BÁT CHÁNH ĐẠO
Con Đường Đến Hạnh Phúc
Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Bước 6
CHÁNH TINH TẤN
Chúng ta chọn lựa
giữa cái thiện và cái ác trong từng giây phút sống. Chúng ta không phải là
những nạn nhân khốn khổ, thúc thủ trước số mệnh. Chúng ta không phải là những
con rối được điều khiển bởi những quyền lực nào đó, và những gì xảy ra cho
chúng ta cũng không phải do tiền định. Ngay giây phút này chúng ta chọn lựa
hành động, rồi giây phút kế tiếp ta phải nhận lãnh kết quả của sự lựa chọn đó,
cùng với bất cứ ảnh hưởng nào còn lại của những sự chọn lựa trong quá khứ. Một
sự khéo chọn trong giây phút này sẽ tạo nên một môi trường tâm linh tốt đẹp cho
hỷ lạc trong giây phút kế tiếp. Nếu sự chọn lựa trong giây phút vừa qua khá
trong sạch và thanh tịnh, thì giây phút hiện tại cũng sẽ được như thế. Với hàng
tỷ của những giây phút khá trong sạch, chúng ta sẽ có được những giây phút của
hỷ lạc. Với sự phát triển của những thói quen tâm linh cao thượng, từ
giây phút này qua giây phút khác, những giây phút này sẽ tích lũy để tạo nên
những giây phút hỷ lạc dài lâu hơn. Cuộc sống của chúng ta được tạo dựng từ
những sự chọn lựa nhỏ nhặt này, hằng tỷ sự chọn lựa như thế xảy ra trong giây
phút.
Nhưng những tinh
tế này của tâm không phải là nơi để ta bắt đầu thực tập. Ta phải bắt đầu ở nơi
ta có thể thấy rõ ràng, qua các hành động bên ngoài. Trước hết, hãy giữ năm
giới và dừng lại những hành động nguy hại đến sự tiến bộ tâm linh. Một
khi tâm không còn bị xáo trộn bởi ảnh hưởng của các bất thiện pháp, ta sẽ có
thể dễ dàng thấy được những gì đang xảy ra trong tâm. Lúc đó ta có thể đủ thong
dong để nhìn thấy được dòng tư tưởng của mình. Sau này, khi ta rèn luyện được
khả năng có thể nhìn thấy tâm chuyển động như thế nào, ta có thể thấy những
giây phút tâm phát sinh, dâng trào, và rồi tàn lụi. Tuy nhiên để bắt đầu, chỉ
cần chánh niệm về khuynh hướng chung của các dòng tư tưởng khi chúng phát sinh
là đủ.
Với ý thức đó,
chúng ta có thể sử dụng Chánh Tinh Tấn để tạo ra những lựa chọn mới. Đức Phật
khuyên tất cả chúng ta nên chọn các tâm thiện để thay cho các tâm bất thiện và
vun trồng các tâm thiện trong từng giây phút, cho đến khi các tâm bất thiện
không còn xuất hiện nữa. Theo như Đức Phật dạy, chúng ta thực hiện điều
đó bằng cách luôn tự thúc giục, “tinh tấn, tạo ra năng lực, và khơi dậy tâm.”
(D 22)
Trong bước thứ sáu
của Bát Chánh Đạo, Chánh Tinh Tấn, Đức Phật đã giải thích một cách cụ thể làm
thế nào để điều khiển nỗ lực của chúng ta, phân chia quy trình đó thành ra bốn
phần. Đầu tiên, với sự quyết tâm và năng lực mạnh mẽ, chúng ta làm bất cứ
điều gì có thể để ngăn chặn sự phát khởi của các tâm bất thiện, như là hờn
giận, ghen tỵ, hay tham. Tuy nhiên vì ta chưa giác ngộ, một số các tâm tiêu cực
vẫn sẽ len lỏi vào, không kể ta cố gắng đến mức nào. Sau đó ta sẽ nỗ lực
lần thứ hai, thúc giục bản thân phải chế ngự bất cứ tâm bất thiện nào đã phát
sinh. Ba là, chúng ta thay thế các tâm bất thiện với các tâm thiện, như là
những tư tưởng thương yêu, độ lượng, hay những tình cảm của lòng bi mẫn. Cuối cùng,
chúng ta khơi dậy lòng tinh tấn để vun trồng sâu xa hơn nữa các tâm
thiện. Ta càng tinh tấn, thì kết quả tất nhiên là tâm ta càng trở nên
trong sáng, bớt khổ đau, và ta càng cảm thấy an lạc, tự tại hơn.
Muốn thành tựu
được bất cứ điều gì cũng đòi hỏi sự nỗ lực. Điều này đúng đối với những sinh
hoạt đời thường như là sơn nhà, kinh doanh buôn bán; đời sống tâm linh còn đòi
hỏi ta nhiều nỗ lực tinh tấn hơn nữa. Ở từng bước của Bát Chánh Đạo luôn tiềm
ẩn sự có mặt của Chánh Tinh Tấn. Khi chúng ta thực hành lời dạy của Đức Phật về
bốn loại tinh tấn, khiến tâm thiện toàn, trong sáng và có khả năng hiểu biết,
là ta đã đạt được Chánh Kiến về con đường đạo. Rồi khi ta áp dụng bốn
tinh tấn này vào ý nghĩ, lời nói, và hành động, ta sẽ đạt được kết quả trong
Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, và Chánh Nghiệp. Và khi ta đem bốn tinh tấn này ứng
dụng vào các quy luật đạo đức trong công việc, là ta đạt được Chánh Mạng. Cuối cùng khi ta tinh tấn trong việc thực hành thiền, là ta có được Chánh Niệm
và Chánh Định. Chúng ta có thể kết luận một cách chính xác rằng Chánh Tinh Tấn
là năng lượng cần có để thúc đẩy sự thành công của chúng ta trên từng bước của
Bát Chánh Đạo. Thật ra, có được một sự nỗ lực mạnh mẽ để tự kìm chế bản thân là
đã thắng được nửa chiến trận. Không có sự nỗ lực mạnh mẽ này để đạt được
trạng thái tâm thiện toàn, chúng ta sẽ khó thể tiến xa trên con đường đi đến
hạnh phúc tối thượng.
Chúng ta rất muốn
tin rằng chỉ cần chú tâm là có thể đi trọn con đường đạo. Chắc chắn là sự
chú tâm nghe có vẻ dễ thực hiện hơn là phải nỗ lực tinh tấn. Tiếc thay chỉ có
sự chú tâm bình thường, đơn giản thì không đủ. Chúng ta cần phải rèn luyện sự
chú tâm đầy chánh niệm -cả trong khi ta tọa thiền hay tham gia vào các sự thực
hành tâm linh khác và khi ta sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Đức Phật đã
biết rằng chúng ta cần có sự nỗ lực đầy chánh niệm để diệt bỏ các tâm tiêu cực
và vun trồng tâm tích cực trong mọi khía cạnh của đời sống, nếu không tâm
ta sẽ chẳng bao giờ được an tịnh để ta có thể tiến xa hơn trên con đường đạo.
Đến lúc này, bạn
có thể nghĩ, “Tôi biết là không dễ mà. Sao nghe khó khăn quá!” Dĩ nhiên,
bạn nói đúng. Chắc chắn là việc để các tâm tiêu cực nằm yên trong tâm thức ta còn
dễ hơn là buông bỏ chúng. Tham, sân, si, dễ duôi, cao ngạo, hãnh tiến, cay độc,
cố chấp, sợ hãi, có thể đã trở thành những thói quen hằng ngày của chúng ta.
Chúng ta không muốn nỗ lực buông bỏ chúng. Tuy nhiên, ta vẫn muốn được an
nhiên, tự tại và đạt được mục đích tâm linh của mình.
Chánh Tinh Tấn là
lòng kiên trì để khiến cho cuộc hành trình trên con đường đạo có thể khả thi.
Đó là sự can đảm để nói: “Phải dứt bỏ những thói xấu của ý nghĩ và hành động,
ngay bây giờ!”. Đó là trí tuệ để thấy rằng phải vun trồng ý nghĩ, lời nói
và hành động tích cực, thiện toàn, thì ta mới có thể hy vọng đạt được hỷ lạc, hạnh
phúc.
MƯỜI KIẾT SỬ
Để buông bỏ
được những thói quen của tâm uế nhiễm, chúng ta cần phải nhận diện được chúng.
Nói chung, những gì chúng ta muốn trừ diệt là bất cứ tâm sở nào ngăn cản tâm
được tự tại, an nhiên. Nếu muốn nhổ cỏ dại trong một khu vườn, ta phải
biết phân biệt giữa cỏ dại và bông hoa. Với tâm cũng thế. Lúc đầu, chúng ta sẽ
cảm thấy khu vườn tâm đầy cỏ dại. Chúng ta nhận diện và nhổ bỏ các tâm sở bất
thiện như là sân hận, và thay thế chúng với các tâm sở thiện toàn, hữu ích, như
là tình thương yêu.
Nếu dành chút thời
gian để suy nghĩ về vấn đề này, ta có thể liệt kê một danh sách của các loại cỏ
dại tâm linh. Ta cũng biết khi đang trong trạng thái giận dữ, sân hận, ganh tỵ,
hay ham muốn, ta không thể cùng lúc cảm thấy hạnh phúc. Bên dưới các tâm sở
tiêu cực này, dầu chúng biểu hiện ở bên ngoài như thế nào, tất cả đều đến từ
các cội rễ căn bản: tham, sân (mặt khác của tham), và si (hay vô minh).
Tham, cùng với vô
minh, là gốc của mọi loại cỏ dại tâm linh. Tham thể hiện trong mười uế nhiễm
tâm linh sâu xa mãnh liệt được gọi là “kiết sử.” Chúng khiến ta có tri
kiến lệch lạc, ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của ta, cũng giống như dòng kênh ảnh
hưởng đến lưu lượng nước chảy. Các kiết sử thường mang đến cho ta khổ
đau. Không phải một thời thơ ấu khó nhọc hay quá khứ đau buồn nào tạo ra
các kiết sử, mà chúng đã theo ta từ rất nhiều kiếp quá khứ. Chúng là nhân của
mỗi kiếp sống và những khổ đau trong kiếp sống đó. Sự có mặt của các kiết sử
bảo đảm ta còn phải luân hồi nhiều kiếp nữa, và ngăn cản ta được giác ngộ. Kiếp
sống này cũng do các kiết sử tạo nên.
Chúng tôi thường
liệt kê mười kiết sử để phản ảnh những giai đoạn ở đó chúng phải được chế ngự
trên con đường đến giác ngộ.
Các kiết sử cần
được chế ngự để đạt được giai đoạn đầu của giác ngộ:
• tin vào sự hiện
hữu của một cái ngã hay linh hồn thường hằng (thân kiến)
• nghi ngờ giáo lý
của Đức Phật (nghi)
• tin tưởng rằng
ta có thể chấm dứt khổ đau bằng cách chỉ tuân theo các luật lệ và nghi lễ (giới
cấm thủ)
Các kiết sử cần
được chế ngự để đạt đến giai đoạn thứ hai và thứ ba của giác ngộ:
• lòng ham muốn
dục lạc (tham dục)
• sân
Các kiết sử cần
được chế ngự để đạt đến giai đoạn thứ tư của giác ngộ:
• dục tham vi tế
muốn được hiện hữu trong sắc giới (sắc ái)
• dục tham vi tế
muốn hiện hữu trong vô sắc giới (vô sắc ái)
• tự phụ, hay nhận
thức tiềm ẩn về ngã (mạn)
• trạo hối
• vô minh
Tâm người chưa
giác ngộ luôn tràn đầy các kiết sử này, ít nhất là trong trạng thái ngủ ngầm.
Thỉnh thỏang một trong các kiết sử này sẽ phát khởi trong tâm, khiến cho ta có cái
nhìn rất sai lạc về thực tại, và phải khổ đau. Mỗi sát na tâm đều hàm chứa ít
nhất kiết sử của dục tham và vô minh vi tế, nhưng các kiết sử khác đôi khi cũng
xuất hiện chung với chúng.
Khi công phu tu
hành của ta dần tiến bộ, ta có thể làm suy yếu các kiết sử này, để rồi cuối
cùng chế ngự và hủy diệt được chúng ở từng giai đoạn thiền định. Sau mỗi giai đoạn
chúng ta đạt đến một tầng cao hơn của giác ngộ. Khi chế ngự được ba kiết sử đầu
tiên, hành giả đạt được sơ thiền. Làm suy yếu được hai kiết sử kế tiếp,
hành giả đạt đến nhị thiền. Tuy nhiên dư phần của dục tham và sân vi tế
hơn tất cả những gì đã được diệt bỏ. Khi hành giả cuối cùng vượt qua được các
dư phần này, thì đạt đến tam thiền. Năm kiết sử cuối cùng rất vi tế. Khi
diệt trừ được chúng, hành giả đạt đến tầng thiền thứ tư và là tầng cuối cùng
của giác ngộ (final stage of enlightenment).
Thân Kiến
Kiết sử đầu
tiên, thân kiến là tin vào một cái ngã hay linh hồn thường hằng, khiến ta tin
rằng các uẩn phần nào có liên hệ đến một cái ngã hay linh hồn. Kiết sử này có
thể biểu hiện qua lòng tin rằng thân, thọ, tưởng, hành, và thức là một và cũng
là linh hồn, và rằng chúng giống nhau. Cũng có khi kiết sử này tạo ra niềm tin
rằng các uẫn có linh hồn (hay linh hồn sở hữu các uẫn này.) Chúng ta có thể cũng
tin rằng linh hồn tạo ra sự kết hợp của các uẫn (hay các uẫn đã tạo ra linh
hồn). Cuối cùng, kiết sử này cũng có thể biểu hiện qua lòng tin rằng linh
hồn hay ngã là một, và thân, thọ, tưởng, hành, và thức là một cái gì hoàn toàn
tách biệt, không liên quan gì đến linh hồn.
Nhưng kiết sử này
thể hiện thông thường nhất là qua niềm tin rằng chúng ta có một linh hồn trong
kiếp sống trước, và linh hồn đó đã đến kiếp sống này, đang sở hữu các uẫn, và
nó sẽ rời bỏ thân này để đi đến một sự hiện hữu khác sau khi ta chết. Nói tóm
lại, niềm tin này dựa vào ý nghĩ rằng có một linh hồn thường hằng, bất biến, và
bất diệt.
Nghi
Kiết sử thứ
hai, nghi, đặc biệt muốn nói đến lòng nghi hoặc rằng sự thực hành giới, định,
và tuệ theo giáo lý của Đức Phật sẽ mang đến hạnh phúc lâu dài. Kiết sử nghi
sẽ phát khởi khi ta lạc bước khỏi những gì ta thực sự biết trong giờ phút hiện
tại và dại dột nghĩ tưởng đến những vấn đề có khuynh hướng khơi động tâm nghi hoặc.
Ai cũng biết đến khả năng khơi động và củng cố thêm kiết sử nghi của một số
“vấn đề không thể nghĩ bàn”. Đó là những câu hỏi suy đoán về vũ trụ xuất hiện
như thế nào, tại sao và những vấn đề đại loại như thế.
Một số các đề tài
đem lại lòng hoài nghi là những câu hỏi về quá khứ và tương lai: “Ta có mặt
trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Những kiếp quá khứ của
ta như thế nào? Có đời sống sau khi chết hay không? Ta có bị đoạn diệt không?
Có thiên đàng hay địa ngục không? Ta có tái sinh không? Đời sống mới sẽ như thế
nào?”
Hiện tại cũng có
thể đem đến cho chúng ta nhiều nghi hoặc: “Ta có hiện hữu? Hay ta không hiện hữu?
Ta có bình thường không? Ta là ai? Ta từ đâu đến?”
