KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương II:
CHÁNH THÍCH KINH VĂN
(Chánh thức giải thích kinh văn)
A.4. NHÂN GIAN THUYẾT GIỚI
(thuyết
giới pháp nơi cõi nhân gian)
A.4.1. THÁNH PHÀM BỔN NGUYÊN
(nguồn
gốc thánh nhân, phàm nhân)
A.4.1.1.
TIÊU GIỚI BỔN NGUYÊN (nêu rõ bổn nguyên của Giới)
Kinh văn
1. Phiên
âm:
Từ câu “phục
tùng thiên vương cung”... cho đến câu: “...nhứt thiết Bồ Tát bổn nguyên, Phật
tánh chủng tử”.
2. Dịch nghĩa:
Sau đó từ cung
của Thiên Vương, Đức Phật trở xuống ngự dưới cội Bồ Đề nơi cõi Diêm Phù, vì tất
cả chúng sanh ở cõi này, hạng phàm phu ngu tối, mà giảng Kim Cương Quang Minh
Bảo Giới. Giới pháp này là lời thường trì tụng của Phật Lô Xá Na khi Ngài mới
phát tâm Bồ Đề và trong suốt thời kỳ tu nhân của Ngài. Giới pháp này cũng là
bổn nguyên của tất cả chư Phật, là bổn nguyên của tất cả Bồ Tát và là chủng tử
của Phật tánh.
Lời giảng:
Đức Phật ở nơi
mười pháp hội, sau khi giảng Tâm Địa pháp môn xong, từ trong cung của Đại Tự
Tại Thiên Vương, Ngài ngự xuống châu Nam Diêm Phù Đề, tức cõi nhân gian của
chúng ta, ngồi dưới cội Bồ Đề, vì tất cả chúng sanh phàm phu si ám, tuyên
thuyết một giới pháp trong Tâm Địa pháp môn mà Đức Phật Lô Xá Na thường trì
tụng trong thời kỳ Ngài mới phát tâm.
“Địa thượng” trong
kinh văn chỉ cảnh giới nhân gian hiện tại.
“Nhứt thiết chúng
sanh” có nghĩa là bao gồm tất cả các loại chúng sanh (trừ Đức Phật là bậc tối
cao) như nhân loại chúng ta, các bậc Thánh Nhân (từ nhân loại trở lên) và tất cả
động vật (từ nhân loại trở xuống).
Danh từ “chúng
sanh” trong kinh có hai lối giải thích:
- “Chúng duyên
hòa hợp nhi sanh, danh vi chúng sanh” (các duyên hòa hợp lại mà sanh, gọi là
chúng sanh). Nên biết rằng cứ một sinh vật nào có đầy đủ phần tinh thần và hoạt
động, đều không phải do một pháp đơn thuần, độc lập mà hình thành, mà là do
nhiều điều kiện tập hợp lại mà tạo nên.
- Trong kinh Đại
Pháp Cổ thuyết minh: “Tất cả pháp hòa hợp thi thiết gọi là chúng sanh. Nghĩa là
do tứ đại, ngũ uẩn, thập nhị xứ và thập bát giới, thập nhị nhân duyên v.v... hòa
hợp lại mà thành, nên chỉ là hư giả, gọi là người hay chúng sanh”. Lối giải thích
ý nghĩa chúng sanh sở dĩ gọi là “chúng sanh” trên đây rất xác đáng.
- “Sát sát bất
đoạn thọ sanh, danh vi chúng sanh” (thường thường thọ sanh không gián đoạn, gọi
là chúng sanh).
- Mỗi chúng sanh
hoạt động trên thế gian, chẳng phải chỉ trong một giai đoạn và khi kết liễu
sanh mạng là xong, phải luôn luôn có một sanh mạng khác thọ sanh tiếp theo. Hơn
nữa, khi chưa giải thoát khỏi vấn đề sanh tử, tất cả đều phải ở trong chu trình
sanh rồi tử, tử rồi lại sanh và hình thành một giòng đại sanh tử.
- Trong luận Bát
Nhã Đăng thuyết minh: Tại sao gọi là hữu tình? Nói hữu tình là do tính chất
luôn luôn thọ sanh nên gọi là “chúng sanh”. Đây là lối giải thích ý nghĩa tại sao
chúng sanh được mệnh danh là chúng sanh. “Phàm phu” là tiếng Trung Hoa, xưa
dịch là phàm phu, nay dịch là “dị sanh”. Tiếng Ấn Độ gọi là Ba-la, là từ phản
nghĩa của “thánh giả”.
Ở trong bộ Thiên
Thai Chỉ Quán thuyết minh: “Phàm thánh tương hành, phán như thiên nhưỡng”
(nhưỡng: chỗ đất người ta ở, nghĩa là: phàm phu với thánh nhân, nếu đem so sánh
thì chẳng khác nào trời với vực). Phiền não chưa đoạn, lý tánh chưa chứng, muôn
đời qua lại mãi trong tam giới, đó là hạng phàm phu.
Kinh Pháp Hoa
nói: “Phàm phu thiển thức, thâm trước ngũ dục” (Phàm phu ý thức nông cạn, mải
say đắm theo ngũ dục, hế không được thoát ly khỏi tam giới).
Vì đã là phàm
phu thì cứ gọi là phàm được rồi, sao lại còn nói là người si ám?
- Vì phàm phu là
những chúng sanh đối với phiền não chưa đoạn trừ được chút nào, do vô minh
phiền não tự đóng bít tâm địa, khiến cho trí huệ quang minh vốn sẵn đủ không
được khai phát, mãi sinh hoạt trong cảnh thiên hôn địa ám, vì thế nên gọi là
“ám”.
- Do vô minh
phiền não che đậy tâm địa của mình, không hiểu rõ chánh pháp của chư Phật, vọng
sanh các thứ tà kiến không chánh đáng nên gọi là “si”.
Hạng người phàm
phu si ám như thế làm sao có thể từ trong cảnh trầm mê bất giác, chuyển phàm
nhập thánh?
Đây là một khóa
đề trọng yếu của hàng Phật tử tu học Phật pháp. Và đối với vấn đề này, hẳn
nhiên theo Phật pháp, có biện pháp để giải quyết là liệu chúng ta có chịu phát Bồ
Đề tâm hay không?
Ngay như Đức
Phật Lô Xá Na không phải tự nhiên được thành Phật. Tận ban sơ, Ngài cũng chỉ là
một kẻ phàm phu si ám như chúng ta, sau đó Ngài phát tâm Bồ Đề, bẩm thọ Tâm Địa
diệu giới này và luôn thường trì tụng cho đến lúc chứng được quả Tâm Địa rốt
ráo, hoàn thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nói như thế để thấy rõ
cảnh giới này chính là Quang Kiến siêu phàm nhập thánh.
Nếu như không có
tâm địa diệu giới này thu nhiếp tự tâm, lẽ tất nhiên chúng sanh phải muôn đời
trầm luân trong biển khổ sanh tử, vĩnh viễn không có ngày thoát khỏi luân hồi sanh
tử được.
Đức Đại Thánh
Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn vì thương xót những hạng người phàm phu si ám này mới
đi vào cảnh nhân gian đầy thống khổ, uế trược, giảng nói một trong số những
giới pháp của Tâm Địa pháp môn của Đức Phật Lô Xá Na thường trì tụng trong thời
kỳ mới phát tâm.
Giới pháp Tâm
Địa này chính là nhân tối thắng để thành Phật. Tất cả chư Phật trong ba đời,
trước tiên đều bẩm thọ giới pháp này, sau đó mới bước lên bảo tòa Vô Thượng Chánh
Giác. Chính Đức Phật Lô Xá Na thường trì tụng giới pháp này nên gọi là “Quang
Minh Kim Cương Bảo Giới”.
Quang Minh đối
chọi với Hắc Ám. Có quang minh thì hắc ám không thể tồn tại. Đây là một sự kiện
hiển nhiên, ai cũng thấy rõ. Và vì giới này có công năng diệt trừ hắc ám, vô
minh từ vô thỉ, nên gọi là “quang minh”.
Kim Cương là một
loại khoáng thạch vô cùng cứng rắn, có thể phá hủy bất cứ một vật thể cứng rắn
nào khác. Điều này cũng là một sự kiện thông thường mọi người đều biết. Vì giới
pháp này có thể tồn phá tất cả phiền não khó tồn phá nhất, cho nên gọi là “kim
cương”.
Bửu chỉ những
vật quý trọng, có thể dứt trừ sự nghèo cùng khốn khổ của mọi người, nên được
tất cả thế nhân xem trọng. Và cũng vì giới pháp này có thể xuất sanh vô lượng
công đức, pháp tài, khiến cho công đức thiện pháp của chúng sanh ngày càng tăng
trưởng nên gọi là Bửu.
Chính Kim Cương
Quang Minh Bửu Giới là giới tối thượng vi diệu đệ nhứt, là thể tạng của mười
giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, là tâm địa giới pháp của chư Cổ Phật triển
chuyển truyền lại, không phải do đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật riêng sáng lập
sau này. Vì vậy, giới pháp này rất có giá trị đối với mỗi chúng sanh, nhất là
đối với các hành giả bậc Đại Thừa, tu học Phật pháp, lại cần phải đặc biệt xem
trọng.
Danh từ Quang
Minh Kim Cương nghiên cứu cao hơn một bước, cũng như căn cứ vào phương diện đạo
lý, chư cổ đức đã giải thích như sau:
- Quang Minh là
căn cứ vào Nhiếp Thiện Pháp Giới để nói, vì Tâm Địa diệu giới này có thể soi
chiếu tất cả các pháp.
- Kim Cương là
căn cứ vào Nhiếp Luật Nghi Giới mà nói, vì Tâm Địa diệu giới này bản thể của nó
thuộc về Vô Lậu Tánh.
- Bửu là căn cứ
vào Nhiếp Chúng Sanh Giới vì Tâm Địa diệu giới này có công năng cứu tế muôn
vật, lợi ích quần sanh.
Nếu nghiêm cẩn
hành trì Luật Nghi Giới thì không một ác pháp nào chẳng trừ được, đạt đến quả
vị Phật và thành tựu Đoạn đức.
Nếu phụng hành
Nhiếp Thiện Pháp Giới một cách thiết thực thì không một thiện pháp nào chẳng tu
được, đạt đến quả vị Phật, thành tựu được Trí đức.
Nếu thực tiễn
nhận chân được Nhiếp Chúng Sanh Giới thì chính là không một chúng sanh nào
chẳng cứu độ, đạt đến quả vị Phật, thành tựu được Ân đức.
Cho nên, chỉ có
một giới pháp của đức Lô Xá Na thường trì tụng, xem qua rất đơn giản, nhưng sự
thật thì bao hàm của nhơn quả Đại Thừa bên trong. Vì lý do nói trên, Đức Phật tiếp
tục dạy: Quang Minh Kim Cương Bửu Giới không phải là pháp gì khác, chính là bổn
nguyên của tất cả chư Phật, là bổn nguyên của tất cả Bồ Tát.
Nói rõ hơn, Tát
Bà Nhã hải của chư Phật còn gọi là Bát Nhã Ba La Mật, tức là Nhất Thiết Chủng
Trí của chư Phật.
Chữ Hải ở đây ý
nói đại trí của chư Phật sâu rộng như biển cả, cố nhiên là lấy giới này làm bổn
nguyên. Lục độ vạn hạnh của Bồ Tát cũng dùng giới này làm bổn nguyên. Đức Lô Xá
Na do nơi giới này mà thành đạo. Chư Phật trong ba đời, mười phương cũng từ nơi
giới này mà thành đạo. Tất cả Bồ Tát ở thế giới này và ở các phương khác lẽ
đương nhiên phải lấy giới này làm cội gốc, nương theo để tu hành.
