- 01-Pháp Hội Nhân Do
- 02-Thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-Đại Thừa Chánh Tông
- 04-Diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-Như Lý Thật Kiến
- 06-Chánh Tín Hy Hữu
- 07-Vô Ðắc Vô Thuyết
- 08-Y Pháp Xuất Sanh
- 09-Nhất Tướng Vô Tướng
- 10-Trang Nghiêm Tịnh Ðộ
- 11-Vô Vi Phước Thắng
- 12-Tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-Như Pháp Thọ Trì
- 14-Ly Tướng Tịch Diệt
- 15-Trì Kinh Công Ðức
- 16-Năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-Cứu Kính Vô Ngã
- 18-Nhất Thể Ðồng Quán
- 19-Pháp Giới Thông Hoá
- 20-Ly Sắc Ly Tướng
- 21-Phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-Vô Pháp Khả Ðắc
- 23-Tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-Phước Trí Vô Tỷ
- 25-Hóa Vô Sở Hóa
- 26-Pháp Thân Phi Tướng
- 27-Vô Ðoạn Vô Diệt
- 28-Bất Thọ Bất Tham
- 29-Uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-Nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-Tri Kiến Bất Sinh
- 32-Ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ĐOẠN 32
ÂM:
ỨNG HÓA PHI CHÂN.
Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân dĩ mãn vô lượng a-tăng-kỳ thế giới thất bảo, trì dụng bố thí; nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát bồ-đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ. Vân hà vị nhân diễn thuyết? Bất thủ ư tướng, như như bất động. Hà dĩ cố?
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Phật thuyết thị kinh dĩ, trưởng lão Tu-bồ-đề cập chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nhất thiết thế gian thiên, nhân, a-tu-la văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
DỊCH:
ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI THẬT.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy báu bằng thế giới trải qua số kiếp vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này cho đến bốn câu kệ v.v. thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói thì phước của người này còn hơn phước của người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi tướng, như như bất động. Vì cớ sao?
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.
Phật nói kinh này rồi, trưởng lão Tu-bồ-đề và chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người, a-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và vâng làm.
GIẢNG:
Trong đoạn trước, đức
Phật bảo: Giả sử có người đem của báu đầy cả số thế giới bằng số cát sông Hằng
ra bố thí, công đức không bằng người dùng trí biết tất cả các pháp là vô ngã và
ứng dụng để tu hạnh nhẫn nhục. Ở đây đức Phật lại bảo: Đem bảy báu đầy cả thế
giới trải qua thời gian vô số vô biên kiếp ra bố thí. Đoạn trước là đứng
về mặt không gian mà nói (thế giới nhiều bằng cát sông Hằng), còn đoạn này là
đứng về mặt thời gian là vô lượng a-tăng-kỳ. A-tăng-kỳ là vô số, nghĩa là trải
qua thời gian vô lượng vô số, mà mỗi thời gian đều đem bảy báu đầy cả thế giới
ra bố thí. Lại một người khác, hoặc nam, hoặc nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này
cho đến chỉ bốn câu kệ v.v. thọ trì, đọc tụng vì người diễn nói thì phước của
người này hơn phước của người kia. Nghe như thế ai mà không thích. Nhưng tiếp
theo đức Phật liền đặt câu hỏi: Thế nào là vì người diễn nói? Đoạn này nêu rõ
ba trường hợp: Thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói, nhưng đức Phật chỉ hỏi
trường hợp thứ ba thôi, tuy trường hợp thứ ba nhưng gồm cả hai trường hợp trước
rồi. Ngài dạy tiếp: Chẳng thủ nơi tướng, như như bất động, thì thọ trì cũng
chẳng thủ nơi tướng, như như bất động, đọc tụng cũng chẳng thủ nơi tướng, như
như bất động, vì người diễn nói cũng chẳng thủ nơi tướng, như như bất động, đó
là công đức hơn người bố thí bảy báu trải qua số kiếp vô lượng vô biên. Như thế
đâu phải là đơn giản. Người nay cứ nghe nói thọ trì, đọc tụng bèn đem ra đọc
mãi, cho đó là tôi thọ trì kinh Kim Cang rồi tính được một phẩm hai phẩm.
