KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III: CHÁNH THUYẾT GIỚI
TƯỚNG
(chánh
thức thuyết giảng giới tướng)
B.1. THUYẾT TRỌNG
GIỚI TƯỚNG (thuyết giảng về các giới trọng)
B.1.1. BIỆT THUYẾT
THẬP TRỌNG (giảng riêng mười giới trọng)
B.1.1. SÁT GIỚI (giới sát sanh)
Kinh văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Phật
ngôn: Nhược Phật tử...” cho đến câu: “...thị Bồ Tát Ba La Di tội”.
2. Dịch nghĩa:
Đức Phật dạy:
“Nếu Phật tử hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen
tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết,
duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu tình có mạng
sống, đều không được cố ý giết. Là Phật tử lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ bi,
lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh, nhưng nếu trái lại, tự
phóng tâm nỡ lòng sát hại, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội”.
Lời giảng:
Từ đây trở
xuống, chánh thức tuyên thuyết giới tướng. Trong phần này, trước tiên giảng nói
tướng trạng của 10 giới trọng. Bây giờ xin bắt đầu giảng nói giới sát sanh thứ nhất.
Thế nào gọi
là sát sanh?
Mỗi sanh mạng
hình thể của chúng sanh có đủ tâm thức và hoạt động, lấy hơi thở ra vào để duy
trì sự sanh tồn của sanh mạng; nên nói: Một hơi thở còn là sanh mạng chưa đoạn tuyệt.
Nếu người nào đoạn tuyệt hơi thở vào ra của chúng sanh làm cho không còn tiếp
tục phát sanh, sanh mạng không tương tục được nữa, gọi là Sát Sanh.
Ý nghĩa sát
sanh của Phật pháp không phải ở nơi niệm niệm tương tục mà là nhất kỳ tương tục
(1). Cưỡng đoạt sự tương tục của sanh mạng là trái ngược với ý chí mong cầu sanh
tồn của chúng sanh; nên sát sanh là một tội ác rất lớn.
Nói theo Phật
pháp, hơi thở của chúng sanh có sai khác trong ba thời: hơi thở trong quá khứ
đã diệt, không thể tương tục, không gián đoạn. Hơi thở hiện tại tuy sát na
không dừng, nhưng cũng không thể tương tục không gián đoạn. Hơi thở vị lai vì
chưa sanh nên không thể từ đâu để tương tục, không gián đoạn.
Thế thì nói
“đoạn tuyệt hơi thở ra vào gọi là sát sanh”, rốt ráo căn cứ vào đâu mà nói? Nên
biết quá khứ, hiện tại không thể sát hại, nói một cách chính xác; mà Sát ở đây
mang ý nghĩa làm việc ngăn chặn sự hoạt động tương tục trong vị lai của sanh
mạng hữu tình. Nghĩa là hiện tại, dùng những sát cụ: gươm, đao, súng, giáo...
làm thương hại cho sanh mạng vị lai của chúng sanh, hiện tiền không còn được nữa,
nên gọi là Sát Sanh.
Có người căn cứ
vào lập trường Duyên Khởi Tánh Không nói: “Sát sanh là từ nơi nhân, từ nơi
duyên. Như trong kinh này nói nhân sát, duyên sát. Đã do nhân duyên hòa hợp sát
hại, tất nhiên là không có, vì tự tánh vốn là không. Rõ biết tánh Sát vốn không
nên đúng theo lý thì không phạm tội sát sanh” (sát sanh không phạm tội). Lời
trên là tà thuyết, hiểu lầm ý nghĩa chữ Không. Tuyệt đối không nên thủ tín theo
thuyết ấy.
Nên biết rằng lý
Duyên Khởi Tánh Không của Phật pháp dùng để đối trị bệnh chấp Có của phàm phu.
Không nên nói: Do hiểu rõ “tánh Sát vốn không” là không có tội sát sanh! Người học
Phật chân chánh thông đạt lý Không, chẳng bao giờ sát sanh.
Nếu tạo tội sát
sanh, tất nhiên không hiểu rõ lý Không. Nếu cho là không có tội mà hành động
sát sanh tức là tà kiến; Phật pháp cực lực bài bác và quở trách. Chẳng những
không nói là vô tội, mà tội ấy còn nặng hơn những tội khác. Điều này người học
Phật, xuất gia lẫn tại gia, cần phải đặc biệt chú ý!
Giới Bồ Tát lấy
việc sát sanh làm giới cấm trước nhất, giới Thanh Văn lấy việc dâm dục làm giới
cấm hàng đầu; đó là ý gì?
Như trước đã
nói, giới Thanh Văn đợi có cơ duyên Phật mới chế lập, nghĩa là: Ví như một tăng
nhân nào đó khi phạm sai lầm, sau đó, Đức Phật mới nhân đó mà chế định ra cấm
giới.
Chẳng hạn như
giới Dâm của Thanh Văn, do vì có một Tôn Giả sau khi xuất gia, về thăm gia
đình. Vì Tôn Giả này là con trai duy nhất, nên cha mẹ tìm mọi cách khiến Tôn
Giả cùng vợ chăn gối để có con nối giòng. Sau khi Tôn Giả làm việc như vậy,
Ngài vô cùng buồn thẹn. Bạn đồng tu hỏi duyên cớ, Tôn Giả đem sự việc trên nói
thật. Nhân đó, Đức Phật quở trách, rồi bắt đầu kiết giới Dâm. Thế nên gọi là:
“Đợi có duyên mới chế giới”.
Theo luật Tiểu
Thừa thì: “Tỳ kheo phạm tội tối sơ là dâm dục, cho nên Phật chế giới Dâm
trước”, cho nên sát sanh không có liệt ở trước. Lại nữa, mục đích duy nhất của hành
giả Thanh Văn thừa là thoát ly sanh tử trong tam giới, không lập chí thành
Phật, chỉ mong đời vị lai đừng tái phục sanh mạng này nữa. Cho nên giới Dâm đặt
ở trước.
Bồ Tát lấy từ bi
lợi tế chúng sanh làm cơ bản, thấy mỗi chúng sanh sinh tồn ở thế gian đều tham
sanh úy tử; Bồ Tát cảm thông sâu xa, nên chỉ lo cứu tế chúng sanh không kịp, làm
sao có thể đi giết hại chúng sanh? Nếu sát hại sanh mạng chúng sanh là mất tâm
Từ Bi sẵn có của Bồ Tát và đâu còn tư cách gì là Bồ Tát?
Nên luận Du Già
nói:
- Nếu có người
hỏi Bồ Tát lấy gì làm thể? Nên chánh thức đáp rằng: “Lấy đại bi làm thể”. Cho
nên vị Bồ Tát chân chánh còn vì vật mà xả thân, làm sao có thể sát hại chúng
sanh. Vì vậy, giới Sát đặc biệt đứng hàng đầu.
Sát sanh trong
giới Đại Thừa cũng như Tiểu Thừa, xuất gia cùng tại gia đều chế lập thành giới
trọng. Nếu sát sanh, tội ấy rất nặng.
Thế nên bất luận
một Phật tử nào, xuất gia cũng như tại gia, nếu như làm những hành động sát
sanh thì đều bị liệt vào tội rất nặng, không còn tư cách nhập đạo.
Đối với Bồ Tát
thì sát sanh là việc càng trọng đại hơn. Vì đại hạnh của Bồ Tát nương nơi chúng
sanh mà thành tựu. Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Tất cả chúng sanh là
gốc rễ, chư Phật, Bồ Tát là hoa trái. Dùng nước Đại Bi làm lợi ích chúng sanh,
thì thành tựu hoa quả trí huệ của chư Phật, Bồ Tát”.