Một số những suy
tư tương tự cũng thường phát khởi trong tâm, khiến ta sinh lòng nghi hoặc: “Do
tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã” hay “Do tự mình, ta tưởng tri ta không có
tự ngã? Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp
thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường
hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại.” (M 2)
Tất cả các câu hỏi
và suy tư này thường đưa chúng ta đi sâu vào những ngõ tối, sâu dầy lòng
nghi hoặc, hoang mang. Chìm đắm trong đó sẽ ngăn trở chúng ta chú tâm
chánh niệm đến những gì thực sự quan trọng. Những loại câu hỏi này không bao
giờ có thể được trả lời một cách thỏa đáng mà chỉ làm chúng ta phân tâm. Nhưng
cho đến khi chúng ta đạt được sơ thiền, chúng vẫn còn lảng vảng trong tâm. Đức
Phật khuyên chúng ta chỉ nên quán sát những câu hỏi này khi chúng phát sinh và
hoại diệt. Đừng lo lắng hay chạy đuổi theo chúng. Ngay trong hiện tại, cứ tiếp
tục với những cố gắng tìm hiểu, dựa trên những gì ta có thể biết được qua kinh
nghiệm bản thân, chứ không chỉ bằng lý luận.
Hãy có lòng tin
vào con đường đưa đến hạnh phúc của Phật giáo, vì đã có bao người tin theo và
đạt được giác ngộ. Tín tâm, theo thuật ngữ Phật giáo, có nghĩa là lòng
tin –dựa trên những gì ta đã chứng kiến và những gì ta nghĩ là đúng dựa trên
kinh nghiệm đó. Thí dụ, ta có thể tự quan sát rằng bất cứ khi nào tâm ta đầy
các tâm sở bất thiện, thì ta cảm thấy đau khổ. Ngược lại, khi nào tâm ta tràn đầy
các tâm sở thiện, thì ta cảm thấy hạnh phúc. Khi tất cả các tâm sở này thay
đổi, ta nhận ra được trạng thái vô thường của chúng. Đây là sự thật. Ta
có thể tin tưởng như thế. Lòng tin này giúp ta tiến bước cho đến khi ta
đạt được nhận thức sâu xa về chân lý khiến tâm ta không còn chỗ cho kiết sử
nghi.
Giới Cấm Thủ
Kiết sử thứ ba là một động thái đầy bản năng của tâm để tìm các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, hơn là từ sự thanh lọc nội tâm. Điều đó thể hiện qua sự tin chấp vào hiệu lực của những luật lệ, nghi lễ sẽ đem đến giác ngộ. Từ đó, ta nghĩ rằng hạnh phúc tuyệt đối có thể đạt được bằng cách thực hành các nghi lễ, tham gia vào các sự tế tụng, thiết lập các đàn tràng, cúng dường cho Phật hay cho các vị thần thánh, tụng kinh, cầu nguyện, và niệm chú, hơn là hành thiền và áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống hằng ngày. Sự tin chấp này làm tổn phí thời gian và cản trở khả năng nhận biết chân lý của ta. Do đó ta tự làm trì trệ sự tiến bộ của mình trên con đường tâm linh.
Dục Tham
Dục tham kiết sử là lòng ham muốn các dục lạc. Nó bao gồm lòng ham muốn đối với bất cứ cảnh tượng, âm thanh, mùi vị, và sự xúc chạm dễ chịu nào, kể cả thân xác này. Nó cũng bao gồm tất cả những tư tưởng, ý nghĩ, quan niệm, và ý kiến mà mình ưa thích.
Sân
Kiết sử sân là sự ghét, ác cảm đối với bất cứ những gì khó chịu, bất cứ những gì mà ta không thích.
Ước Muốn Được Hiện Hữu
Ước muốn vi tế
để được hiện hữu trong sắc giới hay vô sắc, lòng tự cao, và những kiết sử của
trạo hối và vô minh là những hình thức vi tế nhất của lòng tham dục. Năm kiết sử
này hợp thành những chướng ngại cuối cùng của sự giác ngộ viên mãn. Lòng
ham muốn vi tế để được hiện hữu trong sắc giới hay vô sắc ám chỉ đến ý muốn
được sống, được hiện hữu dưới hình thức nào đó, bất cứ hình thức nào.
Ước muốn được hiện
hữu “trong” thân xác vật lý này biến mất khi ta đoạn trừ được lòng tham dục ở
mức độ thô lậu hơn. Tuy nhiên, ước muốn được hiện hữu trong một
hình thức tốt đẹp hơn, “siêu trần” hơn vẫn còn đó, như là ước muốn được hiện
hữu trong những thân xác như thần tiên. Người ta coi đó là hình tướng của
các vị trời trên cao. Ngay cả khi không được có thân, ta vẫn ước muốn
được hiện hữu. Người ta tin đó là sự hiện hữu vị lai của các bậc đã đạt
các quả vị thiền định cao nhất; họ đã trở thành các vị trời cao cả nhất.
Mạn
Mạn kiết sử ám chỉ đến đặc tính coi mình hiện hữu như là một ai đó. Kiết sử này là sự cảm nhận từng giây phút về “cái tôi” để từ đó sinh ra quá nhiều hiểu lầm, hoang mang. Tâm luôn nghĩ “Ta…, Ta…, Ta…,” mà không hiểu rằng sự cảm nhận về “cái tôi” cũng chỉ là một trạng thái tâm vô thường và vô ngã trong quá trình tư duy. Thí dụ, tâm có thể nói, “Tôi nghe âm thanh,” nhưng với trí tuệ là chân lý, là sự hiểu biết rằng chỉ có âm thanh.
Trạo Hối
Kiết sử trạo hối (trạo cử và lo lắng) rất vi tế, không giống như chướng ngại có cùng tên. Lo lắng là tâm trạng bức rứt do tác động của các lậu hoặc vi tế nhất còn sót lại trong tâm. Lo lắng đưa đến trạo cử, khiến tâm không thể an trụ vào điều gì. Kiết sử trạo hối khiến tâm lay động giống như một tấm biển treo trước gió, vì thế nó không thể dừng lại để nhận biết sự thật về tính vô thường của bản thân. Tâm dường như luôn lo lắng vì sợ không được hiện hữu. Kiết sử này sẽ không bao giờ hoàn toàn mất đi cho đến khi hành giả đạt được Giác Ngộ viên mãn.
Vô Minh
Kiết sử vô minh ám chỉ sự mù quáng triền miên đối với bản chất của khổ, nguồn gốc của khổ, khả năng có thể đoạn diệt của khổ và phương cách để đoạn diệt khổ. Nói cách khác là vô minh về Tứ Diệu Đế.
Mười kiết sử
này mạnh mẽ không thể tưởng được. Khi ta cảm nhận được sự có mặt của chúng, thì
chúng đã sùng sục nóng như một nồi nước sôi, lúc đó ta cần nhiều nỗ lực để làm
chúng nguội đi. Tại sao chúng được gọi là kiết sử? Vì giống như
những sợi dây xích sắt cứng rắn chúng trói buộc ta vào khổ đau trong kiếp sống
này và vào những sự tái sinh luân hồi không dừng dứt trong tương lai.
Chức năng của các
sợi dây xích này rất vi tế, lắc léo, nhưng với tâm chánh niệm, chúng ta có thể
biết nó vận hành như thế nào. Hãy thử quán sát kiết sử thứ tư: dục tham. Ta biết
mình có các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Chúng ta cũng biết các
căn này tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì sự tiếp xúc không dừng giữa các căn
và các trần, dục lạc có thể phát sinh, rồi lòng ham muốn hưởng thụ các
dục lạc này phát khởi trong ta. Với tâm chánh niệm, ta có thể cảm nhận
được sự phát khởi của ái dục. Nếu, vì lý do gì đó, ái dục không phát sinh,
thì ta cũng nhận biết được sự thiếu vắng lòng ái dục.
Ái dục khiến ta muốn
thứ này hay thứ kia, thích lúc này hay lúc khác, yêu người này hay người kia –
hay môi trường, cảnh vật, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, ý nghĩ. Vì
tất cả những sự thích hay không thích này, tâm ta luôn hoặc là bám víu hoặc là
ghét bỏ. Đáng nói hơn cả là chúng khiến ta luyến ái cuộc sống này, bám
víu vào đó hay chán ghét nó. Do đó, lòng ham muốn đối với các dục lạc làm tăng
thêm sức mạnh cho sợi dây xích trói buộc ta vào vòng luân hồi không dừng dứt.
Bất cứ kiết sử nào
cũng có thể phát khởi ngay khi có sự tiếp xúc. Hãy xét về kiết sử thân
kiến. Khi có sự tiếp xúc, một cảm thọ phát sinh mà có thể là dễ chịu, khó
chịu, hay trung tính. Ngay lúc đó, ý thức về một cái ngã thường hằng phát sinh:
Đó là ‘cái tôi’ khiến cho ‘tự ngã’ cảm nhận. Và ‘cái tôi’ này ở trong ‘tự ngã’ một
cách thường hằng, bất biến và bền chắc. Thân kiến kiết sử trói buộc
ta vào việc tìm kiếm các đối tượng dễ chịu và chống đối các đối tượng khó chịu.
“Cái tôi” không hạnh phúc. Nó không thể chỉ tiếp xúc với các đối tượng dễ
chịu, theo như ý nó muốn. Cảnh trần bao bọc quanh ta, và không phải tất
cả chúng đều dễ chịu.
Tuy nhiên, nếu
chúng ta có thể thực sự thấy rằng một cảm thọ phát sinh là vô thường -nếu ta có
thể ý thức về sự phát khởi và hoại diệt của nó– ta sẽ không bám víu vào đó. Ta
sẽ bước tới. Nếu ta có thể nhận thức được rằng bản chất của sự vật là vô
thường, để buông xả khi chúng hoại diệt, thì tâm ta sẽ thoát được khỏi sự căng
thẳng của việc phải luôn tìm kiếm các đối tượng đem lại sự dễ chịu. Nếu ta có
thể duy trì chánh niệm vế tất cả các pháp sinh khởi, biết rằng chúng sẽ qua đi,
thì thân kiến kiết sử sẽ không có mặt.
Hãy xét về một
kiết sử khác: giới cấm thủ. Có lẽ bạn có một nghi lễ là mỗi sáng phải đốt đèn
cầy và cầu nguyện để được thoát khổ. Mỗi sáng thức dậy, bạn nghĩ, “A, tôi phải
thực hiện nghi lễ của mình.” Nhưng bạn không cố gắng để giảm thiểu tâm uế nhiễm
bằng cách vun trồng trí tuệ, thiền định, hay các thiện pháp như là tình thương yêu.
Thay vào đó, bạn bám víu vào niềm tin rằng thực hiện nghi lễ này mỗi buổi sáng
chắc chắn sẽ mang đến hạnh phúc. Làm thế thì bao năm sau, dầu bạn chẳng bao giờ
bỏ qua một ngày thiếu ‘nghi lễ’, thì bạn cũng không đến gần hơn với Giác Ngộ.
Khi quán sát tâm
với chánh niệm, ta có thể thấy các kiết sử phát sinh khi các giác quan tiếp xúc
với thế giới bên ngoài. Cho đến khi ta đạt được giác ngộ, mỗi lần một
trong sáu giác quan này tiếp xúc với đối tượng của chúng, các kiết sử sẽ phát
khởi. Chánh niệm có thể giúp ta phân biệt giữa các giác quan, đối tượng của
giác quan, và các kiết sử khi chúng phát khởi. Khi các kiết sử xuất hiện, ta
cần sử dụng sự tinh tấn đầy chánh niệm để chế ngự chúng. Khi chúng hoại diệt,
ta cũng cần chánh niệm về trạng thái này, và khi chúng không có mặt, ta cũng
phải nhận thức về trạng thái đó nữa.
NĂM TRIỀN CÁI
Từ mười kiết sử
đó sinh ra một số các trạng thái tâm vô cùng bất thiện, cản trở ta tiến bộ
trong việc hành thiền hay làm được điều gì tốt đẹp trong cuộc đời. Chúng ta gọi
các trạng thái tâm đó là các chướng ngại (triền cái). Nếu kiết sử giống như là
ngọn gió, thì chướng ngại là trận cuồng phong. Chướng ngại thật sự gây khó khăn
cho các hành giả mới bắt đầu tu thiền.
Năm chướng ngại đó
là tham, sân, hôn trầm thùy miên, trạo hối và nghi. Chúng phát sinh từ
các kiết sử trên tùy theo điều kiện, bùng phát lên giống như những ngọn lửa từ các
đống than rực nóng. Nhưng, cũng giống như các ngọn lửa, chướng ngại có thể được
dập tắt với Chánh Tinh Tấn, nếu áp dụng đúng cách.
Các chướng ngại có
thể được ngăn chặn bằng thiền định hay bằng sự kiên trì chánh niệm. Chánh niệm
hay định tĩnh sẽ làm hạ nhiệt các chướng ngại và chế ngự chúng khi chúng phát
khởi. Khi tâm không chất chứa bất kỳ chướng ngại nào, tâm tự động sẽ trở nên
sáng suốt, thanh tịnh. Nhờ đó, tâm dễ nẩy sinh các trạng thái tâm thiện,
đưa đến thiền định, đến khả năng nhận biết rõ ràng bản chất vô thường của vạn
pháp. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể loại trừ các chướng ngại này, ít
nhất là một cách tạm thời. Bao giờ mà mười kiết sử cốt yếu vẫn còn hiện hữu thì
các chướng ngại vẫn còn có thể quay trở lại để quấy nhiễu tâm, không lúc này
thì lúc khác. Nhưng với sự thực hành bốn loại Chánh Tinh Tấn (tứ chánh cần),
ta có thể giảm bớt và làm ngắn đi những sự xuất hiện của chúng. Khi ta trở nên
nhuần nhuyễn hơn trong việc áp dụng Chánh Tinh Tấn, các chướng ngại không thể
gây nhiều khó khăn cho việc hành thiền hay trong cuộc sống hằng ngày của ta.
Tham
Chướng ngại
tham hay ái dục là ước muốn được chiếm hữu. Khi hành thiền, chướng ngại này
xuất hiện như những ham muốn về đồ ăn hay vật chất mà ta muốn sở hữu, hay dục
vọng. Những tư tưởng đó làm mất rất nhiều thời gian hành thiền của ta, và nếu
ta để bị lôi cuốn theo chúng, thì điều đó có thể trở thành một thói quen khó
bỏ.
Cái bẫy của lòng
tham này thì không khác lắm với phương cách bẫy khỉ ở một số nước. Người đặt
bẫy sẽ vạt một khoảng nhỏ ngang đầu trái dừa và đổ nước dừa ra. Sau đó anh ta
cắt một ít thịt dừa và đặt chúng dưới đáy trái dừa, rồi cột chặt trái dừa vào
cây. Con mồi, ở đây là các chú khỉ, sẽ thò tay vào trong cái lỗ nhỏ trên
đầu trái dừa để lấy mấy miếng dừa. Nhưng bàn tay nắm đầy dừa sẽ không thể đi
lọt qua được cái lỗ nhỏ này. Khi người đặt bẫy trở lại, anh ta sẽ dễ dàng bắt được
chú khỉ tham ăn, quá bám víu vào mấy miếng dừa trong tay đến nỗi không thể buông
chúng ra để thoát thân. Chúng ta cảm thấy thương hại cho chú khỉ. Nhưng tất cả chúng ta đều đã từng bị mắc bẫy của lòng tham như thế.
Sân
Sân chướng ngại, bao gồm cả sự hằn thù, giận dữ, và hờn trách, đều bắt nguồn từ lòng muốn trốn tránh những gì mà ta không ưa thích. Sân được so sánh với nước sôi. Khi nước đang sôi, chúng ta không thể nhìn thấy đáy nồi, và nếu chạm tay vào thì không khỏi bị phỏng. Nói cách khác, sân sẽ đốt cháy bản thân chúng ta chứ không phải người khiến ta sân, và ta cũng sẽ khó tìm được nguyên nhân đích thực (‘thấy được đáy nồi’) của cảm giác nóng nảy khi sân hận đang sôi sục bên trong ta. Do sân, nhận định của ta cũng méo mó và tâm an lạc bị hủy diệt. Nó giống như một loại bệnh khiến cho các món ăn ngon cũng trở thành vô vị để ta không thể hưởng thụ được. Tương tự, khi tâm tràn đầy lòng thù hằn, ta không thể cảm nhận được các đức tính cao đẹp của những người ở quanh ta.
