- 01 - Lời Đầu Sách
- 02 - Nói Về Thiền
- 03 - Phước Tuệ Song Tu
- 04 - Phản Quan Tự Kỷ
- 05 - Sự Sai Biệt Giữa Phật Học Và Khoa Học
- 06 - Tánh Không Duyên Khởi - Chân Không Diệu Hữu
- 07 - Sự Tương Quan Giữa Bát-nhã Và Thiền Tông
- 08 - Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm
- 09 - Bài Pháp Kỳ Diệu
- 10 - Tu Là Điều Phục Tâm
- 11 - Lời Huấn Từ Của Hòa Thượng Tôn Sư
PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN - Tập 2
H.T Thích Thanh Từ
TU LÀ ĐIỀU PHỤC TÂM
Hôm nay là buổi nói chuyện cho Ni chúng tại Thiền viện Trúc Lâm. Trước hết tôi nhắc cho Ni chúng biết tại sao chúng ta đi tu? Tu có lợi ích gì cho đời mình? Đó là lý do thứ nhất, kế nữa là tu làm sao để trở thành người tu chân chánh.
Tôi xin hỏi tại sao Ni chúng phát tâm đi tu? Có vị trả lời đi tu để cầu giác ngộ, giải thoát sanh tử. Đó là lý do thứ nhất. Chỗ này tôi muốn nói thêm cho rõ, chúng ta đi tu vì sớm thức tỉnh cuộc đời là đau khổ, nên mới từ giã gia đình xuất gia. Đi tu với mục đích để được giác ngộ, giải thoát sanh tử. Tất cả những người tu, Tăng cũng như Ni đều phải nhắm thẳng mục đích giác ngộ, giải thoát sanh tử.
Hai chữ giác ngộ, giải thoát nghe to quá, phải không? Trong Ni chúng đây có ai giác ngộ chưa? Chắc chưa ai dám tự xưng mình đã giác ngộ, chỉ hơi tỉnh hơn người đời một tí thôi. Người đời chạy theo, vui sống trong ngũ dục, còn chúng ta thì dừng, không đuổi theo ngũ dục, chỉ sống một cuộc đời đạm bạc. Đó là bước đầu của người thức tỉnh. Vì vậy nói tới tu là nói tới con đường đi rất dài, dài thăm thẳm chớ không phải dài thường.
Những ai muốn tu cho được thì phải bền gan quyết chí chớ không thể lôi thôi. Người tu phải có cái nhìn tường tận, tất cả những gì mình đã biết, đã thấy và nhận được, phải ráng ứng dụng tu, chớ không phải chuyện nói sơ qua. Muốn vậy thì Tăng Ni phải có một quyết tâm mãnh liệt. Quí vị đã can đảm từ giã cha mẹ vào chùa, nhiều khi cha mẹ khóc cũng vẫn đi. Đó là cái mạnh mẽ ở giai đoạn thứ nhất.
Nhưng qua đoạn thứ hai, vào chùa rồi lại lẩn thẩn tu hành không ra gì, không nỗ lực, không cố gắng để cho thời gian tu kéo dài mà không được kết quả gì, đó có phải là thương tổn cho bản nguyện của mình không? Cho nên tất cả những người tu, khi đã phát nguyện tu rồi thì phải nỗ lực. Nỗ lực ở đây không phải bắt lao động nhiều, mà nỗ lực cố gắng tu, đừng bỏ mất thời gian quí của mình, nhất là quí vị còn trẻ. Thời gian còn trẻ là thời gian quí, vừa đủ sức, vừa có khả năng để vươn lên, cho nên phải cố gắng tu học thật đàng hoàng, thật xứng đáng mới không uổng phí. Đừng ỷ mình còn trẻ, thời gian dài rồi cứ tu lừng chừng, chỉ người già mới cần tu gấp, đó là dại khờ. Ni chúng phải hiểu rõ ý nghĩa đi tu của mình.
Kế đến là những người vô chùa tu rồi, nhưng thỉnh thoảng cũng hay phiền não. Chúng ta đã bỏ hết tất cả những gì của thế tục để vào chùa tu, thì những vui buồn thế gian không còn nữa, sao bây giờ lại đeo theo vô chùa? Buồn người này, giận người kia, phiền người nọ, như vậy tu tiến không? Tu bao lâu thành Phật? Đó là những điều sai lầm. Người đã vào chùa tu rồi thì mọi hơn, thua, phải, quấy phải gạt qua một bên, chỉ nhất tâm tiến tu, không bỏ sót thời gian nào hết. Như vậy mới không uổng phí công phu của mình. Đó là chỗ tôi muốn nhắc quí vị.
