng buồn nản, thụ động. Ta dồn hết mọi khả năng và trí lực vào nhiệm vụ vừa ý thức được những gì đang diễn ra trong tâm và vừa giao tiếp khéo léo với thế giới quanh ta. Bằng cách đó chúng ta phát triển được sự tĩnh giác về các hành động của mình.

Tâm chánh niệm như thế càng trở nên thiết yếu hơn khi sức chịu đựng của chúng ta bị thử thách. Khi không bị ai thách thức, quấy rầy thì cũng dễ giữ gìn giới luật và hành động một cách hòa nhã. Nhưng khi có ai đó nói điều gì làm tổn thương hay chọc giận bạn, thì tâm bạn có thể bị xáo trộn ngay trong giây phút đó. Tuy nhiên nếu có chánh niệm, tâm sẽ xuất hiện đúng lúc để nói, “Hãy dừng lại trong giây lát để tâm bình tĩnh trở lại. Tốt hơn hết không nên nói hay làm điều gì khiến ta ân hận.”

Nếu ta giữ được ý thức chánh niệm trong mọi hoạt động, thì khi bị khiêu khích, ta cũng sẽ nhớ để giữ bình tĩnh. Thí dụ, khi đang đau khổ vì mất người thân hay một tài sản quí giá, thì chỉ một kích động nhỏ cũng có thể khiến ta trở nên giận dữ. Lúc đó, ta phải cẩn thận gấp bội khi giao tiếp với người, giống như người không có giày đi nhẹ nhàng, cẩn trọng tránh miểng vỡ. Khi ta bệnh hoạn, mệt mỏi, đói khát, cô đơn, đau khổ, bực bội, cũng quan trọng như thế. Những lúc ấy, giữ được chánh niệm trong từng giây phút giúp ta nhớ đến trạng thái yếu đuối, dễ phản ứng hiện tại để tránh những hành động có thể khiến ta hối hận.

Một trường hợp khác khi bạn phải hết sức chánh niệm là khi bạn cảm thấy mình đang ở trong một môi trường mà những thói quen trong quá khứ có thể lôi cuốn bạn vào việc phạm giới luật đạo đức. Một người đã từng ăn cắp dễ dàng phải lập tức trở nên chánh niệm khi thấy cái bóp của ai đó nằm trong tầm tay. Một người từng nghiện rượu phải lập tức chánh niệm trước những ly bia miễn phí được trao tận tay. Một người đàn ông đã có gia đình từng phải đấu tranh với dục vọng, bị một phụ nữ quyến rũ bằng cách trao cho anh tấm danh thiếp, anh ta phải tự nhủ, “Nếu tôi cầm lấy số điện thoại này, nó sẽ khiến tôi muốn phạm tội. Tâm tôi sẽ không còn được bình an. Tôi yêu vợ con và không muốn làm tổn hại gia đình. Tốt hơn hết là tôi không nhận hay vứt nó đi ngay lập tức.”

Trước khi ta đạt được giác ngộ và tâm đã được trui rèn kỹ lưỡng, ta sẽ còn có thể phạm nhiều điều bất thiện khác nữa. Trước khi làm điều gì mà ta biết là sai, ta nên dừng lại và quán tưởng một cách đầy chánh niệm về việc hành động này có thể gây tai hại cho ta như thế nào. Thí dụ, nếu ta cảm thấy bị cám dỗ muốn ăn cắp tiền của chủ, ta cần phải quán sát về hậu quả của hành động ăn cắp: ta sẽ phải sống trong sự sợ hãi bị bắt. Nếu bị bắt gặp, chắc chắn rằng ta sẽ mất việc, mất danh dự và ngay cả sự tự do. Ngay nếu như ta không bị luật pháp trừng trị, thì lương tâm ta cũng sẽ trừng trị ta ngay lập tức. Ngay chính ý nghĩ muốn thực hiện một hành động như thế cũng khiến tâm không được an, thì tâm ta sẽ còn bị xáo trộn biết bao nếu ta thực hiện hành động đó? Khi một ý nghĩ bất thiện vẫn còn chỉ là một tư tưởng thoáng qua, ta còn có thể sống với nó. Nhưng một khi đã thành ra hành động, chắc chắn ta sẽ chẳng bao giờ được sống trong bình an.