Hôn Trầm Thụy Miên
Trong lúc tọa thiền, hành giả thường phải tranh đấu với tâm tham, sân. Khi các chướng ngại này đã được chế ngự, hành giả vừa được có đôi giây phút bình an, thì sau đó lại cảm thấy uể oải, buồn ngủ (thụy miên, hôn trầm). Chướng ngại này phát sinh từ kiết sử vô minh. Thụy miên là trạng thái tâm ù lì, đờ đẫn, trong khi hôn trầm là một trạng thái thân vật lý uể oải, buồn ngủ. Khi cảm thấy uể oải, buồn ngủ, ta không thể chú tâm hay làm được công việc gì. Cũng không thể thực hành chánh niệm hay tham thiền. Chướng ngại hôn trầm thụy miên được so sánh với tình trạng bị tù tội. Khi bị giam giữ, ta không thể biết việc gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. Cũng thế, khi ta để thân tâm uể oải, muốn ngủ, ta không biết điều gì đang xảy ra chung quanh hay bên trong ta.
Trạo Hối
Lo lắng khiến
ta không thể yên ổn (trạo cử), vì thế hai trạng thái tâm này đi chung với nhau.
Cả hai (lo lắng và trạo cử) đều khiến tâm không có sự suy nghĩ sáng suốt hay sự
hiểu biết, trí tuệ sáng suốt. Chướng ngại này được so sánh với sự bị nô
lệ. Kẻ nô lệ làm việc vất vả để phục vụ người chủ độc ác của mình, luôn phải lo
lắng, căng thẳng vì sợ bị hành phạt. Càng căng thẳng, bức rứt, thì họ
càng khổ sở. Họ chẳng bao giờ được hưởng tâm an lạc.
Nghi Hoặc
Chướng ngại
nghi hoặc khiến hành giả bấn loạn, không biết phương hướng hay ngã rẽ nào để
theo. Tâm nghi phát sinh do suy nghĩ về những điều khác hơn là những gì
mà ta có thể quan sát xảy ra ngay trong giây phút hiện tại. Nghi được so sánh
với người đi trong sa mạc mà không có bản đồ hay phương hướng gì. Khi đi qua sa
mạc, ta dễ bị lúng túng vì rất khó phân biệt các cảnh quang. Bất cứ phương
hướng nào cũng có thể là sai hay đúng. Cũng thế, khi khởi tâm nghi ngờ về chân
lý trong những điều Phật dạy, hành giả sẽ trở nên hoang mang, khó thể quyết
định phải làm gì.
Người đó sẽ suy
nghĩ, “Người ta có thực sự được giác ngộ? Không biết phương cách tu này có thực
sự hữu ích? Ta tu hành có đúng không? Người khác hình như tu tốt hơn. Có thể ta
phải làm cái gì đó khác đi, hay thử tìm một vị thầy khác, hay khám phá điều gì
đó hoàn toàn khác hẳn.” Những mối nghi này làm tàn lụi nhiệt tâm, khiến ta
hoang mang, không thể phán xét điều gì rõ ràng.
TỨ CHÁNH CẦN
Giờ chúng ta có thể xét xem phải đối phó với những thứ cỏ dại triền cái và kiết sử trong tâm như thế nào, để vun trồng các trạng thái tâm tích cực hơn. Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta một phương cách để rèn luyện tâm được như thế. Ta cần áp dụng Chánh Tinh Tấn để:
• ngăn chặn các
trạng thái tâm tiêu cực
• chế ngự các
trạng thái tâm tiêu cực
• vun trồng các
trạng thái tâm tích cực
• duy trì các
trạng thái tâm tích cực
Ngăn Chặn Các Trạng Thái Tâm Tiêu Cực
Cách đề phòng
đầu tiên là ngăn chặn các trạng thái tâm tiêu cực hay các bất thiện pháp không
để chúng phát sinh. Bằng cách nào? Bằng cách duy trì tâm chánh niệm không ngừng
nghỉ. Chỉ có vậy.
Chánh niệm đòi hỏi
sự thực hành, và sự thực hành đòi hỏi nỗ lực. Có năm điểm trong việc rèn luyện
tâm chánh niệm: giới, chánh niệm, trí tuệ, lòng kiên nhẫn, và tinh tấn. Tinh
tấn được áp dụng với từng điểm nêu trên. Ta bắt đầu với giới luật (đạo đức
tốt), và việc này đòi hỏi phải có sự nỗ lực, như ta đã biết trong các chương trước
về các bước trong Bát Chánh Đạo. Với giới luật làm nền tảng vững chắc, ta phải
nỗ lực để thực hành bất cứ chánh niệm nào mà ta có thể nhớ. Một khía cạnh của
chánh niệm là “nhớ,” và điều này cần phải được duy trì luôn luôn. Lần này đến
lần khác, ta cần luôn nhớ hướng tâm đến giờ phút hiện tại. Dần dần ta sẽ tích
lũy được nhiều giây phút chánh niệm. Không có giây phút chánh niệm
nào là giây phút bị lãng phí.
Sau đó ta sử dụng
tri kiến của mình, đem sự hiểu biết ngày càng sâu sắc vào các nỗ lực của mình.
Ta dừng lại và suy nghĩ, “Vấn đề này lần trước đã xảy ra như thế nào?” Cảm nhận được hậu quả của những sai lầm trong quá khứ khiến ta có nhiều động
lực hơn để tránh chúng xảy ra trong tương lai. Quán tưởng đến những trải nghiệm
của mình để không lặp lại các sai lầm đó. Bằng cách đó, ta nhanh chóng sửa đổi
được cách cư xử của mình. Khi đã có thể nhìn thực tại sâu sắc hơn, ta sẽ luôn tự
nhắc nhở mình về những gì là mục đích trước mắt và không để một giây phút nào
qua đi một cách không chánh niệm, sáng suốt. Nếu thất bại, ta sử dụng lòng kiên
nhẫn: chấp nhận hậu quả và rồi kiên trì nỗ lực lập lại tâm chánh niệm.
Phát triển tâm
chánh niệm vững chãi có thể là một quá trình lâu dài, vì thế Đức Phật đã chỉ
bày cho chúng ta các phương cách để bảo vệ tâm. Đức Phật khuyên chúng ta thực
hành “như lý tác ý” (‘wise attention’) và để tránh “phi lý tác ý” (‘unwise
attention’) (M 2). Ngài dạy rằng ta cần phải trụ vào những gì ta biết là
đúng, qua năm uẩn, ngay hiện tại. Đó là lãnh địa của riêng ta, ngôi nhà thực
sự của ta. Tư duy có thể dẫn dắt ta xa rời nơi an toàn đó. Thí dụ, trong lúc
đang tọa thiền, nếu nghe một tiếng động, chỉ cần biết đó là “tiếng động,” thay vì
thắc mắc ai gây ra tiếng động và tiếng động đó có ý nghĩa gì. Khi đang làm
việc, cảm thấy lạnh, chỉ cần quán sát cảm giác này, không suy nghĩ, có ý kiến
về hệ thống máy điều hòa trong tòa nhà. Hãy xem dòng suy tưởng của ta giống như
những chuyến xe buýt đi qua trạm đỗ, không dừng lại, đừng leo lên xe đi theo
chúng.
Đức Phật khuyên
các đệ tử của Ngài chịu đựng những điều bất như ý nhỏ mọn trong cuộc sống mà
không lập tức cố gắng sửa đổi chúng. Nếu ta luôn muốn thay đổi mọi thứ
theo ý mình, thì tâm luôn bực bội, khiến cho các bất thiện pháp có thể dễ dàng
phát sinh. Thí dụ bạn nhận thấy thiền đường quá nóng, nhưng thay vì đứng
dậy để điều chỉnh nhiệt kế hay mở cửa sổ, chỉ ý thức cảm giác nóng. Quán
sát sự thay đổi vật lý bên ngoài và các phản ứng thay đổi của tâm. Rèn
luyện chịu đựng những việc nhỏ mọn. Tuy nhiên, có một số người tuân theo
lời khuyên này một cách cứng nhắc. Dĩ nhiên, trong trường hợp khẩn cấp,
ta phải lập tức lo giải quyết chúng một cách có chánh niệm!
Đức Phật cũng
khuyên chúng ta tránh xa những kẻ ngu khờ, không có chánh niệm, dại dột, vì tất
cả chúng ta thường có thói bắt chước theo người khác. Hãy giao tiếp với những người
có các đức tính mà bạn muốn học tập. Hãy tìm một thiện hữu tri thức, có tánh
thẳng thắn, kỷ luật biết kiềm chế, có chánh niệm, và cư xử điều độ. Hãy gần gũi
và nghe theo lời khuyên của người này khi cần thiết.
Đức Phật cũng nhắc
nhở thêm cho các đệ tử của Ngài là đừng để ý đến “dấu hiệu và đặc điểm” của bất
cứ các tác động ngoại tại nào mà có thể khiến các bất thiện pháp phát
sinh. “Dấu hiệu” ám chỉ đến cạm bẫy, những thứ bắt mắt chúng ta khiến
chúng ta muốn quán sát chúng kỹ càng hơn để khơi dậy bất thiện pháp. “Đặc điểm”
ám chỉ những tính chất cá biệt của đối tượng chú ý của ta mà chúng có thể khuấy
động tâm bất thiện. Thí dụ, một người đàn ông đã có gia đình có thể được khuyên
đừng để ý hay vấn vương hành động quyến rũ hay nét đặc biệt hấp dẫn nào đó của
người đàn bà mà anh ta có thể say đắm. Tương tự, người phụ nữ đã có gia
đình cũng được khuyên là không nên để ý xem người đàn ông đẹp trai trước mắt
mình có đeo nhẫn không hay dừng lại ngắm nụ cười của anh ta. Một câu chuyện từ thời
Đức Phật có thể minh họa rõ hơn điều này.
Có một vị tu sĩ
mà lời nguyền sống độc thân của ông bị đe dọa bởi những ám ảnh về tình dục. Vị
tu sĩ này quán chiếu thân như là một bộ xương để tự giải thoát mình khỏi những
ý nghĩ xấu xa. Một ngày kia ông đi trên một con đường qua cánh rừng. Một phụ nữ
đẹp cũng đi cùng đường, ngược hướng về nhà cha mẹ cô sau khi gây gổ với chồng.
Khi thấy vị tu sĩ, bà mỉm cười chào ông.
Sau đó, người
chồng trên đường đi tìm vợ mình, gặp vị tu sĩ. Anh ta bèn hỏi, “Thưa sư,
sư có thấy một người phụ nữ trẻ đẹp đi ngang đường này không?”
“Tôi không
biết đó là đàn ông hay đàn bà,” vị tu sĩ trả lời, “nhưng tôi có thấy một bộ xương
đi ngang qua.” (Vsm 1[55])
Vị tu sĩ đã ngăn
chặn dục vọng của mình phát sinh bằng cách áp dụng Chánh Tinh Tấn trong việc
hành thiền của mình. Do đó ông đã bảo vệ được tâm khỏi các uế nhiễm.
Nếu ta có thể duy
trì tâm chánh niệm liên tục, không có gì có thể kích động ta. Ta sẽ không
giận dữ hay bực tức. Ta có thể kiên nhẫn dầu ai đó nói gì hay làm gì. Ta
có thể vẫn giữ được sự bình tĩnh và hạnh phúc. Một trạng thái tâm bất thiện, uế
nhiễm không thể phát sinh cùng lúc với giây phút của chánh niệm.
Có thể bạn cũng
thấy rằng việc kiềm chế các trạng thái tâm tiêu cực khá dễ dàng khi bạn không
gặp phải người khó chịu hay hoàn cảnh khó xử. Khi mọi thứ đều xuôi buồm thuận
gió, thì rất dễ giữ tâm chánh niệm không bị lung lay. Bạn còn có thể tự khen
mình đã giữ được bình tĩnh và đón nhận lời khen về sự tự kiềm chế, kiên nhẫn
của bạn, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng khi sự việc xảy ra không như ý
muốn, thì lòng kiên nhẫn và chánh niệm của ta có thể bắt đầu đổ vở. Một câu
chuyện được Đức Phật kể lại để minh chứng điều này có thể xảy ra một cách dễ
dàng như thế nào.
Xưa có một phụ
nữ rất giàu, có một người đầy tớ rất giỏi giang và biết vâng lời. Người đầy tớ
luôn dậy sớm và bắt đầu công việc trước khi bất cứ ai trong nhà thức dậy. Cô ta
làm việc cả ngày cho đến tận khuya. Mỗi đêm cô chỉ ngủ một vài tiếng.
Cô thường nghe
hàng xóm ca tụng về người chủ của mình. Họ nói, “Vị mệnh phụ kia rất tử tế với
người giúp việc. Bà rất kiên nhẫn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy bà giận dữ. Chúng
tôi không biết làm thế nào mà bà có thể trở nên là một người tuyệt vời như
thế.”
Người đầy tớ nghĩ
ngợi, “Những người này ca tụng chủ ta hết lời. Họ không biết ta đã làm việc cực
nhọc thế nào để gìn giữ ngôi nhà này. Ta phải tự kiểm chứng xem chủ ta tử tế và
kiên nhẫn đến đâu.”
Hôm sau, người đầy
tớ thức giấc trễ hơn mọi khi. Khi người chủ thức dậy thấy người giúp việc cho
mình vẫn còn ngủ. Bà la rầy cô, “Đồ hư! Mày ngủ cho tới khi mặt trời lên sao?
Thức dậy đi làm việc ngay!” Người đầy tớ thức dậy. Cô không có ngủ. Cô chỉ giả
bộ ngủ. Cô ngồi dậy, xin lỗi bà chủ và bắt đầu làm việc.
Hôm sau nữa, người
đầy tớ cố tình thức dậy trễ hơn ngày hôm trước. Bà chủ giận dữ. Bà rầy la người
đầy tớ, dùng những lời thô tục, và đe dọa rằng nếu người đầy tớ dậy trễ lần nữa
bà sẽ đánh cô.
Ngày thứ ba, người
đầy tớ vẫn còn ngủ dậy trễ. Bà chủ quá giận đến nỗi bà lấy cây chổi và đánh
người đầy tớ cho đến khi đầu cô ta chảy máu ra. Người đầy tớ chạy ra khỏi nhà
với cái đầu đầy máu và la khóc lớn lên, “Ôi, bà con hãy nhìn đi! Bà chủ
đánh tôi vì hôm nay tôi ngủ dậy hơi trễ. Đêm hôm qua tôi phải làm việc tới tận
nửa đêm, nên tôi bị nhức đầu. Vì thế, bữa nay tôi dậy hơi trễ.”
Những người hàng
xóm đã khen tặng bà chủ có lòng kiên nhẫn và thương người, nhanh chóng thay đổi
ý kiến. (M 21)
Có thể bạn cũng đã
trải qua một sự thay đổi nhanh chóng như thế sau một kỳ nghỉ dường dài hay khi
bạn vừa trở về từ một khóa an cư. Trong thời gian đó, sân hận, bực dọc, ganh tỵ
hay sợ hãi dường như đang ngủ yên, nên bạn cảm thấy rất bình an và hạnh phúc.
Nhưng ngay khi về đến nhà, bạn nhận được một tin nhắn trên điện thoại với lời lẽ
cộc lốc, hay một hóa đơn phạt tiền vì bạn quên trả bảo hiểm, hay ai đó dẫm lên
chân bạn; thì ngay lập tức tâm sân hận lại trổi lên, tâm bình an biến mất. Lúc
đó bạn tự hỏi, “Làm sao để tôi có thể duy trì cảm giác như đang nghỉ hè hay cảm
giác như đang tu thiền trong đời sống hằng ngày?”
Câu trả lời là
phải luôn chánh niệm. Ta cần nhớ rằng không phải là tha nhân hay hoàn cảnh bên
ngoài đem lại phiền não cho ta, mà chính là những duyên nghiệp trong quá
khứ. Ngoài việc cố gắng để luôn duy trì chánh niệm, việc rèn luyện để nhận ra
các khuyết điểm của thói quen tâm lý cũng có thể giúp ta ngăn chặn những phản
ứng tiêu cực phát sinh.
Thí dụ, bạn đi mua
một đôi bao tay trong một cửa hàng sang trọng, và người bán hàng rất cộc cằn.
Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, bạn biết rằng mình sẽ nỗi giận khi người
bán hàng thiếu lịch sự. Vì thế bạn cố gắng giữ chánh niệm thật kỹ, xua đuổi
bất cứ ý nghĩ sân hận nào nỗi lên. Bạn tự lý giải với mình bằng cách suy nghĩ:
“Thì người bán hàng này cũng là con người. Có lẽ đêm qua anh ta không ngủ được.