Có chúng sanh để
độ mới có Bồ Tát đi cứu độ. Vì thế, chúng sanh là ân nhân thành tựu đại hạnh
cho Bồ Tát, nên từng giờ, từng phút phải nghĩ đến việc báo ân, đâu thể nào trở
lại giết hại chúng sanh?
Đối với Bồ Tát,
chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp. Trong đời đời
kiếp kiếp, ta từ nơi đó sanh ra, bổn phận làm con phải báo đáp thâm ân cha mẹ, đâu
nên giết hại?
Lại nữa, tất cả
chúng sanh đều có Phật tánh, tương lai đều sẽ thành Phật. Ai là người thành
Phật trước? Điều ấy không khẳng định được. Hành giả Bồ Tát cần phải kết duyên,
phải cung kỉnh tôn trọng đối với tất cả chúng sanh, nên tự nghĩ: “Chúng sanh
kia có kẻ sẽ thành Phật trước mình, tương lai sẽ tế độ mình”.
Đại Trí Độ Luận
nói: “Với những đàn kiến kia, có thể sẽ thành Phật trước mình, mình sẽ nhờ nó
tế độ, việc ấy nào đâu biết được!”
Hiện tại, nếu
sát hại sanh mạng chúng sanh, ấy là giết hại chư Phật vị lai, cũng làm tổn hại
tiền đồ của chính mình. Nếu nghiêm trì giới không sát sanh, chẳng những kết thiện
duyên với chúng sanh một cách thâm hậu, mà lại còn rộng bố thí vô úy cho chúng
sanh. Nên biết, chúng sanh sợ nhất là việc tử vong sanh mạng. Nếu Bồ Tát không
sát hại, tự nhiên chúng sanh không hãi sợ, nên kinh Niết Bàn nói:
Nhứt thiết úy
đao trượng,
Mạc bất ái thọ
mạng,
Thứ kỷ khả vi
dụ,
Vật sát, vật
hành trượng.
Dịch:
Tất cả chúng
sanh sợ đao gậy,
Không thể không
yêu sanh mạng,
Cứ xét nơi bản
thân thì rõ,
Nên không giết
hại, không đánh đập.
Câu “thứ kỷ khả
vi dụ” ở Nho gia gọi là Thứ Đạo, trong Phật pháp gọi là Pháp Tự Thông. Nói một
cách dễ hiểu: “Tức thị dĩ kỷ chi tình đạt tha chi tình” (Phàm những việc mình
không muốn người khác mang đến cho mình, mình không nên cưỡng chế đưa cho
người). Lấy bụng ta suy ra bụng người.
Giả như có người
muốn đến sát hại sanh mạng của chúng ta, ta không bao giờ chấp nhận, vì ta vẫn
mong cho sanh mạng này tiếp tục sanh tồn mãi mãi, không đoạn tuyệt. Riêng mình đã
thế, thì phải tưởng đến người khác cũng đồng một tâm trạng như vậy.
Như thế, chúng
ta không thể nào giết hại sanh mạng của chúng sanh, cũng không nên vô cớ làm
cho chúng sanh bị đau khổ, sợ hãi.
Kinh Tăng Nhứt A
Hàm quyển ba mươi bảy nói: “Ta bao giờ cũng muốn sống, muốn đừng chết, bao giờ
cũng muốn được hạnh phúc, bao giờ cũng mong tránh khỏi khổ đau. Vì thế, nếu có
người muốn đến phá hoại sanh mạng muốn sống, không muốn chết, muốn được hạnh
phúc, muốn tránh xa khổ đau của ta đây, đấy là việc ta có ưa thích hay không?
Nếu ta không ưa thích, mà lại đi phá hoại sanh mạng của người khác thì người
khác cũng đồng như ta: không bao giờ ưa thích. Phàm việc gì riêng mình không ưa
thích, không vui sướng, thì người khác cũng không ưa thích, không vui sướng.
Thế thì tại sao ta lại đem những việc chính mình không ưa thích, không vui
sướng mà trói cột cho người? Cứ suy nơi mình mà xét đến người như vậy, thông
thường gọi là có tâm niệm đồng tình với nhau”.
Bồ Tát lấy sự
nhiếp hóa chúng sanh làm khóa đề duy nhất, mà yếu vụ tối đại để nhiếp hóa là
phải làm thế nào tiếp cận với chúng sanh, rồi sau dẫn dắt chúng sanh vào trong
Phật pháp.
Nếu Bồ Tát luôn
ôm ấp tâm niệm sát hại thì chúng sanh mỗi khi trông thấy liền sanh tâm sợ hãi,
tức khắc sẽ ly khai vị Bồ Tát ấy; thì thử hỏi vị ấy làm sao nhiếp hóa chúng sanh?
Và như thế thì sao được gọi là Bồ Tát? Vì thế, Bồ Tát cần phải giữ giới bất sát
sanh cho nghiêm cẩn.
Đến đây Đức
Phật dạy rằng: “Nếu Phật tử đã phát tâm Bồ Đề, thọ giới Bồ Tát, cần phải y theo
giới pháp ấy tu hành, không nên có tâm khinh thường vi phạm lời Phật
dạy”.
Trước tiên nói
về giới sát sanh. Bất luận là tự sát, giáo nhân sát, phương tiện sát, hoặc tán
thán sát, hoặc kiến sát tùy hỷ, cho đến chú sát. Đây đều là hành vi sai lầm, là
tội ác cực trọng!
Sau đây xin giải
thích riêng từng thể loại:
- Tự sát: tự
mình làm việc sát hại, hành quyết sanh mạng chúng sanh. Hoặc dùng tay chân và
các bộ phận khác trên thân mình làm việc giết hại; hoặc dùng những vật như dao,
kiếm, gậy gộc, ngói, đá, súng, ống v.v... bên ngoài làm việc sát hại. Bất luận
sát hại cách nào, chủ yếu là chính tay mình kết thúc sanh mạng của đối phương
thì kết thành tội sát sanh. Lối tự sát này là sát nghiệp do hai thứ thân, tâm
tạo thành.
- Giáo nhân sát:
chính miệng mình dạy bảo người khác làm việc giết hại. Hoặc trước mặt người dạy
bảo họ làm như thế nào; hoặc sai khiến người khác, nói rõ phải làm như thế nào;
hoặc viết thư bảo người khác làm như thế nào. Dù không phải chính tay mình sát
hại chúng sanh, nhưng dạy bảo người làm, chủ yếu là lúc sanh mạng đối phương bị
kết liễu thì thành tội sát sanh. Lối sát sanh này là sát nghiệp do thân, khẩu
hai thứ tạo thành. Cổ đức có nói:
Thiệt thượng hữu
Long Tuyền,
Sát nhân bất
kiến huyết.
Nghĩa là: Trên
lưỡi con người có bảo kiếm Long Tuyền, giết chết người mà không thấy máu chảy.
Do đó, chúng ta thấy rõ tội xúi bảo người khác giết hại trọng đại biết dường
nào.
- Phương tiện
sát: Cách sát hại thứ ba này chẳng phải mình trực tiếp hành động, cũng không
dạy bảo người khác làm việc sát hại. Lối sát hại này là khéo léo lập ra những phương
tiện đặc biệt, khiến sanh mạng của đối phương phải bị đoạn tuyệt như: trói cột,
giam nhốt, hoặc chỉ đường lối bảo người tìm kiếm, bắt cho được, rồi sau đó kết
thúc sanh mạng của chúng sanh. Những việc này gọi là phương tiện sát. Lối sát
sanh này là sát nghiệp do tâm ý tạo thành.