Câu hỏi kế tiếp là chúng ta phải tu như thế nào? Tất cả Tăng Ni ở các Thiền viện đều tu thiền, như vậy quí vị có biết mình tu thiền để điều trị cái gì không? Điều trị cái tâm của mình. Tại sao chúng ta phải điều trị tâm? Tại vì tâm chúng ta hay lộn xộn. Nhà Phật thường nói là tâm cuồng dại, tức tâm điên cuồng, dại khờ. Quí vị có làm chủ được tâm mình không? Nói tâm mình là tâm nào?
Ở đây, tôi chia ra từng giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là điều phục tâm cuồng dại. Trong nhà Thiền dùng hình ảnh mười mục chăn trâu để chỉ người tu giống như chú mục đồng đi tìm con trâu cuồng dại. Vì nó ngông cuồng chạy mất nên bây giờ chúng ta phải đi tìm. Như vậy hình ảnh con trâu trong mười mục chăn trâu cũng hơi nguy hiểm. Con trâu hoang dại, ta tìm cách bắt nó lại, đâu phải là chuyện dễ. Tuy nói nó nguy hiểm mà không nguy hiểm bằng tâm cuồng dại của mình. Tại sao? Ai không biết tất cả tội lỗi, phước đức đều do chúng ta khởi niệm đầu, rồi tạo thành tội hoặc phước. Có ai không nghĩ mà làm, mà nói đâu? Trước nghĩ rồi sau mới làm hoặc nói. Như vậy tốt, xấu, thiện, ác gốc từ ý niệm đầu của mình. Nó nguy hiểm ở chỗ là khi dấy lên mình biết, nhưng tới chừng nó ẩn mặt thì chúng ta không biết nó ở đâu? Đủ duyên nó lại nhảy ra. Khi nhảy ra rồi muốn chận, muốn đón nó cũng không kịp. Vì vậy nên biết tâm ngông cuồng hiểm nguy vô cùng. Nó bất thường nhưng rất nhạy bén, khởi sự là có liền. Thế nên chúng ta tu phải hết sức cẩn mật để gìn giữ nó.
Quí vị biết tại sao người xuất gia phải thọ giới không? Thọ giới để giữ không cho con trâu hoang nổi cuồng loạn. Khi còn tục gia chúng ta chưa biết, bây giờ xuất gia thì phải sống nếp sống khác, phải kềm chế tâm của mình cho thật kỹ, nên phải thọ giới. Thọ giới giống như sợi dây xỏ mũi kềm giữ con trâu lại. Như ngày trước ở nhà, mình thấy con cóc, con nhái thì chọi chơi được, nhưng bây giờ xuất gia rồi, vừa muốn chọi nó liền nhớ ta đã thọ giới không sát sanh. Chọi nó là phạm giới, nhờ thế nên ngưng, không dám chọi. Hoặc thấy ai để cái gì sơ hở, vừa đưa tay muốn lượm, liền nhớ như vậy là phạm giới trộm cắp nên không lượm. Giới là phương tiện kềm chế, giữ gìn cho tâm niệm xấu của chúng ta. Nó vừa dấy lên mình sực nhớ không cho khởi nữa, giống như sợi dây để giật mũi con trâu lại. Cho nên người nào vô chùa tu cũng phải thọ giới. Tu ít thì thọ giới thấp, tu nhiều thì thọ giới cao, để gìn giữ thân tâm không phạm lỗi lầm, không bị những ý niệm xấu sai sử.
Tăng Ni ở các Thiền viện, mỗi tối sám hối để làm gì? Sám hối là một việc đánh đòn đó. Mỗi khi nhắc xong một lỗi là sám hối, giống như kể một tội rồi đánh một gậy. Đêm nào cũng như đêm nào, cứ nhịp roi vào đùi mình hoài cho nhớ, chớ không thôi dễ quên lắm. Sám hối là chỉ thẳng những lỗi lầm của mình, có hay không có cũng nhắc tới nhắc lui hoài, đó là nhịp roi vào đùi cho mình nhớ. Ngoài việc thọ giới, sám hối còn phải ngồi thiền nữa. Tức là lúc này niệt con trâu vô trong chuồng. Niệt vô chuồng rồi nhưng nó vẫn còn ngỗ nghịch quá, nên tay cầm hờ cây roi. Ngồi yên nhìn xuống, một lát nó nhảy lên thì gõ đầu nó - vọng tưởng - tức là chúng ta đánh nó hoài, nhắc nó hoài không cho nó chạy. Chừng nào điều phục được nó thì mới thành công.
Ở thế gian người ta không biết điều trị tâm ngang ngược nên có những kẻ hung ác. Người tu biết nó nguy hiểm mà không chịu điều phục thì sau này chúng ta không tiến được, lại còn gây nên những lỗi lầm đáng tiếc. Đó là điều rất khó. Vì vậy chúng ta tu phải tuần tự qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là thọ giới, giai đoạn thứ hai là sám hối, giai đoạn thứ ba là ngồi thiền. Tất cả những gì chúng ta đang ứng dụng tu đều cốt điều phục tâm của mình.