Nếu ly khai
Quang Minh Kim Cương Bảo Giới này mà tu hành pháp môn của 30 tâm và Thập Địa,
cố nhiên không thể nào thành tựu được. Ngay chính công đức của Phật địa cũng
không thể phát sanh. Tánh trọng yếu của Tâm Địa diệu giới này, nơi đây càng có
thể nhận thức rõ ràng nhất.
Chư Phật, Bồ Tát
sở dĩ đều lấy giới này làm bổn nguyên vì giới pháp này là chủng tử Phật tánh
sẵn có của chúng sanh.
Căn cứ vào lý
Đại Thừa mà nói, Phật tánh vốn là pháp sẵn đủ của tất cả chúng sanh, nhưng cần
phải nương nhờ vào Giới mới có thể phát sanh, cho nên gọi là “chủng tử”. Kinh
Pháp Hoa nói: “Phật chủng tùng duyên khởi” (chủng tử Phật tánh tùy nhân duyên
mà sanh ra) cũng chính là ý này.
Trong kinh Niết
Bàn thuyết minh: “Nhất thiết chúng sanh tuy hữu Phật tánh, yếu nhân trì giới,
nhiên hậu nãi kiến, nhân kiến Phật tánh, đắc thành a nậu đa la tam miệu tam bồ
đề” (Tất cả chúng sanh dù sẵn có Phật tánh, nhưng cần phải nghiêm trì tịnh
giới, sau đó mới thấy được Phật tánh. Do thấy được Phật tánh mà đắc thành quả
vị a nậu đa la tam miệu tam bồ đề). Đây là nói về ý nghĩa nhân duyên Phật tánh
và liễu nhân Phật tánh lấy giới này làm chủng tử.
Trong luận Khởi
Tín thuyết minh: “Dĩ tri pháp tánh vô nhiễm ô, tùy ly ngũ dục quá cố, tùy thuận
tu hành Thí Ba La Mật” (Do biết rõ pháp tánh vốn không ô nhiễm, lập tức xa lìa tội
lỗi say mê ngũ dục, tùy thuận theo pháp mà tu hành Thí Ba La Mật).
Đây là nói về
Quang Minh Kim Cương Bảo Giới lấy chánh nhân Phật Tánh làm chủng tử. Tất cả
chúng sanh đều đồng sẵn đủ Phật Tánh chủng tử này, nhưng vì sao chúng ta cũng
như tất cả chúng sanh không thể chứng đắc Tâm Địa pháp môn?
Trả lời câu hỏi
này thật đơn giản. Ấy là do nơi chúng sanh bị phiền não che đậy, làm chướng,
luôn trái ngược lại giác tánh và thuận hợp với trần lao mà ra nông nỗi như vậy.
Nếu thuận theo Phật tánh mà tu hành thì có thể siêu thoát khỏi biển khổ sanh
tử, ngộ nhập tự tánh Niết Bàn sẵn có và mới có thể chứng đắc Tâm Địa pháp môn,
đồng như chư Phật.
Sở dĩ Đức Phật
đến nhân gian tuyên thuyết Tâm Địa diệu giới này; và chúng ta sở dĩ phải bẩm
thọ Tâm Địa diệu giới này, vì Phật muốn cho chúng ta chứng đắc Tâm Địa pháp
môn. Hơn nữa, chỉ có Tâm Địa diệu giới này mới có thể giúp chúng ta chứng đắc
Tâm Địa pháp môn. Thế nên chúng ta không nên xem thường.
A.4.1.2. HIỂN GIỚI THẮNG LỢI (nêu rõ sự lợi ích của giới)
Kinh
văn
1. Phiên
âm:
Từ câu “nhứt
thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh...” đến câu “... đương đương thường hữu
nhân cố, đương đương thường trụ pháp thân”.
2. Dịch nghĩa:
Tất cả chúng
sanh đều có Phật tánh, tất cả ý thức sắc, tâm, là tình, là tâm đều nằm trong
phạm vi giới tánh Phật tánh, vì chắc chắn thường có chánh nhân, nên chắc chắn
pháp thân luôn thường trụ.
Lời giảng:
Bổn nguyên của
Quang Minh Kim Cương Bửu Giới đã nêu rõ bên trên. Giờ đây xin thuyết minh phần
thắng lợi của Quang Minh Kim Cương Bửu Giới.
“Nhất thiết chúng
sanh giai hữu Phật tánh” trong phần kinh văn trên trong kinh Niết Bàn cũng từng
nói đến. Các học giả trong Phật giáo Trung Quốc tối sơ đều thừa nhận tất cả
chúng sanh đều sẽ được thành Phật, chính do từ câu này.
Kinh Niết Bàn
nói tiếp: “Phàm hữu tâm dã, giai đương tác Phật” (Phàm chúng sanh nào có tâm
đều sẽ thành Phật).
Tâm nghĩa là
pháp mà mỗi chúng sanh đều có sẵn, Phật tánh ẩn tàng trong tâm chúng sanh; vì
thế nên các chúng hữu tình nếu có đủ tâm thức hoạt động đều có thể thành
Phật.
Ở đây có người
hỏi: Chúng tôi hiện có Phật tánh hay không?
Tôi dám quả
quyết đáp rằng: Đương nhiên là có.
Nếu như quý vị
hỏi tiếp: Chúng tôi đã có Phật tánh, tại sao không thành Phật?
Tôi xin đáp: Đủ
Phật tánh là một sự kiện, thành Phật hay không lại là một sự kiện khác. Chư Đại
Giác Thánh Nhân sở dĩ nói các Ngài đã thành Phật do vì các Ngài đã đem Phật
tánh sẵn đủ của mình chẳng những khai phát mà còn trang nghiêm Phật tánh, để hoàn
thành diệu quả Pháp Thân thanh tịnh. Hàng phàm phu cụ phược chúng ta sở dĩ vẫn
là chúng sanh, vì Phật tánh còn bị vô minh hắc ám bao phủ, ngăn che, nên phải
thành thân sanh tử trong vòng luân hồi. Do đó, sở dĩ chúng ta mãi trôi lăn
trong vòng sanh tử, không được thành Phật, vấn đề không phải là ở nơi chúng ta
không đủ Phật tánh, mà chính ở chỗ do căn bệnh vô minh che đậy Phật tánh, làm
cho Phật tánh không thể hiển hiện.
Hiện tại, nếu có
thể bẩm thọ Quang Minh Kim Cương Bảo Giới này thì vô minh che đậy Phật tánh bị
tiêu diệt, khiến cho Phật tánh lý thể hoàn toàn hiển lộ, tức thời có thể thành
Phật. Thế nên hiện tại không thành Phật được, không phải là không có Phật tánh;
cũng không nên buồn trách một người nào, mà cần nên tự trách mình chưa phá trừ
được vô minh đó thôi.
Phật tánh bao
gồm tất cả pháp và không cuộc hạn ở một khía cạnh nào. Cho nên tất cả hoặc ý
hoặc thức, hoặc sắc, hoặc tâm, đều là tình, là tâm. Không một pháp nào chẳng điều
nhiếp vào trong phạm vi giới pháp Phật tánh. Lý thể Phật tánh bất sanh bất diệt
và luôn thường trụ, cho nên tất cả các tâm thức hoạt động hư vọng, phân biệt,
hoàn toàn do vô minh, bất giác gây ra.
Chủ thể của tâm
hư vọng, phân biệt là A Lại Da Thức. Nguyên nhân sanh khởi A Lại Da Thức là
nương nơi Như Lai Tạng mà có. Nên Khởi Tín Luận nói: “Tâm sanh diệt giả, y Như
Lai Tạng, cố hữu sanh diệt tâm. Sở vị: Bất sanh, bất diệt, dữ sanh diệt hòa
hợp, phi nhứt, phi dị, danh vi A Lại Da thức” (Nói đến tâm sanh diệt phải biết
do đâu mà có? Tức là y theo Như Lai Tạng phát sanh nên có tâm sanh diệt. Trong
kinh gọi là bất sanh, bất diệt, hòa hợp với sanh diệt, chẳng phải hợp làm một,
chẳng phải phân ra khác nhau, gọi là A Lại Da thức).
Tiếp theo đó,
nương theo A Lại Da thức này mà sanh khởi ra ý. Nương nơi tâm và ý mà có ý thức
sanh khởi. Đồng thời, cũng trong Khởi Tín Luận nói: “Dĩ A Lại Da thức thuyết
hữu vô minh” (do nương nơi A Lại Da thức mà nói là có vô minh). Chúng sanh mãi
trôi lăn trong vòng sanh tử, không được thành Phật, thật ra không phải do
nguyên nhân nào khác mà chính do Vô Minh Trụ Địa từ vô thỉ ở trong A Lại Da
thức quấy rối!
Ở đây nói là tâm
là theo ý nghĩa tập khởi, không giống như ý nghĩa tích tập chủng tử sanh khởi
hiện hành trong pháp tướng Duy Thức đã nói, mà chỉ cho vọng niệm bỗng nhiên tập
khởi.
Ý là ý nghĩa tư
lương, có đủ công năng tác dụng hằng thẩm tư lương (kiểm soát tư tưởng). Theo
Duy Thức thì đó là “đệ thất nhiễm ô ý”. Khởi Tín Luận cho là có năm thứ ý (năm
thứ này có nêu và giảng rõ trong Khởi Tín Luận và các bộ chú sớ).
Thức là liễu
việc (hiểu rốt ráo mọi việc). Cả sáu thức đều gồm luôn trong đó. Sắc là chỉ cho
vật chất cụ thể hiện tại thường nói đến, cũng chỉ cho sanh mạng nhục thể của chúng
sanh do tứ đại tổ hợp. Tâm, Ý, Thức ba thứ này gọi chung là tinh thần.
Sanh mạng chúng
sanh là sự hòa hợp của hai thể: tinh thần lẫn vật chất. Chúng sanh do sắc tâm
hòa hợp và sẵn có Phật tánh tiềm ẩn trong đó. Chúng ta nên biết rằng Phật tánh chính
là ở trong tâm thức. Ngoài tâm thức này ra, không có Phật tánh nào tồn tại
riêng được.
Nên trong kinh Lăng
Già, Đức Phật từng nói: “Ngã thuyết A Lại Da thức tức thị Như Lai Tạng” (Ta nói
A Lại Da thức chính là Như Lai Tạng).
Hai chữ “thị
tình” (là tình) dùng phân biệt với vô tình.
Hai chữ “thị
tâm” (là tâm) dùng phân biệt với vô tâm.
Vô tình, vô tâm
chính là những loại cây, đá vô ý thức. Những vật thuộc về gỗ, đá đương nhiên
không thể kham thọ Tâm Địa diệu giới. Chỉ có loài hữu tình có đầy đủ tinh thần
và hoạt động mới có thể bẩm thọ Tâm Địa diệu giới. Đã là hữu tình, tức có đủ
Phật tánh, nên đương nhiên vào trong pháp giới Phật tánh.
Hai câu:
Đương đương thường
hữu nhân cố.
Đương đương thường
trụ Pháp Thân.
Dịch: “Vì chắc
chắn thường có chánh nhân nên chắc chắn Pháp Thân thường trụ” biểu thị lý tất
nhiên của luật nhân quả. Hai chữ “đương đương” ở đây có thể hiểu là “đích thực
như vậy”. Nghĩa là: Quang Minh Kim Cương Bửu Giới đích thực thường có chân nhân
thành Phật, đích thực là diệu quả Pháp Thân thường trụ sẵn có. Nhân và quả đều
không ly khai Tâm Địa diệu giới này.
