KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.10. SÚC SÁT SANH CỤ GIỚI
(giới chứa khí
cụ sát sanh)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược Phật tử bất đắc súc nhất thiết đao trượng...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu là Phật tử
thì không được cất chứa những binh khí như đao, gậy, cung tên, búa, giáo v.v...
là Phật tử, dầu cho đến cha mẹ bị người giết, còn không nên báo thù, huống lại
là đi giết hại tất cả chúng sanh! Không được cất chứa những khí cụ sát sanh!
Nếu cố chất chứa, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Mười giới
như thế cần nên học và kính trọng phụng trì, Trong phẩm Lục Độ phía sau có
giảng rộng.
Lời
giảng:
“Không khán
bịnh” là lỗi không cứu tế sanh mạng, “cất chứa khí cụ sát sanh” là lỗi muốn
giết hại sanh mạng chúng sanh. Hai việc ấy đều trái với tâm từ bi của Bồ
Tát.
Đứng trên
lập trường lợi tế chúng sanh, một vị Bồ Tát đáng lý ra, cần phải chứa nhóm thật
nhiều pháp tài để cho chúng sanh được lợi lạc trong Phật pháp. Hiện tại nếu
chẳng thực hành như thế, mà trái lại còn cất chứa khí cụ làm thương tổn sanh
mạng chúng sanh, thì đâu phải là hành vi cần có của một vị Bồ Tát?
Vì muốn
phòng ngừa những việc làm trái với tâm Từ Bi lợi tế của Bồ Tát nên Đức Phật đặc
biệt chế lập giới “không được cất chứa khí cụ sát sanh” này. Sở dĩ Đức Phật
không cho hành giả cất chứa những khí cụ sát sanh cốt là để trưởng dưỡng tâm Từ
Bi của Bồ Tát. Không cho nội tâm của Bồ Tát bắt đầu manh nha khởi một niệm sát
sanh. Manh nha động cơ sát nghiệp hãy còn không được, huống chi là làm việc sát
sanh.
Vì chúng sanh
vốn có thói quen hay cất chứa. Nếu chứa khí cụ sát sanh thì ngày nay trông thấy
nó, ngày mai trông thấy nó. Như thế, cứ mỗi ngày huân tập dần dần, sẽ có lúc tự
nhiên muốn dùng đến nó để làm tổn hại sanh mạng chúng sanh, tạo ra nhiều tội
ác.
Để ngăn chặn
những việc từ tiểu sự đi lần đến đại sự, biện pháp tốt nhất là không được cất
chứa những thứ ấy, không được thường nhìn thấy chúng, mới có thể xa lìa ác sự
mà thành tựu thiện sự. Những vũ khí sát hại của thời hiện tại nếu đem so sánh
với thời quá khứ thì nhiều không biết gấp mấy lần. Là người Phật tử càng không
nên cất chứa vũ khí. Nếu cất chứa vũ khí, đưa đến việc tổn hại sanh mạng chúng
sanh thì tội lỗi này rất lớn.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu làm một vị Phật tử, thọ Bồ Tát giới, tuyệt đối không được cất
chứa tất cả khí cụ chiến đấu như cung, tên, trượng, mâu, búa v.v... và những đồ
sát sanh như lưới rập, bẫy v.v... Tất cả những thứ ấy đều không được cất
chứa”.
Đao là để cắt
chặt, trượng dùng để đánh đập. Cung dùng để bắn tên. Mâu dùng để đâm. Búa để
chém chặt. Thời xưa chỉ có những vũ khí trên để chiến đấu nên gọi là khí cụ
chiến đấu. Lưới, chài, bẫy, rập dùng dây hoặc nhợ thắt, để bắt chim, bắt cá.
Không được cất chứa vũ khí chiến đấu vì làm tổn hại tánh mạng của con người.