Bây giờ thử đặt lại câu hỏi, tâm chúng ta nghĩ ác hoàn toàn hay cũng có khi nghĩ thiện? Cũng có khi nghĩ thiện. Như vậy giai đoạn đầu mình chặn những thứ nghĩ ác, nhưng sang giai đoạn thứ hai thì thiện và ác đều bỏ hết. Tức khi đã niệt con trâu lại, thì không cho nó cục cựa gì cả. Chỉ một đường đi thôi, nghĩ gì cũng không cho. Như vậy để thấy rằng trên đường tu của chúng ta có nhiều chặng.
Tại sao tâm ác mình trừng trị đã đành, mà tâm thiện cũng trừng trị? Nghĩ thiện trong lúc ngồi thiền có tội không? Chắc không có tội, nhưng như thế là không phải. Bởi vì việc tu tế nhị lắm, không như việc thường. Người đời chỉ tránh tội lỗi, thích làm và nghĩ điều tốt, vì cho đó là phước đức. Nhưng với người tu tế nhị hơn. Bây giờ nghĩ điều thiện thì trong tâm có hai thứ, một bên thiện, một bên ác. Bên thiện mình giữ, bên ác mình bỏ, như vậy tu trở thành người tốt thôi. Nhưng trong nội tâm của chúng ta, ngoài cái thiện cái ác, còn có cái gì nữa? Cái gì biết nghĩ thiện, cái gì biết nghĩ ác? Khi chúng ta dấy niệm thiện, biết là nghĩ lành, dấy niệm ác biết là nghĩ ác. Rõ ràng còn có cái thứ ba trong đó. Cái thứ ba là cái chủ biết cả thiện lẫn ác. Nếu cứ chạy theo cái thiện thì cũng còn đối đãi giữa thiện và ác, chớ chưa phải là cái tột ở trong. Cho nên đến giai đoạn thứ hai, nghĩ thiện nghĩ ác cũng buông luôn. Thiện ác đều buông, như vậy mình còn tâm không? Nghĩ thiện, nghĩ ác là cái nổi bên ngoài. Hai thứ đó lặng hết rồi thì tâm thật mới hiện.
Người không biết cứ cho rằng nghĩ thiện là tốt. Thật ra thiện ác là hai thứ đối đãi, là tâm nổi ở ngoài. Còn có một cái sâu kín bên trong, nhưng vì thiện ác nổi lên lặng xuống hoài, chúng ta chạy theo nó mà quên mất cái đang hiện hữu bên trong. Vì vậy khi ngồi thiền là dừng hết nghĩ thiện, nghĩ ác để Tâm chân thật hiện tiền. Thường ngày chúng ta sống mà không biết mình thật là gì, chỉ sống với tâm niệm hoặc thiện hoặc ác, chạy theo nó mãi năm này qua tháng nọ, nên trôi lăn trong sanh tử. Bây giờ muốn dừng sanh tử thì chúng ta phải tìm cho ra cái thật của chính mình.
Tâm biết cái thiện, cái ác, là tâm thường trực của mình. Tâm ấy không phải thiện, không phải ác nên không đi trong sanh tử, không mắc kẹt vào đâu. Chúng ta tu dừng hết tâm thiện ác, thì Tâm chân thật lúc nào cũng hiện tiền. Đó là thành công trên đường tu. Nếu mình cho rằng đừng nghĩ ác là được rồi, đây chỉ là thành công một phần, tập cho tâm thuần thiện thôi. Khi chúng ta điều phục được con trâu thì thằng chăn rất thảnh thơi. Có khi cỡi trên lưng trâu vừa chơi vừa thổi sáo.
Tuy nhiên chỗ này phải thật dè dặt. Có nhiều người tu lâu, cũng làm Pháp sư, thấy mình đã ngon lành, điều phục được trâu nhưng lâu lâu hớ một cái lại rớt xuống. Vì con trâu đó chưa bảo đảm, ngồi trên lưng nó có khi nó không bằng lòng, nó hất một cái là té nhào. Cho nên lúc nào cũng phải chăn cho thật kỹ, không được chặng này chăn, chặng kia thảnh thơi không cần chăn. Chỉ chừng nào con trâu lặn mất thì mới bảo đảm thảnh thơi một trăm phần trăm.