Hai chữ “thường
hữu” dùng để phân biệt với ý nghĩa không phải thoạt có, thoạt không, mà bất cứ
lúc nào cũng có, đích xác làm chân nhân thành Phật. Hai chữ “thường trụ” dùng
để phân biệt với ý nghĩa không phải thoạt đến, thoạt đi mà biểu thị ý nghĩa
Pháp Thân diệu quả vĩnh viễn thường hằng, không có tướng khứ lai, động tĩnh.
Nhưng Pháp Thân diệu quả thường trụ này không phải do từ bên ngoài mà có được;
chính là do Phật tánh sẵn có bên trong, cực lực khai phát trang nghiêm mà
thành.
Bởi vì sự lợi
ích thù thắng của Quang Minh Kim Cương Bửu Giới là chân nhân thành Phật, là
Pháp Thân Diệu Quả Thường Trụ thanh tịnh, cho nên ở phần khai mạc bên trên nêu
là Hiển Giới Thắng Lợi.
A.4.1.3. KHUYẾN TÍN THỌ TRÌ (khuyên phát tín tâm thọ trì giới)
Kinh
văn
1. Phiên
âm:
Từ câu: “Như thị
thập Ba La Đề Mộc Xoa xuất ư thế giới...” cho đến câu: “...bổn nguyên tự tánh
thanh tịnh”.
2. Dịch nghĩa:
Mười Ba La Đề
Mộc Xoa như thế xuất hiện trong đời. Giới pháp này là chỗ kính trọng thọ trì
của tất cả chúng sanh trong ba đời. Giờ đây, Đức Phật sẽ vì trong đại chúng mà giảng
lại giới phẩm vô tận tạng, là giới phẩm của tất cả chúng sanh, bổn nguyên tự
tánh thanh tịnh.
Lời giảng:
Giới pháp Phật
tánh như trên đã thuyết minh, là nhân tố duy nhất để thành Phật của tất cả
chúng sanh. Nếu như đối với Phật tánh pháp giới này mà cực lực trang nghiêm thì
cũng có thể hoàn thành Phật quả tối cao.
Nói một cách
khác, chỗ tu nhân hạnh chính là giới pháp Phật tánh này, chỗ chứng đắc quả vị
cũng chính là Phật tánh giới pháp này. Vì thế, chúng ta có thể biết chỗ chứng ngộ
của chư Phật Như Lai cố nhiên là giới pháp Phật tánh này. Phàm phu chúng sanh
mê hoặc, không thể giác ngộ đều là do bị mê hoặc, không hiển lộ được giới pháp
Phật tánh này. Đức Đại Thánh Thích Tôn đã phát lộ được điểm ấy. Đối với tất cả
chúng sanh đã sẵn đủ nhân thù thắng thì đều có thể chứng đắc quả thù thắng này,
nhưng vì bị mê hoặc không giác ngộ, nên trước sau phải chịu trầm luân trong
biển khổ sanh tử. Đức Phật vô cùng thương xót, không nỡ để sanh chúng cứ mãi
trầm luân như thế, nên Ngài mới suy nghĩ tìm phương cách cứu độ.
Nhưng dùng phương
cách nào mới có thể khiến chúng sanh giác ngộ Phật tánh?
Không có phương
pháp nào hơn là tuyên thuyết các giới pháp, khiến cho tất cả chúng sanh nhất
nhất đều y theo đó giữ gìn, mới có thể chuyển mê thành ngộ, siêu phàm nhập
thánh và hoàn thành vô thượng Phật quả.
Đức Phật dùng
tâm đại từ, đại bi vận dụng những phương tiện khác nhau, đem giới pháp Phật
tánh sẵn có của chúng sanh khai ra thành mười thứ để tuyên thuyết, cho nên nói:
“Mười Ba La Đề Mộc Xoa như thế xuất hiện trong đời”. Mười Ba La Đề Mộc Xoa
chính là mười giới trọng căn bổn.
Tâm Địa giới
pháp trọng yếu dường ấy, thế gian không dễ gì gặp được. Hiện tại, nhờ đức Như
Lai xuất thế tuyên thuyết, mới có giới pháp này xuất hiện trên thế gian. Chúng ta
rất có phước duyên và hạnh vận mới được gặp Tâm Địa giới pháp này, nên phải
phát tâm đại hoan hỷ, hết lòng tôn trọng cung kính đối với Ba La Đề Mộc Xoa này
và y theo đó, đúng như pháp tu trì, mới mong ngộ nhập vào phạm vi giới pháp
Phật tánh.
Ba chữ “thị pháp
giới” (pháp giới này), chữ Pháp nghĩa là quỹ tắc hoặc phép tắc. Nếu như có
người hỏi chư Phật vì sao mà được thành Phật? Chúng ta ắt có thể đáp lại một
cách quả quyết rằng: “Căn cứ vào quỹ tắc mười giới trọng mà được thành
Phật”.
Sự thành Phật
của chư Phật đã rõ ràng như thế, chúng ta nếu muốn thành Phật cũng không có gì
lạ; phải vâng theo phép tắc thành Phật này, thể hiện một cách thiết thực, tu
hành một cách nhận chân, lẽ tất nhiên, sẽ đạt đến mục đích thành Phật.
Nếu không vâng
theo phép tắc này, không theo quy luật này mà thực hành, mà muốn được thành
Phật, thiết tưởng đó là điều không thể được. Và do vì giới pháp này là phép tắc
tu thành Phật, nên kinh văn gọi là “giới pháp”.
Danh từ Ba La Đề
Mộc Xoa là tiếng Ấn Độ, trong kinh từ trước đến nay tiếng Trung Quốc dịch là
Biệt Biệt Giải Thoát. Người đời không rõ được chủ ý của Đức Phật khi chế giới,
nên khi nhìn thấy những giới điều của Ngài đã chế định, trong đó Ngài dạy hàng
đệ tử việc này không được làm, việc kia không được làm; từ đó, họ ngộ nhận giới
pháp của Phật giáo là một thứ thúc phược con người, nên không dám phát tâm tin
Phật, cũng không dám thọ giới. Họ không biết rằng: Giới pháp của Như Lai chế
định chẳng những không thúc phược chúng ta, mà là muốn cho chúng ta được tự tại
giải thoát.
Ý nghĩa Biệt
Biệt Giải Thoát là như thế nào?
- Nếu như nghiêm
trì giới không sát sanh thì chúng ta đối với việc sát sanh này chắc chắn được
giải thoát.
- Như nghiêm trì
giới không trộm cắp thì đối với sự trộm cắp này, chúng ta mới được giải
thoát.
- Như nghiêm trì
giới không dâm dục thì đối với việc dâm dục, chúng ta mới được giải
thoát.
Trên đây nêu ra
ba giới để làm tiêu biểu. Ngoài ra, nghiêm trì các giới pháp khác cũng đều được
giải thoát như vậy.
Trong phạm vi
quan hệ với điểm này, tôi cần phải giải thích rõ để quý vị khỏi thắc mắc và
không cảm thấy có sự khác lạ. Tỷ như chúng ta tạo nghiệp sát sanh, đặc biệt là
sát nhân. Chính trong lúc tạo nghiệp là do bị ma phiền não xúi giục, sai sử,
hoặc chính thân tâm ta cho là không có gì tội lỗi. Nhưng sau khi đã tạo nghiệp
rồi, trong nội tâm của chúng ta lúc nào cũng bị tồn tại một ám ảnh đã giết
người. Bấy giờ, dù chúng ta đi đến bất cứ nơi nào, chúng ta cũng cảm thấy dường
như có người luôn theo sau muốn giết mình. Một khi đã có ý niệm như thế thì
trống ngực liền đập, nội tâm cảm thấy không an ổn.
Tâm trạng bất ổn
này chính là không giải thoát. Trái lại, nếu chúng ta chưa từng có hành động
sát nhân bao giờ, thì nội tâm luôn bình thản, không sợ sệt, lại luôn được tự do
tự tại. Đó chính là do không tạo nghiệp sát sanh nên được kết quả giải thoát rõ
ràng như vậy. Không sát sanh như thế thì không trộm cắp cũng như vậy.
Nho thi có
câu:
Vị nhơn bất tác
khuy tâm sự,
Bán dạ xao môn
diệc bất kinh.
Dịch:
Làm người đừng
mưu tâm làm hại kẻ khác thì nửa đêm dù có bị gõ cửa, lòng cũng không kinh
sợ.
Chẳng hạn, những
kẻ trộm cắp tài vật của người, đến lúc chiều tối, dù ngủ ngon giấc cách nào,
khi nghe tiếng gõ cửa liền sanh tâm sợ hãi. Nếu không phải sợ cảnh sát đến bắt
thì cũng sợ khổ chủ bị mất tài vật đến tìm. Thâm tâm lúc bấy giờ không được tự
tại, an ổn. Trái lại, nếu giữ gìn giới không trộm cắp thật nghiêm cẩn, không bao
giờ trộm lấy tài vật của người dù là một vật nhỏ, thì trong lúc nửa đêm, dẫu có
người đến gõ cửa, trong tâm vẫn không chút gì sợ sệt. Không sợ sệt tức là giải
thoát.
Như trên đã
thuyết minh về sự tai hại và lợi ích của việc phạm giới, giữ giới. Tiếp theo
đây, xin nói qua giới dâm dục và xin dẫn vài câu chuyện ngắn trong bộ Cảm Ứng
Thiên quyển 3, nói về tai hại của dâm dục và lợi ích của sự giữ gìn giới cấm
này.
* Truyện thứ
nhất:
Ở Trung Hoa, vào
triều nhà Minh, tại xã Địch Dương, có người tên Vương Cần Chính thông dâm với
một phụ nữ hàng xóm, và họ cùng nhau ước hẹn đi nơi khác.
Vì sợ chồng đuổi
theo kịp sẽ rất nguy hại, người phụ nữ ấy bèn tính kế giết chồng. Sau khi người
chồng bị giết, Cần Chánh nghe tin ấy, hoảng sợ, tức khắc một mình đến huyện
Giang Sơn mong trốn khỏi vụ án ấy.
Từ Địch Dương
đến huyện Giang Sơn cách nhau 70 dặm. Cần Chánh định chắc đã xa, và có thể
thoát qua tai họa. Trong lúc đi đường, vì bụng đói, anh ta ghé vào tiệm ăn cơm.
Chủ quán bảo người làm công dọn một mâm cơm có chén đũa cho cả hai người dùng.
Cần Chánh thấy thế bảo rằng: “Chỉ một mình tôi, sao lại dọn cho hai người?” Chủ
quán đáp: “Khi nãy tôi thấy có một người bỏ tóc xõa cùng đi với ông vào tiệm,
vì thế tôi bảo dọn cho hai người”.
Cần Chánh nghe
qua vô cùng sợ hãi, biết là oan quỷ tức chồng của tình nhân đi theo, liền tự
động đến quan huyện thú tội. Quan huyện tức khắc cho bắt người đàn bà kia. Thế là
cả hai đồng bị xử án sát nhân.
* Truyện thứ
hai:
Lại tại huyện
Kinh Khê có hai người, lúc nhỏ cùng học một trường, kết bạn với nhau rất thân
thiện. Khi đến tuổi thành niên, cả hai đều lập gia đình. Một người giàu có, một
người thì nghèo cùng, túng thiếu. Người bạn nghèo có một cô vợ tuyệt đẹp. Người
bạn giàu kia thấy người đẹp nên tính kế chiếm đoạt.
Một hôm anh ta
nói với người bạn nghèo rằng: “Tôi có quen một gia đình đại phú, vợ chồng anh
có thể đến đó nương náu và an sống”.