Không được cất chứa khí cụ sát sanh vì làm tổn hại sanh mạng của chúng sanh. Là
Phật tử, tuyệt đối không được cất chứa vũ khí. Vì những hung cụ này rất dễ phát
động sát cơ, không phải là chỗ nên làm của người Phật tử.
Ở đây có vài
điểm cần phải nói rõ:
1. Trường hợp vì
khuyến hóa người chừa bỏ sát nghiệp, Phật tử nên dùng tiền mua lại những hung
cụ của người sát sanh, hoặc sau khi khuyến hóa họ rồi xin lại những hung cụ đem
cất đi, thì không phạm giới này. Tuy nhiên, tốt nhất là nên hủy bỏ những hung
cụ sau khi đã thu hồi chúng, không nên giữ lại.
2. Trường hợp có
những Phật tử tại gia, vì không biết giới luật nên đem những hung cụ sát sanh
đến tự viện để dâng cúng. Trường hợp này phải làm thế nào? Nên thu nhận hay
không?
Trong tình huống
này, bạn nên vì người Phật tử ấy giảng dạy rằng: “Theo giới luật, người xuất
gia không được cất chứa những vũ khí này, ông nên hoan hỷ đem về. Nếu muốn cúng
dường thì nên đổi những đồ vật khác đúng theo pháp quy định, đem đến dâng cúng
thì được công đức rất lớn.
Nếu trường hợp
thí chủ không đổi được vật gì khác, lại có tâm rất thành khẩn cúng dường thì
bạn không nên làm trái ý muốn của họ. Tạm thời nên thâu nhận, đem cất chỗ
khuất, đợi khi thí chủ về rồi đem hủy bỏ, cũng không trái phạm giới này.
3. Phẩm Kim
Cương trong kinh Niết Bàn dạy: Vào thời Mạt Pháp, vì muốn hộ trì chánh pháp của
Như Lai nên có thể để cho hạng Ưu Bà Tắc cầm đao trượng để giữ gìn, nhưng dù
thân cầm đao trượng, miệng lại tuyên thuyết Phương Đẳng Đại Thừa, giảng rõ tất
cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nên biết chẳng những người này không gọi là phá
giới, mà có thể gọi là một vị đại hộ pháp.
4. Những vị quốc
vương, thái tử, đại thần v.v... có trách nhiệm duy trì an ninh của quốc gia,
bảo hộ sinh mạng, tài sản của nhân dân; vì muốn đề phòng nạn xâm lược của ngoại
bang, vì phải kiến thiết quốc phòng nên phải cất chứa vũ khí. Vấn đề này trong
Phật pháp vẫn có thể cho phép, nhưng chỉ những lúc thật cần thiết, không được
tùy tiện làm thương hại sanh mạng của nhân dân.
Tại sao phải
ngăn chặn những việc từ tiểu sự đi lần đến đại sự?
Nên biết Bồ Tát
cần phải lấy bi tâm làm thể. Chẳng những không nên sát hại chúng sanh vô tội,
cho đến những kẻ thù không đội trời chung, như trường hợp bị giết cha, giết mẹ,
Bồ Tát còn không nên báo thù huống là giết hại tất cả chúng sanh.
Vì thế cho nên
không được cất chứa đồ giết hại chúng sanh. Theo quan niệm Phật pháp, lấy oán
thù trả lại oán thù, rốt cuộc oán thù không lúc nào chấm dứt. Chỉ có sự không
oán thù mới là ngăn dứt oán thù một cách chân chánh.
Hơn nữa, người
giết hại cha mẹ đời này của mình, biết đâu đời trước đã từng là cha mẹ của
mình?! Còn cha mẹ đời hiện tại bị giết chết, biết đâu chính là người giết cha
mẹ đời trước của mình. Như thế trả vay, vay trả lẫn nhau, đời đời sẽ tạo sát
nghiệp không ngừng dứt, và oán thù sẽ không bao giờ cùng tận.
