- 01-Pháp Hội Nhân Do
- 02-Thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-Đại Thừa Chánh Tông
- 04-Diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-Như Lý Thật Kiến
- 06-Chánh Tín Hy Hữu
- 07-Vô Ðắc Vô Thuyết
- 08-Y Pháp Xuất Sanh
- 09-Nhất Tướng Vô Tướng
- 10-Trang Nghiêm Tịnh Ðộ
- 11-Vô Vi Phước Thắng
- 12-Tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-Như Pháp Thọ Trì
- 14-Ly Tướng Tịch Diệt
- 15-Trì Kinh Công Ðức
- 16-Năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-Cứu Kính Vô Ngã
- 18-Nhất Thể Ðồng Quán
- 19-Pháp Giới Thông Hoá
- 20-Ly Sắc Ly Tướng
- 21-Phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-Vô Pháp Khả Ðắc
- 23-Tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-Phước Trí Vô Tỷ
- 25-Hóa Vô Sở Hóa
- 26-Pháp Thân Phi Tướng
- 27-Vô Ðoạn Vô Diệt
- 28-Bất Thọ Bất Tham
- 29-Uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-Nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-Tri Kiến Bất Sinh
- 32-Ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ÐOẠN 4
ÂM:
DIỆU HẠNH VÔ TRỤ.
Phục thứ Tu-bồ-đề, Bồ-tát ư pháp ưng vô sở trụ hành ư bố thí, sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Ðông phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Bồ-tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, Bồ-tát đản ưng như sở giáo trụ.
DỊCH:
DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Ðông có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ.
GIẢNG:
Ðến phần trả lời câu hỏi thứ hai. Nói đến trụ, quí vị nghe cũng rối tai không biết làm sao trụ. Tôi nhắc lại cho quí vị thấy trong đoạn này Phật bảo: Những vị Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Không chỗ trụ là sao? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức không thể nào nghĩ lường được. Ngài dùng thí dụ hỏi: Hư không ở phương Ðông có thể nghĩ lường được không? Hư không ở các phương Nam, Tây, Bắc và trên dưới có thể nghĩ lường được không? Dĩ nhiên là không. Phật bảo: Cũng vậy, nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức cũng như hư không, khắp cả mười phương, không thể nghĩ lường được. Phật lại dạy tiếp: Các Bồ-tát chỉ nên như lời dạy trên mà trụ.
Làm sao an trụ đây? Phật dạy: Bố thí mà không trụ nơi sắc, thanh, hương,
vị, xúc, pháp. Tôi hỏi quí vị bố thí mà không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp thì làm sao bố thí? Giả sử như thấy có người đói, mình muốn bố thí cho họ hết
đói thì phải lấy cái gì bố thí? Lấy cơm hoặc là tiền. Cơm, tiền là sắc phải
không? Nếu tay ta bưng cơm hay cầm tiền cho họ, tức là chúng ta có nghĩ về cơm,
về tiền, đó là chúng ta trụ nơi sắc mà bố thí rồi. Hoặc giả chúng ta dùng lời
nói an ủi cho họ bớt đau khổ, đó cũng là thanh, hoặc dùng những thứ có hương vị
ngọt ngào, đó là hương v.v. Như vậy thế nào cũng phải nghĩ đến một cái gì mới đem
bố thí được, nếu không thì làm sao bố thí? Không trụ sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp bố thí thì phải làm sao? Ðó là một câu hỏi mà chúng ta không biết làm
sao giải đáp để áp dụng trong việc tu hành. Có người nói: Mình cho mà đừng
chấp, đừng nghĩ gì hết, cứ cho rồi thôi. Thử hỏi thế nào là đừng chấp? Làm sao
thôi được? Thế nên chính đây là chỗ mà đa số người đọc kinhKim Cang đều lúng
túng không biết làm sao thực hành. Chúng ta phải hiểu rõ rằng bố thí là ban
cho, là buông xả, trụ là dính mắc. Chúng ta phải buông xả đừng có dính với sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp đó là bố thí. Không trụ như vậy tâm mới trụ. Sở dĩ
tâm chúng ta động, loạn là vì nó chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Bởi dính với sáu trần nên tâm mới loạn, , nó kẹt nơi sắc, kẹt nơi thanh, nơi
hương, vị, xúc, pháp. Do kẹt trong sáu trần nên tâm chúng ta cứ loạn mãi, bây giờ
chúng ta bố thí tức là buông xả không dính với sáu trần nữa thì tự nhiên tâm an
trụ. Như vậy khi chúng ta an trụ là lúc chúng ta không dính với sáu trần, nếu
còn dính với sáu trần là chưa trụ. Thí dụ trên bàn có sáu, bảy món nào ly, nào
bao kiếng, nào khăn, đồng hồ v.v. trong sáu thứ đó, nếu tay tôi nắm một thứ là
tôi dính một cái, phải không? Dính một cái thì khi ấy tâm tôi an trụ hay bất
an? Dính một cái tức là tôi đang cầm, đang chấp. Cầm chấp tức là động chứ đâu
có an được. Còn cả sáu cái, tay tôi đều không dính thì sao? Tức là tay tôi để
một chỗ, nó không động. Nếu dính một cái là động rồi. Thế nên nói không trụ mà
chính là trụ. Không trụ nghĩa là không dính tất cả sáu trần, đó mới thật an trụ.