Hay anh ta có những lo lắng về tiền bạc hay vấn đề gì đó trong gia đình. Có thể
anh ta cảm thấy bất an đối với những người khác màu da hay quốc tịch. Hay hôm
nay anh không được khỏe. Đó có thể là lý do khiến anh ta thiếu kiên nhẫn đối
với khách hàng.”
Phương cách này
nghe có vẻ dễ, nhưng không dễ thực hành. Tâm chúng ta chưa được rèn luyện để
ngăn chặn các thói quen suy nghĩ tiêu cực. Nổi giận thì rất dễ, phê bình người
khác cũng rất dễ, lo lắng về tương lai cũng dễ, ham muốn vật chất cũng rất dễ.
Những thói quen này của tâm cũng giống như là các loại thức ăn vặt. Một khi ta
đã bắt đầu mở một gói khoai tây sấy để ăn, thì ta rất khó dừng lại nửa chừng.
Kiềm chế không cho các tư tưởng tiêu cực khởi lên cũng rất khó. Một khi ta đã
dính vào đó, thì rất khó buông bỏ. Như Đức Phật đã dạy:
Người tốt dễ làm tốt,
Người xấu khó làm tốt,
Người xấu dễ làm xấu,
Người tốt khó làm việc xấu.
(Ud V.8)
Rất dễ làm những việc tự hại (cho) mình.
Rất
khó làm những việc lợi cho mình.
(Dh 163)
Tuy nhiên, ta cần
ý thức rõ ràng rằng phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Chánh niệm đi đôi với
chánh tinh tấn có thể ngăn chặn những suy nghĩ và hành động tiêu cực phát khởi trong
tương lai. Việc phòng hộ các thói quen xấu nơi thân, khẩu và ý không phải là
khó, nếu ta có thể tự rèn bản thân luôn chánh niệm. Tuy nhiên, nếu bạn đã cố
gắng hết sức mà vẫn không ngăn chặn được các tư tưởng và hành động bất thiện
thì cũng không nên thất vọng hay nản lòng. Không có nghĩa rằng bạn là người
xấu, chỉ có nghĩa là bạn cần phải tu tập thêm. Hãy vui mừng trong ý thức rằng ta
luôn có người phụ tá bên mình: sự nỗ lực để chế ngự các trạng thái tâm tiêu
cực.
Chế Ngự
Các Trạng Thái TâmTiêu Cực
Trước khi đạt được
giác ngộ viên mãn, chúng ta không thể chọn lựa tư tưởng nào sẽ phát khởi, vì
thế không cần phải xấu hổ hay phản ứng chống lại những gì đã xảy ra. Tuy nhiên,
chúng ta có thể chọn lựa để tư tưởng nào được phép phát triển. Các tư
tưởng tích cực và thiện hỗ trợ tâm. Chúng cần được vun trồng. Các tư tưởng tiêu
cực và bất thiện, như là năm chướng ngại (triền cái) và mười kiết sử, chỉ làm
hại tâm. Chúng cần phải được tấn công và chế ngự ngay bằng Chánh Tinh Tấn. Đó
là lời khuyên của Đức Phật.
Chế Ngự
Các Chướng Ngại
Chúng ta phản ứng
như thế nào đối với một chướng ngại tùy thuộc vào mức độ chấp thủ của ta. Khi vừa phát khởi, chướng ngại còn yếu ớt. Chúng bắt đầu bằng một sát na
tâm tiêu cực lẻ loi, rồi dần tăng trưởng. Ta càng ý thức được dòng chảy này
càng sớm, thì càng dễ ngăn chặn nó. Bất cứ khi nào chướng ngại có mặt, ta không
thể có tiến bộ trong chánh niệm hay thiền định.
Bước đầu rất đơn
giản. Khi một chướng ngại phát sinh, ta chỉ cần ý thức được sự có mặt của nó.
Thí dụ ta ý thức rằng tâm tham, sân, hay nghi đang khởi lên; hoặc tâm ta đang bị
rơi vào trạng thái bất an, trạo cữ, hay trầm cảm, chán chường. Ở giai đoạn khởi
đầu, các chướng ngại này rất yếu, vì thế phương pháp để chế ngự chúng cũng nhẹ
nhàng thôi. Ta chỉ cần nhận biết sự có mặt của chúng. Chỉ ý thức không
thôi, triền cái vừa phát khởi, sẽ tàn lụi, khiến ta ý thức được sự vắng mặt của
nó và sự vắng mặt này cho phép các thiện pháp như từ bi, lòng thương yêu, và
tri kiến có thể phát khởi như thế nào.
Nếu một chướng
ngại đã phát triển vượt khỏi giai đoạn khởi đầu, ta cần sử dụng những biện pháp
mạnh hơn. Trước tiên, hãy quán sát chướng ngại đó với tâm hoàn toàn chánh niệm.
Dồn tất cả chú tâm vào đó. Nhận biết ảnh hưởng của triền cái đó trên thân và
tâm, biết rằng nó cản trở sự phát triển tâm linh của ta như thế nào. Nhận biết
tính chất vô thường của nó. Sự vô thường của hoàn cảnh, hình tướng, mùi vị, cảm
giác và nhiều những điều kiện khác nữa đã khiến cho chướng ngại này phát sinh.
Quán chiếu về những tai hại mà ta có thể mang đến cho bản thân nếu ta dung
dưỡng bất thiện pháp này, và nguy hiểm hơn nữa nếu ta hành động, phản ứng
theo sự điều khiển của triền cái đó.
Bây giờ, hãy lý
giải với bản thân. Hãy tự nhắc nhở rằng tất cả mọi thứ đều vô thường và hoàn
cảnh làm phát sinh chướng ngại này hay trạng thái tâm phát sinh chắc chắn sẽ
không kéo dài. Thí dụ, nếu ai đó đã nói điều gì khiến ta nổi giận, hãy nghĩ đến
những vấn đề mà ta phải đối mặt trong cuộc sống –lo lắng về tiền bạc, sức
khỏe, ưu tư về công việc hay gia đình. Có thể người đó cũng đang phải đối phó
với những vấn đề giống như ta. Ta thực sự không thể biết điều gì đang diễn biến
trong tâm người khác. Đúng hơn, ta còn chưa biết điều gì đang xảy ra trong tâm
mình vào bất cứ lúc nào. Trạng thái tâm của ta tùy thuộc vào rất nhiều điều
kiện. Thật ra, bất cứ điều gì xảy ra cũng tùy thuộc vào nhiều nhân duyên. Quán chiếu theo cách đó có thể khiến cho trạng thái tâm tiêu cực của ta qua đi.
Thí dụ, một buổi
sáng kia bạn thức dậy với tâm trạng không vui. Bạn không biết lý do tại
sao bạn cảm thấy buồn bực, trầm cảm, căng thẳng, hay quạu quọ. Nhưng nếu suy nghĩ
kỹ lại, bạn có thể nhớ rằng buổi tối hôm trước bạn đã ăn nhiều chất cay hay xem
truyền hình hàng giờ trước khi đi ngủ. Nhưng chúng không phải là lý do khiến
bạn bực bội như thế sáng nay. Chính chúng là kết quả của những nguyên do khác.
Có thể ngày hôm trước đó bạn đã cãi vã với chồng, không vừa lòng với con cái,
hay lo lắng điều gì đó, khiến bạn xem truyền hình lâu hơn hay ăn nhiều
hơn. Rồi bạn lại nhớ bạn cãi vã với chồng là do bạn bực mình với người
bạn đồng nghiệp ở sở làm, mà chuyện bực mình này, tự nó lại là kết quả
của những nguyên nhân và điều kiện khác. Tóm lại, tất cả mọi thứ mà chúng ta
trải nghiệm đều có nguyên nhân, hoàn cảnh đằng sau đó –nhiều hơn những điều mà
ta có thể suy đoán hay biết đến. Tất cả các nhân duyên liên hệ chồng chéo lên nhau. Không có một lý do duy nhất nào có thể khiến bất cứ điều gì xảy ra. Do đó không
cần phải làm cho tâm thêm não phiền bằng cách tự trách mình –hay đổ lỗi cho
người khác!
Hơn nữa, chúng ta
nên nhớ rằng, may mắn thay, tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tâm trạng đều thay đổi.
Không có gì mãi mãi trường tồn. Khi đang ở trong một hoàn cảnh tuyệt vọng
hay hạnh phúc quá sức, ta có thể nghĩ rằng sẽ không có gì thay đổi. Tuy nhiên,
nếu suy nghĩ thấu đáo, ta có thể thấy rằng niềm tin này là sai lệch. Con người
thay đổi. Hoàn cảnh thay đổi. Bản thân ta thay đổi. Không có gì là không thay
đổi. Do đó, với thời gian, trạng thái trầm cảm hay tâm sân hận gì cũng không
còn. Cảm nhận về một người hay một hoàn cảnh bất như ý cũng thay đổi. Thái độ
của ta, của người cũng thay đổi. Khi đã nhận thức được như thế, ta sẽ cảm
thấy thư giãn hơn, và các tư tưởng tiêu cực của ta bắt đầu qua đi.
Loại tư tưởng tiêu
cực khó chế ngự nhất là loại mà ta không ý thức được cho đến khi gốc rễ của nó
đã ăn sâu trong tâm. Các vọng tưởng này che mờ tâm trí và ngăn cản nó phát
triển. Bạn có thể nhận biết sự có mặt của chúng khi bạn ngồi thiền, rèn luyện
tâm chánh niệm hay thiền định. Khi vọng tưởng luôn khởi lên trong tâm, ta không
thể chú tâm vào hơi thở. Trong những trường hợp như thế, ta cần phải nỗ lực
mạnh mẽ hơn.
Đây có thể là cơ
hội để ta phát triển tri giác bằng cách quán sát các vọng tưởng đó. Nếu thế,
tạm thời ta sẽ để qua một bên dự định chú tâm hành thiền hay quán sát sự phát
khởi, tăng trưởng và hoại diệt của các trạng thái, cảm giác nơi thân và tâm, mà
để tâm quán sát thật thấu đáo những gì đang xảy ra. Phương pháp cần sử dụng cho
sự quán sát này được nêu ra ở bước thứ hai trong phần về chánh niệm của Chánh
Tư Duy. Tuy nhiên, nếu ta thích tiếp tục với sự thực hành như đã định, có
vài phương cách ta có thể sử dụng. Chúng được liệt kê dưới đây theo thứ tự của
cường độ nỗ lực. Nếu một phương cách thất bại, hãy thử cái kế tiếp.
- Đừng chấp
theo vọng tưởng.
- Hãy hướng tâm đến
điều gì khác.
- Hãy thay thế
chướng ngại đó bằng đối lực của nó.
- Hãy quán chiếu
về sự thật rằng tất cả mọi chướng ngại phát sinh từ rất nhiều nguyên nhân, điều
kiện và chúng luôn thay đổi.
- Cắn răng lại và
ép sát lưỡi vào vòm trên, dùng tất cả sức lực để chế ngự chướng ngại đó.
Thí dụ, bạn cứ tức
giận không nguôi sau khi tranh cãi với một người bạn. Bạn quán chiếu về sân
triền cái không kết quả. Tự lý giải cũng thất bại. Bạn cũng đã cố gắng
không chấp theo chướng ngại đó. (Như Đức Phật đã dạy: “Tất cả mọi thứ chỉ
phát khởi trong tâm khi bạn chú tâm đến nó.” (A IV (Tám) IX.3) Khi bạn không để
ý đến bất cứ tư tưởng nào, thì nó sẽ qua đi.) Tuy nhiên, nếu phương cách này
cũng không thể giúp bạn chế ngự tâm sân của mình. Lúc hành thiền, cuộc tranh
cãi lại lởn vởn trong đầu, khiến bạn thêm tức giận và tâm bạn không thể nào
an.
Ta có thể làm gì
trong trường hợp đó? Ta có thể cố gắng hướng tâm đến một điều gì
hoàn toàn khác. Thí dụ về những công việc hữu ích mà ta sắp thực hiện ngày mai.
Nếu thất bại, hãy hướng tâm đến tình cảm đối nghịch với sân hận là tình thương
yêu. Hãy nghĩ đến những tình cảm thân thiết mà ta và bạn đã chia sẻ. Hãy
để những kỷ niệm tốt đẹp này tràn đầy tâm ta. Sau đó cố gắng hướng những tư
tưởng thương yêu đến người bạn đó. Nếu điều này có vẻ quá khó, hãy hướng tình
cảm thương yêu đến con của ta hay một vị thầy nào mà ta kính ngưỡng. Khi
trái tim tràn đầy những tình cảm thương yêu, thì không còn có chỗ cho sân hận.
Tuy nhiên,
nếu sân hận vẫn chưa qua đi, thì hãy quán sát nó thật thấu đáo. Nhận biết
những chuyển biến của nó: phát khởi, tăng trưởng hoại diệt, có mặt, rồi biến mất
như thế nào. Hãy nghĩ đến những tổn hại ta tự gây cho tâm và sự tiến bộ tâm
linh, khi ta tiếp tục dung dưỡng trạng thái tâm tiêu cực này.
Nếu tất cả đều
thất bại, ta phải dồn hết sức lực của mình để hủy diệt chướng ngại đó –nói theo
lời Đức Phật, “như là một kẻ mạnh có thể đàn áp người yếu hơn.” Tóm lại, ta
không bao giờ để các chướng ngại (triền cái) có thể thắng. Bạn có thể nghĩ rằng
phương pháp cắn răng lại, gồng mình lên, để diệt sát một trạng thái tâm tiêu
cực có vẻ quá thô bạo, quá khác với những lời dạy mà bạn đã được nghe
qua. Bạn cũng có thể nghĩ rằng phương cách này có vẻ không thích hợp với
bản chất hiền hòa của Phật giáo.
Nhưng sự nỗ lực
mạnh mẽ này hoàn toàn phù hợp với giáo lý của Đức Phật. Ngài luôn dạy
chúng ta phải tinh tấn. Chánh Tinh Tấn chính là nguồn năng lượng dung nạp
để giúp ta hoàn tất các bước trên con đường đến hạnh phúc. Với Chánh Tinh
Tấn chúng ta cẩn trọng, tránh các ý nghĩ, lời nói, và hành động bất
thiện. Với Chánh Tinh Tấn chúng ta chế ngự lo âu, căng thẳng, sợ hãi, và
oán hận. Với Chánh Tinh Tấn chúng ta thực hành chánh niệm để vun trồng những
đặc tính tuyệt vời bên trong ta mà ta có thể chưa từng biết đến.
Hãy đánh thức các
đặc tính tuyệt vời đó và làm chúng hiển lộ trong tâm. Với Chánh Tinh Tấn,
duy trì và không xao lãng chúng, luôn thực hành chúng. Như Đức Phật đã tuyên thuyết:
“Dầu cho máu ta có khô đi! Dầu cho da thịt ta có tan rã! Dầu cho thân ta
có trở thành một bộ xương khô! Ta cũng không đứng lên khỏi chỗ ngồi thiền nếu
không đạt được giác ngộ.” (M 70) Kể từ lúc chứng đắc cho đến khi nhập diệt, Đức
Phật luôn nhắc nhở chúng ta cũng phải tinh tấn như thế trong nỗ lực tâm linh.
Trái với những lời
dạy này, đôi khi người ta nói sự phát triển tâm linh chỉ cần “sự tinh tấn không
gắng sức” (effortless effort). Tôi rất tiếc phải làm các bạn thất vọng, nhưng
không có sự tinh tấn nào mà không cần nỗ lực. Sự tinh tấn cần phải cân bằng,
điều độ. Quá nhiều nỗ lực hay nỗ lực không đúng chỗ có thể khiến tâm căng thẳng
hơn và dẫn đến sự thôi chuyển vào các bất thiện pháp. Tuy nhiên nếu lơ là
tinh tấn, ta sẽ trở nên chán nản, mệt mỏi hay mất hứng thú. Lúc đó ta phải có
những nỗ lực mạnh mẽ để cân bằng tinh tấn trở lại với các thiện pháp khác.
Sự thật là ta
không bao giờ có thể đạt được bất cứ điều gì đáng kể mà không cần có sự nỗ lực.