Như vậy trên đường tu không giản đơn mà rất khó, rất dài. Chúng ta phải nỗ lực ghê gớm lắm. Tất cả nhìn lại nội tâm mình xem hiện giờ về mặt ác còn hay hết? Cả gan nói sự thật đi! Trong hai thứ thiện ác thì ác là xấu số một, lẽ ra người tu không còn mới phải, vậy mà thỉnh thoảng cũng còn. Cái ác còn thì cái thiện làm sao bỏ được? Thế thì quí vị đã bước vô chùa hay còn đứng ngoài cổng? Đó là điều mà tất cả chúng ta phải cẩn thận, rất cẩn thận. Làm sao nhìn lại mình, mọi tâm niệm xấu ác đều tan biến hết, chỉ còn thuần thiện. Sau cái thiện cũng chừa bỏ luôn, để cho được hoàn toàn thanh tịnh. Đó là những chặng đường mà chúng ta phải đi tới. Con đường từ khi mình bắt đầu chăn trâu cho tới khi mất trâu còn thằng chăn, chừng bao xa? Xa quá phải không? Xa thăm thẳm lận.
Như vậy nếu chúng ta không nỗ lực, thì trên đường tu của mình rất khó có kết quả. Nghe nói vậy có nhiều người chán nản, tu không biết chừng nào thành Phật? Mà tu không thành Phật thì tu làm chi, chán quá thôi quay trở lại đời. Đó là những người nông nổi. Tuy tu lâu thành Phật, nhưng mỗi ngày biết tu thì mỗi ngày có thêm công đức. Ngày nào chúng ta cũng nỗ lực chừa bỏ những thứ xấu ác thì lần lần cũng đi tới dứt hết thiện ác.
Kế đến, không còn trâu thì thằng chăn cũng nghỉ luôn. Trong mười mục chăn trâu, đó là tới vòng tròn trống không. Tới đây thì không còn trâu, không còn chăn. Qua khỏi vòng tròn là lá rụng về cội, chim bay về tổ. Hết chặng đó thì mới tới ông sư đóng cửa thất lại, tay cầm bầu rượu, tay xách cá chép vô xóm vô làng. Lạ lùng chưa? Bởi vì người tu đi được đến giai đoạn này rất là khó, nhưng khi đi qua hết những đoạn đó rồi sẽ thấy diệu dụng không lường được.
Nhiều người nói mấy cô vô Thiền viện cắm đầu tu, không làm từ thiện, không đi cúng gì hết, làm sao giúp cho người khác. Tu như vậy có ích kỷ không? Không có ích kỷ. Ví dụ như người muốn làm cô giáo dạy trung học thì trước phải làm sao? Phải cắm đầu học tới mười mấy năm. Trong thời gian học, mục đích là làm sao mỗi năm được lên lớp, mỗi lần thi đều đậu, đó là giá trị. Còn cho rằng vừa học vừa làm mới tốt, cắm đầu học không là xấu thì không phải. Chúng ta cắm đầu học để thành một người học giỏi, ngõ hầu mai kia làm việc cho xã hội, cho mọi người thật tốt. Cho nên thời gian tu, chúng ta cắm đầu học đạo lý, cố gắng tu cho thuần, rồi mai kia ra gánh vác Phật sự mới tốt. Bây giờ trong khi còn đang tu, chưa đủ khả năng làm việc này việc nọ, mà cứ ham đi làm hoài thì e mai kia cũng không ra chi hết. Cho nên trong lúc tu, Thiền viện chủ trương phải tu cho đủ thời gian, cho thuần mới có thể làm Phật sự được. Đó là chủ trương của quí thầy. Tăng Ni cứ lo tu, tu cho có kết quả, chớ đừng vội vã nghe nói chỗ kia làm từ thiện hay, chỗ nọ làm Phật sự tốt, mình ngồi tu không e ích kỷ quá rồi buồn, muốn bỏ đi nơi khác, đó là sai lầm.
Trở lại mười mục chăn trâu, chúng ta thấy tới chỗ vòng tròn không còn trâu không còn chăn, lúc đó còn cái gì? Chỗ này rất đặc biệt. Hồi xưa tôi hay thắc mắc, nhất là giai đoạn chót. Ông sư từ trên núi, đóng cửa thất đi xuống trần tục, sao không giữ hình thức tu trang nghiêm độ người mà lại xách cá chép, bầu rượu? Thấy như chuyện lạ lùng không thực tế, nhưng bây giờ hiểu ra mới thấy đó là một hình ảnh rất hay. Tại sao? Bởi vì đó là Ứng thân. Trở về nguồn gốc rồi tức là nhập được Pháp thân, từ Pháp thân mới có Ứng thân, Báo thân để độ sanh. Ứng thân thì tùy duyên hóa độ, chúng sanh thích cái gì, muốn cái gì thì mình cũng phải giống nó một chút, chơi với nó mới được, chơi được thì mới giáo hóa được. Còn một ông sư nghiêm trang vô xóm, chúng sanh không thèm ngó hoặc nó sợ chạy trốn hết thì có làm gì được?
