- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
181. TẠI SAO CÁC THIỀN SƯ TRẢ LỜI BẰNG GiỌNG KHÓ ƯA?
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Tại sao các Thiền sư không buồn giải thích cho người hỏi những vấn đề cho thấy thực sự làm phiền họ? Thay vào đó các sư trả lời bằng giọng khinh xuất hay gắt gỏng khó ưa?
Lão sư:
- Nếu anh đang đói mà tôi chỉ cho anh tờ thực đơn, anh có thỏa mãn không?
Nguời hỏi:
- Dĩ nhiên là không. Sao lão sư hỏi vậy?
Lão sư:
- Mọi giải thích dù chi tiết và vi tế đến đâu đều là nhìn từ một khía cạnh nhỏ mà ở đó có những chiều hướng vô hạn. Đó tôi lại thêm cho anh một cái đầu vào cái đầu anh đã có sẵn.
Người hỏi:
- Thấy chưa, đấy đúng là những gì tôi muốn nói là khó ưa.
Lão sư:
- Chắc là anh đang đùa.
Người hỏi:
- Không, tôi nghiêm chỉnh mà.
Lão sư:
- Có lần một đệ tử hỏi thầy, “Phật là gì?” Sư đáp, “Ông là ai?” Anh cho đó là câu trả lời khó ưa?
Người hỏi:
- Hẳn rồi.
Lão sư:
- Giả sử tôi bảo anh rằng người đệ tử đã ngộ trong vấn đáp này. Anh vẫn còn tìm thấy lỗi nơi câu trả lời?
Người hỏi:
- Phải. Không những chỉ lời nói mà còn cả giọng điệu của lão sư nữa--tôi cho là nó phản ảnh giọng điệu của Thiền sư--khiến nó thành câu trả lời khó ưa. Thiền sư có thể diễn đạt ý của ông ta bằng cách khác dễ thương hơn nếu ông ta muốn tỏ ra lịch sự.
Lão sư [vung tay lên cười]:
- Thiền chẳng phải cho anh, anh bạn ơi!
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Nếu tôi không hiểu lầm, tôi nghĩ lão sư đã dẫn lời Phật khi nói rằng không có gì hiện hữu.
Lão sư:
- Anh không nắm được trọn vẹn. Tôi đã dẫn lời Phật khi nói rằng sự vật chẳng phải có cũng chẳng phải không. Đó hoàn toàn khác với điều anh vừa nói.
Người hỏi:
- Được rồi, tôi chịu sửa sai. Nhưng nếu sự vật chẳng phải có cũng chẳng phải không, vậy cái gì là thực, cái gì thực sự có?
Lão sư:
- Xin hãy bước lên đây.
[Người hỏi bước lên sàn. Lão sư nghiêng qua thì thầm vào tai anh ta. Cả hai cười và bắt tay nhau]
Chỉ cái đó là thực sự có.
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
183.
THẾ NÀO LÀ PHẬT TÂM?
Một hôm, có ông tăng hỏi Thiền sư Đạo Hạnh (tịch năm 1115):
- Đi, đứng, nằm, ngồi đều là Phật tâm, thế nào là Phật tâm?
Sư nói kệ đáp:
Có thì có tự mảy may,
Không thì đến cả thế gian này cũng không.
Ví như bóng nguyệt lòng sông,
Ai hay không có, có không là gì.
Sư lại tiếp:
Nhật nguyệt tự đầu non,
Người người tự mất châu.
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh,
Bộ hành chẳng ngồi xe.
(Thiền Sư Việt Nam)
184. KHÔNG CÓ THIỀN SƯ
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Câu hỏi này không có ý thô lỗ, nhưng lão sư có thể cho chúng tôi biết một vị sư hay Thiền sư có những phẩm chất như thế nào?
Lão sư:
- Tôi không phải là Thiền sư, càng chẳng phải là một vị sư, nên tôi không biết.
Người hỏi:
- Nếu chẳng phải dạy thì lão sư đang làm gì bây giờ?