- Tán thán sát
(khen tặng giết): Như có người vốn không có tâm ý sát sanh, nhưng có người bên
cạnh dùng các thứ hoa ngôn, xảo ngữ, khen tặng là người ấy có sức mạnh vĩ đại,
có khả năng giải quyết sanh mạng của chúng sanh, khiến cho người ấy, lúc bấy
giờ, sanh khởi tâm sát hại, thực hiện việc sát hại, thành tựu việc sát
hại.
Hoặc trường hợp
trước mắt có một người chán đời, muốn tự tận cuộc sống của họ. Có người thừa cơ
hội ấy khen tặng những mỹ đức của người chán đời kia, nói rằng: “Anh đã có
nhiều công đức như thế, nếu chết đi sẽ được sanh thiên giới, hưởng thọ bao
nhiêu khoái lạc ở thiên đường, thật là một việc vừa lòng, khoái ý biết chừng
nào? Tại sao sanh tồn ở thế gian này để chịu nhiều khổ não? Tại sao không mau
mau chết đi?” Nếu đối phương vì sự khen tặng này tự tận thì kết thành tội sát
sanh. Loại sát sanh này là sát nghiệp do tâm, khẩu tạo thành.
- Kiến sát tùy
hỷ (thấy sự sát hại mà vui mừng): Lối sát hại này dù không dạy người giết, khen
tặng sự giết, nhưng thấy người làm việc giết hại cho rằng việc giết hại là rất
đúng, không có gì tội lỗi, tâm tùy hỷ theo việc ấy. Hoặc có người trước đã có
tâm sát hại, nhưng còn ở trong vòng lưng chừng, chưa quyết định, nhân bấy giờ có
người tùy hỷ, khác gì khích lệ làm việc sát hại, mới quyết định giết chúng
sanh. Lúc sanh mạng chúng sanh kết thúc là thành tội sát sanh. Sát nghiệp này
do tâm ý tạo thành.
- Chú sát (dùng
bùa chú để giết): Lối này là dùng chú thuật cực ác, chú nguyền cho chúng sanh
bị chết. Tương truyền ở Ấn Độ có thứ Tỳ Đà La chú. Niệm tụng chú ấy có thể làm
cho tử thi chưa bị hoại hư đứng dậy, đoạn dùng nước tắm rửa sạch sẽ, mặc y
phục, rồi đưa đao trượng cho tử thi, đặt trên một chiếc xe, rồi bảo với tử thi rằng:
“Người ấy... có việc oán thù với ta. Giờ ngươi hãy đi giết người ấy”. Đây là
sát tội dùng bùa chú giết. Sát nghiệp này do tâm, khẩu tạo thành.
Hai chữ “nãi
chí” (cho đến) là nói chưa hết, nghĩa là những phương pháp sát hại rất nhiều,
không phải chỉ có mấy thứ kể trên, mà còn những các giết khác như đào hầm, đốt
lửa để cho hết khói. Đoạn dùng cát đất phủ lên trên, rồi bảo người đi trên ấy
cho họ sụp hầm lửa mà chết. Hoặc đào hầm sâu khiến người ấy rơi xuống mà chết.
Hoặc gài bẫy khiến người vương bẫy mà chết. Hoặc đưa thuốc độc bảo người uống,
hoặc làm đọa thai, chết người v.v... Tóm lại, phàm dùng những phương pháp chi
kết liễu sanh mạng chúng sanh đều là tội sát sanh.
Tướng trạng sát
sanh như thế, nếu chỉ có nhân sát mà không có duyên sát, cố nhiên không cấu
thành sát nghiệp, mà phải do nhân duyên hòa hợp mới thành. Như khởi tâm mà
không tương tục, vẫn không thể thành sát nghiệp, nên phải hội đủ ba điều. Kết
thành sát nghiệp, tất cả gồm bốn thứ như sau:
- Nhân sát
(nguyên nhân giết): Do phiền não từ vô thỉ xung động trong nội tâm, sanh khởi
niệm sát hại, gọi là nhân sát.
- Duyên sát: là
sát tâm tương tục không gián đoạn, nên dùng nhiều phương tiện để thực hiện việc
sát sanh là duyên sát.
- Sát pháp (cách
thức giết): Bày chỉ các thứ làm việc sát hại, phương pháp dùng những hung cụ
như: đao, kiếm, cung, tên, súng đạn v.v... gọi là sát pháp.
- Sát nghiệp
(nghiệp giết): Do ba duyên nói trên thành tựu, làm cho những sanh mạng hữu tình
mà mình muốn đoạn diệt không còn tương tục nữa, gọi là sát nghiệp.
Nhân sát có thể
xuyên suốt đời quá khứ. Duyên sát, pháp sát chỉ thuộc về hiện tại, trong khi
sát nghiệp chẳng những ở đời hiện tại mà còn kéo luôn đến đời vị lai. Như vậy,
bốn thứ này triển chuyển giúp đỡ cho nhau đến đời vị lai, khiến chúng sanh giết
hại lẫn nhau và sự sanh tử luân hồi không bao giờ chấm dứt.
Nói về ba chướng
thì một niệm sát tâm sanh khởi đầu tiên là Phiền Não Chướng, hoàn thành việc
sát hại chúng sanh là Nghiệp Chướng, và nghiệp này chiêu cảm nỗi khổ trong tam
ác đạo đời vị lai là Báo Chướng. Do đó, có thể thấy ba chướng làm cho chúng
sanh luân chuyển đều là do một niệm sát tâm tối sơ. Nếu không có sát niệm tối
sơ bất thiện này thì không bao giờ tạo thành sát nghiệp, gây nên trọng tội như
núi Tu Di và chiêu cảm quả khổ cùng cực trong sanh tử. Cho nên giới sát sanh
thật vô cùng trọng yếu.
Câu “nãi chí
nhất thiết hữu mạng dã bất đắc cố sát” nghĩa là: Phàm tất cả loài hữu tình có
mạng sống đều không được cố ý giết. Nói rõ hơn, chẳng những đối với con người
cùng những chúng sanh có hình vóc to lớn, chúng ta không được giết hại; mà ngay
cả đến những giống loại có thân hình rất nhỏ như côn trùng, sâu kiến, bọ mạt, các
côn trùng bò, bay, máy, cựa đều không được cố ý sát hại.
Kinh văn nói “cố
sát” là cố tâm sát hại, không phải vô ý lầm lỡ mà giết. Về việc ngộ sát, Kết
Quả Luận của Kỳ Na Giáo ở Ấn Độ cho là vẫn bị tội sát sanh như thường. Các luận
giả này nêu ví dụ như sau: Nếu như lầm đụng phải lửa thì vẫn bị lửa cháy phỏng
mình; đối với lý sát sanh cũng như thế. Nhưng Phật giáo căn cứ theo Động Cơ
Luận mà thuyết minh, nên không thừa nhận việc ngộ sát là có tội.
Tại sao không
thừa nhận việc ngộ sát là có tội? Nên biết rằng Phật giáo vẫn cho rằng sát sanh
là có tội, nhưng phân ra nhiều điều kiện khác nhau và chủ yếu là phải xem xét
động cơ thúc đẩy của người tạo sát nghiệp như thế nào mới luận tội trạng. Chẳng
hạn, người nào đó không có động cơ thúc đẩy, không có ý muốn sát hại, dẫu lầm
giết chết người thì tối đa chỉ phải gánh lấy trách nhiệm do sự không chú ý,
nhưng không thể nói người ấy phải mang tội sát sanh.
Kinh văn nói:
“Nhất thiết hữu mạng” là nói chung tất cả hữu tình, bất luận cao cấp hay hạ
cấp, thân hình to lớn hay nhỏ bé, chủ yếu nếu đoạn tuyệt sanh mạng của chúng sanh
đều thành trọng tội, không thể khoan dung. Thế nên đức Như Lai đại từ đại bi
với tất cả chúng sanh, Ngài cấm chế tất cả cảnh duyên có thể gây nên sự sát
hại. Thậm chí nghiêm cẩn đến mức độ đối với loài thảo mộc có đủ tính sanh
trưởng, đều không được vô cớ chặt nhổ hay làm tổn thương, huống gì là các loài
hữu tình có đủ tâm thức hoạt động?