Vì vậy ngày xưa tôi phản đối sự kiện đức Phật Thích-ca ra đời đi bảy bước trên hoa sen, bởi vì Ngài là Bồ-tát bổ xứ, còn một đời nữa thì thành Phật, cho nên Thái tử Tất-đạt-đa là Ứng thân của Ngài. Đã là Ứng thân thì phải giống mọi người mới độ chúng sanh được. Đằng này vừa sanh ra đã đi bảy bước, có hoa sen đỡ chân, lớn lên tu hành thành Phật. Như vậy những người không giống Ngài làm sao tu thành Phật nổi? Nếu Ngài thị hiện ra đời cũng như tất cả mọi người, chúng ta mới có niềm tin mình tu hành cũng sẽ thành Phật.
Nếu vừa ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất nói “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, rồi sau lại có gia đình vợ con tùm lum, như vậy là sao? Chẳng lẽ mới ra đời tỉnh, sau lại mê? Đó là điều không hợp lý. Nhưng vì hồi xưa các sử gia muốn linh thiêng hóa cuộc đời đức Phật cho người sau thích quí, nên có thể đã hư cấu thêm phần này? Theo tôi thì Ứng thân Phật ra đời như những người bình thường, có gia đình, có vợ con, sau gặp cảnh khổ của chúng sanh rồi thức tỉnh đi tu. Như vậy bây giờ chúng ta mới có thể noi theo được, chớ Ngài ra đời xuất cách quá thì chúng ta chịu thua, không ai dám đi tu cả. Ngày nay, thiên hạ thấy sử ghi sao thì nói vậy, mà sử do người sau viết, chớ không phải Phật viết. Chúng ta y cứ theo đó mà nói e rằng không hợp lý.
Hình ảnh ông sư vào chợ tay mang bầu rượu, tay xách cá chép để nói lên ý nghĩa tùy tục. Dù người tu đạt đạo rồi, nhưng muốn độ chúng sanh thì phải hiện thân như người thế tục, đi vào thế tục, có thế mới giáo hóa chúng sanh được. Đây là ý nghĩa thâm trầm trong Phật pháp chớ không phải thường. Những hình ảnh đó chứng minh cụ thể, không phải lý luận hay tưởng tượng mà ra. Nên biết đường tu của chúng ta rất xa, đi đường xa trước hết cần phải có cái gì? Đi đường xa trước phải có đôi chân cứng, kế nữa là chí cho bền. Chí bền, chân cứng. Rồi gì nữa? Phải đi đều đều, chớ không được lúc chạy lúc ngủ. Chúng ta có bệnh lúc đầu hăng lắm, chạy thôi là chạy, đến khi mệt thì ngủ hoặc chơi, tu như vậy không biết chừng nào tới. Cho nên phải giữ bền mãi, một ngày đi bao nhiêu thì cứ bao nhiêu đó, giữ cho đều. Nhiều người khi hăng tu thì tu chết sống, lúc mệt mỏi lại chán nản muốn rút lui, như vậy không bao giờ tới nơi tới chốn được. Đó là lẽ thật.
Sau đây, tôi nói chút chuyện riêng. Hôm trước tôi có bảo với một số vị rằng “Thầy điên rồi”. Nghe nói thế, quí vị không biết tôi điên ra sao? Bữa nay nhắc lại cái điên đó một chút. Như bây giờ giả sử có người tới hỏi tôi:
- Thưa Thầy, hiện tại Thầy quí trọng cái gì nhất?
Tôi sẽ trả lời:
- Tôi quí trọng hư không nhất.
Điên chưa? Đó là điên rồi! Lẽ ra quí trọng Tam Bảo, quí trọng Thầy Tổ, cha mẹ, tại sao tôi lại quí trọng hư không? Nghe thế ai cũng nghĩ rõ ràng là điên. Vậy tại sao tôi quí trọng hư không? Đây, tôi sẽ chỉ cho quí vị thấy. Trước khi chúng ta có hình hài này, mình là không hay có? Là không. Rồi mai kia hình hài này tan rã, chúng ta cũng trở về không. Trước không, sau cũng không. Đến hiện tại chúng ta sống đây, cái gì thân thiết với mình nhất? Nếu không có hư không liệu chúng ta có sống nổi không? Như vậy suốt ngày chúng ta sanh hoạt, có lúc nào vắng thiếu cái không đâu? Cho tới khi đi ngủ, chúng ta vô mùng cũng không. Thế thì cái không đó có rời ta lúc nào chưa? Rõ ràng ban đầu cũng ở chỗ không, cuối cùng cũng gởi về không, chặng giữa đang sống, đang sanh hoạt cũng nhờ không.