Lão sư:
- Thực ra người ta có thể dạy gì cho ai không? Nghĩ như vậy có thể xem là lừa gạt đó.
Người hỏi:
- Lão sư đang làm việc ấy có vẻ hay lắm.
Lão sư:
- Trong sách Vô Môn Quan có câu kệ nói rằng:
Chưa bước chân đi đã đến rồi,
Môi chưa hé động mà lời đã xong.
Hiểu không?
Người hỏi:
- Không. Câu đó có nghĩa là gì?
Lão sư:
- Nếu không có gì ở bên ngoài ta, có chỗ nào để đi, có gì để hiểu?
Người hỏi:
- Nhưng không phải lão sư dạy các đệ tử của mình tại trung tâm ở Rochester sao ?
Lão sư:
- Tôi chỉ chia sẻ những gì tôi nghiêm túc làm cho chính mình.
Ngừời hỏi:
- Còn các vị thầy của lão sư thì sao? Trong cuốn Ba Trụ Thiền, lão sư nói rằng lão sư coi ba Thiền sư là ba vị thầy của mình. Họ không dạy gì cho lão sư sao? Lão sư đã ở lại với họ, tôi nghĩ là mười ba năm. Lão sư ắt phải cảm thấy mình học được cái gì đó mới ở lâu như vậy.
Lão sư:
- Nếu tôi có học được điều gì nơi họ thì đó chính là không có gì để học. Như vậy tôi đâu có học, tôi không học. Tôi chẳng được, tôi đã mất--một lô những hỗn loạn tâm trí, những quan niệm hư ngụy.
Người hỏi:
- Tôi vẫn không hiểu tại sao lão sư bảo mình chẳng phải là thầy.
Lão sư:
- Câu chuyện sau đây có thể giúp anh hiểu. Một Thiền sư danh tiếng có lần nói với các đệ tử, “Tất cả các ông toàn là lũ ăn hèm; nếu cứ đi quanh quẩn như thế này, bao giờ mới đến đó? Các ông không biết cả nước Tàu này chẳng có Thiền sư?”
Một ông tăng hỏi, “Sao hòa thượng nói chẳng có Thiền sư trong khi có cả ngàn tăng nhân ở vô số chùa?”
“Tôi chẳng nói không có Thiền, chỉ là không có sư.”
Người hỏi:
- Đó có phải là một công án?
Lão sư:
- Phải, của anh đó!
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
185. THIỀN ĐỊNH SIÊU VIỆT: AI SIÊU VIỆT CÁI GÌ?
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Lão sư nghĩ thế nào về Thiền Định Siêu Việt [Transcendental Meditation]?
Lão sư:
- Anh có tập Thiền Định Siêu Việt không?
Người hỏi:
- Tôi quan tâm đến nó.
Lão sư:
- Cho đến giờ, nó như thế là được--duy có điều nó chẳng đi được xa lắm.
Người hỏi:
- Có thể đi đến ngộ bằng Thiền Định Siêu Việt không?
[Lão sư mỉm cười]
Người thứ hai nói:
- Tôi đọc trong tạp chí Khoa học [Science, January 1976] nói rằng một nhóm các nhà tâm lý học của viện Đại học Washington ở Seattle đã làm thí ngiệm với năm thiền giả, bốn trong số năm người đó là những người dạy Thiền Định Siêu Việt, và họ thấy rằng trong khoảng nửa thời gian thiền định các thiền giả đều ngủ cả, chẳng phải thiền định.
Người thứ ba [hướng về người thư nhì] :
- Một thí nghiệm đơn độc có thể kết luận được sao? Những thí nghiệm khác cho thấy giá trị của Thiền Định Siêu Việt. Dù sao anh ngủ gục trong lúc thiền định là vì cơ thể anh cần ngủ.
Lão sư:
- Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng tại sao nó cần ngủ?
Người thứ ba:
- Bởi vì mệt mỏi.