Làm người nơi
thế gian, nếu có chút từ tân, đối với việc sát sanh còn không bao giờ cố ý hành
động, huống chi bậc Bồ Tát lấy đại bi tâm làm gốc, dĩ nhiên không nên làm thương
hại sanh mạng chúng sanh.
Do vậy, kinh văn
dạy tiếp rằng: “Thị Bồ Tát ưng khởi thường trụ từ bi tâm, hiếu thuận tâm,
phương tiện cứu hộ nhất thiết chúng sanh” (là Phật tử lẽ ra phải luôn có lòng từ
bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh).
Từ Bi tâm là cơ
bản của Bồ Tát. Sở dĩ được gọi là Bồ Tát vì từng giờ, từng phút thường an trụ
nơi tâm niệm này không gián đoạn, lại cũng không tạm quên trong một niệm.
Từ bi thương xót
nghĩ nhớ đến chúng sanh như thủ hộ con đỏ, chỉ nghĩ làm cách nào đem sự an lạc
ban cho chúng sanh, làm thế nào để bạt trừ sự thống khổ cho chúng sanh. Mà thể hiện
sự cứu khổ ban vui lớn nhất không chi hơn việc bảo hộ sanh mạng của chúng sanh,
tâm không bao giờ móng khởi một niệm sát hại.
Cho nên tâm từ
bi của các vị Bồ Tát không thể xa lìa trong chốc lát. Nếu lìa tâm từ bi mà sát
hại chúng sanh, đương nhiên mất hẳn tư cách của Bồ Tát.
Bồ Tát quán sát
tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của mình. Bổn phận làm con phải hiếu thuận với
cha mẹ. Việc này có thể nói là thiên kinh, địa nghĩa. Cho nên hiếu đạo trong Phật
pháp lấy tất cả chúng sanh làm đối tượng. Nhưng đối tượng của Bồ Tát nhiếp hóa
cũng lấy chúng sanh làm mục tiêu. Vì lý do ấy nên Bồ Tát phải từng giờ, từng khắc
an trụ nơi một niệm hiếu tâm này, luôn luôn đừng cho gián đoạn. Chẳng những
không cho gián đoạn trong một giờ, một phút, cũng không có một niệm xao lãng,
quên đi. Bồ Tát cung kính, hiếu thuận với tất cả chúng sanh, chỉ biết lấy ý chỉ
cha mẹ làm ý chỉ của mình, dùng sự ưa chán của cha mẹ làm sự ưa chán của mình,
cung kính tùy thuận không trái nghịch. Trái nghịch còn không được, huống chi là
có tâm sát hại?
Nên biết sát hại
là việc bội nghịch thiên địa và trái với chánh lý, là tội bất hiếu, bất thuận
tối đại. Nên kinh này đã nói: “Hiếu danh vi giới” (hiếu thuận gọi là giới), hàm
chứa đạo lý vô cùng sâu sắc. Cho nên:
Phật tử muốn
đừng sát sanh, phải thường an trụ tâm từ bi, hiếu thuận. Căn cứ vào chúng sanh
sở duyên thì tâm từ bi và tâm hiếu thuận khác nhau:
- Từ tâm là
duyên nơi thù oán của chúng sanh mà phát khởi.
- Bi tâm là
duyên nơi khổ não của chúng sanh mà phát khởi.
- Hiếu tâm duyên
nơi thượng phẩm chúng sanh mà phát khởi (“thượng phẩm” chỉ cho chư Phật, thánh
nhân, sư tăng, cha mẹ).
Nếu xem tất cả
chúng sanh là cha mẹ thì duyên nơi mỗi chúng sanh đều phải đủ cả ba tâm. Bồ Tát
thường an trụ tâm từ bi, hiếu thuận, chẳng những không được sát hại chúng sanh,
lại phải vận dụng nhiều phương tiện cứu hộ chúng sanh. Như khi thấy người sát
sanh, phải khéo léo dùng phương tiện, đối với người ấy, nói rõ tội lỗi sát
sanh, khiến cho họ bỏ hẳn sát niệm. Như thế người ấy không hoàn thành sát
nghiệp và chúng sanh bị sát hại kia khỏi phải chịu cực kỳ thống khổ. Thật là
phương tiện từ bi vĩ đại, niệm cung kính hiếu thuận chân thật biết dường
nào!
Cho nên dùng
phương tiện cứu hộ chúng sanh là chỗ tu học thiện xảo tối yếu trong tâm từ bi
hiếu thuận. Vì làm cho chúng sanh sắp bị sát hại được thoát ly những cực hình
thống khổ như cắt cổ, nhổ lông, lột da, cạo vảy, nằm dãy dụa trên đao thớt
v.v... và được hưởng thọ sự an lạc.
Bồ Tát phải thực
hành công hạnh như vậy, nếu không thì không xứng đáng với tư cách Bồ Tát. Vì
thế, kinh dạy tiếp: “Nhi phản tự tâm khoái ý sát sanh giả, thọ Bồ Tát Ba La Di
tội” (mà trái lại, tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La
Di tội).
Chữ “phản” ở đây
là không nên làm như thế, ý nói: vị Bồ Tát chơn chánh phải lấy sự lợi ích của
chúng sanh làm tiên đề. Bất luận lúc nào, nơi nào, nếu thấy chúng sanh lâm vòng
khổ nạn, Bồ Tát cần phải suy nghĩ, tìm mọi phương cách cứu hộ, khiến các chúng
sanh được thoát ly khổ nạn, mới là hành vi cần phải có của Bồ Tát. Nếu không
cứu hộ chúng sanh đang khổ nạn thì trái với bản nguyện độ sanh và mất lòng từ
bi hộ sanh. Huống gì hiện tại lại tiến thêm một bước nữa, buông lung theo tâm
mình, thuận theo khoái lạc của ý mình, giết hại chúng sanh, không tâm lân mẫn
mảy may, không có tâm đồng tình, nhẫn tâm làm việc giết hại chúng sanh.
Bồ Tát nếu quả
thật nhẫn tâm đến độ ấy, chứng tỏ là người tàn nhẫn đến cực điểm, điều mà đức
Bổn Sư Thích Ca dạy là “đoạn đại từ bi”, tức là đã đoạn tuyệt tâm đại từ bi,
không còn có tư cách gì gọi là Bồ Tát. Người Phật tử tàn bạo kia, nếu do lòng
tham, tâm buông lung giết hại chúng sanh, thì đồng như hàng đồ tể (người chuyên
nghề giết súc vật, trâu, bò, dê, heo v.v...)
Nếu do tâm sân,
có ý khoái lạc sát sanh thì khác gì kẻ làm công bộc trong xã hội, chuyên dùng
hình phạt tàn ác, ngược đãi nhân dân (công bộc: người phục vụ cho nhân
dân).
Dù do động cơ
nào (tham hoặc sân) mà sát sanh đều là việc bội thiên nghịch địa, trái với chân
lý, trái với tâm hạnh của Bồ Tát, cần phải phán vào trọng tội, nên nói: “Thị Bồ
Tát Ba La Di tội”. Ba La Di là tên trọng tội cực ác như hiện nay tuyên phán tội
tử hình.
Danh từ Ba La
Di, Trung Hoa dịch ra nhiều tên như:
- Quyên Khí:
Hành giả tu học Bồ Tát đạo vốn có nhiều công đức, nhưng vì phạm tội Ba La Di
nên tất cả công đức quảng đại kia kể như vứt bỏ, không thể chứng đắc đạo quả, nên
gọi là Quyên Khí.