(một phẩm là sáu mươi quyển), một đời tôi thọ trì được ba phẩm kinh Kim
Cang và cho đó là hay. Như thế người này đã căn cứ trên chữ nghĩa để thọ trì,
lại thêm tính phẩm, tính số lượng nữa thì đối với tướng là thủ tướng. Hiểu như
thế mới thấy rõ lời Phật dạy chớ nhiều khi chúng ta bị lầm, chỉ nhớ mấy chữ thọ
trì đọc tụng chớ không nhớ phần sau, mà chủ yếu là phần sau. Chúng ta
thấy Phật thật là khéo, nếu là chúng ta, đến khi hỏi, thế nào cũng hỏi luôn cho
đủ ba phần, còn Phật chỉ hỏi có phần sau, chỉ hỏi thế nào là vì người diễn nói
và dạy rằng: “Chẳng thủ tướng, như như bất động” và bỏ lửng phần thọ trì đọc
tụng. Như thế để thấy rằng Ngài biết đi đến chỗ “Chẳng thủ tướng, như như
bất động” rất khó, chúng sanh ít ai làm nổi. Nếu giải nghĩa trùm luôn e thấy khó
không ai làm, nên Ngài chỉ nói vì người diễn nói là chẳng thủ tướng, như như
bất động, mà không đề cập đến hai phần trên, nhưng văn thể là như thế. Người
không hiểu cho rằng thọ trì đọc tụng là thường, còn vì người diễn nói mới là
chẳng thủ tướng, như như bất động, thôi rán thọ trì đọc tụng để được phước. Thế
nên nhiều khi chúng ta học kinh mà không nắm vững ý kinh, cứ chấp từng đoạn và
lấy đó làm sở đắc, đó là điều nguy hiểm. Hiểu như thế chúng ta mới hiểu rõ tại
sao đức Phật bảo công đức trì kinh Kim Cang là vô lượng vô biên, hơn tất
cả công đức. Vì dùng trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả pháp tướng không thật, do đó
không chấp vào một tướng nào nên mới không thủ tướng. Không chấp tướng mà hằng
sống với tâm đưa tất cả chúng sanh vào vô dư Niết-bàn, đó là như như bất động.
Như thế chỗ như như bất động là cái không sanh, không diệt. Chúng ta sống được
với nó, vì người diễn nói, thử hỏi công đức không hơn công đức của người đem
bảy báu đầy khắp cả không gian hoặc là suốt cả thời gian mà bố thí sao? Của báu
là cái hữu tướng, là vô thường, còn như như bất động là không có tướng, không
vô thường nên không sanh diệt. Sống được với cái không sanh diệt, và đem cái
không sanh diệt chỉ cho người nhận, thì phước đức không lớn là gì?
Đến đây đức Phật dạy thê
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn, bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Những gì có hình tướng,
có động tác bị vô thường sanh diệt đều gọi là pháp hữu vi. Có nhiều người nói:
Ở chùa thờ tượng Phật, đánh chuông, đánh trống, đó là tướng hữu vi, chúng tôi
không như vậy, chúng tôi chỉ thờ một tấm vải, hay chúng tôi chỉ thắp một cây
hương trên bàn không, hay chúng tôi dùng tấm vải vẽ chữ Phật thôi, đó là vô vi.