Lại nữa, trong thân này có “không” không? Thân này nặng năm, sáu chục ký gì đó là thuộc phần sắc chất. Còn như lỗ mũi, cổ họng… cho tới sợi lông, sợi tóc thông hay bít? Như vậy cái không nhỏ xíu thôi cũng giữ cho con người được sinh tồn. Không có nó thì mình chết ngắt rồi. Tóm lại trong thân của chúng ta, có cái không lồng trong sắc chất, nó rất hệ trọng. Nếu nhìn kính hiển vi phóng đại thật lớn, có lẽ chúng ta thấy thân này hở tứ tung hết. Cho nên mình làm việc một hồi mồ hôi chảy ra đó. Nếu không trống làm sao mồ hôi ra được? Vậy kiểm lại quí vị thấy cái gì thân thiết với mình nhất? Nói như tôi thì có điên không? Quí vị học theo tôi chắc cũng điên theo tôi mất.
Chỗ này thật ly kỳ mà người đời không bao giờ dám nghĩ đến. Cái không nó đã sẵn trong tất cả trường hợp, nên trong kinh Bát-nhã Phật nói: “Tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt.” Trong thân này tướng có sắc chất và tướng không sắc chất, thì tướng không là cái không sanh không diệt, còn có sắc chất thì sanh diệt. Giữa hai thứ đó chúng ta quí thứ nào hơn? Quí cái sanh diệt hay cái không sanh diệt? Tu thì muốn được vô sanh, mà cái vô sanh sẵn ở đây rồi ta lại bỏ quên, chạy theo cái sanh diệt. Càng chạy theo cái sanh diệt thì càng trầm luân muôn kiếp.
Như vậy tôi quí trọng hư không là vì hư không luôn luôn có mặt bên tôi, trong tôi, ngoài tôi và cuối đời cũng ở trong không luôn. Nếu tôi không quí trọng nó thì nương ai bây giờ? Nhưng chúng ta quí trọng hư không và thể nhập được hư không thì sao, mình thành cái gì? Quí vị nhớ bức tranh tròn thứ tám trong mười mục chăn trâu, đến đây không còn trâu cũng không còn chăn, trâu mất thì chăn cũng mất luôn. Tới chỗ đó mới là rảnh việc, mới là không hai. Trong kinh luôn luôn bảo, sở dĩ chúng ta mắc kẹt luân hồi là tại hai. Khi nào hết hai rồi, bước thêm bước nữa mới trở về cội nguồn tức là thể nhập Pháp thân. Thể nhập Pháp thân rồi mới dùng Ứng thân, Hoá thân độ chúng sanh. Vào cái Không rồi thì không có hai, mà không hai thì mới có thể đi đường chim. Nếu chưa vào được Không thì phải đi đường đất, đi đường đất thì nhiều trở ngại lắm. Còn đi đường chim một phen cất cánh được rồi thì đi tới đích, không có gì trở ngại hết.
Gần đây trong lúc tu, tôi hứng thú nên đọc bài Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác hoài. Trước đây, tôi thắc mắc tại sao hồi xưa Ngài ngộ đạo rồi, làm bài ca này mà không nói chuyện gì lạ. Bây giờ mới hiểu chỗ này không ai chia sẻ với mình được hết, thôi thì ca chơi một mình.
Tôi dẫn mười hai câu đầu trong bài Chứng Đạo Ca:
Quân bất kiến,
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân.
Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hoá không thân tức Pháp thân.
Pháp thân giác liễu vô nhất vật,
Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật.
Ngũ ấm phù vân không khứ lai,
Tam độc thủy bào hư xuất một.
Chứng thật tướng vô nhân pháp,
Sát-na diệt khước A-tì nghiệp.
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh,
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp.
Bài ca Chứng đạo của Thiền sư Huyền Giác, Ngài cũng được gọi là “Nhất túc giác”, vì gặp Lục Tổ được giác ngộ, ở lại tại đó một đêm. Hôm sau Ngài mới ra đi nên gọi là “Nhất túc giác”.
Mở đầu Ngài nói: Quân bất kiến, tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân. Quân bất kiến là anh chẳng thấy, hay là các ngươi chẳng thấy. Chẳng thấy cái gì? Tuyệt học vô vi. Tuyệt học là không còn học hành nữa. Vô vi là không còn làm gì nữa. Nhàn đạo nhân là đạo nhân nhàn. Như vậy người đi tới chỗ vô sự là không làm, không làm mới dồn lực làm một việc của mình được, nếu mình còn làm này làm nọ thì khó dồn lực vào một việc.
Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân. Tới chỗ đó rồi không trừ vọng tưởng, mà cũng không cầu cái chân thật. Sao vậy? Vì biết vọng tưởng là dối, cái dối cũng như mây như khói, làm sao trừ? Đừng chấp nhận nó là được, chớ còn trừ chi cho uổng công. Không trừ vọng tưởng cũng không cầu chân. Cầu chân tức là cầu cái chân thật của mình, song cái chân thật của mình ở đâu mà cầu? Nó đã sẵn đây rồi. Vì chúng ta mê lầm cho vọng tưởng là tâm mình, cứ chạy theo nó nên quên mất cái chân thật. Bây giờ biết vọng tưởng không theo nó nữa, nó lặng đi thì chân thật hiện tiền. Khi chúng ta ngồi thiền, tâm lăng xăng dừng lặng mình cũng tỉnh, cũng sáng vậy. Đó, cái thật của mình hiện tiền chớ có gì đâu mà cầu.
