- 01. Thời niên thiếu
- 02. Du phương tầm đạo
- 03. Tìm ra chân lý
- 04. Tinh tấn theo lời Phật dạy
- 05. Những bậc Thanh-văn xuất sắc
- 06. Những đóng góp của hai vị Đại đệ tử
- 07. Thần thông của ngài Mahà Moggallàna
- 08. Tiền kiếp của ngài Mahà Moggallàna
- 09. Những ngày cuối cùng của Mahà Moggallàna
- 10. Kết thúc cuộc đời
Cuộc đời tôn giả Mục Kiền Liên
2- DU PHƯƠNG TẦM ĐẠO
Một trùng hợp kỳ lạ là khi ấy Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) vâng lời vua cha cưới vợ, tức Ngài bước sang giai đoạn thứ hai của kiếp chót làm người.
Kolita và Upatissa bỏ lại sau lưng sự hưởng thụ thế gian để bắt đầu cuộc đời du sĩ thanh tịnh nội tâm và tìm đạo giải thoát. Cùng với hai nhóm tùy tùng, họ đã mở ra một giai đoạn đem mình tu luyện dưới sự chỉ dạy của một số Tôn sư. Tương tự như đức Bồ-tát đã làm sau đó với năm vị Kiều-trần-như (Panca Kondanna), trước khi Ngài đắc đạo thành Phật.
Thuở ấy, ở cổ Ấn Độ có nhiều Giáo chủ nêu lên nhiều triết học khác nhau. Một số chủ trương hẳn thuyết vô đạo đức (đạo đức là sự vô ích) một số khác đề cao thuyết Định mệnh, và một số khác truyền bá tư tưởng Duy vật.
Đôi bạn Kolita và Upatissa nhận thấy sự sai lầm của những giáo thuyết như thế, nên chẳng bao lâu đã không màng để tâm nghiên cứu nữa.
Tuy nhiên, tại Vương Xá thành (Rajagaha), có một Giáo chủ tương đối đáng học hỏi. Ông tên là Sanõjaya. Theo lịch sử Ấn Độ thì ông chính là Sanõjaya Belatthaputta được ghi trong Kinh điển Phật giáo, tức là một trong sáu vị Giáo chủ lớn nhất đương thời (còn gọi là Lục sư) ngoại trừ Đức Phật.
Đôi bạn Kolita và Upatissa đã dẫn hai nhóm tùy tùng đến thọ giáo với ông ta và làm cho danh tiếng của Sanõjaya trở thành vang dội.
Triết học của Sanõjaya là gì, sử sách và Kinh điển không ghi rõ. Khi khảo cứu chúng ta chỉ thấy một số tư tưởng căn bản của Sanõjaya được nhắc lại, mà đối với trí thức Ấn Độ thuở bấy giờ, có thể gọi là đầy đủ để giúp họ hiểu thấu trọng tâm thuyết lý Sanõjaya.
Không như các Giáo chủ khác, những người đã nêu lên một số lý thuyết và tín điều nhất định về một số vấn đề làm tiêu chuẩn, Sanõjaya giảng dạy cái mà ông gọi là “Những biện chứng sâu xa nhất” bằng một phương pháp dễ hiểu hơn.
Ông dựa vào bốn câu hỏi:
1- Có một thế giới khác ngoài cái thế gian phàm tình hay không?
2- Sau khi tan rã xác thân, một người có thể tự động sanh ra ở một kiếp mới nhờ tâm hồn trong sạch không?
3- Bất cứ hành động nào, xấu hay tốt mà con người đã làm trong kiếp sống này có mang lại hậu quả gì trong kiếp sau không? Nếu có thì sự thưởng phạt sẽ như thế nào và số phận của những người ấy sẽ tiếp tục ra sao?
4- Một bậc đã hoàn toàn trong sạch, sau khi chết sẽ trở thành cái gì? Làm sao có thể chứng minh được trạng thái vĩnh viễn của một bậc hoàn toàn trong sạch?
Hễ khi một trong những câu hỏi như thế được các tư tưởng gia cổ Ấn Độ đặt ra là Sanõjaya liền đáp lại bằng một trong bốn cách trả lời sau đây:
* Xác nhận.
* Phủ nhận.
* Một phần xác nhận một phần phủ nhận.
* Không xác nhận cũng không phủ nhận.
Tuy nhiên, Giáo chủ Sanõjaya còn bổ túc thêm rằng: “Đối với những câu hỏi như thế một trong bốn cách trả lời của ông, không có cách nào được xem là giải pháp xứng đáng, vì những câu hỏi như vậy là những câu hỏi hàm chứa mâu thuẫn hai chiều không thể giải quyết được (Nhị nguyên mâu thuẫn). Do đó, tốt hơn một học giả chớ nên phán xét về những vấn đề như thế”.
