- 01-Pháp Hội Nhân Do
- 02-Thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-Đại Thừa Chánh Tông
- 04-Diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-Như Lý Thật Kiến
- 06-Chánh Tín Hy Hữu
- 07-Vô Ðắc Vô Thuyết
- 08-Y Pháp Xuất Sanh
- 09-Nhất Tướng Vô Tướng
- 10-Trang Nghiêm Tịnh Ðộ
- 11-Vô Vi Phước Thắng
- 12-Tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-Như Pháp Thọ Trì
- 14-Ly Tướng Tịch Diệt
- 15-Trì Kinh Công Ðức
- 16-Năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-Cứu Kính Vô Ngã
- 18-Nhất Thể Ðồng Quán
- 19-Pháp Giới Thông Hoá
- 20-Ly Sắc Ly Tướng
- 21-Phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-Vô Pháp Khả Ðắc
- 23-Tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-Phước Trí Vô Tỷ
- 25-Hóa Vô Sở Hóa
- 26-Pháp Thân Phi Tướng
- 27-Vô Ðoạn Vô Diệt
- 28-Bất Thọ Bất Tham
- 29-Uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-Nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-Tri Kiến Bất Sinh
- 32-Ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ÐOẠN 8
ÂM:
Y PHÁP XUẤTSANH.
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân sở đắc phước đức, ninh vi đa phủ?
Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tánh, thị cố Như Lai thuyết phước đức đa.
- Nhược phục hữu nhân ư thử kinh trung thọ trì nãi chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phướ�cthắng bỉ. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhất thiết chư Phật cập chư Phật A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề pháp, giai tùng thử kinh xuất. Tu-bồ-đề, sở vị Phật pháp giả tức phi Phật pháp.
DỊCH:
Y NƠI CHÁNH PHÁP MÀ SANH RA TẤT CẢ QUẢ VỊ.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được phước đức thật nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.
- Nếu lại có người ở trong kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v. vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.
GIẢNG:
Quí vị nghe giải nghĩa đoạn này có dễ hiểu không? Ðức Phật nói rằng: Giả sử có người đem bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não) đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới ra bố thí. Tam thiên đại thiên thế giới quá rộng đối với chúng ta, giả sử đem bảy báu đầy dẫy cả thế giới của chúng ta ra bố thí thì quí vị nghĩ phước nhiều ít? Thật tình là phước rất nhiều. Cho nên ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn phước rất nhiều. Nhưng khi nói phước rất nhiều ngài Tu-bồ-đề sợ chúng ta hiểu lầm Ngài thấy phước đức là một việc có thật cho nên Ngài nói: Phước đức ấy không phải tánh phước đức thế nên nói là phước đức nhiều. Bởi vì theo tinh thần kinh Kim Cang lúc nào đức Phật cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng tất cả pháp ở thế gian, từ những hình tướng đến tâm tưởng danh ngôn đều là pháp nhân duyên, mà đã là nhân duyên hòa hợp thì không có tự tánh, tức là chúng không có cái tánh thật. Quí vị nhớ phàm những gì do nhân duyên hòa hợp thì tự bản tánh nó không có thật, nếu có thật thì đâu do duyên hòa hợp. Ðã là hòa hợp thì ngay bản tánh nó không thật, phải do cái này cái kia hợp lại thành, nếu có cái thật thì không đợi duyên hợp. Thế nên ngài Tu-bồ-đề sợ chúng ta hiểu lầm là phước đức có tự tánh thật nên Ngài nói tiếp: Phước đức ấy tức không phải tánh phước đức nên nói phước đức nhiều. Nó không có tánh cố định vì vậy mà nói nhiều. Nói nhiều là một lối nói tùy theo tâm niệm, tùy theo sở chấp của chúng sanh, chớ không phải nó có tánh thật. Ðức Phật đưa thí dụ trước, tiếp theo Ngài mới so sánh với pháp. Nếu có người đem bảy báu, chúng ta chỉ nói một thứ báu tầm