Lão sư:
- Tại sao anh trở nên mệt mỏi và buồn ngủ? Thường là vì mắt nhắm và không ngồi trong tư thế ổn định, thẳng đứng, không thở đúng cách, không sử dụng tâm đúng. Ngồi đúng cách, thiền định làm ta tươi trẻ lại, không làm ta kiệt sức. Tâm trở nên bén như dao cạo, với cảm giác trực thức cao độ. Thân nặng nề, mềm nhão làm tâm đù đờ, buồn ngủ. Nói tôi nghe, anh đã thực hành Thiền Định Siêu Việt bao lâu rồi?
Người thứ ba:
- Khoảng một năm.
Lão sư:
- Vậy thì anh có thể trả lời câu hỏi này: Trong Thiền Định Siêu Việt, ai siêu việt cái gì?
[Không trả lời]
(Thiền: Đông Tây
Hợp Lưu)
186. MÁY ĐIỀU KHIỂN TÂM SINH LÝ: THIỀN ĐIỆN TỬ?
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Lão sư có biết loại máy điều khiển tâm sinh lý không [Biofeedback machines]? Tôi nghe người ta gọi nó là “Thiền điện tử.” Loại máy ấy tác dụng như thế nào?
Lão sư:
- Khái niệm về máy điều khiển tâm sinh lý, theo những người bảo trợ nó, là dạy người ta ý thức về các kiểu sóng não của mình bằng cách quan sát chúng trên sơ đồ hoặc nghe chúng được chuyển dịch thành âm thanh, bằng cách này, biết làm sao phát ra các nhịp sóng alpha theo ý muốn, được bảo là có tính chất thư thái và an tĩnh. Nhưng các làn sóng alpha có gì đặc biệt? Chúng ta biết rằng các làn sóng alpha sản sinh trong bất cứ hoàn cảnh thông thường nào: nghe nhạc gợi cảm hoặc bất cứ sinh hoạt nào khác bám lấy anh. Nhưng Thiền còn hơn sự sản sinh ra các làn sóng alpha nhiều. Nếu anh trở nên nghiêm chỉnh dấn thân vào Thiền, anh sẽ kinh nghiệm một sự chuyển hóa và thanh tẩy toàn triệt toàn bộ con người anh.
Người hỏi:
- Trong giờ giải lao tôi có nói chuyện với một môn sinh của lão sư về máy điều khiển tâm sinh lý. Anh ấy nói lão sư đã có kinh nghiệm lý thú với loại máy này. Lão sư có vui lòng cho chúng nghe không?
Lão sư [ngần ngừ]:
- Chuyện xảy ra khá lâu rồi.
Người hỏi:
- Chúng tôi không thể nghe được sao?
Lão sư:
- Được rồi, chuyện ấy xảy ra tại một hội nghị quốc gia của Hội Tâm Lý Học Nhân Đạo ở Florida, tôi được mời tổ chức một cuộc hội thảo về Thiền. Một trong những môn sinh của tôi, một nhà tâm lý bệnh học, nói rằng anh ta có người bạn thân là một kỹ sư rất thích tôi trắc nghiệm chiếc máy điều khiển tâm sinh lý do anh bạn thiết kế vừa mới đưa ra thị trường. Vì thế chúng tôi đến một căn phòng riêng, ở đó đã có khoản mười hay mười lăm người đang chờ xem trắc nghiệm. Thiết bị nhỏ cỡ vừa bàn tay và bán, tôi nghĩ chừng hai trăm đô la.
Họ đeo chiếc đai da, có gắn những điện cực, quanh đầu tôi và gắn vào người tôi. Rồi họ đeo thêm ống nghe vào tai tôi. Tôi liền nghe tiếng, “bíp, bíp,” ban đầu thình lình, sau đó thấp đều. Tôi đi vào một trạng giống như nhập định, rồi kế đó tôi nghe giọng cảm thán, “Tại sao, ông ta đã ra khỏi máy! Trước đây chưa bao giờ xảy ra như vậy.” Sau khi tháo gỡ tôi ra, anh kỹ sư và những người phụ tá tỏ vẻ buồn bã, nói: “Hãy trở lại với bàn vẽ vậy!”