Tuy nhiên còn có cây hương, có tấm vải, có cái bàn cũng là hữu vi mất rồi. Thế
mà người ta cứ lầm, không hiểu được ý nghĩa chính của đạo Phật. Hữu vi nghĩa là
tất cả những gì có tướng mạo, có tướng mạo đều bị vô thường, sanh diệt. Như tượng Phật bằng gỗ, bằng xi măng có tướng mạo thì vô thường, tấm vải có
tướng mạo thì cũng vô thường, cây nhang có tướng mạo thì cũng vô thường. Cả đến
những niệm tưởng cũng là tác động sanh diệt thì cũng là hữu vi. Tất cả pháp hữu
vi đều như giấc mộng, đều huyễn hóa, đều như bong bóng khi hạt mưa rơi, đều như
bóng của người, của cây, của vật không thật, cũng như sương mù, điện chớp,
chúng ta phải khởi quán như thế mới không thủ tướng, mới như như bất động. Nếu
thấy có cái thật, tức là thủ tướng mà thủ tướng thì tâm động. Tôi nói một ví dụ
gần nhất như chúng ta mặc chiếc áo thật sạch, bất thần có người tay dính đầy lọ
chụp vào vai chúng ta thì thế nào? Mình động không? Vì mình chấp cái tướng sạch
nên thấy chiếc áo dơ là nổi sân liền. Thế nên thủ tướng thì động, trái lại nếu
không chấp tướng thì như như bất động, rõ ràng như vậy, đó là tôi nói những
việc hết sức nhỏ. Đến những việc lớn hơn như thân mạng thì động liên miên. Giả
sử có người nào nghe nói ngày mai bị tử hình thì đêm nay người đó ngồi thiền
yên lặng được không? Quí vị tưởng tượng xem đêm đó ngồi thiền yên lặng hay là
trằn trọc suốt đêm hay khóc thôi là khóc? Như thế để thấy còn chấp tướng là
không bao giờ an ổn được.
Đến đây tôi kể cho quí vị câu chuyện như sau: Vua
nước Kế Tân nghe lời sàm thần nói Tổ Sư Tử truyền bá tà pháp làm nhiễu loạn
lòng dân. Vua tay cầm kiếm đi đến chỗ Tổ, hỏi: “Nghe nói Ngài thấy năm uẩn đều
không phải chăng?” Tổ bảo: “Phải”. Vua nói: “Nếu thấy năm uẩn đều không, Ngài
cho tôi cái đầu được không?” Tổ bảo: “Năm uẩn đã không, sá gì cái đầu”. Vua
liền chặt đầu Tổ.(1)
Qua câu chuyện này, vua Trần Thái Tông có lời niêm:
Tương đầu lâm bạch nhẫn
Du như trảm xuân phong.
Dịch:
Đem đầu kề gươm bén
Dường như chém gió xuân.
Chúng ta thấy người xưa đạt đạo đến như thế, đó là
người tự tại khi sanh tử. Còn chúng ta vì thấy tất cả đều thật nên nghe động
đến tứ đại này thì tâm rối loạn, không bao giờ an ổn được. Vì thế nếu không
dùng trí hằng quán, hằng thấy như lời Phật dạy thì không thể nào không chấp
tướng, không thể nào như như bất động được. Quí vị thấy Phật dạy có hệ thống rõ
ràng, muốn được như như thì trước phải đừng chấp tướng, còn chấp tướng thì đừng
nói như như. Bài kệ trên dạy ta phải dùng trí hằng thấy, hằng quán tất cả pháp
hữu vi, từ thân đến cảnh, những gì có hình tướng, có tác động, đều là vô thường
sanh diệt nên như huyễn, như hoá, như bào, như ảnh.
Phật nói kinh này rồi trưởng lão Tu-bồ-đề và các
Tỳ-kheo v.v. đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành. Vậy quí vị có hoan hỷ, tín thọ
phụng hành không? Hoan hỷ thì có thể có, còn tín thọ phụng hành thì xem ra có
vẻ khó phải không?
Tôi tóm tắt lại xem bộ kinh Kim Cang dạy chúng ta những gì?