Người bạn nghèo
nghe nói, tưởng là tình bằng hữu mãi thương nhau nên vô cùng cảm tạ. Bấy giờ,
bạn kia xuất tiền sắm một chiếc ghe khá lớn để chở hành lý, rồi cùng hai vợ
chồng bạn cùng đi. Ba người chèo ghe đến một ngọn núi, người bạn giàu bảo bạn
nghèo rằng: “Để chị ở đây giữ đồ, tôi và anh đi trước lên núi”.
Người ấy dẫn bạn
vào rừng rậm, rồi tức khắc lấy búa dắt sẵn trong lưng chém chết. Sau đó, giả vờ
khóc lóc một cách thê thảm, xuống núi bảo với vợ bạn rằng: “Chồng chị chết vì
nạn cọp”.
Người phụ nữ vừa
nghe xong ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Một hồi lâu nàng tỉnh lại khóc lóc thê
thảm. Người bạn giàu an ủi rằng: “Tai nạn xảy ra là việc đã rồi, giờ chị có quá
buồn đau cũng không làm sao được. Chị nên cùng tôi lên núi kiếm thi hài”.
Người phụ nữ dù
hết sức đau đớn, nhưng nghe nói cũng cố gắng đi tìm thi hài của chồng. Người
này dẫn vợ bạn đến chỗ rừng suối rậm rạp, liền ôm người đàn bà ấy và cầu làm
việc bất chánh. Người đàn bà la lên phản đối. Ngay lúc ấy, bỗng nhiên mãnh hổ
nhảy ra ngậm anh bạn giàu có đi một mạch. Người phụ nữ thấy thế cả kinh và cho rằng
quả thật chồng mình đã lọt vào miệng cọp, nên vừa khóc kể, vừa lần xuống chân
núi.
Lúc đang đi
trông thấy xa xa có một người vừa khóc,vừa đi đến, người phụ nữ nhận ra đó
chính là chồng mình. Khi vừa gặp nhau, cả hai nắm tay khóc lóc thê thảm, rồi
cùng thuật lại những việc đã qua. Người chồng bảo: “Anh ấy toan làm nhục em,
nhưng không bị làm nhục; toan giết anh, nhưng anh không chết, giờ đây anh đâu
có ân hận gì!”
Người vợ cũng
nói: “Cái khổ nhất của em là tưởng anh đã chết, em toan báo thù kẻ địch, nhưng
kẻ địch đã tự thọ báo, giờ đây em rất mãn nguyện”.
Bấy giờ cả hai
buồn vui lẫn lộn, dẫn nhau xuống ghe cùng chèo về xóm.
Qua hai câu
chuyện trên thuyết minh về việc phạm dâm nghiệp mà bị hiện báo.
Tiếp theo đây,
xin trích dẫn hai truyện ngắn nói về sự giữ gìn thân tâm thanh tịnh, không phạm
tội dâm mà được phước báo hiện tại.
* Truyện thứ
nhất:
Ở Trung Hoa, tại
tỉnh Chiết Giang, có quan Chỉ Huy Sứ, rước một giáo sư về nội dinh dạy con.
Một hôm, vị giáo
sư bị bệnh thương hàn, vì muốn cơn bệnh mau nhẹ, nên liệu trị theo cách phát
hãn (làm cho toát mồ hôi), giáo sư bảo học trò đi lấy mền. Cậu bé khi đi lấy mền,
vì sơ ý, nên kéo luôn chiếc dép của mẫu thân đến phòng thầy giáo. Khi xông
thuốc lá xong, giáo sư bảo cậu bé đem trả mền thì chiếc dép còn lại trong phòng
thầy giáo, nhưng cả thầy lẫn trò đều không biết.
Quan Chỉ Huy Sứ
trông thấy nghi ngờ vợ mình tư thông với thầy giáo nên tra hỏi người vợ; nhưng
tra hỏi cách nào phu nhân vẫn không chịu tội. Quan Chỉ Huy Sứ lập mưu dò xét.
Ông sai một tỳ nữ đến phòng thầy giáo gõ cửa và nói lệnh bà mời thầy đến. Thầy
giáo cả giận mắng: “Đêm khuya giờ này mà mời cái gì!”
Tỳ nữ tức khắc
về thưa lại. Chỉ Huy Sứ bắt buộc phu nhân phải đích thân đi. Khi phu nhân đi
trước, quan Chỉ Huy Sứ nối gót theo sau và cầm một thanh bạch nhẫn (gươm trắng)
đứng bên ngoài đợi mở cửa. Phu nhân gõ cửa xin vào phòng, thầy giáo liền cự
tuyệt và bảo rằng: “Giờ này phu nhân không được phép vào phòng tôi”.
Phu nhân khẩn
khoản nhiều lần, nhưng thầy giáo quyết định không mở. Hôm sau, theo thường lệ
mỗi buổi sáng, sau khi súc miệng, rửa mặt, điểm tâm xong, thầy giáo sẽ bắt đầu dạy
học. Nhưng trái lại, thầy giáo sau khi súc miệng, chải đầu xong, liền từ biệt
quan Chỉ Huy Sứ đi về.
Quan Chỉ Huy Sứ
bấy giờ mới rõ sự thật, nói rằng: “Tiên sinh thật là một bậc chân quân tử”.
Đoạn thuật hết đầu đuôi tự sự chính mình đã làm và thành tâm tạ lỗi, mời thầy ở
lại lớp tiếp tục giáo huấn các con trong nhà.
Thầy giáo là một
thanh niên trẻ tuổi. Trong kỳ thi năm ấy, thầy đậu khoa cao, sau đó làm quan
trong nội triều.
* Truyện thứ
hai:
Cũng tại Trung
Hoa, thời bấy giờ có một tướng lãnh tên Trình Ngạn Tân. Lúc đi chinh phạt tại
Ninh Thành, trong thời gian ở thành nội, một hôm, kẻ tả hữu đưa vào ba thiếu nữ
chưa chồng, không biết con nhà ai, dâng cho tướng lãnh. Ba cô đều là người quốc
sắc khuynh thành. Tướng công đang lúc rượu say, thấy ba cô thiếu nữ còn quá
trẻ, bảo rằng: “Ba cô cũng như con gái tôi ở nhà, tôi đâu dám làm việc phạm
giới”. Sau đó, vị tướng lãnh ra lệnh thuộc hạ cho ba cô ăn uống no đủ và dẫn
vào một ngôi nhà tử tế cho cả ba an nghỉ. Ngài ra ngoài khóa cửa lại. Đến sáng,
bảo người dẫn đến hỏi danh tánh, xứ sở, cha mẹ, rồi sai người mang về trao trả
cho gia đình.
Sau này, tướng
công trí sĩ về cố hương, tịnh dưỡng tu hành. Đến ngày từ trần, ông đi từ biệt
các thân hữu, rồi niệm Phật mà tạ thế, hưởng thọ chín mươi ba tuổi. Các con của
ông sau này đều đậu khoa cao và rất vinh hiển.
Truyện kể trên
đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng giữ gìn hạnh thanh tịnh, không phạm tội mà
được phước báo hiện tiền.
Như thế, chúng
ta thấy rõ những giới điều của Phật chế định, ngăn cấm việc này không được làm,
việc kia không được làm, chính là xuất phát từ tâm từ bi của Phật. Ngài muốn cho
chúng ta đi trên con đường giải thoát, thoát hẳn sự thúc phược và mọi khổ
đau.
Thế nên người
đời nếu quan niệm những giới luật của Phật là những quy điều bó buộc con người
một cách vô ích, thì họ hoàn toàn sai lầm. Có một điều chúng ta cần phải biết: Bốn
giới Sát, Đạo, Dâm, Vọng thuộc về tánh giới. Đứng về phương diện tội lỗi thì
gọi là tánh tội. Nghĩa là bốn sự việc ấy bản chất của chúng vốn là tội lỗi. Thế
nên nếu người nào giữ gìn không phạm thì được phước vô lượng; người nào trái
phạm thì khổ quả vô biên. Không luận có Phật ra đời hay không, có Phật chế giới
hay không chế giới, hễ nghiêm trì thì được phước, vi phạm thì mang họa.
Như trên đã giải
thích danh từ Ba La Đề Mộc Xoa là Biệt Biệt Giải Thoát, cũng có thể dịch là Bảo
Giải Thoát. Nghĩa là người thọ trì giới pháp này, nếu theo đúng pháp, giữ gìn không
hề vi phạm, nếu là hành giả Thanh Văn thừa, thì Như Lai bảo đảm, chứng chắc
người ấy quyết định được quả giải thoát tất cả vô minh, phiền não v.v... được
chứng Pháp Thân thanh tịnh, đạt đến quả vị như Phật.
Căn cứ vào ý
nghĩa trên đây, chúng ta có thể nói như vầy: “Lúc tu nhân, giữ gìn tịnh giới
nghiêm cẩn, đạt đến chỗ chứng quả Pháp Thân thanh tịnh nên gọi là Ba La Đề Mộc
Xoa”. Tính chất trọng yếu của Ba La Đề Mộc Xoa, từ những thuyết minh trên, có
thể nói, đã được biểu thị một cách minh bạch.
Trong kinh Phạm
Võng này giảng mười giới trọng căn bản gọi là Thập Ba La Đề Mộc Xoa.
Trong Luận Du
Già Bồ Tát Giới giảng bốn giới trọng căn bản, gọi là Tứ Ba La Đề Mộc Xoa.
Kinh Ưu Bà Tắc
giảng sáu giới trọng căn bản, gọi là Lục Ba La Đề Mộc Xoa.
Trong kinh Thiện
Giới giảng tám giới căn bổn thì gọi là Bát Ba La Đề Mộc Xoa...
Như thế, các
kinh giảng giới trọng căn bổn, nhiều ít không đồng đều. Mười Ba La Đề Mộc Xoa,
Đức Phật đã giảng, là phép tắc thành Phật của chúng sanh, nên tất cả chúng sanh
trong ba đời đều phải đảnh đới thọ trì.
Hai chữ “đảnh
đới” nghĩa là đầu đội (bản Việt văn dịch là kính trọng thọ trì).
Dùng “đầu đội” ý
muốn nói sự tôn trọng đến cực điểm, như đem những vật quý báu đội lên đầu,
không dám tùy tiện sơ suất, không dám xem nhẹ mảy may và cũng không dám có tâm
khinh thường.
Hai chữ “thọ
trì” là ý nghĩa lãnh thọ, chấp trì, biểu thị tinh thần đối với giới pháp, từng
giờ, từng phút dùng tâm thể hội, như giữ gìn cẩn thận những vật mình yêu tiếc,
không một giây phút buông bỏ, xa lìa hoặc quên lãng.
Chỉ có thái độ
tinh thần và đầu đội tuân giữ đối với giới pháp như thế mới mong tránh khỏi sự
sai phạm giới luật.
Đầu đội, vâng
giữ giới pháp thành Phật này, không chỉ riêng một chúng sanh nào cần phải thực
hành mà tất cả chúng sanh đều phải thực hành. Không phải chỉ riêng đời hiện tại,
mà cả đến đời quá khứ, vị lai, tất cả chúng sanh đều phải thực hành đúng theo
như thế.
Tóm lại:
Tất cả chúng
sanh đều phải hết lòng tôn trọng giới pháp này. Trừ phi những chúng sanh nào
không muốn được giải thoát và thành Phật. Trái lại, nếu muốn được giải thoát và
thành Phật thì cần phải trân trọng tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa.
Nếu đối với Ba
La Đề Mộc Xoa này hơi có chút xem thường, hủy phạm, phá hoại mà muốn thành Vô
Thượng Phật Quả thì hoàn toàn vô vọng. Tính chất trọng yếu của giới pháp chúng ta
đã có thể thấy rõ nơi đây, nên tôi (pháp sư giảng kinh) hy vọng mỗi hành giả
đang tu học Phật pháp, đối với giới pháp thành Phật này, phải đúng theo pháp mà
đảnh đới thọ trì (đầu đội vâng giữ).