Tất cả mọi phát minh vĩ đại đều cần đến sự nỗ lực. Bóng đèn điện, xe hơi, và
máy vi tính không thể có nếu người ta chỉ lo nghỉ ngơi, thư giãn. Các nhà phát
minh đã phải nỗ lực mạnh mẽ trong công trình nghiên cứu, tìm tòi của họ. Nếu
bạn muốn thọ lãnh một đại nguyện như là tu thiền, thì bạn phải có ý muốn nỗ lực
mạnh mẽ để đạt được mục đích của mình, cũng như một sự tự kỷ luật cao, nếu cần.
Có câu chuyện kể về Đức Phật có thể làm rõ hơn điểm này.
Một người nài ngựa
thưa hỏi Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn huấn luyện các đệ tử của Ngài như thế
nào?”
Đức Phật hỏi lại
anh ta, “Thế người huấn luyện ngựa như thế nào?”
Người nài ngựa trả
lời, “Con áp dụng những phương cách nhẹ nhàng. Nếu không kết quả, con sử
dụng bie pháp cứng rắn. Nếu cũng không kết quả, con sẽ giết lấy thịt mấy con
ngựa đó.”
Đức Phật đáp, “Ta
cũng làm như thế. Ta dùng một phương pháp nhẹ nhàng. Nếu không kết quả,
ta cũng sẽ dùng biện pháp cứng rắn. Nếu ta không thể rèn luyện họ bằng các phương
pháp cứng rắn, ta giết họ.”
Lúc đó người nài
ngựa nói, “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thường dạy những sự bất bạo động! Sao
Ngài có thể giết hại?”
Lúc đó Đức Phật
giải thích phương cách “giết” của Ngài. Ngài “giết” một người có lỗi bằng cách
tảng lờ hay hoàn toàn không để ý đến người đó, sau cùng thì người đó sẽ bị loại
khỏi cộng đồng tăng già. (A II (Bốn) XII.1)
Các kinh kể về một
sự kiện rất nổi tiếng trong đó Đức Phật đã sử dụng phương pháp này:
Đức Phật có một
người hầu tên là Channa. Ông là người đánh xe trong cung và từng chơi đùa
với Đức Phật khi họ còn là những đứa trẻ. Ông chính là người đánh xe đưa
thái tử Siddhattha rời khỏi kinh thành để sống cuộc đời của một vị sa
môn. Khi luống tuổi, ông cũng trở thành một sa môn. Vì vai trò của
ông trong cuộc đời Đức Phật, Channa coi tất cả những sự thành tựu của Đức Phật
như là do công sức của ông và trở nên rất cao ngạo. Sau khi xuất gia, ông
thường tỏ thái độ bất kính đối với tăng đoàn. Thí dụ, khi các vị trưởng lão
tăng thăm viếng, ông không tuân thủ các nghi lễ như là đứng dậy chào hỏi, mời
họ ngồi hay đem nước rửa mặt, rửa chân cho họ.
Đức Phật quở rằng
thái độ của Channa rất ngạo mạn. Ngài đã khuyên, “Ông phải kính trọng các
vị tỳ kheo này.” Nhưng Channa chẳng bao giờ tuân lời Đức Phật.
Cuối cùng, khi Đức
Phật sắp nhập diệt, đại đức Ananda hỏi Đức Phật ông phải đối xử thế nào với
Channa. Đức Phật bảo tăng đoàn hãy đừng để ý đến Channa nữa, và đạo đức
Ananda được giao nhiệm vụ tuyên bố điều này với tăng đoàn.
Khi Đức Phật nhập
diệt, Channa quá đỗi sốc và đau đớn đến nỗi ông bắt đầu suy nghĩ, “Tất cả tiếng
tăm, quyền lực, và can đảm của ta đều dựa vào Đức Phật. Giờ Ngài đã ra đi, ta
không còn ai che chở nữa. Giờ cả thế giới đều trống vắng. Ta đã xúc phạm
bao vị sa môn, và họ không còn là bạn ta nữa.”
Khi đại đức Ananda
thông báo việc Channa bị tẩy chay, Channa lại bị sốc lần thứ hai và ông ngất
xỉu. Khi tĩnh lại, ông trở nên rất khiêm tốn. Đức Phật biết rằng Channa sẽ phản
ứng như thế. Channa đã hành thiền miên mật và rất vâng lời tăng
đoàn. Dần dần, ông được giác ngộ. Đôi khi phương pháp cứng rắn cũng cần
thiết. Đôi khi sự cứng rắn đem lại kết quả. (D 16; V ii 292)
Ta cũng có thể
dùng phương pháp này để đối trị với các triền cái (chướng ngại). Bắt đầu bằng
một phương pháp nhẹ nhàng, nhưng cũng phải biết sử dụng phương pháp cứng rắn
hơn, nếu cần.
Thí dụ, khi ta bị
cám dỗ muốn mua một cái áo ấm đẹp, mặc dầu trong tủ còn đầy áo ấm, hãy chế ngự
tâm theo các phương cách mà chúng ta đã học được. Không theo đuổi ý muốn
đó; hướng tâm đến điều gì khác; thay thế tâm tham bằng tâm xả; quán chiếu với
chánh niệm về tính vô thường của cái áo, cũng như của tất cả các vật chất khác.
Nếu tâm vẫn kiên trì kêu gào đòi chiếc áo đó, ta cần phải cứng rắn với bản thân
hơn. Hãy nhắc nhở tâm phải dừng lại ngay, nếu không, mùa đông này, hay cả năm này,
sẽ không được có chiếc áo mới nào. Giải pháp cuối cùng là đe dọa trong năm năm
tới sẽ chỉ mua áo sida để mặc. Sau đó phải thực sự thực hiện lời đe dọa đó.
Tâm dần dần sẽ được rèn luyện để biết buông bỏ.
Trong trường hợp
đặc biệt cần phải áp dụng biện pháp thực sự cứng rắn. Thỉnh thỏang khi ta
ngồi thiền, tâm hoàn toàn điên đảo. Có thể do một việc gì đó đã xảy ra trước thời
khóa thiền, như là trong ngày đó ta quá phấn khích hay có việc gì khiến ta quá
lo lắng. Tâm bị kích động dữ dội với những hình ảnh và xúc cảm dồn dập phát
khởi, đến nỗi ta khó lòng ứng phó với tư tưởng tiêu cực này thì tư tưởng khác
đã tiếp nối. Có thể lúc đó bạn đang trải nghiệm một hiện tượng mà tôi nghe các
thiền sinh gọi là “cuộc tấn công của đa triền cái”. Đó là khi một số
chướng ngại cùng phát khởi, cái này tiếp nối cái kia, để chế ngự tâm. Nếu ta
chấp nhận để tâm chạy rong như thế đó, thì nó sẽ trở nên một thói quen khó bỏ. Tốt
hơn hết là dồn tất cả nội lực để kiềm chế tâm.
Trong trường hợp
này nếu tất cả các phương pháp thông thường đều thất bại, thì có một phương
pháp khác: đếm hơi thở. Đây là một cách để giữ tâm trụ trên một đối
tượng. Trước hết đếm hơi thở từ một đến mười rồi từ đếm ngược lại mười đến
một. Kế tiếp, đếm từ một đến chín, rồi từ chín đến một. Tiếp tục đếm đến số
tám, số bảy, và cứ thế, cho đến khi ta đạt đến từ một tới hai và từ hai tới
một. Cái khó là nếu tâm thất niệm đếm sai dầu chỉ một lần trong lúc đang đếm,
ta cũng phải bắt đầu trở lại. Cứ tiếp tục cách đếm này cho tới khi ta có thể
hoàn tất trọn vẹn quy trình đếm mà không một phút lơ là; sau đó ta có thể trở
về phương cách hành thiền bình thường. Đây là một thử thách cho tâm. Phải
bắt đầu trở lại với mỗi sự lo ra khiến tâm trở nên mỏi mệt với việc phóng tâm,
trở nên biết kiềm chế.
Dầu phương pháp
này khá khắt khe, đối với một số người, tâm họ quá điên đảo đến độ không thể
nào tập trung để đếm. Trong trường hợp đó, hãy lấy ngay sự điên đảo, lăng xăng
làm đối tượng thiền quán. Quán sát các trạng thái tâm lăng xăng đó.
CHẾ NGỰ
CÁC KIẾT SỬ
Sử dụng các phương
pháp trên, chúng ta có thể tự rèn luyện để nhận diện các kiết sử khi chúng phát
sinh và có biện pháp để chế ngự chúng. Với sự chú tâm đầy chánh niệm và các
biện pháp tích cực, các kiết sử đang quấy nhiễu tâm bạn –tham, sân, nghi, trạo
hối- sẽ dần dần yếu đi và phai mờ khỏi tâm trí. Một kiết sử nào đó khi đã
qua đi, có thể không phát sinh trở lại trong một thời gian. Tâm đã được giải
thoát khỏi kiết sử đó. Nhưng rồi, tùy thuộc vào tính chất và điều kiện
sống của bạn, một kiết sử khác lại có thể xuất hiện.
Khi ta quán sát
chu trình của các kiết sử: phát sinh, hoại diệt, rồi xuất hiện trở lại dưới
trạng thái khác, ta bắt đầu nhận ra các kiết sử này mạnh mẽ đến thế nào, chúng
trói buộc ta vào khốn khổ, đau thương chặt chẽ đến thế nào. Không kể rằng bạn
đã thường xuyên chế ngự các kiết sử này một cách tạm thời bao nhiêu lần, chúng
vẫn tiếp tục hiện hữu trong bạn, để luôn trói buộc, bẫy rập bạn. Như thể bạn
đang mang một nhà tù bên trong bạn. Khi chánh niệm đã được phát triển, ta sẽ
nhận thấy rằng các trạng thái tâm tiêu cực này –như là tham, sân, si– không chỉ
bóp méo cái nhìn của ta mà chúng còn khiến cho mọi khía cạnh của cuộc sống trở
nên khổ sở hơn, đau đớn hơn. Tâm luôn quay về với những tiêu cực đã được huân
tập. Ta cảm thấy như mình bị bẫy rập –trói buộc– vào vòng sinh tử luân
hồi chẳng dừng dứt.
Sự thật là chánh
niệm chỉ có thể giúp ta chế ngự các kiết sử này một cách tạm thời. Chỉ khi ta
đạt đến mức độ cao hơn trên đạo lộ, ta mới có thể hủy diệt được chúng, qua bốn
giai đoạn. Bằng cách nào? Bạn buông bỏ chúng qua năm ứng dụng của tinh
tấn, được biết đến như là đè nén, thay thế, hủy diệt, tàn lụi, và giải thoát.
“Đè nén” nghĩa là
đẩy lùi tất cả các trạng thái tâm bất thiện lại phía sau, giữ chúng nằm yên
bằng chánh niệm hay định. Bất cứ khi nào ta có thể giữ chánh niệm, hay đi sâu
vào thiền định, thì các kiết sử ngủ yên. Khi ta đã tạo được thói quen đẩy lùi
các kiết sử này xuống, thì chúng sẽ yếu đi. Chúng không còn tạo ra nhiều
vấn đề, và bớt ảnh hưởng đến quá trình tư duy của ta. Các chướng ngại cũng sẽ
trầm lắng xuống chút ít, do đó tạo ra nhiều cơ hội cho tri kiến có thể nảy
sinh, mà khi đã có tri kiến thì ta có cơ hội để hủy diệt một số kiết sử.
“Thay thế” là nỗ
lực chống lại một bất thiện pháp nào đó bằng cách vun trồng điều ngược lại. Ta
thay thế lòng sân hận bằng cách vun trồng lòng thương yêu. Niềm tin rằng vạn vật
bất biến được thay thế bằng cách quán chiếu về vô thường. Bạn đối nghịch lại
với niềm tin bản năng vào một cái ngã bằng cách quán sát những yếu tố luôn biến
chuyển, tạo thành thân và tâm của bạn.
Khi sự đè nén và
thay thế đã phát triển tốt đẹp, thì ta có thể chế ngự một số kiết sử đã bị suy
yếu. “Hủy diệt” là giây phút khi bất cứ kiết sử nào cũng phải chào thua, giống
như một thân cây đã bị sét đánh tét cành. “Tàn lụi” ý chỉ sự biến mất của
các kiết sử ngay sau khi chúng bị hủy diệt. “Giải thoát” ý chỉ đến sự nhẹ nhõm
của tâm tiếp theo sau sự hủy diệt của bất kỳ nhóm kiết sử nào. Sự giải thoát ấn
tượng nhất xảy ra ở giai đoạn đầu trong bốn giai đoạn giác ngộ khi ta chuyển hóa
từ cuộc sống bình thường và trở nên phần nào giác ngộ.
Giả sử bạn đã nhắm
đến ba kiết sử đầu tiên –thân kiến, nghi và giới cấm thủ- và đã quán tưởng sâu
sắc về các pháp đối nghịch. Khi ngồi thiền, bạn theo dõi hơi thở với sự
chú tâm mạnh mẽ thì tuệ giác có thể phát sinh. Sự quán sát của bạn về tính chất
vô thường, khổ, và vô ngã của hơi thở cho phép bạn, trong một giây phút đại ngộ,
thấm thía thêm sự thật rằng tất cả vạn pháp đều mang ba tính chất này. Nhìn thấy được tính vô thường một cách rõ ràng nơi vạn vật, bạn sẽ với trực
giác nhận biết rằng không thể có một thứ thường hằng, bất biến gọi là “ngã” hay
“linh hồn”. Do đó bạn phá vỡ được kiết sử thứ nhất. Bạn cũng nhận
thức rằng phải có bậc Giác Ngộ nào đó đã chứng giác được tất cả những điều này
khi tu tập trên con đường đạo, do đó đạo lộ này nhất định sẽ giúp bạn bứng rễ
được tất cả các tâm cấu uế. Như thế là bạn đã trừ được kiết sử thứ hai,
tâm nghi. Giờ thì bạn biết rằng không có gì có thể giải thoát tâm bạn trừ
việc vun trồng tuệ giác qua con đường của giới, định và tuệ. Biết thế thì bạn
không còn tin rằng chỉ có các nghi lễ cúng bái (giới cấm thủ) mới có quyền lực
cứu bạn, có nghĩa là bạn đã rũ bỏ được kiết sử thứ ba.
Một khi đã chế ngự
được ba kiết sử này, là bạn đã đạt đến giai đoạn đầu tiên của giác ngộ. Giờ
không có chuyện bạn sẽ thôi chuyển trở lại trạng thái cũ. Bạn không còn
nghi ngờ khả năng đạt được giác ngộ của mình nữa hoặc lo lắng không biết làm
sao để đạt được giải thoát. Đảm bảo là bạn sẽ đạt được mục đích của
mình. Bạn sẽ trở thành một “dự lưu,” vì sức hút của dòng chảy tâm linh sẽ
đưa bạn đến giác ngộ, giống như một nhánh cây được cuốn chảy theo dòng
nước.
Từ lúc này trở đi,
tâm trở nên phấn khởi lạ, ta có cảm giác rằng, dầu bề ngoài cuộc sống có khó
khăn thế nào, bên trong nó tất cả mọi thứ đều bình an. Ta biết, một cách chắc
chắn rằng, tất cả vạn pháp đều vô thường, và điều đó mang lại niềm an ủi trong
lòng ta. Ta không còn có thể phạm vào bất cứ hành động bất thiện nghiêm trọng
nào, vì ta hiểu rõ luật nhân quả. Với thái độ đạo đức như thế, ta không có gì
phải ăn năn hối hận; do đó ta được giải thoát khỏi gánh nặng đó. Thí dụ nếu ta phạm
một lỗi nhỏ, như là nói dối, ta sẽ không thể nào an lòng cho đến khi ta
nhận lỗi. Ta vẫn còn có thể rơi vào những cơn bùng nổ của giận dữ, khổ
đau, hay tham đắm, nhưng tất cả những tình huống đó không thể khiến ta gục ngã
như trước đây, và chúng sẽ qua đi nhanh chóng. Ta biết rõ ràng con đường phải
đi và ta tràn đầy tin tưởng vào sự tu tập của mình. Nói chung ta trở nên tự tin
hơn, bớt ngã chấp, và tử tế rộng lượng hơn, có thể hành thiền tốt hơn, và có
nhiều khả năng hơn đối với bất cứ điều gì ta làm. Các đồng nghiệp và thân hữu
của ta sẽ nhận ra được những sự thay đổi nơi ta, họ sẽ thấy ta trở nên dịu dàng
hơn, cởi mở hơn, và thư giãn hơn. Ánh mắt lấp lánh của ta sẽ mở cửa trái tim
của tha nhân, và họ bắt đầu hỏi về suối nguồn của sự tự tại của ta.