Toàn bộ kinh Kim Cang chia làm ba mươi hai phần, trong ba mươi hai phần này, chủ yếu có hai điểm chánh, điểm thứ nhất là ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục tâm, điểm thứ hai là hỏi làm sao an trụ tâm. Khi ngài Tu-bồ-đề hỏi hàng phục tâm, an trụ tâm là hỏi cho ai? Cho người cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có người thiện nam, thiện nữ phát tâm tu hành, cầu giác ngộ làm sao hàng phục tâm, làm sao an trụ tâm? Hàng phục tâm, an trụ tâm là hai điểm chủ yếu của bộ kinh. Đức Phật dạy như thế nào? Lý đáng thì câu hỏi đầu là an trụ tâm, câu hỏi kế là hàng phục tâm, nhưng khi trả lời, Phật dạy hàng phục tâm trước rồi an trụ tâm sau. Đức Phật dạy:
Muốn hàng phục tâm thì phải phát tâm độ tất cả chúng sanh, thai sanh, thấp sanh v.v. vào Vô dư y Niết-bàn mà không có chúng sanh được diệt độ. Nói tóm lại muốn hàng phục được tâm thì phải độ tất cả những niệm tưởng về có sắc, niệm tưởng về không sắc, về có tưởng, về không tưởng v.v. vào chỗ vô sanh, đưa chúng vào chỗ vô sanh không còn tăm dạng. Muốn an trụ tâm phải làm sao? Đức Phật dạy: Muốn tâm an trụ thì đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là đối với sáu trần Bồ-tát bố thí không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, tức là không để cho tâm kẹt vào sáu trần. Tâm không dính với sáu trần thì đó là trụ tâm. Như thế sáu trần là cái cớ để tâm mình động, nghĩa là mắt thấy sắc, tâm chạy theo sắc, là tâm động. Trái lại mắt thấy sắc mà tâm không chạy theo sắc, là tâm trụ, tai nghe tiếng mà tâm không chạy theo tiếng, là tâm trụ, trụ mà không trụ, trụ chỗ không trụ. Còn thấy sắc mà chạy theo sắc là không phải trụ, trụ nơi sắc tức là kẹt nơi sắc thì tâm mình động chớ không phải trụ, không trụ nơi sắc thì tâm mới thật an trụ.
Như thế muốn trụ tâm, thì
đừng dính với sáu trần, muốn hàng phục tâm thì buông xả mọi vọng tưởng. Vọng
tưởng hết, đó là hàng phục được tâm, không theo sáu trần, đó là an trụ tâm. Tuy
nói hai mà dường như không phải hai, vì an trụ tức là hàng phục, hàng phục tức
là an trụ, nhưng tại sao lại nói thành hai? Hàng phục với an trụ, quí vị thấy
cái nào sâu hơn? Nếu chữ hàng phục có công năng là phải dùng sức để đàn áp thì
chữ trụ là chỉ buông xả rồi thôi. Thế nên hàng phục là giai đoạn đầu, giai đoạn
sơ cơ, khi tâm còn chạy theo cảnh, theo người tức là theo sáu trần một cách
mạnh mẽ. Nếu mình không có phương tiện, không khéo dùng sức mạnh để trị nó thì
dừng không được. Vì thế mỗi một niệm tưởng nào dấy lên thì trong giai đoạn đầu
mình phải nhìn, phải phá nó bằng mọi phương tiện, hoặc biết nó là vọng rầy la
nó, hoặc thấy nó giả dối buông bỏ nó, đó gọi là hàng phục. Vì lúc đó tâm còn
hung hăng, cho nên phải tận dụng khả năng đập đánh nó, nó mới dừng. Còn
nói đến an trụ là đối với sáu trần không dính mắc, thấy sắc mà không theo sắc,
đó là lúc tâm hơi thuần rồi, nghe tiếng mà không theo tiếng, đó là thuần rồi.
