- 01-Pháp Hội Nhân Do
- 02-Thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-Đại Thừa Chánh Tông
- 04-Diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-Như Lý Thật Kiến
- 06-Chánh Tín Hy Hữu
- 07-Vô Ðắc Vô Thuyết
- 08-Y Pháp Xuất Sanh
- 09-Nhất Tướng Vô Tướng
- 10-Trang Nghiêm Tịnh Ðộ
- 11-Vô Vi Phước Thắng
- 12-Tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-Như Pháp Thọ Trì
- 14-Ly Tướng Tịch Diệt
- 15-Trì Kinh Công Ðức
- 16-Năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-Cứu Kính Vô Ngã
- 18-Nhất Thể Ðồng Quán
- 19-Pháp Giới Thông Hoá
- 20-Ly Sắc Ly Tướng
- 21-Phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-Vô Pháp Khả Ðắc
- 23-Tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-Phước Trí Vô Tỷ
- 25-Hóa Vô Sở Hóa
- 26-Pháp Thân Phi Tướng
- 27-Vô Ðoạn Vô Diệt
- 28-Bất Thọ Bất Tham
- 29-Uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-Nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-Tri Kiến Bất Sinh
- 32-Ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ÐOẠN 23
ÂM :
TỊNH TÂM HÀNH THIỆN
Phục thứ Tu-bồ-đề! Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Sở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.
DỊCH:
TÂM TRONG SẠCH LÀM VIỆC THIỆN.
Lại nữa Tu-bồ-đề, pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấygọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả tu tất cả pháp lành tức được Vôthượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phảipháp lành,ấy gọilàpháplành.
GIẢNG :
Tịnh tâm là tâm trong sạch tức là không còn chấp ngã, chấp pháp, lúc đó lại làm lành nữa mới gọi là Phật. Ðây đức Phật nói: Pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bình đẳng không có cao thấp gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hay nói ngược lại là pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là tâm bình đẳng không có cao thấp. Bình đẳng là thế nào? Quí vị thử hiểu xem. Như hiện giờ trong giảng đường có một trăm người nhưng trình độ học thức hiểu biết có bình đẳng không? Nếu đem ra đo lường trình độ thì một trăm người này có thể sai biệt nhau vô cùng, kẻ hơn cái này, người thua cái kia. luôn luôn có sai biệt. Như thế trên tâm lượng hiểu biết do học tập được thì tất cả chúng ta có bình đẳng không ? Nay tất cả những kiến thức do học đượcvà những kiến thức do kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta dẹp qua một bên, lặng hết mọi vọng tưởng thì lúc đó chúng ta có nghe, có thấy, có biết, nhưng những cái đó có bình đẳng không? Thế nên pháp này bình đẳng không cao thấp là thế, nghĩa là người nào đến chỗ đó, tức là được bình đẳng, là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta học đạo muốn được đạo là chỗ đó. Vì thế đức Phật bảo: Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Nhưng hiện nay sở dĩ chúng ta có thiên sai vạn biệt là do huân tập, chứa chấp không đồng. Cái thiên sai vạn biệt đó là tướng huân tập bên ngoài đem lại, là những chủng tử sanh diệt, chúng ta bám vào đó cho là mình nên bị dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Huân tập cái gì nhiều thì sức mạnh của cái đó dẫn đi, gọi là theo nghiệp thọ sanh. Nếu những cái đó chúng ta cho lặng hết, chỉ còn cái tri giác bình đẳng, lúc đó không còn nghiệp nào dẫn chúng ta đi, là giải thoát, là Phật. Thành Phật ngay ở chỗ đó. Như thế quí vị nghĩ ở đây có người nào không có khả năng thành Phật không? Ai cũng có mà chỉ ưng hay không ưng làm thôi. Ai không ưng làm thì cứ làm chúng sanh, còn ai ưng làm thì người đó có ngày sẽ thành Phật. Thế nên đừng trách ai mà phải tự trách mình tại sao không ưng làm Phật, do không ưng làm Phật nên cứ lạy Phật hoài. Nay tất cả những gì Phật đã làm, chúng ta làm theo đúng như vậy thì chúng ta sẽ là Phật. Như thế pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã sẵn nơi mình, không người nào thiếu. Người nào còn thấy, còn nghe, còn biết thì người đó có khả năng thành Phật. Nếu tất cả chúng ta buông hết những cái do bên ngoài huân vào thì chỉ còn cái ta chân thật, khi ấy sẽ không còn luân hồi sanh