thường là vàng thôi, giả sử có người đem vàng đầy chùa này ra bố thí, quí vị nghĩ phước đức nhiều ít? Mấy mươi kiếp mình làm chưa đủ vàng chứa đầy chùa này, nếu đem bao nhiêu đó ra bố thí thì phước cũng quá nhiều rồi, huống nữa là đầy dẫy cả quả địa cầu. Song thử hỏi chừng bao nhiêu kiếp chúng ta làm được số vàng đầy dẫy cả quả địa cầu? Một đời mình, nếu may mắn làm đâu được đó thì cũng chỉ có thể làm được chừng vài trăm lượng, tức khoảng chừng một giỏ xách. Làm đâu được đó trong một đời mà chỉ được chừng một giỏ xách thì bao nhiêu đời mới được một làng, rồi bao nhiêu đời mới đầy cả một nước, bao nhiêu đời mới đầy được cả thế giới? Nếu tính số vàng đầy cả tam thiên đại thiên thế giới thì ít ra phải cả triệu triệu kiếp mới có thể có được. Cả triệu triệu kiếp khổ công nhọc nhằn mà gom lại đem bố thí hết thì chúng ta tưởng tượng phước đức nhiều ít? Không thể tính nổi. Bấy giờ đức Phật mới so sánh: Nếu có người ở trong kinh này thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v., vì người khác nói thì phước của người thọ trì bốn câu kệ này còn hơn phước của người bố thí bảy báu kia. Quí vị tin nổi không? Ðó là điều thật hy hữu, thật khó tin mà tin được là chuyện phi thường. Vậy mà tôi tin, chuyện khó tin mà tin được mới là lạ. Như tôi thường ví dụ mỗi sáng chúng ta thấy những hạt sương đọng ở đuôi những lá cây, khi mặt trời lên những hạt sương đó lóng lánh giống như những hạt kim cương, những hạt kim cương đem ra ngoài ánh nắng cũng lóng lánh như thế. Nhưng có người được hạt kim cương chừng bằng ngón tay cái, có người nói: À hạt kim cương của chị lóng lánh như những hạt sương trên lá cây, chúng tôi xin đổi hạt kim cương này bằng một triệu hạt sương lóng lánh đó. Thử hỏi quí vị chịu không? Không chịu. Mười triệu hạt sương, một tỷ triệu hạt sương được không? Vẫn không đồng ý. Khắp cả thế giới có bao nhiêu hạt sương tôi hốt hết đem đổi hạt kim cương, quí vị đồng ýkhông? Dĩ nhiên là không. Tại sao? Bởi kim cương là thật, hạt sương là giả, bởi giả cho nên bao nhiêu cũng không đổi được cái thật.
Trên nhân gian này, khi người ta quan niệm vàng là quí thì vàng là quí, nếu người ta cho rằng vàng không quí thì vàng hết quí. Như vậy cái quí đó chỉ là do quan niệm của con người, chớ không phải nó thật quí. Nó là cái giả tạm do con người đặt ra.
Trì đây đừng hiểu là đọc. Thí dụ như cứ đọc: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, đọc mãi như vậy có phải là trì chưa? Ðừng hiểu chữ trì theo nghĩa quá tầm thường đó. Trì là thọ trì, thọ là nhận, trì là giữ. Chúng ta nhận hiểu được kinhKim Cang và sống được với nó gọi là trì; thọ trì là sống được với trí tuệ Bát-nhã, mà trí tuệ Bát-nhã là cái chân thật muôn đời muôn kiếp không bao giờ hoại. Song đối với đức Phật, Ngài thấy nó thật, còn đối với chúng ta, vì chưa thấy nên khó hiểu, khó tin. Như vậy trí tuệ Bát-nhã là cái thật, tất cả vàng bạc của báu thế gian là cái giả, vậy phải đem bao nhiêu cái giả để chúng ta đồng ý đổi một cái thật? Cũng như phải đem bao nhiêu hạt sương lóng lánh để chúng ta nhận đổi một hạt kim cương? Chắc chắn không bao giờ chúng ta đồng ý. Cái giả dù nhiều thế mấy cũng không bì được một cái thật. Cho nên khi nào chúng ta ngộ được thểKim Cang Bát-nhã, chúng ta mới thấy rằng tất cả thế gian không cái gì bì được với nó cả. Vì thế đức Phật bảo: Dù đem bao nhiêu của báu thế gian bố thí, công đức cũng không bằng trì bốn câu Kim Cang. Thọ trì nghĩa là sống được với cái chân thật đó thì muôn triệu cái giả cũng không bì kịp. Lại vì người khác nói, chỉ cho người biết và sống được thì đó là phước đức không có gì bì kịp.