Trong đoạn trước, hàng phục tâm
là vọng vừa khởi liền biết và đưa nó vào chỗ lặng lẽ vô sanh. Trong đoạn này tế
nhị hơn, đức Phật dạy chúng ta: Ðối với sáu trần đừng để tâm dính mắc, đó là an
trụ tâm. Thế nên các thiền sư , nhất là ngài Bá Trượng, khi nói đến chỗ giải
thoát, Ngài chỉ bảo rằng: "Tâm cảnh không đến nhau là giải thoát". Cảnh
là sáu trần, tâm không đến với cảnh, không dính với cảnh đó là giải thoát, đó
là an trụ. Thế nên chúng ta phải thấy rõ phương pháp tu hành, tu là buông xả
đừng dính với sáu trần, đó là trụ tâm. Khi hàng phục được tâm, an trụ tâm là đi
đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đi đến Phật quả. Vì vậy trong đoạn này
Phật bảo: Nếu người nào bố thí thì công đức của người đó không thể tính kể, ví
dụ như hư không. Hư không không dính với bất cứ vật gì nên nó thênh thang vô
cùng. Chúng ta cũng vậy, nếu tâm chúng ta không dính với sáu trần thì nó cũng
thênh thang như hư không, do đó Phật mới bảo: Công đức không thể nghĩ lường.
Nhiều khi chúng ta không hiểu cứ nghĩ bố thí mà không chấp tướng thì công đức lớn.
"Không chấp tướng" nghĩa như thế nào? Nghĩa là bố thí rồi thì thôi,
đừng nhớ nghĩ gì nữa. Ðó là chúng ta chỉ hiểu phần thô thiển bên ngoài. Ðúng ra
chữ bố thí phải hiểu là buông xả hết vọng niệm, tâm không dính với sáu trần,
lúc đó tâm mới an trụ và tâm an trụ như vậy thì công đức đồng với hư không,
không thể nghĩ lường. Tại sao? Bởi vì khi tâm không còn trụ nơi sáu trần thì nó
trở về với tâm thể vô sanh, mà chỗ vô sanh thì không biết làm sao lường được.
Thế nên nói công đức không thể nghĩ lường, không thể tính kể.
Trong phần cuối, Phật bảo: Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ. Như vậy, muốn trụ tâmquí vị phải làm sao? Phải buông xả đừng dính với sáu trần. Muốn hàng phục tâm phải làm sao? Phải đưa vọng niệm vào chỗ vô sanh. Thật là rõ ràng không có gì nghi ngờ nữa. Trái lại, nếu chúng ta hiểu theo chữ nghĩa hình tướng bên ngoài thì chúng ta không thể nào giải thích nổi và cũng không thể nào thực hành được. Bố thí mà không kẹt trong sáu thứ đó thì làm sao bố thí? Sở dĩ có bố thí được là do sáu thứ hoặc sắc, hoặc thanh. hoặc hương, vị. mà không được dính vào thứ nào hết thì phải làm sao? Thế nên hiểu rồi mới thấy chủ ý Phật dạy chúng ta an trụ tâm, hàng phục tâm ở trong, chớ không phải dạy chúng ta làm việc bên ngoài. Vì không hiểu, chúng ta nghĩ độ chúng sanh là độ chúng sanh bên ngoài, và bố thí cũng là bố thí cho người bên ngoài; nếu thế thì không liên quan gì đến việc an trụ và hàng phục tâm của chính mình.
Hai đoạn này đã trả lời đầy đủ cho ngài Tu-bồ-đề rồi. Ðọc kinhKim Cang nếu người lợi căn thì tới đây đã đủ. Hai câu hỏi này là hai câu hỏi quan trọng nhất của quyển kinh mà trả lời thỏa mãn được hai câu này thì coi như đủ rồi. Nếu người căn cơ chậm lụt thì phải đọc hết bộ!