Đức Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong nhân gian vì muốn cho chúng sanh biết rõ trọng
yếu tính của giới pháp này, nên Ngài vì đại chúng đương thời giảng lại Thập Vô
Tận Tạng Giới Phẩm (câu này bản Việt văn dịch là “Đức Phật vì trong đại chúng
này mà giảng lại giới phẩm Vô Tận Tạng).
Hai chữ “đại
chúng” trong kinh văn đoạn này, chỉ cho hàng tứ chúng hiện tiền có thể bẩm thọ
giới pháp, cùng với chúng thiên, long, bát bộ quỷ thần v.v... Nhân vì giới pháp
này, bất luận người nào, chúng sanh nào chỉ cần hiểu được lời giảng của Pháp Sư
truyền giới thì đều có thể bẩm thọ.
Hai chữ “trùng
thuyết” trong câu “trùng thuyết Vô Tận Tạng Giới Phẩm” (giảng lại giới phẩm Vô
Tận Tạng), chứng tỏ trước đã giảng qua, hiện tại giảng lại lần nữa, hoàn toàn
không có ý nào mới lạ, cho nên gọi là “trùng thuyết”. Hoặc trước kia, Đức Phật
Lô Xá Na ở thiên cung vì chư Bồ Tát và chư thiên nhân đã giảng qua 10 Ba La Đề Mộc
Xoa này. Giờ đây, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng sanh trong cõi nhơn gian
đây giảng lại 10 giới phẩm Vô Tận Tạng.
Có người cho:
Đem trọng yếu tính của giới pháp để giảng nói, chỉ dạy cho mọi người một lần là
đủ rồi, sao lại phải giảng nói lại lần nữa?
Nên biết: Giới
là nền tảng thành Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm dạy: “Giới vi Vô Thượng Bồ Đề
bổn” (giới pháp là căn bổn để thành tựu Vô Thượng Bồ Đề). Vì thế, tuy đã nói một
lần rồi, phải nói lại lần nữa, mà không cảm thấy nhàm chán, phiền nhọc để cho
chúng sanh đối với giới pháp này luôn đề cao cảnh giác, đem giới pháp này ghi
nhớ trong não hải, không được quên lãng.
Khi Đức Phật còn
tại thế, Ngài vì chúng đệ tử xuất gia và tại gia cùng chế định nguyên tắc nửa
tháng tụng giới một lần. Chính Đức Phật cứ mỗi nửa tháng, Ngài cũng tự tụng
giới, đây là ý nghĩa Trùng Thuyết.
Đức Đạo Tuyên
Luật Sư, sơ tổ của Luật Tông Trung Hoa, cứ mỗi nửa tháng, vì đại chúng công
khai tụng với chúng một lần; riêng cá nhân, Tổ lại tụng đến 10 lần. Đây đều là
biểu thị ý nghĩa chư Phật Như Lai, chư Đại Bồ Tát tôn trọng kính cẩn đối với
giới pháp chưa đủ, lại còn phải tụng nhiều lần cho thuần thục điều văn của mỗi
giới.
Nếu không nằm
lòng giới điều thì sẽ không biết thế nào là Trì, thế nào là Phạm, có khi phạm
giới vẫn không biết, lại tự cho mình là trì giới, thật nguy hiểm biết dường
nào!
Nếu như thường
tụng giới, thường giảng giới thì đối với việc trì phạm, ghi nhớ rõ ràng, biết
việc nào không nên làm, nếu làm thì phạm giới. Nhờ thế, nhất cử, nhất động của
chúng ta đều có sự lưu ý giữ gìn, nên không đến nỗi xảy ra những việc vi phạm
giới luật.
Đức Phật trước
vì chúng sanh giảng nói mười Ba La Đề Mộc Xoa, rồi từ 10 Ba La Đề Mộc Xoa diễn
rộng ra thành 48 giới khinh. Lại từ 48 giới khinh khai triển ra thành ba ngàn
oai nghi, tám muôn tế hạnh. Rốt sau, đối với giới Bồ Tát diễn thành vô cùng vô
tận; cho nên gọi là Vô Tận Tạng Giới.
Như trên đã
thuyết minh, bất luận giới pháp Phật tánh hay Quang Minh Kim Cương Bửu Giới này
mà Đức Phật Lô Xá Na thường trì tụng trong thời kỳ tu nhân là chỉ có một giới
này duy nhất.
Tại sao hiện tại
gọi là Vô Tận Giới?
Tâm Địa diệu
giới, thật tế mà nói, chỉ là một giới mà thôi. Nhưng vì do tâm niệm của chúng
sanh vô tận nên giới pháp này cũng thành ra vô tận.
Trong kinh Anh
Lạc thuyết minh: “Giới pháp của tất cả phàm, thánh đều lấy tâm làm thể. Tâm nếu
như có chỗ cùng tận thì giới pháp cũng có chỗ tận cùng; nhưng vì tâm không cùng
tận nên giới pháp cũng không cùng tận”.
Cho nên Vô Tận
Tạng Giới vốn là do tâm thể vô tận mà sinh ra. Giới pháp của Bồ Tát dù có nhiều
đến vô cùng, vô tận như vậy, nhưng đều không lìa bản thể của tự tâm. Vì thế nên
gọi là một giới.
Tâm Địa diệu
giới bản thể của nó vốn là nhất vị bình đẳng, không thể nói có nhiều thứ sai
khác. Nhưng ở trước sở dĩ nói Vô Tận Giới Tạng, chẳng qua vì nhắm vào sự sai
biệt của giới tướng. Nếu như căn cứ vào giới thể mà nói thì vẫn là một chớ
không phải nhiều.
Đức Phật giảng
Vô Tận Tạng Giới vì ngại rằng chúng sanh căn cứ vào giới tướng mà sanh vọng
tưởng chấp trước, rồi đối với Giới Thể Bổn Hữu lại quên mất. Cho nên bấy giờ
lại phải đem giới tướng vô tận quy nạp về giới thể bổn hữu; nhưng giới thể này
không phải từ bên ngoài mà đến, cũng không phải do người nào cấp cho, mà chính là
giới pháp Phật tánh sẵn đủ của tất cả chúng sanh.
Phật tánh này là
bổn nguyên tự tánh thanh tịnh. Từ nơi giới pháp này, chúng sanh cùng Phật đồng
nguyên gốc. Phật tánh tự nó từ xưa nay thanh tịnh. Chỉ có điểm bất đồng là ở
chỗ chư Phật đã trở lại bổn nguyên, khôi phục được tự tánh thanh tịnh ấy, còn
phàm phu chúng ta vì chưa trở về bổn nguyên, nên cần phải bẩm thọ giới pháp mới
khôi phục được tự tánh thanh tịnh của mình. Dù chưa khôi phục được tự tánh
thanh tịnh, dù mãi còn trôi lăn trong biển sanh tử, nhưng nếu suy tìm đến tận
nguồn gốc thì tự tánh vẫn là thanh tịnh, từ trước đến nay chưa từng bị nhiễm
ô.
Ở đây một vấn đề
đặt ra là tại sao giới pháp Phật tánh sẵn đủ của chúng sanh, nếu vốn đã là bổn
nguyên thanh tịnh, sao lại còn phải bẩm thọ Vô Tận Tạng Giới?
Đối với điểm
này, Phật đã dạy rõ: “Như Lai nói Vô Tận Tạng Giới là phương tiện của Như Lai,
người bẩm thọ Vô Tận Tạng Giới là phương tiện của người bẩm thọ”.
Như vậy, Phật
tánh vẫn là căn bổn của giới pháp, là tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có từ xưa đến
nay của chúng sanh, lấy giới pháp Phật tánh làm thể sở y. Hành giả sở dĩ cần phải
bẩm thọ giới pháp, mục tiêu duy nhất là vì khôi phục bổn nguyên tự tánh thanh
tịnh.
Nếu như không
bẩm thọ giới pháp thì không làm sao có thể khôi phục bổn nguyên tự tánh thanh
tịnh. Cũng vì lý do ấy, Đức Phật đã vì chúng sanh giảng nói Vô Tận Giới Tạng.
Thế thì thuyết giả hay thọ giả đều là tối yếu, nếu không thì không thể khôi
phục bổn nguyên tự tánh thanh tịnh.
A.4.1.4. TỤNG TIỀN KHỞI HẬU (tụng phần trước, khởi phát phần sau)
A.4.1.4.1. XÁ NA THỈ THỌ (Đức Phật Xá Na bắt đầu thuyết trao giới pháp)A.4.1.4.2.
Kinh
văn
1. Phiên
âm:
Từ câu “thị thời
thiên bách ức...” cho đến câu “...chuyển thọ chư chúng sanh”.
1. Dịch nghĩa:
Bấy giờ ngàn
trăm ức Phật,
Trở về đạo tràng
của mình.
Đều ngồi dưới
cội Bồ Đề,
Tụng mười giới
trọng,
Bốn mươi tám
giới khinh
Của Bổn Sư Xá
Na.
Giới như vầng
nhật nguyệt sáng
Cũng như chuỗi
báu, ngọc châu,
Chúng Bồ Tát như
vi trần,
Do giới này mà
thành Phật,
Đây là đức Xá Na
tụng,
Ta đây cũng tụng
như vậy,
Các ông tân học
Bồ Tát,
Phải cung kính
thọ trì giới,
Khi thọ trì giới
này rồi,
Nên truyền lại
cho chúng sanh...
Lời giảng
Hai chữ “thị
thời” (bấy giờ) là chỉ thời gian Phật Lô Xá Na vì ngàn Phật Thích Ca và ngàn
trăm ức Phật Thích Ca truyền trao Tâm Địa giới pháp. Ngàn Phật Thích Ca và ngàn
trăm ức Phật Thích Ca đương thời sau khi ở Liên Hoa Đài Tạng thế giới, nghe Đức
Phật Lô Xá Na tụng giới xong, đều trở về đạo tràng nơi mình đắc đạo trước kia. Tất
cả đều ngồi dưới cội Bồ Đề, tụng lại giới pháp của Bổn Sư Lô Xá Na Phật. Ta
(chỉ cho Đức Phật Thích Ca) đã trì tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới
khinh.
Ngàn Phật Thích
Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca đều nhận Đức Phật Lô Xá Na làm Bổn Sư, cho nên
cần phải tụng lại giới pháp của Bổn Sư đã tụng. Đây là biểu thị giới pháp có
thầy truyền trao và trong thân tâm không bao giờ vong bổn. Đoạn trên đây dùng
giải thích các câu kệ trong giới bổn Hán văn:
Thị thời thiên
bách ức,
Hoàn chi bổn đạo
tràng,
Các tọa Bồ Đề
thọ,
Tụng ngã Bổn Sư
giới.
Phần tiếp theo,
giải thích câu kệ: “Giới như minh nhật nguyệt” (giới như vầng nhật nguyệt
sáng). Câu này có hai phần:
* “Giới như vầng
minh nhật”. Trong kinh thường nói:
Trọng tội như
sương, lộ
Huệ nhật năng
tiêu trừ
Dịch:
Tội trọng như
sương, giá,
Mặt trời trí huệ
hay tiêu trừ.