Ở đây chúng ta có thể để ý rằng bốn luận cứ ngụy biện “Tương ứng nghịch lý” (hay Nhị nguyên mâu thuẫn) tìm thấy trong Kinh điển Pali (Majjhima Nikaya: Trung A Hàm, đoạn số 63), chỉ có luận cứ số bốn là có chỗ tương đồng với lý thuyết Sanõjaya, nghĩa là luận cứ có liên quan đến “Những gì sẽ xảy ra cho một đấng Toàn thiện sau khi chết”.
Trong khi những Giáo chủ, đạo sĩ khác bênh vực một trong bốn cách ngụy biện duy lý trên như là một giải pháp của trường phái họ (như đúng, không đúng, đúng và không đúng, vừa đúng vừa không đúng) thì Sanõjaya không để mình vướng vào bất cứ cái nào trong bốn luận cứ đó!
Đặc biệt là ông không để mình bị mắc kẹt giữa sự xác nhận không thể chứng minh được và lý thuyết có tính cách tín điều. Chẳng hạn như có một số Giáo chủ dùng khoa học thực nghiệm xác nhận rằng ngoài thế giới vật chất, không có thế giới vô hình, không có Thiên chúng, không có định luật nhân quả, không có sự tái sanh sau khi chết. Nhờ thái độ đó mà ông trở thành khác hẳn những Giáo chủ đương thời.
Nói cách khác là ông chủ trương rằng: Đối với những vấn đề không thể thông giải, một Giáo chủ nên giữ thái độ “Tránh né một cách vô tư” và đừng bao giờ vô ý để cho thành kiến thiên về xác nhận hay bác bỏ dù trên lý thuyết. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng Sanõjaya có vẻ vững vàng trên phương diện ngụy biện, và dường như ông muốn “hóa chuyển” cái thuyết “Tư duy nghiệm chứng” ra thành thuyết “Bất khả tri luận”. Nghĩa là ông giống như những nhà Cụ thể học ngày nay vì những điều ông thuyết ra biểu lộ tư tưởng “Hiện sinh biện chứng” hơn là “Duy lý biện chứng”.
Vua Bình-sa (Bimbisa(ra) của vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha) thuở ấy có lần đã thuật lại với Đức Phật cuộc đàm thoại giữa nhà vua với đạo sĩ Sanõjaya như sau:
“Một hôm khi trẫm đến thăm Giáo chủ Sanõjaya thuộc giòng họ Belattha và hỏi: Thưa Giáo chủ ngài có thể kể cho trẫm nghe một quả phúc nhãn tiền của đời sống đạo hạnh ở kiếp này không?
Sanõjaya liền trả lời vòng vo rằng: Tâu Đại vương, như Đại vương đã biết, đối với câu hỏi phải chăng có một thế giới khác ngoài thế gian này, tôi đã trả lời nếu tôi nghĩ là có thì tôi nói có! Nhưng tôi đã không nói như thế nghĩa là tôi nghĩ không thể phủ nhận và ấy là sự thật. Tôi không nghĩ hay nói khác hơn được. Tôi lại cũng không phủ nhận nó nữa. Tóm lại là tôi vẫn không nói có hay không có một thế giới khác ngoài thế giới này, thì bây giờ câu hỏi Đại vương về quả phúc nhãn tiền của một Đạo sĩ, hay kết quả của những hành động xấu và tốt trong kiếp này, hoặc đấng Toàn thiện sẽ trở thành cái gì sau khi chết trong bất cứ phần nào của câu hỏi, tôi cũng sẽ trả lời như trước!
– Tức là, Bạch Đức Thế Tôn, Đạo sĩ Sanõjaya thuộc giòng Belattha trước câu hỏi về quả phúc nhãn tiền, và lợi ích của sự tu hành của trẫm, đã tìm mọi cách nói quanh co, không trả lời rõ ràng vậy”. (Theo Digha Nikàya: Trường A Hàm, Văn truyện số 2 do T. W. Rhys Davids dịch)
Nhưng Kolita và Upatissa, thuở ấy chưa tìm ra một Tôn sư nào giỏi hơn, nên phải để ý đến Sanõjaya, vì nghĩ rằng ít lắm quan điểm Triết học của ông cũng có một sắc thái đáng nghe hơn những gì của các Giáo chủ khác, nên họ đến nhận ông làm thầy.
Nhưng sau một thời gian ngắn, cả hai nhận thấy Sanõjaya sẽ chẳng đáp ứng được ý nguyện của họ: Một phương pháp chữa trị đau khổ và phiền não.