Để diễn tả mức
quan trọng của việc đạt được tầng dự lưu, Đức Phật đã nhúm ít đất cát lên tay
và nói, “Này các tỷ kheo, nhúm đất cát này hay tất cả đất cát trên thế gian,
cái nào nhiều hơn?” Dĩ nhiên các vị tỷ kheo trả lời rằng đất cát trên thế gian
thì nhiều, rất nhiều lần hơn một nhúm cát đất trên tay Phật. Sau đó Đức Phật
tuyên thuyết, “Cũng thế, này các vị tỷ kheo, số lượng cấu uế, nhiễm ô mà một
người đã đạt đến quả dự lưu có thể hủy diệt thì cũng nhiều như cát đất trên thế
gian. Và những cấu uế còn lại mà người đã đạt được quả dự lưu phải hủy diệt thì
cũng ít như đất cát trên tay ta.” (S V.56.6 [1]) Vì lý do đó, Đức Phật nói, đạt
được quả dự lưu thì còn vĩ đại hơn trở thành “vị chúa tể” thống lãnh mọi vương
quốc khác. Điều đó còn vĩ đại hơn là được lên cõi trời làm một chư thiên;
vĩ đại hơn cả việc trở thành một vị trời.
Sau khi đã vượt
qua được chặng đường này, ta bắt đầu đối phó với chướng ngại kế tiếp: kiết sử
của tham và sân. Khi đã vượt qua được ba kiết sử đầu tiên, ta cũng đã làm nhẹ
đi sức nặng của các kiết sử còn lại. Do đó, tham và sân mà giờ ta phải
đối mặt đã bớt nặng nề hơn nhiều so với những gì ta đã trải qua khi là một chúng
sanh bình thường.
Ta phòng hộ tham
sân và sử dụng Chánh Tinh Tấn để tiếp tục đối trị lại với hai kẻ thù này.
Ta phát triển tâm độ lượng và tình thương yêu. Ta trở nên hoàn toàn nhàm chán
với sự bám víu, đòi hỏi, than vãn của tâm. Khi ta phát triển chánh niệm về vô
thường một cách sâu sắc, nhìn thấy rõ ràng hơn bản chất đổi thay của tất cả
những điều dễ chịu, khó chịu, và trung tính, ta sẽ thấy sự vô ích của
việc cố gắng khiến mọi việc phải theo ý mình. Ta sẽ buông xả ngày càng nhiều
hơn.
Cuối cùng sẽ có
một ngày khi tâm tham sân thô lậu được giảm đi một cách đáng kể. Một số tâm
tham sân vi tế, khó nhận biết hơn vẫn còn, khiến cho cá tính của ta dường như
không thay đổi, nhưng thực ra ta đã thành tựu được rất nhiều. Khi bạn trở thành
một “nhất lai,” có nghĩa là bạn có thể phải tái sanh trở lại thế tục này một
lần nữa trước khi đạt được hoàn toàn giác ngộ.
Khó thể diễn tả
được sự thanh tịnh mà tâm có được lúc ấy. Tất cả những âu lo, bổn phận,
phiền muộn đều được buông bỏ, mãi mãi. Không có sự sỉ nhục hay bất hạnh nào có
thể làm bạn xao động. Bạn đã vượt lên trên mọi phiền não. Những
người quanh bạn có thể nhận thấy được sự thanh thoát, lòng từ ái bao la của bạn
và bắt đầu nghĩ đến bạn như là một vị thánh. Vậy mà lúc khởi đầu bạn cũng không
tốt hơn ai. Đó là một quá trình không dành cho riêng ai, một sự chuyển hóa tự
nhiên trong tâm, mà ta có thể đạt được khi miệt mài đi theo con đường Đức Phật
đã hướng dẫn. Dầu ta không còn nuối tiếc hay khổ đau đối với những mất
mát của bản thân, nhưng vì trái tim ta đầy từ ái và vẫn chưa hoàn toàn dứt sạch
mọi bám víu, ta vẫn còn có thể quan tâm một cách thái quá và đau buồn vì những
bất hạnh của người khác. Vẫn còn phải tu tập, rèn luyện thêm nữa. Những gì còn lại của sân tham cần phải được quét sạch.
Khi kiết sử của
tham và sân thô lậu cuối cùng bị hủy diệt, là ta đạt được bước thứ ba của giác
ngộ. Vị hành giả đạt đến giai đoạn này được gọi là “bất lai,” chẳng bao
giờ phải sanh trở lại trong thế giới này, nhưng có thể tái sinh trong cõi vô
sắc.
Một khi công việc
tháo gỡ tâm tham và sân thô lậu đã hoàn tất, thì nhóm kiết sử cuối cùng, những
kích thích tâm lý vi tế nhất –năm kiết sử cuối cùng- phải được đối phó. Các tâm
uế nhiễm này quá vi tế đến nỗi không có chúng sanh bình thường nào có thể nhận
ra chúng, nói gì đến việc cảm thấy muốn hủy diệt chúng. Bậc nhất lai tiếp tục cảm
nhận, thí dụ, tâm trạo cử bởi lòng lo lắng về một sự tái sinh trong tương lai.
Tuy nhiên đối với một vị đã đạt được đến mức độ vi tế này, các kiết sử còn lại
giống như những mẫu đồ ăn lấm tấm trên một chiếc áo hoàn toàn trắng sạch.
Tiếp tục tu tập,
vị bất lai tháo gỡ mọi ham muốn vi tế còn lại đối với bất cứ loại hiện hữu
nào. Vị ấy diệt trừ được “mạn,” đặc tính cố hữu của niềm tin dường như có
một cái ngã. Trạo cử được tháo gỡ, như là một mảng cuối cùng còn lại của vô
minh. Trong một sát na đại ngộ, tất cả các kiết sử cuối cùng này bị diệt
trừ, và tại đó xuất hiện một vị hoàn toàn giác ngộ -một vị A La Hán. Vị
này không bao giờ có thể thực hiện bất cứ hành động nào dựa trên tham, sân, hay
si, vì tất cả những uế nhiễm này đã mãi mãi bị bứng khỏi tâm. Như Đức Phật đã
nói nhiều lần, một bậc A La Hán là người đã “bỏ xuống gánh nặng.”
Ta có thể nghĩ
rằng một bậc A La Hán cũng có thể rơi xuống một tầng thấp hơn và bị cám
dỗ bởi tà dâm, trộm cắp, hay một vài hành vi thế tục nào khác. Nhưng nếu ta nhớ
lại bản chất của các kiết sử -chúng dẫn dắt hành động của chúng ta sai lạc như
thế nào và chúng đã bị đánh bại như thế nào– thì ta sẽ không có những suy nghĩ như
thế về các bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Bậc A La Hán biết rằng ngay việc thụ
hưởng các dục lạc đã là điều không thể nghĩ đến –nói gì đến những hành động vô đạo
đức. Bậc A La Hán không bao giờ có thể làm điều gì sai trái nữa. Họ tiếp tục
thụ hưởng niềm hạnh phúc tối thượng, và giữ được tâm họ luôn thanh tịnh.
Khi đã giác ngộ,
hành giả sẽ thấy rõ ràng rằng tất cả những gì họ cần liễu tri đã được chứa đựng
trong Tứ Diệu Đế. Hành giả được giải thoát khỏi bất cứ các suy đoán, lý
luận hay lý thuyết về thực tại, về quá khứ, hiện tại, và tương lai, về sự hiện
hữu của ngã và về vũ trụ. Hành giả biết thân vật chất là gì, phát sinh và hoại
diệt như thế nào. Hành giả biết thọ là gì, phát sinh và hoại diệt như thế
nào. Với tưởng, hành và thức cũng như thế.
Hành giả hoàn toàn
thoát khỏi mọi ý kiến và suy luận, tất cả các xu hướng muốn chứng tỏ hay cảm
nhận các yếu tố cá biệt của “cái tôi” và “cái của tôi”. Tất cả những lý thuyết,
quan điểm, và niềm tin dựa trên ngã chấp đã biến mất. Được hoàn toàn giải
thoát khỏi tất cả mười kiết sử này là trạng thái của sự giác ngộ viên mãn.
Vun Trồng
Các Thiện Pháp
Hầu hết chúng sanh
đều phải khổ công tu luyện mới có thể hy vọng đạt được giác ngộ. Chế ngự được
các chướng ngại và đè nén được các kiết sử là điều tiên quyết. Nhưng ngay cả
khi việc ta cố gắng chế ngự chúng có tạm thời thành công, thì tâm ta vẫn còn
đầy lậu hoặc. Nó có thể lại thối chuyển trở vào các trạng thái đau đớn, chướng
ngại, giống như một chiếc máy bay hạ cánh xuống các tầng mây. Vì thế, một khi
ta đã tạm thời giải thoát tâm khỏi các bất thiện pháp này, ta phải sử dụng
Chánh Tinh Tấn để phấn khích, làm hoan hỷ và nạp năng lượng cho tâm để ta có
thể tiến bộ hơn nữa.
Khi một trạng thái
tâm bất thiện đã được chế ngự, tâm sẽ chuyển sang trạng thái trung tính. Nhưng
nó không ở trạng thái đó lâu. Nó rất giống như một hộp số xe, có số de (chạy
thụt lùi), số chạy tới và số dừng (trung tính). Ta không thể từ số de
thẳng sang số chạy tới mà không đi qua số dừng (trung tính). Từ vị thế trung
tính, ta có thể gài số xe chạy tới hay chạy lùi. Tương tự, tâm không thể
chuyển thẳng từ thiện sang bất thiện hay ngược lại; nó phải đi qua một trạng
thái trung tính ở giữa hai thái cực này.
Hành giả có thể sử
dụng giai đoạn trung tính này để vun trồng các thiện pháp. Thí dụ ta đang ngồi
thiền thì một trạng thái tâm tiêu cực phát khởi. Chánh niệm được kích hoạt, và
ta nhận ra trạng thái tâm bất thiện đó. Ta cố gắng chế ngự nó, có thể do
thấy được tác hại của nó, và trở về với hơi thở. Vì hơi thở là một đối
tượng trung tính, tâm ta giữ được sự trung hòa khi ta theo dõi hơi thở. Nhưng chẳng lâu sau, khi ta buông lơi chánh niệm, thì một trạng thái tâm cấu uế
khác lại phát sinh. Và quy trình trên lại tái diễn, hết lần này đến lần
khác.
Nếu cứ tiếp tục
như thế, ta sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Chánh niệm khiến ta ý thức rằng ta
cần dừng quy trình tiêu cực đó lại. Khi chú tâm, ta có thể nhận biết được tiến trình
của tâm hành. Ta thấy rằng thay vì để cửa mở cho tiêu cực len lỏi vào chế ngự
tâm, ta cần lợi dụng thời điểm khi tâm ở trạng thái trung tính để phát khởi một
trạng thái tâm thiện. Rồi trở về với hơi thở và thư giãn. Hít một vài hơi
thở sâu, rồi bắt đầu vun trồng trạng thái tâm tích cực khác nữa.
Có rất nhiều cách
để phát khởi các trạng thái tâm tích cực. Một trong những cách hữu hiệu nhất có
thể sử dụng trong lúc tọa thiền là quán tưởng đến bất cứ hành động thiện nào mà
ta đã làm trong quá khứ và trạng thái tâm hạnh phúc, dễ chịu do hành động đó
mang lại. Thí dụ có thể bạn đã có lần giúp một người già qua đường. Bà lão phải
mang nặng mà xe cộ lướt qua rất nhanh khiến bà sợ, không dám qua đường. Bạn
không biết bà ấy, mà cũng không có ý muốn được khen thưởng hay ngay cả lời cám
ơn nào. Với tâm hoàn toàn không vụ lợi về bất cứ điều gì, không chấp thủ, bạn
bước xuống đường và cẩn thận ra hiệu cho xe dừng lại, giúp bà lão qua đường an
toàn. Lúc đó tâm bạn cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, và sung sướng. Giờ khi hồi
tưởng lại chuyện đó, bạn cảm thấy thế nào? Lần nữa bạn lại cảm thấy nhẹ nhàng,
thư thái, và hạnh phúc. Từ đó, bạn nghĩ, “Đây là trạng thái tâm ta cần vun
trồng.” Vì thế bạn dùng ký ức này để khơi dậy và làm tăng trưởng các thiện
pháp.
Ta có thể sử dụng
ký ức của bất cứ hành động thiện nào mà ta đã thực hiện trong quá khứ, miễn là
ta không đem lòng chấp vào đó. Những hành động thiện này đã mang đến cho
ta cảm giác hạnh phúc khi ta thực hiện chúng, và khi hồi tưởng lại, tâm ta vẫn
tràn đầy niềm vui. Có thể bạn đã giúp một em bé đi lạc tìm được mẹ ở một
siêu thị, hay bạn đã giúp băng bó cho một con vật bị thương trên đường. Có thể
bạn thấy hai người đang tranh cãi quyết liệt về một vấn đề nhỏ mọn nào đó, và
bạn giúp họ giải quyết được vấn đề. Có thể trong công việc, bạn đã khiến cho
các đồng nghiệp trẻ cảm thấy muốn học theo gương bạn, vân vân. Một phương
cách khác nữa là hồi tưởng lại với lòng biết ơn đối với những điều tốt đẹp mà
người khác đã làm cho ta, hay quán tưởng đến những việc thiện của người khác mà
ta được biết đến. Ta làm những điều này với tâm tràn đầy hoan hỷ, thiện hạnh,
thì ta cũng thấy thư thái, tự tại và hạnh phúc.
Ta cũng có thể vun
trồng các thiện pháp bằng cách quán tưởng đến những lúc ta đã có thể chế ngự
được tham, sân, hay si. Thí dụ bạn nhớ đến một thời điểm khi con trai bạn hư
quấy, khiến bạn cảm thấy muốn đánh phạt nó. Nhưng tâm chánh niệm kịp thời xuất
hiện, bạn nhớ lại rằng biểu hiện sự giận dữ ra ngoài không phải là điều nên
làm. Do đó, cơn giận của bạn dịu xuống, bạn bình tĩnh lại và tâm bạn lắng đọng
hơn. Hãy nhớ đến sự thay đổi lớn lao từ việc phát khởi tâm giận dữ đến trạng
thái bình tĩnh dễ chịu khi bạn kiềm chế được cơn giận và bạn quán chiếu rằng
cảm giác đó dễ chịu như thế nào. Bạn tự nhủ, “Trạng thái tâm này là điều mà ta
muốn vun trồng.” Sự hồi tưởng này giúp ta thư giãn, mang đến cho tâm ta một
niềm vui thầm lặng.
Ta có thể tự góp
nhặt các hoàn cảnh thích hợp để vun trồng các thiện pháp. Thí dụ, khi
nhìn con chập chững những bước đi đầu đời, lòng ta tràn đầy tình cảm yêu
thương. Hãy lưu giữ ký ức đó vào một góc tâm hồn. Trong tương lai ta có
thể sử dụng cảm xúc đó làm chất xúc tác để vun trồng cho các trạng thái tâm
thiện.
Phương pháp của sự
tinh tấn chánh niệm để vun trồng các trạng thái tâm tích cực không chỉ lợi ích
trong lúc hành thiền. Ta còn có thể sử dụng nó trong khi ăn, đi, đứng, làm
việc, chuyện trò.
Ta không còn phải
dựa vào hy vọng rằng cuộc sống sẽ mang đến cho ta lý do để cảm thấy hạnh phúc.
Phải có kế hoạch sử dụng tâm để xét xem những hành động nào tạo nên các trạng
thái tâm khiến cuộc đời ta dễ chịu hơn. Hãy hồi tưởng lại những thành công và
thất bại trong quá khứ. Khám phá ra nguyên nhân và hậu quả của những quá trình
tâm linh đơn giản này. Sau đó vun trồng các thiện pháp trong tất cả mọi việc ta
làm.