- Khí Tội: hành
giả phạm tội này thì gạt bỏ hẳn ra ngoài biển cả Phật pháp, không được nhập
trong chúng thanh tịnh để cùng nhau cử hành các Phật sự: thuyết giới, yết ma v.v...
Hai chúng thanh tịnh cũng không dung nạp người ấy sống chung, nên trong Luật dụ
như: “Như đại hải thủy bất nạp tử thi” (như nước bể cả không bao giờ dung chứa
thây người chết).
- Đọa Lạc: người
phạm tội này, sau khi xả thân, nhất định bị đọa vào tam ác đạo, chịu những cực
hình thống khổ.
- Đoạn Đầu Pháp:
Trong luật Ngũ Phần với nghĩa thứ tư này giải thích rất tường tận: “Ba La Di
gọi là pháp cực ác, gọi là pháp đoạn đầu, gọi là không phải pháp Sa Môn. Như
cây kim bị sứt đít, không thể dùng được. Như người đã chết không thể sống lại.
Như tảng đá to bị bể nát không thể hoàn nguyên lại. Như cây đa-la đã bị chặt
rồi, không thể sống lại”.
- Tha Thắng Xứ
Pháp: Bồ Tát lấy trí huệ làm Tự, lấy phiền não làm Tha. Thọ Bồ Tát giới là phải
dùng gươm trí huệ chém phiền não, nhưng hiện tại, do sự phá giới này, chẳng những
không thể phá trừ phiền não, mà trái lại còn bị phiền não thắng phục. Tất cả sự
hủy phạm khác đều từ nơi đây phát sanh nên gọi là Tha Thắng Xứ Pháp.
Tóm lại:
- Không được cố
ý sát hại tất cả chúng sanh có sanh mạng là Nhiếp Luật Nghi Giới của Bồ
Tát.
- Thường an trụ
tâm từ bi, tâm hiếu thuận là Nhiếp Thiện Pháp Giới của Bồ Tát.
- Phương tiện
cứu hộ tất cả chúng sanh là Nhiếp Chúng Sanh Giới của Bồ Tát.
Nếu giữ gìn giới
bất sát sanh nghiêm cẩn thì Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát đều ở trong ấy. Thế
nên, hành giả Bồ Tát phải hộ trì giới này cẩn thận.
Nên biết sát
sanh đích xác là trái với Bồ Tát hạnh, nên Bồ Tát phải y kinh Thập Thiện Giới
dạy:
Nhược kiến sát
sanh giả,
Như đao thích kỳ
tâm.
Dịch:
Nếu thấy người
sát sanh,
Như đao đâm tim
mình.
Thấy người sát
hại còn như thế, huống chi chính mình sát hại? Tại sao Bồ Tát phải như vậy?
Kinh Thập Thiện Giới lại dạy:
Nhứt thiết ái
nhãn mục,
Ái tử diệc phục
nhĩ,
Ái thọ mạng vô
cực,
Thị cố bất sát
sanh,
Danh vi phạm
hạnh tối.
Dịch:
Tất cả thế nhân
yêu đôi mắt,
Lòng thương yêu
con cũng như vậy.
Yêu tiếc thọ
mạng không cùng tột,
Thế nên hành giả
đừng sát sanh,
Gọi là phạm hạnh
cao tột nhất.
Sát sanh chẳng
những đem lại thương hại cho người khác mà với chính mình cũng hoàn toàn bất lợi,
như kinh Thập Thiện Giới lại dạy:
Đạm nhục giả đa
bệnh,
Đoản mạng tự
trang nghiêm,
Đương hành đại
bi tâm,
Phụng trì bất
sát giới.
Dịch:
Những người ăn
thịt sanh nhiều bệnh hoạn,
Tự lấy đoản mạng
để trang nghiêm.
Thế nên phải tu
tâm đại bi,
Cung kính giữ
gìn giới bất sát.
Vị Bồ Tát chân
chánh chẳng phải như vậy, nếu vi phạm thì chẳng phải là chơn Bồ Tát. Giới sát
sanh này nếu người đã thọ giới rồi mà vi phạm thì mắc 2 thứ tội là Tánh tội và
Giá tội, còn người chưa thọ giới thì chỉ bị tánh tội mà thôi. Tánh tội là chính
pháp ấy – pháp nhĩ – có tội như vậy (“pháp nhĩ”, trong kinh thường dùng từ này
để chỉ lẽ tự nhiên phải như vậy, như lửa thì bốc lên, nước thì chảy xuống). Bất
luận thọ giới hay không, hễ phạm thì mắc tội. Giống như luật pháp của quốc gia
ấn định, sát nhân tất nhiên phải đền mạng, chính là ý ấy.
Giá tội, chữ
“giá” là ngăn chận, chỉ cho những điều Đức Phật cấm ngăn, chế định trong giới
luật. Phật tử đã thọ giới rồi mà hủy phạm, chẳng những phạm tánh tội lại thêm
giá tội. Vì Phật tử ấy phạm giới luật của Phật.
Cần nên lưu
ý:
Có người lầm
tưởng rằng Sát, Đạo, Dâm v.v... đối với những người chưa thọ giới của Phật chỉ
mắc một tánh tội, còn người đã thọ giới lại bị mắc cả hai tánh và giá tội. Như
vậy, thọ giới là nhân duyên để chiêu lấy tội lỗi. Về phía bản thân mình, tự bị
tổn hại chứ không ích lợi gì, cần chi phải thọ giới của Phật? Thọ giới nếu
không phải là tìm lấy sự phiền phức cho mình, tăng thêm tội lỗi cho mình ư? Lầm
rồi! Quan niệm này tuyệt đối thực sai lầm.
Ở trước Phật có
dạy: “Người đã thọ giới tức là dự vào hàng của chư Phật, thành ra một người
thanh tịnh đệ nhứt, đầy đủ các công đức. Vì lực dụng của trì giới vĩ đại, nên
tội nghiệp của phá giới cũng đặc biệt sâu nặng. Vì tội phá giới sâu nặng nên
Phật tử thọ giới rồi, dù gặp duyên phải hy sinh tánh mạng cũng không nên hủy phạm
giới. Do công đức trì giới thù thắng nên những người chưa thọ giới, đáng lý
phải bẩm thọ, không nên vì phạm giới có đủ hai thứ tội, vội cho thọ giới là tổn
hại chứ không ích lợi, rồi không chịu thọ giới.
Nên biết: Thọ
giới là cốt cho Phật tử trì giới, chớ không phải để cho thọ giới rồi phạm giới.
Vì nếu trì giới được thanh tịnh, há chẳng phải là tự mình được sự lợi ích thù
thắng vĩ đại sao? Không nên sợ tội mà không chịu thọ giới. Nếu sợ tội thì phải
sợ phạm giới, chớ không nên sợ thọ giới!
Điều văn giới
sát sanh trên đã giảng rõ, nhưng còn những điểm trọng yếu cần phải nói rõ
thêm:
Căn cứ theo các
kinh luật thuyết minh, kết thành tội sát sanh phải hội đủ bốn điều kiện. Giờ
đây, quý vị hãy dụng tâm nghe kỹ. Chỉ có hiểu minh bạch được lý này mới có thể
biện biệt thật sự vi phạm căn bản trọng tội hay không. Bốn điều kiện vừa nói
tức là bốn duyên sau đây:
1. Chúng
sanh: Đối tượng bị sát hại đích xác là chúng sanh. Nhưng chúng sanh lại rất
nhiều loại, đại khái có thể phân làm 3 phẩm:
* Thượng phẩm
chúng sanh: Chư Phật, thánh nhân, sư trưởng, cha mẹ.