Kế đến, đức Phật bảo: Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà ra. Câu này quí vị làm sao hiểu? Như vậy sẽ có người hỏi: Phật nói kinh Kim Cang mà tại sao kinh Kim Cang lại nói rằng chư Phật đều từ kinh này ra? Vậy kinh này sanh ra Phật hay Phật sanh ra kinh này? Do đó có một nghi vấn là: Kinh có trước hay Phật có trước? Nếu kinh này sanh ra chư Phật thì kinh có trước. Nhưng mà ai nói kinh? Phật nói kinh là Phật có trước. Tại sao nói chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này ra? Như thế tức là kinh này có trước. Nếu chúng ta hiểu kinh này theo nghĩa văn tự thì không bao giờ hiểu nổi. Có một vị hỏi một thiền sư: Pháp có trước hay Phật có trước? Thiền sư trả lời: Nói thì Phật trước pháp sau, nghe thì pháp trước Phật sau. Câu trả lời đó quí vị hiểu không? Nói thì Phật trước pháp sau, tại sao? Bởi vì nói thì đức Phật ngộ đạo rồi Ngài mới nói được kinh, tức là Phật trước pháp sau. Còn nghe thì pháp trước Phật sau, quí vị là người chưa ngộ cho nên nghe kinh rồi mới ngộ, sau mới thành Phật, vậy là pháp trước Phật sau.
Ở đây nói kinh này là mẹ tất cả chư Phật và cả pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trí tuệ Kim Cang Bát-nhã là trí tuệ bất sanh bất diệt. Trí tuệ đó ai cũng sẵn có, nếu quên nó là chúng sanh, ngộ được nó thì thành Phật. Nhân ngộ trí tuệ đó mà thành Phật thì chính trí tuệ đó sanh ra Phật, nhân trí tuệ đó diễn đạt cho người ta hiểu, là pháp. Như vậy là từ trí tuệ đó sanh ra pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên nói "Kinh này" không có nghĩa đơn giản là bao nhiêu chữ, bao nhiêu tờ mà là chỉ thẳng trí tuệ Bát-nhã chân thật. Vì kinh này nói về trí tuệ Bát-nhã chân thật nên trí tuệ đó tức là kinh này. Hiểu như thế mới gọi là hiểu. Trì bốn câu kệ của kinh này là trì ngay tinh thần của kinh chớ không phải trì văn tự của kinh. Có nhiều người nói kinh này phước lớn quá, nên ngày nào cũng đọc bốn câu kệ rồi tự hào rằng tôi có phước đức vô lượng vô biên, như vậy đúng chưa? Ðó là chúng ta chấp tướng chớ chưa đúng được tinh thần công đức. Thế nên ở đây nói kinh này để chỉ cho trí tuệ Bát-nhã bất sanh bất diệt, là mẹ của chư Phật, là mẹ của tất cả kinh.
Ðức Phật lại bảo ngài Tu-bồ-đề: Nói Phật pháp tức không phải Phật pháp.
Vì chúng ta nghe nói Phật pháp rồi chấp thật Phật pháp, nên Phật liền bác không
phải Phật pháp. Tại sao? Vừa có ngôn từ Phật pháp thì ngôn từ đó cũng là tướng
duyên hợp. Thể của danh từ Phật pháp là không thật, nhưng tùy theo chúng sanh
mê, gọi đó là Phật pháp để cảnh tỉnh họ. Bản chất của Phật pháp không thật nên nói
không phải Phật pháp, vì tùy chúng sanh nên gọi là Phật pháp.