Ta cũng phải cân nhắc hạnh phúc ngắn ngủi mà một hành vi bất thiện có thể đem đến, so với sự đau khổ dài lâu mà nó gây ra. Thí dụ bạn có cảm giác muốn đánh ai đó. Ý nghĩ này có thể xuất hiện vì bạn tin rằng bạn sẽ được hả dạ sau đó: “Tôi đã trả được thù, tên này lần sau sẽ không dám làm vậy nữa!” Nhưng bạn không thể đoán được kết quả một cách chính xác. Người kia có thể cũng trở nên giận dữ và đánh trả lại bạn mạnh hơn. Anh ta cũng có thể đem lòng oán hận và âm thầm dự định tấn công bạn. Một phản ứng không khôn ngoan có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi lâu dài và đắng cay.

Tôi biết một người ở Tích Lanhiềm khích lâu đời với hàng xóm. Để trả thù họ, anh ta xây một căn chòi cạnh bên giếng nước của nhà hàng xóm. Người hàng xóm than phiền, yêu cầu anh dỡ bỏ căn chòi, nhưng anh ta từ chối. Sau đó, những người trong nhà hàng xóm đều ngã bệnh. Việc tranh chấp giữa hai gia đình trở nên nghiêm trọng cho đến khi một người phạm tội sát nhân. Pháp luật điều tra và người đàn ông kia cuối cùng phải vào tù. Cả hai gia đình đều đau khổ. Nhưng họ sẽ còn tiếp tục thù hằn nhau qua nhiều thế hệ nữa! Sự tranh cãi giữa hàng xóm ở đâu cũng có. Có hàng tỷ những cuộc tranh cãi như vậy. Nếu có những sự tranh cãi như thế xảy ra cho ta, ta phải ngưng ngay lập tứccố gắng làm dịu tình hình. Những cuộc tranh cãi không kiềm chế sẽ làm tổn hại tất cả mọi người liên quan.

Chánh nghiệp không phải do Đức Phật chế ra. Mà sự thật luôn là các hành vi bất thiện sẽ mang đến khổ đau và gây ra hận thù. Như Đức Phật đã diễn tả ý tưởng này như sau: 

  Hận thù không thể xóa bỏ hận thù.
 Chỉ có tình thương mới xóa được hận thù.
 Đó là luật thường hằng.
 (Dh 5)

Đức Phật không nói luật đó do Người chế. Nó không chỉ áp dụng cho người Phật tử mà cho tất cả mọi người. Với tâm giác ngộ, Đức Phật có thể thấy rõ ràng các hậu quả xấu ác là do các hành vi sai trái gây ra. Ngài đã dạy, 

Nếu hành động hay nói với tâm uế nhiễm,
đau khổ sẽ theo sau ta,

như bánh xe theo dấu chân con bò.

Nếu hành động hay nói với tâm trong sáng,
hạnh phúc sẽ theo ta

như bóng theo hình.

(Dh1-2)

Chánh Nghiệp không chỉ giúp tâm ta được thanh tịnh mà nó cũng ảnh hưởng tích cực đến mọi người quanh ta. Có lần tôi được nghe một câu chuyện về một vị tăng đã thể hiện cho người khác thấy sự chánh niệm về chánh nghiệp có thể giúp người khác như thế nào. Ngôi chùa nơi vị tăng ấy sống có một cây mít đang ra trái. Mít rất ích lợi cho cuộc sống ở tu viện. Mỗi trái mít lớn, với những hạt to đầy chất protein và những múi mít dầy có thể dùng để nấu ra nhiều món. Những gia đình nghèo khó không đủ khả năng mua thực phẩm, có thể sống nhờ vào cây mít. Mặc dù mít không phải là loại trái cây có giá, nhưng việc hái trộm mít trong những khu vực nghèo khó đôi khi khiến kẻ trộm phải mất mạng.

Một đêm kia vị sư nhận biếtkẻ trộm đang hái mít trong chùa. Kẻ trộm đang ở tít trên cành cây cao, và thả từng trái xuống bằng một sợi dây thừng để nó không rơi xuống đất gây ra tiếng động, và gây sự chú ý. Kẻ trộm có cách thắt sợi dây quanh trái mít sao cho khi nó vừa chạm đất, thì sợi dây giãn ra. Sau đó, kẻ trộm sẽ kéo sợi dây lên để buộc trái kế tiếp. Vị sư ra đứng im lặng dưới gốc cây mít. Khi mỗi trái mít chạm mặt đất, ông giúp tháo dây ra.