Lại nữa, Bồ Tát
quán tất cả chúng sanh đều là bi cảnh (đối tượng phát sanh bi tâm), cần phải
hết lòng cứu độ. Trước mắt Bồ Tát không thấy có chúng sanh nào là kẻ oán thù
đối với mình. Với lý do vì cha mẹ mà báo thù thì còn có thể nói, nhưng vẫn
không nên báo thù, huống chi làm tổn hại tất cả chúng sanh? Và đã không cần đến
những sát cụ ấy thì bạn còn cất giữ chúng để làm gì?
Có người hỏi
rằng: Phật tử không được phép cất chứa khí cụ sát sanh, thế thì trường hợp của
Đức Sơn bổng và Thạch Cách cung có trái với giới luật hay không?
Không! Đấy là hộ
sinh thiện bổng và cứu tử thần cung, không phải thật là khí cụ sát sanh. Gọi là
Đức Sơn bổng là chỉ cho Đức Sơn Tuyên Giám thiền sư, ngài thường khai thị đại
chúng rằng: “Nếu người nào đắc đạo phải bị 30 hèo, vị nào không đắc đạo cũng bị
ba mươi hèo” (bổng là cây gậy, đánh một hèo tức là đánh một gậy).
Thạch Cách cung
chỉ cho Thạch Cách Huệ Tạng thiền sư. Trước kia, ngài chuyên nghề săn bắn. Một
lần nọ vì rượt theo một con nai chạy ngang am của Mã Tổ, được Mã Tổ khai thị,
thiền sư liền giác ngộ, buông bỏ cung tên theo Mã Tổ xuất gia tu hành. Sau khi
đắc đạo, thiền sư thường dùng cung tên tiếp độ người, nên gọi là Thạch Cách
cung.
Những việc làm
ấy đều là những đại quyền thị hiện của tổ sư, không nên nhầm lẫn cho là cung,
gậy tầm thường. Nếu như mù mờ mà đánh gậy, si mê mà bắn cung thì tội lỗi vô
biên vô tận. Đáng lý Bồ Tát phải phát khởi từ tâm lợi tế chúng sanh, không được
não hại. Vì thế không được phép cất chứa vũ khí sát sanh. Nếu cố tình cất chứa,
chính là thực hiện phương tiện sát hại. Vì vậy, cuối cùng kinh văn giới này kết
thúc là “phạm khinh cấu tội”.
Nếu do sự cất
chứa này mà làm thương hại sinh mạng chúng sanh thì tùy theo việc làm mà có thể
phạm căn bổn trọng tội. Vì thế, Phật tử đối với giới này nên phải lưu tâm cẩn
thận.
Cổ đức có dạy:
“Là Phật tử phải thực hành theo hạnh của Phật, nghĩa là cần phải cất chứa đao
trí huệ, gậy dũng cảm, cung đại hùng, tên tinh tấn, giáp nhẫn nhục, búa tinh
tấn và bủa lưới đạo pháp để giăng chài, mò bắt chúng sanh, đưa ra khỏi bể sanh
tử, đem đến bờ Niết Bàn. Những việc như thế cần nên làm, ngoài ra không nên cất
chứa vũ khí nào khác!”
Lời dạy trên quả
thật chí lý!
Giới này chế lập
cho cả Đại và Tiểu Thừa, Tăng lẫn Tục đồng bị ngăn cấm. Không dành trường hợp
ngoại lệ cho riêng ai, duy chỉ có quốc vương, hoàng tử v.v... và những người hộ
trì Phật pháp như đã nói ở trên.
“Mười giới như
thế cần phải học và hết lòng kính trọng phụng trì. Trong phẩm Lục Độ ở sau có
giảng rộng”.
Câu kinh văn
trên là lời tổng kết cho mười giới khinh đã giảng ở trên. Như thế có nghĩa là
Bồ Tát cần phải dụng tâm tu học, hết lòng kính trọng, phụng trì, không được
trái phạm. Nếu muốn biết rõ xin xem trong phẩm Lục Độ ở sau có giảng
rộng.