- Phật là bậc
thánh nhân tối cao, không phải ai cũng có thể giết hại được, nên trong kinh xưa
nay không nói chuyện sát hại Phật. Dù có chúng sanh ác tâm muốn giết hại Phật, nhưng
không bao giờ giết được. Tuy không giết được Phật, nhưng do khởi ác tâm, chỉ
làm cho thân Phật xuất huyết cũng đã phạm trọng tội, và là một thứ tội nghịch
trong ngũ nghịch.
- Giết A La Hán
cũng là một trong ngũ nghịch tội. Giết thánh nhân đệ tam quả trở xuống chỉ phạm
trọng tội Ba La Di, không thuộc về tội ngũ nghịch. Đến như giết Bồ Tát ở địa vị
ngoại phàm thì chỉ phạm trọng tội, còn giết Bồ Tát Thập Phát Thú trở lên thì
phạm nghịch tội.
- Lại giết hại
sanh thân phụ mẫu, hòa thượng thế độ, vị a xà lê truyền giới cho mình, đều phạm
ngũ nghịch tội. Tội trọng là tội Ba La Di. Ngũ nghịch là tội đại nghịch, phi
đạo lý, vì kẻ dưới mà giết hại bực bề trên. Như con đối với cha mẹ, cha mẹ là
bực bề trên, sản sanh căn bản sanh mạng của chúng ta. Làm con phải hết lòng
cung kính, hiếu thuận; trái lại, đi xâm phạm giết hại cha mẹ là bực bề trên,
đương nhiên phải gia tội một bực.
- Đối với hành
giả tu học Phật pháp, Hòa Thượng thế độ, A Xà Lê truyền giới là cha mẹ Pháp
Thân huệ mạng, sánh với công ơn sanh thành dưỡng dục nhục thân của cha mẹ hơn
gấp bội lần. Đáng lẽ phải hết lòng cung kính cúng dường, mà trở lại giết hại
các Ngài, là tội đại nghịch, phi đạo lý vì kẻ dưới lại giết hại bực bề
trên.
* Trung phẩm
chúng sanh: nhân loại và trên thiên giới. Nếu sát hại những chúng sanh cõi
trời, cõi người, chẳng những phạm căn bản trọng tội, đồng thời mất hẳn giới thể
đã bẩm thọ.
* Hạ phẩm chúng
sanh: a tu la, quỷ thần, súc sanh v.v... những chúng sanh này nếu hiểu rõ lời
của Pháp Sư truyền giới, và thọ giới Bồ Tát rồi, nếu sanh ác tâm giết hại chúng
sanh ấy là phạm căn bản trọng giới, nhưng giới thể không bị mất. Nhưng có một
điểm đặc biệt chú ý là: Trong khi sát hại chúng sanh hạ phẩm mà không một chút
gì sanh tâm hổ thẹn sợ tội, lại càng sát hại càng cao hứng, càng cố ý làm
thương hại chúng sanh không ngớt, thì chẳng những phạm tội Ba La Di mà giới thể
cũng bị mất!
Những hạng a tu
la, quỷ thần v.v... nếu không hiểu rõ lời nói của Pháp Sư truyền giới pháp,
không đủ tư cách thọ giới, chưa thọ Bồ Tát giới, như có ác tâm sát hại thì
không phạm tội Ba La Di, giới thể không bị mất, chỉ phạm tội khinh cấu mà
thôi.
Tuy nhiên, theo
sự giải thích của Linh Phong Đại Sư về Bồ Tát giới, thì sát hại chúng sanh hạ
phẩm có hai thứ:
- Đồng phạm
trọng tội: Bồ Tát phải nghiêm hộ sanh mạng chúng sanh, nếu có tâm sát sanh, cố
nhiên phạm trọng tội. Vì đứng về giới Bồ Tát, đối với chúng sanh trong lục đạo
đều thâu nhiếp. Vì thế nên phạm trọng tội.
- Phạm tội khinh
cấu: Chúng sanh trong tứ ác thú, a tu la v.v... chẳng phải là pháp khí của đạo
pháp. Đây là nhắm vào giới tỳ kheo, chỉ giới hạn trong phạm vi nhơn đạo, nên chỉ
phạm tội khinh.
Như trên đã
giảng về những chúng sanh bị giết hại có sự sai khác giữa các bậc thánh, phàm,
cao thấp bất đồng. Do đó, sự phán định tội sát sanh cũng có sự khác biệt về trọng,
khinh và ngũ nghịch.
Đồng là tội sát
sanh, nhưng đừng cho rằng tất cả các trường hợp sát sanh mang tội giống nhau.
Chúng ta cần phải phân biệt hết sức tinh tế, tuyệt đối không nên mù mờ, cho
rằng tội sát sanh là đồng một thứ.
2. Chúng sanh
tưởng (trong tâm tưởng là chúng sanh): Trong lúc người tạo sát nghiệp, trong ý
tưởng cho đối tượng đích xác là chúng sanh. Cổ đức đối với duyên thứ hai này
chia làm ba trường hợp chính, và mỗi trường hợp chính này lại bao gồm hai
trường hợp phụ:
* Đương (đúng
như vậy), chia làm hai trường hợp:
- Thực tại là
chúng sanh: người tạo sát nghiệp trong ý tưởng cho chúng sanh đang lúc bị sát
hại là chúng sanh. Như thế, sau khi giết chúng sanh ấy chết, tất nhiên người đó
phạm căn bản trọng tội.
- Thực tại không
phải là chúng sanh: người tạo sát nghiệp kia, trong ý tưởng cũng cho là không
phải chúng sanh. Như thế, dù cho giết chúng sanh ấy chết, cũng có thể nói là
hoàn toàn vô tội.
* Nghi (nghi
ngờ) có hai trường hợp:
- Thực tại là
chúng sanh: trong lúc tạo sát nghiệp, người ấy sanh tâm nghi ngờ: đây có phải
là chúng sanh hay không phải chúng sanh? Nghi thế, nhưng cuối cùng cũng giết
chết chúng sanh ấy, tức phạm căn bản trọng tội.
- Thực tại không
phải là chúng sanh: trong lúc tạo sát nghiệp, người kia trong tâm sanh nghi ngờ
như vầy: đây có phải là chúng sanh hay không phải chúng sanh? Chẳng hạn, như
ban đêm, người ấy thấy sợi dây lầm cho là con rắn, thấy đất cho là con trùng,
rồi dùng dao chém hoặc dùng tay bóp vật ấy. Tuy không thương hại sanh mạng của
chúng sanh, nhưng vì người ấy trong tâm có đủ một niệm sát, nên dù không phạm
căn bản trọng tội, vẫn phạm tội khinh cấu.
* Tịch (sai lầm)
chia làm hai loại:
- Thực tại là
chúng sanh: trong lúc tạo sát nghiệp, trong tâm ý người tạo tuyệt đối không cho
chúng sanh ấy thực là chúng sanh. Như ban đêm đi đường thấy con rắn. Con rắn ấy
thực chất là chúng sanh, nhưng người đi đêm kia cho con rắn là sợi dây, sanh
tâm đùa cợt, liền cầm dao chặt đứt, giết chết sanh mạng con rắn. Vì tâm ý người
ấy hoàn toàn không có niệm sát sanh, nên dù giết chết rắn, nhưng vẫn không phạm
tội sát sanh.
- Thực tại không
phải là chúng sanh: trong lúc tạo sát nghiệp, trong thâm tâm người tạo hoàn
toàn tưởng thực là chúng sanh. Chẳng hạn như người ấy đi đêm, thấy gốc cây khô.