tử, đó là giác ngộ thành Phật, đó là căn bản. Như thế thì không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, vì đến chỗ bình đẳng thì không còn thấy có mình, có người, không thấy ngã nhân thì không thấy chúng sanh, thọ giả. Tại sao? Vì khi quí vị buông tất cả, vọng tưởng lặng xuống chỉ còn cái chân thật hằng giác hằng tri, cái đó không có niệm dấy lên phân biệt đây là mình, kia là người, cũng không dấy niệm ta là chúng sanh. Chúng sanh là tướng duyên hợp, do các duyên hợp lại mà thành, mà sanh nên gọi là chúng sanh. Cái chân thật đó không phải là tướng duyên hợp nên không phải là chúng sanh, không có chúng sanh thì không có thọ giả tức thọ mạng, không bao giờ sanh thì làm gì có tử mà nói có thọ mạng. Quí vị thấy đến đó là mất hết bốn tướng. Nhưng không phải đến đó rồi không làm gì hết, đến đó lại phải làm tất cả pháp lành, mới là điều đặc biệt. Ðiều này quí vị nghe cũng khó hiểu. Tại sao đến khi không thấy bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả lại làm lành chi vậy? Tôi ví dụ như một hôm quí vị đi đường, bỗng dưng thấy một người té, người đó không phải là thân, cũng không phải là thù, quí vị liền đỡ họ. Khi quí vị hành động như vậy là do niệm thân thù hay do cái gì? Không có niệm gì hết, thấy họ khổ thì ta giúp. Ðó là một ví dụ nhỏ khi mình chưa sạch bốn tướng, huống là khi tất cả chấp ngã, chấp nhân lặng rồi thì các hành động phát ra đều lành hết, cái lành đó là Vô duyên từ, nghĩa là lòng từ không có duyên cớ. Chúng ta hiện nay lòng từ sanh ra đều có duyên cớ. Tỉ dụ hôm nay có một huynh đệ thấy mình thiếu thức ăn, họ đem qua cho mình một đĩa thức ăn, ngày mai mình thấy huynh đệ đó thiếu thức ăn, nếu mình có thì mình đem cho lại, như vậy lòng từ giúp đỡ nhau đó có duyên cớ chớ đâu phải không duyên cớ. Cả khi những người tật nguyền đến xin mình, có khi mình cũng giúp với lòng không có niệm gì hết, nhưng nhiều khi giúp họ màmình nghĩlà bố thí cho có phước. Nói có phước tức là một lối bỏ ống chớ gì, như vậy cũng là có duyên cớ. Không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì lòng từ không có duyên cớ, thấy người khổ là giúp, vì đâu còn thấy có mình có người mà còn có duyên cớ. Chúng ta vì thấy có người có mình nên làm gì cũng qui về bản ngã, hoặc là bản ngã hưởng ngay bây giờ hoặc mai sau hưởng, nên việc làm có duyên cớ, lòng từ có duyên cớ. Ðó là để thấy rõ khi tu hành đến đó rồi làm tất cả pháp lành chớ không phải tâm như như rồi không làm gì hết. Nếu không làm chi cả thì Phật đâu có đi thuyết pháp bốn mươi chín năm, Bồ-tát đạt đến đó rồi cũng đem lục độ giáo hóa chúng sanh. Hiểu như thế mới thấy rằng khi đến đó mới có lòng từ không duyên cớ và đó mới là lòng từ chân thật. Còn chúng ta hiện nay lòng từ tuy có, nhưng cũng còn mưu toan tính toán hoặc ít hoặc nhiều. Người đời thường nói: Thấy phơi lúa mới cho mượn gạo, nếu như không thấy họ phơi lúa thì không muốn cho mượn gạo.Chúng ta giúp nhau phần nhiều là thấy người kia có thể giúp lại mình việc gì mai sau, như thế đều là những việc có tính toán cả, tâm đó chưa phải bình đẳng, chưa phải là cứu kính. Phải đến chỗ không còn bốn tướng mà vẫn làm pháp lành đó mới gọi là được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức là những cái giả đó đã phá sạch rồi, đến chỗ như như lại còn hiện thân làm tất cả việc lợi ích cho chúng sanh, như thế mớilà Phật.
Nói pháp lành nhưng e chúng ta chấp pháp lành là thật, nên Phật bảo ngài Tu-bồ-đề: Pháp lành đó Như Lai nói tức không phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành. Ở thế gian nói thiện nói ác chẳng qua là tướng duyên thôi. Như thế thì nói pháp lành chẳng qua là cái tướng của duyên khởi, không có thật cho nên nói không phải pháp lành, nhưng giả danh tạm gọi là pháp lành. Làm đau khổ chúng sanh gọi là ác, làm an vui chúng sanh gọi là lành. Khi đạt đạo rồi, sống được bình đẳng thì thấy tất cả chúng sanh nào khổ mình giúp, giúp họ được vui tạm gọi là lành, chớ đâu phải thật có một pháp lành. Ðó là Tịnh tâm hành thiện, tâm hoàn toàn không còn ngã pháp mà làm lành.