Thế nên giai đoạn an trụ là giai đoạn thứ hai khi nó thuần thục. Vì thế Phật
trả lời từ hàng phục đến an trụ, vì giai đoạn hàng phục là giai đoạn dụng công nhiều,
còn giai đoạn an trụ là thấy nghe đều buông nên nhẹ nhàng hơn. Tỉ dụ như chúng
ta vừa thấy cảnh, tâm liền duyên theo cảnh tức thì mình phải nói đây là vọng,
là giả dối, theo cái vọng này là sai, dụng công la rầy, quở phạt nó, đó là hàng
phục, còn an trụ thì chỉ là buông xả. Thế là hai giai đoạn khác nhau rõ ràng,
từ hàng phục chúng ta đi đến chỗ an trụ, một bên dụng công mạnh, một bên dụng
công nhẹ, nhẹ là vì nó hơi thuần rồi. Cả hai phần này đều nhắm vào nội
tâm.
Tuy nhiên nếu chỉ có hai phần trên thì quyển kinh Kim
Cang chưa ứng dụng được, cần phải có phần thứ ba, tức là phải dùng trí tuệ
Bát-nhã thấy tất cả pháp là tướng duyên hợp không có tự tánh, chỉ có giả danh.
Bởi chỉ có giả danh nên không một pháp nào thật, do đó không chấp vào pháp và
không chấp pháp thì mới có thể hàng phục, an trụ được tâm. Thế nên điều thứ ba
là phải dùng trí tuệ thấy tất cả pháp không thật, chỉ có giả danh. Thế giới
không phải thế giới, ấy gọi là thế giới, chúng sanh không phải chúng sanh, ấy
gọi là chúng sanh. Phật lặp đi lặp lại ý nghĩa đó để chúng ta hằng dùng trí tuệ
Bát-nhã quán chiếu tất cả pháp là hư giả, rồi sau đó mới hàng phục được tâm,
mới an trụ được tâm. Như thế phần thứ ba dường như là sau mà lại ở trước. Bài
kệ cuối cùng đức Phật dạy:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Phật bảo phải thấy, phải khởi quán như vậy thì mới hàng phục, mới an trụ được tâm, còn nếu không thấy như thế thì không thể nào làm được hai việc trên. Vì vậy phần này ở sau mà thành ra trước, bởi vì đức Phật phải trả lời hai câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề trước, rồi Ngài mới chỉ cách tu dùng lối quán chiếu để việc hàng phục được dễ, việc an trụ thực hiện được. Nếu thiếu phần quán chiếu không thể nào hàng phục tâm và cũng không thể nào an trụ tâm. Vì thế học Bát-nhã chúng ta phải dùng trí tuệ quán chiếu các pháp do duyên hợp, không có thật thể, chỉ có giả danh. Đó là triết lý “Tánh không duy danh”, thể tánh các pháp là không thật, chỉ có giả danh, vì giả danh nên nó không phải thật có, cũng không phải thật không; không kẹt hai bên, đó là tinh thần trung đạo của đạo Phật. Trái lại nếu kẹt một bên nào hoặc có, hoặc không đều là chưa giải thoát. Như vậy Kim Cang là trung đạo, chớ không phải chấp không. Hiểu lý Kim Cang là hiểu lý trung đạo, không kẹt vào có và không. Thế nên đúng ra chúng ta tu thì trước phải dùng trí tuệ thấy các pháp tự tánh là không, duyên hợp giả có, kế đó mới hàng phục tâm rồi sau mới an trụ tâm. Thứ tự là như thế, nếu chúng ta không ứng dụng thì không thế nào có kết quả. Nhiều khi học một bộ kinh rồi muốn ứng dụng tu, ta không biết ứng dụng thế nào, không biết chỗ nào là then chốt của sự tu hành. Nay chúng ta phải thấy rõ đầu tiên là ta dùng bốn câu kệ cuối: Quán tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, như điện, hằng quán như thế là chúng ta đã có trí tuệ Bát-nhã rồi mới không chấp tướng. Không chấp tướng rồi mới hàng phục tâm, hàng phục tâm rồi mới an trụ tâm, như thế mới như như bất động và như như bất động là thọ trì kinh Kim Cang, là đọc tụng kinh Kim Cang, là diễn nói kinh Kim Cang. Được như vậy thì phước đức như thế nào? Ở đây tôi nói phước đức sau cùng phải không?