Vô minh thật tánh tức Phật tánh. Câu này rất khó. Thật tánh của vô minh tức là Phật tánh. Tại sao vậy? Ví như có cây đèn đang cháy sáng, nếu ta lấy cái chụp bằng giấy đen úp xuống, thì ở ngoài thấy tối chớ không còn sáng nữa. Cây đèn ban đầu vốn cháy sáng nhưng vì cái chụp úp lên nên thấy tối, nếu giở cái chụp ra thì sáng trở lại ngay. Cũng vậy, Thật tánh vô minh tức gốc của vô minh là Phật tánh, chúng ta do mê lầm chạy theo những thứ bên ngoài nên trở thành vô minh. Bây giờ nếu phá tan được vô minh thì Phật tánh hiện tiền.
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân. Với người giác ngộ thấy thân này như huyễn như hóa, bởi vì nó có mặt mấy chục năm rồi tan biến. Có thân nào còn hoài mãi đâu. Có mặt rồi tan biến, có mặt rồi tan biến, từ đời này sang đời nọ liên tục, như vậy không huyễn hóa là gì? Khi thân huyễn hoá này tan biến rồi thành cái gì? - Thành không. Nên Thiền sư Huyền Giác nói huyễn hoá không thân, chính chỗ không thân đó là Pháp thân. Như vậy tôi không trọng “không” sao được? Không thân tức là Pháp thân. Chúng ta tu để đạt tới mục đích cuối cùng là Pháp thân, từ đó mới có Ứng thân, Báo thân, Hóa thân. Nếu Pháp thân mình không nhập được, làm sao có mấy thân kia.
Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy Pháp thân không rời thân huyễn hóa này. Chỉ thương cho người mê chấp thân huyễn hóa là thật nên khổ vì nó. Biết thân này là giả như huyễn như hóa mới nhập Pháp thân được, nếu cho là thật thì trăm phần trăm đi trong con đường sanh tử, không nghi ngờ. Ngài nói rõ đạo nhân nhàn không làm gì cả, không trừ vọng tưởng, không cầu chân thì đâu còn gì để tu. Biết rõ tánh thật của vô minh là Phật tánh, thân không huyễn hóa là Pháp thân, còn đi tìm gì nữa, thảnh thơi chưa? Vì vậy hát lên là vừa.
Pháp thân giác liễu vô nhất vật, bản nguyên tự tánh thiên chân Phật. Chúng ta giác ngộ Pháp thân rồi thì không thấy có một vật, tức là rỗng không. Nếu còn một vật thì chưa phải là không. Không còn một vật, đó là Pháp thân. Pháp thân trùm khắp, không phải là hiện tượng lớn nhỏ tương đối, bởi trùm khắp nên nó không phải một vật. Do không phải một vật nên nó mới có đủ muôn ứng vạn hoá.
Ngũ ấm phù vân không khứ lai. Câu này đọc thích thú quá. Thân ngũ ấm gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức đối với Ngài như mây nổi trên hư không. Cụm mây bay qua bay lại rồi mất, không có gì thật nên nói ngũ ấm phù vân không khứ lai. Quí vị thấy thân ngũ ấm này như phù vân hay như sắt đá? Nếu thấy ngũ ấm là phù vân là chúng ta đã tiến một bước đáng kể rồi. Nếu thấy thân này là sắt đá vững bền thì đường đi còn cách xa. Thấy thân ngũ ấm như mây nổi thì ba độc tham sân si cũng như bong bóng nước, nổi lên rồi mất không thật.
Người thấy thân này thật thì còn tham, tham không được thì nổi sân. Nếu thấy thân không thật thì đâu còn gì nữa mà tham. Tham hết thì sân cũng hết. Chỉ cần nhìn đúng thì tu khỏe ru. Khi thấy thân không thật rồi thì ba độc như bong bóng nước, nổi lên rồi mất vậy thôi. Nếu thấy thân thật thì ba độc cũng thật. Vì vậy ai khéo nhìn cho đúng thì người đó tu mau có kết quả, còn nhìn không đúng thì tu trì trệ hoài. Tu năm năm, mười năm, hai ba chục năm, sân si vẫn y nguyên. Tại sao? Tại thấy thân thật.