Thí dụ, trong khi
rửa chén, ta có thể hướng tâm từ đến cho những ai sẽ sử dụng các chén đĩa này.
Trước khi trao đổi, trò chuyện, ta có thể giữ gìn bằng cách chánh niệm về những
hậu quả có thể xảy ra của lời nói tiêu cực hay tích cực. Đó sẽ là một cuộc trò
chuyện “có khởi đầu tốt đẹp.” Bằng thái độ bình tĩnh và cố gắng mang từng tế
bào của lòng kiên nhẫn, thương yêu, bi mẫn, và trí tuệ vào trong một cuộc trao
đổi, ta sẽ khiến nó trở nên trôi chảy hơn, đem lại lợi lộc cho bản thân ta cũng
như người khác.
Lường trước những
vấn đề có thể xảy bằng cách tự nhận biết các thiếu sót của mình là một phần của
quá trình này. Thí dụ, nếu bạn nóng tính, và bạn biết điều đó, thì nhận thức đó
cũng là thiện pháp. Sau đó bạn có thể vun trồng tâm từ ái để kiềm chế tánh nóng
của bạn không phát khởi. Khi một tình huống khó xử xảy ra, như là sự viếng thăm
bất ngờ của một vị lãnh đạo khó tính đến công ty, bạn có thể tự nhắc nhở về hậu
quả tốt hay xấu từ hành động của mình. Rồi bạn lập quyết tâm sẽ giữ bình tĩnh,
và vun trồng tâm từ đối với vị ấy. Do đó khi vị lãnh đạo nói hay làm điều
gì khó chịu, thay vì biểu lộ thái độ giận dữ, khó chịu, bạn tận hưởng trạng
thái tâm dễ chịu mà mình đã tạo lập.
Cũng thế, nếu bạn
biết mình thường hay lo lắng, thì hãy tự chuẩn bị. Thí dụ, trước khi cháu cưng
của bạn đáp chuyến phi cơ đầu tiên đi xa nhà, hãy làm bất cứ điều gì bạn đã làm
trong quá khứ để chế ngự sự lo âu và mang lại những cảm giác dễ chịu. Rồi bạn
không cần phải khổ đau vì chuyến bay của cháu bạn. Thay vào đó bạn có thể hưởng
thụ trạng thái tâm dễ chịu.
Đó là một kỹ năng
có thể tự rèn luyện. Chúng ta càng có chủ tâm phát khởi các trạng thái tâm
thiện, thì tâm càng trở nên dễ thích ứng và ta càng hiểu nó nhiều hơn. Chúng ta có thể vun trồng tâm thương yêu không giới hạn, tâm hoan hỷ, lòng bi
mẫn sâu xa, và tâm buông xả rộng lớn trong từng ngày, từng giây phút. Bốn tâm
vô lượng này đưa tâm đến các trạng thái lâng lâng, tuyệt diệu đến nỗi chúng
được gọi là “thiên trú.” Những ai biết làm thế nào để chúng phát sinh có
thể thọ hưởng thiên đàng trên trái đất này bất cứ lúc nào.
Duy Trì
Trạng Thái Tâm Thiện
Một khi trạng thái
tâm thiện đã phát khởi, ta sẽ cố gắng duy trì, không để tâm đó qua đi. Ta
biết rằng nếu để trạng thái đó qua đi, tâm ta sẽ trở về trạng thái trung tính
và rồi nó có thể rơi vào trạng thái bất thiện. Vì thế bằng mọi giá, ta phải giữ
trạng thái tâm tốt đẹp luôn có mặt. Tâm thiện của giây phút này phải là
trạng thái thiện của giây phút kế tiếp, và giờ, ngày, tuần kế tiếp. Chúng
ta cố gắng để luôn duy trì trạng thái tâm tích cực, giống như người ta cố gắng
để giữ một ngọn đèn đặc biệt nào đó không bao giờ tắt.
Điều đó
không dễ thực hiện.
Đã bao lần bạn tự
hứa với bản thân những điều tốt đẹp? Hãy nhớ đến những lời cam kết mỗi đầu năm
hay những lời thệ nguyện ở đám cưới của bạn trước vị thầy tâm linh hay trước
bạn bè? Bạn đã có bao ước nguyện đầy ấp hy vọng vào những lần sinh nhật? Nhưng bạn đã giữ được bao nhiêu lời hứa đó? Có thể bạn đã tự hứa với mình: “Tôi
sẽ không bao giờ đụng đến điếu thuốc nào nữa, không bao giờ uống thêm ly
rượu nào nữa, không bao giờ nói dối, nói lời cộc cằn hay sỉ nhục bất cứ
ai. Tôi sẽ không bao giờ đánh bạc nữa, không bao giờ trộm cắp, không bao
giờ giết hại bất cứ sinh vật nào.” Hoặc sau một thời khóa thiền hay một khóa tu
đầy kết quả, có thể bạn đã nghĩ, “Khóa tu này thật tuyệt vời. Tôi chẳng
bao giờ nghĩ rằng việc hành thiền lại có thể dễ đến vậy. Tôi đã được bình an và
hạnh phúc biết chừng nào trong suốt khóa tu này! Tôi quyết phải luôn hành thiền
trong tương lai.”
Tất cả đều là
những tư tưởng tích cực. Nhưng có bao nhiêu lời hứa này vẫn được bạn tiếp tục
thực hiện mỗi ngày? Những tư tưởng này phát khởi lên trong tâm bạn giống như
bọt nước trong một ly sô đa. Sau một vài giờ, chúng lặn tăm. Bạn đánh mất
lòng sốt sắng và trở về với thói quen cũ của mình. Để duy trì sự tinh tấn ban
đầu, bạn phải phát triển tâm chánh niệm mạnh mẽ.
Hãy nhớ rằng không
có việc quan trọng gì có thể được thực hiện một cách hoàn hảo với chỉ một lần
thử nghiệm. Ta phải lặp đi lặp lại một ý nghĩ hay hành động tích cực cho đến
khi chúng trở thành một thói quen. Chúng ta tán thán những khả năng thiện
xảo của các vận động viên Olympic –nhưng họ đâu có hoàn thiện các khả năng này trong
chỉ vài lần tập? Khi mới tập đi xe đạp, ta đã phải té ngã biết bao lần? Muốn hoàn thiện tâm ý cũng phải như thế. Chúng ta phải thực hành rất tinh tấn.
Bất cứ khi nào sự tinh tấn của ta hơi chùn xuống, hãy nghĩ đến những trường hợp
khi ta đã nỗ lực không ngừng cho đến khi ta đạt được mục đích của mình.
Dĩ nhiên, có những
việc ta có thể thực hiện để hỗ trợ cho sự thực tập Chánh Tinh Tấn. Ta có thể
kết bạn với thiện tri thức và tránh xa những kẻ ngu si. Ta có thể sống ở những
nơi thích hợp, đọc các sách hướng thiện, giữ mối liên lạc với các đạo
tràng. Ta cũng có thể thực hành chánh niệm một cách siêng năng. Những
hành động này có thể giúp duy trì các thiện pháp. Tôi sẽ kể cho bạn nghe
một câu chuyện về một vị sư đã lập thệ nguyện lớn và nỗ lực vĩ đại.
Ở Ấn Độ thời xa
xưa, có một vị tỷ kheo lớn tuổi là một bậc đại sư. Một vị tỷ kheo trẻ phạm lỗi
không làm tròn bổn phận. Vì thế, vị đại sư phạt người này bằng cách yêu cầu ông
đến khất thực ở một gia đình kia, để tạo một mối liên hệ tốt với gia đình đó.
Vì vợ chồng nhà ấy vừa sinh được một em bé mà các vị thầy tiên đoán sẽ trở
thành một nhà lãnh đạo Phật giáo tài giỏi. Chủ nhà này nổi tiếng là người keo
kiệt và thường tỏ thái độ hằn hộc khi có người đến khất thực. Lần đầu tiên, khi
vị tỷ kheo trẻ xuất hiện, người chủ nhà rất tức bực. Anh ta ra lệnh cho vợ con,
và đầy tớ của mình không được cho vị tu sĩ kia bất cứ điều gì –và không được nói
chuyện hay ngay cả nhìn vị tu sĩ đó. Vị tỷ kheo trẻ trở về chùa và không nhận
được đồ khất thực gì từ nhà đó.
Lần thứ hai, khi
vị tu sĩ trở lại gia đình đó cũng thế. Không ai cúng dường cho ông. Không
ai nói chuyện hay ngay cả nhìn ông, nhưng vị tu sĩ này không hề nản chí. Ngày
này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, và năm này
qua năm khác trong suốt bảy năm dài như thế, vị tỷ kheo trẻ vẫn trở lại ngôi
nhà đó.
Sau đó người chủ
nhà mướn một người giúp việc mới. Cô ta không biết gì về quy định không cúng
dường cho vị tu sĩ đó. Một ngày trong năm thứ bảy đó, khi vị tỷ kheo trẻ đến
nhà, cô giúp việc mới nói với ông rằng, “Hãy đi chỗ khác đi. Chúng tôi không có
gì để cúng dường thầy cả.”
Vị tỷ kheo trẻ rất
hoan hỷ vì cuối cùng người ta cũng biết đến sự có mặt của ông. Trên đường
trở về chùa, ông đi ngang qua chỗ người chủ nhà hạ tiện đang cưỡi ngựa về nhà.
Bằng giọng kiêu hãnh, người chủ nhà hỏi, “Này, thầy có nhận được gì từ nhà tôi
không?”
“Thưa có,
cám ơn ông,” vị tu sĩ trả lời. “Hôm nay tôi đã nhận được một thứ.”
Người chủ nhà keo
kiệt kia rất tức giận. Ông ta hối hả trở về nhà, nhảy xuống ngựa, chạy vào nhà,
và hét lớn, “Ai đã cho gì cho kẻ trọc đầu kia? Có ai cho hắn thứ gì
không?”
Mọi người trong
nhà đều trả lời không, nhưng người chủ nhà vẫn không vừa lòng. Ông tra hỏi từng
người. Khi đến lượt cô giúp việc mới, ông hỏi cô, “Cô có cho người ấy thứ gì
không?”
“Không
có, thưa ông,” cô ta trả lời.
“Cô
có nói chuyện với người đó không?”
“Dạ
có.”
“Cô
đã nói gì với hắn?”
“Dạ,
tôi nói, ‘Đi chỗ khác. Chúng tôi không có gì để cúng dường cho thầy cả.’”
Người đàn ông keo
kiệt nghĩ rằng vị tu sĩ đã lừa dối ông. Suy nghĩ này càng khiến ông giận
dữ hơn. Ông nói, “Hãy để kẻ lừa dối đó đến đây ngày mai, ta sẽ trách mắng hắn
vì đã lừa dối ta.”
Ngày hôm sau, vị
tỷ kheo lại xuất hiện ở ngôi nhà đó như thường lệ. Người chủ nhà keo kiệt đi ra
và nói với vị ấy một cách giận dữ, “Hôm qua thầy bảo rằng đã nhận được một thứ
gì đó từ nhà tôi. Tôi đã tra hỏi mọi người. Tôi biết rõ không có ai cho
thầy một thứ gì cả. Thầy đã nói dối với tôi. Thầy cho tôi biết đã nhận được gì
nào.”
“Thưa ngài, trong
bảy năm qua, mỗi ngày tôi đều ghé qua ngôi nhà đẹp đẽ của ngài mà không nhận
được thứ gì. Nhưng hôm qua, một phụ nữ tử tế đã bước ra và nói, ‘Hãy đi đi. Chúng
tôi không có gì để cúng dường cả.’ Đó là những gì tôi đã nhận được từ ngôi nhà
của ngài.”
Người đàn
ông keo kiệt cảm thấy quá xấu hổ. Trong giây phút đó, ông thấy trong ông bùng
lên tia sáng của tình thương và tâm bố thí. Vị tu sĩ này chắc là một vị thánh,
ông suy nghĩ. Vị tu sĩ này đầy lòng biết ơn khi chỉ nhận được những lời từ chối
của người hầu của ta. Ông ta sẽ biết ơn đến chừng nào nếu ông ta nhận được một
ít đồ ăn từ nhà của ta?
Người chủ nhà lập
tức thay đổi quy định, và bảo mọi người trong gia đình ông phải cúng dường thực
phẩm cho vị tu sĩ. Sau đó, vị tỷ kheo vẫn tiếp tục nhận được sự cúng dường từ
gia đình đó. Lòng quyết tâm, sự Chánh Tinh Tấn của ông để duy trì tâm kiên nhẫn
và tâm tích cực cuối cùng đã được đền bù. Đứa trẻ sơ sinh trong gia đình đó sau
này trở thành một vị A La Hán và là một trong những người lãnh đạo Phật giáo
quan trọng nhất vào thời đó. (Mhvs V)
Có thể bạn tự hỏi
tại sao chúng ta phải bỏ nhiều công sức tu tập và lo liệu cho cuộc sống, khi
mọi thứ dầu gì cũng là vô thường và ngay cả các trạng thái tâm cao thượng nhất cũng
dần qua đi. Dĩ nhiên là bạn nói rất đúng. Vạn pháp đều vô thường. Hơn thế nữa,
không có một “cái tôi’ nào luôn hiện hữu để trải nghiệm mọi thứ. Tuy nhiên đau khổ
và hạnh phúc vẫn có mặt. Nếu bạn đụng đến một chú ong và bị chích, bạn không
nghĩ, “tôi” đang đau. Chỉ có tiếng kêu ui! Mặc dù trong giây phút đó, không có
sự nhận thức về ‘cái tôi”, sự đau đớn vẫn có mặt.
Một số người cảm
thấy khó hiểu khi họ nghe về thuyết vô ngã. Họ thường nghĩ rằng để đau khổ có
thể xảy ra thì phải có “một ai đó” chịu khổ đau. Tuy nhiên cách hiểu như thế là
sai lầm. Một khi còn có những chướng ngại nơi thân và tâm, thì không thể tránh
được việc đau khổ có mặt –cho đến khi đạt được giác ngộ. Có lời nói rằng,
Chỉ
có đau khổ phát sinh,
Đau
khổ kéo dài, và đau khổ qua đi.
Không
có gì ngoài sự đau khổ có mặt,
Và
không có gì ngoài sự đau khổ chấm dứt.
(S I.5.10)
Một tà kiến khác
nữa là có ý nghĩ rằng, vì không có ai để cảm nhận đau khổ, thì đau khổ không
quan trọng. Sự thật là dầu ngã có hiện hữu hay không, ta vẫn khổ đau. Có ai thích khổ đau không? Đó có phải là mục đích sống không? Dầu có một cái
ngã hay không, bạn vẫn không muốn phải đau khổ! Do đó, việc bạn có đau khổ hay không,
là một vấn đề rất quan trọng. Chính đau khổ là lý do tại sao, sau khi đạt
được giác ngộ, Đức Phật đã dành trọn cuộc đời còn lại để truyền dạy cho các chúng
sanh khác phương cách thoát khỏi khổ đau. Vì lòng từ bi vô hạn, Đức Phật
đã chỉ bày cho chúng ta những phương cách rèn luyện tâm để thoát khỏi khổ
đau.
Các trạng thái tâm
cao thượng, thanh tịnh và vi tế hơn, tới một lúc nào đó cũng phải qua đi; điều
đó cũng đúng. Đó là lý do tại sao ta cần phải sử dụng tâm thiện mà ta đã vun
trồng được ngay khi chúng còn có mặt trong ta. Tâm thiện là phương tiện
cần thiết để bứng rễ khổ đau, và duy trì được các trạng thái tâm thiện này mang
lại lợi ích dài lâu hơn bất cứ những niềm vui hay giải thoát tạm thời nào. Những
trạng thái tâm thiện hảo, sáng suốt, là nền tảng cho việc phát triển tuệ giác
đối với vô thường, để chúng ta có thể bứng rễ tham, và vô minh một lần và mãi
mãi.