Ở phương Bắc
Trung Hoa (pháp sư Diễn Bồi ở Trung Hoa), hàng năm từ khoảng tháng Chín, tháng
Mười, bắt đầu có sương xuống nhiều. Dù chỉ là một màng mỏng manh, nhưng che phủ
cả trên nóc nhà, cây cối, núi rừng. Tất cả hiện ra một màu trắng xóa. Sớm mai
thức dậy có thể trông thấy rõ ràng. Nhưng lúc vầng thái dương vừa xuất hiện,
bao nhiêu sương tuyết trắng xóa kia đều bị ánh mặt trời chiếu rọi, tức khắc tan
biến, không tồn tại được lâu dài. Ngoài sương tuyết ra, còn có một thứ nước mù
sa, cũng như thế, cứ mỗi sớm mai, thứ mù sa này đọng khắp trên các đầu ngọn cỏ
xanh trong những cánh đồng mênh mông bát ngát, lóng lánh như ngọc. Nhưng khi
mặt trời xuất hiện, bao nhiêu giọt mù sa kia đều bị tia sáng mặt trời làm tan
biến tức khắc.
Bao nhiêu tội ác
của chúng sanh đã tạo ra từ vô thỉ cũng giống như sương tuyết, mù sa, không có
thực thể. Nên một khi mặt trời trí tuệ xuất hiện thì tất cả tội ác ấy tức khắc tiêu
trừ. Ở đây dùng “minh nhật” để dụ cho Tâm Địa diệu giới, nghĩa là khi ánh sáng
của vầng thái dương xuất hiện, tất cả hắc ám đều bị tiêu diệt như quang minh
của giới pháp có công năng diệt trừ tất cả sương mù tội ác.
* Giới như vầng
minh nguyệt:
Minh nguyệt là
trăng sáng. Vầng trăng tượng trưng cho sự thanh lương, u tịch. Trong đêm tối,
vầng trăng tỏa ra những tia sáng vừa trong sạch, vừa mát mẻ, tạo cho con người
cảm giác sảng khoái dễ chịu. Dù ban ngày nóng bức đến độ nào, đêm về, khi vầng
minh nguyệt xuất hiện, tất cả sự nóng bức đều tan biến, khiến mọi người cảm thấy
mát mẻ, an vui, tự tại.
Ví giới pháp như
vầng trăng sáng, là biểu thị ý nghĩa nếu hành giả thật sự nghiêm trì tịnh giới
sẽ luôn cảm thấy thân tâm thường được mát mẻ, an vui, tự tại. Trái lại, nếu tạo
tội lỗi, hoặc vi phạm giới pháp, dù không ai hay biết, nhưng nội tâm tự biết rõ
tội lỗi của mình. Nếu không nghĩ đến thì thôi, một khi bỗng nhiên nghĩ đến, tức
khắc mặt sẽ nóng bừng, nội tâm nhiệt não, như tiết mùa Hạ nóng bức không chịu
nổi.
Nên kinh luật
từng nói:
Phạm giới tựu
đắc nhiệt não,
Trì giới tựu đắc
thanh lương.
Dịch:
Phạm giới sẽ bị
nhiệt não,
Trì giới sẽ được
mát mẻ, an lạc.
Vì thế nên ví
giới pháp như vầng minh nguyệt.
Phần tiếp theo
sau đây, xin giải thích câu: “Diệc như anh lạc châu” (cũng như chuỗi anh
lạc).
- Anh là tên
chung của loài hoa, thứ hoa tốt nhất, hoặc cái tinh túy, tốt đẹp nhất.
- Lạc là
vui.
- Châu là hột
ngọc sinh ra do nước bọt của con trai dưới biển kết tụ lại rất đẹp và
quý.
Anh lạc là một
loại chuỗi người Ấn Độ dùng làm vật trang sức. Người thì dùng ngọc thật để xâu
thành chuỗi, người thì dùng hoa tươi đẹp đẽ để xâu thành tràng hoa trang sức nơi
cổ. Ở đây, nói chuỗi ngọc Anh Lạc chỉ cho những hạt trân châu, kim ngân có giá
trị được kết lại thành chuỗi, một thứ trang sức quý giá của những người
giàu.
Dùng hình tượng
chuỗi Anh Lạc quý báu để ví cho chúng sanh, nếu có thể nghiêm trì tịnh giới thì
được đắc vô lượng thiện pháp, mà không bị bần cùng, cô độc. Sự bần cùng, cô độc
của chúng sanh ở thế gian, đối với Phật pháp mà nói, thì không phải là không có
tài sản, tiền bạc, giàu có mà gọi là “bần cùng”. Ở đây chính là chỗ không có
công đức, pháp tài, do không nghiêm trì tịnh giới hoàn hảo, khiến cho các thiện
pháp quý báu bị tản thất.
Nếu có thể
nghiêm trì tịnh giới thì tất cả của báu thiện pháp tự nhiên mỗi ngày dần dần
tích tụ lại thành một đại phú gia. Vì vậy, giới pháp được ví như chuỗi ngọc Anh
Lạc.
Anh Lạc là loại
chuỗi trang nghiêm. Mọi người vì muốn trang sức thân mình nên dùng chuỗi ngọc
Anh Lạc mang vào cổ, vì nó là vật vô cùng quý giá và đẹp đẽ. Ấy là dụ cho hành giả
nếu có thể nghiêm trì tịnh giới thì có thể không còn những tướng mạo xấu xa.
Nếu sanh làm người mà lại bị tướng mạo xấu xí, theo như Phật pháp, thì đó là
hậu quả của những việc không nghiêm trì tịnh giới. Nếu có thể nghiêm trì tịnh
giới thì chắc chắn được tướng hảo viên mãn.
Hai câu kệ:
Giới như minh
nhật nguyệt,
Diệc như Anh Lạc
châu.
Còn có lối giải
thích khác:
- “Giới như minh
nhật nguyệt”: mặt trời, mặt trăng tượng trưng cho sự quang minh, biểu thị cho
trí huệ quang minh, trang nghiêm.
- “Diệc như anh
lạc châu”: anh lạc tượng trưng cho sự giàu sang, biểu thị cho phước đức trang
nghiêm.
Căn cứ vào đây,
chúng ta có thể biết nếu hành giả có thể nghiêm trì tịnh giới thì chắc chắn
được phước huệ nhị nghiêm. Trong kinh thường nói, hành giả tu học Phật pháp, không
phải chỉ cần tu phước đức mà đối với trí huệ cũng cần phải chuyên tâm tu
học.
Việc tu phước
đức, trí huệ này không phải là tìm cầu ở bên ngoài. Chỉ có nghiêm trì tịnh giới
mới có thể được phước huệ nhị nghiêm. Tu hành đến mức phước huệ viên mãn, thì đương
nhiên được thành Phật quả. Nói như thế mới có thể thấy rõ được rõ ràng tính
chất trọng yếu của sự trì giới.
Cổ thi Trung Hoa
có câu “nhật nguyệt lệ thiên”. Mặt trời, mặt trăng soi sáng trên không trung,
lúc trời quang mây tạnh, tạo nên một khung cảnh vô cùng diễm lệ, trang điểm cho
bầu trời trở nên rực rỡ, khiến cho mọi người đối cảnh đều sanh tâm ưa thích,
chiêm ngưỡng.
Đây ví như hành
giả tu học Phật pháp, nếu có thể nghiêm trì tịnh giới sẽ được các giới đức
trang nghiêm nơi thân. Thế nhân trông thấy đều tín ngưỡng, tôn sùng. Trong xã hội,
chúng ta có thể chứng kiến một sự kiện thật rõ ràng: Một tăng nhân phá hủy giới
pháp, người ấy không bao giờ được sự kính ngưỡng của giới Phật tử. Vì sự kính ngưỡng
là nơi giới đức đầy đủ, chứ không do nơi cá nhân của vị Tăng ấy.
Thế nên chúng
Tăng trì giới thanh tịnh, thì dù đi đến đâu cũng đều được sự tôn kính sùng bái
của mọi người. Vì thế, hành giả tu học Phật pháp bất luận tại gia hay xuất gia đều
phải nghiêm trì tịnh giới.
Vấn đề nghiêm
trì tịnh giới chẳng những triệt để đối với hàng Tăng chúng, Phật tử tại gia hay
xuất gia, mà đối với vô lượng vô biên chúng Bồ Tát nhiều như vi trần. Trong
tương lai, sở dĩ các Ngài được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không
phải do nguyên nhân nào khác mà chính là do nơi thọ trì mười giới trọng, 48
giới khinh.
Cho nên, trong
văn tụng có câu: “Do thị thành Chánh Giác” (do đây mà thành Chánh Giác).
Nói như thế để
thấy rõ, muốn được thành Phật, phải thọ trì giới này. Vì thọ trì giới là Nhân,
thành Chánh Đẳng Chánh Giác là Quả. Nhân quả rõ ràng như thế đều là do nơi lực
dụng của giới pháp. Như thế chúng ta đối với giới pháp này có thể nào lại bỏ
qua, không thọ trì!
Đoạn này dùng
giải thích hai câu:
Vi trần Bồ Tát
chúng,
Do thị thành
Chánh Giác.
Như trên đã nói:
Mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh vốn do “Bổn Sư Lô Xá Na Phật của ta
trì tụng, nên Thích Ca Mâu Ni Phật Ta đây cũng đúng pháp, đúng luật như lời Phật
dạy, mà trì tụng như thế” (lời Phật Thích Ca tự nói). Như thế để mọi người thấy
rằng: nói tụng giới, không phải bản thân mình không cần tụng, chỉ chuyên môn dùng
miệng bảo người khác tụng.
Nho thư có câu
“thượng hành hạ hiệu” (người trên thực hành, kẻ dưới mới làm theo). Nên biết
đức Lô Xá Na Phật đích thân tụng giới, chính là thể hiện tinh thần “thượng hành”,
Bổn Sư Thích Ca cũng tụng như thế chính là ý nghĩa “hạ hiệu” vậy.
Chúng ta không
bao giờ tự mình không thực hành mà có thể bảo người khác thực hành được. Chỉ
khi nào đem chính bản thân mình thực hành phép tắc thì mới có thể khiến kẻ khác
tùy thuận theo để thực hành. Ngược lại, nếu như tự mình không trì tụng, chỉ
khiến bảo người trì tụng, thì dù cho có hiệu quả thì cũng chỉ có tính cách nhất
thời, không thể nào vĩnh cửu được. Phật Lô Xá Na hiểu rất rõ điểm này.
Bổn Sư Thích Ca
cũng nhận thức rất minh bạch nguyên lý ấy. Vì thế nên Bổn Sư Lô Xá Na cũng như
ngàn Phật Thích Ca, trăm ngàn ức Phật Thích Ca mỗi mỗi đều trì tụng giới pháp. Đây
là giải thích hai câu:
Thị Lô Xá Na
tụng,
Ngã diệc như thị
tụng.
Dịch:
Đây là đức Lô Xá
Na tụng,
Ta cũng tụng y
như vậy.
Phật Lô Xá Na và
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, các ngài hãy còn tụng giới, không dám cẩu thả một
mảy tơ, sợi lông như vậy. Hàng tân học Bồ Tát các ông mới được nghe giới pháp,
lẽ tất nhiên lại càng cần phải thân tâm cung kính, đảnh đới thọ trì Tâm Địa
diệu giới này không nên xao lãng, xem thường bất cứ phút giây nào.
- Đảnh đới thuộc
về thân nghiệp, nghĩa là đối với pháp thể hiện thái độ tôn trọng cực
điểm.
- Thọ trì thuộc
về ý nghiệp, nghĩa là đối với giới pháp phải có tâm quý trọng tuyệt đỉnh.