Gốc cây khô không phải là chúng sanh, nhưng người ấy tưởng là người, liền chặt
đứt gốc cây khô ấy. Như thế, dù thật sự không gây thương tổn đến sanh mạng
chúng sanh, nhưng vì trong tâm ý người ấy, lúc đó có đủ niệm sát hại, nên cũng
phạm tội khinh cấu, mặc dù không phạm căn bản trọng tội.
Cho nên tội sát
sanh trong Phật pháp là một sự kiện được phân tích, kết luận hợp tình, hợp lý,
không phải hư vọng đem tội gán ghép cho người, mà hoàn toàn phải xem xét trạng thái
tâm lý của người ấy ngay lúc tạo nghiệp thế nào. Nếu có đủ tâm niệm sát sanh,
dù không sát hại chúng sanh, cũng phạm tội khinh cấu. Nếu không có tâm sát
sanh, dù có sát hại chúng sanh, cũng không nhất định là có tội.
Cho nên Phật
pháp đối với việc sát sanh phán đoán theo khuynh hướng “động cơ luận giải” chứ
không theo “kết quả luận giải”; cần phải biện biệt người tạo nghiệp đương thời
có tâm sát sanh hay không? Đây là sự tối khẩn yếu! Vấn đề này cùng với pháp
luật hiện tại của xã hội có thể nói là hoàn toàn thích hợp, nghĩa là phải xem
xét động cơ của người ấy có thực là sát tâm hay không!
3. Sát tâm:
động cơ sát hại chúng sanh. Đã có động cơ này thì lúc nào và ở đâu cũng muốn
bức não, muốn sát hại chúng sanh. Đây là chủ nghiệp của sát nghiệp. Chủ yếu là
ôm ấp ác niệm, thì dù tự thân hay bảo người khác, hoặc dùng phương pháp gì để
thực hiện việc sát hại, đều bị kết tội sát sanh. Tâm sát sanh có hai loại khác
nhau:
- Thông tâm:
buông lung tâm ý, làm những việc như đào hầm hố, làm cung tên, hay chặt phá,
thiêu đốt v.v... và trong lúc làm có mang tâm giết hại chúng sanh. Nếu chúng
sanh vì việc này mà chết, thì người hành động bị phạm căn bổn trọng tội. Nếu
chúng sanh không vì duyên cớ đó mà chết thì chỉ phạm tội phương tiện, tức là
khinh cấu.
- Cách tâm: là
bổn ý làm phương tiện để giết người này, nhưng lại giết lầm người kia. Tức là
vô tâm mà lầm giết. Vì đối với cá nhân kia, không có tâm sát hại, nên dù có lầm
lẫn làm thương hại người ấy, nhưng không kết thành tội. Nhưng do hữu ý với cá
nhân này, mà làm phương tiện để sát hại, tuy không giết hại được, nhưng với
người này vẫn kết thành tội phương tiện.
4. Tiền nhân
đoạn mạng (sinh mạng người bị giết đoạn tuyệt)
Là sanh mạng
những chúng sanh bị giết hại, đích xác do người tạo ác nghiệp kia mà bị kết
thúc, không thể tiếp tục sanh tồn nữa, bấy giờ mới kết thành sát nghiệp. Nhưng người
tạo sát nghiệp mang tội khinh hay trọng, tùy thuộc vào hai thời gian không đồng
mà kết luận:
* Ở trong đời
hiện tại: Cần phải xem xét bản thân người tạo sát nghiệp có đủ giới phẩm hay
không để phán đoán sát tội là khinh hay trọng. Nếu người ấy có đủ giới phẩm,
khi thấy sanh mạng của chúng sanh bị giết hại kia kết thúc thì kết thành căn
bổn trọng tội. Nếu như sau một thời gian xả giới, người tạo sát nghiệp mới thấy
sanh mạng chúng sanh kia bị kết thúc thì chỉ trước lúc xả giới mới kết thành
tội phương tiện. Sau khi xả giới thì không phạm căn bản trọng tội. Nhưng với
tánh tội thế gian vẫn không tránh khỏi.
* Ở trong đời
tương lai: trường hợp người tạo sát nghiệp làm phương tiện để giết một chúng
sanh. Sau khi làm phương tiện, sinh mạng của người tạo sát nghiệp kết thúc
trước sanh mạng của người bị giết kia. Thế thì sát tội mắc phải nên phán xét
như thế nào? Điều này phải căn cứ vào hai phương diện mà thuyết minh:
- Người tạo
sát nghiệp sau khi chết rồi, trong đời vị lai tự nhớ túc mạng. Người bị sát hại
kia, mặc dù do nguyên nhân thế lực nào khác, hoặc bị thêm phương tiện gì khác, sanh
mạng phải đoạn tuyệt, nhưng đều kết thành trọng tội.
- Người tạo
sát nghiệp sau khi chết rồi, trong đời vị lai không nhớ túc mạng. Người bị sát
hại kia, mặc dù do thế lực khác mà sanh mạng đoạn tuyệt. Trường hợp này cũng giống
như trên, nghĩa là kết thành trọng tội. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát sau khi chết
rồi, giới thể vẫn còn chứ không mất.
Nếu người bị
giết kia do nơi thế lực khác, phương tiện khác mà chết, chứ không phải do
phương tiện trước mà chết, thì chỉ kết thành tội khinh cấu, không kết thành căn
bổn trọng tội.
Nếu như về sau,
những phương tiện thêm vào ấy, là bởi túc nghiệp sai sử, tự bản thân mình không
thể nhớ biết một điểm gì. Thí như tỳ kheo bị bệnh si cuồng, loạn tâm... chẳng
những không kết thành căn bổn trọng tội mà cả tội khinh cấu cũng không
phạm.
Như trên đã nói
rất tường tận và đầy đủ những điều kiện sát sanh để kết thành tội nghiệp sát
sanh.
Việc sát sanh ở
thế gian này dường như khó tránh khỏi, nhất là đối với những người có bổn phận
thống lãnh quốc gia, gánh lấy quyền sát sanh, có những trường hợp không thể
tránh được.
Như trường hợp
tội nhân trong nước tạo tội gian phạm, người ngoại quốc xâm lăng, hoặc phe đảng
dùng bạo lực tàn sát nhân dân vô tội, người có bổn phận thống lãnh quốc gia, vì
muốn duy trì sự an ninh trong nước, vì muốn bảo vệ tổ quốc, vì bổn phận cứu độ
nhân dân lương thiện, nếu như không giết kẻ địch và tội nhân thì không thể nào được.
Cho nên Phật
pháp đối với giới sát sanh có thể khai giới cho. Điều này trong bộ Phật Pháp
Khái Luận, Ấn Thuận Luật Sư thuyết minh:
“Nếu nói về Đại
Trí khế hợp với Chân Lý, Đại Bi phải tùy thuận thế gian, thì giới luật quyết
không thể nào không tiêu cực. Có khi gặp trường hợp không tiêu cực thì không xong
việc, như vậy cần phải linh động nhằm vào phương tiện Từ Bi mà có thể Sát, có
thể Đạo, có thể Dâm, có thể vọng ngữ, mới thực hiện được hoàn mãn.
Thí dụ như có
người tàn hại nhân loại nói riêng, hữu tình nói chung, sinh linh bị thống khổ,
bức bách, không thể kham nhẫn được. Nếu không giết kẻ ác này, hữu tình sẽ bị sa
vào thảm vận càng lớn, kẻ ác này sẽ tạo tội ác càng to, và vị lai kẻ ấy sẽ bị
thống khổ cực hình. Như thế, thà giết kẻ ác ấy, thà mình đọa địa ngục, không
nên để kẻ ấy tạo ác, tự hại mình, hại người. Thế nên phải dụng tâm Từ Bi mà
giết kẻ ác này. Đây là giết thiểu số mà cứu khắp tất cả.