Tôi nhắc lại đứng về không gian, người đem của báu bằng tam thiên đại thiên thế giới bố thí cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Đứng về thời gian, dù đem của báu bằng quả địa cầu bố thí trong muôn ngàn kiếp cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Ngay nơi thân mạng, giả sử buổi sáng đem số thân bằng số cát sông Hằng, buổi trưa đem số thân bằng số cát sông Hằng, buổi chiều đem số thân bằng số cát sông Hằng bố thí cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Nói tóm lại là bố thí nội tài, ngoại tài, dù bao nhiêu đi nữa cũng không bằng ứng dụng trì kinh Kim Cang. Như thế là đức Phật so sánh tất cả pháp hữu vi không bì được với pháp vô vi bất sanh bất diệt. Không thủ tướng như như bất động, đó là vô vi, còn chấp tướng là hữu vi. Do đó, quí vị thấy từ giai đoạn thứ nhất là hàng phục tâm đến giai đoạn thứ hai là an trụ tâm, giai đoạn thứ ba là quán các pháp huyễn hóa, giai đoạn thứ tư là so sánh công đức trì kinh. Giờ đây chúng ta đổi lại, đầu tiên là phải quán tất cả pháp hữu vi là hư giả huyễn hóa, kế đến mới hàng phục tâm, kế là an trụ tâm và sau hết mới nói đến công đức vô lượng vô biên, sánh với tất cả công đức hữu vi không công đức nào bì kịp. Đó là trọn vẹn tinh thần quyển kinh Kim Cang. Bốn điều này nếu quí vị nhớ ứng dụng tu được mới biết khả năng, diệu dụng, kết quả sau khi mình tu như thế nào.
Tóm lại người ứng dụng thọ trì bốn câu kinh Kim Cang là chẳng chấp tướng, như như bất động, hay vì người diễn nói cũng đều là chẳng chấp tướng, như như bất động. Đó là chỗ then chốt. Như như bất động là gì? Tức là Như Lai. Thế nên nói chư pháp như nghĩa hay Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ. Như như bất động nên mới không từ đâu đến và không đi đâu, chư pháp như nghĩa, đó là như. Quí vị thấy có hệ thống rõ ràng, chúng ta tu bắt đầu từ quán chiếu các tướng duyên hợp hư huyễn chỉ có giả danh rồi dần dần hàng phục tâm, rồi an trụ được tâm, kết quả là Như Lai, không còn nghi ngờ gì cả. Như Lai tức là Phật. Bao nhiêu đó đủ tu thành Phật chớ không còn gì khác, thỉ chung rõ ràng như vậy. Nếu hiểu như thế thì việc ứng dụng tu có đầu đuôi, gốc ngọn; nếu biết ứng dụng để tu thì đó là xứng đáng học kinh Kim Cang, tu theo kinh Kim Cang và gọi là thọ trì đọc tụng kinh Kim Cang, chớ đừng có nhớ bốn câu kệ rồi nói bốn câu kệ dễ thuộc quá. Đi đâu cũng lẩm nhẩm nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán và nói tôi trì kinh Kim Cang, hoặc đi đâu cũng đọc nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai, hoặc đọc câu phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, rồi nói đó là tôi trì kinh Kim Cang. Nếu cứ đọc như thế mãi, đó là động chớ chưa phải “Như”, mà động thì chưa phải là chỗ “Như như bất động” như Phật nói ở đây. Đã thế còn tính phẩm nữa thì là thủ tướng, mà thủ tướng cũng không phải như như. Như vậy quí vị đã hiểu rõ trì kinh Kim Cang là như thế nào rồi phải không?