Tôi do dự kể chuyện này bởi vì nghe có vẻ khoa trương, nhưng những gì xảy ra với tôi chẳng có gì phi thường--nó có thể xảy ra với bất cứ một hành giả thiền định nào có kinh nghiệm, và thực tế đã xảy với một người khác đã trắc nghiệm tôi.
Người hỏi:
- Lão sư có cảm thấy thư thái không?
Lão sư:
- Hẳn rồi, nhưng sau khi ngồi hai vài ba chục phút, ai chẳng cảm thấy như vậy? Với tọa thiền anh có thể đạt được thư thái và còn hơn xa nữa--mà chẳng phải tốn hai trăm đô la cho cái máy đồ chơi. Đồ chơi dành cho con nít chẳng phải cho người lớn!
Người thứ hai nói:
- Tôi đọc ở đâu đó nói rằng sự phản xạ làn sóng não chỉ trong vài tuần hay một tháng sẽ mang lại kết quả tương tương đòi hỏi nhiều năm nỗ lực trong Thiền.
Lão sư [cười]:
- Chắc là anh đùa chứ gì! Quả quyết rằng sự thức tỉnh tâm linh và chuyển hóa nhân cách tất cả được hoàn tất --nói vắn tắt--một cách đơn giản là chỉ cần mang cái máy ấy vào thì thật là ngây thơ đến buồn cười. Dù cho mang vào một lúc có thể làm cho người ta dễ đi vào thư thái, cũng khó mà đem lại được yên tĩnh sâu xa hay an tâm lâu dài; nó không trả lời được những vấn đề nền tảng của tồn sinh; nó không chuyển hóa được cuộc sống con người; sự giác ngộ trong Thiền làm được tất cả.
Cùng một cách thức ấy, một nhà tâm lý học đã chứng minh một cái máy điều khiển tâm sinh lý cỡ lớn chủ ý dùng cho những bệnh nhân được điều trị ở bệnh viện hoặc bệnh nằm liệt giường, giúp giảm huyết áp cao hoặc các chứng bệnh khác. Dường như đó là cách dùng có giá trị của máy điều khiển tâm sinh lý.
Có người gửi cho tôi một bài báo viết về các loại máy điều khiển tâm sinh lý dẫn lời bác sĩ Frederick Gibbs, thuộc viện Đại học Y khoa Illinois, nói rằng cái “cao” của máy điều khiển tâm sinh lý bằng sóng alpha là sự “thủ dâm trí não”--thực là một diễn đạt thích đáng. Một người đều đặn mang cái máy để được thư thái sẽ mất khả năng hành động bằng các nguồn năng lực sâu nhất của mình và thay vì làm chủ cái máy lại trở thành tên nô lệ của nó. Đấy không phải là Thiền. Thiền phát triển sự tự do, không phải phát triển sự tùy thuộc thần kinh loạn.
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
187. TÔI CÓ THỂ VỪA TU THIỀN VỪA LÀ MỘT TÍN ĐỒ DO THÁI GIÁO HAY KY-TÔ GIÁO TỐT KHÔNG?
Có người hỏi lão sư kapkeau:
- Tôi là một tín đồ Do thái giáo và tôi hãnh diện điều đó. Tôi có thể vừa tu Thiền vừa là tín đồ Do thái giáo tốt không?
Lão sư:
- Trước khi làm tín đồ Do Thái giáo, anh là gì?
Người hỏi:
- Tôi không biết.
Lão sư:
- Hãy tìm xem! Rồi anh sẽ thấy cái tính Do Thái trong tâm trí anh không còn cao tột nữa.
Người hỏi:
- Tìm bằng cách nào?