Vì nếu đối với
giới pháp không tôn trọng, quý kính tuyệt đối thì không bao giờ đầu đội và thọ
trì. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni rất e ngại cho những người mới phát tâm, mà lại có
sự xem thường đối với giới pháp. Cho nên Ngài đặc biệt thận trọng và cực lực
răn dạy. Chẳng những hành giả bản thân phải theo đúng pháp thọ trì như thế, và
khi thọ trì rồi lại còn phải truyền trao lại cho những chúng sanh đã phát đại
tâm, để giới pháp này mãi được triển chuyển lưu truyền không bị đoạn
tuyệt.
- Tự mình thọ
trì giới là tự lợi; đem giới pháp truyền trao lại cho chúng sanh là lợi tha.
Như vậy mới có thể gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nếu chỉ nghĩ tự
mình thọ trì mà không truyền trao cho những chúng sanh phát đại thừa tâm thì
thành ra phong cách của Thanh Văn, không thể gọi là Bồ Tát.
Phần trên đây
giải thích bốn câu kệ:
Nhữ tân học Bồ
Tát
Đảnh đới thọ trì
giới.
Thọ trì thị giới
dĩ,
Chuyển thọ chư
chúng sanh.
Dịch:
Các ông mới học
Bồ Tát,
Phải cung kính
thọ trì giới.
Khi thọ giới này
rồi,
Nên truyền lại
cho chúng sanh
Lưu ý: “Đảnh
đới” ở đây dịch là cung kính.
Theo sự phân
tích ở trên, chúng ta có thể xác định rõ ràng: Đối với giới pháp này cần phải
lưu truyền cho hậu thế mãi mãi, cũng như những ngọn đèn, ngọn này nối tiếp qua ngọn
kia. Ánh sáng tiếp nhau mãi mãi không đoạn tuyệt. Đó chính là do sự triển
chuyển truyền giao. Như đầu tiên căn bổn từ đức Lô Xá Na, truyền trao cho Bổn
Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật lại đem giới pháp căn bổn
này truyền trao cho chúng Bồ Tát vi trần. Chúng Bồ Tát vi trần được giới pháp
này làm căn bổn và tiếp tục truyền trao cho phàm phu chúng sanh, truyền trao
xuống mãi như thế, cùng tột đến đời vị lai vô biên, vô tận.
A.4.1.4.3. KHUYẾN CHÚNG TÍN THỌ (khuyên đại chúng tin tưởng, thọ trì)
Kinh
văn
1. Phiên
âm:
Từ câu “đế thính
ngã chánh tụng...” đến câu “...chí tâm thính ngã tụng”.
2. Dịch nghĩa:
Lắng nghe ta
đang trì tụng,
Pháp Ba La Đề
Mộc Xoa
Là giới tạng
trong Phật pháp,
Đại chúng lòng
nên tin chắc,
Các ngươi là
Phật sẽ thành.
Ta đây là Phật
đã thành,
Thường có lòng
tin như vậy.
Thời giới phẩm
đã được trọn vẹn,
Tất cả những
người có tâm,
Đều nên nhiếp hộ
Phật giới.
Chúng sanh nào
thọ Phật giới,
Chính là vào
hàng chư Phật.
Đã đồng hàng bực
Đại Giác.
Mới thật là con
chư Phật.
Đại chúng đều
nên cung kính,
Chí tâm nghe lời
ta tụng.
Lời giảng
“Đức Bổn Sư Lô
Xá Na đã thọ trì, đọc tụng đại giới của chư Phật. Giờ đây, Ta (Bổn Sư Thích Ca)
cũng đang tụng giới pháp này mà Bổn Sư của ta đã tụng. Các ông cần phải nhứt tâm
lắng nghe đúng như pháp ta đang tụng cho nghiêm túc, không được để tâm nghĩ
tưởng Đông, Tây, mà ngăn ngại cho việc nghe giới của các ông”.
Đây là một điều
khẩn yếu vì nếu người không chuyên tâm nghe kỹ, sẽ không được thâm nhập Tâm Địa
diệu giới của Phật. Như thế thì dù có nghe cũng như không nghe, đối với bản
thân không được một chút lợi ích nào cả. Đây là giải thích câu kệ: “Đế thính
ngã chánh tụng”.
Pháp Ba La Đề Mộc
Xoa là giới tạng trong Phật pháp, tức là vô thượng Tâm Địa giới pháp, là bổn
nguyên của tất cả giới pháp như: Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới, hai trăm năm mươi
giới v.v... Không một giới nào chẳng từ nơi căn nguyên Tâm Địa diệu giới này mà
lưu xuất. Đồng thời tất cả Ngũ Giới, Bát Giới, hai trăm năm mươi giới... này
cũng không một giới nào chẳng nhiếp vào trong căn nguyên này. Cho nên gọi là
giới tạng trong Phật pháp.
Trong kinh Thanh
Tịnh Tỳ Ni Phương Quảng thuyết minh: “Bồ Tát Tỳ Ni do như đại hải, nhứt thiết
Tỳ Ni vô bất nạp thọ” (Tỳ Ni của Bồ Tát như bể cả, tất cả các Tỳ Ni khác không
một Tỳ Ni nào chẳng nhiếp thọ) chính là ý này.
* Có một lối
giải thích khác:
Giới tạng của
Phật giáo thuộc về Đại Thừa Tỳ Ni. Chẳng những khác hẳn tà giới của ngoại đạo,
lại cũng khác biệt với thiên giới của Thanh Văn, Duyên Gác (thiên giới là giới
của hàng hành giả Nhị Thừa, chỉ thiên trọng về tự lợi mà tu hành, nên giới pháp
của các Ngài bẩm thọ gọi là Thiên Giới).
Giới của ngoại
đạo tu hành sao gọi là tà giới?
Nguyên vì các
ngoại đạo ấy cho là con người kiếp trước là loài súc sanh như gà, chó v.v...
cho nên trong đời hiện tại cần phải giữ giới không ăn thịt gà, chó... Họ tự lập
riêng ra những giới khổ hạnh như ăn những đồ phẩn uế... và cho rằng có thực
hành những khổ hạnh ấy mới tiêu tội, được phước, để có thể được sanh lên thiên
đường, hưởng sự khoái lạc. Sự thật ý nghĩa của hành động này không phải là giới
hạnh được sanh lên thiên đường, nhưng họ vọng chấp như vậy, nên gọi là tà
giới.
Hai chữ Tỳ Ni
trong thuật từ Đại Thừa Tà Ni là tiếng Ấn Độ, Trung Quốc dịch là Thiên Thọ. Ý
nghĩa cho rằng Tỳ Ni là thọ mạng của Phật pháp, cho nên Tỳ Ni tồn tại một ngày
ở thế gian là Phật pháp cũng tồn tại ở thế gian một ngày. Nếu một mai Tỳ Ni bị
tiêu diệt trên thế gian thì Phật pháp cũng không còn!
Cũng có nơi giải
thích Tỳ Ni là Thiện Tánh, tức là tự tánh của Tỳ Ni vốn là thuần thiện. Chủ yếu
là đúng theo giới pháp thọ trì thì hàng Phật tử tu học Phật pháp có thể tăng
tiến thiện hạnh. Có chỗ dịch là Thiên Trụ, từ này cũng đồng nghĩa với Thiên
Thọ, ý nói nếu Tỳ Ni cửu trụ thế gian thì chánh pháp của Như Lai cũng cửu trụ ở
thế gian.
Giới tạng của
Phật pháp quan hệ mật thiết đến sự tồn vong của Phật pháp là như thế. Vì thế,
hàng tân học Bồ Tát các ông phải thiết thực dụng tâm lắng nghe cho kỹ, không được
khinh suất.
Này đại chúng!
Các ông chẳng những phải chí tâm lắng nghe thật nghiêm túc, lại phải thật lòng
tin tưởng sâu chắc. Nếu như chỉ nghe mà không có tâm thâm tín, nghĩa là nghe
qua rồi cho là xong chuyện, thế là vô dụng. Cho nên tuyệt đối sau khi nghe tụng
giới phải xác thực tin chắc giới này là chánh nhân thành Phật. Nếu đúng pháp, y
luật, phụng trì không biếng nhác thì tương lai nhất định sẽ thành tựu vô thượng
Phật Quả không nghi. Chẳng những phải tin chắc rằng tự mình do nghiêm trì tịnh
giới mà được thành Phật, lại càng phải tin tưởng rằng đức Lô Xá Na thành Phật
cũng là do Ngài nghiêm trì tịnh giới mà được. Nếu có được tín tâm đầy đủ như
vậy, thì niệm niệm hộ trì giới mới không dám sanh tâm hủy phạm giới, dù như mảy
lông.
Thế nên chữ Tín
ở đây mang ý nghĩa trọng yếu vô cùng. Trên đây là giải thích câu kệ: “Đại chúng
tâm đế thính”.
Vì muốn củng cố
tín tâm của đại chúng cho kiên cố hơn, đức Bổn Sư Thích Tôn tiến xa hơn một
bước, Ngài đối trước đại chúng trong pháp hội dạy rằng:
- “Này toàn thể
đại chúng! Các ông không nên tự xem nhẹ mình, tự cho mình là tâm địa phàm phu,
không mong gì đạt đến quả Phật. Các ông nên biết: dù hiện tại các ông là phàm
phu, nhưng trong tương lai đều quyết định sẽ được thành Phật. Nhưng điều cần
yếu là các ông phải có tín tâm sâu chắc khi thọ trì giới pháp này.
Giờ đây ta vì
các ông nói một lời khẳng định: Ta đây là đấng Đại Thánh Giác đã thành Phật,
nhưng nguyên nhân ta được thành Phật chính là do tin chắc vào giới pháp này. Do
ta đối với giới pháp này thâm tín thọ trì, cho nên được thành Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác. Các ông cũng cần phải tự tin chắc nơi mình.
Điều tối yếu là
phải thọ trì giới pháp này mới quyết định thành tựu được Phật quả. Ta cũng có
thể nói với các ông một cách quả quyết rằng: Hiện tại ta truyền trao giới pháp
này lại cho các ông, bảo đảm rằng các ông được giải thoát chắc chắn. Đây là sự
kiện nhất định, không có gì đáng nghi!”
Đây là lời Phật
nói với đại chúng đương thời, nhưng cũng bao hàm tất cả đại chúng thọ trì Bồ
Tát giới đời vị lai.
Như vậy, muốn
thành tựu quả Phật, nhất quyết phải cầu thọ Tâm Địa diệu giới này, nhưng muốn
cầu thọ Tâm Địa diệu giới này, cần phải khởi tín tâm quảng đại. Chỉ có đủ tín
tâm này thì Phật chủng mới không bị đoạn tuyệt và đối với tự thân, quyết sẽ
được thành Phật.
Nếu như không có
tín tâm sâu chắc thì đối với tất cả giới pháp không thể nào giữ gìn một cách
nghiêm cẩn được. Trong Đại Trí Độ Luận nói: “Phật pháp đại hải, tín vi năng
nhập” (Bể cả Phật pháp, chỉ có lòng tin mới vào được).
Phần trên dùng
giải thích hai câu kệ:
Nhữ thị đương
thành Phật,
Ngã thị dĩ thành
Phật.
Dịch:
Các ngươi là
Phật sẽ thành,
Ta đây là Phật
đã thành.
Trì giới quyết
định sẽ được thành Phật, điều ấy cần phải tin chắc không nên nghi ngại. Nếu như
thường được tín tâm như vậy, thì giới phẩm trọn vẹn. Do đây, chúng ta thấy giới
phẩm được trọn vẹn không phải là một sự kiện khó khăn. Điều quan hệ trọng yếu
là hoàn toàn ở sự tin chắc!
Thế nên người có
tín tâm chỉ cần phóng hạ đồ đao tức khắc thành tựu một vị Phật trong trăm ngàn
vị Phật. Trái lại, nếu không có tín tâm thì dù có gặp được sự kêu gọi phát khởi
giác tánh nơi chúng sanh của ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng vẫn mãi trầm mê
(Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát kêu gọi chúng sanh phát khởi tín tâm, nhưng chúng
sanh thời bấy giờ không tin, lại còn phỉ báng, nên bị đọa lạc trong nghìn
kiếp).