Cuối cùng kẻ hái mít trộm cũng leo xuống đất. Anh ta gần té xỉu khi thấy một vị sư vui vẻ đứng chờ. Vị sư nói với anh một cách dịu dàng, không giống như là một nạn nhân của kẻ trộm, mà giống như một bậc cha mẹ lo lắng, hỏi han ân cần, “Con đã hái đủ mít chưa? Con có cần thêm không?” Không cần phải làm ồn ào la lối, khiến cho kẻ trộm có thể bị những người khác trong chùa gây khó khăn. Thái độ ôn tồn và rộng lượng của vị sư khiến kẻ trộm quá xấu hổ đến nỗi anh ta lủi đi nhanh chóng và không bao giờ còn trở lại để trộm cắp trong chùa nữa.

Bạn sẽ làm gì nếu bạn phạm một trong những giới luật đạo đức của chánh nghiệp? Câu trả lời rất đơn giản: Hãy thực tập chánh niệm. Trước hết, hãy ý thức ta đã làm gì. Sau đó, nếu có thể thì sửa đổi. Cuối cùng, quyết chí giữ giới về chánh nghiệp trong tương lai. Nếu bạn đã phạm giới nào, thì phải lập lại lời thọ nguyện. Sau đó hãy buông xả hành vi sai trái đi. Ăn năn, hối hận hay lo âu về những hậu quả vượt quá tầm kiểm soát của ta, cũng không giúp được gì cho ta. Hãy chấp nhận những sai trái trong quá khứ với thái độ rộng lượngtừ bi như vị sư đã làm đối với cho kẻ trộm mít ấy. Hành động như thế sẽ giúp ta tăng thêm tinh tấn tu tập chánh nghiệp

TÓM LƯỢC VỀ CHÁNH NGHIỆP

• Bất cứ ai quan tâm đến sự phát triển tâm linh cần phải tuân giữ năm giới: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, và không sử dụng ma túy hay rượu.
• Việc ăn thịt theo định nghĩa không phải là sát sanh.
• Sự giết hại hay sát sanh đòi hỏi phải có chủ đích, có ý thức, có kế hoạch, và hành động theo kế hoạch.
• Khi chúng ta không sát hại, là ta thực hành tâm từ bi và ta không đe dọa mạng sống của chúng sanh nào.
Trộm cắp nghĩa là lấy của không cho, kể cả tư tưởng, sáng kiến của người khác. 
• Khi chúng ta không trộm cắp, chúng ta phát triển lòng tôn trọng đối với nhu cầu của người khác và thực hành tâm hoan hỷ.
Giới không tà dâm bao gồm cả việc không hãm hiếp, không bắt buộc người khác phải giao hợp khi họ không đồng ý, không lạm dụng tình dục với trẻ em, thú vật, vợ/chồng người khác hay với người không thể tự bảo vệ; kể cả việc gian dối trong một mối liên hệ
• Khi chúng ta không phạm tà dâm, thì những dục vọng thấp hèn có thể được tiêu diệt. Sự liên hệ tình dục với người phối ngẫu hay bạn tình không bị coi là tà dâm.
Chúng ta cần tránh tất cả mọi sự cố ý lạm dụng các giác quan. Làm được thế sẽ giúp ta buông xả được lòng tham ái, và qua đó, phát triển được tâm rộng lượng đối với người.
• Nghiện rượu hay ma túy, có thể nhanh chóng xảy mà cũng có thể do tập dần trở thành thói quen; nghiện ngập rất tai hại, tốt nhất là đừng thử sử dụng các chất gây nghiện.
• Khi chúng ta tránh sử dụng các chất gây nghiện, ta có thể duy trì được tâm sáng suốttu tập để đoạn diệt các vọng tưởng. Chúng ta có thể phát triển tâm chánh niệmrèn luyện để hành động đúng theo thực tại.
• Thọ thêm các giới luật khác, hoặc là bát quan trai luật hay tám giới luật trọn đời, có thể là một công cụ hữu hiệu giúp ta thiền định và tiến hơn nữa trên con đường đạo.

Chánh niệm có thể giúp chúng ta chế ngự được cám dỗ, tránh tranh cãi, và hành động đầy từ bi với những sự vô đạo đức của người cũng như của bản thân ta.


Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 127)
Hễ nói đến Giáo pháp của đức Phật, chúng takhông thể không nói đến pháp Duyên khởi hay nguyên lý Duyên khởi (Pratìtyasamutpàsa).
(View: 244)
Trong giáo lý của Đức Phật về duyên khởi(Paticca-samuppāda), vòng luân hồi của sinh tử, gọi là samsara, được mô tả như một quá trình
(View: 281)
Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo;
(View: 228)
Ở đời có người quan niệm rằng, mình sống làm người, sau khi chết mình cũng sẽ tái sinh làm người ở một cõi nào đó, thậm chí có người còn nghĩ mình về sống dưới suối vàng.
(View: 328)
Từ vô ngã bùng nổ thành ngã, và rồi từ ngã bùng nổ giác ngộ trở về lại vô ngã. Cái “big bang Phật Giáo” này xảy ra trong từng sátna.
(View: 418)
Trong nhận thức của quốc vương Koravya, cũng như nhận thức của nhiều người, một người từ bỏ cuộc sống...
(View: 344)
Trong bài này sẽ nói về năm pháp: danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như, từ Kinh Nhập Lăng Già (Đại chánh tân tu Đại tạng kinh,
(View: 460)
Hổm nay chúng ta đã tìm hiểu bài Đại kinh Rừng Sừng Bò, sáu vị thánh nhân trình bày hình ảnh lý tưởng của vị tỳ kheo trí tuệ và đức hạnh,
(View: 432)
Các học giả tranh luận liệu những lời dạy của Đức Phật được lưu giữ trong kinh điển Pāli có thể được coi là triết học hay không,
(View: 698)
Ở đời không ai mong cầu giải thoát khi đang ở trong lầu son hạnh phúc. Người ta chỉ muốn được giải thoát khi bị nhốt trong hoàn cảnh bi đát nào đó.
(View: 505)
Chúng sinh tuy bình đẳng nhưng căn tính bất đồng. Bình đẳng trên chân lý không phải là mọi người ngang hàng bằng nhau.
(View: 550)
Đạo Phật là đạo giác ngộ, có nguồn gốc từ Ấn Độ, do Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama) hình thành và sáng lập.
(View: 494)
Hồi đó, khi Đức Phật cùng với Tăng đoàn du hóa tại nước Xá-vệ thì có rất nhiều người trẻ đã phát tâm đi tu. Tôn giả A-nan được giao trách nhiệm...
(View: 645)
Trí Tuệ Bát Nhã, thần thông quảng đại, nhận thức được thực tướng của vạn Pháp. Trí Tuệ (wisdom) bao gồm cả kiến thức bác học, kiến giác, chứng nghiệm, tâm lý, tâm linh...
(View: 577)
Tôi xin dùng lý luận khoa học cùng triết lý nhân văn để giải thích những điều tâm linh của Phật Giáo.
(View: 936)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúcsuy tưởng.
(View: 595)
Hôm nay chúng ta bắt đầu nghiên cứu chương thứ hai, bàn về những sự thực hành kham khổ, tức là các phương pháp đầu đà.
(View: 598)
Như Lai được định nghĩa trực tiếp ba lần trong Kinh Kim Cương bát nhã ba la mật. Ba lần ấy được nói đến theo thứ tự như sau:
(View: 681)
Kinh Lăng-già tên gọi đầy đủ là Thể Nhập Chánh PhápLăng-già, cuối chương १० सगाथकम्। (10-sagāthakam), biên tập bởi Nanjō Bunyū 南條文雄 (laṅkāvatāra sūtra, kyoto, 1923)
(View: 824)
Bước đầu tiên để bước vào con đường Phật giáoquy y Tam Bảo, và viên ngọc đầu tiên trong ba viên ngọc mà chúng ta tiếp cận để quy yĐức Phật, Đấng Giác Ngộ.
(View: 756)
Đạo Phật là đạo của bi trí dũng. Đạo của trí tuệ, của chánh biến tri, và chánh tri kiến chứ không phải không thấy mà tin tưởng mù quáng.
(View: 635)
Phân biệt phước đức và công đứccần thiết cho việc học và hành đạo Phật.
(View: 649)
Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời.
(View: 673)
Cuộc đời và công việc của Bồ tát được nói trong phần cuối đoạn Đồng tử Thiện Tài gặp đức Di Lặc.
(View: 775)
Trong khi các tín ngưỡng về nghiệp và tái sinhphổ biến vào thời của Đức Phật,
(View: 922)
Đây là ba phạm trù nghĩa lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Đạo sư một cách chính xác mà không
(View: 910)
Đi vào Pháp giới Hoa nghiêmđi vào bằng bồ đề tâm thanh tịnh và được cụ thể hóa bằng nguyện và hạnh.
(View: 661)
Nhị đế là từ được qui kết từ các Thánh đế (āryasatayā) qua nhân quả Khổ-Tập gọi là Tục đế
(View: 770)
Quí vị không giữ giới luật có thể không làm hại người khác, nhưng thương tổn tự tánh cuả chính mình.
(View: 855)
Lầu các của Đức Di Lặc tượng trưng cho toàn bộ pháp giới của Phật Tỳ Lô Giá Na; lầu các ấy có tên là Tỳ Lô Giá Na Đại Trang Nghiêm.