Ngoài ra, đôi bạn còn linh cảm chắc chắn phải có một sự sống khác ngoài kiếp sống trần gian này, phải có những chúng sanh chỉ có hồn mà không có thể xác (như chư Thiên chẳng hạn). Càng đi sâu vào thế giới vô hình, sự hiểu biết của họ dường như vượt khỏi tầm học thức của vị Giáo chủ thuộc trường phái hoài nghi.
Rồi một hôm nọ, Sanõjaya bỗng tuyên bố những đệ tử ưu tú nhất của ông đã tái sanh lên cõi trời này cõi trời nọ (Samyutta Nikàya 44,9: Tạp A Hàm, đoạn 44,9). Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với tiêu chuẩn hoài nghi của ông.
Vì vậy, một hôm đôi bạn Kolita và Upatissa đến gần Sanõjaya và hỏi ông rằng: “Phải chăng ông còn những giáo thuyết bí mật chưa dạy, khác với những gì mà cả hai đã học?”. Sanõjaya trả lời: “Chỉ có thế và hai đệ tử đã học hết giáo thuyết của ta rồi!”.
Nghe thế, đôi bạn tầm đạo không thể làm gì khác hơn là quyết định từ giã Sanõjaya, tiếp tục con đường tìm chơn lý. Đôi thanh niên nghĩ rằng vì muốn cầu sự giải thoát mà họ mới thoát ly gia đình, chứ mục đích của họ không phải là để học hỏi nghệ thuật né tránh những vấn đề “Bất khả tri luận” một cách vô ích.
Thế là lần thứ hai, đôi bạn lại phải tái diễn cuộc đời du phương tìm đạo. Lần này họ bất kể thời gian, lặn lội xuyên qua cả nước Ấn Độ, từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây. Họ sẵn sàng chịu đựng cái ngột ngạt của bụi đường nắng chói và cái nóng như thiêu đốt của một quê hương nhiệt đới. Họ dầm mưa dãi gió và nhiều khi đã công khai tuyên bố với những bộ hành lý do tìm đạo của họ:
“Chúng ta là nạn nhân của sanh, già, bệnh, chết, nạn nhân của buồn rầu, than tiếc đau khổ, phiền não và tuyệt vọng. Chúng ta là nạn nhân của trầm luân. Chúng ta kiên trì đi tìm đạo giải thoát thì chắc chắn cuối cùng chúng ta cũng sẽ khám phá ra được nguyên nhân của những đau khổ ấy!” (Majjhima Nikàya No 28: Trung A Hàm số 28)
Dĩ nhiên là trong khi du phương tầm đạo như vậy Kolita và Upatissa đã gặp nhiều đạo sĩ Bà-la-môn là những nhà “thông thái” tiếng tăm, đôi thanh niên tầm đạo đã không tránh được nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về tôn giáo, về Tiên Thánh, về thiên đường, về địa ngục, về ý nghĩa sự sống, về con đường giải thoát. Nhưng nhờ trí thông minh hiếm có cộng với nghệ thuật biện luận “Bất khả tri nghiệm” học được của Sanõjaya, đôi bạn Kolita và Upatissa đã mau chóng nhận ra sự vô lý trong cái học mơ hồ của những nhà “thông thái” này. Trong khi không có một Giáo chủ nào đủ khả năng giải thông những câu hỏi sâu xa của họ thì đôi thanh niên này lại có thể ứng đối một cách dễ dàng khi bị chất vấn.
Không sử sách nào nói rõ là Kolita và Upatissa, sau Sanõjaya, đã đi thọ giáo với ai, nhưng chắc chắn đôi thanh niên ấy làm sao tránh khỏi gặp những nhà thần bí học như Tiên tri Bavari, một người đã đắc được thần lực rất cao, hoặc gặp hai vị Thiền sư thuộc trường phái “Siêu thể Vô biên luận”. Chính đức Bồ-tát cũng đã một thời gian làm môn đệ trường phái này.
Theo những sử liệu liên quan đến đời sống của họ thì đôi bạn Kolita và Upatissa đã không gặt hái được gì nhiều với các danh sư này trong việc tu thiền hướng đến chứng ngộ giải thoát, giống như đức Bồ-tát đã từng đạt được khi còn làm môn đệ thiền phái này.
Chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân vấn đề ấy; có hai khuynh hướng cho kẻ tầm đạo hay tu tập. Một là đạt được an ổn nội tâm và thanh tịnh tinh thần bằng cách tiến sâu vào Thiền định (Samadhi), hai là tìm kiếm một giáo thuyết rõ ràng, thông giải được mọi khía cạnh của sự sống, bao gồm cả giá trị hay ý nghĩa của thiền định.