Đã tin Tâm Địa
đại giới này là chánh nhân thành Phật thì hẳn nhiên cần phải thọ trì giới pháp
này. Nếu chỉ tin suông mà không bẩm thọ giới pháp ấy tức không phải chân thật
tín tâm.
Bồ Tát đại giới
này trừ những loại cây đá vô trí, không phải là pháp khí thì không thể bẩm thọ
đại giới này. Ngoài ra, tất cả chúng sanh có tâm thức (chí cho loài hữu tình có
sự hoạt động về tinh thần) bất luận cao cấp hay hạ cấp đều nên nhiếp thọ Phật
giới.
Chữ Nhiếp ở đây
có nghĩa là nạp thọ, thu nhận và giữ mãi trong tâm những gì được nghe giảng từ
bên ngoài, không cho mất, ấy gọi là Nhiếp. Tại sao những người có tâm thức đều
nên nhiếp thọ Phật giới?
Vấn đề này trong
kinh Niết Bàn thuyết minh: “Phàm hữu tâm giả, giai đương tác Phật” (tất cả
chúng sanh có tâm thức đều có thể thành Phật). Có tâm thức cũng tức là có sẵn
Phật tánh. Sẵn có Phật tánh đương nhiên có thể thành Phật.
Trong Quán kinh
cũng nói: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm
Phật). Vì Phật không phải ở ngoài tâm; ngoài tâm hoàn toàn không có Phật. Cho
nên Tâm Địa đại giới này chỉ từ tâm mới có được.
Chính vì như
vậy, cho nên tất cả những chúng sanh nào có tâm thức, kể cả những hàm linh xuẩn
động, bò bay, cựa quậy, không một chúng sanh nào chẳng có thể nhiếp hộ Phật
giới này; cũng không một chúng sanh nào chẳng do nhiếp hộ Phật giới này mà
thành Phật.
Phần trên dùng
để giải thích hai câu kệ:
Nhứt thiết hữu
tâm giả,
Giai ưng nhiếp
Phật giới.
Nên tiếp theo
hai câu:
Chúng sanh thọ
Phật giới,
Tức nhập chư
Phật vị.
Từ địa vị phàm
phu đến địa vị Phật cách nhau rất xa, như vậy tại sao mới vừa thọ giới pháp mà
lập tức được vào địa vị của chư Phật?
Nguyên vì Tâm
Địa giới pháp này do chư Phật truyền trao lẫn nhau, chính chư Phật từ nơi giới
pháp này mà được thành Phật. Hiện nay, chúng sanh do Tâm Địa giới pháp của chư
Phật đây thì đương nhiên đã bước lên giai cấp địa vị của chư Phật.
Nơi đây có một
vấn đề cần nên biết: Địa vị đã đồng với Phật quả Đại Giác thì cứ xác thực gọi
những người thọ giới là Phật, sao lại còn gọi là “chân thị chư Phật tử?”
Hai chữ “Phật
tử” là đệ tử của Phật là điều không còn nghi gì cả. Nhưng sánh với Phật quả đại
giác thì có một khoảng cách rất xa. Như vậy sao lại bảo “tức nhập chư Phật
vị?”
Chúng ta nên
biết rằng “thọ giới vị Phật giới” (giới vị tức là địa vị của giới tử thọ giới
pháp của chư Phật), tuy nói là đồng hàng với Đại Giác nhưng trên thực tế hoàn
toàn chưa chứng được quả Đại Giác tối cao. Vì tu hành nhân hạnh chưa viên
thành, về công đức chứng đắc vẫn chưa viên mãn. Cho nên sau khi thọ Phật giới,
phải ở trong khoảng thời gian lâu dài là trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp. Trong
thời gian ấy, phải rộng tu lục độ vạn hạnh, thừa sự chư Phật trong mười phương,
thực hành tất cả đại pháp của chư Phật. Chừng nào đạt đến hạnh nguyện viên mãn,
mới chân thực bước vào địa vị của Như Lai. Như vị vương tử làm lễ Quán Đảnh,
trong tương lai chắc chắn thừa kế vương vị, nhưng hiện tại thì vẫn còn ở Đông
Cung nên chỉ được gọi là Vương Tử, chưa được gọi là Quốc Vương.
Danh từ “Phật
tử” giải thích theo lối thông thường là đại phàm từ miệng Phật sanh, từ pháp
hóa sanh đều gọi là Phật tử. Căn cứ vào phương diện phân biệt thể loại, thì có nơi
chia làm ba thể loại như sau:
- Tu hành còn ở
trong địa vị phàm phu, chưa ngộ nhập Phật đạo, chưa thể thiệu long Phật chủng
thì chỉ gọi là ngoại Phật tử.
- Hành giả nhị
thừa, bẩm thọ giới pháp Tiểu thừa của Như Lai, dù có thể sanh trưởng pháp thân,
hoàn thành thánh quả, nhưng không từ trong giáp pháp đại thừa xuất sanh, nên
gọi là Thứ Phật tử.
- Hành giả Bồ
Tát đã bẩm thọ Đại Thừa giáo pháp của Như Lai, phát Bồ Đề tâm, thọ Bồ Tát giới,
Pháp Thân sanh trưởng, gọi là chân Phật tử.
Câu kệ: “Chơn
thị Phật tử” chính là chỉ cho loại Phật tử thứ ba này.
Trong bộ Pháp
Tạng Giới Bổn Sớ quyển một, đối với danh từ Phật tử phân biệt rõ ràng như
sau:
- Y cứ theo kinh
Lăng Già thuyết minh: “Bát địa Bồ Tát, danh tối thắng Phật tử” (Bồ Tát đệ bát
địa gọi là tối thắng Phật tử). Vì Bồ Tát ở địa vị thứ tám tu hành đã đạt đến
trình độ “vô công dụng hạnh”, nghĩa là tất cả công hạnh nhiệm vận tự nhiên,
đồng thời với tác dụng của chư Phật, mới đủ tư cách là Phật tử.
- Y cứ trong
Phật Tánh Luận thuyết minh: “Sơ Địa danh vi Phật tử” nghĩa là Bồ Tát ở địa vị
sơ đẳng, nhưng đã thể ngộ chơn lý của các pháp, bắt đầu chứng được Pháp Thân, được
khí phần của Phật, mới đủ tư cách gọi là Phật tử.
- Kinh Anh
Lạc thuyết minh: “Thập Trụ tức danh Phật tử”. Bồ Tát Thập Trụ dù mới bắt đầu
vào địa vị Tam Hiền, nhưng các Ngài đã tu hành đến bậc bất thối chuyển, nên đầy
đủ tư cách gọi là Phật tử.
- Phát Bồ Đề
tâm, thọ Bồ Tát giới, liệt vào hàng Đại Thừa, mới có tư cách gọi là Phật tử.
Hạng Phật tử thứ tư này ứng vào câu kệ: “Chơn thị chư Phật tử” của kinh Phạm
Võng vậy.
Như trên đã nói
rõ, giai cấp, địa vị của Bồ Tát dù thứ tự cao thấp bất đồng, nhưng tất cả đều
phải thọ trì giới pháp này triệt để, cho nên các chúng Phật tử kể trên đều bao
hàm trong đây.
Theo bộ Nhiếp
Luận của Chơn Đế tam tạng pháp sư dịch vào triều nhà Lương, Đại Thừa Bồ Tát
chân thật là con Phật phải hội đủ năm điều kiện sau đây:
1. Dùng Phương
Tiện làm cha.
2. Dùng Bát Nhã
làm mẹ.
3. Dùng Thiền
Định làm thai.
4. Dùng Từ Bi
làm người dưỡng dục.
5. Dùng lòng tin
ưa pháp Đại Thừa làm chủng tử.
Đủ năm điều
kiện trên thì mới là chân thật Phật tử, thiếu một trong năm điều kiện trên thì
vẫn không thể gọi là chân Phật tử.
Đức Phật Thích
Ca dạy: “Thọ giới Phật rồi là chân Phật tử, tương lai được thành Phật đó là lẽ
tự nhiên, không còn vấn đề gì. Thế nên, hiện tại, lúc ta đang tụng giới pháp
của Bổn Sư Lô Xá Na, đại chúng các ông đều phải cung kính, chí tâm, nhất ý lắng
nghe Ta tụng lại đại giới của chư Phật đây vậy”.
Ba chữ “chí tâm
thính” nghĩa là trong lúc nghe giới, không phải nghe một cách tùy tiện mà là
nghe một cách nhận chân. Vì chỉ có nghe với tinh thần nhận chân, không lơ đễnh,
giới pháp mới có thể thâm nhập vào Tâm Địa, để trở lại với bổn nguyên tự tánh
thanh tịnh của mình.
Nghe giới chí
tâm hay không, vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ cung kính. Hai chữ
“cung kính” trong văn tự thường đi đôi với nhau có ý nghĩa:
Chữ Cung là
biểu thị hình tướng, oai nghi, nghiêm chỉnh ở bên ngoài.
Chữ Kính là
chỉ về tâm ý kiền thành ở bên trong.
Như vậy, trong
cũng như ngoài đều phải tinh thành mới gọi là “chí tâm”. Giới tạng đức Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni đang tụng là giới tạng của chư Phật, tất cả đại chúng phải chí
tâm lắng nghe. Nếu lúc nghe mà không chí tâm thành khẩn, thì không thể vào được
bổn nguyên Tâm Địa. Cho nên lời cuối cùng của Đức Phật ở đây, đặc biệt là kết
khuyến, răn nhắc đại chúng phải chí tâm lắng nghe.
Trên đây là
giải thích hai câu kệ:
Đại chúng
giai cung kính,
Chí tâm thính
ngã tụng.
Chú thích:
Thành ngữ “phóng
hạ đồ đao” trong kinh điển thường đề cập. Bộ Sơn Đường Tứ Khảo dẫn giải:
Ngày xưa có một đồ
tể ở hội Niết Bàn vừa buông bỏ con dao làm nghề sát hại xuống, lập tức được
thành Phật. Đây ý nói sự bỏ dữ theo lành một cách nhanh chóng, chứ thật sự
không phải có thể thành Phật một cách nhanh chóng như thế. Bởi lẽ, tạo ác
nghiệp hay thiện nghiệp đều do nơi tâm. Lúc si mê, tùy theo vọng tưởng phiền
não tạo ác nghiệp; khi tỉnh ngộ, tùy thuận theo trí huệ mà tạo thiện
nghiệp.
Như vậy, Thiện hay
Ác nghiệp đồng do tâm tạo nên. Chính trong khi bỏ Ác đấy tức là Thiện. Nên nói:
“Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Hai câu này người thế gian dù chưa tin
Phật cũng thường nói đến, nhưng phải hiểu rõ ý nghĩa là như vậy.
Câu này đồng nghĩa
với câu: “Phiền não tức Bồ Đề”. Nghĩa là mê thì phiền não, ngộ thì Bồ Đề. Nhưng
nên biết rằng, từ sự giác ngộ ấy tiến tu phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp,
chứ không phải buông bỏ con dao sát hại mà thành Phật lập tức. Nguyên nhân sự
thành Phật ở vô lượng kiếp về sau cũng do giờ phút buông bỏ con dao đồ tể này.
Cũng vì thế, chư cổ đức gọi là “hồi đầu thị ngạn”. Ý nói khi si mê thì sanh tử
luân hồi; một khi đã hồi quang phản chiếu thì tiến đến cảnh giới Niết Bàn.