CÁI NHÌN
TOÀN DIỆN
Dùng Chánh Tinh
Tấn để đem tâm ra khỏi các bất thiện pháp và để vun trồng các thiện pháp là một
phần quan trọng trong Bát Chánh Đạo –không kém quan trọng hơn chánh niệm. Tuy nhiên,
ít ai quan tâm đến điều này. Họ thường quên cái nhìn toàn diện, để chỉ
bám vào một số chi tiết hấp dẫn trong Phật giáo. Những người như thế chỉ
hiểu được một phần nào đó của con đường đạo. Họ chỉ lấy đôi ý tưởng họ nghe
được và chấp chặt vào đó, đôi khi đến độ thái quá, để rồi tự thực hiện những việc
không thiện xảo, tự hại mình. Do đó, thay vì trở nên hạnh phúc hơn, họ lại đau
khổ hơn.
Tôi biết một phụ
nữ trẻ, ý thức được tâm tham ẩn chứa trong mọi hành động của mình, nhất là
trong việc ăn uống. Nhưng thay vì trở nên chánh niệm, cô cố gắng đè nén các cảm
xúc của mình. Ở các bữa ăn, cô kiềm chế để không cảm thấy tham ăn. Cô còn cố
gắng để ăn ít hơn nhu cầu và bù đắp bằng các thức uống có chứa protein. Vì thế thay
vào tâm tham bình thường, cô phát triển một sự dị ứng thần kinh và trở nên trầm
cảm. May thay cô được một thiện hữu nhắc nhở cô nên có một cái nhìn toàn
diện và vun trồng các trạng thái tâm thiện. Người bạn hướng dẫn những phương
cách để thoát khỏi sự trầm cảm: đọc sách, đi dã ngoại, làm điều thiện, hay bận
rộn với công việc. Nhưng cô phản ứng quyết liệt, “Tôi không muốn trốn tránh
thực tại!” Làm những gì cần thiết để thoát khỏi gọng kìm của bất thiện pháp
không phải là trốn tránh thực tại. Đó là trốn tránh một nỗi đau lớn hơn.
Nếu cuối cùng bạn
còn tạo thêm nhiều phiền não, khổ đau hơn, thì liệu tất cả mọi cố gắng của bạn
để đi theo con đường của Phật có ý nghĩa gì? Bạn phải luôn quán chiếu về hành
động và hậu quả của những hành đông đó. Bạn phải không ngừng tự vấn, “Ngay giây
phút này tôi đang vun trồng điều gì?”
Một lần kia người
dì của Đức Phật, tỳ kheo ni Maha Pajapati Gotami, xin Đức Phật cho bà những lời
khuyên ngắn để hướng dẫn sự tu tập của bà. Đức Phật dạy bà hãy làm bất cứ gì bà
biết từ kinh nghiệm bản thân, từ sự hiểu biết thông thường, từ những đức tính
nơi bà. Đức Phật dạy những việc cần làm phải đưa đến:
• không tham
ái
• không vướng
mắc
• buông bỏ (các
nhân của khổ đau), không chấp chứa
• thiểu dục,
không ham muốn nhiều
• tự tại, không
bất mãn
• độc cư an
tịnh, không tụ họp, đàn đúm
• tinh tấn,
không lười nhác
• dễ được hỗ
trợ, không đòi hỏi, lựa chọn
(A IV (Tám) VI.3)
Những điều kể trên
là một bảng hướng dẫn tiện ích để đảm bảo rằng các nỗ lực của ta phù hợp với
giáo lý nói chung.
Đây là một nguyên
tắc khác mà ta có thể dùng để đánh giá sự nỗ lực của mình. Như Đức Phật đã
tuyên thuyết, lời dạy cốt yếu của tất cả chư Phật luôn là, “Làm điều thiện,
không làm điều ác, và thanh tịnh tâm.” (Dh 183)
CHÁNH NIỆM
VỀ CHÁNH TINH TẤN
Khi tâm bị uế
nhiễm bởi các bất thiện pháp, thì việc hành thiền rất khó khăn. Một số hành giả
khi ngồi tọa thiền, không thể nào giữ được yên tĩnh. Họ cựa quậy, ho, gãi,
xoay trở, quay bên này, bên kia, theo dõi các thiền sinh khác, hay thường thay
đổi thế ngồi. Số khác thì lại hay ngáp và họ cảm thấy không thể nào tĩnh
thức. Những người có thói hay sân giận, có thể cảm thấy bất mãn, phàn nàn trong
tâm khi họ cố gắng để thiền. Người khác nữa lại có thể bị chế ngự bởi ái dục,
hay nghi hoặc.
Qua bao năm tu
tập, thiền giả đã phát triển được những phương cách được coi như là có năng lực
đặc biệt để chế ngự các chướng ngại cản trở việc thực hành thiền chánh niệm.
• Khi ái dục quấy nhiễu tâm ta, hãy mổ sẻ đối tượng của ái dục trong tâm. Thí dụ nếu bạn đang thèm một miếng bánh chocolate. Hãy nhắc nhở bản thân rằng miếng bánh đó được tạo nên bởi nhiều yếu tố và nó sẽ bị hư hoại. Sau khi ăn, nó sẽ trở thành gì. Hãy cứ quán tưởng những điều này cho đến khi lòng ham muốn của bạn không còn nữa. Phương thức này cũng hữu hiệu nếu đối tượng của lòng ham muốn của bạn là một con người. Hãy tưởng đến những thành phần cấu tạo của thân –xương, ruột và các nội tạng khác, máu mủ và các chất lỏng khác trong thân. Hãy cứ quán tưởng những điều này, hay thử hình dung xem người đó sẽ như thế nào nếu là một bộ xương khô, cho đến khi lòng ham muốn của bạn qua đi. Nhưng nếu phương pháp này lại làm tăng thêm lòng ham muốn của bạn, thì phải dừng ngay lập tức và chú tâm vào hơi thở.
• Khi sân nổi lên, ứng dụng những cách đối trị mà chúng ta đã bàn qua, như là ý thức về tâm sân của ta, nhận biết tính chất vô thường của mọi cảm thọ, quán chiếu về những lợi ích của lòng kiên nhẫn, hãy tự lý giải để có một cái nhìn khác, và vun trồng tình cảm thương yêu.
• Khi hôn trầm hay buồn ngủ kéo đến, hãy hình dung ra một nguồn ánh sáng chói lọi. Nếu không thành công, hãy thử những cách sau đây: kéo lỗ tai, mở to mắt ra, đảo mắt trong vài giây, và nhắm mắt trở lại. Hãy hít vào thật sâu và giữ lại càng lâu càng tốt, sau đó thở ra chậm rãi; nếu cần, lặp lại hành động này vài lần, cho đến khi mạch tim đập mạnh, và bạn có thể đổ mồ hôi. Không nhắm kín mắt. Đứng dậy và thực hành thiền đứng, hay thiền hành. Rửa mặt với nước lạnh. Nếu không có điều gì hữu hiệu, thì hãy đi ngủ.
• Khi trạo cử hay lo âu phát khởi, quán chiếu về trạng thái tĩnh lặng, thanh tịnh, hay bình an. Đem tâm trở về với hơi thở và trụ vào đó. Hít thở sâu và cảm nhận hơi thở ở mũi, vào trong thân. Hãy thở một hơi thở nữa. Hướng sự chú tâm đến phần mông hay lòng bàn chân và cảm nhận sức nặng của thân.
• Khi nghi phát
khởi, hãy quán chiếu về sự giác ngộ của Đức Phật, về tính chất vô thời hạn của
Phật pháp và sự đạt được giác ngộ của các đệ tử của Đức Phật. Nếu bạn đắm
chìm trong một suy tưởng nào đó, hãy buông bỏ việc làm vô ích đó và quán tưởng
đến một khía cạnh nào đó trong giáo lý của Đức Phật. Chú trọng vào những
gì bạn biết là đúng về vô thường, về khổ đau, về sự không có khả năng làm chủ
được bất cứ điều gì. Hãy chú tâm vào giây phút hiện tại.
Khi tâm ái dục đã
qua đi, bạn cảm thấy như mình đã trả được một món nợ. Khi sân hận đã tàn lụi,
bạn cảm thấy như vừa thoát khỏi một căn bệnh. Khi cơn buồn ngủ không còn, bạn
cảm thấy như được giải thoát khỏi ngục tù. Khi trạo hối hoại diệt, bạn cảm thấy
như được giải thoát khỏi kiếp nô lệ. Và khi tâm nghi hoặc không còn nữa, bạn
cảm thấy như đã đến được một nơi an toàn, chắc chắn, không còn lạc lối giữa sa
mạc.
Không những bạn
cảm thấy hạnh phúc ngay giây phút tâm bất thiện biến mất, mà cả sau này khi bạn
nghĩ đến sự vắng mặt của chúng. Khi nhớ đến bao khổ đau mà các chướng ngại và
kiết sử đã mang đến cho bạn trong quá khứ, bạn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc khi
nhận ra rằng chúng không phiền nhiễu bạn nữa. Tâm bạn thư thái, thanh
tịnh. Bạn đã đi tìm trạng thái tâm này. Giờ bạn đã đạt được, và bạn rất hạnh
phúc.
Khi các tâm
hành ác đã mờ nhạt, tâm sẵn sàng để vun trồng các tư tưởng tích cực. Khi tâm
hành thiện phát sinh trong lúc tọa thiền, hãy quán sát chúng một cách đầy chánh
niệm mà không bám víu vào chúng. Những tâm thiện cần được vun trồng, tưới tắm
trong thiền quán bao gồm tình thương yêu, bi mẫn, hỷ, xả, sự thông cảm, chịu
đựng, hòa nhã, kiên nhẫn và phục vụ đối với tất cả mọi chúng sanh. Khi các tâm
hành thiện này qua đi, hãy nỗ lực để vun trồng chúng trở lại, hãy nhớ lý do
trước hết tại sao chúng có mặt. Nguốn gốc của mọi thiện pháp đều ở
trong tâm ta. Chỉ là chúng thường bị các hoàn cảnh tiêu cực che lấp.
Dùng Chánh Tinh
Tấn để ngăn cản, chế ngự các tâm hành bất thiện, và để vun trồng, duy trì tâm
hành thiện thì cũng giống như ta đang leo núi. Trước khi bắt đầu vào cuộc, ta
phải cẩn thận để tránh những vấn đề phát sinh trên đường. Ta phải chắc rằng cơ
thể và tâm lý ta thích hợp cho hành động này. Ta cần mang theo một ít thuốc
phòng trường hợp bị bệnh bất thình lình. Ta phải mang giày thể thao, mang theo
dây, gậy, thức ăn, nước uống, và y phục thích hợp. Những phương tiện này thì
cũng giống như Chánh Tinh Tấn để ngăn trở các trạng thái tâm tiêu cực không
phát sinh.
Mặc dầu đã chuẩn
bị chu đáo như thế, vẫn sẽ có vấn đề xảy ra. Khi đói khát, ta dừng lại để ăn
uống; khi cần đi nhà vệ sinh, ta cũng làm thế. Khi mỏi mệt, ta nghỉ ngơi. Khi
bị sốt cao, ta phải uống thuốc đã mang theo người. Những hành động này thì
giống như là cách ta chế ngự các tâm hành bất thiện khi chúng phát sinh.
Ta duy trì năng
lượng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, uống nhiều nước, và tránh làm việc
gì quá độ. Các hoạt động tích cực này cũng giống như là vun trồng các thiện
pháp.
Sau muôn vàn khó
khăn, ta cũng lên đến đỉnh, ta cảm thấy thật sự giải thoát, vui mừng, hài
lòng. Ta vui mừng vì đã đạt được mục đích của mình, với nhiều nỗ lực. Ta có
thể nói, “ Tôi rất mừng là mọi việc đã qua rồi” hay “Tôi rất mừng là tôi đã có
thể chiến thắng được mọi chướng ngại.” Tương tự, khi bạn vun trồng thiện pháp
và duy trì được chúng, bạn vui mừng vì cuộc chiến đấu của mình đã kết thúc và
bạn sẽ không bao giờ phải chiến đấu với bất thiện pháp nữa. Chánh Tinh Tấn có
thể mang đến niềm vui như thế đó.
Khi ta nỗ lực để
đạt được hạnh phúc, là nó đã có mặt. Hãy nhớ đến mục đích của mình, và đừng bao
giờ lơ là tinh tấn cho đến khi ta đạt được hạnh phúc tuyệt đối. Hãy tự
nhủ:
Hạnh
phúc thay ta được sống an ổn giữa những oán thù.
Giữa
những kẻ hung ác, ta không có oán thù.
Hạnh
phúc thay ta được sống (với tâm) không bệnh giữa những bệnh tật.
Giữa
những người đau yếu, ta thoát khỏi bệnh hoạn.
Hạnh
phúc thay ta sống không tham đắm giữa bao ham muốn.
Giữa
những kẻ san tham, chúng ta thoát khỏi san tham.
(Dh
197-199) [Tỳ kheo Bhikkhu Buddharakkhita])
TÓM LƯỢC VỀ CHÁNH TINH TẤN
• Chánh Tinh Tấn rất quan trọng trong việc phát triển tâm linh, dầu ít được nhấn mạnh đến.
• Chánh Tinh Tấn có bốn (Tứ chánh cần) : Ngăn cản tâm bất thiện sanh khởi, chế ngự tâm bất thiện nếu đã sanh khởi, vun trồng tâm thiện, và duy trì tâm thiện.
• Kiết sử là những khuynh hướng bất thiện đã hằn sâu trong tâm, sanh khởi do tham và khiến những người bị uế nhiễm sống trong đau khổ. Mười kiết sử là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, ước muốn được tái sinh trong cõi sắc giới, ước muốn được tái sinh trong cõi vô sắc giới, kiêu mạn, trạo hối, và vô minh.
• Chướng ngại là biểu hiện của kiết sử dưới dạng thô tháo, cao độ. Ta cần sử dụng Chánh Tinh Tấn để kiềm chế và điều phục năm chướng ngại là: tham, sân, thùy miên hôn trầm, trạo cử lo âu và nghi.
• Các phương cách để chế ngự một chướng ngại là: đừng chủ ý đến nó, hướng sự chú tâm đến chỗ khác, thay thế chướng ngại bằng một đặc tính trái ngược với nó, tự lý giải, và cuối cùng, nếu tất cả mọi các cách đều thất bại, thì phải hủy diệt nó với tất cả sức lực của mình.
• Ta chỉ có thể đè nén được các kiết sử, nếu không thể hủy diệt chúng. Các kiết sử có thể bị làm yếu đi bằng tâm chánh niệm và định; hay sự phát triển của các đặc tính đối nghịch với chúng cũng sẽ làm chúng yếu hơn nhiều. Khi các kiết sử cuối cùng bị phá vỡ, là ta đạt được giác ngộ.
• Duy trì chánh niệm để ngăn cản tâm bất thiện phát sinh. Chánh niệm được phát triển qua giới luật, sự thực hành chánh niệm, tri giác, kiên nhẫn, và nỗ lực.
• Để chế ngự tâm bất thiện đã sanh khởi, chỉ nhận biết chúng.
• Nếu ta không thể nhận diện được tâm bất thiện một cách nhanh chóng, thì chúng sẽ tích lũy thêm sức mạnh; lúc đó, ta phải buông bỏ tất cả, để dồn mọi sự chú tâm vào chúng. Cố gắng quán chiếu về sự nguy hại mà chúng có thể mang đến và tính vô thường của bất cứ nhân duyên gì đã phát sinh ra chúng, hay thay thế chúng với các tâm thiện.
• Khi tâm bất thiện đã qua đi, hãy vun trồng tâm thiện bằng cách hồi tưởng lại các tâm thiện này hữu ích như thế nào và bằng cách chủ tâm tạo ra các tâm về tình thương, kiên định, bi mẫn, vân vân. Hãy sử dụng bất cứ phương pháp nào ta biết để phát triển tâm thiện.
• Đừng lạc vào trong các chi tiết của việc thực hành mà quên đi cái nhìn toàn diện. Phải luôn đảm bảo rằng sự nỗ lực của ta thực sự mang lại nhiều thiện pháp hơn.
• Hãy điều chỉnh cách sống để hỗ trợ cho việc duy trì thiện pháp, nên làm những việc như là kết bạn với thiện hữu tri thức, học hỏi, tham khảo kinh sách Phật.
Không có chánh
niệm mạnh mẽ, tâm ta sẽ nhanh chóng trở về với những thói quen cũ; do đó ta
phải luôn nỗ lực duy trì tâm thiện hầu giúp ta được hạnh phúc.