Ni chúng thấy thân thật hay giả? Không ai dám nói giả, nên sân si còn nguyên đó. Bây giờ chỉ cần thấy thân này không thật thì việc tu sẽ dễ ngay. Đổi cái nhìn là xong hết. Tại vì lâu nay chúng ta lầm tưởng thân này thật, bây giờ biết nó rõ ràng không thật, tốn bao nhiêu công đâu? Vậy mà chúng ta không chịu đổi, cứ bám vào nó cho là thật hoài, mai mốt tắt thở bữa nay cũng còn thấy thật. Thì chịu, phải tiếp tục đi trong sanh tử thôi. Hai câu này Thiền sư nhắc cho chúng ta biết thân không thật nên tham sân si cũng không thật, để thấy rõ đường tu của mình. Tôi ngâm hoài hai câu này không chán.
Chứng thật tướng vô nhân pháp. Thật tướng là tướng gì? Bây giờ tôi hỏi quí vị, tướng của cái bàn và tướng của hư không, cái nào thật cái nào giả? Cái bàn là duyên hợp, có hợp thì có tan, nên tướng của cái bàn là giả. Còn hư không có duyên hợp không? Không hợp tức không tan, nó là thật. Thấy được thật tướng đó thì không còn nhân, không còn pháp. Dễ thấy quá, nhưng người ta cứ thấy cái bàn thật, còn hư không không có gì hết. Tướng của “không” là không, không là vô sanh, vô sanh thì đâu có diệt, không sanh không diệt thì đâu còn nhân, đâu còn pháp. Cho nên nói chứng thật tướng không nhân pháp.
Sát-na diệt khước A-tì nghiệp. Chỉ trong chớp mắt diệt hết nghiệp dưới địa ngục A-tì. Một chớp mắt thôi! Thấy được tướng thật không nghi ngờ gì nữa, thì nghiệp theo đó hết. Dễ hay khó? Vì vậy nên nói đường chim đi tắt, chớ không đi từ từ. Vô tướng tức thật tướng. Vô tướng là chỉ cho cái không, nó là tướng thật không phải duyên hợp, nên không sanh diệt. Người đạt được thật tướng, chỉ trong chớp mắt liền qua khỏi tội trong địa ngục A-tì, vì lúc đó không còn chấp thân thật. Thân không thật thì đi đâu, cái gì xuống địa ngục?
Ngài thề: Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh, tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp. Nếu Ngài đem lời dối gạt chúng sanh thì tự chuốc kết quả đọa địa ngục, bị cắt lưỡi số kiếp như cát bụi. Lời thề này nặng quá, phải không? Ngài bảo: “Nếu người nào chứng được thật tướng, không còn nhân pháp dù có tội đọa địa ngục A-tì, trong chớp mắt liền được qua khỏi. Tôi nói như vậy mà gạt người, thì tự thề chịu đọa địa ngục cắt lưỡi ngàn muôn ức kiếp.” Khẳng định như vậy. Hồi xưa đọc tới chỗ này, tôi hơi rởn óc. Sao Ngài thề nặng quá, xuống địa ngục một lần cũng ngán rồi, mà Ngài dám thề xuống đó số kiếp nhiều như cát bụi! Nhưng sự thật bây giờ, chuyện đó rõ như ban ngày. Nếu chúng ta nhận được thật tướng, sống với thật tướng thì đâu còn thân mà đọa.
Như vậy mới thấy người xưa khi tu được tỉnh rồi các ngài rất vui, niềm vui này không chia sẻ với ai được hết. Vui rồi tự cười, tự ca chơi vậy thôi, chớ không biết nói gì, nói có ai hiểu đâu? Đó là ý nghĩa của sự tu đưa chúng ta tới chỗ giải thoát an vui. Không còn thân để đi xuống trần gian đền tội trước hoặc hưởng quả mình đã tạo. Cho nên nói đi đường chim, nâng cánh lên là không còn gì chướng ngại nữa.
Đường chim này mấy ai đi được? Ai gan thì đi được. Chỉ có dũng sĩ mới dám nhảy một cái vượt tất cả. Còn nếu đi từ từ thì thời gian không hẹn. Song đa số chúng ta bây giờ cứ nguyện, đời này tu đời sau ra đời gặp Phật pháp, gặp thầy gặp bạn sớm tu nữa, chớ không dám nói thành Phật ngay trong đời này. Đó là những người đi đường mòn, đường đất. Đi đường chim, Thiền tông gọi là trực chỉ, đã chỉ thẳng thì không có quanh co. Thời gian nhập thất, nhận ra rõ điều này nên tôi thấy vui. Bây giờ tôi dám hứa ngày nào tắt thở, tôi cười chớ không buồn. Tôi thấy bỏ thân này như gánh một gánh nặng, hạ xuống được là khỏe, nên cười từ giã.
Hiểu vậy chúng ta mới thấy, trên đường tu nếu mình nỗ lực, cố gắng thì có những bước tiến rất khả quan. Từ đó để thấy sự tu hành rất cao quí. Điều này thật khó nói, nói không ai chịu tin hết, chỉ khi nào quí vị tự kinh nghiệm qua mới cảm thông được.