Hầu hết những kẻ đạt được an trụ tâm hồn bằng thiền định thường bị dừng lại ở đó không thể tiến mạnh đến cứu cánh. Bởi họ một khi đã lọt vào trong sự vi diệu của quả thiền, họ hằng nhầm tưởng mình đã đến đích giải thoát. Và dù quả thiền có cao siêu cỡ nào đi nữa, “Cực lạc Hữu biên” ấy cũng chỉ kéo dài tới một số thiên niên kiếp mà thôi (đối với loài người thì gọi là đại kiếp), sau đó “Định phúc” cũng phải tận lực, trả thiền tâm của kẻ đắc định trở lại trong cái vòng sanh tử như trước.
Trong tiền kiếp, điều này hẳn đã xảy ra nhiêu lần đến đức Bồ-tát (tiền thân Phật Thích Ca) cũng như đến Kolita và Upatissa. Mặc dù trọn kiếp này, đôi bạn ấy không nhớ lại những hưởng thụ thiền lạc như thế, nhưng dường như trực giác vẫn khiến họ hiểu rằng thiền định và quả thiền không phải là cái đích cuối cùng, mà chỉ là một sự giải thoát tạm thời trong cái vòng đau khổ triền miên mà thôi.
Bởi vậy, nguyện vọng trước tiên của họ là phải tìm ra đấng Giải thoát chỉ rõ cái “Nguyên nhân nối tiếp sanh diệt”, chỉ rõ tại sao Tâm và Vật bị cột chặt với nhau trong cái vòng sanh tử phức tạp này! Nhưng sự làm sáng tỏ ấy không thể thực hiện được nếu không gặp một vị Phật. Một đấng Giác ngộ! Cho nên họ phải tiếp tục hành trình, tiếp tục cho đến khi bước chân tìm đạo dẫn dắt họ đến một đấng Phật Tổ.
Vào những thời xa xưa, không có Đức Phật xuất hiện, công phu tầm đạo giải thoát của họ thường bất thành, vì họ chỉ tối đa tìm ra một pháp môn thiền định nào đó, tụ tập, đắc thiền, hưởng lạc, rồi sau cùng không còn nhớ thiền định.
Những động cơ tầm đạo của họ trong kiếp này vốn là “Tiếng gọi tâm linh” chính họ không cắt nghĩa nổi, đã khiến họ không thể ngồi yên trước khi gặp Đức Phật.
Đồng thời khi ấy Đức Phật lại bắt đầu lăn bánh xe Pháp (Dhammacakka) để cứu độ chúng sanh. Và công trình tầm đạo của Kolita và Upatissa phải chuyển vào giai đoạn chót.
Điểm cần nhấn mạnh ở đây là giả sử trong khi ấy đức Bồ-tát chưa thành Phật, đang tinh tấn thực hành đại nguyện, dùng thiền định đã từng thuần thục thuở thiếu thời, để tiến về cánh cửa giác ngộ, thì đôi bạn Kolita và Upatissa cũng không thể nhờ thiền định tìm ra nấc thang giải thoát cao hơn. Bởi họ chưa bao giờ trải qua cao điểm tu thiền như Đức Phật đã từng bước qua, và họ cũng không có tiềm lực tự mình giải thoát như Đức Phật.
Đây là chướng ngại vi tế nhất đối với các hàng Thanh-văn giác! Chúng ta có thể gọi chướng ngại này là “Ranh giới giữa Cực lạc và đau khổ”, là “Hào quang của các bức tường an trụ che khuất cánh cửa giải thoát”. Ngoại trừ bậc Toàn giác, ai đến gần hào quang đầy phỉ lạc ấy cũng dừng lại. Như người bao năm tháng trôi giạt đã tìm lại được ngôi nhà cũ, nhưng chỉ ngồi trước cửa, cảm thấy sung sướng một thời gian rồi quay lưng bỏ đi. Đáng lẽ họ phải “vẹt hào quang” bước vào trong ngôi nhà giải thoát ấy thì hành giả lại làm cái việc “nghỉ chân” của những kẻ qua đường. Sau đó họ lại “khởi hành” vào một hướng luân hồi khác.
Nhưng trường hợp của Kolita và Upatissa thì khác. Đôi Thanh-văn giác tương lai này lúc đó như hai tấm gương phản chiếu. Họ chợt thấy họ phải nhờ đến Đức Phật. Vì chỉ có bậc Giác ngộ mới có thể chỉ cho họ cách bước qua khỏi cái màn hào quang, bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn, cái vòng chứa cả khổ đau lẫn cực lạc mà trong quá khứ họ đã nhiều lần đến điểm chót, rồi lại bỏ đi.