Đặc biệt là phải
có tâm thương xót đối với người làm ác. Vì thương xót họ, nên phải giết họ, để
họ đừng tạo thêm ác nghiệp mà phải bị đọa địa ngục. Dù cho chính mình vì việc
sát sanh này mà đọa địa ngục, cũng không mảy may do dự. Việc sát hại cá nhân
này thuộc về hành vi đạo đức, thuộc về đức hạnh cao thượng và tâm từ bi vô hạn,
tự nguyện hy sinh!”
Sát sanh để cứu
sanh mạng như thế, Phật giáo đồ ở Ấn Độ trước kia, đệ tử Phật ở Trung Hoa và
các Phật tử các quốc gia khác hiện nay hành theo đó, có thể nói là rất
nhiều:
* Như vào triều
Tống, niên hiệu Nguyên Gia, Cầu Na Bạt Đà La pháp sư (Trung Hoa dịch là Công
Đức Khải) đến Trung Quốc hoằng truyền chánh pháp. Ngài ở tại nước Quang Bà.
Quốc vương nước ấy hết sức sùng kính Pháp Sư. Lúc ấy, đại quân lân bang đem
quân xâm lấn. Quốc vương đến trước Pháp Sư bạch rằng:
- Bạch tôn sư!
Nay kẻ ngoại xâm sắp đến xâm phạm quốc gia của con. Nếu đấu tranh với họ thì
sát hại thương tổn rất nhiều. Là một Phật tử, tâm con thật là bất nhẫn! Nếu
không chiến đấu thì quốc gia sẽ bị diệt vong. Tâm của người làm chủ quốc gia có
chỗ không yên. Kính bạch tôn sư! Con đang tấn thối lưỡng nan, không biết làm
thế nào cho đúng, chỉ đến trước tôn sư nhất tâm quy mạng, xin quyết định cho
con!
Cầu Na Bạt Đà La
pháp sư thản nhiên đáp: “Kẻ địch đã xâm phạm quốc gia, biện pháp duy nhất là
phải kháng cự. Nhưng lúc đại vương khởi binh giao chiến, quyết đừng khởi ác niệm,
mà cần phải giữ gìn tâm từ bi lân mẫn, thương hại kẻ địch”.
Quốc vương lãnh
lời chỉ giáo của Pháp Sư, thống lãnh hùng binh giao chiến với địch. Hai bên
giao phong, kẻ địch quy hàng.
Đây thật là dụng
binh nhân nghĩa. Theo đúng tinh thần này thì đi chinh phạt không phải là không
được. Chủ yếu không phải là hiếu chiến, hiếu sát, thì trong Phật pháp vẫn không
phản đối.
* Kinh Tăng Nhứt
A Hàm có chép như vầy:
Vua Ba Tư Nặc
một hôm đơn thân đến Kỳ Hoàn tịnh xá, bạch với đức Bổn Sư rằng: “Kính bạch Thế
Tôn! Vừa rồi trong nước có đại đạo tặc nổi dậy, vì thế đêm hôm qua con thống
lãnh đại quân thảo trừ kẻ giặc. Kết cuộc con đã bắt được nó, nên hiện tại con
cảm thấy vô cùng hoan hỷ, nên đến đây bái yết Thế Tôn. Nếu đêm rồi con không cử
binh thì không bắt được giặc. Giặc không bắt được, quốc gia sẽ không an, nhân
dân bị thống khổ...”
Đức Phật nghe
xong, đối với đại vương dạy rằng: “Đúng thế! Đúng như lời đại vương
nói...”
Đức Phật chẳng
những không quở trách Ba Tư Nặc vương chinh phạt kẻ địch, lại còn tán thán cho
là việc rất đúng. Do đó, thấy rõ trong Phật pháp không phải là tuyệt đối không
được sát sanh. Vấn đề chính là cần phải xem xét tình trạng sát sanh như thế nào
để quyết định.
Đối với vấn đề
này, Du Già Luận Bồ Tát giới bổn có nói rất rõ như sau: “Nếu Bồ Tát thấy kẻ
cướp hung bạo, tham tàn, giết hại nhiều sanh mạng, hoặc muốn giết hại bậc đại
đức, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, và tạo nhiều nghiệp vô gián. Bồ Tát thấy rồi
suy nghĩ: “Nếu ta giết chúng sanh ác này sẽ bị đọa vào Na Lạc Ca (địa ngục), còn
nếu không, nó sẽ tạo nghiệp vô gián, sẽ chịu đại thống khổ. Ta thà giết nó mà
đọa Na Lạc Ca, chứ không để nó chịu kịch khổ vô gián”.
Suy nghĩ như thế
đối với chúng sanh kia, Bồ Tát sanh lòng hết sức hổ thẹn, do thiện tâm thương
xót mà đoạn mạng ác nhân kia. Theo nhân duyên này, đối với Bồ Tát giới chẳng những
không hủy phạm, mà lại còn sanh nhiều công đức.
Sự sát hại này
không phải do tham tâm, không phải do sân tâm, hoàn toàn do tâm đại bi tăng
thượng, thuần dùng tâm “đại khổ chúng sanh” (thay thế chúng sanh chịu khổ) mà
làm sát nghiệp. Đối với giới Bồ Tát chẳng những không có chỗ vi phạm, mà còn
sanh khởi công đức rất lớn.
Bộ Phạm Võng
Giới Sớ Phát Ẩn của Liên Trì đại sư cũng nói: “Giết chết người rồi tự mình rơi
lệ, suy nghĩ nhiều phen rồi sau đó hành hình, chính sát sanh mà thành từ bi.
Sát sanh nhưng thực chẳng phải sát sanh. Với giới pháp không trái phạm; với ân
đức cũng không tổn thương. Quốc chánh cũng như Phật tâm, cả hai đều vô
ngại”.
Đây là lối sát
sanh với thế pháp và Phật pháp, cả hai đều thông suốt. Đây là lối sát sanh hợp
tình, hợp lý biết dường nào! Sát sanh như thế rốt ráo có gì không được! Cần
phải sát sanh mà không sát, đây mới là điều không được bỏ qua. Không nên sát
sanh mà sát sanh, đấy là do nhẫn tâm, khoái ý mà làm, là thuộc về tội ác!
Có nghiệp nhân
như thế, tất phải bị chiêu cảm lấy quả khổ. Chánh báo là phải đọa vào tam ác
đạo; dư báo là phải thọ quả báo đoản mạng cùng nhiều tật bệnh trong nhân đạo.
Phân biệt rõ hơn thì:
- Sát sanh
thượng phẩm, đọa vào địa ngục.
- Sát sanh trung
phẩm, đọa làm súc sanh.
- Sát sanh hạ
phẩm, thọ khổ ngạ quỷ.
Có chỗ nói tội
sát sanh căn cứ vào ba phẩm chúng sanh thì phân biệt như vậy. Có chỗ luận sát
tâm mạnh hay yếu mà phân biệt. Có chỗ ước về sự quan hệ ân cầm sám hối mà phân biệt,
như tạo tội sát sanh về thượng phẩm, nhưng nhờ ân cần khẩn thiết sám hối tội
lỗi mà chuyển thành tội nghiệp trung phẩm, hạ phẩm. Có người tạo tội sát hạ phẩm,
nhưng vì che giấu tội ác, bào chữa lỗi lầm, không biết hổ thẹn, mà chuyển thành
tội nghiệp trung phẩm, thượng phẩm.
Vì thế, đồng là
tội sát sanh, do quá trình tâm lý chuyển đổi mà tội tánh thành khinh hay trọng
sai khác. Điều này phàm phu chúng ta không thể biết được, duy có Phật với Phật mới
thấu rõ cùng tột. Cho nên điều tốt nhứt là không nên sát sanh!