Lão sư:
- Hãy tự hỏi ngày đêm với khát vọng muốn biết và tin quyết rằng mình có thể biết. Hãy học sống theo cách con cá bơi, con chim bay - không biết có ta. Hãy tỉnh táo và nhạy bén. Cái gì tay phải tìm được thì tay trái cũng dự vào. Tránh những phán quyết không cần thiết. Hãy khiêm tốn và không võ đoán; chỉ đưa ý kiến khi nào có người hỏi. Hãy quên điều tốt mình làm và sám hối điều xấu. Phải luôn luôn liên hệ kết quả với nguyên nhân gây ra nó.
Người hỏi:
- Là một tín đồ Do Thái, tôi thể làm tất cả những điều ấy không?
Lão sư:
-Nếu anh làm được thì tốt. Nếu không. . .
Có người khác hỏi:
- Tôi có thể vừa tu Thiền vừa là một tín đồ Ky-tô giáo tốt không?
Lão sư:
- Nếu chỉ tu Thiền thì anh có thể, còn nếu tu Thiền Phật giáo thì không.
Người hỏi:
- Tại sao không?
Lão sư:
- Tu Thiền Phật giáo có nghĩa là vượt qua cái ta của anh, vượt qua cái ta có nghĩa là quên cái ta. Khi điều đó xảy ra, anh chẳng phải là tín đồ Ky-tô giáo tốt cũng chẳng một Phật tử Thiền tốt.
Người hỏi:
- Vậy tôi là cái gì?
Lão sư:
- Phải, vậy anh là cái gì?
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
188. THẾ NÀO LÀ NGỘ?
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Ngộ là gì?
Lão sư:
- Khi có người hỏi một Thiền sư, “Thế nào Phật pháp?” Sư đáp, “Tôi không hiểu Phật pháp.” Còn tôi, tôi không hiểu ngộ.
Người hỏi:
- Nếu lão sư không hiểu, ai hiểu?
Lão sư:
-Sao anh không hỏi người nào nói, “Tôi ngộ rồi?”
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
189. LÃO SƯ ĐÃ NGỘ CHƯA?
Có người hỏi lão sư Kapleau:
- Lão sư đã ngộ chưa?
Lão sư:
- Nếu tôi nói, “Tôi ngộ rồi,” trong các anh có người biết sẽ buồn nôn mà bỏ đi. Nếu tôi nói, “Tôi chưa ngộ,” trong các anh có người hiểu lầm sẽ thất vọng bỏ đi.
Vậy . . .
(Thiền: Đông Tây Hợp Lưu)
190. NGỘ GIỐNG CÁI GÌ?
Vào thời nhà Nguyễn, Đăng Long Hầu biên thơ sai người đem tới hòa thượng Thạch Liêm ở chùa Thiên Mụ (Huế), hỏi: “Thiền đạo là giống gì? Giác ngộ là lý làm sao?”
Sau đây là đoạn trích từ bức thư sư viết trả lời:
Đến như nói một chữ “ngộ” (biết, giác ngộ). Ví dụ: Như người kia có việc sinh tử tương quan đến người khác, hẹn nhau đến chỗ nào đó, thương lượng, mới có thể ổn thỏa được. Đương lúc mới mờ mờ sáng, ngủ dậy rửa mặt chải đầu, lấy bít tất mang vào, trong lúc bối rối cấp bách, mang bít tất vào một chân rồi, còn một chiếc nữa chưa thấy; bèn tìm khắp trong tủ rương, lục soát hết các gian buồng, dưới giường trên vách, không chỗ nào không tìm, tìm đâu cũng chẳng thấy; tức quá ngồi lại suy nghĩ. Nghĩ mãi nghĩ hoài, moi óc nghĩ đến chỗ sâu sắc, vẫn nghĩ chẳng ra. Bỗng cúi đầu ngó xuống, thấy hai chiếc tất mang vào một chân! Bèn lột ra mang qua chân khác và vô cùng khoan khoái. Mới biết chiếc tất ngay ở chân mình, biết (ngộ) thì cũng dễ dàng như thế. Cho nên người ta bảo rằng:
Giày sắt bước mòn tìm chẳng thấy,
Tìm ra chẳng phí chút công phu.
(Thiền Sư Việt Nam)