- 01-Pháp Hội Nhân Do
- 02-Thiện Hiện Khải Thỉnh
- 03-Đại Thừa Chánh Tông
- 04-Diệu Hạnh Vô Trụ
- 05-Như Lý Thật Kiến
- 06-Chánh Tín Hy Hữu
- 07-Vô Ðắc Vô Thuyết
- 08-Y Pháp Xuất Sanh
- 09-Nhất Tướng Vô Tướng
- 10-Trang Nghiêm Tịnh Ðộ
- 11-Vô Vi Phước Thắng
- 12-Tôn Trọng Chánh Giáo
- 13-Như Pháp Thọ Trì
- 14-Ly Tướng Tịch Diệt
- 15-Trì Kinh Công Ðức
- 16-Năng Tịnh Nghiệp Chướng
- 17-Cứu Kính Vô Ngã
- 18-Nhất Thể Ðồng Quán
- 19-Pháp Giới Thông Hoá
- 20-Ly Sắc Ly Tướng
- 21-Phi Thuyết Sở Thuyết
- 22-Vô Pháp Khả Ðắc
- 23-Tịnh Tâm Hành Thiện
- 24-Phước Trí Vô Tỷ
- 25-Hóa Vô Sở Hóa
- 26-Pháp Thân Phi Tướng
- 27-Vô Ðoạn Vô Diệt
- 28-Bất Thọ Bất Tham
- 29-Uy Nghi Tịch Tĩnh
- 30-Nhất Hiệp Tướng Lý
- 31-Tri Kiến Bất Sinh
- 32-Ứng Hoá Phi Chân
KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
ÐOẠN 12
ÂM:
TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO.
Phục thứ Tu-bồ-đề! Tùy thuyết thị kinh nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian thiên nhân A-tu-la giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu nhân tận năng thọ trì, độc tụng. Tu-bồ-đề! Ðương tri thị nhân thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp. Nhược thị kinh điển sở tại chi xứ tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.
DỊCH:
TÔN TRỌNG KINH ÐIỂN CHÂN CHÁNH.
Lại nữanày Tu-bồ-đề, tùy nơi nói kinh này cho đến bốn câu kệ v.v. nên biết chỗ này, tất cả thế gian trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống nữa có người trọn hay thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hy hữu. Nếu kinh này ở chỗ nào ắt là có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.
GIẢNG:
Ðây nói về việc tôn trọng kinh. Như chúng ta đã biết trong phần trước, vì kinh này chỉ thẳng cái thể chân thật bất sanh bất diệt cho nên nó có giá trị vô lượng vô biên không gì sánh được. Thế nên người biết được giá trị của kinh này thì ở chỗ nào có nói kinh này, dù là cõi người hay cõi trời cũng phải quý kính như là tháp miếu của Phật. Vì sao? Vì biết kinh đó chỉ cho chúng ta thấy được lẽ thật. Lẽ thật đó là cái cứu kính ít có trên thế gian này, nên kinh nói ra những lẽ thật đó chúng ta phải quí kính. Như vậy chỗ nói kinh, lời dạy của kinh mình đã quí huống nữa là người thọ trì đọc tụng kinh. Thế nên đối với người thọ trì, đọc tụng kinh mình cũng phải quí kính, biết người ấy là người được pháp tối thượng đệ nhất hy hữu, nghĩa là tối thượng đệ nhất ít có. Do đó nói kinh này ở chỗ nào tức chỗ đó có Phật hoặc là có đệ tửlớn của Phật.
Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu lầm, cứ đóng cái khám đẹp, sơn son phết vàng rồi đem quyển kinh để trong đó thờ và nói chỗ đó có Phật. Như vậy Phật hiện được không? Kinh chẳng qua là chữ, là mực là giấy để viết chữ. Vậy kinh này cũng chỉ là giấy mực mà thôi, chớ không có giá trị siêu thoát gì cả, siêu thoát chăng là nhân chúng ta đọc, hiểu, ứng dụng tu, chớ nếu chúng ta cứ để thờ, lạy hoài thì cũng trở thành mê tín thôi. Chúng ta nhân nơi kinh này mà hiểu đạo, hiểu đạo thì biết kinh này là quí. Quí là nhân nó mà hiểu đạo chớ không phải nghe nó quí rồi để thờ hoài. Vì vậy chúng ta hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, giá trị của lời dạy cao siêu tuyệt đỉnh nên chúng ta rất quí trọng kinh này. Kinh đã quí thì người thọ trì đọc tụng lại càng quí hơn nữa. Thế nên kết luận là chúng ta phải trọng kinh và trọng người trì kinh. Ðó là ý nghĩa chân chánh.