(View: 1017)
Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,)
(View: 838)
Tín ngưỡng Dược Sư với đại diệnthế giới Lưu ly nằm ở phương Đông mà nó tương tự với các cõi Tịnh độ khác, đều dùng việc
(View: 931)
Hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi khi nghĩ về giáo lý vô thường liên quan đến cuộc đời tôi.
(View: 1130)
Lôgic học là một ngành học có mục đích xác định các quy tắc vận hành của tư duy để tìm kiếm sự thực.
(View: 1000)
Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội, con người luôn khát khao tìm cầu hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu về vật chấttinh thần.
(View: 1011)
Tuệ là trí tuệ tức cái biết, thức là nhận thức cũng là cái biết. Cả hai đều là cái biết nhưng có đặc điểm khác nhau.
(View: 1141)
Khái niệm Niết-bàn vốn thành hình cách đây hơn 2500 năm. Các học giả và các triết gia khác nhau
(View: 1324)
Ở trên là hai câu đầu trong bài kệ Lục Tổ Huệ Năng khai thị nhân bài kệ của thiền sư Ngọa Luân. Câu chuyện được thuật lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ Duyên thứ 7.
(View: 1474)
Chữ “Tăng đoàn” là một thuật ngữ tiếng Phạn, có nghĩa là “cộng đồng” và được sử dụng chủ yếu để chỉ những tín đồ đã xuất gia của Đức Phật,
(View: 1475)
Tóm tắt: Phật giáotôn giáo được biết đến như một hệ thống triết học mang đậm chất tư duy, trí tuệ cùng giá trị đạo đức cao.
(View: 1345)
Mỗi người hiểu về nghiệp theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào nhận thức và trải nghiệm bản thân, nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của cách hiểu trong dân gian về khái niệm của từ này.
(View: 1224)
Từ ngàn xưa cho đến thời điểm xã hội phát triển mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay, mặc dù nền văn minh có bước tiến bộ vượt bậc
(View: 1209)
iáo lý Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa mở ra kho tàng pháp bảo Phật giáo, vì có thể giải quyết những vấn đề của khổ đau, cả sự sanh ra hay chết đi của con người.
(View: 1197)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 14. Kinh văn số 550 gồm 12 quyển. Chữ Hán từ trang 865 đến trang 894, gồm tất cả 29 trang.
(View: 1345)
Những nhu cầu của con người sinh học thì giản dị, khi đói chỉ mong được ăn, khi khát mong được uống, khi mệt mong được nằm,
(View: 1313)
Khi thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, những khổ thọ chết người đều đã trải qua,
(View: 1531)
Trong quá trình thuyết giáo của đức Phật, những lời dạy của Ngài không được lưu giữ dưới dạng văn bản chữ viết
(View: 1198)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(View: 1105)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp với căn cơ của mình
(View: 1228)
Trọng tâm của triết học Phật giáohọc thuyết nổi tiếng về tính không - rằng tất cả chúng sinhhiện tượng đều trống rỗng về bản chất hay bản chất cố hữu.
(View: 1410)
Vô phân biệt được nói đến nhiều lần trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật.
(View: 1231)
Theo lý Duyên Khởi của đạo Phật, tất cả vạn hữu vũ trụ được hình thành do yếu tố hòa hiệp của nhơn duyên và sẽ đi đến phân ly do duyên tan rã.
(View: 1250)
Cuộc chiến đấu mới–Sau khi Đức Phật nhập diệt, hình bóng của ngài vẫn hiện ra trong hàng thế kỷ trong một hang động–một hình bóng rất lớn
(View: 1377)
Như Nietzsche khuyên răn chúng ta hãy lại bắt đầu học làm mới bằng cách để ý đến những việc ‘tầm thường’ và sự vận hành của ‘thân’ để xác định
(View: 1355)
Tôi nghĩ là làm một việc có lý khi bác bỏ tuyên bố của Nietzsche rằng đạo Phật là một dạng của ‘thuyết hư vô thụ động,’ rằng đạo Phật truyền dạy
(View: 1361)
Đặt vấn đề có phải đạo Phật là một dạng của ‘Chủ thuyết hư vô thụ động’ có nghĩa là đặt vấn đề liệu summum bonum[1] của đạo Phật,
(View: 1407)
Dù có nhiều tác phẩm đa dạng về Phật học thích dụng ở Châu Âu thời kỳ trước Nietzsche,
(View: 1451)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(View: 1430)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant